Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Ghé ngó cội nguồn nguyên xưa



Ngày đi mông muội bi hài
Nhớ ơi guốc gỗ bóng dài liêu xiêu
Nợ người chừng nửa tiếng yêu
Tịch dương thẩm tím ráng chiều ngưng trôi
Đông Giang dáng cũ đâu rồi
Sao Mai mất dấu luân hồi biển dâu (*)
Em chừ đâu ta về đâu
Trơ phêu cổ độ đêm sâu bến chờ
Hàn giang biền biệt vườn mơ
Con đò khuất hút xa mờ vô biên
Đôi bờ hai ngã sầu riêng
Nhớ ngày tháng cũ gió nghiêng ngữa buồn
Ta về uống bóng trăng suông
Lần mò ghé ngỏ cội nguồn nguyên xưa
Thạch Thảo viên. Friday, April 29, 2016
Vũ Đan Huyền K7
(*) Lời bạt_
Đông Giang hồi _ buổi thay tên
Sao Mai ảo ảnh bóng bên vệ đường.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Nhân dịp cuối tuần anh Đoàn Văn Thường K9 thư giãn với:



                              TRUYỀN THUYẾT…HẠI ĐIỆN !


     Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, thưở khai thiên lập địa, có chàng thanh niên tên Lạc Lõng, kết duyên cùng nàng Âu Lo, sau đó bà Âu Lo sinh ra cái bọc có vừa vặn một trăm cái trứng, trứng nở thành một trăm người con,  vụ này hơi phản khoa học nhưng thội kệ, truyền thuyết mà…

     Khi đàn con khôn lớn, ông Lạc Lõng và bà Âu Lo tổ chức một cuộc họp nội bộ, sau khi quán triệt xong, họ phân công như sau…50 người con phải theo mẹ lên núi, 50 người còn lại phải theo cha xuống biển.

    Mới đầu mẹ con bà Âu Lo cũng sống được, tài nguyên rừng cũng còn phong phú, dần dần rừng bị thu hẹp do bọn lâm tặc có kiểm lâm chống… lưng, tàn phá đồi núi trọc lóc, thú rừng đổ xô về định cư ở các nhà hàng quán nhậu “đặc sản rừng” hết, bọn đào đãi vàng bặm trợn xuất hiện dữ dằn…mẹ con bà hoang mang cực độ, nhưng ni sợ hãi nhất không phải từ những thứ đó, mà là sự xuất hiện một loại bùn…lạ, có màu đỏ, gọi là “bùn đỏ”, do những nhà máy thải ra, nghe nói loại này mà bị sự cố tràn ra môi trường thì tác hại chẳng khác gì chất phóng xạ, mẹ con bà Âu Lo vội vã bỏ xứ dắt díu nhau xuống lại đồng bằng trồng lúa, chăn nuôi kiếm ăn. Được một thời gian, tự nhiên đồng ruộng khô nức nẻ, lúa cháy vì thiếu nước, vì nhiễm mặn, đến nỗi nước uống cũng không có chứ nói gì trồng trọt với chăn nuôi, hỏi ra mới biết do các nhà máy thủy điện khổng lồ trên đầu nguồn dòng sông chính chặn dòng, mẹ Âu Lo ngữa mặt lên trời than thở… “thượng nguồn ( thay cho điền ) tích thủy hạ điền khan” !!!

     Nói xong, mẹ con bà Âu Lo lại chuẩn bị dắt díu nhau tìm nơi khác …

     Lại nói về 50 người con theo cha xuống biển, lúc đầu biển đầy tôm cá, cuộc sống của họ khá sung túc, tha hồ vào lộng ra khơi đánh bắt, được một thời gian họ chỉ đánh bắt ven bờ, chẳng dám ra khơi do bị tàu…lạ uy hiếp, chúng cướp phá, đánh đập, đòi tiền chuộc, kể cả bắn giết ! Đánh bắt ven bờ cũng chẳng yên, một ngày kia cá biển tự nhiên hết muốn sống, trôi dạt tấp đầy bờ biển, hôi thối trên một dãi biển dài, phải tiến hành tiêu hủy, người không dám ăn cá, biển cũng không còn cá, dân chài kéo thuyền lên bãi nghỉ khỏe, biển vắng lặng ghê người, người tắm biển cũng không ! Nguyên do vì sao thì “nghiên cứu” mãi không tìm ra, chỉ nghe đồn cá chết, biển chết vì nhiễm độc chất…lạ, từ một khu công nghiệp khổng lồ thải ra theo đường ống ngầm dưới biển. Hết đường sống, cha con Lạc Lõng dong thuyền ra khơi tìm các đảo hoang lập nghiệp, định cư được thời gian, sóng gió lại nổi lên, họ lại bị người nước… lạ uy hiếp, họ dùng tàu to ngăn cản không cho tiếp tế, họ xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ rồi ầm ầm quân sự hóa, trang bị vũ khí hiện đại. Cha con Lạc Lõng lại hoang mang, sống trong sợ hãi.

      Cha con Lạc Lõng lại tiếp tục di chuyển tìm nơi khác làm ăn. Nghe đâu ông Lạc Lõng và bà Âu Lo cùng đàn con lang thang, vất vưởng khắp nơi, chẳng biết về đâu, cuối cùng họ cũng gặp nhau và chỉ biết ôm nhau…than khóc./.



