Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Triêu nhan biêng biếc nhớ


Chờ nhau trắng lối hoa cau
Tím xanh bìm biếc úa nhàu cỏ hoang
Ngàn khơi tố lốc tro tàn
Nghiêng tay vốc chút mơ màng được chăng

Đọt tình muôn thuở lên măng
Xanh rì lá mộng khăng khăng một miền
Sa mù dấu nỗi niềm riêng
Sông Seine lững thững chao nghiêng nẻo chờ

Lách lau tủi phận bến bờ
Công viên ghế vắng bóng mờ chiều trôi
Vì Sao Lạc mãi lẻ đôi
Vẵng vang tiếng nhạn đơn côi gọi bầy

Thạch Thảo đợi nhớ vơi đầy
Rớm dòng nhựa ứa cội cây trơ cành
Đóa triêu nhan biêng biếc xanh
Tím vây nỗi nhớ tím quanh cội tình

Thạch Thảo viên, Mồng ba tết (Wed, Feb 10th , 2016)
Vũ Đan Huyền K7




Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Gạch 3D lát nền 'biến' sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật


Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến Thầy Cô, anh chị một số hình ảnh gạch 3D lát nền ' biến' sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật".

Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Gạch 3D lát nền đang là xu hướng trang trí mới để giúp không gian nhà có những cảnh quan tuyệt vời.
Gạch 3D lát nền với lớp phủ trong suốt cho phép chủ nhà có để biến các căn phòng của mình trở nên tuyệt vời hơn khi có thể ngắm đáy đại dương hoặc bãi biển thơ mộng...
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 13
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 11
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 10
Những hình ảnh đáng kinh ngạc từ gạch 3D giống như cuộc sống thiên nhiên dù nhìn từ nhiều góc độ. Kỹ thuật sử dụng gạch 3D này đã được dùng tại các trung tâm mua sắm hạng sang và các tòa nhà cao cấp cách đây vài năm. Bây giờ, chúng đang trở thành xu hướng trang trí nội thất được ưa chuộng nhất nhì tại các hộ gia đình giàu sang.
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 9

Gạch 3D lát nền 'biến' sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật

Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 8
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 6
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 5
Gạch 3D lát nền có thể 'biến' nhà bếp và phòng tắm thư thái hơn với cảnh quan tuyệt vời.
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 4
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 3
Gạch 3D lát nền biến sàn nhà thành các tác phẩm nghệ thuật 0

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Nhân dịp cuối tuần anh Đoàn Thường K9 thư giãn với câu chuyện:



                        KHÔNG BIẾT THẬT HAY ĐÙA.


     Nghe đồn…nước kia tham nhũng đang trở thành quốc nạn, Ngọc Hoàng bức xúc, liền ra quyết định cử Thái Bạch Tinh Quân đi xác minh thực tế…

     Đến nơi, đúng vào dịp thành phố là thủ đô nước ấy đang tổ chức hội nghị báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, Thái Bạch Tinh Quân liền đến dự, kết quả cuối cùng mà Ngài nghe được từ lãnh đạo thành phố, báo cáo một cách hùng hồn là… “năm qua, thành phố ta không có vụ tham nhũng nào” !? Sững sờ vì… bất ngờ, thời gian ngắn sau, Ngài lại nhận được tin thành phố lớn nhất nước đó đang tổ chức kỳ họp HĐND, Thái Bạch Tinh Quân thu xếp đến dự để tìm kiếm thông tin, tại đây Ngài cũng lại nghe thanh tra Thành phố báo cáo một cách hết sức hùng hồn rằng… “ 9 tháng đầu năm qua, thành phố ta không có trường hợp tham nhũng nào”!?

     Lơ ngơ như kẻ bơ vơ, không lẽ về báo cáo Ngọc Hoàng là không hề có tham nhũng, hết sức vô lí…đã là quốc nạn kia mà ! Thái Bạch cố nán lại thời gian nữa quyết tìm cho ra, cũng vừa hay đâu Bộ kia tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phòng chống tham nhũng, mừng như bắt được vàng, Ngài nghĩ…1 năm có thể không có tham nhũng, chứ 10 năm chắc chắn phải có ! Thái Bạch tức tốc đến dự mà lòng vui khấp khởi. Ngồi nghe báo cáo đến chai cả đít như khỉ, cuối cùng, ông chánh thanh tra bộ cũng tuyên bố cực kỳ hùng hồn rằng… “trong 10 năm qua, tại các đơn vị của bộ chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu tham nhũng nào” !?

    Rõ ràng là không hề có tham nhũng ở đất nước này, hay là người ta vu khống ? Có nên về báo cáo Ngọc Hoàng hay không? Đang bí, chợt Ngài nảy ra sáng kiến mời thổ địa đi uống cà phê để moi móc thông tin.

   Trao đổi xong chuyện này, thổ địa LÃ BẤT THƯỜNG hiến kế:
- Đã là quốc nạn, chắc chắn phải có tham nhũng, mà các thành phố lớn không hề có tham nhũng thì ông phải về những thôn bản xa xôi điều tra, ở các cơ quan to lớn đầu não cũng không hề có tham nhũng thì ông phải về những tổ chức xã hội cỏn con điều tra, tui tin chắc trăm phần trăm ông sẽ có bản báo cáo đầy trách nhiệm đã tìm ra tham nhũng trước Ngọc Hoàng !

      LÃ BẤT THƯỜNG quả nói đúng như Thần, chỉ mấy ngày sau, Thái Bạch Tinh Quân đã tìm ra được 2 vụ tham nhũng điển hình, đủ để báo cáo “thành tích” trước Ngọc Hoàng Thượng Đế…

- Vụ thứ nhất: Tại Bản Tít Mù, xã Vời Vợi, huyện Mù Xa, ông  trưởng bản A-Lăng-Xăng có trách nhiệm lên huyện nhận hàng hỗ trợ tết cho bà con nghèo, khi phát cho dân ông bớt lại mỗi hộ gói bột ngọt, gói kẹo, hộp bánh…nói là công của ông đã lội suối, băng rừng xuống huyện mang hàng về thôn. Vụ này rõ ràng ông trưởng thôn đã tham nhũng, vì trách nhiệm của ông trước dân nên phải làm, hơn nữa ông đã có tiền phụ cấp hàng tháng !

