Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn

 Vừa qua anphabe gửi đến trang ĐG một bài Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn của Thanh Nguyên, chúng tôi xin chia sẻ để các bạn trẻ có kinh nghiệm chọn nghề và kinh nghiệm trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng:

Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn

Với tâm lý thích ổn định, nhiều người quan niệm chọn việc thì phải chọn “ngành ngon”, “việc dễ” mà làm. Nếu ai cũng vậy thì “gian khổ sẽ dành phần ai”? Khi quá kén cá chọn canh, kiểu như ngành Dược thì hơi buồn tẻ, ngành thuốc lá không thân thiện hay rượu, bia lại khó làm, bạn đang thực sự hạn chế các cơ hội tới với mình. Điều ngạc nhiên là tôi biết nhiều người rất thành công và gắn bó với nghề khó, ngành khó. Điều gì hấp dẫn họ?

Vượt lên chính mình
Khi một thành viên Anphabe “chất vấn” chị Đào Lê Duyên -  Giám đốc nhân sự công ty British American Tobacco “Nhân viên công ty chị có bị cắn rứt lương tâm khi xã hội quan niệm ngành đang làm không tốt cho sức khỏe cộng đồng?”, chị chia sẻ một góc nhìn rất khác  “Cám ơn bạn đã đề cập đến lương tâm, một vấn đề mà bất cứ một người có trách nhiệm nào cũng sẽ đặt ra trong mỗi quyết định nghề nghiệp của mình. Nếu bạn là người có trách nhiệm với gia đình (nuôi dưỡng cha me, dạy dỗ con cái, chăm sóc tốt người bạn đời hay anh chị em...), có trách nhiệm với xã hội (đóng thuế đầy đủ, hỗ trợ cộng đồng, không vi phạm pháp luật .....), có trách nhiệm với bản thân và công việc (làm tốt việc mình, giúp đồng nghiệp cùng tiến ....) thì không ai quy kết bạn là kẻ vô lương tâm chỉ vì bạn làm việc trong ngành "khó". Ngược lại, một người bất hiếu với cha mẹ, ngược đãi con cái, đố kỵ với anh em hay vi phạm pháp luật .... thì cũng chẳng thể gắn nhãn "người có lương tâm" chỉ vì họ làm trong ngành được cho là cao quí”

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Khi có cơ hội nghề nghiệp mới chào đón, điều quan trọng là nó có phù hợp với khả năng, sở thích và kế hoạch nghề nghiệp của bạn hay không. Nếu chọn thì hãy làm hết mình, theo tôi thế mới là “thực sự có tâm”. Khi đó, bạn sẽ có sức mạnh để vượt lên “dư luận” và vững tin theo đuổi nghề nghiệp mình đã chọn.

Càng “bó buộc” thì càng bứt phá
Một điểm tò mò về tham gia ngành khó đó là “có nhất thiết phải yêu sản phẩm của ngành hay không?”. Bàn về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thu Giao – Giám đốc nhân sự Diageo bày tỏ: “Tôi cho rằng nếu đã có sẵn định kiến, ác cảm với chủng loại sản phẩm nào rồi thì đừng chọn để làm. Không ai có thể thuyết phục hay cưỡng ép bạn “yêu” được. Khi làm việc trong ngành khó, bạn không bắt buộc phải “yêu” sản phẩm như người tiêu dùng, nhưng ít nhất cũng cần có thiện cảm, sự trân trọng và hiểu điều khác biệt mà sản phẩm tạo ra cho người tiêu dùng, để từ đó bạn có niềm tin vào việc mình làm”

Điểm hấp dẫn mà nhiều người thành công trong ngành khó chia sẻ đó là chính những thách thức của ngành lại là động lực để họ thêm sáng tạo và có nhiều sáng kiến mới. 
Việc khó hay không là tại mình. Chúc bạn có những suy nghĩ thấu đáo trước khi bén duyên với cơ hội ngành khó đầy thú vị!