                                                                                  THƯỜNG ĐOÀN  K.9
                                                                                        

NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN


Nhân dịp 30.4 chúng tôi xin giới thiệu về Nhà thơ Tô Thùy Yên:
Tô Thùy Yên (tên thật Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 ) là một nhà thơ nổi tiếng người Việt Nam. Ông là tác giả bài thơ Chiều trên phá Tam Giang mà một phần của nó đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc.
Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.
Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị. Hiện nay ông đang ở Houston, tiểu bang Texas


1. 
Chiếc trực thăng bay là mặt nước 
Như cơn mộng nhanh 
Phá Tam Giang, phá Tam Giang 
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát 
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi 
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước 
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi 
Phá Tam Giang, phá Tam Giang 
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ 
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran 
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ 
Thơm cả thiết tha đời 
Rào rào trận gió nhám mặt mũi 
Rào rào trận buồn ngây chân tay 

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ 
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma 
Ta ngó thấy thuỳ dương gãy rủ 
Từng cây như nỗi bất an già 
Ta ngó thấy rào chà cản nước 
Từng hàng như nỗ lực lao đao 
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc 
Từng ngôi như mặt đất đang gào 
Vì sao ngươi tới đây? 
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói 
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam 
Vì sao ta tới đây? 
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn 
Dưới mắt người làm tên lính nguỵ 

Ví dầu ngươi bắn rụng ta 
Như tiếng hét 
Xé hư không bặt im 
Chuyện cũng thành vô ích 
Ví dầu ngươi gục 
Vì bom đạn bất dung 
Thi thể chẳng ai thâu 
Nào có chi đáng kể 
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng 
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm 
Có cùng gom góp lại 
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu? 
Ngươi há chẳng thấy sao 
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn? 

Ta phá lên cười, ta phá lên cười 
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ 
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin 
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa: 
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh 
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...? 
Các việc ngươi làm 
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm 
Các việc ta làm 
Ta xét thấy chẳng ra chi 
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm 
Khi cùng làm những việc như nhau 

Ta tự hỏi vì sao 
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?) 
Và ta tự trả lời 
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?) 
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ 
Phải quạt, phải quạt 
Chỉ vì nó phải quạt 
Ta thương ta yếu hèn 
Ta thương ngươi khờ khạo 
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng 
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử 
Cùng mê sa một con đĩ thập thành 

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận 
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông 

2. 
Chiều trên phá Tam Giang 
Anh sực nhớ em 
Nhớ bất tận 

Giờ này thương xá sắp đóng cửa 
Người lao công quét dọn hành lang 
Những tủ kính tối om 
Giờ này thành phố chợt bùng lên 
Để rồi tắt nghỉ sớm 
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm 
Sài Gòn không còn buổi tối nữa) 
Giờ này có thể trời đang nắng 
Em rời thư viện đi rong chơi 
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh 
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi 

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối 
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn 
Quyển sách mở sâu đêm 
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ 
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường 
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới 
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh 
Một cách tự nhiên và khốn khổ 
Giờ này có thể trời đang mưa 
Em đi nép hàng hiên sướt mướt 
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè 
Như những đoá hoa nở gấp rút 
Rồi có thể em vào một quán nước quen 
Nơi chúng ta thường hẹn gặp 
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao 
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ 

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh 
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi 
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn 
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng 
Của chiến tranh mà em không biết rõ 
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng 
Một điều em sợ phải nghĩ tới 
Giờ này thành phố chợt bùng lên 

Chiều trên phá Tam Giang 
Anh sực nhớ em 
Nhớ bất tận 

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi 
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi 
Như những mặt trời con thật dễ thương 
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi 
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya 
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi 
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích 
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng 
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại 
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi 
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi 
Một cành mai nhị độ 
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời 
Để xé mình khỏi ác mộng 
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân 

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại! 

3. 
Chiều trên phá Tam Giang 
Mày nhìn con nước xiết 
Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm 
Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành 
Mà rồi mày bỏ dở 
Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường 
Trên mịt mùng nghi hoặc 
Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào 
Còn lưu hậu chua cay hoài vọng 
Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp 
Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man 
Đụt tuổi già bình an vô tích sự 
Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn 
Cùng cái chết 
Cái chết lâu như nỗi héo hon dần 
Làm chính mình bực bội 
Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn 
Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp 
Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh 
Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí 
Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người 
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện 
Rút ra từ lịch sử u mê 
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi 
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh 
Mày mặc kệ 

Chiều trên phá Tam Giang 
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn 
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng 
Dớn dác ngó

6-1972 
Tô Thùy Yên 

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.



MÙA THU ĐÔNG GIANG


NHỮNG CON ĐƯỜNG MÙA THU ĐÔNG GIANG là tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đông Giang ( thầy Nguyễn Văn Ngọc) được anh Dương Tấn Cường thuộc và đọc cho anh em cùng nghe trong buổi gặp mặt anh em chs Đông Giang tại nhà hàng Lê Gia 2 đêm 28.4
   Buổi gặp mặt thật vui, thật  ấm áp, anh em ôn lại nhiều kỷ niệm thời học sinh trong đó hoạt cảnh ca khúc NÓ do thầy Đặng Ngọc Phụng đạo diễn mà anh Phải đóng vai Nó, chị Lệ Hà vai con Tám còn Diệm vai thằng Tư...
   Trong buổi gặp mặt nầy, ngoài một số anh em đã nghỉ hưu, hiện 3 anh còn đương chức trong đó một Giám Đốc Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, một  Chủ Nhiệm Khoa Nội BV Đa Khoa Đà Nẵng và một Giám Đốc Công Ty Dược Đà Nẵng.


Từ trái sang phải: Anh Dương Tấn Cường, anh Thăng, anh Khiêm, anh Nhường, anh Phải, anh Báu, anh Lư, anh Phương và anh Chát



  


 

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

CÔ LÁI ĐÒ ƠI

Đưa đò phận gái giọt mưa sa
Tắm mát dòng sông dáng ngọc ngà
Bảy nổi ba chìm em tuyệt sắc
Mười hai bến nước, bến nào sa
Dầm khua sóng vỗ bờ sang bến
Lữ khách rời khoan, bóng nhạt nhoà
Vò võ bên dòng sông quạnh quẽ
Âm thầm thương nhớ bóng người qua
Trần Ngọc Anh - K10
13094183_670387683099248_9220535897332069710_n

VÀNH KHĂN TANG CHO BIỂN



Cá chết,
Trắng xóa như vành khăn tang trắng,
Chạy dọc từ Hà Tĩnh, Quảng Bình vào đến tận Thừa Thiên!
Ngư dân chết,
Dưới họng súng tiểu liên,
Hay ống xả thải đen ngòm chứa đầy chất độc!
Những làng chài đang chết,
Những cánh buồm đang chết,
Những chiếc thúng chai đang chết,
Những nụ cười rạng rỡ khi ghe đầy ắp cá
Cũng sẽ chết từ từ theo biển chết hôm nay!
Những hòn đảo gần xa đang chết,
Phú Lâm chết, 
(Thay bằng một Vĩnh Hưng cha căng chú kiết!)
Gạc Ma chết và Ba Bình đã chết,
Hoàng Sa chết, Vạn Lý Trường Sa sắp chết
Tất cả sẽ chỉ là huyền thoại,
Của một thời mở cõi rất xa xăm!
...
Biển đang chết từng ngày!

