Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

CÒN MÃI TRONG TÔI


(Kỉ niệm những ngày mới rời trường Đông Giang)

Giao phân vân không biết chọn ngã nào. Từ đây đến trường hãy còn xa lắm. Bỗng Giao bước nhanh chân về con đường cũ, có lẽ nó dài hơn đường kia nhiều. Giao cũng không hiểu tại sao mình lại thích đi con đường xa thế? Mưa rơi đều trên đường tráng nhựa in chiếc bóng nhỏ xinh với tà áo bị cơn mưa làm ướt sũng nằm phẳng trên người Giao trải dưới nền đường. Trời cuối đông, cái lạnh buốt người, Giao lầm lũi bước đi mãi đến khi bước vào cổng trường Giao mới thấy mình bị nhầm lẫn. Nỗi buồn chợt hiện đến, vẫn ngôi trường rộng mở thờ ơ đón tất cả mọi người và cũng chính trường lại dẫn bước chân Giao. Không! Giao đã xa trường hẳn rồi. Bây giờ Giao hiện là học sinh của ngôi trường mới mình đang đến ...
Giao muốn bật thành tiếng khóc khi thấy bóng dáng người thầy cũ với chiếc xe quen thuộc vượt qua. Thầy chỉ cười đáp lệ lời Giao rồi lách vào phía cổng. Giao xoay người lại tiếp tục con đường trước mặt. Giao vẫn thích đi con đường nầy, có lẽ để thấy mãi ngôi trường thân yêu. Không một lần nào đi ngang qua mà Giao chẳng nghĩ đến trường cũ. Nó như một cái gì cần phải nhớ trong Giao. Hôm giã từ thầy bạn đến nay chỉ cách mỗi mua thu mà sao Giao thấy xa ngút ngàn như hai hàng cây trước đường Giao đang bước xa kia. Thoáng nhớ lại hiện về ...
.Hạ đến rồi như đám mây kết tụ giọt mưa sa, nóng khô người nhưng u buồn ảm đạm. Giao lo sợ, Giao tiếc rẻ thời gian trôi qua. Đối với bọn Giao, thời gian bây giờ như một hung thần hiện đến để đem hiện tại Giao đang hòa mình đưa về quá khứ xa xưa ... Giao đã nghĩ đến hạ nầy và rùng mình lo sợ. Khung cảnh đón hạ năm trước vui rộn náo nức bao nhiêu thì bù lại đón hạ nầy buồn tẻ bấy nhiêu. Ngày chia tay bọn Giao chẳng có được một lần họp mặt dù là họp mặt để nói tiếng tạ từ đưa mỗi đứa về một nẻo. Hành trang của bọn Giao chỉ có vài dòng chữ ngoằn ngoèo nơi trang lưu niệm. Nó chịu dở dang với cây viết khô cằn Giao vẫn giữ làm kỉ niệm nơi chiếc cặp da mà hầu như lời các bạn Giao đều học thuộc lòng không cần có điểm. Giao thấy sự mất mát lớn lao trong tình bè bạn. Để rồi mùa thu tựu trường chỉ càng buồn thêm với nhiều khuôn mặt mới xa lạ làm sao! Giao chập chững bước lên cao, với thời gian sẽ đưa những gì ở sau lưng lùi dần, xa mãi mà nỗi nhớ trường xưa bạn cũ vẫn quyện mãi không thôi. Giao nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường, nhớ căn phòng mang số; Giao nhớ tấm bảng loang lỗ vết đinh, nhớ chỗ Giao ngồi với những chấm mực rơi ... Giao nhớ tất cả và ước mơ được học mãi nơi đó nhưng sự thật trái với điều mơ ước...Giao mừng cho trường mình bây giờ trở nên huy hoàng rồi Giao cũng lo sợ sẽ mất đi dấu vết ngày xưa. Không hiểu giờ nầy các thầy cô có nhớ đến khuôn mặt của những đứa học sinh bị khuôn viên trường chối bỏ? Còn Giao, Giao làm sao quên được từng lời nói nụ cười, từng cử chỉ của thầy cô kể cả lúc giảng bài hay tình cảm đối với học sinh trong những lần sinh hoạt. Nỗi nhớ ấy cứ mãi trương to. Giao nhớ từng nét mặt quen thuộc trong lớp nhớ cả đến những cái tên mang họ. Càng nhớ bao nhiêu, Giao lại thấy mình bị lạc lỏng bấy nhiêu. Chiếc áo Giao mặc trong mình đã được thay bằng chiếc bảng tên mới. Giao không vứt bỏ nó và thầm cười khi trong lòng vẫn nhớ mãi trường xưa. Giao nhớ lúc mới rời trường tiểu học mình vẫn quay quắc nhớ trường nhưng nỗi buồn chợt tan ngay vì tuổi quá còn thơ nên chưa có nhiều kỉ niệm buồn vui. Với bây giờ thì Đông Giang trường xưa làm sao Giao quên được vì bao nhiêu kỉ niệm đã hình thành nơi ấy. Cả đến những hàng cây trong sân trường do lớp Giao trồng và những lần bọn Giao tưới nước, nó là niềm vui nho nhỏ trong Giao vì được chăm sóc cho trường. Nhớ quá đi thôi những lần cắm trại, nhớ từng khung cảnh trong giờ học. Nhớ những lần học trò nghịch ngợm làm thầy cô phải bực mình và nhớ quá ánh mắt thầy buồn nhìn cuối lớp ...Tất cả giờ đây đã vụt khỏi vòng tay ... nhiều khi Giao muốn được như ngày xưa dù chỉ trong giây lát nhưng thực sự thời gian đã trôi qua chỉ còn là mơ ước mà thôi!
Nỗi khát khao trở lại trường xưa vì ở đó có tình thầy trò sâu đậm vô cùng, thầy thấu hiểu cả tâm tính học sinh và ra công giảng dạy. Nỗi khao khát trở lại trường xưa vì có tình bạn hồn nhiên, trong sáng trưởng thành nơi ấy... Chỉ từng đó thôi cũng khiến Giao nhớ mãi đến trường. Giao ước mong làm sao cho tiếng thơm trường vang mãi vang xa ...

