Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


13 CON GIÁP

     *Đùng một cái, xuất hiện khu vườn tượng 12 con giáp! Vui ơi là vui, mà sao gọi là con giáp trong khi có sự xuất hiện sờ sờ ông Giáp, bà Giáp trong đó hè? theo tôi thì nên gọi 12 ông bà giáp mới đúng, không nên gọi 12 con giáp như lâu nay, nó bất nhã, vì đây không phải là con vật mà rõ ràng là con người đầu thú, theo văn học thì khi ta sử dụng con vật, đồ vật để gán ghép vào đó những suy nghĩ, cảm xúc như con người, thì gọi là phép “nhân cách hóa”, còn 12 ông bà giáp ở đây ngược lại, rõ ràng là người, mà lại gán ghép cái đầu của con vật, mà trong đó… tất nhiên rồi, nó có bộ não!!! Vậy có nên gọi là phép “vật cách hóa” không hè?
     *Thôi thì miễn bàn chuyện đó nữa, bây giờ ta “tập trung chuyên môn” vào chuyện 12 ông bà giáp “cuỗng trời” đứng cạnh nhau, 12 ông bà này mà “sống chung” như vậy, cho dù có xiêm y cực kỳ nghiêm chỉnh đi chăng nữa, thì giữa họ cũng xầm xì to nhỏ, nói cạnh nói khóe, bươi móc thói hư tật xấu nhau ra, chửi bới suốt ngày, huống hồ chi họ… “nuy 100%” nữa, thì riêng chuyện họ chỉ chỏ chỗ “nhạy cảm” của nhau, rồi đàm tiếu, rồi cười cợt, rồi chuyện nhỏ, chuyện to, rồi tán tỉnh, rồi tranh giành, rồi đánh nhau, rồi…đủ thứ, ai mà chịu nỗi!
     *Xin đơn cử, một hôm ông Trâu xầm xì với bà Mèo, ông Lợn, rằng…cái lão Chuột là tay chuyên đục khoét, nó ăn “không chừa thứ gì”, nó kéo đàn, kéo bè, kéo cánh, kéo nhóm…lợi ích, ăn tàn phá hoại, tấn công hầu hết các kho lương, cái ăn, cái phá làm cho cạn kiệt “gia tài của mẹ”, thế mà mở miệng ra là rao giảng đạo đức, với cống hiến, với phụng sự…thấy mà ghét! Chẳng phải dạng vừa, ông Chuột lại nhỏ to với ông Khỉ, ông Dê, bà Rắn, rằng thì là… lão Trâu cũng chẳng hay ho gì, nghe nói lão ta sẵn sàng đổi 80 bạn trâu để lấy một “tiến sĩ giấy” làm cảnh chơi, lãng phí ơi là lãng phí, thế nhưng mở miệng ra là…chí công vô tư, là tiết kiệm, là vì sự nghiệp…thấy phát ớn! Lại chuyện bà Rắn to nhỏ với bà Gà, ông Hổ rằng mụ Mèo tài cán chi đâu, loại xoàng, bằng cấp toàn là tại chức với chuyên tu, nhưng được cái Hotgirl, tóc dài da trắng, nên được lão Dê “nâng đỡ không trong sáng” mà thăng tiếng thần tốc, chỉ một thời gian ngắn ngắn đã nắm quyền hành sinh sát trong tay, tài sản theo chức vụ mà tiền muôn bạc tỷ, rồi mụ Mèo thầm thì với ông Rồng, bà Ngựa, ông Heo về lão Hổ, cái lão ỷ sức mạnh coi ai không ra gì, không ai “đả Hổ” nổi, nên ngang tàng, hống hách coi thường dư luận, tài sản bất minh nhiều như núi, đất rừng, đất ở, biệt phủ… cơ ngơi như ông hoàng Ả Rập mà bảo do buôn chổi đót, chạy xe ôm, nuôi gà, nuôi lợn, làm nông…mà có! Thiệt “coi Trời như lá má”! Cũng không vừa, ông Hổ rỉ tai ông Trâu, ông Cẩu, bà Gà mà rằng…tiên sư lão Khỉ, lão thối hoắc trong ruột mà làm ra vẻ ta đây bảo vệ rừng, giữ rừng ghê gớm lắm, được giao nhiệm vụ kiểm lâm, thế mà số lượng gỗ quí mà lão Khỉ làm nên ngôi biệt phủ ước chừng phải triệt phá mấy khu rừng đại ngàn mới đủ, lão còn lẻo mép là tài sản, cơ ngơi đó do một tay vợ lão làm nên, chứ lão hoàn toàn vô sản, chỉ ở tạm cõi hư vô của vợ mà cúc cung phụng sự đất nước quê hương…thiệt tình!
     *Đó là những “mâu thuẫn để phát triển” giữa 12 ông bà Giáp dài triền miên, vô hồi kết, kể hoài không hết, còn chuyện “đụng chạm” tế nhị hằng ngày cũng vô thiên lủng…củng, tỉ như… ông Dê hay phân bì sao cái của ông Hổ to thế, cái của bà Gà có tí tẹo, lão Khỉ thì trêu cặp bưởi mụ Mèo bên to bên nhỏ, rừng mụ Mèo thì rậm rịt như rừng nguyên sinh, còn rừng bà Rắn thì thưa thớt như vừa bị kiểm lâm, í lộn lâm tặc cho xóa sổ…vân vân và vân vân.
     *Nói tóm lại, mười hai ông bà Giáp ở truồng đứng cạnh nhau là không ổn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cần thiết phải có ông Giáp thứ 13 để lập lại trật tự và thống lĩnh 12 ông bà Giáp đó, đưa tất cả vào quĩ đạo, không còn cãi vả, xầm xì, to nhỏ, nói xấu, tranh giành, chọc ghẹo, đánh nhau nữa…
     *Nghe đồn ông Giáp thứ 13 đã xuất hiện ở vườn tượng 12 ông bà Giáp, với vai trò thủ lĩnh, như vậy chính thức có tên là vườn tượng 13 ông Giáp, ông Giáp thứ 13 có tên là ông Lã Bất Thường, cũng nghe đồn ông Giáp thứ 13 này được phép mặt tà-lỏn, nhưng là tà-lỏn xịn, chứ không phải “tà-lỏn dây thun giãn” của Lào, nhất định ổng không chịu “cuổng trời” như mấy ông bà tượng kia, lý do: ổng sợ bị mấy ông bà tượng kia chỉ chỏ vào chỗ ấy rồi “chọc quê”…yếu mà ra gió, tí tẹo mà dám “khoe hàng” với đám anh hùng Lương Sơn…Bự!