Biển đang chết từng giờ!

Biển oằn mình,
Với chiến hạm, sân bay!
Biển xót xa khi biển thành biển LẠ,
Biển đau đớn, 
Biển đang hồi hấp hối,
Nhát kiếm cuối cùng, nhát kiếm FORMOSA!
Vũ Đông Thám K7

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Ngày 30 tháng 4 đọc lại “Cuốn theo chiều gió ” (Margarett Mitchell)


Hà Thị Lệ Hà K8



Với người yêu văn chương Việt Nam và thế giới, “Cuốn theo chiều gió ” (Gone with the wind) của Margarett Mitchell là một tác phẩm quá quen thuộc . Ra đời năm 1936, cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của nhà văn nữ người Mỹ này nhanh chóng thu hút sự chú ý và tình cảm của hàng triệu bạn đọc trên thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng, được dựng thành phim, được đưa vào giảng dạy ở hệ thống nhà trường nước Mỹ với sự say mê và hãnh diện của hàng bao thế hệ học sinh.
Một cuốn sách có độ dài hơn một nghìn trang. Toàn bộ nội dung của nó được đặt gần như trọn vẹn trong bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh Nam _Bắc Hoa kỳ (1861_1865). Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam-  Bắc  vì đó là cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: phe miền Bắc (còn gọi là phe liên bang) đứng đầu là Tổng thống nước Mỹ Abraham Lincoln, ông ta chủ trương xóa bỏ buôn bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chủ yếu là giới quý tộc,  những ông chủ của những đồn điền bông vải rộng mênh mông ở miền Nam chống lại chủ trương này.  Nhân vật chính là Scarlett O'Hara, con gái chủ đồn điền Tara  giàu có. Cô thiếu nữ này không quá xinh đẹp, nhưng nam giới lại không mấy khi nhận ra điều ấy vì  ngay từ đầu họ đã bị choáng ngợp, cuốn hút bởi sự thanh lịch duyên dáng của nàng, đặc biệt bởi vòng eo bốn mươi hai phân rưỡi, vòng eo thanh mảnh nhất xứ Georgia.
Đó là một chiều nắng tháng tư năm 1861, vài ngày trước khi chiến tranh xảy ra. Scarlett O'Hara mới mười sáu tuổi, yêu kiều  trong một cái váy áo mới bằng sa- tanh có điểm hoa xoè rộng mười một thước , đang ngồi tán gẫu với các bạn trai láng giềng dưới bóng mát Tara, đồn điền của cha nàng. Cô thiếu nữ đang rất háo hức vì sắp được tham gia một cuộc dạ vũ mà cô luôn là một tâm điểm. Bất ngờ, cô lại nghe tin  Ashley Wilkes  -người mà cô thầm yêu đã lâu - sắp làm lễ đính hôn với cô em họ là Melanie Hamilton ở Atlanta.
Điều bất ngờ đó khiến Scarlett O'Hara cảm thấy bắt đầu là một sự choáng váng và sau đó là một nỗi thống khổ không sao dứt ra được. Cô vẫn nghĩ Ashley Wilkes từ lâu đã yêu mình, chỉ là chưa dám nói ra. Với bản tính  nhiệt cuồng, bướng bỉnh và kiêu kỳ, Scarlett O'Hara quyết tâm trong buổi tiệc tối ngoài trời sẽ bày tỏ tình yêu với Ashley Wilkes và nghĩ tới cả chuyện sẽ  rủ  chàng cùng trốn đi. Ngược lại với mong đợi của Scarlett O'Hara, chàng trai trẻ đáng yêu Ashley Wilkes mặc dù vẫn ân cần tử tế với nàng nhưng vẫn nói rằng mình sẽ cưới Melanie Hamilton. Rhett Butler, vị khách không mời vô tình chứng kiến tình cảnh thê thảm của Scarlett O'Hara buông lời trêu chọc khiến  cô xấu hổ đến nổi điên lên. Sau đó, lại nghe vợ sắp cưới của Charles Hamilton nói xấu mình, trong cơn tức giận, Scarlett O'Hara quyết định kết hôn với Charles Hamilton. Buổi tiệc kết thúc cũng là lúc tin cuộc chiến tranh Nam Bắc bắt đầu và các chàng trai hăng hái nhập ngũ.
 Giận hờn, tự ái rồi lấy chồng, tất cả quá vội vàng, nhanh chóng khiến Scarlett O'Hara khi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Charles Hamilton đã  qua đời vì dịch bệnh trong quân ngũ. Trở thành góa phụ, rồi có con khi mới mười sáu tuổi, chịu mọi sự ràng buộc cấm đoán nặng nề của lề lối xã hội nhưng Scarlett O'Hara vốn khát sống không chịu nép mình khuất phục  . Vào tháng 5 năm 1862, Scarlett chuyển đến ở với Melanie Hamilton  ở thủ đô Atlanta. Ở đây, Scarlett O'Hara gặp lại Rhett Butler, lúc này đã trở thành một thuyền trưởng vượt phong tỏa, một thương nhân chuyên buôn lậu và đầu cơ rất giàu có.
Cuộc chiến tranh Nam - Bắc diễn ra theo chiều hướng này càng bất lợi cho phe miền Nam. Nhiều cuộc tấn công dữ dội diễn ra. Atlanta bị bao vây. Melanie  sinh con. Hoàn cảnh khó khăn khiến Scarlett phải cầu cứu Rhett Butler. Trên đường chạy trốn khỏi Atlanta, Rhett Butler nói yêu Scarlett nhưng nàng từ chối.
Chiến tranh gần kết thúc. Scarlett O'Hara trở về Tara. Đồn điền Tara giờ đây đổ nát hoang tàn vì không người chăm sóc. Mẹ mất, cha loạn trí, hai người em gái bệnh nằm liệt giường, người làm bỏ đi gần hết. Chỉ còn một mình Scarlett O'Hara, cô tiểu thư kiêu kỳ bé nhỏ ngày nào phải chống chọi với tất cả, cô làm  mọi việc quần quật như một nô lệ  để có miếng ăn cho cả gia đình, kể cả vợ và đứa con mới vừa được sinh ra của Ashley Wilkes . Thậm chí có lần để bảo vệ Tara, Scarlett O'Hara phải liều lĩnh cầm súng bắn chết một tên lính Yankee mò đến đồn điền để ăn cắp. Cô sẵn sàng làm mọi điều  kể cả những điều khiến mọi  người  và chính bản thân cô khinh ghét, miễn là để những người thân yêu của cô được sống, miễn là để vực dậy được Tara, vùng  đất đai thân thiết mà trước đây người cha đôn hậu của cô đã đổ mồ hôi để khai phá và quý yêu như máu thịt của mình .
Chiến tranh kết thúc. Thế nhưng đó lại là lúc Scarlett O'Hara phải đối mặt với nguy cơ mất trắng Tara vì chính phủ mới tăng tiền đóng thuế đồn điền gấp nhiều lần và nàng không có tiền nộp thuế. Scarlett O'Hara đến gặp Rhett và sắp thuyết phục được chàng để mượn tiền thì Rhett Butler phát hiện nàng nói dối. Trong cơn tuyệt vọng, tình cờ Scarlett O'Hara gặp lại Frank Kennedy, chồng chưa cưới của Suellen, em gái nàng. Scarlett O'Hara tìm cách quyến rũ và lấy Frank Kennedy làm chồng để có tiền cứu Tara.
Tara dần hồi sinh. Rhett Butler lại cho Scarlett O'Hara mượn tiền để mở một xưởng cưa. Lúc này Ashley Wilkes  đã được trở về và nghe lời khuyên của Melanie Hamilton, chàng ở lại Atlanta giúp Scarlett O'Hara điều hành xưởng cưa.
Scarlett O'Hara có với Frank Kennedy một đứa con gái mặc dù cô không mấy mong muốn. Có con nhỏ nhưng Scarlett O'Hara vẫn thường xuyên ra ngoài làm đủ mọi việc để kiếm thật nhiều tiền mặc dù tình hình an ninh sau chiến tranh không ổn định. Một ngày, nàng bị một tên da trắng nghèo khổ và một nô lệ da đen vừa mới được giải phóng tấn công và suýt bị hãm hiếp. Frank Kennedy và Ashley Wilkes  và một nhóm người đều là thành viên của đảng 3K tức giận đi trả thù. Hậu quả là Frank Kennedy bị giết, Ashley Wilkes  bị thương,  những người khác có nguy cơ bị bắt. Rhett Butler đã giúp đỡ họ thoát nạn.Trong khi Frank Kennedy còn chưa được chôn cất và Scarlett O'Hara  còn đang  ân hận vì nghĩ mình là nguyên nhân cái chết của  chồng thì   Rhett Butler đã đến quỳ gối dưới chân nàng và ngỏ lời cầu hôn bởi vì anh  vẫn rắp tâm lấy được cô ngay từ ngày đầu họ gặp nhau và như anh nói: “Scarlett ạ, thực tình tôi không thể suốt đời cứ rình để bắt cô vào quãng giữa hai đời chồng.”
 
