Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Thơ (Ghép tên 44 ca khúc của cố NS TRỊNH CÔNG SƠN )


Tự tình khúc..
Nhìn những mùa thu đi, vàng phai trước ngõ.
Những con mắt trần gian, rơi lệ ru người,
Trong nỗi đau tình cờ, tôi ơi đừng tuyệt vọng .
Còn có bao ngày, cũng sẽ chìm trôi ...

Một ngày như mọi ngày, người về bỗng nhớ ,
Thương một người, rồi như đá ngây ngô!
Hạ trắng, mưa hồng, bốn mùa thay lá,
Từng ngày qua, biển nhớ, sóng về đâu?

Em đến từ ngàn xưa, biết đâu nguồn cội?
Dấu chân địa đàng, như một vết thương...
Em đi trong chiều, gần như niềm tuyệt vọng!
Phúc âm buồn, nghe những tàn phai...

Hãy yêu nhau đi, đời cho ta thế.
Cúi xuống thật gần, yêu dấu tan theo!
Cỏ xót xa đưa, hoa vàng mấy độ,
Vườn xưa, cát bụi, vết lăn trầm...

Như cánh vạc bay, bay đi thầm lặng.
Chìm dưới cơn mưa, một cõi đi về,
Lặng lẽ nơi này, ru đời đã mất!
Rừng xưa đã khép, Bống bồng ơi ..

THƯỜNG ĐOÀN (K.9)

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

NGƯỜI THẦY CẦM LÁI



.(Kính tặng Thầy Lâm Sỹ Hồng) 

Hỡi năm tháng đã đi vào dĩ vãng
Đưa tôi về những kỷ niệm thân thương
Đã một thời gắn bó với mái trường
Làm sao quên lái tàu: Thầy Hiệu Trưởng.
 
Bằng tình thương và tấm lòng độ lượng
Chưa nghe Thầy lớn tiếng với một ai
Cùng thầy cô luôn sát cánh kề vai
Đào tạo nên bao lớp người tài giỏi.
 
Nhiều năm trời dựng xây không mệt mỏi
Trường đi lên từ bãi cát cằn khô
Buổi ban đầu vài phòng học đơn sơ
Thầy nhiệt tình trò miệt mài chăm chỉ.
 
Bao tháng ngày luyện rèn không ngừng nghỉ
Từ nơi này ươm lớn những mầm xanh
Luôn đứng đầu trong những cuộc diễu hành
Và sản sinh nhiều anh tài nổi tiếng.
 
Vẫn kiên cường trường tồn cùng gió biển
Thầy lái tàu vững bước tiến ra khơi
Bao đàn chim tung cánh bốn phương trời
Mặc cho đời trải qua nhiều bão tố.
 
Mười hai năm lắm thăng trầm gian khổ
Đã hiến dâng tâm huyết cả một đời
Để bây giờ Thầy có thể thảnh thơi
Tự hào nhìn đàn em đang tiếp bước.
 
Nay hồi tưởng năm mươi năm về trước
Thầy dày công gầy dựng một mái trường
Lòng dạt dào bao nỗi nhớ thân thương
Nên vội chép vài dòng thơ kính tặng.
 
Xin Thầy nhận lòng tri ân sâu nặng
Người lái tàu từng dìu dắt chúng em
Đã dặn dò luôn sống với chữ TÂM
Dẫu đường đời gập ghềnh nhiều sóng gió.
 
Nguyễn Quyền K6
Thầy hiệu trưởng

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

ĐÔNG GIANG NGÀY VỀ

 
.
Tôi về thăm lại Đông giang
Một thời niên thiếu miên man đâu rồi
Bước chân sải nhẹ bồi hồi
Tìm đâu cho thấy bóng người thuở xưa
Đâu rồi những sớm những trưa
Trống trường vang vọng đón đưa nơi này
Tìm về ngày ấy nơi đây
Sân trường đầy cát ngất ngây nắng vàng
Đây Đông Giang đã sang trang
Ngày xưa cát trắng mênh mang đất trời
Hướng Đông liền với biển khơi
Mỹ Khê xóm vắng bời bời lưới giăng
Bây giờ điện sáng hơn trăng
Còn đâu những tối dung giăng hát hò
Phía tây bắc xưa bến đò
Nay cầu quay đứng thay phà sang sông
Phía nam là An Hải Đông
Xưa An cư 1, cư 2,… đâu rồi?
Nghe trong gió sớm từng hồi
Đâu hàng Dương liễu trên đồi vi vu
Ngày xưa những sớm mùa thu
Trống trường giục bước, sương mù ướt vai
Tuổi thơ bước ngắn đường dài 
Đến trường ấp ủ ngày mai sáng ngời 
Nhớ về trường lớp xa xôi
Ba chín năm ấy chung ngồi 6G
Bao nhiêu kỷ niệm hiện về
Thầy Hân chủ nhiệm nhiêu khê buổi đầu :
Lớp trưởng Tri Quảng được bầu
Lớp phó Văn Quốc lo khâu học hành
Lớp chia 4 tổ rành rành
Tổ trưởng, tổ phó chọn nhanh trong giờ,..
Ngày ấy bao điều ngẩn ngơ
Bạn bè mới lạ, trường còn dỡ dang,..
Tiết Giảng văn khá rộn ràng
Bài "Tôi đi học" vang vang lời thầy
Dù cho trời đất mãi quay
Bài giảng buổi ấy tháng ngày chẳng quên.
Trải qua ngày tháng dần quen
Nhớ thầy Hiệu trưởng tên Lâm sĩ Hồng
Nhớ buổi trốn học lông bông
Thầy Me bắt gặp cái mông sưng vù,..
Nhớ nhiều những sớm vào thu
Ngày đầu đi học,..tiếng ru ngập lòng
Nhớ tà áo trắng thong dong
Tay vẫy, tiếng gọi nghe đong đầy tình
Giờ đây trở lại một mình
Bao năm xa cách linh đinh chốn nào
Đây Đông Giang vẫn xôn xao
tên Hoàng Hoa Thám thay vào trường xưa
Ra đi dầu dãi nắng mưa
Nghe tim thầm nhắc trường xưa phải về.
Trần Ai  K10 - Tháng 9/2010