......Giao bước thật nhanh, tiến vội trên con đường còn sót lại để về nơi trường mới. Nơi đó, có những người đang vùi đầu vào sách vở như Giao.

Phan Thị Hoa Xuân K6

Gởi Nắng Cho Quê Hương





Đà Nẵng mưa nhiều lạnh lắm không em ?
Anh gởi chút nắng Saigòn về em sưởi ấm
Gió phương Nam thổi cong chùng nhánh nhớ
Nước sông Hàn có gợn sóng xôn xao ?
Nhớ quá Mỹ Khê sóng biển dâng trào
Ngày mình bên nhau xây lâu đài trên cát
Sơn Trà vút cao bài tình ca em hát
Chiều áo dài tha thướt nắng Tiên Sa
Ngày anh đi hạt nắng nhạt nhòa
Thương quá dòng sông một thời thơ ấu
Mẹ lặng yên cố ngăn giòng lệ dấu
Con trai xa rồi lòng mẹ có bình yên ?
Phương Nam xa xôi nắng ấm dịu hiền
Đêm từng đêm vọng lời ru của mẹ
Nắng tháng chạp hôn nụ mai vừa hé
Vẫn cứ mơ màng mùa xuân ấm quê ta
Bao nhiêu năm rồi phương trời ấy thật xa
Lòng vẫn khôn nguôi hướng về đất mẹ
Chút nắng miền Nam ấm lòng xin chia sẻ
Đừng trách chi người, thương nhớ lắm quê hương !
Nguyễn Tấn Lực K6

 

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Chặng đường thống trị thế giới của Facebook



Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến Thầy Cô, anh chị về: Chặng đường thống trị thế giới của Facebook