Mặc dù đã được sống những ngày tháng thoải mái, mặc dù được Rhett Butler hết sức cưng chìu và mặc dù hai người đã có với nhau một đứa con gái, Scarlett O'Hara vẫn nghĩ rằng nàng chỉ có thể yêu một mình Ashley Wilkes nên cả hai cứ giằng dỗi nhau. Scarlett O'Hara thậm chí đã quyết ngủ riêng để tránh việc mang thai lần nữa. Họ cứ đến được gần nhau rồi lại dần trở nên xa cách nhau cho đến khi cô con gái bé nhỏ mà Rhett Butler hết lòng yêu thương bị tai nạn và qua đời khiến Rhett Butler bị một cú sốc tâm lý nặng nề nặng nề và nghĩ rằng mình sẽ buông bỏ  mọi thứ vì không còn đủ kiên nhẫn để theo đuổi tình yêu với Scarlett O'Hara.
  Melanie Hamilton  sinh con lần nữa. Vì thể trạng yếu đuối nên nàng lâm vào tình trạng nguy kịch.Trong giờ phút hấp hối, Melanie đã gửi gắm chồng mình và con trai lại cho Scarlett O'Hara và đồng thời cũng khuyên nàng hãy trân trọng tình yêu của Rhett Butler. Bao nhiêu năm Scarlett O'Hara đã luôn nguyền rủa Melanie  và cầu cho cô ấy chết đi để riêng mình có được Ashley Wilkes nhưng đến bây giờ Scarlett O'Hara mới biết được Melanie Hamilton quan trọng với mình đến mức nào. Cũng cho đến khi có thể có được Ashley Wilkes  như  mơ ước, Scarlett O'Hara mới  nhận ra tình yêu của mình với Ashley Wilkes trong bao nhiêu năm nay chỉ là trí tưởng tượng, sự mơ mộng hay có khi chỉ là lòng kiêu ngạo của một Scarlett O'Hara thời thiếu nữ. Cũng chỉ cho đến khi bối rối hoang mang vì phải mất tất cả những người  yêu dấu từng có trên đời Scarlett O'Hara  mới có thể hiểu ra  rằng trên đời này chỉ có một người hòa hợp với cô, một người cô có thể yêu thực sự_ người đó  chính là Rhett Butler .
  có vẻ như mọi việc đã muộn màng, dù  Rhett Butler bấy lâu vẫn luôn dõi theo, luôn che chở, luôn yêu thương nàng nồng nhiệt giờ đã trở nên xa cách lạnh lùng, đã ngoảnh mặt quay lưng, Scarlett O'Hara với bản tính cứng cỏi vẫn tin rằng mình sẽ tìm lại được tình yêu của Rhett Butler. Cô quyết định ngay ngày mai sẽ trở về Tara vì biết rằng mảnh đất thân thiết, êm dịu ấy sẽ luôn vỗ về , che chở giúp cô làm lành các vết thương và giúp cô có thêm sức mạnh tiếp tục cuộc chiến đấu của mình.
Với tinh thần của dòng dõi nàng vốn không bao giờ chịu thua, kể cả khi đối mặt với thất bại, Scarlett O'Hara  vênh cằm lên. Nàng có thể chiếm lại được Rhett. Nàng biết mình làm được việc đó. Chưa có người đàn ông nào cưỡng lại được nàng, một khi nàng đã quyết tâm chinh phục.
"Ngày mai về ấp Tara, mình sẽ suy nghĩ về toàn bộ chuyện này. Lúc đó, mình sẽ đủ sức chịu đựng. Mai, mình sẽ nghĩ cách chiếm lại Rhett. Sau tất cả , ngày mai là một ngày mới”

