Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

ĐÔNG GIANG...GỌI TÔI VỀ

Sáng nay gỡ tờ lịch cho một ngày mới theo thói quen mỗi sáng, tôi giật mình vì bây giờ đã là ngày 28 tháng chín rồi. Ôi! tháng chín sao có quá nhiều biến động trong tâm hồn tôi.

Tháng chín đợi chờ náo nức, tháng chín hân hoan siết chặt những bàn tay và cũng mang nỗi buồn, hụt hẫng...Tháng chín chừ sắp sửa vỗ cánh bay xa để một ngày kia ta chợt nhận ra tháng chín của năm này chừ xa lắc, biết bao giờ gặp lại.

Thật vậy, tôi không có ngôn từ nào để diễn tả hết tâm trạng của mình sau lần hội ngộ. Giờ đây, nhìn thời gian vội vã ra đi tôi lại muốn viết thật nhiều dù bài viết của tôi không có đầu có đuôi và kể cả bố cục nhưng lại là những cảm xúc thật sự trong những ngày về lại Đông Giang...Chẳng biết tự bao giờ lòng tôi lại hướng về Đông Giang với một tình cảm sâu đậm như chưa bao giờ có. Có lẽ kể từ ngày được tin sẽ chuẩn bị ra mắt đặc san Đông Giang 50 năm. Nó như một cái gì thiêng liêng réo gọi tôi về.

Đúng rồi! Bao tâm tư chất chứa bấy lâu về trường cũ, thầy xưa, về bạn bè nay đã có dịp cho tôi trút cạn lòng mình vào bài viết. Thế là tôi đã cố gắng viết thật nhiều mong giải tỏa những gì chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Và ngày 31 tháng 12 năm 2012 tôi đã hoàn thành các bài viết gửi đặc san hải ngoại đúng theo thời hạn nộp bài. Bên cạnh đó, những ngày này tôi thường xuyên tìm về blog Đông Giang để tìm nơi đó những tình cảm ấm áp thân thương của tuổi học trò ở "những ngày xưa thân ái".

Thuở chờ đợi ngày về tháng chín đã gợi cho tôi thật nhiều cảm xúc và cũng chính cảm xúc này đã hình thành trong tôi những vần thơ để rồi cùng hòa nhịp với bạn bè...được góp mặt trong "Về lại trường xưa". Thế rồi, thời gian còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày hội Tháng Chín. Bọn con gái khóa 6 chúng tôi đã náo nức chuẩn bị đủ thứ để về sum họp dưới mái trường thân yêu mà mình đã từng một thời học tập hai buổi sớm chiều. Nhưng nghiệt ngã thay những ngày ấy tôi lại bị bệnh phải đi nằm viện. Tôi thầm mong bệnh chóng khỏi để được về đoàn tụ với gia đình Đông Giang. Và rồi tôi đã đạt thành ước nguyện. Tôi nhận được giấy xuất viện và hoàn tất thủ tục để rời bệnh viện vào chiều ngày 11 tháng 9; đủ cho tôi có thời gian về sắp xếp hành lí cho chuyến đi về trường vào sáng 12 như bao nhiêu bạn khác. Tôi không sao kể xiết nỗi vui mừng của mình ở lúc này. Sáng hôm ấy tôi được con trai chở đến trường (ông xã tôi còn bận đi dạy, chiều 13 mới tham gia sinh hoạt). Vừa đến đất trại tôi gặp được một số bạn ở Đà Nẵng như anh Phạm Dũng, Nguyễn Hưng...tuy biết tên nhưng chưa một lần gặp mặt. Lại nữa, tôi còn được gặp các bạn Đông Giang Sài Gòn - đã có lần cùng tôi tham gia chuyến đi Cù Lao Chàm ( ngày 11 và 12 của tháng 7/2009, rồi họp mặt lần thứ 8 của Đông Giang Sài Gòn vào mùa xuân 2012) nên cũng có nhiều gắn bó...Dù có bạn chưa một lần gặp mặt nhưng hai chữ Đông Giang là cầu nối vững chắc để chúng tôi thật sự quý mến nhau. Nhìn bạn Trương Dũng cùng một số bạn khác đang trang trí trại cựu học sinh Đông Giang và khắp khu vực cắm trai ai ai cũng hăng hái trang trí lều trại của lớp mình, lòng tôi như sống lại tuổi thơ trong những lần cắm trại xa xưa thời còn đi học. Hình ảnh này trông thật dễ thương làm sao! Không khí ngày khai mạc trại để chào mừng lễ kỉ niệm 50 năm thành lập thật tưng bừng náo nhiệt.

Trong thời gian chờ đợi các bạn về đông đủ, tôi đã rảo quanh sân trường trong tiếng nhạc xập xình tổng duyệt văn nghệ. Tôi vào hành lang trường để tìm lại dấu vết ngày xưa. Nơi đầu hồi phía bắc căn phòng đang xây lúc ấy, tìm lại nơi chúng tôi đã một thời chơi nhảy dây khi mới vào học lớp sáu, tìm lại căn phòng đang xây dở dang với những cây cột chống và những bức tường chưa được tô vôi. Nơi đã từng có lần thầy Thành xoa đầu tôi vì hiểu tâm trạng của một học trò rủi ro bị điểm kém, hơi ấm của bàn tay thầy như vẫn còn đâu đây mà bóng thầy mãi biền biệt không về trong ngày hội. (Tâm tư này tôi đã gửi gắm không chỉ với riêng thầy mà còn với thật nhiều thầy cô khác trong bài viết "Vùng trời kỉ niệm" gửi Đặc san 50 năm của Trường ở hải ngoại mà BBT đã nhận thiếu sót vì không đăng bài của tôi. Sự hụt hẫng và nỗi buồn xáo trộn tâm tư sau ngày hội của tôi cũng chính vì lẽ đó).

Tối hôm ấy trời mưa tầm tã, trời như muốn tiêu hủy đi những gì Đông Giang gầy dựng và làm cho đêm văn nghệ không thành. Dù mưa kéo dài nhưng những tiết mục văn nghệ vẫn cứ công diễn. Tiết mục "Về muộn" của cựu học sinh Đông Giang Sài Gòn do bạn Khẩn sáng tác, mặc dù âm thanh không rõ lắm nhưng những lời cuối cùng "Thầy đâu rồi thầy? Cô đâu rồi cô?" thật sự đã làm tôi xúc động. Chụp lấy, chụp để vài tấm hình tôi như muốn mượn lời của Khẩn để nói với thầy cô. Tôi nhớ quá thầy Thành, thầy Phó, thầy Phụng...không bao giờ tôi được gặp lại các thầy.

  y.

THƯ XIN LỖI TỪ BAN BIÊN SOẠN ĐẶC SAN ĐÔNG GIANG 50 NĂM & TẬP THƠ VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA


Do sơ xuất trong khâu kiểm tra, quản lý biên soạn Đặc San Đông Giang Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường và đặc biệt là Tập thơ Về Lại Trường Xưa có nhiều sơ suất, sai lỗi, chúng tôi xin được phép đính chính:
- ĐẶC SAN:
Trang 29 trang thơ Đoàn Xuân Khẩn xin sửa lại trang thơ Đỗ Xuân Khẩn
Trang 56 bài Dòng Thơ Nối Tiếp tên cô Trần Bích Hà xin sửa lại cô Trần Thu Hà.
Trang 334 câu Thương tặng các cựu học sinh ĐG-HHT xin sửa lại Thương tặng các em học sinh ĐG-HHT.

- TẬP THƠ:
Trang 10 trong bài Mai Tôi Về câu thứ 3 “đường làng vui kẻ xuôi người ngược” xin sửa lại "Đường làng vui giọng người xuôi ngược".
Trang 24 “ nổng cát ngày xưa” xin sửa lại "nỗng cát ngày xưa"
“ khuôn mẩu của thầy” xin sửa lại “ khuôn mẫu của thầy” .
Trang 30 bài Sang Trang, câu thứ 2 « dòng thơ hòa quyện nước sông Hàn" xin sửa lại “ dòng thơ hòa quyện nước Hàn Giang
Trang 41 câu thứ 4 “đêm thao thức” xin sửa lại “đêm thức thao”, câu thứ 5 “Tháng chín chừ xa lắc xơ” xin sửa lại “Tháng chín xưa chừ xa lắc lơ
Trang 44 tác giả Quốc Khanh xin sửa lại Quốc Khánh
Trang 56 bài Viếng Mộ Thầy “nhớ ơn thầy… nhớ mãi thầy ơi” xin sửa lại“Xin nhớ ơn thầy… nhớ mãi thầy ơi”
Trang 55 tựa Trở Về Trường xin sửa lại Trở Về Trường Xưa
Trang 61 câu 2 “ Một trời thơ mộng, một thời say” xin sửa lại “ Một thời thơ mộng, một trời say”
Trang 63 tựa bài 42 Giọt Nắng Cho Người xin sửa lại Giọt Nắng Cho Người
Trang 65 câu thứ 4” Giọt buồn hời rơi theo vết chân qua” xin sửa lại “Giọt buồn hờn rơi theo vết chân qua”
Trang 66 câu thứ 4 “Vọng nổng cát vàng thơm gió sông? “ xin sửa lại "Vọng nỗng cát vàng thơm gió sông?
Trang 70 tựa Bên Đông Giang xin sửa lại Bến Đông Giang, câu 16 “ Vui trẫy hội ” xin sửa lại” Vui trẩy hội “, câu 19 “ quảng mộng xin sửa lại quãng mộng, câu 24 “ hoàng hạt “ xin sửa lại “hoàng hạc”, câu 25 “ lở mất” xin sửa lại “ lỡ mất”
Trang 80 “ huyền không “ xin sửa lại “ Huyền Không” , “ vô thường” xin sửa lại “ Vô Thường”
Trang 83 câu thứ 13 “ Vẫn hồn nhiên “ xin sửa lại “ Đẹp hồn nhiên “
Trang 93 câu “Được bao nhiêu tháng cùng ta sống “ xin sửa lại “Được bao nhiêu tháng chín cùng ta sống “
Trang 107 câu thứ 8 “ xõa cánh” xin sửa lại “ xoãi cánh”

Để xảy ra tình trạng vừa qua hoàn toàn là do khuyết điểm từ Ban biên soạn, chúng tôi xin thành thật cáo lỗi cùng với quý thầy cô, anh chị và quý thân hữu là các tác giả, xin cáo lỗi quí anh chị và bạn đọc.