THANH NGUYỄN
Chief Opportunity Connector – Anphabe.com

CÂY SẢN XUẤT RA ĐIỆN

Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến Thầy Cô, anh chị : Cây sản xuất ra điện

Cây sản xuất ra điện
Đức Tâm
media

Một cánh đồng lúa ngày đêm sản xuất ra điện đủ cho nhu cầu tiêu dùng của một khu làng hẻo lánh ở vùng Đông Nam Á ? Giấc mơ này đang từng bước trở thành hiện thực tại Hà Lan, nơi mà các nhà khoa học phát triển một hệ thống sản xuất điện nhờ vào các loại cây sinh sống trong vùng bão hòa nước.
Bà Marjolein Helder, phụ trách công ty Plant-e, đặt tại Wageningen, phía đông Hà Lan giải thích với AFP : « Cây tạo ra năng lượng nhiều hơn mức nó cần. Lợi thế của hệ thống này so với điện gió hoặc điện mặt trời là nó hoạt động kể cả trong đêm và khi không có gió ».
Được thành lập năm 2009, công ty Plant-e kinh doanh và hoàn thiện hệ thống điện cây trên cơ sở ý tưởng của các nhà khoa học thuộc đại học Wageningen và được đăng ký bản quyền năm 2007.
Hệ thống cho phép sản xuất ra điện nếu như có cây được trồng trên một diện tích tương đối lớn, và trong môi trường bão hòa nước, ví dụ như các khu rừng sú vẹt, cánh đồng lúa, thực vật trên một bãi đầm lầy, hoặc thậm chí các cây trồng trong chậu, trong vườn.
Bà Jacqueline Cramer, giáo sư về phát minh phát triển bền vững ở đại học Utrecht, nguyên Bộ trưởng Môi trường Hà Lan nói rằng: « hệ thống này chỉ mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều việc phải hoàn thiện, nhưng tiềm năng của hệ thống này rất lớn. Nếu hệ thống tương đối hoàn thiện, chúng ta có thể nghĩ tới việc cung cấp điện cho các vùng xa xôi hẻo lánh hoặc thậm chí, lắp đặt trong các thành phố và nông thôn để sản xuất năng lượng xanh ».
Các chuyên gia giải thích, công nghệ này liên quan đến quy trình quang hợp, thông qua đó cây sản xuất ra chất hữu cơ. Cây sẽ hấp thụ chất hữu cơ này và phần còn thừa thì thải xuống lòng đất thông qua rễ cây. Do vậy, xung quanh rễ cây có rất nhiều vi sinh vật sống nhờ vào các chất hữu cơ thừa được thải ra và chúng phát ra các electron.
Khi cắm các điện cực bằng carbon xuống gần các rễ cây, người ta thu được các electron và từ đó, có thể sản xuất ra điện.
Bà Helder nhấn mạnh, việc sản xuất điện từ cây không phải là một ý tưởng mới, nhưng theo phương pháp của công ty Plant-e thì không làm hỏng cây. Có một điểm hạn chế, nếu nước bị đóng băng hoặc không đủ, thì hệ thống sản xuất điện ngừng hoạt động. Nhưng chỉ cần đổ thêm nước vào hoặc băng tan chẩy, thì hệ thống hoạt động trở lại.
Công ty Plant-e bán hệ thống sản xuất điện từ cây dưới dạng các tấm nhựa hình vuông mỗi chiều khoảng 50 cm, có thể kết nối với nhau. Hệ thống này đặt ở những nơi công cộng hoặc trên nóc các khu nhà cao tầng.
Để phủ một diện tích 100 mét, giá là 60 000 euro. Các chuyên gia đang chế thử hệ thống điện cây có hình ống túyp để có thể ngâm xuống môi trường bão hòa nước.
Đông Nam Á, nơi có nhiều diện tích cánh đồng lúa, sú vẹt, những khu vực ẩm ướt cao, được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn đối với sản phẩm này, vì tỷ lệ dân cư có điện vẫn rất thấp, 31% ở Cam Bốt, 49% ở Miến Điện, 55% ở Bangladesh và 66% tại Lào.
Tuy nhiên, sản phẩm này cần phải được hoàn thiện, cho phép sản xuất hàng loạt, qua đó, hạ giá thành. Hiện nay, một hệ thống cây điện rộng 100 m2 cho phép nạp được điện thoại smartphone, thắp sáng một bóng đèn tiết kiệm điện LED… Trong vài năm nữa, công ty Plant-e hy vọng là cùng diện tích 100 m2, thì có thể sản xuất được 2 800 Kwh mỗi năm, tương đương 80% nhu cầu điện của hộ gia đình Hà Lan, tính trung bình có 2,2 người.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÔ HỒNG KHANH CÙNG CÁC ANH CHỊ CHS TẠI SAN JOSE - CALI