 

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

HẠNH PHÚC KHI TA BÊN MẸ!




Nhớ mẹ bạc lòng con đêm trắng
Bóng liêu xiêu bước dưới trời giông
Bụi đường phai nhạt màu mắt mẹ
Lá đổ muôn chiều nhặt mong manh...

Mẹ níu mưa về tưới lo toan
Mang tia nắng ấm sưởi cơ hàn
Biển đời mẹ gội bao mưa nắng
Đường dài muôn vạn dấu chân qua

Mưu sinh quang gánh còng lưng mẹ
Tấm áo mong manh rét tứ bề
Trời đông qua quít lưng cơm độn
Dành hết cho con những ấm nồng...

Tối trời hiu hắt ngọn đèn đêm
Trăng khuya mờ ảo trước hiên nhà
Vá chằm tấm áo cho con trẻ
Mai bước đến trường những hân hoan...

Mẹ cho con cả trời mơ ước
Cho lối con về phủ ngàn hoa
Khơi hồn con trẻ bừng sức sống
Tình mẹ sáng ngời giữa tim con!

Trên những con đường lá me bay
Mẹ dõi theo con bước thăng trầm
Nắm bàn tay mẹ - thênh thang lối
Bên đời có mẹ nắng xuân reo!

Hạnh phúc như mây trời lang thang
Hạnh phúc như ráng chiều mong manh
Con ôm chặt vào lòng muôn hạnh phúc
Cám ơn đời trong tình mẹ bao la...
................
Cám ơn đời ta có mẹ yêu thương!

Huỳnh Thị Thiệp K10

XIN CHỮ



THƯ GIÃN CUỐI TUẦN                        

     Mấy ngày trước tết con Dê, bỗng dưng xuất hiện ông đồ già, bày "mực tàu giấy đỏ", ngồi...ngáp "bên phố đông người qua" ! một chiếc Lexus đỗ xịch phía trước, một gã bụng phệ trắng trẻo ngoại tứ tuần bước xuống, đến bên ông đồ xin chữ:
- Anh xin chữ gì ? Tài, lộc, phước, đức, thọ...?
- Dạ, con chỉ xin mỗi một chữ...BỎ  thôi ạ!
    Ông đồ trố mắt, nhưng rồi chìu khách, ông phóng tay viết ngay chữ BỎ như rồng bay phượng múa, trao cho gã xong, thầy thắc mắc...
- Anh xin chữ này có ý nghĩa gì?
- Thưa thầy, chữ BỎ này nó gắn liền với con suốt đời, cụ thể thế này ... muốn có công trình, dự án để làm, con phải BỎ NHỎ mấy ảnh, nhờ vậy mà con BỎ THẦU đâu là trúng đó, trúng thầu rồi con BỎ MỐI lại cho đám thầu con hưởng phần trăm, hoặc BỎ VỐN ra chút đỉnh, làm theo kiểu BỎ DỠ nữa chừng, "treo" đó rồi BỎ đi tìm dự án khác kiếm chác, nói dại... lỡ có bị bể, thì con BỎ BÌ chạy án, để mấy ảnh BỎ QUA cho, tình huống xấu nhất thì con BỎ CỦA CHẠY LẤY NGƯỜI, cuối cùng thì mấy ảnh cũng CHÍN BỎ LÀM MƯỜI mà cho ...chìm xuồng thôi ạ!
    Lại một người đến xin chữ, ông đồ lại hỏi:
- Anh xin chữ gì?
- Thưa thầy, tôi xin thầy một chữ thôi, chữ...CHỜ!
   Ông đồ thoáng chút ngỡ ngàng, rồi cũng chìu khách, ông múa bút... trao chữ CHỜ cho anh ta, ông không quên thắc mắc:
- Anh xin chữ này có ý gì?
- Thưa...cả đời tôi, là cả một quá trình CHỜ ĐỢI, làm việc thì TRÔNG CHỜ vào cấp trên, văn bản, đề xuất, đơn từ...thì CHỜ ý kiến lãnh đạo, CHỜ duyệt, CHỜ ký, với "đối tác" thì gây khó khăn để CHỜ phong bao, đến cơ quan thì CHỜ hết giờ, chiều chiều thì CHỜ chiến hữu kêu nhậu, cuối cùng CHỜ hưu...hạ cánh an toàn!
- À, thì ra anh là...công chức hành chính!
     Đứng bóng, ông đồ toan xếp bút, thì một người có vẻ lao động lam lũ chắp tay vái ông đồ xin chữ,
- Anh xin chữ gì? hay thầy cho anh chữ LỘC để cuộc sống đỡ vất vả hơn, ta sẽ không lấy tiền anh đâu, ta ...biếu !
- Đội ơn thầy, thầy cho con xin mỗi chữ...HẾT thôi ạ.
- Sao kỳ vậy? chữ đó mang lại gì cho anh?
-Thưa thầy...đây là mơ ước của bao mảnh đời như con, đó là...ông Điện, ông Nước, ông Xăng và một vài ông nữa...HẾT "độc quyền", để mấy ổng HẾT...tăng giá ạ!
     Không nói không rằng, ông đồ cuốn gói, lẳng lặng...xếp bút nghiêng!