THƯỜNG ĐOÀN- K.9

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Thơ ĐỖ KHƯƠNG BÌNH.


RU CON

Ru con ngày tháng mỏi mòn
Ru con yên giấc héo hon lòng sầu
Một mình gánh cả nỗi đau
Nặng trong lòng mẹ bể dâu ngút ngàn
Ru con đời mẹ dở dang
Đời con côi cút trần gian vắng Người

MẸ
(Mùa vu lan lại về)

Mẹ không dám bước qua sông
Thương con còn nhỏ nhìn dòng nước trôi
Bây giờ mẹ đã già rồi
Sông xưa dòng cạn bãi bồi bến xa

TRÒ CHƠI

Con ngồi lặng ngóng đêm thâu
Mẹ ngồi khâu vá bể dâu cuộc đời
Cõi trần là một trò chơi
Hơn thua cũng bỏ đất trời ra đi

VU VƠ

Em lại gọi tiếng ve về vườn cũ
Chia cho ta những nỗi nhớ vô tình
Tuổi xuân thì em gởi cõi từ bi
Hạ còn lại nửa mùa bên thềm rêu cũ

CÒN AI?

Thơ tôi chừ đã cạn dòng
Tình tôi em giấu giữa lòng mây trôi
Ngày đi giẫm tóc bạc rồi
Rượu cay đầy chén ai ngồi cùng tôi?

Đỗ Khương Bình - K16

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Vọng Lời Ầu Ơ


Ta về trầm lặng nốt đau
Ngây trời diễm ảo đượm màu nguyên trinh
Ngày nghiêng nghiêng xế bóng hình
Giọt rơi lắng đọng giật mình xót thân

Ờ thì dâu bể cuộc trần
Tao nôi tay mẹ tần ngần nhớ ơi
Tiếng gì như thể lá rơi
Trắng bay sương muối vọng lời ầu ơ

Trằn đêm chuông điểm hững hờ
Dế than khô khốc vần thơ lạc loài
Nhặt khoan trĩu mối u hoài
Giá chi tố lốc mãi ngoài mé hiên

Mẹ ơi tịch mịch vô biên
Thiên thu xa ngái triền miên ngoái về
Hổn mang bề bộn ê chề
Gói trong tiềm thức bốn bề hoang vu

Thạch Thảo viên, Tuesday, March 20, 2018.
Vũ Đan Huyền. - K7

Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

NHƯ GIẤC MƠ QUA


Khi màu nắng đã xế chiều
Người ta hay nhớ về một thời tuổi nhỏ
Những mộng mị thần tiên còn nằm nguyên đó
Ngày ngọn gió chiều thổi dạt cánh diều bay

Khi ước mơ còn ấm vòng tay
Cơn nắng trưa hè cháy vàng trên tóc
Theo áng mây chiều chờ vầng trăng mọc
Đêm thánh thần huyền diệu giấc mơ hoa

Càng lớn rồi càng lại cách xa
Ngắm lá thu rơi nghe lòng thương nhớ
Chiều bâng khuâng len vào hồn mới mở
Gom giọt nắng hồng về tô điểm màu môi

Là vô tư chợt mất đi rồi
Cơn lốc cuộc đời rực nồng nắng hạ
Đường ta đi gập ghềnh sỏi đá
Gai nhọn trường đời làm trái tim đau

Khi xanh tươi chợt thoáng úa màu
Vết thời gian hằn sâu trên gương mặt
Đó là lúc lòng buồn héo hắt
Ta trở về nguồn qua những giấc mơ

Ngày tháng nào tươi đẹp như thơ
Đã ngủ yên bên đồi dỹ vãng
Một đời người chợt qua như gió thoảng
Còn lại gì chỉ là những niềm đau .