       Cô Hồng Khanh & cô Thu Hà




Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

CÁM ƠN CHÚT NẮNG HANH VÀNG




Dòng đời chảy quá nhiều chiều thuận nghịch
Ta lơ ngơ đứng giữa ngã ba đường
Sông núi buồn tênh lòng người ly biệt
Về đâu ta khi sắp sửa hoàng hôn ?

Chân và giả cứ ồn ào tranh cãi
Mà Phật Trời lại biền biệt nơi đâu
Đời đáng lẽ là đường thi tứ tuyệt
Ta bềnh bồng trôi giữa những biển dâu

Cám ơn chút nắng hanh vàng cuối phố
Hoa dại ven sông chợt nở trái mùa
Để ta thấy được mình còn có lý
Ngã ba đường vẫn đứng đó lơ ngơ ...

Nguyễn Văn Gia


Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

TRÊN ĐỈNH CÔ ĐƠN




Đỉnh cô đơn nở đầy hoa ảo ảnh
Giọt buồn rơi chạm vỡ ánh sao trời
Xin một lần ôm trọn nỗi chơi vơi
Mang cảm giác tái tê vào cõi mộng
Đỉnh cô đơn ngập tràn hoa bất tử
Dưới chân đèo chầm chậm áng mây trôi
Câu thơ tình quấn quýt mãi bên tôi
Như đồng điệu thả hồn vào quên lãng
Đỉnh cô đơn chạm trần đời thánh thiện
Gío vờn quanh chắp nối những câu thề
Ai ngất ngây yêu quên cả lối về
Làm vương vãi lời nguyền chưa kịp tắt
Đỉnh cô đơn chiều cuối thu lạnh ngắt
Đáy tâm hồn đọng lại những niềm riêng
Mấy lãng đãng trôi về miền vô định
Giọt buồn lại rơi chạm vỡ sao trời.
 
Mai Mộng Tưởng K6

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

ĐIỂM QUA MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA KỲ HỌP QUỐC HỘI KHÓA 13

      
    Sau khi kỳ họp Quốc Hội Khóa 13 kết thúc, anh Vũ Đông Thám K7 đã điểm lại một số sự kiện nổi bật:
Kỳ họp thứ 9 QH khoá 13 đã bế mạc với sự thắng lợi vang đội của phe Long Thành.
Không có những bất ngờ như kỳ họp thông qua đường sắt cao tốc trước đây.
Vấn đề Biển Đông chỉ dừng lại ở một phiên họp kín 2 giờ.
Nhớ rằng mỗi phút vàng ngọc QH họp, mất 2 triệu tiền đóng thuế của nhân dân.
Nhiều thứ luật cần thiết như luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý tiếp tục nợ nhân dân như đã nợ 69 năm qua.
Quyền im lặng gây tranh cãi nhều, mặc dầu ngành tư pháp thế giới đã thực hiện lâu lắc lắc rồi.
Nhưng các đại biểu QH lại hay sè sẹ thực hiện luật này khi có thể. (xem ảnh)




 Nhân dịp đọc status nầy, nhà thơ Luân Hoán đã có thơ rằng:

ngủ này ngủ kiểu nhà quan
không cần che đậy ngụy trang làm gì
ngủ này tuy khác ngủ khì

nhưng phê đủ chẳng biết chi đất trời
ngủ này là ngủ chơi chơi
kiểu ngủ dã chiến như hồi chăn trâu
ngủ này phải luyện thật lâu
vừa ngủ vừa đợi gật đầu đưa tay
ngủ này là bệnh hay lây
không lây cũng giả đò say thật nồng
cả bầy mê, mình mình không
đồng nghĩa phản động, có lòng dối gian
thật thương cho những ông quan

Luân Hoán

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Những bí mật vô cùng thú vị về tượng Nữ thần Tự Do

Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến thầy cô, anh chị: Những bí mật vô cùng thú vị về tượng Nữ thần Tự Do

 - Tượng Nữ thần Tự Do - biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ ẩn chứa những sự thật vô cùng thú vị mà không phải ai cũng biết.

Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do
Ban đầu tượng Nữ thần Tự Do có lớp vỏ đồng sáng bóng. Tuy nhiên, sau 20 năm "dầm mưa dãi nắng", lớp vỏ đã bị ôxy hóa nên có màu xanh như ngày nay.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-2
Không phải ai cũng biết tên đầy đủ của tượng Nữ thần Tự Do là Liberty Enlightening the World (có nghĩa Tự do thắp sáng thế giới).
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-3
Bảy thanh nhọn trên vương miện của Nữ thần Tự do ban đầu được thiết kế để làm quầng hào quang. Nó đại diện cho 7 lục địa trên thế giới.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-4
Theo ước tính, tượng Nữ thần Tự Do đã hứng chịu khoảng 600 tia sét mỗi năm.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-5
Phần đuốc ban đầu tượng Nữ thần Tự Do đã được thay thế bằng phần đuốc làm từ vàng lá 24K năm 1984.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-6
Chi phí xây dựng tượng Nữ thần Tự Do và phần bệ lên đến 500.000 USD (tính theo tỷ giá hiện nay thì chi phí đó là 10 triệu USD).
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-7
Không phải ai cũng biết tượng Nữ thần Tự Do là món quà Pháp tặng Mỹ năm 1886. Con tàu chở bức tượng này đã suýt chìm xuống đáy biển do gặp phải một trận bão lớn trên đường từ Pháp sang Mỹ.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-8
Phần bệ của tượng Nữ thần Tự Do từng là nơi sinh sống của một số gia đình binh sĩ từ năm 1818 đến giữa những năm 1930.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-9
Theo ước tính, 3,2 triệu người ghé thăm tượng Nữ thần Tự Do mỗi năm.
Nhung bi mat vo cung thu vi ve tuong Nu than Tu Do-Hinh-10

Bản sao tượng Nữ thần Tự Do có mặt ở một số nước như Pakistan, Malaysia, Đài Loan, Brazil vàTrung Quốc

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

10 phụ nữ độc ác nhất Trung Hoa


 Anh Hà Hoàng Vĩnh Lạc sưu tầm và giới thiệu đến thầy cô, anh chị : 10 phụ nữ độc ác nhất Trung Hoa

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã thống nhất lựa chọn ra “Top ten” “đại độc nữ” điển hình. Chính những người đàn bà ghê gớm này đã làm chao đảo bao triều chính, tan nát bao gia đình...

Người Trung Quốc gọi những người đàn bà hiểm độc là “độc phụ”. Nghiên cứu lịch sử nước Trung Quốc phong kiến mấy ngàn năm, người ta thấy “độc phụ” có rất nhiều, hầu như triều đại nào cũng có.

1/ Lã Hậu: Người đàn bà độc ác nhất trong lịch sử

Hán Cao tổ Lưu Bang và Lã Trĩ quả là một cặp vợ chồng hoạn nạn có nhau, thế nhưng sự xuất hiện của Thích Phu nhân là một trở ngại nghiêm trọng cho cuộc sống hạnh phúc của cặp vợ chồng đế hậu này.

Người Trung Quốc có câu “Nam nhi ái hậu phụ, nữ tử trọng tiền phu” (Đàn ông thì yêu vợ sau, đàn bà thường trọng người chồng trước). Thích Phu nhân mặt đẹp như hoa, thân hình gợi cảm, hát hay múa giỏi, lại sinh được cho Lưu Bang hoàng tử Như Ý.

Như Ý thông minh khôi ngô, Lưu Bang rất yêu nên có ý muốn phế trưởng lập thứ. Lã Hậu rất hoảng, tưởng bị phế đến nơi, may nhờ có các đại thần ủng hộ nên bà ta mới giữ vững được ngôi hậu.