Dĩ nhiên   Cuốn theo chiều gió  ” của Margarett Mitchell  là một tác phẩm văn học cực kỳ hấp dẫn . Nhiều người đọc  có thể bị cuốn hút  đọc một mạch suốt cả ngàn trang của tiểu thuyết mà không dứt ra được. Với một câu chuyện khá dài nhưng có kết cấu  chặt chẽ, logic, các tình tiết, sự kiện không có gì quá rắc rối, phức tạp, thậm chí rất dung dị, đời thường  _  những ai là người Việt Nam từng sống qua những thập kỉ cuối của thế kỉ XX đều ít nhiều có thể thấy bóng dáng câu chuyện của chính cuộc đời mình trong đó_ ngòi bút đầy nữ tính Margarett Mitchell  đã khắc họa một cách tinh tế, sinh động những nhân vật với những nét tính cách rất điển hình của con người  trong  chiến tranh và cả thời hậu chiến. Chiến tranh luôn gây đau thương, bất hạnh cho con người. Nhưng từ hàng ngàn năm nay, hết  cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác vẫn  xảy ra, chúng  tồn tại như một dạng thể bất khả tri, một thứ dịch bệnh khó lòng trốn tránh được. Và nữa, chiến tranh hay không, đó là vấn đề của các hoàng đế, các tướng lĩnh, các người lãnh đạo, các nhà cầm quyền … Vấn đề của hàng triệu những con người bình thường chỉ là  phải đối mặt với những hệ quả, hệ lụy  của chiến tranh như thế nào. Như một cơn cuồng phong đầy thịnh nộ đi qua một cánh rừng, chiến tranh quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó. Sẽ gãy đổ, gục ngã ngay từ đầu như một cành cây non yếu ớt, hay  để mình mềm mại uốn mình “cuốn theo chiều gió” như một loại dây mây dẻo dai, hay con người còn có thể có sự lựa chọn một cách ứng phó nào khác nữa trước những tấn thảm kịch của nhân loài… Margarett Mitchell qua các nhân vật của mình như Scarlett O'Hara, như Rhett Butler ,như Ashley Wilkes , như Melanie Hamilton .. đã để cho hàng triệu người đọc của mình phải có những ngẫm ngợi sâu sắc về điều đó.
Scarlett O'Hara là nhân vật chính được khắc họa sống động nhất trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió  ”của Margarett Mitchell. Mặc dù được người mẹ dòng giống quý tộc  thanh nhã, dịu dàng nuôi dạy uốn nắn để trở thành một tiểu thư đúng mực nhưng Scarlett O'Hara bẩm sinh lại  thừa hưởng nét tính cách ngoan cường, cứng cỏi, thực tế của ông bố _ một di dân từ Ái Nhĩ Lan  không một đồng xu dính túi đến nước Mỹ để  khai phá miền đất này từ gần bốn mươi năm trước. Chính những nét tính cách  đó đã khiến cho Scarlett O'Hara vốn được nuông chiều, rất mực kiêu kỳ đã vượt lên trên tất cả   những  khó khăn của thời chiến tranh và cả thời hậu chiến để tồn tại. Cô chấp nhận đánh đổi cả những phẩm giá của mình như lòng tự trọng, sự nhân từ , tính ngay thẳng… để có miếng ăn cho cả gia đình, để cứu Tara, và sau này , để không bao giờ còn bị cái đói nghèo ám ảnh, để luôn được ngước mặt nhìn đời. Biết uốn mình bởi cái tất yếu, cái mạnh hơn cá nhân mình, điều đó là tốt hay xấu? Câu trả lời còn tùy ở mỗi người, nhưng với Scarlett O'Hara, mặc dù không ít lần phải tự dằn vặt, xấu hổ, nguyền rủa chính bản thân mình: đã giết người chỉ vì người ta đến ăn cắp của mình, đã lừa lọc  lấy cho được chồng của em gái để có một ít  tiền, đã vô đạo đức vì nhắm mắt giả lơ mặc cho tên quản lý đối xử tàn tệ, bóc lột sức lao động của những người tù …,vẫn phải thẳng thắn  mà nói rằng: nếu phải bắt đầu lại từ đầu, nếu vẫn ở trong hoàn cảnh ấy, thì Scarlett O'Hara cũng sẽ làm như thế; sẽ phải làm như thế, vì tình yêu với bố, với Ashley Wilkes, với Tara...Và không chỉ thế,  còn bởi sự xui khiến của một thứ nội lực tiềm tàng âm thầm chảy trong huyết quản, thứ nội lực mà chính bản thân Scarlett O'Hara cũng không thể nhận biết, đó chính  bản năng  sinh tồn mạnh mẽ quyết liệt mà  tạo hóa đã dành riêng để trao tặng cho nàng, cho bố của nàng, cho những ai luôn sẵn sàng  đấu tranh để  giành phần chiến thắng trong cuộc đời.
Về điều này thì trong hệ thống nhân vật “Cuốn theo chiều gió ”, Rhett Butler giống Scarlett O'Hara hơn ai hết. Rhett Butler yêu Scarlett O'Hara cũng bởi vì nhận biết nét tính cách thẳng thắn, quyết liệt này của nàng. Hai người là một cặp trời cho rất đẹp đôi và lẽ ra họ đã có thể rất hạnh phúc ngay cả trong những năm tháng gian khó  nhất khi cuộc nội chiến  mới bắt đầu. Tiếc rằng Scarlett O'Hara đã  mất quá nhiều thời gian  để nhận ra điều ấy. Rhett Butler là người có đầu óc khôn ngoan, mưu trí và thực dụng. Cũng xuất thân  quý tộc nhưng Rhett Butler không ngần ngại tự nhận mình là “kẻ  vô lại ”, “ tên ích kỷ và đểu cáng ’’, dám làm những chuyện xằng bậy mà người ta không dám làm vì sợ tai tiếng. Chiến tranh xảy ra, Rhett Butler không hồ hởi đăng lính như hầu hết các bạn trẻ  mặc dù trước đó đã từng là một sĩ quan kinh nghiệm của miền Nam.Trong thời kỳ phong tỏa, Rhett Butler lợi dụng cơ hội tiến hành các hoạt động  buôn bán đầu cơ lương thực và vũ khí để làm giàu, sau chiến tranh hắn lại kết giao thân mật với những người Cộng Hòa là phe thắng cuộc , sẵn sàng “liếm gót giày của kẻ thù ’’tìm kiếm các phi vụ làm ăn để làm giàu hơn nữa. Cả thành phố khinh ghét và nói xấu sau lưng nhưng chàng cóc cần điều đó . Rhett Butler  không tin vào bất cứ thứ chính nghĩa nào, Rhett Butler chỉ tin vào chính bản thân mình: “ Rhett Butler, hắn là chính nghĩa duy nhất của  anh ”. Chính niềm tin đó, chính sự phỉ nhổ vào mọi thứ hư từ đã giúp Rhett Butler tránh khỏi cái chết vô nghĩa trong chiến tranh, thoát khỏi cái nghèo đói thê thảm sau chiến tranh như hàng trăm ngàn những chàng trai ngây thơ non trẻ cùng thời. Là một kẻ ranh mãnh và luôn biết tận dụng cơ hội , nhưng điều đó không có nghĩa là trong sâu thẳm tâm hồn quý tộc của mình , Rhett Butler  không ẩn chứa, không khao khát một điều gì tốt đẹp. Phần cuối truyện, Rhett Butler buông bỏ mọi thứ đã kiếm tìm để ra đi: “Anh chấm dứt với mọi thứ ở đây. Anh cần thanh bình. Anh muốn coi nếu có một nơi nào đó còn chút gì yêu kiều và thanh cao cho cuộc sống. Em hiểu anh đang nói gì không?”