Ra đời trong một căn phòng trong ký túc xá Đại học Harvard, sau hơn 10 năm, Facebook đã trở thành một trong những công cụ quyền lực nhất hiện nay.
alt  
Facebook ra đời trong một căn phòng tại ký túc xá Kirkland House của Đại học Harvard.

alt  
Năm 2003, Mark Zuckerberg khi ấy đang học năm 2. Anh đã lập ra “Face mash” - sử dụng hình ảnh của các bạn cùng lớp lấy được từ hệ thống dữ liệu của ký túc xá, để so sánh ai hot hơn ai. Website này đã có 22.000 lượt xem từ 450 người chỉ trong giờ đầu tiên. Vài ngày sau, Đại học Harvard yêu cầu anh gỡ thông tin xuống, vì lý do bản quyền và lo ngại an ninh. 
alt  
Zuckerberg đã bị kỷ luật vì việc này, nhưng vẫn được ở lại trường. Dù vậy, anh không chùn bước và ra mắt thefacebook vào tháng 2/2004. 
alt  
Chỉ trong một tháng, nửa sinh viên Harvard đã tham gia Thefacebook. Đến tháng 3/2004, mạng xã hội này mở rộng tới các đại học khác, như Yale, Columbia và Stanford. Zuckerberg đã rủ thêm vài bạn học trong trường để giúp anh phát triển website, gồm Dustin Moskovitz, Eduardo Saverin, Andrew McCollum và Chris Hughes.
alt  
Sau vài tháng, Facebook bắt đầu có doanh thu quảng cáo. Thời điểm này, Zuckerberg vẫn còn đi học. Nhưng anh nhận ra đã đến lúc phải làm việc nghiêm túc, và rời trường năm 2004. 
alt  
Giữa năm đó, anh tuyển đồng sáng lập Naspter - Sean Parker làm Chủ tịch đầu tiên của công ty. Sau đó, Facebook chuyển trụ sở tới một văn phòng rất nhỏ ở Palo Alto (California, Mỹ). 
alt  
Zuckerberg thường xuyên đi lại trong văn phòng mà chỉ mặc quần short, đi chân trần và tay cầm lon bia. Cùng tháng này, Facebook nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ cựu lãnh đạo PayPal – Peter Thiel với 500.000 USD.
alt  
Tháng 5/2005, họ huy động được thêm 13,6 triệu USD. Một năm sau, họ tạo ra giao diện Bảng tin mang tính đột phá, giúp người dùng cập nhật theo thời gian thực bạn bè họ đang làm gì. 
alt  
Cuối năm 2007, Zuckerberg gặp Sheryl Sandberg trong một bữa tiệc Giáng sinh. Bà khi ấy đang làm giám đốc tại Google. Anh đã thuyết phục được Sandberg về làm Giám đốc Tác nghiệp (COO) cho Facebook năm 2008. 
alt  
Khi ấy, Facebook đã tăng trưởng rất nhanh rồi. Nhưng sự phổ biến của smartphone đã khiến mạng xã hội này còn phát triển mạnh nữa. Năm 2009, Facebook chuyển sang một văn phòng lớn hơn cũng tại Palo Alto. Cuối năm 2010, họ chạm mốc 1.000 tỷ lượt xem một tháng. Năm 2011, Facebook lại chuyển trụ sở lần nữa.
alt  
Bản thân Zuckerberg cũng tham gia nhiều hơn vào chính trị trong những năm qua. Anh đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo thế giới để thuyết phục họ hỗ trợ sự phổ biến của Internet trên toàn cầu. Facebook cũng luôn công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới và các quyền bình đẳng khác. 
alt  
Tháng 5/2012, Facebook thực hiện phiên IPO kỷ lục, trị giá 5 tỷ USD. Cùng năm đó, Zuckerberg kết hôn với bạn gái lâu năm - Priscilla Chan. 
alt  
Để phát triển, Facebook luôn tìm kiếm các công ty mới có khả năng đe dọa họ để mua lại. Từ đó, họ đã thâu tóm hàng loạt, từ ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram, dịch vụ nhắn tin miễn phí WhatsApp đến công ty sản xuất thiết bị thực tế ảo – Oculus. 
alt  
Đến sinh nhật 10 tuổi của Facebook, mạng xã hội này đã có 1,23 tỷ người dùng mỗi tháng. Trong đó một tỷ người là dùng thiết bị di động. 
alt  
Để phục vụ sự tăng trưởng đó, Facebook đã mở rộng văn phòng. Năm nay, họ đã có khu làm việc mới, được thiết kế bởi kiến trúc sư huyền thoại – Frank Gehry, để hỗ trợ 2.800 nhân viên. 
alt  
Ngày nay, Mark Zuckerberg đã trở thành một huyền thoại, nổi tiếng với phong cách áo xám chui đầu và giày tennis. Facebook cũng được định giá 265,3 tỷ USD, với 1,5 tỷ người dùng mỗi tháng. Trong bức thư gửi cổ đông khi IPO, anh từng viết: "Nói đơn giản thì, chúng tôi không mở ra các dịch vụ để kiếm tiền. Chúng tôi kiếm tiền để tạo ra các dịch vụ tốt hơn".
(theo BI)