THƯỜNG ĐOÀN (K.9)

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

MƠ VỀ LẠI HOÀNG SA



Phan Trang Hy (Truyện ngắn đoạt giải)

Lão Ban, nhân vật trong một truyện ngắn của tôi, hẹn gặp tôi để trò chuyện. Biết tôi là nhà giáo, nhà văn viết về lão, lão lấy làm vui vì có người hiểu lão. Tôi được biết chính lão đã có ý kiến với Ban biên tập www.hoangsa.danang.gov.vn đưa truyện ấy vào trang mạng. Và cũng từ đấy, tôi trở thành bạn của lão.

Tôi đến thăm lão vào một buổi chiều tháng Ba. Ngôi nhà hai tầng nằm trong kiệt đường Nguyễn Công Trứ. Không gian vắng. Chỉ có chút nắng cuối ngày le lói trên khoảng sân nhỏ trồng ít cây cải, mồng tơi. Đứng trước cổng nhà lão, tôi đưa tay bấm chuông. Tôi đưa mắt nhìn vào trong chẳng thấy bóng dáng ai cả. Vẫn im lặng. Lại bấm chuông. Chờ đợi. Một lát sau, có tiếng: “Ai rứa?”. Tôi nhướng mắt nhìn vào. Một bóng già lững chững bước ra. Tôi biết chính là lão. Nhưng giả đò làm im để xem lão có nhận ra tôi không.

Lão mở cổng, đưa mắt nhìn tôi. Tôi lên tiếng trước:

- Chào bác! Bác có nhận ra tôi không?

Lão cười, nụ cười vui khi lâu ngày có người ghé thăm:

- Ôi, ai đây ta? Đúng là thầy rồi. Sao bữa ni thầy mới tới – Không đợi tôi trả lời, lão nói tiếp, giọng vui vui – Mời thầy vô!

Tôi chưa kịp dạ, lão lại nắm tay tôi kéo vào nhà.

Gian phòng khách của nhà lão sáng lên khi lão bật điện. Lão lên tiếng:

- Thú thật với thầy: Ở nhà một mình, tôi cũng nhác bật điện dù có hơi tối. Thường thì tôi mở ti vi. Để có tiếng nói, có tiếng người, cho đỡ buồn. Nhưng mấy hôm nay, hơi mệt nên tôi cũng không mở.

Quả thật như lời lão nói, có chút vắng lặng. Tôi nhìn kỹ phòng khách. Trên tường có treo một số hình chụp. Thấy tôi nhìn những hình ấy, lão đứng lên, lại sát một tấm hình rồi nói: “Đây là hình tôi chụp khi tôi làm khí tượng ở Hoàng Sa”. Như có dịp ôn lại những gì đã qua, lão chỉ tiếp một bức hình, nói: “Còn đây là hình con trai tôi, thằng Vũ, đi lính hải quân đóng ở Trường Sa, mà như thầy đã biết rồi đó, nó hy sinh ở Gạc Ma năm 1988”. Tôi thấy mắt lão rơm rớm. Một chút trầm lắng như buổi chiều tàn ở đây. Tôi muốn xua cái im lặng, bèn chỉ bức hình khác, lên tiếng: “Còn đây là hình Phong, phải không bác?”. Nghe tôi hỏi, lão đưa tay quẹt mắt, ra vẻ sung sướng lắm. Lão khoe: “Thằng Phong, cháu nội tôi đó. Mà thầy cũng biết nó rồi mà”.

Quả thật, tôi đã biết Phong trên các báo cùng những trang mạng viết về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông… Tôi cũng có lần trò chuyện với Phong khi cậu ta chuẩn bị tư liệu làm đề tài nghiên cứu. Tôi nắm tay lão, nói:

- Tôi có biết Phong. Vừa rồi, cậu ta thuyết trình về đề tài Biển Đông thành công. Xin chúc mừng bác.