Thay mặt Ban biên soạn Đặc San Đông Giang 50 năm: Trần Phú Dũng
Thay mặt Ban biên soạn tập thơ Về Lại Trường Xưa: Tăng Nhường

TÌNH THƠ EM VIẾT

Thơ em viết anh có mong chờ đọc
Đọc làm chi...để em ngại...nhìn anh ?
Thơ em viết ngát thơm mùi lớp học
Thật dại khờ trong màu mắt em xanh

Thơ em viết thương thương màu mực tím
Tên anh vào em nắn nót xinh sao
Để đêm xuống ru em tròn giấc ngủ
Mộng thần tiên theo bướm trắng bay vào

Thơ em viết trong sân trường ngập nắng
Kim điệp vàng thêu nét chữ học sinh
Gió phương anh trêu đùa lên áo trắng
Chẳng trao đâu em giữ để riêng mình !

Thơ em viết có bao giờ anh biết
Hong nắng vàng để sưởi ấm tim em
Anh chẳng nói sao mắt nhìn tha thiết
Trên môi em giọt nắng ngủ say mềm

Bảo Hà K12

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

KHUNG TRỜI TUỔI THƠ CỦA TÔI







 
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong khi chiến sự bùng nổ quyết liệt, người dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bồng bế nhau lũ lượt di tản vào Đà Nẵng để tránh bom đạn. Cảnh tượng hỗn độn trong lo sợ.
     Đó là chuyện người lớn, chuyện xã hội còn với tôi mùa hè năm ấy là một sự kiện quan trọng nhất trong đời :
 - Tôi thi đậu đệ thất.
 Ngôi trường nằm phía đông bờ sông Hàn được mang tên Đông Giang, đã ôm ấp tuổi thơ đẹp như hoa, trong sáng tựa trăng rằm của biết bao lớp học trò ngày ấy. Những đứa trẻ may mắn được đi học trong giai đoạn binh lửa chiến tranh khốc liệt. Với những gia cảnh khác nhau nhưng có chung niềm hạnh phúc : Được cắp sách đến trường. Ngày ấy để được vào trường công lập, phải qua cuộc thi sát hạch rất khó, và nếu không thi đậu vào trường ấy thì chắc chắn với gia cảnh như tôi sẽ không thể nào có hy vọng cắp sách đến trường.
Ngày tựu trường tôi xúng xính trong chiếc áo dài trắng mới tinh, tà áo dài cứ vướng víu bước chân. Đôi guốc gỗ khua lẹp kẹp mà mỗi khi trễ học phải xách lên tay ù té chạy. Bây giờ nhớ lại cái hình ảnh hai vạt áo dài cột bên hông, tay ôm cặp ,tay xách guốc chạy vội vã mỗi khi tiếng trống trường vang lên phía trước chắc hẳn buồn cười lắm nhỉ. Ấy vậy mà “tôi” cô học trò nghèo lớp 6 ngày xưa đã từng làm mỗi ngày vì quãng đường từ nhà tới trường khá xa.
Với tôi lúc ấy được đến trường là hạnh phúc lắm rồi, tôi tự hào vì được đi học, hãnh diện với bảng tên trường, với tất cả những gì thuộc về mình có.
Người ta bảo : “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Mặc dầu là con gái nhưng cũng là học trò, với một con người vốn hiếu động như tôi vì vậy tất cả những trò chơi học trò tôi đều tham gia rất nhiệt tình, kể cả trò chơi của con gái lẫn con trai hình như tôi chưa bao giờ biết từ chối. Tôi đã bắt chước bạn nhảy cửa sổ, trốn tiết sinh vật của cô Ngọc Yến để cùng một số bạn lớp bên ra biển Mỹ Khê nhảy sóng, xây lâu đài trên cát rồi la ó, hò hét khi  những đợt sóng biển vô tình cuốn đi công trình của mình, kết quả của buổi trốn tiết được cô Ngọc Yến cho con zero đôi đỏ chói vào sổ.
Mồ côi mẹ từ bé, tôi sống với người cha già, vào thời buổi loạn lạc, kinh tế khó khăn. Để được đi học tôi phải tự kiếm tiền trang trải nợ sách đèn, vì vậy buổi sáng tinh mơ, khi các cậu ấm cô chiêu còn cuộn mình trong chăn ấm, lười biếng khi mẹ gọi dậy chuẩn bị đi học thì tôi phải chạy quanh xóm bán hết bao bánh mỳ, muốn đi học sớm, tôi phải chạy nhanh đến từng nhà và tiếng rao “bánh mỳ đây” vang to. Tôi như chú chim sáo nhỏ, nhoẻn miệng cười mỗi khi bán hết sớm.  Bởi vì như vậy tôi sẽ đủ thời gian đi bộ tung tăng đến trường, vừa có tiền ăn quà vặt ở quán ông cai trường vừa không mất tiền đi xe.
Thời tiết miền Trung quê tôi rất khắc nghiệt , mùa đông rét cóng cả từng ngón tay, nhưng vừa đến mùa xuân trời lại nóng như thiêu đốt ,vậy mà có hôm đến lớp mồ hôi ướt đẫm áo  vẫn không thấy mệt, vẫn cột vạt áo dài sà xuống chơi u mọi với Thuý Ngọc, Kim Dung, Thảo…
Vui nhất là khi thầy cô bị bệnh, hay bận việc riêng mà tiết học đó không ai dạy thế. Cả lớp ào ra như bầy ong vỡ tổ, rồi từng nhóm tụm năm tụm ba kéo nhau đi chơi. Có một hôm được nghỉ liên tiếp 3 giờ sau, bọn tôi đi ra suối thằn lằn bắt cá lia thia, cả nhóm ồn ào nên cá sợ, bơi vùng vẫy nháo nhào. Với những cái bao nylon trên tay, có đứa cũng vớt được vài con cá, còn chính là tạt nước vào nhau, áo quần đứa nào cũng ướt sũng, đầu cổ bê bết đất cát, tóc tai dính lại vì mồ hôi ,vì nước. Trời nắng nóng nhưng chẳng đứa nào biết nóng, những trận cười vang vang để rồi khi trở về chẳng biết điều gì đợi chờ ở phía trước : một trận đòn hay một hình phạt của ba mẹ, của anh chị !
Tuy là con gái nhưng tôi thích nhất trò chơi đá dế, bỗng một hôm, trong một trận đá dế, chú dế đen ốc tiêu thiện chiến của tôi đã tử trận tại đấu trường là chiếc hộp nhỏ đã làm tôi bật khóc, tôi đã ôm chú dế nhỏ trong lòng bàn tay mà nghe lòng đau xé như mất mát một vật quý giá, cũng  hôm đó tôi đã bỏ ăn tối rủ một vài đứa bạn nhỏ trong xóm cử hành đám tang cho chú dế nhỏ thật trọng đại. Đứa cầm bông hoa dại, đứa cầm vài cây nhang, còn tôi đi theo sau ôm hộp dế khư khư vào lòng mà nghe buồn vô hạn. Chúng tôi kéo nhau ra khoảng đất trước sân nhà đào một cái hố nhỏ vừa vặn chiếc hộp rồi trịnh trọng đặt xuống đất với lời nguyện cầu : “hãy yên ngủ nhé!”. Chính tôi hôm đó, quyển nhật ký đầu đời của tôi  hình thành và dòng đầu tiên được ghi:
“Dế từ trần ngày…tháng…năm 1972”.
Những buổi chiều tiếp theo, tôi thường ra thăm ngôi mộ nhỏ của chú dế. Tuổi nhỏ mau quên, và rồi chú dế cũng đi vào dĩ vãng, những chuỗi ngày rong chơi tuổi thơ của tôi vẫn tiếp tục…
Tôi thích chơi tạt lon với những mảnh bao thuốc được xếp lại thành nữa hình thoi, mỗi lúc tạt trúng chiếc lon văng ra khỏi vòng tròn, những chiếc bao thuốc ấy lại cao dần lên trong bao nylon kèm theo nụ cười vui vẻ thoả mãn vì chiến thắng. Trò chơi bắn bi, bắn súng cũng rất hấp dẫn. Vui nhất là trò chơi đá gà, hãy tưởng tượng cái cảnh hai vạt áo dài cột lòng thòng bên hông, một chân gập lại, còn chân kia cò cò và đá vào nhau, té lăn kềnh xuống đất. Có lẽ vì thích tham gia các trò chơi của bọn con trai nên một hôm vào giờ học hoá của thầy Hồ Kháng, một mảnh giấy nhỏ từ bàn dưới chuyền lên cho tôi, chưa đến tay thì bị thầy bắt được. Thầy đọc to cho cả lớp nghe với nội dung như sau : “Ê! Mày có võ hả? Chiều nay đi đánh lộn nghe”, cả lớp cười ầm sau khi nghe thầy đọc và thủ phạm của tờ giấy ấy là nhỏ Hà Thị Thuý Ngọc ở tổ hai. Thuý Ngọc và tôi trở thành tiêu đề cho cả lớp chọc ghẹo.
Tôi thích bắt chước bọn con trai bắt sâu, bắt bướm nhát các bạn gái khác, trò chơi này đã làm Quang Hoa khóc thét và nghỉ chơi với tôi suốt một tuần vì sợ bướm,hai đứa chẳng nói lời nào mặc dầu đi và về chung đường.
Vì nghịch ngợm như bọn con trai, nên một hôm tôi bị bọn con trai bỏ con rắn nước dưới hộc bàn vào giờ sinh vật. Tôi đã sợ và hét toáng lên trong sự thích thú của chúng.
Nghịch vậy nhưng đôi lúc tôi cũng nhu mì như những bạn gái khác, cũng biết bâng khuâng khi phượng nở trước sân trường, cũng biết buồn khi chuyền tay nhau những quyển lưu bút hứa hẹn ngày gặp lại sau ba tháng hè, cũng biết khóc tội nghiệp chú ve sầu đang lột xác. Những mùa hè của xưa ấy không phải học thêm, học kèm như bây giờ nên sau những công việc phụ gia đình sinh sống. Thời gian còn lại tôi bay bổng theo cánh diều trên khoảng sân cỏ trước nhà mỗi buổi chiều về. Hái những cành xuyến chi kết thành vòng hoa đội lên đầu  như cô dâu trong ngày cưới, hay lại lang thang ra biển lượm những chiếc vỏ sò, vỏ ốc đẹp mang về rồi  cũng bắt chước lấy chiếc kính lúp soi từng con ốc để tìm một cái gì là lạ bởi vì những câu chuyện huyền thoại được đọc và được nghe kể lại như : Nàng tiên cá, Hoàng tử ốc, Hoàng tử Sọ Dừa…
 Rồi có những hôm được theo anh chị đi hái củi, leo lên núi chạy quanh những gốc sim để hái trái. Những trái sim chín ngọt lịm được liên tục hái bỏ vào miệng và bỏ vào bao thoăn thoắt, thỉnh thoảng cũng ngắt chiếc hoa sim tím cài lên tóc để tự hào với gió với cây rừng…
Những ngày hè êm ả trôi qua để bỗng dưng khi trở lại sân trường tôi cảm thấy mình lớn thêm một chút nữa. Có lẽ vì vậy tôi đã biết bước đi nhẹ nhàng hơn thay vì kéo lê đôi guốc gỗ lộp cộp dưới nền. Đã biết đội chiếc nón lá ngay ngắn để không làm mái tóc đỏ hoe vì nắng. Chiếc áo dài lụa hoa trắng được ủi thẳng cẩn thận và những trò chơi cột vạt áo dài để nhảy cò cò, nhảy dây hay u mọi cũng thưa dần.  Lúc này chúng tôi thường tụm năm tụm ba ăn những món đồ chua như xoài, cóc, ổi… chấm muối ớt và tán gẫu. Món ăn khoái khẩu này thầm chí còn mang vào lớp học, bỏ dưới hộc bàn để ăn vụng. Mắt chăm chú nhìn lên bảng đen viết bài tay còn lại thò vào hộc bàn”…” đợi thầy quay mặt lên bảng “nhón“ vào miệng ăn vụng ngon lắm! Vậy là liếc mắt nhìn nhau cười. Nếu lúc đó thầy cô chỉ cần gọi đọc một đoạn nào đó thì : “Than ôi!” và bây giờ đã có một kỷ niệm nhớ đời rồi nhỉ. Hai học kỳ trôi qua nhanh, êm ả bên sách vở, bên bạn bè. Cũng năm đó tôi không còn chạy rao bán bánh mỳ mỗi sáng vì đợt pháo kích vào khu gia binh, cách nhà tôi 2km. Một cô bạn cùng xóm cũng đi bán bánh mỳ như tôi bị trúng một quả "moc che" lạc… Máu, thịt và bánh mỳ rơi vãi trên đường làm tôi sợ. Tôi biết thù ghét chiến tranh từ ngày ấy. Tuổi thơ của tôi hằn sâu một nỗi đau, một sự mất mát, bên cạnh những nỗi đau, những mất mát của quê hương tôi.
Có lẽ vì vậy mà bỗng nhiên suy nghĩ của tôi trở thành người lớn, biết ưu tư e ấp tuổi học trò để rồi tôi cũng thực sự biết rung động trước cái nhìn của một người khác phái, bồi hồi khi nhận được quyển sách tự dưng người ta "cho mượn" trong đó cẩn thận ép lá thư được nắn nót viết trên trang giấy vở bên trong.
Rồi những hẹn hò quấn quýt theo ngày tháng học trò thật đẹp…
Đột nhiên :
Chiến sự xảy ra quyết liệt, chúng tôi phải ngừng học vì nhường phòng cho những người di tản. Họ ở trên lầu, ở dưới đất, họ căn lều cả dưới sân trường, trải chiếu trên hành lang, la liệt người ngồi, nằm, ồn ào bởi tiếng nói và xen lẫn tiếng la khóc của trẻ con. Chúng tôi sống trong lo sợ vì sự hỗn độn chung.
Ngày 28-03-1975!
 Được tin người ấy cùng gia đình theo tàu vào sài gòn. Tôi thẫn thờ đạp xe ra bãi biển Sơn Trà đưa mắt nhìn ra khơi xa. Trên bầu trời những con hải âu chao liệng, trên bãi biển lại đầy ắp áo quần, bao bị, rơi vãi lung tung. Tôi không khóc mà tim như đau nhói. Xóm nhỏ còn kia mà người nỡ vội ra đi không một lời từ biệt mang mối tình đầu của tôi đi theo. Hoàng hôn nhá nhem cuối chân trời, cảnh vật im ắng quá! Tôi bỗng sợ khi thấy mình đơn lẻ giữa trời nước bao la nên vội vã đạp xe trở về nhà. Vòng quay đều của bánh xe xoáy theo cả cuộc đời tôi.
Từ ngày ấy tuổi thần tiên của tôi cũng khép lại. Trang giấy trắng đầu đời ấn đậm dấu sự đổ vỡ của một mối tình học trò mà không phải tại tôi cũng chẳng phải tại người ấy. Khung trời tuổi thơ ngà ngọc của tôi cũng chấm dứt từ ngày binh lửa tràn vào cuốn theo mối tình đầu thơ mộng của tôi.
“… Mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ…”
Huỳnh Thị Thuỳ K.10
 