- Vụ thứ hai: Tại CLB Thơ Con Ễnh Ương, tổ chức đêm thơ nguyên tiêu ở xóm Cây Bàng, phường Cây Mít, quận Cây Trâm, tiền ủng hộ của các mạnh thường quân và bà con yêu thơ được 6.550.000 đ, sau khi trừ các khoảng chi phí, ông chủ nhiệm CLB, đã tham nhũng bằng cách chi sai mục đích 3.160.000 đ để cùng  ban chủ nhiệm và các các quan chức nho nhỏ địa phương nhậu nhẹt tại quán Lẫu Dê ông Hai Hòn.

   Thái Bạch Tinh Quân đã hoàn thành nhiệm vụ một các xuất sắc, được Ngọc Hoàng tặng Bằng khen cấp quốc gia.

      Chuyện này không biết thật hay đùa, đùa hay thật, thật hay đùa, đùa….




                                                                  THƯỜNG ĐOÀN K.9

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

MẶC...


Con trốt trốt cuộn từ phương bắc
xoáy dần về phương nam,
thành cơn lốc phàm;
ngờ nghệch nghe…
Cơn lũ kết gỗ mục thành bè
sủi bọt thượng nguồn,
xơ xác chim muông;
ngu ngơ nói…
Lốc lũ tan tác giống nòi
xao xác tiếng gù tiếng gáy,
bàn tay thả vòng bàn tay;
ngơ ngác tìm…
Ngớ ngẩn hỏi trái tim nằm phía nào trong lồng ngực…
Xuân thì mẫy,
Mãn khai hoa,
Mặc thế sự nghe nói tìm, ta tìm tim ta trong ngực…
 Vugia K7

THƯ MỜI HỌP MẶT của CHS ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM tại SAIGON


     Nhân dịp đầu năm Bính Thân 2016 , Ban liên lạc CHS Đông Giang_Hoàng Hoa Thám tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
     Trân trọng kính mời tất cả quý thầy cô giáo , các bạn học sinh từng công tác, học tập tại trường Đông Giang _Hoàng Hoa Thám về dự buổi gặp mặt thường niên lần thứ 12.
1/Thời gian : từ 9 giờ sáng ngày 20/3/2016 (nhằm ngày 12/2/âm lịch)
đến 15 giờ chiều cùng ngày.
2/Địa điểm :sảnh tiệc Ngân Sen , nhà hàng thủy tạ Đầm Sen (số 03
Hòa Bình , phường 3, quận 11 , thành phố HCM)
Rất mong sự hiện diện đầy đủ của tất cả quý thầy cô và các bạn
Tp HCM, ngày 25/2/2016
Đại diện ban liên lạc CHS :
Đỗ Xuân Khẩn (chs k 6 ĐG)

Mọi ý kiến xin liên hệ ban tổ chức :
1/Nguyễn Đức Thông (chs k9):0903832292.
2/Hồ Thị Bích Hà (chs k7):0907396777


KẺ Ở - NGƯỜI ĐI



***KẺ Ở

Biệt ly rồi biết còn ngày gặp lại!?
Tháng ba xưa rớm lệ tiễn chân người
Trời nổi gió, triền lau mờ khói sóng
Bóng thuyền xa… từ đó lạnh đôi bờ

Cầu ô thước – chia hai đầu nỗi nhớ
Bao mùa qua lá đỏ rụng bên mành
Người ở lại đêm từng đêm khắc khoải
Hỏi người đi lòng có thấy đoạn đành?

Biết lấy gì ước hẹn chuyện mai sau!
Người phiêu bạt vó ngựa hoài rong ruỗi
Ôi thời gian vòng xe không quay ngược
Mãi vô tình mang con nước trôi xuôi…

Xế ngang trời lặng lẽ ánh trăng treo
Đêm trở giấc ngọn đèn khuya hắt bóng
Gió xào xạc bên ngoài khung cửa lạnh
Thoáng mơ hồ ai mới lướt qua song.

Hoa cuối mùa dần cũng nhạt phai hương
Lối quen cũ lên xanh màu cỏ dại
Góc phố nhỏ nhớ người chong mắt đợi
Mà người đi biền biệt tháng năm dài…

***NGƯỜI ĐI

Năm tháng xưa hằn sâu trong ký ức
Lòng người đi đau đáu một góc trời
Từng con sóng bạc đầu xô cuốn mãi
Bóng quê nhà vời vợi khuất ngàn khơi

Có đôi khi thèm sợi khói chiều rơi
Lòng viễn xứ mơ về bên bếp lửa
Cặp mắt đen gặp tình cờ đất khách
Thoáng áo dài cũng gợi nhớ người xưa

Bến sông buồn - lệ ướt buổi tiễn đưa
Tay níu chặt - sợ mai rồi mất dấu
Thuyền rời bến dáng em dần mờ khuất
Ta theo dòng chẳng biết dạt về đâu!?

Người ra đi lạnh buốt những mùa ngâu
Đêm mộng thấy xuôi thuyền về qua bãi
Giọt nước mắt cuốn trôi thời lưu lạc
Nụ cười em quên hết tháng năm dài…

Có còn không một ngày ta trở lại
Nắn phím đàn hong lại những cung tơ
Bên bếp lửa chụm đầu ôn chuyện cũ
Ngày hồi hương liệu còn có bao giờ!?...

PHAN MẠNH THU K9


28142743

(Ảnh trên internet)

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Mùa Xuân Bay Xa


Tôi ru mình vào tiếng chim ca
Ký ức gối đầu vỗ về giấc ngủ
Cánh đồng tuổi thơ mây mờ che phủ
Đâu mất cánh diều ước vọng ngày xanh
Buổi chiều héo hắt rơi nhanh
Lạc giọng lũ chim... nắng vàng đã khuất
Màu tươi sáng lúc nào đã mất
Ngày đã sang đêm, gió cũng sang mùa
Có những đêm dài đổ xuống cơn mưa
Gõ nhịp triền miên trong miền sâu thẳm
Con thuyền mộng cơ hồ chìm đắm
Xào xạc lá vàng rụng xuống buồn tênh
Con đường thật dài nhịp bước chông chênh
Dòng sông tuổi xanh lúc nào khô cạn
Còn chút nắng hồng bên bờ dỹ vãng
Mùa xuân ngày nào lặng lẽ cứ dần xa...
Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Hình Ảnh Tiệc Tân Niên Bính Thân 2016 của CLB Liên Trường Quảng Đà Tổ chức tại Thành Phố San Jose, CA