Lão cười hãnh diện:

- Các thầy ở Sài Gòn đánh giá cao lắm. Tôi cũng mừng thầy ạ.

Tôi nắm tay lão, niềm vui trong chúng tôi như nhân đôi. Tôi cười, nói:

- Qua đợt hội thảo vừa rồi, nhiều đồng bào, học giả, luật sư trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao.

Nghe tôi nói như vậy, mắt lão như sáng lên. Và lão nói một mạch như thể những lời sau lão đã thuộc lòng: “Đề tài này cùng với các chứng cứ, tư liệu lịch sử khác, chắc chắn khẳng định thêm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam mình. Thầy biết không, tôi lấy làm vui khi bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, tặng cho Tập Cận Bình bản đồ Trung Quốc mà biên giới cực nam là đảo Hải Nam. Tôi tin trước sau gì của Caesa phải trả lại cho Caesa thôi. Trước sau như một, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Nghe lão nói, tôi cũng tin là vậy. Người dân Đà Nẵng cũng tin là vậy. Và tôi tin ai là con Lạc, cháu Hồng, ai là người yêu nước Việt Nam cũng tin là vậy. Tôi tiếp lời lão:

- Bác nói thế là phải. Rõ ràng mình đầy đủ bằng chứng, pháp lý. Nhưng phải chờ thời cơ thôi.

Lão gật đầu. Chợt tôi nghe tiếng thở dài của lão:

- Tôi thú thật với thầy, tuổi gần đất xa trời, tôi lại nhớ đảo lắm, nhớ Hoàng Sa lắm. Tôi mong có ngày về lại Hoàng Sa. Giờ, chỉ biết buồn thôi thầy ạ.

Tôi gật đầu đồng tình. Tôi thấy lão nhìn thẳng vào mắt tôi. Lão không nói, nhưng qua ánh mắt lão, tôi như nghe tiếng từ trái tim của người từng ở Hoàng Sa. Tôi nghe rõ nhịp đập của trái tim lão. Tôi cũng nghe rõ nhịp đập của tim tôi như hòa cùng nhịp đập của bao anh hùng, chiến sĩ, của bao ngư dân, bao đồng bào thôi thúc lòng mình: “Phải về lại Hoàng Sa. Đó là lẽ tất nhiên”.

Tôi nhớ lại, rất nhiều lần thì phải. Khi học sinh hỏi về Hoàng Sa, tôi đã nói rõ cho các em biết đó là một phần máu thịt của Tổ quốc. Đó là đất đảo, biển trời của dân tộc Việt Nam. Tôi cũng nói rõ cho các em biết từ xưa cha ông ta từng trấn giữ xứ này. Hoàng Sa vẫn mãi ngời ngời trong lịch sử dân tộc. Máu cha ông, xương cốt cha ông còn nằm ở Hoàng Sa. Biết là vậy. Nhưng không thể không đau xót khi quê hương của mình bị kẻ khác cưỡng chiếm.

Chợt điện thoại rung. Tôi xin phép lão nghe. Tôi lấy điện thoại từ túi quần ra nghe. Biết là ở Nhà xuất bản gọi điện. Họ xin lỗi tôi về việc họ đặt cho tôi một bút danh khác vào truyện ngắn “Đau đáu Hoàng Sa” của tôi. Tôi chủ động tắt máy khi họ xin lỗi xong.

Cất điện thoại vào túi, tôi nghe lão ho. Lão nói trong cơn ho:

- Càng ngày tôi thấy mình càng yếu. Nhiều điều muốn làm cho xong, nhưng vẫn chưa xong. Tôi thấy lo lo, thầy ạ.

Vừa nói lão vừa đưa tay che miệng. Tôi chú ý từng cử chỉ của lão. Quả là lão già, lại yếu nữa. Tôi động viên lão:

- Sống thọ như bác là quý lắm rồi. Mà bác còn lo chuyện chi nữa?

Lão lại ho. Rồi thở. Lão gắng tiếp chuyện:

- Không phải tôi lo cho cái mạng sống của tôi. Tôi lo là lo chưa làm tròn với lời tự hứa của mình.

Tôi an ủi:

- Bác cứ nghỉ cho khỏe. Chuyện chi rồi cũng sẽ qua thôi.

Tôi đứng lên, lại ngồi sát lão, nắm tay lão, tâm tình:

- Xin lỗi bác. Bác có thể cho tôi hỏi bác hứa chuyện chi rứa?

Lão cười buồn:

- Như tôi đã tâm sự là mong có ngày tôi sẽ về lại Hoàng Sa, nơi tôi làm việc trước đây. Không biết tôi có về được không?

Tôi vẫn nắm tay lão như muốn nói rằng lão cứ tin là có ngày ấy. Lão bỏ tay tôi ra, đưa tay chống xuống ghế, đứng lên. Lão tiếp lời:

- Thầy có rảnh không? Tôi muốn thầy xem cái ni, chắc thầy sẽ hiểu tôi hơn.

Tôi cười gật đầu:

- Dạ, nếu bác cho phép.