Ashley Wilkes  là một nhân vật gây nhiều tranh cãi . Có vẻ như Margarett Mitchell muốn xây dựng một kiểu nhân vật mà nhân sinh quan hoàn toàn đối lập với Rhett Butler. Ashley Wilkes là  chàng trai trẻ  tài hoa,  trong sáng , cao thượng …, chàng có đủ phẩm cách của một quý tộc khiến bao cô gái xinh đẹp và thông minh như Scarlett O'Hara     phải say mê và mơ tưởng. Nhưng điểm yếu của Ashley Wilkes là anh ta chỉ có thể tồn tại trong cái thế giới ấy , thế giới của thi ca , của hội họa và những thứ đẹp đẽ khác. Còn một khi cái thế giới đẹp đẽ ấy trở nên lộn tùng phèo hết cả thì loại người như anh ta lại là những kẻ chết đầu tiên. Sau chiến tranh , giữa những đổ nát hoang tàn , tất cả đều phải làm lại từ đầu .Những đồn điền không còn nô lệ .Thuế má đều tăng lên .Trong khi một  tiểu thư như Scarlett O'Hara  phải xắn tay để làm việc  như một nô lệ để nuôi sống gia đình , để cứu sống Tara thì Ashley Wilkes chỉ biết buồn rầu , bất lực  đắm chìm trong kỷ niệm. Không phải Ashley Wilkes không có năng lực làm việc, vấn đề chỉ là vì anh ta mất hết ý chí phấn đấu nên để cho bản thân mình mỗi lúc mỗi chìm dần đi. Một nhân vật đại diện cho người dân miền Nam sau chiến tranh trong “Cuốn theo chiều gió “ đã nói về bệnh trạng của mình: “Cả thể giới không thể quật ngã được chúng ta, nhưng chính chúng ta lại có thể  tự đánh gục mình bằng cách tiếc nuối quá đáng những gì chúng ta đã mất...’’ Sau chiến tranh , Ashley Wilkes chỉ có thể tồn tại bằng cách sống nhờ  vào tình yêu thương của hai người phụ nữ là Scarlett O'Hara   và Melanie Hamilton . Khi sức khỏe Melanie Hamilton trở nên nguy kịch và mạng sống chỉ còn một vài phút giây ngắn ngủi, tình trạng bạc nhược, bất lực của Ashley Wilkes trong lúc Scarlett O'Hara    đang rất cần một sự sẻ chia , nâng đỡ khiến Scarlett O'Hara    chợt nhận ra toàn bộ con người chàng bấy lâu nay vẫn là thế. Chàng chỉ như một món đồ đẹp mà vì không có được nên nàng cứ như một đứa trẻ    cứ khao khát mãi , đến khi có được rồi mới nhận ra đó là một thứ hoàn toàn vô dụng. Tình yêu của bao nhiêu năm tháng  của Scarlett O'Hara  với Ashley Wilkes rốt cuộc đã tan biến đi , chỉ còn lại là một chút sự thương hại và khinh bỉ.