Nguyễn Tấn Lực - K6

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thiên nhiên và ngoài trời

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN



PHONG BA NGỮ PHÁP

     Xin đừng hiểu nhầm là từ mới trong tự điển tiếng Việt, tìm đỏ con mắt trong đó cũng không thấy đâu! nó cũng giống như từ “thấu cảm” mà vừa rồi một vị đỉnh cao trí tệ nào đó đã đưa vào đề thi quốc gia khiến các nhà “qôn qữ” học tra tự điển mờ mắt cũng không ra…xin nói nhanh luôn cho dễ hiểu: phong ba ngữ pháp là viêt tắt của câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN” mà giới giang hồ luôn nói tới.
* Chuyện 1:
     Vừa rồi thằng tui đi du lịch Bắc Ninh, đến đất này mà không nghe hát quan họ là không phải dân chơi, là cù lần lắm, tui lọ mọ đi cho biết, mà đã đi thì phải chụp ảnh, phải đăng fb, nếu không thì cũng…cù lần luôn, vì fb bảo như vậy. Ai ngờ đâu vợ phát hiện ra điều gì đó, tự nhiên nhìn mình bằng đôi mắt mang hình…con dao thái thịt, bảo:
- Ông nằm úp xuống đây, chìa…mông ra!
- Roi mây mà bà quất kiểu đó thì còn chi cái bàn tọa, nhưng mà phải
cho biết lý do vì sao chứ?
- Do với trấu gì? đi chơi với vợ sao ông lẻn đi một mình, tìm chỗ ăn bánh trả tiền là sao? bánh nhà ăn không trả tiền sao ông không chịu ăn?
- Oan thấu trời xanh, tui đi ăn bánh hồi nào? Bằng chứng đâu?
- Thì đây…ông vào “nhà chứa” rõ ràng ràng đây này, ảnh trên fb đây này, “nhà chứa” ở Thái Lan gọi là nhà thổ, đúng không? Còn ở VN mình, bảo đó là nơi kinh doanh “vốn tự có”, nơi thì bảo… “lò ấp gà móng đỏ”, nơi lại bảo…ổ đĩ điếm! Vậy ông vào chốn đó làm gì? không phải ăn bánh trả tiền thì để “làm thơ” chắc?
- Ôi làng nước ơi, tầm bậy hết sức, tôi vào đó tham quan là hết sức thanh lịch, văn minh, thể hiện tính văn hóa, lịch sự, lịch lãm, thể hiện tinh thần yêu văn hóa, văn nghệ, tinh thần thưởng thức nghệ thuật văn hóa dân tộc cao…
- Im cái mỏ ông lại, đừng có bao biện, văn minh thanh lịch gì mà phải vào “nhà chứa”?
- Úi giời, bà “đậu phụng hậu”, đây là hình ảnh “Nhà chứa quan họ” ở khu Đương Xá 3, phường Vạn An, tp Bắc Ninh, xây dựng gần 6,8 tỉ đồng, mới được bàn giao đưa vào sử dụng! úi giời ơi tưởng gì…
- Thì “nhà chứa quan họ” chớ tui nói có sai đâu? Đó không phải là nơi dành cho…họ, tức là “các quan vào ăn bánh trả tiền” à? Ông có phải là quan đâu mà cũng bày đặt vào đó?
- Biết nói sao cho bã hiểu đây hở trời? thôi, roi mây đó cứ quất thêm vào đít cái thằng tôi, ai biểu dại dột đến mấy chỗ “phong ba ngữ pháp” làm chi mà bó tay không giải thích được chữ nghĩa cho vợ hiểu, ráng chịu mình ên vậy!
* Chuyện 2:
      Vừa về đến nhà, tui phấn khích la to:
- Vợ ơi, vợ…trúng mánh rồi, phen này chắc giàu to thôi, tin tôi đi…sắp tỉ phú đô-la rồi!
- Thôi ông quơi, đừng làm tui mừng húm, tui chỉ mừng hụt ông thì có, mà nhiều lần rồi… nhưng cớ sự sao nói tui nghe coi?
- Thế này nhé, ngay bây giờ bà thu mua đậu xanh thật nhiều cho tui, có bao nhiêu mua hết!
- Để làm gì?
- Để tui sản xuất giá đỗ! còn nữa, có bao nhiêu cơ sở sản xuất giá đỗ trong thành phố này, bà liên hệ đặt hàng, bảo họ sản xuất được bao nhiêu, thu mua tất.
- Nhưng tui muốn biết ông làm gì với khối lượng giá đỗ khổng lồ đó?
- Bí mật, thiên cơ bất khả kháng, í lộn…lậu! rồi bà sẽ thấy, cứ y án mà làm, khi nào bà ngồi đếm tiền đô mỏi tay, lúc đó sẽ biết.
     Buổi sáng một ngày đẹp trời, một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh, buổi sáng mà trên trời có những đám mây bàng bạc, cả gia đình tôi, vợ chồng con cái đều huy động hết, thuê chục xe tải chở giá đỗ đến điểm tập kết, trong khi vợ con tui lòng đang nao nức hoang mang, không biết cái dụ gì?, còn tui thì không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tui như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng! Ôi chao, con đường này tui quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tui thấy lạ, cảnh vật chung quanh tui đều thay đổi, vì chính lòng tui đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tui chở giá đến điểm thu mua, hy vọng bán số lượng lớn để làm giàu…Đoàn xe đang ngon trớn, tui ra lệnh dừng lai, háo hức nhảy xuống:
- Theo lệnh tui, mọi người xuống xe, ai nấy chuẩn bị phần việc của mình, chuẩn bị tác chiến, chuyển hàng cho phía đối tác, mọi người chờ tui liên hệ , lát nữa sẽ chuyển hàng…
Tôi phóng như bay vào trạm thu mua, lát sau quay trở lại đoàn xe chở giá đổ, thều thào với vợ con:
- Ở đây có quầy thuốc tây nào, thằng Tèo chạy mau đến mua cho cha mấy viên trợ tim, nhanh nào…xong tui ngã ra bất tỉnh!
Sau một hồi nhiệt tình cạo gió, thằng tui cũng…tỉnh lại được, mọi người tra hỏi:
- Chỗ nào thu mua giá đỗ? chỗ nào?
     Tui mếu máo chỉ tay về phía đằng kia….
- Đồ điên! đó là trạm thu phí đường bộ, họ mua giá đỗ của ông mà tế à?
- Ai biết đâu? thấy họ đề tấm biển bự chảng là TRẠM THU GIÁ mà…chừ biết tính răng? Thôi phiền mọi người chở đi đổ bỏ vậy, hic, hic…tàn giấc mơ tỉ phú rồi, hic… lại lạc tới chỗ… “phong ba ngữ pháp” nữa rồi, hic…