Rồi lão lọ mọ vào trong. Một lát trở ra. Trên tay lão là chiếc chìa khóa. Lão lại tủ sách. Tra chìa vào ổ khóa, mở tủ. Tôi chú ý thấy lão lấy cuốn album. Lão lên tiếng:

- Đây, tất cả ở trong cuốn ni đó thầy. Xin thầy bằng lòng nghe tôi kể nghe.

Nghe lão nói thế, tôi lấy làm vui.

Ngồi cạnh lão, tôi xem từng bức ảnh. Những bức ảnh đen trắng, có chỗ nhòe. Lão khoe. Nào là chỗ làm việc của lão ở trạm khí tượng. Này là lão đang múc nước ở giếng được chụp lại. Có vài bức ảnh lão chụp chung với lính. Lão nói với tôi, những người ấy là bạn thân của lão ở đảo. Giờ họ đã yên phận của họ rồi. Tôi thấy lão như muốn khóc. Lão kể, máu của những người ấy đã hòa vào đất đảo Hoàng Sa trong cuộc Hải chiến 1974. Lão kể. lúc ấy lão chỉ biết muốn hét thật to muốn gào thật lớn trước họng súng của quân thù. Nhưng lão không chết. Lão bị bắt. Sau đó được trao trả.

Ngồi xem một lúc, lão lên tiếng:

- Thầy biết không, tôi như thuộc những dòng chữ của thằng Vũ viết trong nhật ký: “Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu…”.

Lão đứng lên, lại tủ, lấy ra một cuốn tập, nói với tôi:

- Đây là cuốn nhật ký của Vũ. Những gì còn lại của nó.

- Bác có thể cho tôi coi được không?

- Được thôi. Nếu thầy muốn coi.

Tôi lật từng trang nhật ký. Nét chữ đẹp, cứng rắn. Chỉ là tình cảm của Vũ. Nào là nhớ vợ, nhớ con khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Nào là đối đầu với sóng to, bão dữ. Nào là thiếu nước. Nào là yêu đảo, coi đảo là nhà. Không biết bao nhiêu thứ nào là… Tất cả chỉ là lòng của người lính đảo.

Trong nhật ký, tôi thấy có một trang, dưới những hàng chữ gạch chân bằng mực đỏ có ghi lại lời mà lão vừa nhắc lại khi nãy. Tôi mở tiếp, lại thấy trang vẽ bản đồ Việt Nam và vùng biển Đông có hai trái tim. Một trái tim ghi Hoàng Sa. Còn lại ghi Trường Sa. Và ở dưới ghi câu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Đang xem, tôi nghe điện thoại rung. Tôi xin lỗi lão, rồi mở nghe. Phước gọi điện nói là có Khiêm và một số bạn mời tôi uống cà phê vào chủ nhật đến. Chả là có chút tiền nhuận bút, gặp anh em văn nghệ cho vui. Tôi nói là sẽ đến.

Bỏ điện thoại vào túi quần, tôi nhìn đồng hồ, trò chuyện với lão cũng đã lâu, tôi bèn chào lão ra về. Lão tiễn tôi ra tận cổng.

Lão nhắc lại:

- Khi nào rảnh, thầy nhớ lại nhà tôi chơi nghe!

Tôi đưa hai tay lắc lắc tay lão, nói:

- Dạ, tôi sẽ ghé thăm bác mà.

Tôi tạm biệt lão. Ra về mà lòng những vấn vương những gì lão kể…

Được nghỉ hè, tôi có rảnh đôi chút. Tôi không bận giữ cháu, cũng không bận dạy hè. Đang đọc sách, có điện thoại. Tôi mở máy. Lão Ban gọi. Lão mời tôi đến nhà lão chơi. Tôi hẹn là sẽ đến thăm lão.

Đúng hẹn, tôi đến thăm lão. Lão mừng ra mặt. Tôi thấy lão khỏe hơn đợt trước.

Lão rót trà mời tôi uống. Thực sự tôi chẳng ghiền trà, nhưng khi nghe lão nói trà ni là do Phong, cháu nội lão mới gửi về. Lão được dịp khoe với tôi là Phong đang qua Pháp, rồi sau đó sang Mỹ nói chuyện về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có lẽ người già thường hay kể về quá khứ của mình. Và lão cũng thế. Như mọi lần, lão kể những gì lão nhớ. Lão kể, hai tuần trước lão sốt li bì, tưởng chết đi được.Tôi nghe thế, xin lỗi lão là không biết lão ốm, nên không thể đến thăm. Lão cười chọc tôi: “Không biết thì không có lỗi mà thầy”. Tôi cũng cười vui khi nghe lão nói thế.

Rồi lão kể giấc mơ về lại Hoàng Sa. Lão nhớ đâu kể đó. Kể hồi ra đảo khi làm công tác khí tượng. Kể thằng Vũ biết cười khi có con ốc mà lão mang về từ Hoàng Sa. Rồi lão kể lão mơ về lại Hoàng Sa trong niềm vui khôn tả. Lão như thấy lại cái giếng nước, nhớ lại bạn bè thuở nọ ở Hoàng Sa.