Sau khi Hán Cao tổ qua đời, Lã Hậu chuyên quyền, bắt đầu tính đến chuyện trả thù những phi tần đã được Lưu Bang sủng ái khi trước. Thích Phu nhân là nạn nhân đầu tiên.

Bà ta sai người chặt hết chân tay Thích Phu nhân, chọc mù mắt, đâm thủng tai, bắt uống thuốc độc cho câm, sau đó quẳng kẻ tình địch trong tình trạng sống dở chết dở như thế vào một căn hầm tối, gọi là “Người lợn”. Tình cảnh của Thích Phu nhân đáng sợ đến mức một lần con trai Lã Hậu là Hán Huệ Đế tình cờ nhìn thấy, sợ quá lâm bệnh, nằm liệt giường.

Những thủ đoạn giết người tàn bạo không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng thủ đoạn tàn ác như Lã Hậu thì quả là có một không hai. Không những hại Thích Phu nhân, Lã Hậu còn lừa Như Ý vào trong cung.

Huệ Đế biết rõ tính mẹ, sợ đứa em cùng cha bị mẹ hãm hại nên ăn ngủ cùng nhau, không rời một bước. Nhưng dù được người anh tốt bụng che chở thì Như Ý cũng không thoát khỏi tay người đàn bà hiểm độc được mãi. Một lần, nhân lúc Huệ Đế đi săn ngoài cung, Lã Hậu đã sai người bóp chết con trai của kẻ tình địch.

2/ Chiêu Tín: Quái vật trong triều Hán

Chiêu Tín là cơ thiếp của Quảng Xuyên Vương Lưu Khứ, cháu nội vua Hán Cảnh Đế. Chiêu Tín đẹp thế nào thì không thấy sử sách ghi, nhưng tính tình tàn nhẫn hiểm ác thì vào loại hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.

Theo sử chép thì lúc đầu Lưu Khứ rất sủng ái hai nàng Vương Chiêu Bình, Vương Địa Dư, hứa hẹn lập họ làm hoàng hậu. Nhưng vốn là kẻ hoang dâm vô độ nên sau này ông ta lại quay ra sủng ái Chiêu Tín. Chiêu Bình, Địa Dư rất căm tức nên bàn mưu định hại Chiêu Tín.

Chuyện bị bại lộ, Lưu Khứ bắt Chiêu Bình ra dùng khổ hình tra khảo. Đánh roi mây, Chiêu Bình nén chịu không khai, chuyển sang dùng dùi sắt đâm, Chiêu Bình đau quá phải khai. Thế là Lưu Khứ bèn triệu tập các phi tần đến, bắt họ dùng kiếm đâm chết Địa Dư, còn Chiêu Bình thì để Chiêu Tín đâm chết. Ông ta còn cho treo cổ 3 thị tỳ, sau đó đem đốt xác hai người đẹp ông ta hằng yêu dấu thành tro rồi đổ đi.

Chưa hài lòng, Chiêu Tín còn vu cáo Vọng Ngưỡng, một ái thiếp khác được Lưu Khứ sủng ái. Nghe Chiêu Tín siểm tấu, Lưu Khứ cho gọi các phi tần cùng kéo đến nơi Vọng Ngưỡng ở, lột hết quần áo nàng, bắt các phi tần dùng dùi nung đỏ gí vào người nàng. Vọng Ngưỡng bỏ chạy, nhảy xuống giếng tự vẫn, Chiêu Tín lôi lên, dùng giáo đâm vào chỗ kín, xẻo mũi cắt miệng, cắt lưỡi nàng… đem nấu chín, bắt các phi tần khác xem.

Chưa hết, Chiêu Tín còn vu cáo hãm hại một cung phi là Vinh Ái. Vinh Ái sợ quá nhảy xuống giếng nhưng không chết. Chiêu Tín lôi lên, trói lại, gí dao nung làm mù hai mắt, cắt hai tay, nung chì đổ vào miệng nàng. Vinh Ái chết, Chiêu Tín còn sai phân thây bắt chôn mỗi thứ một nơi. Có tới 14 cung phi từng được Lưu Khứ sủng ái bị Chiêu Tín hành hạ như vậy.