THƯỜNG ĐOÀN- K.9

KHÓC DẦN ĐI !!!


BIỂN NAM Ô CÓ THẰNG Ô DÙ CHO trung thủy

Nước mất dần bởi giá đất cao ngất ngưỡng!
Dân Sơn Trà chuyển nhượng đất để tha hương...

KHÓC DẦN ĐI !!!

Lão nông ngồi thẩn thờ
nhìn ruộng đồng cha ông mình bị cướp,
Bao giờ tìm lại được
Màu mạ non xanh mướt, mát làng quê?
Ngay tại đó, ngày mai
vài cháu gái tất tả đi về,
để làm cỏ cho cỏ đất sân gôn ngoài nước …

Lũ cháu trai sau một lần say khướt,
gõ cuốc hát bài vĩnh biệt quê hương
Họ lặng lẽ lên đường
tha phương cầu thực…

…Đám ngư dân buồn buông tay bất lực,
vùi mặt vào bờ cát vàng
thảng thốt khóc rưng rưng,
đâu rồi thuyền cá chập chùng
đâu rồi chút lộc nồng của biển vàng trang trải ?
rồi mai này một vài cháu gái
gãy gập lưng còm,
khép nép bưng bê cá tôm dâng mời phường xôi thịt…

Những chàng trai trong một chiều biển giông mù mịt
núp dưới thúng chài
gõ nhịp hát bài ca
Kính lạy ông, lạy cha
cho cháu con đập mái chèo đi làm ma đất khách…

Đất mất dần từ phương Bắc,
Biển hẹp dần từ phía Đông,
Vua quan giành làm giặc
Khóc dần đi, giống Lạc Hồng !!!

Tổ quốc ơi - tôi hỏi thật - có còn không?

Vugia Vnl - K7

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thơ LÝ HOÀNG


Dương cầm vang vọng hoàng hôn
Tình nghe như đã vùi chôn lâu rồi
Đường xưa lối cũ phai phôi
Hôn hoàng rực tím chiều trôi qua dần
Hoang chiều nhẹ bước lâng lâng
Dương cầm thánh thót lúc gần lúc xa
Con đường ngày ấy mình qua
Giờ hoang lạnh quá xót xa tháng ngày
Đường chiều mây tím bay bay
Lắng nghe hồn vỡ tỉnh say nửa đời
Dương cầm qua khúc đầy vơi
Lá vàng rơi rụng nửa đời trở trăn.

LÝ HOÀNG - K8

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

TIẾNG VE THƯƠNG NHỚ


Tháng ba ve dậy gọi hè
Bâng khuâng hồi tưởng tiếng ve thuở nào
Tâm tư khởi nhịp nôn nao...
Không gian dĩ vãng đường vào tuổi thơ
Nhớ thương yêu quí vô bờ
Đông giang kỷ niệm...tôn thờ ngàn năm
Tiếng ve nay đã xa xăm...
Hoa râm, tóc bạc vẫn nằm trong tim
Khi trầm lắng đọng im lìm
Lúc cao bay bổng đi tìm lời thương
Trăm câu, vạn tứ vấn vương
Theo dòng ký ức cửu trường bạn ơi!
Đông giang tọa lạc giữa đời
Ngày xưa thân ái cơi ngơi tuổi hồng
Kỷ niệm xưa mãi đơm bông
Phục sinh ký ức sẽ không phai nhòa.

Hồ Tiến Triển - K7

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


BỆNH NHÀ QUAN

Hể nói đến quan, tất nhiên là không phải dân rồi, quan là cha mẹ của dân, xưa ông bà ta nói rứa, nên mới có từ "quan phụ mẫu", còn ngày nay thì sao? quan lại là đầy tớ, tất nhiên là không phải ông chủ rồi, dân mới là ông chủ! hoàn toàn đúng như vậy, mặc dù là đúng trên lý thuyết!