Chiều Chủ Nhật 21 tháng 2 năm 2016, tại Thành Phố San Jose, CA, CLB Liên Trường Quảng Đà đã tổ chức tiệc Tân Niên Bính Thân 2016. Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh sau:








Xin mời xem thêm hình ảnh TẠI ĐÂY

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

GIẤC XUÂN


Xuân về
Đường quê
Lụa là cái nắng còn mê
Trườn mình trên những triền đê hiền hòa
.
Cánh mai hoa
Xuân đương ca
Nụ cười thôn nữ điệu đà
Đóa mơ thấp thoáng sau tà áo thương
.
Tay đơm mộng thường
Giấc xuân miên trường
Gió xuân hoa gửi làn hương
Khơi lòng cánh bướm bên đường ghé thăm
.
Mưa xuân dáng lược trầm
Chải lòng trời thanh tân
Có đàn én biệt mù tăm
Chở mùa xuân lại vọng âm đất trời
.
Nao lòng lữ khách… à ơi!
Khắp bao la lượng xuân ngời
Kìa! Con trâu dại bên đời
Nhẩn nha ngồi lại ru hời giấc xuân.
(Mộc Miên Thảo – 2/2016)
Nguyễn Đăng Khoa

Thơ thiền (bài số 1)


Khi người ta yêu hết mình
đừng nghĩ đến sang hay hèn
chiến bại hay chiến thắng
Và đừng tính toán, lo toan!

Không phải tất cả những đôi tình nhân sống với nhau trọn đời
đều hạnh phúc.
Cũng như vậy, có những cặp “uyên ương” rã cánh
chắc chi đứt gánh giữa trần gian!

Có đôi bạn cùng học cùng trường
cùng ở một làng
cùng một sở thích…
Khi bước vào đời
bỗng dung… hai lối
Cái đích đến như đường thẳng song song
Nhưng trong ý nghĩ
họ vẫn thuộc về nhau!

(Mồng ba tết Bính Thân, 2016)
Phan Thanh Minh K9

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

VẪN LẠC LOÀI HEO HÚT LẮT LAY BAY


Dành tặng cho bộ sậu biên tập và các nhà xuất bản cuốn vở " Đặng Tiểu Bình - một trí tuệ siêu việt ". CCRĐ, MT, VB, 1979...v.v...Tất cả từ siêu việt mà ra.

VẪN LẠC LOÀI HEO HÚT LẮT LAY BAY
Tôi viết tiếp về những bó nhang
không phải cháy vội vàng bên rừng dương lén lút,
Tôi viết về những làn khói hương heo hút
rụt rè bay từ nỗi ngậm ngùi đến cuối niềm uất ức…

Làn khói quyện như dáng người nông dân ôm ngực
giữa ruộng đồng tủi cực chết vùi thây,
run rẩy đường cày …
Làn khói hòa bay như xương trắng tù đày
chất chồng chen chúc dưới hố hầm, bãi sậy,
nổi dậy oan tai…
Làn khói trôi như những hình hài 
giữa cuồng nộ sóng ngàn rữa nát bập bềnh thây,
biển nồng khiếp hãi…
Làn khói quyện bay có dáng người lính súng tì vai,
máu thịt hình hài biến thành biên thùy, hải đảo,
ngơ ngác vô danh…
Những làn khói chỉ mơ giấc mơ bay thanh thản yên lành
hòa hơi thở muôn đời cùng anh linh Tổ quốc,
Ôi! những làn khói hương heo hút
từ nỗi ngậm ngùi đến cuối niềm uất ức rụt rè bay …
Vẫn lạc loài chập chờn thổn thức lắt lay bay.
Vugia K7

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Nhân dịp cuối tuần, anh Đoàn Thường K9 thư giãn với:

QUAN VÀ…KHỈ
• Quan ngồi ở những vị trí quan trọng nhưng chẳng có tài cán gì…
- KHỈ NGỒI BÀN ĐỘC !
• Quan chỉ biết rập khuông, máy móc, cấp trên làm sao thì làm theo y vậy…
- KHỈ HAY BẮT CHƯỚC !
• Quan hay hứa mà chẳng bao giờ thực hiện…
- HỨA HƯƠU HỨA VƯỢN !
• Đối với cấp dưới, quan hay cau có, quạu quọ, mắng nhiếc…
- NHĂN NHƯ KHỈ ĂN ỚT !
• Nhà nước sử dụng các quan bất tài, nhưng giỏi luồn lách, xà xẻo công quĩ… 
- NUÔI ONG TAY ÁO, NUÔI KHỈ DÒM NHÀ !
• Quan mánh mung, tham ô, tham nhũng…
- LÀM TRÒ KHỈ !
• Quan có ô-dù to, thanh kiểm tra đối với quan chỉ là…
- RUNG CÂY NHÁT KHỈ !
• Quan bị kỷ luật, điều quan khác về thay thế, có khi…
- KHINH KHỈ MẮC ĐỘC GIÀ !
THƯỜNG ĐOÀN. K.9

Hớp ngụm suối nguồn



Một chút độ lượng hoan hỷ trao tay, một phút sè sẹ sè tay vân vê cọng cỏ dại lối mòn, tìm về với ta trong ta, giao hòa cùng nhiên giới bao la, triều nhịp cùng sóng nước trong vắt hồ thu bên bến vắng Thạch Bàn, lặng nghe gió hú đầu truông, dõi mắt phương mờ ngóng nhìn khói đá giăng giăng tháp cổ …
Thong dong tung tăng hớp ngụm suối nguồn uyên nguyên_ Ôi ước vọng nhỏ nhoi lại thoảng về giữa cuộc trần bụi bặm, giữa biển lận tháng ngày.

Nhớ, tuổi ngày tuổi thơ, mân mê cọng thanh tâm thảo xanh um mùi cỏ dại, rồi hít hà củ hương phụ quê cha thơm lừng cả cơn mơ.
Tít tắp từng cụm đồi nho nhỏ mé bìa rừng chi chít sim, mua tím ngợp hồn người.
Tiếng sơn ca ríu rít vọng giữa từng không vang động cả góc rừng bỗng như muốn chui vào từng chùm dủ dẻ vàng óng giấu mình cạnh bụi móc um tùm được đám gai chà là tua tủa gai nhọn sẵn lòng hào hiệp che chở.
Ta chân đất rừng rú lặng nhìn, nghiêng tai im nghe từng âm thanh nhỏ giọt trên phiến lá mơn mởn xanh non.
Rồi ngày thơ qua mau. Ôi!