Kỳ tích Israel: Trồng rừng, nuôi cá trên sa mạc.


   Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến Thầy Cô, anh chị về kỳ tích Israel: Trồng rừng, nuôi cá trên sa mạc.

 

            Để giải thích cho câu hỏi " vì sao mảnh đất cằn cỗi như Israel lại có nền nông nghiệp hùng mạnh đến vậy" chỉ có một từ đó là: Công nghệ.
Ai cũng biết Israel là đất nước non trẻ nằm ở bên bờ Địa Trung Hải có diện tích phần lớn là sa mạc khô hạn. Dẫu vậy, Israel lại khiến cả thế giới ngưỡng mộ với kỳ tích khó tin là phủ xanh cho sa mạc cằn cỗi và áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Một số thành tựu khoa học kỹ thuật của Israel có thể kể đến như tái sử dụng nước thải để tưới tiêu cho cây trồng, thu nước mưa để tái sử dụng, tái xử lý nước trở thành nước sinh hoạt & uống được (tỷ lệ lên tới 75%), nông nghiệp trực tuyến và nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi… Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động.
Vậy đâu là điều tạo nên những kỳ tích đó, động lực nào khiến một đất nước nhỏ bé, cằn cỗi, nhiều thù địch như Israel lại tạo ra nền nông nghiệp kỳ diệu đến vậy?
“Hoạt động công xã thành công nhất thế giới”
Là lời mà các nhà sử học dùng để ca tụng Kibbutz – mô hình nông trang gần giống với hợp tác xã.
Đơn giản có thể hiểu Kibbutz là một cộng đồng nông thôn, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống, thực hiện lý tưởng một xã hội công bằng. Tại nông trang không có cảnh sát và tòa án. Trẻ em không sống tại nhà mà ở các nhà trẻ, được cả nông trang nuôi dưỡng, một ngày chỉ gặp cha mẹ vài tiếng.