TÀI KHẮC BÚT CHÌ ĐIÊU LUYỆN CỦA THẦY KIÊN GIÁO VIÊN TRƯỜNG HOÀNG HOA THÁM




Hình khắc trên bút chì thầy Kiên làm nhân kỷ niệm 50 ngày thành lập trường Đông Giang - Hoàng Hoa Thám.
 
Xin mời xem bài viết về thầy Dương Văn Kiên (32 tuổi), giáo viên Toán trường THPT Hoàng Hoa Thám - TP. Đà Nẵng, người khắc hình ảnh sống động từ cây bút chì nhỏ.

THÁNG CHÍN BẠN VỀ SAO LẠI KHÔNG?


Anh Nguyễn Văn Cầu K3 xin họa lại bài "Tháng Chín Ai Về Ta Thì Không" của anh Hồ Văn Dư:

Gửi bạn Hồ Văn Dư K3


Tháng chin bạn về sao lại không?
Dẫu rằng người ấy đã theo chồng
Cũng còn đám bạn thời nối khố
Cởi lỗ tắm sông chẳng ngại ngùng

Tháng chin bạn về ngại chi không?
Trường xưa màu ngói vẫn tươi hồng
Đê Rê (ĐG) chễm chệ ngay chính cổng
Nền móng vẫn còn chứ sao không

Bạn phải về thôi, ta chờ mong
Thầy xưa bạn cũ ở trong lòng
Còn thương còn nhớ xin trở lại
Chớ trách chi đời lắm rêu phong

Tháng chín bạn về - có mà không
Có người con gái đã theo chồng
Có thằng bạn cũ đầu đã bạc
Không có mùa hè – chỉ mùa đông.

Nguyễn Văn Cầu – K3

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Mời Quý thầy cô, anh chị CLICK ON PHOTO để xem màn ảo thuật với khung ảnh độc đáo:


Ngoài ra như thường lệ anh Đoàn Thường xin mời thư giãn với PHÁT HIỆN RẤT MỚI VỀ MẶT TRĂNG :
- Ngày xưa, mặt trăng từng ở gần sát bề mặt của trái đất :
“Núp chờ trăng xuống để quàng nhau” ( Mơ – Hàn Mặc Tử )
- Đôi khi mặt trăng còn bị vướng vào cây cối :
“Đêm qua trăng vướng trong cành trúc” ( Cô gái đồng trinh – HMT )
- Hàn Mặc Tử là người Việt Nam thứ nhì đặt chân lên mặt trăng, sau thằng Cuội :
“Tiêu đưa tôi bay lên cung trăng” ( Tiêu sầu - HMT )
- Đã phát hiện ra trên mặt trăng có người sinh sống :
“Người trăng ăn vận toàn trăng cả” ( Say trăng - HMT )
- Và cũng phát hiện ra trên mặt trăng có…nước :
“Ta gặp nàng trăng ở suối trăng” ( Chơi trên trăng – HMT )
- Cho nên mới có người tắm truồng :
“Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuông vàng dưới đáy khe”
( Bẽn lẽn - HMT )
- Mặt trăng đã từng bị rao bán để kinh doanh bất động sản :
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho” ( Trăng vàng trăng ngọc – HMT )

• Mặt trăng do sợ bị qui hoạch đem phân lô bán, hoặc sợ bị “qui hoạch treo” nên đã cao chạy xa bay, vì thế mà ngày nay mặt trăng ở tít trên trời cao!
• Bắt chước nói một cách “hầm hồ lấy được” theo luận điệu của kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu, cá lớn nuốt cá bé” thì mặt trăng thuộc chủ quyền của Việt Nam ( do thằng Cuội và thi sĩ Hàn Mặc Tử, là 2 người VN đầu tiên đặt chân lên đó ).

THƯỜNG ĐOÀN K.9

CÂY BÀNG Ở LẠI

trường xưa
tôi về trả nợ
một thời dây dưa

áo trắng mang về
mặc cho ngày cũ
ai mang khăn về
lau giọt mưa thu?

kỷ niệm dưới đất
rạo rực chân tôi
muốn đào muốn lật
sợ động tim người

kỷ niệm trên trời
rơi xuống vai tôi
gánh đời đã nặng
còn nghe bồi hồi

dựa lưng vào tường
người, bóng sát nhau
phải em là bóng
mình còn trước sau


những cây bạc hà
đâu còn gốc rễ
dấu khắc tên người
theo cùng dâu bể


tôi nhìn ra cửa
đời như song thưa
thêm thắt gió mưa
bạn còn một nửa

lén người tôi hôn
bàn ghế xưa ngồi
mình từ đâu tới
hành tinh xa xôi

gởi cây bàng xanh
mai ngày lá đỏ
rụng xuống sân trường
mảnh hồn tôi đó.

tôi đi
cây bàng ở lại
nợ trường mãi mãi.