“Quê hương dấu cỏ mòn sương khói 
Thương nhớ vô vàn những nhớ thương”


Vùng trời yên tỉnh phủ khói lam chiều từ mái rạ đẹp bức tranh thủy mặc chợt thay bằng tiếng đì đùng khét lẹt mùi tử khí.
Màu đỏ mộc miên thảo đầu làng, hoa vông góc vườn, cánh phượng sân trường nho nhỏ cũng vội nhường chỗ cho màu đỏ của chiến tranh, màu đỏ những cơn ác mộng miên trường.


“Nào ngờ quê mẹ nổi binh đao 
Xao xác đồi nương pháo đạn cày 
Thay trâu cày đất máu thay mưa 
Thấm xuống hàng cau lấm gốc dừa”


Nhớ, tuổi ngày chớm lớn, cũng mơ cũng mộng, cũng mong cũng ngóng tình trong trang giấy mỏng, cũng đợi cũng chờ từng chuyến đò ngang lại qua bến Hàn giang, cũng giận cũng hờn trách cứ vu vơ_


“Ai về nhắn họ Hy Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh”

(Ca dao)


Âm thầm lặng soi đời mình trước lăng kính chiếu yêu trần gian.
Trượt dài trong tăm tối mù lòa, trượt dài trong nhớ nhung trống vắng, trượt dài trong mê sảng mộng mỵ, trượt dài trong u uất kiện vong của chợt nhớ chợt quên bởi_


“Tuổi chớm biết buồn là tuổi dại 
Còn gì đâu nữa để mà mơ”


Mất hút rồi, đâu còn đâu, tuổi buồn lất phất tựa giọt sương gieo mạng nhện đầu ngọn cỏ ven đường đê dài thậm thượt trông hút mắt. Phải chăng chỉ vì điều đơn giản thật đơn giản hiển hóa thành hiện thực phủ phàng nhếch nhác.
Vệt thời gian hằn in tứng gốc tóc, vành mi những đêm không ngủ, những tháng ngày len lỏi chợ đời bên bến xe, nhà ga, cội cây vệ đường, công viên vắng người qua.


“Lạc gót hồng trần lem lút phấn 
Gió sương trăn trở trả nợ đời”


Trần trụi hoàn trần trui. Giọt café đen thơm ngào ngạt hoài thai từ chiếc bông trắng màu trinh nguyên.
Lăn lóc lem lút đời cứ ngỡ đâu là bụi phấn bảng bay là đà hay cố tình gắng gượng lường gạt chính thâm tâm mình. Ý thức bi tráng hình thành qua chặng dài dối trá trong ta, đâu phỉnh phờ chi ai, nhưng tự vấn _ có niềm đau nào hơn thế.
Bút nghiên chữ nghĩa vốn món nợ đời, nợ nhân gian, nợ ân tình nghĩa lụy, nợ cơm cha áo mẹ chữ thầy, nợ triền miên nợ, nợ chất chồng nợ, làm sao trả trọn một đời.
Đêm, bao đêm trắng, đâu nhớ hết bao đêm xuân hạ thu đông.


“Đêm vọng nghe
Lời sóng biển chơi vơi
Chữ nghĩa thầy ơi
Lấp luống cày
Bút nghiên nặng nợ lỡ vay
Mộng về vương vải cơn say
Gọi thầm”


Chiều, bao chiều cô lữ lạc lỏng bơ vơ giữa bụi mờ. Giũ nhẹ phong sương thế mà sờn bâu áo.
Chiều xuân, bao chiều xuân tê cóng nỗi nhớ, nhớ mẹ nhớ cha, nhớ quê nhớ kiểng, nhớ bao la ngút ngàn là nhớ.


“Chiều nay con lại viết bài thơ
Gởi nhớ về nơi cũ xa mờ
Mờ xa nỗi nhớ chừng lạ lẫm
Lạ lẫm chiều vương áo bụi đường …”


Hàn ôn biết ai chia cùng.
Chiều xuân, bên mộ cha rồi bên mộ mẹ, tiết lành lạnh gió se se, đất trời vô biên, núi rừng cô tịch, ta chừng cô độc.
Bóng núi cúi nghiêng đáy hồ hờ hững lay theo lăn tăn sòng gợn thoáng u hoài.
Ra về trong lặng lẽ, ngồi lặng lẽ trầm ngâm nơi bàn viết.
Không gian lặng câm.

Thạch Thảo viên, Đêm mồng hai tết. (Tue, Feb 09th , 2016)
Vũ Đan Huyền K7


_Lời bạt_ Câu Ca dao
“Ai về nhắn họ Hy Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh”
1/ “Hy Hòa” là nhân vật thần thoại, có thuyết chép là mẹ của thần mặt trời, cũng có thuyết cho rằng đó là người đánh xe cho thần mặt trời.
2/ Từ “Và” là từ cổ, ngày nay được hiểu là “vài”.
Tương tự câu Kiều.
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một và bông lau”
Ngày nay được chép:
“Cỏ non xanh tận / rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông lau”

Thiều quang liên chiểu



Thiều quang liên chiểu ngát hương
Cánh tươi sắc nụ thơ vương tình nồng
Bờ lau óng ả dòng sông
Lụa là bóng nước rạng hồng ánh dương

Môi xinh ai nở cánh hường
Ta ngầm xe nhớ dệt thương dáng đào
Vườn hoang ngõ vắng nao nao
Gió đùa tóc rối cớ sao mỏi mòn

Mưa chiều tím thẩm đầu non
Tiếng con sáo sậu réo dòn vực khe
Chiều xuân cây lá im nghe
Thiều quang liên chiểu se se lạnh buồn

Giá chi con nước ngược nguồn
Cỏ vườn Thạch Thảo giăng buông tơ trời

Thạch Thảo viên, Nguyên đán Giáp thân. _ (Mon, Feb 08th , 2016)..
Vũ Đan Huyền K7

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Màn trình diễn ảo thuật độc đáo nhất thế kỉ



Chuyện gia đình và tình dục ở loài khỉ


Anh Đỗ Xuân Quang chs Phan Châu Trinh xin giới thiệu đến Quí Thầy Cô, anh chị bài Chuyện gia đình và tình dục ở loài khỉ của tác giả Đoàn Dự 