Lão kể ngày ấy sẽ đến. Dẫu mai này, lão từ giã cõi đời này, thì con cháu lão cũng sẽ thay lão về lại Hoàng Sa. Lão khoe với tôi là con cháu lão sẽ đưa lão, có thể là di ảnh của lão về lại cái giếng ngày xưa, về lại mảnh đất lão làm khí tượng ngày nào.

Tôi nghe lão kể, thấy trước mắt tôi không chỉ có lão, con cháu lão, và kể cả tôi, mà thấy cả gần trăm triệu người Việt về lại Hoàng Sa.

Tôi thầm gọi: Hoàng Sa ơi, hẹn ngày về lại Hoàng Sa!

Năm 2014 – Phan Trang Hy K5



Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

ÂN TÌNH CÔ GIÁO CŨ

.

Kính tặng Cô Hồng Khanh
Ngược thời gian tôi trở về quá khứ
Nơi mái trường đã trải tuổi thơ tôi
Bốn lăm năm đằng đẳng đã qua rồi
Người cô giáo mà tôi hằng kính mến.
Từ bên Tây sông Hàn cô đã đến
Với ngôi trường trên cát trắng: Đông Giang
Vẻ nghiêm trang mà lời giảng dịu dàng
Đưa chúng em vào vườn hoa văn học.
Đã có lần nghe thơ em muốn khóc
Vì ngôn từ thấm đượm chất nhân văn
Bao trái tim sẽ xích lại dần dần
Dẹp bỏ đi những hận thù phi lý.
Xa cách nhau một phần hai thế kỷ
Từ nửa vòng trái đất trở về đây
Ngày gặp nhau bao tình cảm đong đầy
Lời cô vẫn dịu dàng như thuở trước.
Buổi trùng phùng bất ngờ đâu hẹn ước
Bao ân tình vẫn như mới hôm qua
Cô khuyên răn bằng giọng Quảng mượt mà
Cả khán phòng lắng nghe đầy xúc động.
Nghĩa cô trò như sông dài biển rộng
“Nhất tự vi sư bán tự vi sư”
Cô đã ươm mầm khơi gợi hồn thơ
Bao thế hệ một thời trên cát trắng.
Kỷ niệm cũ đã đi vào dĩ vãng
Vẫn sống hoài hình ảnh mái trường xưa
Đã trường tồn cùng sương gió nắng mưa
Như ân tình cô trò từ thuở ấy.
Nguyễn Quyền K6
ảnh (3)

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

GỌI MỜI HƯ VÔ



Mưa về
Nắng tắt chiều nghiêng
Lòng vương …vương mãi
Sầu riêng … riêng sầu
Những ngày trống vắng
Vì đâu?
Hỏi ai…
Ai hỏi
Ngàn câu không lời
Nên chi
Lòng cứ rối bời
Không nghe một tiếng
Gọi mời hư vô
Chiều nghiêng
Sóng nước lô xô
Bao nhiêu thương nhớ
Gởi vào mênh mông.


MAI MỘNG TƯỞNG – K6

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

NHỚ

 
 
Nhớ về màu áo thư sinh
Nghe ve khóm phượng bất thình lình đau
Áo xưa chừ đã phai màu
Tìm trong nắng hạ đâu ngày biếc xanh
Con chim vẫn hót trên cành
Ngày vui gió rúc qua mành đi luôn
Cơn mưa lòng bỗng trào tuôn
Phượng hồng lả tả còn buồn nào hơn ?
Nguyễn Tấn Lực K6phuong

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

CHỈ CÓ MẸ



Ai cho con niềm tin trong cuộc sống
Ai chắp cho con đôi ánh thiên thần
Ai đã cho con tròn bao mơ ước
Ai cả một đời lam lũ vì con!?
Chỉ có Mẹ mới làm nên bao kỳ tích
Trái tim diệu kỳ chỉ Mẹ mà thôi
Bao lo toan quên tuổi xuân ngà ngọc
Bao đêm dài thức trắng tuổi thơ con!
Chỉ có Mẹ mới cho con tất cả
Cho con bao ngày hạnh phúc ấm êm
Hạt cơm Mẹ chứa chan bao tình Mẹ
Bao la biển trời tình Mẹ mênh mông!

HUỲNH THỊ THIỆP - K10

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Thăm Lại Trường Xưa

.
.
Tôi về thăm lại mái trường xưa
Hàng cây ngày ấy vẫn lưa thưa
Gốc đã sậm màu theo năm tháng
Thương nhớ đấy vơi nói cũng thừa.
Lần bước đi trên bãi cát vàng 
Nghe lòng nghèn nghẹn nỗi bâng khuâng
Ai đã quên rồi bao kỷ niệm 
Một thời áo trắng vẫn riêng mang
Ngày xưa em đã từng mơ ước 
Có ngày ta sánh bước chung đôi
Nay tôi trở lại mùa thu trước 
Vẫn chỉ một mình tôi với tôi
Bạn bè nhiều đứa không còn nữa
Ra đi nhưng chẳng thấy trở về 
Mẹ vẫn chờ mong ngồi tựa cửa
Nhìn bức ảnh thờ nghe tái tê
Thầy cô ngày đó cũng đã già
Nhiều người lưu lạc tận phương xa
Làm sao quên được nhiều năm tháng 
Tình nghĩa ngày xưa vẫn đậm đà
Thầy cô bè bạn biết đâu tìm 
Trong tôi còn lại bóng hình em 
Dĩ vãng đong đầy bao kỷ niệm
Trường xưa cảnh cũ vẫn im lìm.
Nguyễn Quyền  K6