Người viết bài này nghiệm ra rằng, vì là đầy tớ cho nên lao động vất vả, cực khổ ví như...bán vé số thu nhập cao, bán chổi đót thu nhập đô, chạy xe ôm, làm nông, nuôi cá, gà....thu nhập khủng biết bao. Bên cạnh việc lao động vất vả, các quan ngày nay ăn uống cũng kham khổ lắm, họ làm việc cật lực đến độ quên mất bữa cơm gia đình vợ nấu, dành gần hết thời gian cho công việc phục vụ ông chủ, họa hằn lắm mới có tí thời gian ghé ăn tạm vài miếng đạm bạc ở các nhà hàng mà bọn chủ "khinh" nên cả đời không bao giờ đặt chân tới.

* Có lẽ vì thế mà các quan ngày nay mắc lắm thứ bệnh mãn tính chăng? đầu tiên phải kể đến là bệnh "quan liêu", cái bệnh có biểu hiện lâm sàng là "xa rời quần chúng", sách nhiễu, gây khó để hành mấy ông chủ ra bã chơi...nhưng nói chung, bệnh này cũng có cái lợi là dạy cho đám...ông chủ trở nên "biết điều", chứ không phải ỷ làm ông chủ rồi xin xỏ suông bằng nước bọt, mà không phải dùng đến phong bì cộng với nước bọt có ga! 
* Bệnh kế tiếp là bệnh "thành tích", căn bệnh này vốn trầm kha, y học bó tay không có thuốc đặc trị, vậy nên nó lây lan thành dịch trong đám đầy tớ, nhưng cũng phải công nhận mặt tích cực của bệnh này, nhờ nó mới có những con số đẹp như 100%, năm sau cao hơn năm trước...nhờ nó mới có từ ngữ đẹp như thành công rực rỡ, thắng lợi lớn, phát triển bền vững...
* Một căn bệnh nữa mà giới đầy tớ khổ cực hầu như ai cũng mắc phải, bệnh "báo cáo láo", bệnh này nặng nhất ở trong các bản báo cáo, nhất là báo cáo thành tích cá nhân lẫn tập thể, thậm nặng ở những chỗ mà trong ruột mục ruỗng, nằm bờ vực phá sản, nhưng cái vỏ bên ngoài vẫn đẹp, vẫn bóng láng, lại còn thể hiện trên báo cáo định kỳ bằng những ngôn từ mỹ miều, hoành tráng, những con số tuyệt mỹ hơn những đường cong ...tuyệt mỹ! bệnh này thường đến giai đoạn nào đó là nó "đột tử", bể một phát là loài ra bên trong thúi hoắc, giống quả táo Trung Quốc mua về thờ để 3 tháng còn tươi, vỏ còn bóng đẹp, nhưng mở ra thì bên trong hôi thối, mục ruỗng, thế thôi. 
* Kể bệnh nhà quan, mà không nói đến bệnh tâm thần là không công bằng, là phiến diện, bởi làm quan, sau khi kinh qua các bệnh mãn tính kể trên, cuối cùng thường mắc phải bệnh tâm thần...nhớ nhớ, quên, quên! kiểu như hồi đó tui bổ nhiệm có đúng qui trình không chẳng nhớ nữa, hình như hồi đó tui không ký cái nọ, cái kia...tội! Nói có sách, mách có bệnh viện... tâm thần, chứ tình hình củi lửa hiện nay, đốt củi tươi củi khô củi ướt cháy ầm ầm thì bệnh viện âm thần chuẩn bị...quá tải là cái chắc.

Thường Đoàn - K9

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

ẨM THỰC ĐẤT QUẢNG


Quê tôi Đất Quảng còn nghèo
Chỉ ưa bánh tráng, bánh xèo cuốn rau
Đôi khi có khách thăm nhau
Món cá nục hấp cuốn rau nhà trồng
Ngày mùa gặt hái cúng đồng
Thêm món Mì Quảng thoả mong nỗi thèm !
Rảnh rỗi Bánh đúc mắm nêm
Bánh tráng đập dập, lại thêm bánh bèo
Quê tôi Đất Quảng vốn nghèo
Nhưng giàu ẩm thực,..Bậu theo chàng về

Trần Ngọc Anh - K10

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


KHỔNG TỬ …TƯNG!