Một nhân vật có vẻ hơi mờ nhạt trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”    nhưng có lẽ được tác giả và độc giả dành cho nhiều sự trân quý  là nhân vật Melanie Hamilton . Một nhan sắc bình thường bên cạnh vẻ yêu kiều , rực rỡ đầy cuốn hút của Scarlett O'Hara  .Vẻ đẹp thực sự của Melanie Hamilton chỉ được nhận ra qua những tháng năm dài rộng , qua những biến cố kinh hoàng , qua cái nhìn của những con người có trái tim mẫn cảm. Đó là  một người phụ nữ bình dị , khiêm nhường , hiền dịu nhưng không gì khuất phục nổi  kể cả chiến tranh và cùng với nó là những thứ tệ hại như đói rét , bần cùng , chết chóc… Khi cuộc chiến tranh kết thúc, khi những kẻ thắng cuộc từ dưới đáy xã hội bỗng ngoi  lên với  cuộc sống giàu có  xa hoa còn bản thân những  người xuất thân là quý tộc như Melanie Hamilton lại trở nên nghèo khó thì nàng không oán thán mà vẫn lương thiện , chăm chỉ làm việc; không ganh tỵ mà  vẫn vui vẻ ,  đôn hậu ,  hiếu khách ; không xu thời mà vẫn giữ được những phẩm chất , những nề nếp tốt đẹp, những giá trị của truyền thống  cũ xưa .  Khi một trận cuồng phong đi qua, mọi thứ cỏ cây đều gãy đổ hoặc ngã rạp xuống , uốn mình theo chiều gió, chỉ riêng những loài cây quý với chất gỗ cứng cáp , vững vàng mới có thể trụ lại bền bỉ với năm tháng , với đất trời . Melanie Hamilton chính là loài cây quý ấy . Khi chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Melanie Hamilton , khi sắp phải vĩnh viễn mất đi người bạn bấy lâu gắn bó , con người cứng cỏi như Scarlett O'Hara  mới nhận ra bấy lâu nay chính Melanie Hamilton bé nhỏ mới là rường cột , là sức mạnh , là chỗ dựa cho nàng , cho cả hai gia đình qua bao năm tháng khốn khó , gian nan.



Scarlett O'Hara, Rhett Butler , Ashley Wilkes , như Melanie Hamilton … là những nhân vật trong một tiểu thuyết của nền văn học Mỹ từ thế kỷ XIX nhưng không hề xa lạ với xã hội , con người Việt Nam  thế kỷ XX . Như đã nói ở trên, những ai là người Việt Nam từng sống qua những thập kỉ cuối của thế kỉ XX đều ít nhiều có thể thấy bóng dáng  câu chuyện của chính cuộc đời mình trong“Cuốn theo chiều gió”của Margarett Mitchell    . Tôi đã được nghe kể nhiều về những câu chuyện của bạn bè mình những năm tháng trong và sau chiến tranh 1975. Bạn bè học chung lớp chung trường , năm1975 bỗng chốc như một bầy ong vỡ tổ tan tác khắp nơi. Mấy mươi năm sau gặp lại được nhau,  mỗi  thân phận dường như là một câu chuyện dài không dứt , đầy u uẩn , đầy khắc khoải . Ai trong họ là Scarlett O'Hara,  là Rhett Butler,  là Ashley Wilkes, là Melanie Hamilton … trên cái nền cảnh tranh tối tranh sáng của một cuộc đổi dời ??? Sự lựa chọn là tùy ở mỗi người .Và sự lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả. Không một ai có quyền phán xét ai đã làm gì , đã như thế nào . Ở đây, chỉ có thể lắng nghe và thấu hiểu bằng sự cảm thương.

Nhưng “Cuốn theo chiều gió”của Margarett Mitchell  không chỉ là câu chuyện về tình yêu , về thân phận con người và những nỗi thống khổ vì  chiến tranh. “Cuốn theo chiều gió”của Margarett Mitchell  còn là câu chuyện của lịch sử được ghi lại bằng một thứ ngôn ngữ văn chương trong sáng , hàm súc và đầy sức thuyết phục. Chính tổng thống Abraham Lincoln trước khi chết đã nói : “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử”. Cuộc nội chiến nước Mỹ  kéo dài trong bốn năm (1861_1865) được trả giá bằng cái chết của 620.000 binh sĩ và hàng triệu người bị thương tích, bao nhiêu thành phố hoa lệ bị làm cho đổ nát , hoang tàn. Lịch sử nước Mỹ  phải ghi lại cuộc chiến tranh này để những mất mát đau thương  không lặp lại. Nhưng lịch sử nước Mỹ  cũng phải ghi nhận công lao của vị anh hùng dân tộc Abraham Lincoln và mục tiêu cao quý  của cuộc chiến tranh mà ông đã lãnh đạo. Cuộc chiến tranh Nam _Bắc nước Mỹ là sự hy sinh cho những nguyên tắc tự do và bình đẳng của con người . Giải phóng  nô lệ da đen là một phần của nỗ lực ấy. Trong “Cuốn theo chiều gió”, Margarett Mitchell  nhiều lần để cho những nhân vật của mình  chế giễu Abraham Lincoln ; nhiều lần nói đến những chết chóc và những thương tật kể cả thể xác và linh hồn ; nhiều lần ta thán chính sách thuế khóa nặng nề khiến các ông chủ đồn điền lâm vào cùng kiệt; nhiều lần nói đến sự hợm hĩnh của bọn nhà giàu mới ngoi lên…Nhưng vượt lên trên tất cả những đau thương mất mát , những nghịch lý của  xã hội ,  chiến thắng từ cuộc chiến tranh Nam _Bắc là một chiến thắng làm nên chân giá trị của nước Mỹ . Chiến thắng ấy cho phép hàng chục triệu người nô lệ da đen đến từ miền đất Phi Châu (từng được Harriet Beecher Stowe khắc họa trong trong tác phẩm nổi tiếng“Túp lều của bác Tom”) với những số phận bi thảm , những cuộc đời thống khổ có được quyền  tự do và bình đẳng , và sau đó con cháu của họ có cơ hội để phấn đấu trở thành những người  kiệt xuất như trường hợp Barak Obama _tổng thống nước Mỹ hiện nay. Người Mỹ đã phải đổ nhiều máu xương ,  tổng thống Abraham Lincoln cũng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình chỉ vài ngày sau khi cuộc  chiến tranh   kết thúc thắng lợi (15/4/1864), nhưng sự hy sinh ấy đã không uổng phí . Đó là sự hy sinh để sản sinh một nền tự do mới làm nên một nước Mỹ tiến bộ,  văn minh  khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Trong “Cuốn theo chiều gió”của Margarett Mitchell  , Tara bị rơi vào tình cảnh  khốn khó nhưng rồi Tara lại hồi sinh ; Rhett Butler  tuyệt vọng bỏ Scarlett O'Hara mà đi nhưng Scarlett O'Hara vẫn tin rồi Rhett Butler  sẽ lại trở về . Kết thúc truyện là hình ảnh Scarlett O'Hara đang hình dung mình  đứng ở thềm nhà Tara , một ngày mùa thu đầy nắng, với câu nói quen thuộc đầy niềm tin tiếp thêm sức mạnh cho mình: "Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới" (After all, tomorrow is another day!)
Scarlett O'Hara có quyền được tin như thế . Bởi chính trong tác phẩm văn học này và trong thực tế của lịch sử , chỉ sáu năm sau khi nội chiến kết thúc, thủ đô của miền Nam Atlanta hoang tàn, đổ nát lại hồi sinh, lại tưng bừng , lại đẹp rực rỡ , hoa lệ như chưa từng có chiến tranh xảy ra.
Lịch sử ghi rằng trưa ngày 9 tháng 4 năm 1865 , tướng Robert E. Lee  của miền Nam và tướng Ulysses S. Gran của miền Bắc gặp nhau để ký kết  văn bản đầu hàng kết thúc chiến tranh . Lịch sử cũng ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục,  thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Trong cuộc  chiến tranh ấy , sau cùng được hay thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ.
 