3/ Lệ Cơ: Kẻ giết người không dao

Sự hiểm độc của Lệ Cơ khác với những người khác ở chỗ “giết người không dao”.

Thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công xuất binh đánh Lệ Nhung - một nhánh của Tây Nhung, nay thuộc huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây - giết vua Lệ Nhung, bắt Lệ Cơ công chúa là con gái ông ta mang về trung nguyên.

Lệ Cơ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nên Hiến Công rất thích. Bất chấp lời can ngăn của quan chiêm bốc (thầy bói), ông ta vẫn lấy làm thiếp, sau đó Lệ Cơ sinh được con trai, đặt tên là Khê Tề.

Sinh được con trai rồi, Lệ Cơ tìm cách hành động để lo liệu cho tương lai của hai mẹ con. Trước hết, nàng dọn sạch mọi trở ngại trên con đường đưa Khê Tề đến ngai vàng, lập mưu trừ bỏ 3 công tử tài hoa là Thân Sinh, Trùng Nhĩ, Di Ngô. Nàng thẽ thọt bẩm với Hiến Công sai Thân Sinh mang quân đi đánh Nhung Địch rồi thừa cơ nắm lấy chỗ yếu, đẩy Thân Sinh đến chỗ chết, nhưng không thực hiện được.

Tiếp đó, Lệ Cơ tìm cách vu cáo bỏ thuốc độc vào thức ăn dâng lên để giết hại vua cha, bức Thân Sinh phải thú nhận rồi ôm hận tự sát. Thân Sinh chết rồi, Lệ Cơ bèn vu cho Di Ngô đồng mưu khiến Công tử Trùng Nhĩ phải bỏ chạy về Bồ Thành, còn Di Ngô chạy đến Khuất Thành.

Tấn Hiến Công nghe nói hai con trai bỏ trốn liền nổi giận lôi đình, càng tin rằng hai người đồng mưu với Thái tử Thân Sinh hại cha và Lệ Cơ nên ra lệnh điều binh đi đánh Bồ Thành. Viên quan coi Bồ Thành sợ quá khuyên Trùng Nhĩ tự sát để tạ tội, Trùng Nhĩ vội nhảy xuống dưới thành chạy trốn, người này chỉ kịp vung gươm cắt lấy tay áo của Trùng Nhĩ. Hiến Công sai người đánh Khuất Thành nhưng không được.

Sau khi Hiến Công chết, các quan đại phu tập hợp dư đảng của các công tử làm loạn giết chết Khê Tề và Trác Tử, đón Di Ngô trở về lên ngôi vua, cơn sóng gió do Lệ Cơ gây nên bấy giờ mới yên.

4/ Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức đời Hán: Cặp chị em ghê gớm

MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH




Ngày anh đến em ngập tràn hạnh phúc
Bao đợi chờ khắc khoải đã trôi qua
Bầu trời đêm soi sáng dưới trăng ngà
Anh thiên thần trong tim em bé bỏng.
Những tháng ngày cô đơn trong vô vọng
Cuộc đời em đau khổ đã nhiều rồi
Sau chiến tranh em sống phận mồ côi 
Khi người thân đã ra đi biền biệt.
Em thương anh mà không hề hối tiếc
Vẫn một lòng tin tưởng những lời anh
Luôn luôn em giữ vững dạ trung thành
Ngày anh đi em ngậm ngùi rơi lệ.
Anh bảo rằng phải đi vì sinh kế
Do đắng lòng lo nghĩ đến tương lai
Em và con vò vỏ những đêm dài
Ấp ủ nhau qua từng mùa giá rét.
Một vài lần anh về trong áo vét
Với xe hơi tự lái vẻ giàu sang
Em tự hào kể chuyện với dân làng
Ngày không xa sẽ đi về thành phố.
Nhưng trải qua bao mùa thu lá đổ
Chỉ vài dòng tin nhắn hứa suông thôi
Em biết rằng thực sự mất anh rồi
Khi anh về cùng người con gái lạ.
Em đớn đau trách mình sao nhẹ dạ
Đem cuộc đời trao gởi kẻ sở khanh
Để bây giờ đau khổ chỉ một mình
Trên trời cao lẻ loi vầng trăng khuyết.
Còn đâu những vần thơ xưa diễm tuyệt
Bao lời yêu cùng biển hẹn non thề
Mùa đông về từng cơn gió lê thê
Em âm thầm giữa căn nhà cô quạnh.
.
Nguyễn Quyền K6