ĐG 15.09. 2013-SG 20.09.2013.
Phan Thanh Cương K8


Ngày về lại trường xưa của anh Phan Thanh Cương

NHỮNG ĐIỀU LẠ LÙNG TRONG VIỆC ĐẶT TÊN HỌ CỦA NGƯỜI ANH VÀ NGƯỜI MỸ

Ngày xưa ở nước Anh chỉ có giới quý tộc mới có họ và tên riêng, còn giới bình dân chỉ có tên riêng cha mẹ đặt cho mà thôi. Ở những thị trấn nhỏ hay vùng quê, khi gọi ai đó là Ralph hay Robert, mọi người đều biết ngay người đó là ai rồi. Vào thế kỷ XI, sau khi người Norman xâm chiếm nước Anh, nhà vua William cho rằng ai ai cũng phải có tên riêng và họ thì mới dễ dàng xác định được người đó là ai, ở đâu để dễ bề thu thuế. Vì vậy nhà vua ra lệnh cho giới bình dân tự chọn cho mình một cái họ.
Người bình dân có bốn cách sau đây để chọn cho mình một cái họ (surname hay là family name):
Cách thứ nhất là sử dụng tên của người cha. Ví dụ đứa bé tên là Tom và cha là John, như vậy tên và họ đứa bé sẽ là “Tom, son of John” (Tom con của ông John) và nói theo cách sở hữu của người Anh là “Tom, John’s son” và dần dần tên họ đứa bé trở thành Tom Johnson. Các họ khác như: Emerson, Jackson, Jefferson, Robinson và Wilson cũng theo cách đó mà hình thành.

CHỦ ĐỀ ĐÊM NHẠC TRI ÂN THẦY CÔ: TRẮNG MÂY XANH BIỂN


Sao gọi là XANH BIỂN?
Sao phải nói là TRẮNG MÂY?
Có thể đâu đó sẽ khơi lại trong chúng ta của hai màu của biết bao nhiêu là thứ.
Phấn và Bảng, Quần và Áo, Sách vở và Bút mực...của thời tuổi nhỏ dưới mái trường thân thiết.
Và nếu ví thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng ta là BIỂN thì phải chăng MÂY chính là lớp học trò đang bay trên những đôi cánh ước mơ để trở thành ...
Rốt cùng, những cơn mưa sẽ làm gì cho mặt đất? Sẽ là gì dưới ánh dương quang?
" Trắng mây Xanh biển muôn màu
Các em còn nhớ hạt đầu cô gieo"
Đó là điệu luân vũ CHỮ và NGHĨA

Nguyễn Thiên Chương K9

DƯ ÂM THÁNG CHÍN

Chia tay - về lại Sài Gòn
Mà sao tháng chín vẫn còn trong ta?

Còn đây ánh mắt thiết tha
Còn đây tiếng hát nhạt nhòa trong mưa
Còn đây bóng dáng ngày xưa
Vàng son một thuở - như vừa hôm qua
Đông Giang ngày ấy nào xa
Tình chung như thể một nhà ấm êm
Xoay vần dưới ánh sao đêm
Bàn tay ấm áp - ngọt mềm đôi môi...

Lòng sao khắc khoải bồi hồi
Niềm riêng tư lự - đứng ngồi không yên
Mong làm sao - một "Phép Tiên"
Dư âm tháng chín vẫn... triền miên trôi.


Đỗ xuân Khẩn K.6

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

ĐẶC SAN ĐÔNG GIANG 50 NĂM ĐẾN VỚI CÔ - TRÒ ĐÔNG GIANG Ở SAN JOSE

M




Cô Hà và các học trò tại nhà Thu Nhi ở San Jose, CA

ẢNH XƯA - ĐÔNG GIANG

Lễ phát phần thưởng năm 1968 - các anh chị K5 Đông Giang do anh Trần Đức Long chụp :

:

Mỹ - Khanh - Trung - Anh - Chuyên (?)

Trung - Mỹ - Bình

Thảo - Định - Trung - Mỹ - Bình

Và ảnh do anh Phan Đức Anh K8 gửi đến:

Anh chị K7 Đông Giang

Anh chị K8 Đông Giang 

TINH YÊU CUỘC SỐNG _JACK LONDON.







    Cuộc đời có những lúc, sự đau đớn về thể chất  hoặc tổn thương về tinh thần khiến ta  thực sự rất đau đớn, đến mức không chịu đựng được nữa , đến mức chỉ muốn buông tay, ngủ một giấc thật dài thật sâu, không tỉnh dậy …


    Đó là lúc bạn cần đọc lại  “Tình yêu cuộc sống ” của Jack London.


    Jack London, sinh 12/1/1876_ mất 22/1/1916, là nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Ở thời đại của mình, ông là nhà văn Mỹ  được yêu thích nhất, được trả thù lao cao nhất, có sách bán chạy nhất. Chỉ trong 18 năm trong nghề viết ông đã có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ  gồm nhiều truyện ngắn , truyện dài, hồi ký, tiểu luận … và hàng trăm bài báo. Nhiều tác phẩm của ông được xem là tác phẩm kinh điển của mọi thời đại như Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call off the Wild  ), Gót sắt (Iron Theel ), Tình yêu cuộc sống(Love of Live ), Nanh trắng (White Fang)…


    Jack London từng sống  một cuộc đời chìm nổi, bi thương và mãnh liệt .Bắt đầu là một đứa trẻ nghèo không cha. Năm 1897, khi đã trưởng thành, ông đã viết thư cho một người mà ông tin là cha mình  _ Chaney, một chiêm tinh gia _và đã nhận được thư từ Chaney trong đó Chaney đã tuyên bố thẳng thừng"Ta chưa bao giờ kết hôn với Flora Wellman", và rằng ông ta bị"liệt dương" trong thời gian họ sống chung cho nên "không thể là cha của cháu được". Jack London từng là một thủy thủ lênh đênh trên khắp các đại dương, từng làm người đoạt sò, từng làm nhân viên chống buôn lậu biển. Ông cũng từng là người đào vàng ở những vùng băng tuyết hoang sơ, nơi mà một ngọn cỏ cũng không sống nổi còn  con người thì sẵn sàng đoạt mạng sống của nhau vì lòng tham vàng. Nhưng trên hết, Jack London là một nhà văn. Những trang viết của Jack London đã miêu tả một cách rực rỡ vẻ  đẹp và cả những  nỗi đớn đau quằn quại về  cuộc sống con người và thời đại của ông, đặc biệt chói sáng  là khi viết về  những nỗ lực không bao giờ kết thúc  của con người chống lại thiên nhiên và số phận khắc nghiệt. Hàng triệu độc giả háo hức đón chờ những chuyến phiêu lưu  của ông. Ngay khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng trên toàn thế giới, Jack London vẫn không từ bỏ thói quen viết 1000 từ một ngày. Chính  sự siêng năng ấy cùng với tài năng bẩm sinh đã giúp ông vượt xa những cậy bút cùng thời về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện.


    Truyện ngắn Tình yêu cuộc sống (Love of Life) là  câu chuyện làm xúc động không biết bao nhiêu thế hệ độc giả của Jack London. Truyện kể về những người đi tìm vàng ở Châu Mỹ, họ đã thành công nhưng trên đường trở về  tàu bị vướng bão tố và bị đánh đắm. Ban đầu họ có hai người, sau một người bỏ đi rồi làm mồi cho sói, chỉ còn lại một người từng bước,  từng bước  vượt qua  vùng đất Alaska rộng lớn ở gần Bắc Cực với tình trạng kiệt sức và đói lả để đến được nơi tồn tại sự sống. Thời tiết lạnh giá  khắc nghiệt cùng với cái đói ghê gớm như những bóng ma  luôn rình rập để đánh gục con người nhỏ bé, nhưng lúc cận kề cái chết cũng là lúc tình yêu cuộc sống trong con người anh ta trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Để sống, anh ta đã đã vứt bỏ tất cả những thứ nặng nề không cần thiết, trong đó có cả những túi vàng đã đào bới được, anh ta phải ăn rong rêu, rễ cây, phải nhai sống bốn con gà con mới nở một ngày trong một cái tổ gà gô may mắn tìm được, phải nghiền nát  nhúm xương thú rừng còn sót lại sau một bữa ăn của sói và nuốt chửng, phải đối mặt với gấu dữ, phải chống lại cơn buồn ngủ, phải bò lết từng mét, từng xăng ti mét, quằn quại như một loài sâu trên tuyết trắng mênh mông…Và rồi, sự sống cũng đã đáp lại sự cố gắng phi thường ấy, một chiếc thuyền thám hiểm đã nhìn thấy anh ta trong tình trạng gần như không còn giống một con người.


      Ngay từ đầu truyện là một không gian của vùng Alaska  xa xôi, bao la, hoang sơ, lạnh giá, gió rét căm căm thổi  và những bông tuyết đầu tiên làm  trắng xóa những đỉnh đồi  ” Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là đường chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ,cũng chẳng có cỏ, chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm.”