    *Hôm kia, Khổng Tử ngẫu hứng đột ngột trở về làng xưa, tìm thăm đám học trò cũ của mình, có 4 thằng học trò cưng mà Khổng Tử yêu mến đã được ngài nhắn tin qua Messenger hẹn gặp tại quán lẩu dê Hừng Hực để hàn huyên tâm sự sau bao ngày xa cách…Ngài đến trước gọi một hủ ngọc dương, ngồi lai rai trong lúc chờ đợi. Như mọi khi, Nhan Hồi đến trước, vừa bước chân vào quán:
- Ê thầy! lâu quá mới gặp lại thầy, mạnh giỏi luôn chứ thầy?
    *Khổng Tử há cái mồm rộng đến nỗi nếu đo được chính xác phải là 24,5cm
- Ậy, cái thằng này, thầy nhớ cái hồi đó mày không những học giỏi nhất lớp và còn lễ phép cũng nhất lớp nữa, thế sao bây giờ xưng hô với thầy sao cộc lốc, vô lễ thế?
- Thầy lạc hậu, thời đó thầy cứ nhồi nhét quan điểm Quân - Sư - Phụ vào đầu tụi con, xưa rồi Diễm, bây giờ tụi con được học trong môi trường… ưu việt, được đào tạo bài bản ở một nền giáo dục tiên tiến, cải cách liên hồi bất tận, cải cách đến độ thỉnh thoảng lại … “quay về chốn cũ”!
- Trò không nhớ gì câu “tiên học lễ, hậu học văn” sao?
- Sao không? Câu này nghĩa là…các vị tiên trên trời phải học lễ nghĩa, các bà hoàng hậu thời xưa mới học văn chương, học trò bây giờ không học ba thứ đó…
- Bây giờ ta cảm thấy lối ứng xử của trò rất chi là vô lễ, ta từng dạy “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thế mà…
- Ồ, thầy làm như tui không biết ? “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là… “một cái chùa có một ông sư, bán cái chùa còn lại ông sư”, ngày bữa gì, cái chùa nằm ở vị trí đất vàng 2 mặt tiền, kiếm cớ giải tỏa lấy đất bán… hốt đủ!
- Hệ quả của nền giáo dục tiên tiến làm thầy chóng mặt quá…
- Này, vừa phải thôi thầy nha, coi chừng em “bụp” thầy gãy răng chừ, lớp 8 còn bóp cổ cô giáo được nữa là tui…
- Ê, chào thầy, chào Nhan Hồi…
- Thầy chào em, Tử Cống, em mạnh giỏi chứ?
- Bình thường như Đan Trường, thưa thầy.
- Lại vô lễ với thầy cô, lại ăn nói cộc lốc, thô lỗ, mày chung trường với Nhan Hồi chắc?
- Không chung trường như cùng thụ hưởng chung một nền giáo dục tiên tiến.
- Thế em con nhớ câu “tiên học lễ, hậu học văn” chứ?
- Sai rồi thầy, câu đúng của nó là… “tiên học võ, hậu học văng” mới đúng!
- Nghĩa là…
- Thầy không biết à? Nghĩa là trước phải học võ, để có dịp đánh hội đồng bạn học, mấy đứa nhìn thấy ngứa mắt đó, rồi quay clip tung lên mạng, hoặc để phòng thân khi bị thầy đánh, nếu cần đánh thầy trên bục trước lớp luôn. Còn hậu học văng (chứ không phải văn) nghĩa là phải học những câu văng tục chửi bới, thầy xem clip học sinh đánh hội đồng bạn trên mạng chưa? Nghe văng tục chưa?
- Chúng em chào thầy…
-Thầy chào các em, Tử Lộ và Tử Trương, hai đứa có vẻ lễ phép hơn thằng Nhan Hồi và Tử Cống?
- Tụi con cũng cùng “hưởng” một nền giáo dục như hai thằng kia thôi, nhưng lễ phép, biết điều hơn tụi nó chút xíu, bởi vì tụi con làm nghề dạy học, nếu không…
- Nếu không thì sao?
- Nếu không thì bị ăn đòn te tua, nghề dạy học bây giờ là nghề nguy hiểm và áp lực ghê gớm lắm, chứ không như thầy dạy tụi em khi xưa đâu, nào là trò đánh thầy, trò bóp cổ cô, phụ huynh tát thầy, phụ huynh bắt cô quỳ gối…
    *Khổng Tử thở dài một hơi đo được 1m 84 mà rằng:
-Đã đến thời mạt…rệp rồi sao? Truyền thống tôn sư trọng đạo vứt xó rồi sao? giáo dục kiểu gì mà thành quả là sự vô cảm, vô giáo dục, ru ngủ nhau bởi sự dối trá, lừa lọc, phỉnh phờ, “nói đàng làm nẻo”… trở thành hệ thống và phổ biến.
- Bớt giận thầy, thầy nói trúng hết nhưng cũng có cái …trật!
- Trật chỗ nào?
- Trật ở chỗ là Záo Zụk chứ không phải giáo dục!
- Thầy thấy giáo dục hiện nay đổi thành záo zụk là đúng bản chất đó, thầy sai rồi…lạc hậu quá, nhưng mà này, Tử Cống, Tử Trương…dù sao thì cũng cố giữ lấy nghề dạy học nghe các con, ta nghe nói … nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đúng không nào?
- Lại trật nữa…bây giờ phải đổi lại thế này mới đúng thầy nè… nghề dạy học là nghề “cô quỳ” nhất trong các nghề “cô quỳ”!
    *Khổng Tử bèn ngửa mặt lên trời khóc 3 tiếng, úp mặt xuống đất cười 3 tiếng, xong bỏ đi, quên mất tính tiền, để lại 4 thằng trò cưng chung nhau trả, bọn chúng còn lâu mới hiểu được ý nghĩa hành động đó của bậc thánh hiền thầy nó, chúng nó chẳng “thấu cảm” mà còn bảo ổng…tưng tưng!

THƯỜNG ĐOÀN- K.9

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

TÔI BƯỚC ĐI


Tôi bước đi... sau ngày tàn chinh chiến
Đón thanh bình bên đồi núi rừng hoang,
Nghe cô đơn, nghe thương nhớ dâng tràn
Nghe gió rít từng cơn buồn ảo não.