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

ĐIỂM TÂM

.
.un_dstm.
Đầu nguồn suối nhạc phong linh
Dịu dàng trong trẻo lặng thinh đất trời
Hoa cười sương rải núi đồi.
Rêu phong dấu phủ nước ngời ánh dương
Bên kia ruộng cũ bạn thương
Ở đây đất mới vấn vương những ngày
Xa xa thấp thoáng chân mây
Con đường lạc tịnh đã hay nẻo về
Điểm tâm.  Tâm bặt.  Phút này.
Ấm trà thinh lặng.  Bóng Thầy.  Hoàng hôn.
Uyên Nguyên (Cô Nguyễn Thị Yến)
Buổi sáng Elk Grove – 2009
Với “The Meditation World – Thuần Bạch

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

CỰU HỌC SINH ĐÔNG GIANG K8 LỚPD HỌP MẶT CÙNG CÔ HỒNG KHANH




11063062_661315740635673_163227055_n
11063314_661315713969009_1180328455_n
11072132_661315737302340_1663071149_n
11072377_661315727302341_1030549374_n
11080048_661315717302342_256963980_n (1)
11081588_661315723969008_1400438466_n

BẦU TRỜI VÀ NỖI NHỚ



Chắc ta sẽ nghĩ về nhau mãi mãi
Khi con tim in đậm bóng nhau rồi
Nỗi nhớ ngập tràn tình yêu chan chứa
Cỏ cũng hờn ghen quanh chỗ ta ngồi
***
Dẫu cách xa trong bầu trời khép kín
Nhưng con tim hai phía vận rộn ràng
Nỗi nhớ bay qua bầu trời sắc tím
Qua phố qua sông qua núi qua làng
***
Ta sẽ nhớ nhiều về nhau mãi mãi
Như câu thơ quyến luyến giọt đàn bầu
Như anh và em những ngày trống trải
Nỗi nhớ chao nghiêng như thuở ban đầ
***
Nỗi nhớ bay qua bầu trời xanh biếc
Mây ngượng ngùng quấn quýt áng mây bay
Cuộc đời ta chẳng điều chi nuối tiếc
Nên vô cùng thanh thản đến mê say
***
Bầu trời mênh mông đong đầy nỗi nhớ
Ngọt ngào hương trong mỗi lúc mong chờ
Khi xa vắng là khi yêu thương nhất
Như thuyền khơi xa nhớ lắm bến bờ.

MAI MỘNG TƯỞNG – K6

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

CHÙM THƠ TỨ TUYỆT – MỘC MIÊN THẢO


TRI KỶ

Biết về đâu giữa miên trường mộng mị
Nghe cô đơn trong thăm thẳm cõi lòng
Dốc bầu rượu, nghiêng chiều, tìm tri kỷ
Vọng tiếng thơ về văng vẳng giữa thinh không



GÁNH THƠ - ĐỜI


Một gánh đèo bồng vui chữ nghĩa
Gánh nọ áo cơm cặm cụi đời
Chia đồng mà lượng trong tầm sức
Kẻo lệch vai nào, quang gánh rơi.



THƠ


Mượn thơ bay khắp chân trời góc bể
Bỗng nhìn thấy ta ở cõi xa nào
Thênh thang quá. Nhưng đời đâu chỉ để...
Mình nhìn mình, rồi chua xót chào qua...



NIỀM YÊU


Đời vốn dĩ chiêm bao nhưng rất thật
Nên cứ yêu cho thỏa mỗi hoàng hôn
Khi bình mình nứt vỏ gọi ngày lên
Ta lại sống trọn trong niềm yêu mới...



HƯƠNG THỜI GIAN


Nghe văng vẳng trong gam màu ký vãng
Dấu hài xưa còn vọng mãi bên đời
Cuộc tình đó ngỡ trôi dòng dĩ vãng?
Hương thời gian đượm thắm chẳng phai phôi...



XUÂN RƠI


Ngày xuân rơi vội như cơn nắng
Để lại hoàng hôn đất níu trời
“Nếu biết vô thường con sóng lặng
Thì lời trùng ngộ thốt mà chơi”. (*)

---

KHAI NHỤY


Vẳng trong tiếng chuông buồn hiu hắt
Hương trầm rơi thanh tịnh giữa canh thâu
Vọng trong bước chân trần lữ khách
Đóa quỳnh hương chợt khai nhụy trên đầu...