. Hai nhân vật, một nhân vật Bil và một nhân vật chính không tên,  giữa những cánh rừng , trên những mỏm đá, bên những dòng suối, đối mặt với  lũ  thú hoang trong cuộc hành trình mệt mỏi, gian khổ và vô vọng tìm về vùng đất sống. Hành trình càng trở nên căng thẳng, nặng nhọc khi chỉ còn lại một nhân vật, ban đầu là những lời nói mệt mỏi, sau đó hoàn toàn mất đi ngôn ngữ, hoàn toàn câm lặng Nhà văn đã tỏ ra rất am hiểu tâm lý và cả sinh lý con người  con người khi miêu tả từng động tác, từng biến đổi của cơ thể,  những cảm giác đói hay đau đớn, hay đau đớn vì đói. Thông qua ngôn ngữ cơ thể đó người đọc hiểu được nhu cầu của những thúc giục bên trong là cuộc đấu tranh dữ dội giữa sự sống và cái chết. Có những lúc, sự sống đã trở nên mong manh, yếu ớt, đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi, chính khi ấy,  ý nghĩ về cái chết sung  sướng, nhẹ nhàng dần lướt qua trong tâm trí mụ mẫm “ Sự sống là thế ư? Một sự hão huyền và thoảng qua. Chỉ có sống là đau đớn mà thôi. Chết thì chẳng đau gì hết. Chết là ngủ. Có nghĩa là thôi, là nghỉ ngơi. Thế thì tại sao gã lại không bằng lòng chết.”


    Chết ! Đôi khi  còn dễ hơn sống.


      Đã có lúc gã người muốn buông xuôi, phó mặc cho số phân, không còn muốn đấu tranh, không còn muốn có một cố gắng, nỗ lực nào cho sự sinh tồn  nữa.Thế nhưng có một điều lạ kỳ trong chính con người gã mà ngay chính gã  cũng không hiểu biết  hết được: Một niềm tin rồi sẽ được sống và lòng khao khát được sống luôn tồn tại, dai dẳng và bền vững. Ngay cả khi hắn bị Bil bỏ rơi, khi đói lả người trong tuyết lạnh, khi những vết thương không ngừng rỉ máu. Gã luôn có niềm tin là mình không lạc và nhất định sẽ tìm ra được đường đi, còn Bil đang đợi gã ở một nơi nào đó. Và việc lựa chọn con sói làm con đường tìm đến sự sống của gã cũng bắt nguồn từ những lý do rất con người: “ Giá như nó là con sói khoẻ mạnh, thì hẳn con người cũng chả xem vấn đề hệ trọng đến thế đâu, nhưng nghĩ đến việc phải làm mồi cho dạ dày của cái vật ghê tởm và gần như chết rồi này khiến gã chẳng ưng chút nào”.


    Ý nghĩa của toàn bộ  câu chuyện  thể hiện tập trung thông qua cuộc đấu tranh của con người  và con sói ốm đói. Cả hai đang đứng trước cái chết ,cả hai đều không đủ sức để ăn thịt nhau nữa. Con sói cố tình đi theo con mồi yếu ớt để đợi gã ngã gục và ăn thịt còn gã thì cũng  chỉ chờ có thế để có thể tìm thấy cơ hội sống cho mình.


“Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm, và thỉnh thoảng, tiếng quác quác của bầy tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người sẽ chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hay chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì  tiếng  thì thầm khàn khàn…”

  Cả hai, người và sói, đều chỉ có một cơ hội cuối cùng, không có sự lựa chọn nào khác, một là sống, hai là chết, lúc đó, chỉ tồn tại một sự chọn lựa mặc  nhiên có tính chất sinh tồn của thế giới động vật, bao gồm cả con người: Mặc dù đã buông thả  cho số phận , nhưng khi thấy thân xác mình sắp vào miệng sói, một động lực vô hình đã trỗi dậy, thúc giục gã đem hết sức tàn trườn tới về phía trước, gã không còn nghĩ đến cái gì là không gian_ thời gian, cái gì là số phận và không số phận, cái gì là thượng đế và không thượng đế ,trong đầu gã chỉ có một thứ, đó là, bằng bất cứ cách nào , bất cứ giá nào ,gã phải sống.

…Và gã đã sống bằng cách dùng chút sức lực cuối cùng của mình để chiến thắng con sói đói.

“Gã không nghe thấy tiếng thở, và truồi dần từ một cơn mơ nào đó đến cảm giác thấy chiếc lưỡi kia lia dọc bàn tay. Gã chờ. Những chiếc nanh ấn khe khẽ, rồi mạnh hơn; con sói đang huy động hết sức tàn trong một cố gắng để cắm ngập răng vào miếng mồi nó đã chờ đợi bao lâu. Nhưng con người đã chờ sẵn từ lâu và bàn tay nát bươm nắm lấy hàm nó. Trong khi con sói vật lộn một cách yếu ớt và bàn tay bóp lại một cách yếu ớt, thì bàn tay kia từ từ trườn qua thành một gọng kìm. Năm phút sau, cả trọng lượng của con người đè lên trên con sói. Hai bàn tay không đủ sức để bóp nghẹt con sói nhưng mặt con người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông. Hết nửa giờ, con người nhận thấy một dòng âm ấm chảy vào họng mình .

Cái đó chẳng lấy gì làm thú vị. Nó như chì nóng chảy đọng vào dạ dày gã, và gã được tọng vào hoàn toàn chỉ do ý chí của gã mà thôi. Sau đó con người lăn kềnh ra, nằm ngửa lên và ngủ .”

Văn phong của Jack London cực kỳ giản dị. Mọi câu chữ đều rõ ràng, dễ hiểu. Người đọc truyện của Jack London luôn có thể đọc luôn  từ đầu đến cuối truyện mà không phải dừng lại để suy tư, ngẫm ngợi. Mạch chuyện  trong mỗi câu chuyện của  Jack London luôn luôn lôi cuốn, hấp dẫn  kéo người ta đi. Thế nhưng khi buông sách xuống rồi, người đọc lại không thể không dừng lại một đôi phút để ngẫm ngợi, suy tư về những  tầng bậc ý nghĩa mà Jack London đã tạo ra trong tác phẩm của mình. Con sói trong"Tình yêu cuộc sống " là con sói thực của vùng đất băng tuyết  Alaka ở  miệt Bắc Hoa Kỳ. Con sói dữ dằn, cô độc, hoang dã  đã từng xuất hiện trong "Tiếng gọi nơi hoang dã ", trong "Nanh trắng" … trên những trang viết của Jack London.Thế nhưng con sói ấy cũng là hiện thân của những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên  và xã hội mà con người, trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ  của mình luôn luôn phải đối chọi để sinh tồn. Hơn thế, con sói cũng có thể  chính là hình tượng  số phận của mỗi con người .Chúng ta thường phải vật vã khóc than vì những số phận nghiệt ngã, đau đớn. Chúng ta thường có cảm giác số phận đang  theo đuổi ta, tìm cách hãm hại ta như con sói đói luôn rình mò  và  tìm cách hãm hại con người .Sự thực, số phận đó cũng chính là một phần của bản thân ta, do ta tạo nên từ tính cách, hoàn cảnh, môi trường.. nên nó sẽ  luôn đeo bám, theo đuổi cuộc đời  ta như bóng vói hình …  Số phận , không chỉ là những hoàn cảnh nghiệt ngã từ bên ngoài , mà còn là, cũng có thể là, những định kiến xã hội từ rất lâu đời trói buộc con người trong cuộc sống mỏi mòn, ngưng đọng, đơn điệu ...  ngăn trở con người đến với cuộc sống xứng đáng đích thực, cuộc sống tôn vinh vẻ đẹp bất diệt của con người. Trước số phận, ta cam chịu, cúi đầu khuất phục, chịu thua cuộc hay sẽ đấu tranh đến  hơi thở cuối cùng như con người đã dũng cảm đấu tranh với con sói trong ‘Tình yêu cuộc sống” của Jack London???


    Nhà bác học Mỹ Thomas Edison (1847_1931) có nói : Hầu hết con người chúng ta chỉ sử dụng được 1% năng lực của chính bản thân mình trong cuộc đời. Hiểu rộng ra, năng lực của con người là rất lớn lao nhưng  vì ở dạng tiềm ẩn nên thường thì chính bản thân con người cũng không biết  được. Chỉ đến khi lâm vào cảnh đường cùng, vào sự tuyệt vọng, con người với khát vọng sống âm ỷ, dai dẳng, mãnh liệt sẽ  vượt thoát  những giới hạn  để làm nên những chuyện thần kỳ.

    Jack London với “Tình yêu cuộc sống” đã chỉ ra con đường sống mà mỗi chúng ta phải trải qua. Con đường ấy có thể đầy những gian nan thử thách. Nhưng con người với tình yêu cuộc sống , với sự cố gắng và niềm tin vào chính bản thân mình sẽ phải luôn đấu tranh để vươn lên, để giành lấy quyền sống.  Cuộc sống là vô cùng quý giá.  Đừng quên điều này : Thế giới đang hiện hữu chung quanh ta , không gian mà ta đang hít thở đây, vạn vật mà ta đang nhìn thấy đây  là nơi tốt nhất , nơi duy nhất để chúng ta sống trọn vẹn cuộc đời mình .

    Tiếc thay, Jack London, người chỉ đường vĩ đại, cũng đã không đi trọn con đường mà mình đã vạch ra.Ngày 22 tháng 1 năm 1916, khi mới vừa 40 tuổi, khi tài năng sự nghiệp đang ở đỉnh cao, do không chịu đựng nổi những bi kịch của cá nhân và  gia đình, Jack London đã tự vẫn, kết thúc một cuộc đời từng  rất sống động, mạnh mẽ, đáng tự hào. Rốt cuộc, Jack London cũng không thắng nổi con sói đói  số phận luôn kiên nhẫn , miệt mài rình mò cuộc đời của ông! ! !                                             

                                                                  Sài Gòn 24/9/2013

                                                                    Hà Thị Lệ Hà K8

ĐI THĂM CÔ NGUYỄN THỊ SÁU BỊ BỆNH


Cô Nguyễn Thị Sáu nguyên là NV văn phòng trường Đông giang - Hoàng Hoa Thám bị tai biến tê liệt nửa người, đại diện thầy cô giáo cũ của trường Đông Giang có thầy Bùi Kim Lân đến trao quà do thầy cô Đông Giang hải ngoại gửi về, ngoài ra đi thăm cô Nguyễn Thị Sáu chiều nay còn có anh Hồ Trung Tú Cựu học sinh K9 ĐG-HHT, tác giả CÓ 500 NHƯ THẾ, một tác phẩm khảo cứu lịch sử đắt giá về vùng đất và con người Quảng Nam.