THƯA QUÝ BẠN, theo âm lịch, năm nay là năm Bính Thân nên tôi xin trình bầy với quý bạn mọi sự hiểu biết của tôi về đời sống gia đình và tình dục của loài khỉ. Hy vọng bài này sẽ hầu quý bạn những sự khám phá đầy thú vị về loài vật tinh khôn có nhiều điểm rất gần gũi với con người đó. Xin mời quý bạn thưởng thức…
Khỉ thuộc ngành động vật hữu nhũ (động vật có vú), bộ Linh trưởng. “Linh” có nghĩa là khôn ngoan, nhanh nhẹn; “trưởng” có nghĩa là đứng đầu, hạng nhất (giống như chữ trưởng trong tiếng con trưởng, gia trưởng). Như vậy, “Linh trưởng” có nghĩa là loài vật khôn ngoan, nhanh nhẹn đứng đầu trong các con vật.
Theo tiếng Hán Việt, Linh trưởng tương ứng với chữ Primate (số nhiều là primates) trong tiếng Anh. Trước kia, Primates còn được gọi là bộ Khỉ, bắt nguồn từ gốc La-tinh primas (số nhiều: primus) có nghĩa là hạng nhất, cao cấp nhất. Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ “trưởng” lại viết cùng chữ với chữ “trường” (nghĩa là dài, ví dụ trường giang, trường túc) vì vậy đa số các sách tiếng Việt đều viết là bộ “Linh trường” thì không đúng lắm.
Linh trưởng hay bộ Khỉ được các nhà khoa học nghiên cứu và cho là hình thành cách đây khoảng 65 triệu năm. Đến nay cũng không ai biết bộ Khỉ có bao nhiêu loài, bởi vì có những loài khỉ cổ xưa đã biến mất nhưng cũng có những loài “khỉ mới”, vừa được tạo hóa tạo ra. Ví dụ ở bên Brasil, mới đây các nhà khoa học tìm thấy có tới 5 loài “khỉ mới” vừa phát sinh, còn ở Việt Nam thì có 2 loài vừa phát sinh, còn đang trong vòng nghiên cứu, chưa được đặt tên.
Người ta cũng không thể biết kích thước “trung bình” của các loài khỉ là bao nhiêu. Bởi vì, loài khỉ Berthe “nhỏ nhất thế giới” ở Philippines chỉ nặng có 30 gam và to bằng đầu ngón tay út, có thể nằm gọn trong một chiếc muỗng, loài khỉ Tarsier cũng ở Philippines nặng 80 gam, to bằng 3 đốt ngón tay, nhưng cũng có loài Mountain Gorilla (Khỉ đột núi) ở Phi châu mà con đực nặng tới 200 kg, nghĩa là gấp gần 3 lần người đàn ông nặng 70 kg!
Còn về kích thước, trí khôn cũng như hình dáng nói chung, người ta chia các loài khỉ ra làm hai nhóm:
– Nhóm “chưa có dạng người” (Strepsirrhini): kích thước nhỏ hơn người rất nhiều, trí thông minh kém xa người, hình dáng chưa giống với người. Ví dụ: loài khỉ Berthe, khỉ Tarsier ở Philippines, khỉ lông vàng Rhesus macacus ở các nước Đông Nam Á, khỉ đuôi dài thường thấy nhiều ở Việt Nam…
– Nhóm “có dạng gần giống với người” (Haplorhini): kich thước gần bằng người hoặc hơn, trí thông minh cao nhất trong các loài khỉ, hình dáng từ mặt mũi cho tới dáng đi, dáng đứng bằng hai chân khá giống với người. Tiêu biểu là 4 loài: khỉ Bonono (chưa có tên Việt), Khỉ đột (Gorilla), Tinh tinh (Pan), và Đười ươi (Ourang-outang, tiếng Anh: Ourangutan, tiếng La tinh tức tên khoa học: Pongo).
Trong nhóm “chưa có dạng người”, chúng ta để ý tới loài khỉ “dễ thương” Rhesus macacus (có ở các nước Đông nam Á, kể cả Việt Nam). Tại sao chúng lại “dễ thương”? Tại vì loài khỉ này hiền lành, xinh xắn, và sống rất sạch sẽ. Đặc biệt, các “bà mẹ Rhesus” rất âu yếm các con mới sinh. Hễ thấy một bà mẹ khác trong đàn đang bế con còn nhỏ, các bà sát lại gần, xòe tay ra xin “cho mình bế bé một tí” rồi nựng nịu, âu yếm không khác gì con do chính mình sinh ra. Một điều quan trọng khác nữa là máu của loài khỉ Rhesus macacus rất giống với máu của người, do đó nhà sinh lý học Karl Landsteiner người Áo (1868-1943, giải Nobel y học 1930), năm 1901 sau khi đã tìm ra 4 nhóm máu chính O, A, B, AB và các nguyên tắc trong việc truyền máu, nhưng đôi khi vẫn có người chết, ông tiếp tục nghiên cứu với khỉ Rhesus macacus và tìm ra hai yếu tố phụ gọi là rhesus+và rhesus-, từ đấy khi truyền máu không còn xảy ra tai nạn nữa.
Về nhóm “gần giống với người”, chúng ta sẽ nói nhiều tới khỉ Bonono và khỉ đột, vì hai loài này hiền và “tiến bộ” tức có nhiều điểm giống với người hơn là đười ươi và tinh tinh. Ở sở thú Sài Gòn, khỉ Bonono được để tên Việt Nam là “Khỉ dã nhân”, nhưng đối với người Tây phương, Dã nhân (Gigantopithecus) còn là huyền thoại, chưa được nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ nói sau.
I. Đời sống “gia đình”
Các khỉ loại nhỏ “chưa có dạng người” như khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), khỉ mặt chó (Baboon), khỉ lông vàng (Rhesus macacus)… thường sống thành đàn, có khi tới vài chục con hoặc hơn; còn khỉ loại lớn “gần giống với người” như khỉ đột, khỉ Bonono, thường sống thành “gia đình” cỡ vài ba hoặc năm sáu con. Tại sao các “khỉ loại lớn” không sống thành đàn đông đúc? Tại vì chúng… lớn, hằng ngày cần nhiều thức ăn trong khi chúng không sản xuất ra được mà chỉ lấy trong tự nhiên, nếu sống thành đàn chúng sẽ khó kiếm đủ được. Nhưng dù lớn hay nhỏ chúng cũng có các tập tính khá giống nhau, chúng ta se lấy hai loại Bonono và khỉ đột làm tiêu biểu.
Dù sống thành đàn hay gia đình cũng không bao giờ “loạn luân”