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

ĐÔI ĐIỀU SUY GẪM

 Chúng tôi xin giới thiệu bài báo ĐÔI ĐIỀU SUY GẪM của thầy Trần Sĩ Huệ ( Trần Huiền Ân ) đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 21/6/2015:


Thầy Trần Sĩ Huệ
1.     Các đồng nghiệp cũ của tôi, những ông thầy “mất dạy”, mỗi lần gặp nhau, vẫn thường nhắc chuyện một thời. Ở các lớp Tiểu học, ba mặt tường treo cao ba khẩu hiệu: TỔ QUỐC  TRÊN HẾT – TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN – NGÀY NAY HỌC TẬP, NGÀY MAI GIÚP ĐỜI. Trên bảng xanh, dưới hàng “Thứ… ngày… tháng…năm…” là một câu “Cách ngôn” và một phép “Tính nhẩm”. Lúc nào cũng vậy, sau khi học sinh vào lớp, ngồi xuống, thầy cô giáo dành ra năm phút, giảng nghĩa vắn tắt câu cách ngôn và hướng dẫn phép tính nhẩm. Mỗi niên khóa có 9 tháng, trừ nghỉ lễ nghỉ tết còn 32 tuần thực học, mỗi tuần có 3 tiết Đức dục và 2 tiết Công dân giáo dục, mỗi tiết từ 20 đến 25 phút.  Đức dục dạy về bổn phận đối với ông bà cha mẹ anh chị em, họ hàng, thầy cô, người già cả… Công dân giáo dục dạy về cách ứng xử ngoài xã hội, lịch sự khi đi đường, trên tàu trên xe, khi đến chỗ đông người, đến công sở v.v… Câu cách ngôn gần như đúc kết và minh họa các bài học. Tính nhẩm, ngoài việc tập cách làm toán không cần giấy bút (dân gian gọi là tính rợ), còn tạo cho học sinh thói quen suy nghĩ nhanh, phản ứng nhanh trước một sự việc. Như vậy, mỗi niên khóa học sinh được học 96 bài Đức dục, 64 bài Công dân giáo dục, được nghe giảng giải 160 lần về các câu cách ngôn, đồng thời được làm tính nhẩm 160 lần. Cộng hết 5 năm bậc Tiểu học, có 480 bài Đức dục, 320 bài Công dân giáo dục, 800 lần tìm hiểu các câu cách ngôn, 800 lần tập tính nhẩm. Như những giọt nước nhỏ xuống từng ngày, thấm dần, thấm dần, sau 5 năm các cậu bé, cô bé từ 11 đến 13 tuổi đã có một ý niệm khá đầy đủ về các điều căn bản của đạo đức và tư cách để làm một người tốt. Đó là cái tuổi nhạy bén, dễ xúc động, dễ ghi nhớ và ghi nhớ bền lâu. Không phải không có những học sinh “không thuộc bài”, nhưng số này rất ít, ít lắm, cái tinh thần “tôn sư trọng đạo” nơi học sinh Tiểu học rất cao, những bài học dưới mái trường luôn luôn là “khuôn vàng thước ngọc” để họ tự giám định. – Nghĩ như vậy, coi trọng thời kỳ ấu học,  có chủ quan không?
*  *  *
2.     Cũng có lúc chúng tôi nói chuyện… văn chương. Bàn về các nhân vật chính trong thơ cổ được đọc nhiều: Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Mai Đình mộng ký, Bích Câu kỳ ngộ… Trong các tác phẩm viết ở Miền Bắc, nhân vật nào cũng hào hoa phong nhã, người này cỡi ngựa đi hội đạp thanh, người kia thả thuyền ngắm trăng trên sông Phù Thạch, người gặp tình lạ duyên may, người tương tư đau ốm…vân vân… nghĩa là toàn quý bậc “công tử” giàu sang “ăn chơi” cả. Trái lại, xuất thân ở Miền Nam, trong  truyện Lục Vân Tiên đủ hạng dân, cũng nhiều người