Thầy Bùi Kim Lân và học trò cũ của thầy

Anh Hồ Trung Tú K9  
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Chiều ngày 26.9 thầy Nguyễn Ba mang quà của thầy Lâm Sỹ Hồng gửi về thăm cô Nguyễn Thị Sáu, cô Sáu hết sức xúc động vì được biết vợ thầy vừa qua đời, thầy già yếu không làm gì thêm nhưng cũng dành dụm để gửi về thăm cô. Cô nhờ chúng tôi chuyển lời cảm ơn của cô đến thầy.

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

TỪ BỨC TÂM THƯ


"tôi đứng trước cổng trường tần ngần thật lâu
suy nghĩ miên man bồi hồi xúc động
hai chữ ĐG vẫn còn nằm yên ở đó
làm ấm lòng người xa xứ về thăm

nhớ quê hương, nhớ họ hàng, bạn cũ trường xưa
nơi hẹn ngày về là Đông Giang yêu dấu
vẫn cánh cổng ngày xưa vẫn học trò thuở ấy
xin cảm ơn đời ... năm tháng chẳng hề quên

mấy cây bạc hà đà bao lớn hở em ? "(*)
thầy gởi thư về chúc mừng ngôi trường tròn năm mươi tuổi

Đông Giang đó bản trường ca bất tử
còn sống mãi trong thầy, còn sống mãi trong em

có thầy cô về ngàn... hiu hắt sao đêm
em đến nghĩa trang thắp nén nhang tưởng niệm
công ơn thầy cô nguyền xin nhớ mãi
chẳng bao giờ quên được Người ơi !

có những đêm mơ về chốn xa khơi
thầy cô và chúng em vui ngồi trên lớp học
thoáng giấc mơ qua đóa phượng hồng bật khóc
lớp cũ trường xưa nỗi nhớ đến vô cùng...

(*) nội dung Tâm Thư Thầy Hiệu Trưởng Lâm Sỹ Hồng trong dịp kỷ niệm 50 năm

Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

ĐÔNG GIANG - ĐẤT LÀNH


Rất công bằng khi dân gian đã phán xét “ở đâu cũng có anh hùng; ở đâu cũng có…”. Nơi sinh ra, nơi sống, nơi học hành, nơi làm việc, nơi bon chen, nơi lung chơi…, bất kỳ nơi mô cũng hiện diện “thói đời” ấy. Nhưng một điều chắc chắn rằng, dẫu ta bắt gặp những điều không may hay sự cố nào đó đến với đời sống của riêng ta, thì đấy chính là hạt bụi vô tình chạm đến, và cũng có khi là “số phận” của ta là vậy. Chúng ta sống không phải là ở thiên đàng, địa đàng… mà đang ở trần gian, nên mọi sự “may” và “rủi” đều có cả.

Trong những ngày hội ngộ ở sân trường, ở nhà hàng, ở quán nhậu bình dân, ở cà phê cóc vĩa hè hay một tên nhắn vội … đều là “điều may” đến với ta. Chia sẻ với cô giáo dạy văn ba mươi lăm năm trước về buổi gặp gỡ, vì quá động, tôi nói rằng, trường ta Đông Giang – Hoàng Hoa Thám: ĐẤT LÀNH; không dấu được giọt nước lăn ra từ mắt của cô và trò, cô bảo, mấy ngày trước mưa dữ quá… Thì hôm nay, trời tạnh, chỉ có tiếng cười và giọt nước mắt tự nhiên, cả mấy đứa học trò rất tinh nghịch, có đứa là “ngựa chứng sân trường” ngày xưa, có đứa làm dáng hiên ngang… đều rơi nước mắt. Dù là hạnh phúc đến bất ngờ, chốc lát… nhưng là điều chúng em cần phải có, và mong sao con cái chúng em cần phải có, phải không cô giáo ngày xưa?

Dư âm ngày hội 50 năm thành lập trường Đông Giang – Hoàng Hoa Thám, tôi lại được nghe và nghe nhiều những lời khen ngợi về cách thức tổ chức của nhà trường cũng như của cựu học sinh 12 khóa đầu, nào là quy mô, hoành tráng, trường X, Y… của thành phố cũng không sánh bằng(?). So sánh như vậy là quá đáng. Vật chất thì có cái này to hơn cái kia, nặng hơn cái nọ…, còn tình cảm làm sao mà so sánh được. Điều mà nhiều lúc ta phải buồn vì trong tín ngưỡng tâm linh mà người ta cũng cố tình xác lập kỷ lục. Nào là bầu rượu, chiếc bánh chưng, tô phở, bát mì Quảng…; nào bức thư pháp, quyển sách… và cả tượng Phật to nhất, nặng nhất thế giới.

CHO TA VỀ LẠI...

Cho ta về lại những ngày
Đôi tà áo trắng vờn bay sân trường
Guốc khua vang rộn trên đường
Bông hoa tím dại mùi hương năm nào.
Cái thời mắt lấp lánh sao
Có con bươm bướm bên rào nằm mơ
Nụ tầm xuân cũng ngóng chờ
Ai về nghiêng nón bài thơ dịu dàng.
Trời xanh, màu nắng hanh vàng
Thả hồn lơ lửng theo ngàn mây qua…
……….
Chiều nay nhớ quá người xa
Ngày xưa đâu?... để cho ta tìm về...

Phan Mạnh Thu K9

KHOẢNG LẶNG


Tháng chín rộn ràng, rồi cũng qua mau .
                    Còn lại phía sau…
                        khoảng lặng !
                    Một vạn tám nghìn ngày,*
                        dài đăng đẳng,
                    Để làm nên,
                        khoảng lặng hôm nay,
                    Khoảng lặng mênh mông, lắng đọng vơi đầy !
                    Chìm,
                       nổi,
                         lênh đênh,
                            bập bềnh,
                               đưa đẩy…
                    Người đến rồi đi,
                         vời xa nỗi nhớ…   
                    Hụt hẩng,
                        chênh vênh,
                            dùng dằng,
                                  bỡ ngỡ…
                    Nửa thế kỷ đợi chờ,
                          hú họa một lần gặp mặt,
                     Để chẳng còn, được nhận ra nhau…
                     Người cũ về đâu ?
                     Mây trôi cuối đỉnh,
                     Nước cuộn giang đầu…
                     Khoảng lặng,
                            rồi cũng qua mau.
                     Ngọt ngào nỗi đau, chìm vào hư ảo,
                      Vô vọng tìm nhau…
                              Ầu ơ khúc hát ban đầu,
                     Cung đàn xưa cũ ví dầu còn ngân !                            
 
                                                              THƯỜNG ĐOÀN ( K.9 )

 *50 năm ( ½ của ba vạn sáu nghìn ngày )                  
 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHS K3 VỀ THĂM TRƯỜNG






Mời vào SLIDESHOW để xem thêm hình do anh Lê Hường K3 gửi đến

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

BÓNG LẺ SÂN TRƯỜNG


Tặng anh Đoàn Quân, TN K6, Vũ Đông Thám & Vu Gia


Ta về đây hỡi trường xưa
Em tôi dáng đổ chiều mưa đâu rồi
Tình thơ một mảnh trăng trôi
Duyên thơ dang dở để rồi vấn vương !

Nhớ gì không hỡi người thương,
Sân trường cát trắng, con đường em qua…
Yêu nàng thơ tuổi ngọc ngà
Ta vương nỗi nhớ tím nhòa ngày son.

Tìm ai trên lối cỏ mòn,
Nắng chiều đã tắt hoàng hôn nhuốm sầu!
Người xưa ta biết tìm đâu?
Xa rồi mộng ước ngàn sau vẫy chào.

Ta về vỗ giấc chiêm bao,
Tưởng như sương khói mơ hồ gọi tên.
Đông Giang! Một thuở êm đềm,
Trường xưa tình cũ ai quên lối về.

Em chừ xa lắm hồn quê,
Ta còn ấp ủ nẻo về ngày xưa.
Nhạt nhòa xiêu dáng chiều mưa,
Sân trường lẻ bóng, người xưa đâu rồi ?

Phan Thị Hoa Xuân K6

MỘT THỜI ĐÔNG GIANG- MỘT THỜI HOÀNG HOA THÁM CỦA K7


Xin mời vào SLIDESHOW để xem hình ảnh Một thời Đông Giang - Một thời Hoàng Hoa Thám của anh chị K7 do chị Bích Hà gửi về.


XIN ĐƯỢC NÓI LỜI CẢM ƠN ĐẾN BAN BIÊN TẬP ĐẶC SAN ĐÔNG GIANG 50 NĂM


Chúng tôi, thầy cô, anh chị em Cựu học sinh trường Đông Giang xin được nói lời cảm ơn đến thầy Nguyễn Bang, anh Hồ Văn Dư K3, anh Trần Phú Dũng K8 và các anh chị Nguyễn Trịnh Hồng K4, Phạm Trình K8, Lê Tâm K9, Huỳnh Thị Thùy K10 trong Ban biên tập Đặc San Đông Giang 50 năm. Chúng tôi cũng xin được nói lời cảm ơn đến anh Đoàn Xuân Bàng K11 đã bỏ mọi chi phí để chuyển tải 500 tập Đặc San Đông Giang được đến với thầy cô và các anh chị CHS trước và sau ngày kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Quí thầy cô, anh chi.

Thầy cô và Cựu học sinh Đông Giang

TRANG ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM

Do hiện nay mạng opera.com bị chặn mà trong đó có trang ĐG-HHT như:
- my.opera.com/donggianghoanghoatham50nam
- my.opera.com/truongdonggiang45nam
Chúng tôi kính mong quý thầy cô & các anh chị:
Vượt tường lửa với địa chỉ pagewash.com
1- Vào địa chỉ pagewash.com
2- Điền địa chỉ my.opera.com/donggianghoanghoatham50nam vào ô Begin browsing
3- Enter
Hoặc vượt tường lửa với địa chỉ u1210.exe
1- Vào google.com
2- Tìm u1210.exe
3- Chọn câu đầu tiên: Ultrasurf 12.10 thuthuatphanmem
4- Chọn chữ tại đây trong câu "Các bạn tải phiên bản mới nhất 12.10 tại đây " để download
5- Gõ ok/ open/ hiện ổ khóa màu vàng dưới gọc bên phải
6- Vào trang my.opera.com/donggianghoanghoatham50nam

Tuy nhiên hiện nay ĐG-HHT có thêm trang đồng hành
truongdonggiang-hoanghoatham.blogspot.com mời các anh chị vào xem và giới thiệu cho bạn bè cùng xem.