Mộc Miên Thảo

(*): khuyết danh
11021525_837229173003680_6995068965487221187_n

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

NHỚ QUẢNG NAM

.
,
Ra đi vạn dặm phương xa
Lòng không quên được nếp nhà khói lam
Mong về thăm lại Quảng Nam
Ghé thăm thị trấn Hà Lam,Thăng Bình
Thăm Chợ Được, thăm Vĩnh Trinh
Một thời bom đạn chiến chinh qua rồi
Thăm lên vùng đất xa xôi
Trà Mi, Tiên Phước ngập đồi chè xanh
Mít sum sê quả ngọt lành
Vườn cau, rừng Quế long lanh nắng vàng
Mong về thăm lại Điện Bàn
Kỳ Châu, An Tế xóm làng quê tôi
Năm Giáp thìn lụt cuốn trôi
Làng mạc năm ấy bãi bồi ngày nay
Ngược lên Eo Gió, Dần Xây
Ma Phan, Phước Cẩm nơi này ngày xưa
Chiến tranh bom đạn chẳng chừa
Cửa nhà tan nát, như chưa yên bình
Đây quê cụ PHAN CHU TRINH
Chí sĩ yêu nước trọn tình giúp dân
Thăm quê thăm cả xa gần
Thăm ra Cửa Đại, Hải Vân, Sơn Chà
Mong lên thăm đỉnh Bà Nà
Thăm núi Non Nước ngân nga chuông chùa
Thăm vùng Lâm Ấp nhiều cua
Mong thăm Đại Lộc được mùa Bòn bon
Thăm Duy Xuyên di tích còn
Mỹ Sơn chùa Tháp vàng son một thời
Thấp thoáng đây bóng "Ma Hời"
Trở về phố Hội thăm nơi Chùa Cầu
Thăm Tam Kỳ ghé Bà Bầu,
Cây Trâm mì Quảng đi đâu nhớ về
Thăm Đà Nẵng nhớ Mỹ Khê
Mênh mông cát trắng bốn bề lưới giăng
Sông Hàn những đêm sáng trăng 
Chuyến phà qua lại, tung tăng cá đàn
Mong về thăm lại Hòa Vang
Chợ mới Ba xã Nồi rang một thời 
Miếu Bông, Cẩm Lệ ,..nơi nơi
Đò Xu ngày ấy bời bời rau câu
Mong về thăm lại Câu Lâu 
Thịt tái cầu Mống đi đâu cũng thèm
Nhớ hoài bánh Đúc mắm nêm
Ghé ra Vĩnh Điện ăn thêm bánh bèo
Ôi quê hương có còn nghèo ?
Quế Sơn ngày ấy qua đèo LƯỠI LE
Bà Rén bánh ít lá tre
Hương An bánh tráng rắc mè giòn tan,..
Nhớ Quảng Nam nỗi miên man
Trong tôi ngày ấy lại càng diết da
Xa quê từ thuở lên ba
Lớn lên tạm biệt phố Đà vào Nam
Mong về thăm Cù Lao Chàm
Ăn bữa gỏi cá được làm từ đây.
Xa quê tôi nhớ từng ngày
Mong ngày trở lại sum vầy biết bao.

Trần Ai - K10 (Mồng 5 tháng 5 Quí Tỵ)

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

CHO TÔI



(Kính tặng cô Lê Thị Hồng Khanh, GVCN lớp 6 của em)

Cho tôi tìm lại ngày xưa
Nhặt hoa nắng trải nhặt mưa sân trường
Ôm từng kỉ niệm thân thương
Hôn từng lá cỏ bên đường tôi qua!
Cho tôi tìm lại ngày xa
Bên thầy bên bạn thiết tha bao tình
Xôn xao gợi nắng bình minh
Âm vang lời giảng, dáng hình cô xưa
Yêu cô nói mấy cho vừa
Thiên thanh màu áo sớm trưa đến trường
Bây chừ còn mãi vấn vương
Một thời đèn sách, tình trường nào phai!

Phan Thị Hoa Xuân K6


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÔ HỒNG KHANH TẠI ĐÀ NẴNG
















 Mời xem thêm hình TẠI ĐÂY

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

NGÀY HỘI NGỘ



(Kính tặng cô Hồng Khanh)

Những niềm vui đến thật bất ngờ
Khi em gặp cô trong ngày hội ngộ
Cô vẫn thế nụ cười hiền yêu mến
Như ngày nào còn trên lớp … đã xa

Học trò xưa … có còn trẻ đâu mà !
Cứ quấn quít bên cô ríu ra ríu rít
Như cái thuở hãy còn … con nít
Ngồi bên cô mà cứ tưởng trong mơ

Thuở học trò vẫn đẹp như thơ
Khép lại lâu rồi nằm trong ký ức
Giòng nhật ký còn xanh nét mực
Những lần không thuộc bài sợ cô trách cô la

Mùa xuân còn hồng trên những đóa hoa
Cô , trò bên nhau nhớ về trường cũ
Nắng tháng giêng nụ hoa hồng vừa nhú
Ly rượu mừng ngày hội ngộ vui sao …

Nguyễn Tấn Lực
15 / 3 / 2015