Nông trang Mashabei Sadeh
Nhờ vào thành công của mô hình nông trang này, Israel đã trở thành quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, dù 95% diện tích đất nước này được xếp vào loại bán khô hạn, khô hạn và rất khô hạn. Thậm chí trong khi trái đất đang bị sa mạc hóa, Israel là nước duy nhất đẩy lùi sa mạc. Thành tựu lớn nhất là trồng thành công một khu rừng ngay ở vùng đất sa mạc Negev: Rừng Yatir.
Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, nhưng những nông trang như Kibbutz sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Các nông trang cũng đóng góp đến 15% thành viên Knesset (Quốc hội Israel) và còn nhiều hơn thế cho lực lượng sĩ quan và phi công của quân đội.
Nông nghiệp Israel = 95% khoa học + 5% lao động
Giải thích cho câu hỏi vì sao một mảnh đất cằn cỗi như Israel lại có nền nông nghiệp hùng mạnh đến vậy chỉ có một từ đó là CÔNG NGHỆ.
Ở Israel, nước ngọt vô cùng khan hiếm. Họ phải sử dụng nước cực kỳ tiết kiệm. Trẻ em Israel được dạy tiết kiệm nước từ bé, 75% nước thải sinh hoạt được tái tạo sử dụng lại, nước qua hệ thống lọc trở thành nước tinh khiết có thể uống được ngay.
Tại quốc gia này, gần 95% khoa học công nghệ được áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Trên vùng đất bán sa mạc và sa mạc khắc nghiệt, những cánh đồng ô liu, cam, lựu, vải thiều, nho, chuối… vẫn xanh tươi mơn mởn, những khu nhà kính ngập tràn hoa, rau sạch, cà chua bi, cà chua nhót, dưa chuột, cà tím…

Tất cả cây trồng đều được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng theo các ống dẫn nước tới từng gốc cây, gốc rau và được tưới bón nhỏ giọt tùy theo từng loại cây củ quả bởi một phần mềm điều khiển tự động sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử.

Công nghệ tưới cây nhỏ giọt từ không khí.
Hiện tại Israel đã lai tạo được giống cà chua chịu mặn đạt năng suất kỷ lục 120-150 tấn/ha. Ngoài trồng trọt, nền nông nghiệp Israel nổi tiếng với công nghệ chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao nhất thế giới.
Cụ thể, theo thống kê trong năm 2013 của Volcani Center - trung tâm nghiên cứu trực thuộc chính phủ Israel, trung bình các đàn bò tại quốc gia này đạt sản xuất ra 11.500 lít sữa/con/năm, trong khi đó con số này ở New Zealand là 4.000 lít, ở Hà Lan 8.000 lít và ở Mỹ là 9.000 lít. Chất lượng sữa cũng vào loại tốt nhất, lượng đạm và chất béo cao hơn hẳn các loại sữa khác.
Người Israel còn nuôi trồng thủy sản với năng suất cực cao và chất lượng siêu sạch, thu lãi ròng từ 1,5 – 3 USD/kg. Tại một cơ sở nuôi cá siêu thâm canh, họ đặt 40 bể nhựa tròn trong nhà có mái che. Mỗi bể có thể tích 15 m3, mỗi vụ nuôi được 1,5 tấn cá, một năm nuôi 2 vụ thu được 3 tấn cá. Mỗi năm cơ sở này sản xuất khoảng 120 tấn cá.

Một trang trại nuôi cá ở Israel.
Bằng việc áp dụng những sáng tạo khoa học công nghệ cao như vậy, nông dân Israel phải bỏ ra rất ít công sức lao động chân tay (khoảng 5%) nhưng vẫn thu được năng suất cao.
Bài học cho Việt Nam
Là một đất nước khô hạn, phần lớn diện tích là sa mạc, nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 3,5 tỷ USD với giá trị gia tăng rất lớn. Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2014 đạt hơn 30,8 tỷ USD.
Cần lưu ý, diện tích của Việt Nam là 330 nghìn km2, và Israel là 20,77 nghìn km2. Tức là, Việt Nam rộng hơn Israel 16 lần, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản chỉ cao hơn Israel 8,8 lần.
So sánh tiếp theo càng khiến chúng ta phải suy nghĩ: Israel - một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, phần lớn là đất sa mạc, nhiệt độ quanh năm vô cùng nóng bức khoảng 50 độ C. Quốc gia còn lại - Việt Nam, có nguồn tài nguyên phong phú, các điều kiện thổ nhưỡng - nhiệt độ - ánh sáng - độ ẩm - nguồn nước đều vô cùng thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng, trải dài từ khí hậu ôn đới đến nhiệt đới.
Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) từng cho ý kiến tại một sự kiện: “Ở các nước phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm từ 3-5 % lao động. Tại Việt Nam, nông nghiệp chiếm tới 47% lao động nhưng chỉ tạo ra sản lượng GDP 14%”.
Hiện tại, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô nên giá trị gia tăng thấp. Giá bán nhiều mặt hàng nông sản Việt thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
Gạo Việt Nam giá bán luôn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan từ 3-5%, chè đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán, sản lượng cá tra Việt Nam chiếm đến 90% thị phần trên thế giới nhưng giá bán lại thấp hơn 20-30% so với các sản phẩm tương tự của quốc gia khác.
Việc học hỏi và ứng dụng thành tựu nông nghiệp công nghệ cao từ Israel đã được một số doanh nghiệp quan tâm và thực hiện. Điển hình như THMilk (công nghệ nuôi bò sữa), Hoàng Anh Gia Lai (công nghệ tưới nhỏ giọt) hay mới đây là Vingroup (trồng rau với công nghệ tưới nhỏ giọt/làm nhà kính). Phải chăng đã đến lúc các doanh nhân Việt Nam tìm ra công thức thành công từ Israel cho nền nông nghiệp nước nhà?