XIN NGÀN LẦN CẢM ƠN


Xin cám ơn tất cả thầy cô anh chị và bạn bè cùng các em đã bỏ biết bao thời giờ cùng công sức để tạo nên một ngày hội lớn rộn ràng...Một ĐÔNG GIANG -HOÀNG HOA THÁM đầy ắp tình người, tình thầy cô bè bạn...
Vạn đoá hoa mừng ngày hội lớn
Vạn trái tim thao thức đợi chờ
Vạn chồi xanh đơm bông kết trái
Hội tụ tinh hoa rạng rỡ môi cười


Hôm nay được về đứng giữa sân trường được gặp lại thầy cô bè bạn ( Thầy cô bạn bè có người hơn 30 năm hôm nay em mới được gặp lại) những ánh mắt nụ cười chào nhau, những cái xiết tay, cái vòng tay ôm đầy yêu thương mong chờ ..Thầy cùng trò bên nhau tóc cũng đã bạc màu mà sao lòng cứ như cái thuở còn cắp sách đến trường vui cười thoả thích không bận bịu lo toan...

Kính gửi đến thầy cô giáo lòng biết ơn và kính chúc thầy cô thật nhiều sức khoẻ - thật an lành để thầy trò còn có dịp gặp lại nhau trong nhiều yêu thương chia sẻ...

Kính các thầy cô đã khuất lòng tri ân không nhạt phai cùng lời nguyện cầu
Nghĩa trang một sớm thu vàng
Nén nhang tưởng niệm kính dâng Cô Thầy
Đìu hiu hoang vắng núi đồi
Vàng thu lá đổ mộ phần cô liêu


Ký ức xưa với biết bao kỷ niệm hiện về... cánh cổng trường vẫn hai chữ ĐG thân thương một thuở, với những lần đến lớp muộn, hàng điệp đầy những chú sâu xanh mà các bạn nam bỏ vào cặp hù doạ bạn nữ lớp mình, dấu chân in khắp sân trường, lớp học bục giảng, bảng đen bụi phấn vẫn còn vương khắp lối .. Thầy cô tôi đâu? Bạn bè tôi đâu ? Không sao quên được những tháng ngày đến lớp, những lần tan trường về hàng sầu đông che nghiêng vệt nắng che nỗi nhớ và che cả lối về ngày tôi trở lại....

Thương nhớ thật nhiều, về những người bạn đã ra đi
Lần nầy về không còn được gặp lại hai bạn rất thân Lê thị Hồng và Huỳnh Dũng, hai bạn đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi sau một lần đi, sau cái nắm tay đầy yêu thương lần sau cuối.
Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Văn Thuỷ... các bạn tôi cũng yên giấc ngàn thu - nơi cõi tịnh cầu mong nhàn nhã
Trống trường giục tôi nghe lòng nhỏ lệ
Dõi mắt buồn thờ thẩn bạn tôi đâu?


Tôi lặng giữa sân trường với cảm xúc dâng trào lòng tha thiết bạn tôi đâu?
Hỡi các bạn ở bên cạnh tôi, cám ơn các bạn thật nhiều, các bạn đã cho tôi khoảng trời xanh rất xanh...cho tôi thấy được chung quanh chúng ta vẫn mênh mông tình người...
Những yêu thương cùng tấm lòng ta cho đi mãi mãi là liều thuốc hồi sinh là cứu cánh mỗi lúc ta buồn, nụ cười sẽ luôn nở trên môi chúng ta về những gì chúng ta đã và đang cố gắng chung tay cùng các anh chị trong blog đầy thân thương đầy chia sẻ....

Cám ơn anh Đỗ Xuân Khẩn đã viết và tập cho chúng em ca khúc Về Muộn đầy xúc cảm ( xin lỗi các anh chị vì em không đứng bên cạnh các anh chị để thể hiện ca khúc này- em cũng buồn lắm chứ)
Cám ơn các anh chị Cựu học sinh Đông Giang - Hoàng Hoa Thám Sài Gòn đã tạo cho chúng em nơi đi về ôn lại một thời Đông Giang - một thời Hoàng Hoa Thám, một tình cảm thân thương không dễ gì có được.

Xin cám ơn tất cả các anh chị em trong blog Đông Giang - Hoàng Hoa Thám đã bỏ nhiều công sức bao ngày làm biết bao điều tốt đẹp cho đàn em thân yêu và cũng là nơi cho mọi người trải lòng mình là nơi cho bạn bè tìm gặp lại sau bao ngày bặt tin nhau...Cám ơn đêm hội ngộ tuyệt vời ...cám ơn tất cả mọi người đồng tâm đồng sức bên nhau đưa blog ngày một thăng hoa....

Cuối cùng em kính gởi đến Ban giám hiệu - quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh Hoàng Hoa Thám đã bỏ quá nhiều thời gian công sức để làm nên một ngày hội vô cùng long trọng, thân thương cho chúng em có nơi chốn đi về gặp gỡ giao lưu với tất cả thầy cô giáo kính yêu cùng bạn bè thân thương ngày cũ - cám ơn đêm lửa trại đã đưa chúng em trở lại thời học sinh hồn nhiên vô tư với trái tim rộn ràng xúc cảm...cám ơn những đêm văn nghệ những buổi giao lưu đượm thắm nghĩa tình, mênh mông sâu lắng đã đi vào lòng mọi người những cảm xúc không phai...cám ơn các tất cả đã chung tay đóng góp từ tinh thần lẫn vạt chất để có được một ngày hội vô cùng ý nghĩa..cám ơn tất cả đã cho chúng em nụ cười luôn nở trên môi....

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

THÔNG BÁO MỜI HỌP MẶT ĐÔNG GIANG HẢI NGOẠI 2013

Kính thưa: Quý Thầy Cô kính mến,
Cùng các anh chị em Cựu học sinh thân mến,

Đặc san Kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập Trường Trung học Đông giang Đà nẵng đã in xong tại hải ngoại cũng như tại trong nước.

Trong nước, các CHS dự trù in 1,000 tập nhưng khả năng chỉ cho phép in được 500 tập. Với số lượng này, các CHS tin chắc là thiếu so với nhu cầu đăng ký nhưng cuối cùng đành chấp nhận và tự an ủi “ HIẾM MỚI QUÝ” và đã được phân phối rộng rãi đến Qúy thầy cô và các CHS trong nước. Đặc san được in tại Sai gòn và đã phân phối về tới Đà nẵng kịp ngày Kỷ niệm 50 năm Đông giang do CHS 12 khóa tổ chức tại nhà hàng Đại Phúc Thịnh Đà nẵng ngày 14/9/2013.

Riêng tại hải ngoại, nhà in đã giao hàng ngày 14/9/2013, 300 tâp.
Chúng tôi đang lo thu xếp chọn ngày để tổ chức BUỔI HỌP MẶT KỶ NIỆM & RA MẮT ĐẶC SAN.

Kính thưa Quý Thầy Cô, cùng các anh chị em, chúng ta đã biết tổ chức Hội CGS&CHS Đông giang hải ngoại sinh sau đẻ muộn mà cho tới nay cũng chưa có được một danh xưng chính thức, số lượng thành viên nói chung hãy còn quá khiêm nhường, thầy cô cũng như các CHS vốn đã không nhiều lại sống rải rác quá xa nhau nên việc đi lại thăm nhau, tham dự một buổi họp mặt, thay vì chỉ cần tranh thủ vài ba tiếng đồng hồ nếu ở gần nhau thì thầy cô cũng như các bạn phải chuẩn bị một chuyến đi đôi ba bửa thật là một bất tiện nhất là đối với thầy cô vì nhiều lý do của tuổi tác. Chúng em biết thầy cô còn có những ràng buộc với các trường, các hội đoàn khác mà thầy cô cần chia sẻ, được chỗ này mất chỗ kia, được việc này thiệt việc kia .

Thấu hiểu như thế nên chúng em đã di dời thay đổi đôi lần ngày tổ chức HỌP MĂT KỶ NIỆM& RA MẮT ĐẶC SAN nhằm đáp ứng được yêu cầu của thầy cô sau khi nhận ý kiến hồi âm, phúc đáp của thầy cô nhưng cuối cùng, không cách nào đạt được mức mong muốn.

Chúng em nghĩ, chẳng đặng đừng phải kéo dài đến tháng 11/2013 dù vẫn biết thời gian tính của ngày Kỷ niệm có phần nguội lạnh nhưng một phần vì thầy Hiệu trưởng vừa mới trải qua một cơn đau đớn về sự ra đi vĩnh viễn của hiền thê, cũng cần có thời gian để thầy nguôi ngoai nỗi buồn, tạo điều kiện để thầy Hiệu trưởng cùng tất cả quý thầy Cô, các học trò cũ có được dịp trùng phùng hiếm quý “ Nửa Thế Kỷ Một Ngôi Trường”

Xin được phép thưa Quý Thầy Cô, các anh chị em, ngày hội này chắc chắn sẽ không là “quy mô” nếu bất chợt nghĩ đến sự so sánh với các trường bạn mà chỉ là thuần túy theo quan niệm chúng tôi, một ngày họp mặt giản đơn, cơ hội mong đợi từ ngót năm năm để chúng em có một món quà dâng tặng thầy cô nặng ân tình một thời “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” như một nghĩa cử TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO nhân NGÀY TRÒN 50 TUỔI của ngôi trường ĐÔNG GIANG thân yêu.
Món quà, kết tinh của bao nhiêu mẫu tâm tình vụn vặt của thầy cô một thời phấn trắng bảng đen, bao nhiêu ước mơ nhung nhớ một thời hoa mộng của chúng em, lũ học trò vừa ngoan lại vừa nghịch của thầy cô. Món quà còn thơm phức mùi giấy mới trên tay mân mê của thầy cô, của các bạn cũ với nụ cười tươi “ô đẹp quá”, chừng đó thôi cũng đủ cho chúng tôi mãn nguyện ƠN THẦY, NGHĨA BẠN, TÌNH TRƯỜNG hằng ôm ấp trong lòng từ nửa thế kỷ nay .