Cả nước Mỹ sau sự kiện tháng 4 năm 1865 đã cùng bắt tay vào một công cuộc tái thiết hàn gắn những vết thương . Lòng yêu nước , niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân cùng những cố gắng tôn trọng công lý , pháp luật của phe thắng cuộc đã khiến nước Mỹ trong một thời gian ngắn  làm nên những kỳ tích. Trong thần thoại Ai Cập cổ đại có huyền thoại về chim Phượng Hoàng là một loài chim đẹp linh thiêng sống tới cả ngàn năm .Vào  cuối vòng đời Phượng Hoàng xây dựng một cái tổ từ những nhành cây quế và sau đó tự đốt cháy mình . Cả tổ và chim cùng cháy lên dữ dội và tan thành tro bụi .Và rồi từ đống tro bụi đó một con Phượng Hoàng mới , đầy sức sống bay lên.
Nước Mỹ sau chiến tranh chính là con chim  Phượng Hoàng đó.
 Tại nước Mỹ  , cách thành phố Atlanta chừng 25 km, có một viện bảo tàng được các du khách thường xuyên thăm viếng mang tên Gone with the Wind_ nhan đề cuốn tiểu thuyết của Margarett Mitchell . Ở đây người ta trưng bày những tài liệu, vật dụng liên quan đến cuốn tiểu thuyết và bộ phim “Cuốn theo chiều gió”. Sự yêu mến, tự hào về viện bảo tàng này cùng tác phẩm của Margarett Mitchell  là sự thể hiện sinh động một phần tình yêu tổ quốc ngấm ngầm mà sâu xa của người dân nước Mỹ , cũng là sự nhắc nhở cho họ luôn hướng về việc xây dựng tương lai nhưng không được quên quá khứ và những bài học đắt giá của lịch sử. Ở Việt Nam , lịch sử là một môn học khá nhàm chán, và khi cả học sinh lẫn giáo viên đều đã ngoảnh mặc quay lưng với môn lịch sử ,  Bộ Giáo dục lại có dự kiến xóa bỏ môn này  để thay vào đó  là tổ hợp môn Công dân với tổ quốc gồm lịch sử +giáo dục đạo đức công dân + giáo dục an ninh quốc phòng. Một môn học mà theo giáo sư Phan Huy Lê chỉ ở Việt Nam  mới có!!!
Liệu sự thay đổi này có làm học sinh yêu mến và hiểu biết về lịch sử hơn không?
Nhà thơ nổi tiếng xứ sở Daghestan Gamzatovich Gamzatov đã nói rằng : "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai bắn lại anh bằng đại bác". Tình yêu đất nước _con người  , sự hiểu biết lịch sử  đã khiến  những người dân Hợp Chủng Quốc từ sau sự kiện ngày  9 tháng 4 năm 1865 chung tay hợp sức với nhau khiến nước Mỹ  từ chết chóc, đổ nát , điêu tàn vươn lên thành  cường quốc số một thế giới .  Đó là sự thật. Đó là bài học mà Việt Nam cần được thuộc lòng .  Quá khứ cần được  gìn giữ  . Lịch sử cần được tôn  trọng . “Cuốn theo chiều gió” của Margarett Mitchell  đã góp một phần khiến người ta hiểu biết và  quý yêu  hơn những giá trị nhân bản của nước Mỹ thông qua một câu chuyện tình yêu trên nền cảnh cuộc nội chiến  đã diễn ra trong lịch sử nước Mỹ từ hơn 150 năm trước( 1861_1865).Tác giả đã viết nên tác phẩm của mình không chỉ bằng tài năng nghệ thuật , bằng tình yêu  , bằng sự hiểu biết  mà còn bằng sự thấu cảm lịch sử tuyệt vời . Đó cũng là một trong những khiến lý do vì sao từ khi ra đời đến nay (1936),  “Cuốn theo chiều gió” của Margarett Mitchell luôn được các thế hệ người đọc hâm mộ , say mê  và luôn có một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học của nước Mỹ cũng như  thế giới.

                                     Sài Gòn , 26/4/2016
                                      Hà Thị Lệ Hà K8

 

AI BÁN BIỂN, AI MUA TRĂNG ?



AI đã cùng ai tại chốn này
MUA chi, ai bán, đất trời xoay
TRĂNG khuya thổn thức cùng mây gió
TÔI ở người đi biệt dáng gầy
BÁN dạ, tìm ai thưa bóng nguyệt
TRĂNG ơi thắp sáng bóng chòm mây 
CHO nhận, hợp tan,..chi sầu tủi 
Liễu đỡ trăng nằm đợi tối nay


Trần Ngọc Anh K10