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

CHUNG VUI CÙNG GIA ĐÌNH ANH PHAN VĂN BÌNH K2


 Hôm nay, ngày 27 tháng 9 năm 2015 gia đình anh Phan Văn Bình K2 tổ chức Lễ Thành Hôn & Vu Quy cho hai con Quang Dũng - Hương Thủy tại tư gia, buổi tiệc trà được tổ chức lúc 11g00 cùng ngày tại Nhà hàng Tiệc cưới WHITE SWAN, Lô 35-37 Phạm Văn Đồng, TP Đà Nẵng.
 Thầy Cô và anh chị chs Đông Giang - Hoàng Hoa Thám, chs K2 ĐG xin chúc mừng gia đình anh chị Phan Văn Bình,  chúc hai cháu Quang Dũng & Hương Thủy trăm năm hạnh phúc.







QUA RỒI ĐÊM TRUNG THU


Truyện ngắn Phan Trang Hy
( Phan Thanh Bình K5)

Gần đến Trung thu. Bọn trẻ con đứa nào cũng náo nức đón chờ. Không phải chúng chờ bánh kẹo, chờ phá cỗ. Mà chúng chờ được làm lân, được múa lân.
Thằng Bảo tập hợp bọn trẻ lại phân công làm lân. Đứa mua dây thép, đứa kiếm tre làm khung đầu lân. Đứa thì tìm giấy dán, đứa thì tìm sơn xanh, sơn đỏ…Rồi đầu lân hoàn thành. So với lân bán ở thị trường thì lân của chúng không đẹp bằng, nhưng được cái là tự chúng làm thì mới thú.
Bọn chúng bỏ ra ba đêm để tập múa. Tiếng trống lân làm ồn cả xóm. Bà Sáu thường có tính không ưa ồn ào vì bà đang chữa bệnh, thế nhưng, những ngày này bà như khoẻ ra. Bà cười nói với bọn trẻ. Bà lại xuất tiền hưu của bà thưởng cho bọn chúng gói quà to tướng để chúng bồi dưỡng tập múa. Mấy đứa con nít hay làm nũng, giờ thì cũng hết, không cần dỗ, cũng ăn nhanh để còn kịp xem lân tập múa. Đến nhà cô Hải mở trò chơi điện tử, ngày thường đông bọn trẻ đến chơi, còn giờ thì vắng tanh, những chiếc máy được giải lao. Cả xóm xem bọn trẻ tập múa. Cả xóm ồn theo tiếng trống. Cả xóm vui theo tiếng trống. Cả xóm rộn ràng theo tiếng trống.
Trăng lên. Hoà trong ánh điện là ánh sáng bập bùng của những ngọn đuốc. Tiếng trống rộn ràng như mờị mọc mọi nhà mở cửa đón lân. Tiếng trống đánh thức tuổi già về với trẻ con ; đánh thức đàn ông, đàn bà về với tuổi vô tư ; đánh thức con trai, con gái về tuổi mới lớn ; đánh thức cả trời cổ tích về mừng Thạch Sanh chém được Xà tinh…Tiếng trống đánh thức giấc ngủ cả năm ở cái xóm này.