Tôi bước đi... trong giấc mơ huyền ảo
Tìm chân trời có ánh sáng thật tươi
Lá cây xanh, đồng lúa với nương đồi
Nước róc rách chảy đều bên dòng suối.

Tôi bước đi... cỏ hoang che ngập lối
Mảnh hồn non nếm vội chút hương đời,
Để thấy mình như chiếc lá chơi vơi
Để hiu quạnh mỗi khi trời mưa tới.

Tôi bước đi... buồn dâng cao vời vợi
Chỉ một mình giữa đất lạ trời xa
Bỏ lại sau lưng lứa tuổi ngọc ngà
Nếm cay đắng, xót xa thời mới lớn.

LÊ THỊ NGỌC YẾN - K8

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

MẸ TÔI


Trời mưa ướt áo mẹ rồi
Mưa rơi hạt nặng mẹ tôi lưng còng
Tháng ngày vất vả long đong
Một đời sương phụ giấu dòng lệ rơi
Mưa còn mưa nữa mưa ơi !
Mẹ về gánh hạt mây trời qua sông

Trời còn mưa nữa mẹ ơi !
Thân gầy như chiếc lá rơi dọc đường
Con nghe tiếng vọng trùng dương
Mẹ về bước lạc giữa đường nhân gian
Mưa còn rong ruổi đi hoang
Sông sâu bến lở đò ngang níu sào
Mẹ về quần ống thấp cao
Chợ trưa mẹ gánh cơn mưa cuối mùa

Đỗ Khương Bình – K16

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Ngưỡng mộ K8 ĐÔNG GIANG



*Hướng tới 55 năm, ngày thành lập Trường Trung Học Đông Giang (1963-2018), nay là THPT Hoàng Hoa Thám Đà Nẵng.
Trong hai ngày 3&4/3/2018 anh chị em CHS lớp 6A/ K8 Đông Giang đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị và bổ ích, thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo, tình nghĩa trường lớp bạn bè, đồng thời sơ kết và tiếp tục đẩy mạnh công tác tương ái trong anh chị em lớp 6A/K8 mà cách đây 48 năm đã cùng chung một thời đèn sách.

*Đặc biệt nổi bật và thu hút đến nao lòng đó là bên cạnh quí thầy cô đáng kính, các bạn đã tái hiện hình ảnh “một thuở học trò” với áo dài nón lá, áo trắng quần xanh, bảng tên trường ĐG đĩnh đạc trên ngực áo của từng gương mặt hớn hở ... xem ra đã đáng bậc ông bà.

*Trên tinh thần tương ái, trong thời gian qua, từng cá nhân các anh chị cộng với việc nỗ lực mở rộng quan hệ quyên góp từ nhiều nguồn lực khác nhau Lớp 6A/K8 tích cóp đến nay được gần 300 triệu đồng. Từ nguồn nầy, ban quản trị lớp đã đầu tư 3 con bò giá 22 triệu, giúp hẳn cho anh Nguyễn Văn Hoàng ở Tiên Phước để thoát nghèo. Dựng căn nhà cho chị Nguyệt ở Nông Sơn 20 triệu đồng, dựng căn nhà cho anh Đinh Thủ ở Quế Sơn 70 triệu đồng. Làm mới căn nhà 100 triệu đồng cho bạn Nguyễn Bút ở Quế Lâm Hiệp Đức. Tạo quan hệ, xin được một căn chung cư tương ứng 50 triệu đồng cho bạn Nguyễn Anh Vũ...Bên cạnh đó, việc thăm hỏi đau ốm, hiếu hỉ và khuyến học trong từng gia đình anh em cũng luôn được lớp quan tâm chu đáo.

Một cụm lửa hồng lan toả và vút lên mang theo bao ký ức và hoài vọng, thấm đẫm tình yêu học trò... nhưng bây giờ là ngọn lửa nồng ấm, ngọn lửa chia sẻ yêu thương từ 6A/K8. Các bạn đã trọn vẹn một đêm như thế! Ngọn lửa được nhen lên từ ngôi nhà vườn xinh xắn của một bạn 6A, bạn Phùng Tấn Viết.
*Các bạn đang rực cháy vì chúng ta,
* Rực cháy vì Đông Giang thân yêu.

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Sạ Gót Xuân Sang


Người về sạ gót xuân sang
Gieo hạt nắng ấm bạt ngàn thông xưa
Tình nồng muôn thuở đong đưa
Hàn huyên say giấc thơ chưa kịp vần

Người về gió có bâng khuâng
Vành môi khép mở phân vân nghẹn lời
Cụm mây trắng lạc cuối trời
Quê cha lẫn khuất mù khơi phận người

Chân đê bóng mẹ rộ cười
Gói trong tiềm thức hoa tươi có còn
Người về hẹn nước cùng non
Cỏ mòn cố xứ trăng tròn nguyên khai

Thạch Thảo viên, Chiều mồng hai Tết
Saturday, February 17, 2018.
Vũ Đan Huyền - K7