Chẳng phải chúng đạo đức mà tại vì, như chúng ta đã biết, trong các loài, nếu có sự giao phối đồng huyết, tức sự thụ tinh cùng dòng máu (như khỉ cha, khỉ mẹ với chính con của chúng, khỉ anh em, cô chú cùng huyết thống với nhau), con cháu sinh ra sẽ suy yếu, phát sinh bệnh tật, dòng giống sẽ thoái hóa rồi bị tiêu diệt. Bởi vậy tạo hóa đặt để ra, khi còn nhỏ thì khỉ con sống trong đàn hay trong gia đình với bố mẹ, nhưng khi trưởng thành, đến tuổi động dục nó sẽ tự động bỏ đàn đi kiếm đàn khác để gia nhập và sẽ bắt đôi với chàng hay nàng trong đàn khác đó.
Chúng ta thấy trong một đàn khỉ, con đực “chúa trùm” có thể giao phối với nhiều khỉ cái nên tưởng rằng trong số các khỉ cái đó có “con gái” hay “cháu gái” của nó. Không, khi trưởng thành, con hay cháu nó đã rời khỏi đàn rồi nên không thể có sự giao phối đồng huyết. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt như đàn khỉ sống trong các vườn thú chẳng hạn, khi trưởng thành không bỏ đàn đi đâu được nên mới có sự giao phối lung tung. Lúc ấy, khỉ con sinh ra do sự giao phối đồng huyết thường chết.
Báo Thanh Niên mới đây cho biết, chú khỉ đột có tên Snowflake (Hoa tuyết) từng nổi tiếng thế giới là cá thể bạch tạng duy nhất trong loài khỉ. Theo các nhà bảo tồn, Snowflake chào đời nơi hoang dã với chứng bạch tạng bẩm sinh (một rối loạn về gene khiến chú khỉ đột này thiếu sắc tố trên da và lông).
Dân chúng đã bắt được Snowflake ở vùng Guinea Xích Đạo năm 1966. Chú khỉ đột hiếm gặp sau đó đã sống suốt 40 năm tại vườn thú Barcelona (Tây Ban Nha) cho tới khi qua đời vì bệnh ung thư da vào năm 2003.
Trước khi Snowflake chết, người ta đã lấy máu của chú đem đông lạnh để bảo quản. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mẫu máu đông lạnh này vào năm 2012 và xác định rằng, chứng bạch tạng của Snowflake do gene SLC45A2 gây ra vì hậu quả của đột biến trực tiếp từ cha mẹ của chú. Khi phân tích chi tiết, họ phát hiện, cha mẹ của Snowflake có quan hệ huyết thống gần gũi tới 12% DNA giống hệt nhau, điều này cho biết khỉ cha và khỉ mẹ của Snowflake có thể là chú ruột đã giao phối với cháu ruột.
Khám phá trên cho thấy kết quả của việc giao phối loạn luân ở loài khỉ đột sinh trưởng tại vùng đất thấp của phương Tây. Nhà nghiên cứu Marques Bonet giải thích rằng, một số loài khỉ đột có dân số ít ỏi ở vùng đất thấp thường phải giao phối lẫn nhau dù là cùng huyết thống để bảo tồn nòi giống.
Biết o mèo
Trong quá trình theo dõi khỉ vàng Rhesus macacus ở Indonesia, các nhà khoa học nhận thấy rằng các con đực phải chải lông và bắt rận cho khỉ cái để được “vui vẻ”.
Michael Gumert, một chuyên gia của Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) cùng các nhà khoa học, nghiên cứu một nhóm gồm 50 khỉ Rhesus macacus ở Kalimantan Tengah, Indonesia trong 20 tháng. Họ nhận thấy khỉ đực thường chải lông, bắt rận cho khỉ cái trước khi giao phối với nó.
Không phải mọi khỉ đực đều được ân ái sau khi chải lông cho khỉ cái, nhưng thống kê cho thấy hoạt động tình dục trong đàn khỉ tăng lên hơn 2 lần nhờ hoạt động này. Cụ thể, số lượng đôi khỉ giao phối trong một giờ (tính trung bình) là 1,5 lần. Nhưng sau khi khỉ cái được chải lông, số lượng trung bình đó tăng lên gấp 3,5 lần.
Nghiên cứu cũng cho thấy, số phút mà một con khỉ đực dành cho việc chải lông phụ thuộc vào số lượng khỉ cái có mặt chung quanh nó. Con số khỉ cái càng đông thì số phút chải lông của khỉ đực càng ít. Nói một cách dễ hiểu, ở người, một anh chàng có nhiều “bồ” thì anh ta sẽ ít chăm sóc các cô hơn là chỉ có một.
lấy thức ăn hoặc để “chàng” chịu khó chăm sóc con hơn. Nhưng đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng kiến khỉ đực chăm sóc khỉ cái để lấy “tình”.
Nhưng điều khiến Michael Gumert để ý là nhiều khi khỉ cái cũng chải lông cho khỉ đực. Theo ông, có thể đó là một cách để khỉ cái làm giảm mức độ hưng phấn của khỉ đực. Trên thực tế, sau khi được khỉ cái chải lông, số phút làm tình của khỉ đực giảm hẳn.
II. Đời sống tình dục 
Đối với các vật nuôi như chó, mèo, gà, vịt, kể cả trâu bò, chúng ta thấy con vật cái chỉ chịu đực khi chúng ở thời kỳ động dục. Trong trường hợp chúng chưa tới thời kỳ động dục mà con đực cứ muốn “làm” thì chúng né tránh để “chàng” không thể “tới bến”được. Riêng ở loài khỉ, chỉ trừ khi đang có thai hoặc đang phải nuôi con nhỏ khỉ cái mới tỏ ý không bằng lòng hoặc chống lại chồng, còn những lúc khác dù không muốn nó cũng chiều ý chồng. Đặc biệt, lúc động dục con cái thường có những cử chỉ mời gọi.
Ngoài ra, ở khỉ Bonono và khỉ đột, khi khỉ vợ quá ham muốn nó cũng biết kích thích cơ quan sinh dục của chồng để chồng hiểu ý nó, rồi nó nằm sấp trước mặt chồng một cách mời gọi để chồng làm tình với nó. Đến mức này thì khỉ chồng chiều ý vợ vì không thể từ chối.