Lân đi từng nhà. Không nhà nào từ chối bọn trẻ. Bọn trẻ như làm chủ cả xóm. Lân của xóm khác không dám đến đây múa. Phần vì sợ lân ở đây đánh, phần vì không có ai mời múa. Hầu như đã thành lệ, lân xóm nào thì múa ở xóm đó, trừ trường hợp những đoàn lân chuyên nghiệp.
Trăng đã lên cao. Bọn trẻ đã múa hết các nhà trong xóm. Bọn chúng mệt. Từng ngọn đuốc rụi dần. Cả xóm hầu như không còn đoái hoài đến chuyện múa lân.
Gần hết rằm. Thi thoảng từng tiếng trống rời rạc ở đâu đó như nuối tiếc đêm rằm Trung thu.
Bọn trẻ tập trung ngoài ngã ba. Bọn chúng kháo nhau :
- Anh Bảo ! Múc chè ra ăn đi ! Múc chè ăn đi !
Bọn trẻ đã chuẩn bị chè hồi chiều tối. Lệ thường, năm nào cũng vậy, sau khi múa lân xong là chúng ăn chè quanh lân được đốt. Thằng Bảo nói như ra lệnh :
- Mấy đứa bay đợi đốt lân đã.
Thằng Nhật mới tham gia múa lân lần đầu, thắc mắc hỏi :
- Sao đốt uổng thế, anh Bảo ? Để dành sang năm múa.
Một thằng như từng trải, nói :
- Đốt để lấy hên. Để lại xui lắm. Sang năm làm cái khác.
Bọn chúng chẳng biết có xui hên không. Nhưng thằng Bảo thì biết rất rõ là mỗi lần gần tới tết Trung thu, được làm lân, được múa lân là niềm vui. Bỗng thằng Bảo thở dài :
- Đốt đi bay !
Ngọn lửa bùng lên. Từng tiếng húp xột xoạt quanh những chén chè. Bọn trẻ nhìn ngọn lửa rụi dần. Thằng Bảo nói với bọn trẻ :
- Bọn bay nghe tau nói đây. Trung thu này, sau khi làm đầu lân, mua dầu lửa, mua nước uống, nấu chè, nói chung là mọi thứ mua sắm, thì còn được hơn năm chục ngàn. Số tiền này, tau giao lại cho thằng Long giữ để sang năm làm đầu lân mới.
Thằng Nhật lên tiếng :
- Sao anh Bảo không giữ để sang năm làm ?
Thằng Bảo giọng buồn buồn :
- Tau lớn rồi ! Sang năm tau không còn làm lân, không còn múa lân nữa đâu.
Bọn trẻ nhao nhao :
- Còn chè không ? Cho thêm chén !
Trăng xuống dần…

.
Năm 2000
Phan Trang Hy


 

THỬ LÀM TRÁNG SĨ


Dẫu có làm kẻ đãi cát tìm vàng
Cần mẫn đọc cho hết nghìn bài thơ đương đại
Cũng chẳng tìm đâu ra
Cái lòng người mong đợi
Sao chỉ thấy đâu đây
Lắm cái phỉnh phờ
Thử một lần bạo gan như tráng sĩ
Mài lưỡi bút sắc nhọn như một thanh gươm
Chém một nhát quyết liệt
Vào bức tường câm
Lạnh tanh
Oan nghiệt
Lưỡi gươm cong queo
Chuôi gươm bật ngược
Sự thật lẩn trốn nơi đâu
Sao chỉ thấy tay gươm rỉ máu !
Nguyễn Văn Gia