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


MAY MẮN ĐẦU NĂM


*Vừa về tới nhà, thấy vợ nhịp nhịp cái roi mây, biết có vấn đề:
- Ông nằm úp xuống đây, nói cho tui nghe…số tiền lớn này ở đâu ra?
*Vừa nói, mụ vợ vừa móc trong ví tui ra số tiền 5000 dollar, tui điếng
hồn, quớ làng ơi, sao tui đãng trí thế không biết, số tiền lớn thế mà không dấu tiệt, để trong ví, à mà nhớ rồi…để trong ví vì hôm trước đi nhậu, cố ý ló cạnh để lòe mấy em tiếp thị bia đó mà, ngu quá, ra khỏi nhà mà để ví ở nhà, thôi chết rồi, giờ tìm cách đối phó thôi:
- Đó là số tiền tui tranh thủ chạy xe ôm ban đêm, chưa kịp báo cáo với bà.
- Nói dối chuyên nghiệp không biết ngượng mồm, ban đêm ai đi nhậu cùng mấy em chân dài cho ông, mà ông đi xe ôm?
- À quên, để nhớ thử coi, à nhớ rồi…tiền đó do tui mua lá chít về bệnh chổi đót đem xuống chợ bỏ mối mà có đó!
- Đồ đĩ miệng, láo thế mà cũng nói được, bán chổi đót thu tiền đô, Bill Gates kêu ông bằng thầy chắc!
- À, nhớ rồi, tiền tui thu được do nuôi gà…
- Vả vào cái mỏ chó ông chừ, ông nuôi mấy con gà đá, gà cảnh chỉ tổ tốn thêm tiền, đó là chưa kể ông nuôi mấy con gà bốn năm chục ký, nó ngốn tiền như ngốn…bia lạnh , tiền mô ông có dư?
- Già rồi lẩm cẩm thật, chính xác là tiền tui có được do làm nông, tăng gia sản xuất, đây này…thối một cái móng tay nè, bà thấy không?
- Thấy này, thấy này…ông coi tui là đồ con nít chắc, ông được cái…nói dối đến thối cái mồm, chứ lao động gì đến thối móng tay ông? trồng mấy luống rau sạch để ăn cũng không nên hình, còi cọc, lớn không nỗi mà nói làm nông dư tiền xây biệt phủ! Con lạy cha … không nói nhiều, bây giờ tập trung chuyên môn:
- Trả lời câu 1: Tại sao có số tiền lớn mà không khai báo với vợ, lúc nào cũng nói không có tiền? trả lời câu 2: Ông có số tiền lớn như thế, sao hôm trước bảo ông đưa tiền nộp học phí cho con, ông nói không có?
- Làm gì có chuyện đó? Tui… “không nói chứ không phải nói không” !
- Lại ngụy biện, xảo ngôn, không nói này, không nói này…
- Á đau, á đau…chảy máu miệng rồi này, bà dừng lại ngay!
- Làm gì dừng, ai đánh ông? Tui chỉ “gạt tay trúng má” tí chút thôi mà…
- Đến lượt bà ngoa ngôn, xảo ngữ, gạt tay kiểu chi mà tui sái quai hàm thế này…
*Đau quá, tui chạy xuống bếp quơ đại cái chày, chạy lên đập vào mặt bả mấy cái, nhìn lại thấy bả xịt đỏ.
- Bớ làng nước ơi, ông giết tôi đấy à? Chồng ơi là chồng, làng nước ơi là làng nước…
- Bà làm gì mà la toáng lên thế? Ai đánh bà? Bà… “tự đập mặt vào gậy” đấy chứ! Thôi, để tui đi lấy thuốc đỏ, bông băng, rửa vết thương cho bà, cả cho tui nữa…
- Rửa vết thương thì rửa, đừng có điếm lác mà bảo… “thuốc không có tác dụng chữa bệnh, nhưng không phải là thuốc giả “ nghe cha! Chừ cha khai báo thành khẩn đi, số tiền 5000 dollar, ở đâu có?
- Nhờ mụ vợ “gạt tay trúng má” chừ tui mới tỉnh ngộ, nhớ ra…tiền 5000 dollar là do nhà nước phát cho dân, tính trên đầu người để dân tiêu pha, mua sắm cho vui! bà và các con ai cũng có, nhưng chưa nhận thôi, tui tranh thủ nhận trước…
- Tỉnh ngủ chưa rứa ông? ông là dân Singapore chắc? Sin họ giàu, ngân sách dư thừa, họ đem phát cho dân hưởng, còn ông gánh nợ công, cột sống cong như vành nia mà mơ…
- Bà này đúng là ếch nằm đáy giếng, bà không hay biết gì sao?
- Biết gì? Trăng sao gì?
- Thì tiền nhà nước thu hồi từ tham nhũng, tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn đều thu hồi tất tần tật, nghe đồn trả hết nợ công xong, còn dư thừa trong ngân khố quá nhiều, không biết phải làm gì, bèn phát cho dân tiêu chơi vậy…mỗi người 5 ngàn đô đó tha hồ tiêu, tui đi tiêu tiền đây!
- Ê, đứng lại, láo toét này, láo toét này…
- Oái, oái, thả ra, thả ra…nghẹt thở, nghẹt thở…dậy, dậy… má nó nằm mơ thấy gì mà ôm chặt cái cổ tui, chút xíu nữa là hết thở! hú hồn! hú hồn…may quá, chỉ là giấc mơ.

THƯỜNG ĐOÀN – K.9