Một trường hợp kỳ lạ là mới đây, các nhà khoa học trong khi đi nghiên cứu, vô tình bắt gặp ở trong rừng Brasil một con khỉ cái có thai rất lớn bất ngờ bị té từ một ngọn cây cao xuống một mỏm đá, bị thương nặng sắp chết. Con khỉ đực chồng nó cứ quanh quẩn ở đấy ôm ấp vợ một cách cực kỳ thương xót đồng thời xua đuổi những con khỉ khác không cho tò mò đến xem. Điều lạ lùng không ai có thể tưởng tượng được là cuối cùng, con khỉ đực chồng nó giao cấu với vợ trước khi vợ chết. Các nhà khoa học giải thích rằng, nó giao phối như vậy không phải do sự thích thú mà là để bày tỏ lòng yêu thương cũng như sự đau xót cùng cực của nó đối với vợ.
Khỉ Bonono thường được nhắc tới như “những con khỉ có quan hệ tình dục rất nhiệt tình”. Ở loài khỉ này, các con cái sử dụng tình dục cho nhiều mục đích: để giảm căng thẳng, để hóa giải xung đột giữa nó và con đực, thậm chí còn khoe khoang chuyện “làm tình” trước mặt bạn bè.
Trong các cuộc quan sát mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học St Andrews (Anh) thấy rằng, khỉ cái sử dụng tiếng kêu để “quảng cáo” những cuộc giao hoan của chúng, nhất là khi chúng giao hoan đồng tính với một con khỉ cái khác.
Ân ái đồng tính giữa khỉ cái với khỉ cái là hành vi tương đối phổ biến trong loài khỉ Bonono bất cứ khi nào chúng muốn. Bởi vậy chúng duy trì mối quan hệ giữa các khỉ cái với nhau rất vững chắc và thường liên quan tới tình dục. Bà Zanna Clay, vị tiến sĩ đứng đầu trong cuộc nghiên cứu này giải thích: “Khỉ cái “to mồm” khi giao hoan với bạn tình để các khỉ cái khác thấy giá trị của nó trong chuyện tình dục. Nhất là khi ân ái với một con khỉ cái giữ vị trí cao hơn trong bầy đàn thì nó lại càng làm ầm ĩ hơn có vẻ rất hãnh diện”.
Tuy nhiên, khi khỉ cái đến thời kỳ động dục thì nó lại càng la hét nhiều hơn lúc ân ái với khỉ đực chồng nó. Tiến sĩ Clay giải thích: “Điều đó cho thấy những tiếng la hét ấy có tính cách bản năng và thích thú hơn là sự tự quảng cáo”.
Các kiểu làm tình ở loài khỉ
Là động vật cao cấp nhất trong các con vật và có những tính chất gần giống với con người nhất, khỉ cũng có những tư thế làm tình vừa giống đa số các loài vật khác đồng thời vừa giống với người, gồm các kiểu chính:
– Kiểu đứng: Con đực ôm trên lưng con cái từ phía đằng sau. Con cái có thể đứng hoặc nằm sát xuống đất theo ý nó muốn và vừa tầm với con đực.
– Kiểu nằm: Con cái nằm ngửa, con đực nằm hoặc ngồi trên phía phần sau của con cái, mặt đối mặt.
– Kiểu ngồi: Hai con cùng ngồi đối diện với nhau, ôm nhau. Nếu con cái lớn hơn con đực khá nhiều thì nó thường chống hai tay xuống đất cho vững, con đực ngồi trên hai đùi nó và ôm lưng nó. Ngược lại, nếu con đực bằng hoặc lớn hơn con cái thì còn đực ngồi chống hai tay xuống đất, con cái ngồi trên hai đùi nó. Như vậy chính con cái chủ động trong việc giao phối với con đực.
Nếu người giao phối với khỉ thì có thể sinh con hay không?
Ngày xưa, khi chưa có định nghĩa về loài, nhất là chưa có sự khám phá về nhiễm sắc thể (chromosomes) cũng như về gene trên các nhiễm sác thể, các nhà khoa học Nga tự đặt câu hỏi, khỉ là loài rất gần với người, nghĩa là có nhiều tính chất giống người, vậy nếu người giao phối với khỉ thì có thể sinh con hay không?
Để trả lời câu hỏi đó, họ nuôi một khỉ cái Bonono là loài khỉ hiền lành nhất, giống người nhất, có tính dục mạnh mẽ nhất, rồi chờ đến khi cô khỉ cái tới thời kỳ động dục, họ cho một người đàn ông tráng kiện giao phối với cô khỉ này. Kết quả là dù giao phối bao nhiêu lần chăng nữa cô khỉ vẫn không có thai. Họ cho rằng có lẽ do nuôi trong điều kiện không giống với điệu kiện tự nhiên nên cô khỉ không thể thụ thai. Họ làm thí nghiệm khác rất công phu là sang bên Phi châu, thuê mấy thanh niên Phi châu khỏe mạnh, sung sức, không mặc quần áo, gia nhập đàn khỉ Bonono kể cả đàn khỉ đột rồi dùng thức ăn “làm quen” với các cô khỉ cái, sống với các cô này như vợ chồng và giao phối với các cô đó trong điều kiện tự nhiên. Kết quả là không cô nào có thai cả. Các nhà khoa học đi đến kết luận: khi người giao phối với khỉ thì không thể thụ thai.
Thật ra, sau khi đã có định nghĩa về loài của nhà sinh vật học người Đức Ernst Mayr (1904-2005), nhất là sau khi đã có những hiểu biết về nhiễm sắc thể và gene, không cần làm những thí nghiệm như trên người ta cũng biết hai sinh vật khác loài như người và khỉ khi giao phối với nhau thì không thể thụ tinh để sinh ra con được.
Theo định nghĩa của Ernst Mayr: “Loài là một nhóm các ca thể sinh vật có những đặc điểm tương đối giống nhau và có khả năng giao phối với nhau sinh sản ra thế hệ tương lai”. Hay nói khác đi, hai loài khác nhau thì không thể giao phối với nhau, hoặc có giao phối nhưng không thể sinh sản, hoặc có sinh sản nhưng con của chúng không sinh sản được. Tại sao như thế? Bởi vì mỗi loài có bộ nhiễm sắc thể khác nhau, trên đó có các gene di truyền. Ở người có 46 NST tức 23 đôi. Ở khỉ có 42 NST tức 21 đôi. Khi giao tử của người gặp giao tử của khỉ trong sự giao phối, số lượng các NST không phù hợp nên chúng không thể kết hợp với nhau để tạo ra bào thai được.