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

TIN BUỒN


Được tin anh Nguyễn Viết Lộc (là phu quân chị  Lê Thoại Vy tức Lê Thị Vịnh chs K8) vừa qua đời lúc 20:45 ngày 23 thàng 9 năm 2015 ( nhằm ngày 11 tháng Tám năm Ất Mùi) tại nhà riêng tổ 23 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thanh phố Đà Nẵng. Hưởng thọ 61 tuổi
- Lễ nhập quan 6g00 ngày 25/9/15
- Lễ viếng  9g00 ngày 25/9/15
- Lễ Di quan 5g00 ngày 27/9/15 ( nhằm ngày Rằm thàng Tám năm Ất Mùi)
Hỏa thiêu tại An Phước Viên Hòa Sơn, tp Đà Nẵng.

Thầy Cô và anh chị chs Đông Giang, anh chị chs K8 xin chia buồn đến chị Lê Thoại Vy cùng gia quyến, cầu mong hương linh anh Nguyễn Viết Lộc sớm được siêu thoát.


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

THÔNG TIN VỀ VIỆC THỰC HIỆN TẬP SAN ẢNH LƯU NIỆM



Theo nguyện vọng của đa số Thầy Cô và anh chị cựu học sinh là mong muốn có một Tập San Ảnh cá nhân của Thầy Cô và anh chị CHS Đông Giang (vào trường từ năm 1963 đến 1983) để làm lưu niệm.

Nay chúng tôi kính mong Quí Thầy cô, anh chị mỗi người chọn cho mình một tấm hình bán thân (hiện nay) để gửi in trên Tập San Ảnh trường Đông Giang với nội dung:  
    Hình bán thân chụp rõ nét ( không gửi hình chụp nghiêng 1 bên) 
-        Ghi rõ họ tên Thầy Cô, riêng anh chị là CHS thì ngoài việc ghi rõ họ tên xin anh chị ghi K mấy, nếu không biết K thì ghi năm vào trường lớp 6 hoặc năm vào trường lớp 10 ( để xếp riêng hình Thầy Cô và các anh chị theo thứ tự K1, K2, K3…K20) 
-          Địa chỉ nơi cư ngụ, địa chỉ email và số điện thoại hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ dành 1/3 trang của Tập san ẢNH để in các hình ảnh về trường lớp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao của Đông Giang Hoàng Hoa Thám từ 1963-1983. Thầy Cô, anh chị nào còn lưu giữ thì xin gửi về cho chúng tôi.

 Để Tập San Ảnh thực hiện  được tương đối đầy đủ hình ảnh của Thầy Cô và các anh chị, kính nhờ Quí Thầy Cô, anh chị khi nhận được thông tin nầy xin chuyển tiếp đến tất cả Quí Thầy Cô, anh chị khác cùng biết ( chúng tôi xin lỗi do chúng tôi không thể biết đầy đủ địa chỉ email, facebook và số điện thoại của Thầy Cô, anh chị để liên lạc)  
  
     Kính mong Thầy Cô, anh chị sớm gửi về cho chúng tôi theo 1 trong các địa chỉ sau:
2-     dt5900@yahoo.com
3-     ho_d81@yahoo.com
4-     Facebook: Đông Giang ( hình Avatar là ngôi trường Đông Giang hình trắng đen)

    Số lượng phát hành tùy thuộc vào số hình ảnh cá nhân mà Thầy Cô và anh chị gửi đến (chúng tôi cố gắng thực hiện để mỗi người có hình gửi đến đều có 1 tập san nầy để làm lưu niệm)

Hạn chót nhận hình:  Ngày 20 tháng 11 năm 2015.

 Do chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện đầy đủ  hình ảnh Thầy Cô và anh chị CHS từ 1984 trở về sau, chúng tôi xin cáo lỗi và hẹn dịp khác, kính mong Quí Thầy Cô và quí anh chị thông cảm.

Trân trọng kính chào