Hoa Đông giang đang nở, hương hoa còn nồng, sắc hoa đang thắm, CẦU CHO MƯA THUẬN GIÓ HÒA, THUẬN BUỒM XUÔI GIÓ đặng con thuyền Đông giang hân hạnh được đón đầy Quý Thầy Cô, các bạn đồng môn về tham dự NGÀY HỌP MẶT KỶ NIỆM & RA MẮT ĐẶC SAN ĐÔNG GIANG TRÒN 50 TUỔI trong ngày 09 tháng 11 năm 2013 tại Westminster, Little Saigon- Nam California- Hoa Ky ( giấy mời sẽ gửi sau).

Hội Cựu Học sinh
ĐÔNG GIANG HAI NGOAI
Hồ văn Dư - K3

THƯ CẢM ƠN CỦA BTC HỌP MẶT CHS ĐÊM 14.9



Chúng tôi, Ban Tổ Chức Buổi họp mặt CHS đêm 14.9 xin chân thành cảm ơn thầy Phan Văn Tánh Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Phát Hiệu phó trường HHT và quí thầy cô cựu giáo viên Đông Giang - Hoàng Hoa Thám cùng tất cả anh chị cựu học sinh khắp nơi đã về tham dự buổi họp mặt của CHS đêm 14.9.
Sự hiện diện của Quí thầy cô, anh chị đã góp phần cho buổi họp mặt đươc thành công và đầy ắp nghĩa tình.
TM/ Ban Tổ Chức

Mai Cư

BỖNG CẢ ĐÔNG GIANG TRỞ VỀ ĐÂY

"Bỗng cả Đông Giang trở về đây
Tình nghĩa thân thương ấp ủ đầy"

( ý thơ của thầy Hoàng Đình Hiếu và cô Trần Bích Hà)
Chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số hình ảnh của anh Nguyễn Đức Thông K9 gửi về
- Xin mời xem SLIDE SHOW





Từ trái sang phải: Nguyễn Thiên Chương và Đoàn Thế Hiếu (Tiến sĩ toán ĐH Sư phạm Huế) 

CẢM TẠ



CẢM  TẠ

http://i887.photobucket.com/albums/ac71/vanhoai11/ngandong1/49499kyb53hodam.gif
 

Chúng tôi rất cảm động và tri ân quý cựu giáo sư và cựu học sinh trường Trung học Đông giang Đà nẵng đã thăm hỏi, phúng viếng, phân ưu với gia đình chúng tôi và cầu nguyện sớm vãng sanh nơi cõi Phật cho hương linh người quá cố :
TÔN NỮ NHƯ NGUYỆN
                          Pháp danh QUẢNG TÂM

Dù sự ly biệt đã để lại một sự mất mát lớn lao và nỗi trống trải buồn thảm không thể bù đắp được, nhưng sự ra đi thanh thản nhẹ nhàng của hiền phụ đã phần nào mang lại cho chúng tôi niềm an ủi.
Trong lúc tang gia bối rối khó tránh điều sơ suất, mong quý vị và các em cựu học sinh thông cảm.

                     Thay mặt tang quyến, xin chân thành cảm tạ
                                         LÂM SĨ HỒNG

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

NHỮNG NGÀY THÁNG 9 QUA MAU

Ngày về lại trường xưa của các anh chị rồi cũng qua mau, bạn bè cũng vội trở về lại với gia đình, nhà tôi gần trường nên tôi thiếu cái cảm xúc nhớ thương trường cũ như những anh chị đi xa, nhưng bù lại thỉnh thoảng được nghe tiếng trống trường vang lại, nhất là vào những buổi chiều khi gió mùa đông bắc tràn về, trời âm u thời tiết se lạnh cũng làm tôi bồi hồi nhớ thầy cô, bè bạn, nhớ tuổi học trò xa xưa dưới mái trường Đông Giang.

Thường ngày tôi vẫn khát khao được gặp lại bạn bè học thời Đông Giang hay những anh chị quen thân thông qua trang ĐG-HHT ở xa về, nhưng trong những ngày qua, anh chị về đông quá mà mình không thể tiếp hết được, gặp được người nầy thiếu người kia hoặc cái bắt tay chào hỏi vội vã với những người anh thân thương như anh Nguyễn Hữu Thụy, anh Đoàn Xuân Hiển mà trong lòng cứ ray rứt, áy náy.

12g00 trưa 14.9 đón Quyền ở sân bay về ăn cơm rồi giao nhiệm vụ cho vợ đưa Quyền đi thăm Hồ Văn Ninh và những đứa bạn trong lớp, còn mình phải lao vào công việc, đêm 14.9 sau khi kết thúc buổi họp mặt cũng là lúc Quyền lên xe quay về lại Đồng Nai mà hai đứa chưa kịp tâm sự gì nhau sau bao năm xa cách. Ngày xưa tôi có thương một cô bạn gái cùng lớp, chung trường, cái tình yêu đơn phương của tuổi học trò mới lớn thật dễ thương, ngày nào tôi cũng thích được đi học, cũng thích được đến lớp, đến trường dù chỉ để được trộm nhìn cũng làm mình thỏa sự thương yêu, kỷ niệm 50 năm của trường tôi mong có dịp được chở bạn về thăm trường và có dịp để thổ lộ chuyện ngày xưa nhưng rồi cũng không có dịp và cũng không dám nói dù chỉ một lần.

Sau ngày họp mặt tôi may mắn được gặp cùng lúc nhiều anh chị trong nhóm thơ văn của Blog ĐG-HHT, thú thật nếu Blog ĐG-HHT không có họ gửi bài, không có thầy cô và anh chị CHS vào đọc thì blog cũng không thể duy trì cho đến hôm nay ( nhân dịp nầy cho tôi được nói lời cảm ơn đến tất cả anh chị những người thường xuyên gửi bài và hình ảnh, những anh chị thường xuyên vào đọc Blog, lời cảm ơn và sự trân trọng quí mến). Blog ĐG-HHT được tạo ra là của thầy cô, anh chị, của trường xưa chứ không của riêng ai, tôi chỉ là người bưu tá, người đưa thư, có nhiệm vụ chuyển bài vở hình ảnh đến thầy cô và các anh chị trong một đại gia đình ĐG-HHT.

Ngày xưa khi học trường tại ĐG, tôi được may mắn học văn với thầy Hoàng Đình Hiếu, thầy làm cho tôi mê thơ từ đó, tôi thuộc nhiều bài thơ tình của Xuân Diệu, của Quang Dũng từ thầy…Sau nầy qua trường Phan Châu Trinh tôi học ban B tức Toán, Lý, Hóa ( A : Sinh vật, B: Toán Lý Hóa, C: Văn, Ngoại ngữ) nên cho đến bây chừ cũng chỉ biết thích thơ mà không biết sáng tác, ngày xưa tôi cũng tập tành làm được bài thơ ĐÔNG GIANG 9 câu:

Đã đi qua những tháng năm lặng lẽ
Ôm kỷ niệm học trò trăm nhớ nghìn thương
Nơi tuổi thơ tôi cáp sách đến trường
Giữa vòng tay Thầy Cô, bè bạn
Gió tháng năm sân trường nắng rát
In dấu chân thầy trên cát dần phai
Ai lấy mây kia phủ lên tóc đen dài
Nhớ thương Thầy Cô một thời chèo lái
Gieo mầm ươm cho tuổi thơ khờ dại.


Bài thơ không hay nhưng tôi phải mất một thời gian dài chỉ để viết được 9 câu cho đủ chữ ĐÔNG GIANG, (chữ Đông Giang ghép lại từ những chữ đầu câu) nhất là những câu có chữ đầu là Ô, I, A khó quá… Bài thơ đã nói lên nhớ thương thầy cô và tình cảm bè bạn cũng làm tôi thỏa mãn cho đến tận bây chừ và “không dám” làm thêm 1 bài thơ nào nữa.

Hôm gặp nhau, Phan Thanh Cương có nói với chúng tôi, ai không làm được thơ người đó sẽ mau bị già vì họ chất chứa những tình cảm những u uẩn của lòng mình mà không giãi bày được, ít ra qua Thơ họ cũng giải tỏa được lòng mình nhất là chuyện tình yêu, đối với tôi câu nầy rất đúng và có lẽ vì thế mà tôi đã già hơn so với các bạn trong lớp chăng?

“Đã mấy mùa qua mấy mươi năm
mấy ai xa biệt, mấy ai còn?
xin tóc ngày xưa đan tết lại
nối một vòng quanh những xa xăm

tháng chín em về - em về không?
ơi đôi cánh nhỏ mõi phiêu bồng
về đây ngủ dưới vòm tháng chín
với những vòng tay đón mênh mông…”


( Tháng chín- Huỳnh Văn Mười K7)

Có nhiều bạn đã mấy mươi năm hôm nay tôi mới được dịp gặp lai nhưng rồi cũng vội vàng chia tay, còn nhiều bạn nữa vẫn chưa kịp về, ước gì không phải là tháng chín của 50 năm mà tháng nào anh chị và các bạn cũng về lại Đông Giang.

Về lại Đông Giang, về lại đi
Biết mười năm nữa có còn chi
Về để trao nhau cành phượng cũ
Khiến thời mới lớn ta ướt mi.
………………………..

Về lại Đông Giang, về lại đi
Biết trăm năm ấy có còn chi
Áo trắng có còn khi trở lại?
Cứ hoài vương vấn thuở ta đi


( Nhớ Đông Giang- Vũ Đông Thám K7)

TN K6