Trong thế giới động vật chỉ có trường hợp con lừa và con ngựa là hai loài khác nhau, chúng có thể giao phối với nhau sinh ra con gọi là con la, nhưng con la không sinh sản được, như vậy định nghĩa của Ernst Mayr vẫn đúng.
Huyền thoại về khỉ dã nhân hay “người rừng” ở Trung Quốc
Nhiều nhân chứng kể rằng các “nữ dã nhân” đã đột nhập vào một số làng trong rừng ở Trung Quốc để tìm kiếm đàn ông.
Hơn 400 người Trung Quốc khẳng định họ đã từng nhìn thấy dã nhân – một loại sinh vật giống người hoặc giống đười ươi song có chiều cao tới 2 m – trong rừng Thần Nông Gia thuộc tỉnh Hồ Bắc. Chẳng hạn, vài người kể rằng các dã nhân nữ đột nhập vào một số làng trong rừng để ngủ với đàn ông.
Năm 1983, tờ Nhật báo Chiết Giang đưa tin, một nông dân đang ngủ trong chiếc lán trong rừng thì một sinh vật to lớn có hình dạng giống phụ nữ xông vào lán định thực hiện hành vi giao cấu với ông. Sinh vật đó có cặp mắt màu xanh dương thẫm. “Người nông dân không kêu lên được vì quá sợ hãi. Ông cũng không thể chống cự lại được đối thủ. Nữ dã nhân kia giao cấu với ông vài phút rồi bỏ đi”.
Lời đồn đại về sự tồn tại của dã nhân khiến hơn 100 nhà khoa học thành lập Hiệp hội Tìm kiếm Dã nhân tỉnh Hồ Bắc vào tháng 11/2009. Wang Shancai, một phó chủ tịch của hiệp hội, cho biết, các nhà khoa học đang quyên tiền để thực hiện một cuộc tìm kiếm quy mô trong rừng Thần Nông Gia. Theo ông Wang, nếu dã nhân thực sự tồn tại, chúng sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về quá trình động vật linh trưởng tiến hóa thành người.
Viện Khoa học Trung Quốc đã từng cử ba đoàn chuyên viên vào rừng Thần Nông Gia để tìm dã nhân trong thập niên 70 và 80. Họ tìm thấy nhiều thứ được cho là của dã nhân như lông, phân, dấu chân và chỗ ở, song không đưa ra kết luận chính thức về sự tồn tại của chúng.
Ông Wang khẳng định: “Ba đoàn chuyên gia trước đây đã mất thời gian và công sức do tìm kiếm trên phạm vi quá rộng. Ngoài ra thời đó họ cũng không có những thiết bị tiên tiến. Cuộc tìm kiếm sắp tới của chúng tôi sẽ chỉ tập trung trong phạm vi hẹp như các hang mà dã nhân có thể sống”.
Ông nói tiếp: “Chúng tôi sẽ chia thành 5 đoàn để tập trung tìm kiếm tại 5 khu vực quan trọng mà dã nhân có thể xuất hiện. Các đoàn sẽ sử dụng những biện pháp hiện đại nhất, bao gồm cả các bẫy có camera. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, tôi tin khả năng tìm thấy dã nhân là 80% trở lên”.
Nhiều nhà khoa học tại Trung Quốc và trên thế giới cho rằng dã nhân mà hơn 400 người nói họ đã từng trông thấy có thể chỉ là một loài đười ươi lạ mà con người chưa biết.
Nhà báo Mỹ Nicholas Redfern, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh vật lạ cho rằng, nỗ lực của giới khoa học Trung Quốc không phải viển vông, bởi vì có nhiều hóa thạch cho thấy dã nhân có thể tồn tại.
Redfern nói với Fox News: “Rất nhiều câu chuyện về quái vật khổng lồ đã được người dân bịa ra dựa trên những câu chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết. Nhưng thật ra người ta đã tìm thấy nhiều hóa thạch cho thấy những sinh vật lớn giống người đã từng sống tại Trung Quốc hơn 300 ngàn năm trước”.
Các chuyên gia về linh trưởng đã từng tìm thấy xương hàm, răng, và nhiều mảnh xương khác của một loại động vật có hình dạng giống người trong rừng Thần Nông Gia. Sinh vật này có chiều cao xấp xỉ 2,7 m. Các nhà khoa học gọi nó là Gigantopithecus (Người rừng khổng lồ).
Redfern đã tham gia nhiều cuộc tìm kiếm người rừng khổng lồ, song các nỗ lực đó đều thất bại vì thiếu tiền. Ông nói: “Chẳng có gì tuyệt vời hơn nếu các nhà khoa học có đủ tiền để tìm kiếm sinh vật ẩn hình trong vòng một năm. Nếu bạn chỉ vào rừng trong vòng một tuần và tìm kiếm một cách ngẫu nhiên thì cơ hội tìm thấy người khổng lồ sẽ rất mong manh”.
Tuy nhiên, nếu Hiệp hội Tìm kiếm Dã nhân tỉnh Hồ Bắc quyên đủ tiền để thực hiện cuộc tìm kiếm lâu dài thì một câu hỏi được đặt ra: “Người khổng lồ có còn sống trong các khu rừng châu Á hay không?”. Redfern phát biểu: “Các bằng chứng khoa học cho thấy Gigantopithecus đã tuyệt chủng từ lâu nhưng các nhà khoa học cũng thường xuyên mắc sai lầm. Kết luận của các nhà khoa học không phải bao giờ cũng đúng”.
Đoàn Dự

THỎ THẺ ĐẦU NĂM


Năm KHỈ đi cầu KHỈ
Tìm may mắn BÍNH THÂN
Cùng bạn hữu xa gần
Cơ duyên cùng chia sẻ
Bính Thân phải mạnh mẽ
Vượt khó ngay đầu năm
Làm việc phải luôn chăm
Mới mong ngày thu quả
Không bàng hoàng, vội vã
Không ngại khó, ngại xa,…
Quyết chí sẽ vượt qua
Năm mới thành công mới !
Dù tiết trời biến đổi
Hạn hán, mặn lan nhanh
Chung tay cùng thực hành
Kiếm tìm nguồn nước mát
Cho đồng xanh bát ngát
Cho cuộc sống đổi thay
Nên khởi sự làm ngay
Sẻ chia cùng chung sức !
Năm mới rèn tâm đức
Cầu được, ước thấy ngay
Cho cuộc sống mỗi ngày
Bình an và hạnh phúc
Trần Ngọc Anh K10