xấu, nhưng ta được gặp các anh hùng vị nghĩa, không thể không nhắc đến Hớn Minh. Lục Vân Tiên đánh bọn cướp, Hớn Minh dám bẻ gãy chân thằng nhãi con quan, mặc kệ hậu quả phải từ bỏ con đường danh vọng. Có bạn đặt một dấu hỏi vui: Nếu như cái ngày đẹp trời ấy, chị em Kiều-Vân cũng gặp nạn thì phản ứng của Kim Trọng thế nào? Có thể dám liều mình cứu mỹ nhân, cũng có thể ra roi giục cương cho ngựa chạy thoát khỏi vòng lao lý! Không nên trách những người quen sống trong nhung lụa, đài các, mất đi cái “dũng”, chỉ nên khen những con người quê mùa chất phác lúc nào cũng thẳng thắn hành hiệp. Các sử quan viết Đồng Khánh địa dư chí, bàn về từng địa phương, thường cho rằng khí thế núi sông có ảnh hưởng rất lớn tâm tính con người, tạo nên phong tục xứ ấy. Nói về các nhân vật, cũng là nói về những con người thật ngoài đời họ phản ảnh. – Nghĩ rằng do môi trường sinh trưởng, môi trường hoạt động, con người giữ được, hay đánh mất cái “bản thiện”, có chủ quan không?
*  *  *
3.     Xem TV, chương trình quảng cáo, cô nọ tắm xà phòng thơm, xức nước hoa, ra đi, cả đám thanh niên quay đầu nhìn theo, ánh mắt đầy vẻ thèm thuồng. Nửa thế kỉ trước, đám thanh niên ấy sẽ bị dư luận chê là thiếu lịch sự. Trong việc ăn uống thì người lớn ngốn ngấu bát mì, nhai ngồm ngoàm đến những sợi mì lòng thòng rơi vãi, trẻ em uống sữa ừng ực, thản nhiên lè lưỡi ra liếm phần sữa đọng quanh mép một cách ngon lành. Trước đây, phong cách ấy đương nhiên bị chê là “ham ăn hốt uống”, không cha mẹ anh chị nào muốn thấy hình ảnh con em mình như vậy. Nhìn ngắm sỗ sàng và ham ăn hốt uống được chiếu lên cho hàng triệu người xem, là nét đẹp trong văn hóa sao?
         Trong một tạp bút, ông Võ Phiến (đại ý) cho rằng ở ngày xửa ngày xưa, sống giữa thiên nhiên con người cảm thấy cô đơn, bất trắc, họ chỉ được bình an khi về cùng đồng loại. Nhưng theo thời gian trôi, nhiều sự đe dọa xảy ra ngay chính trong đồng loại, con người lại thấy một mình giữa thiên nhiên tuy cô đơn nhưng bình an. Bây giờ… một mình đi trên đường vắng ta thấy buồn lo, nhưng bất ngờ gặp một người ta càng sợ sệt, không biết kẻ hiền hay kẻ dữ, có thể gây nguy hiểm cho ta không, tính mạng và tài sản của ta có bị đe dọa không? Chẳng mấy ai dám dừng xe, dù vào buổi trưa nắng hay chiều đang dần xuống, cho một người lỡ bước “quá giang”, trong lòng vẫn biết như thế là không nên, song thương bản thân vẫn là việc phải làm hơn.

Thế nhưng, con người dang tàn phá thiên nhiên, ít ra là ích kỉ lãng quên. Ông Võ Phiến có nói đến những hôm trời Sài Gòn bất chợt đổ cơn mưa lớn, rồi tạnh ráo, ngồi trong xe lam (hồi đó xe lam chạy nhiều tuyến đường trong thành phố) chợt nghe tiếng một trái dầu khô rơi xuống gõ nhẹ long cong trên mui, có cảm tưởng như lời nhắc nhở của thiên nhiên gởi cho đô thị. Ngày nay, chắc không còn người Sài Gòn nào nhìn thấy những trái dầu khô theo làn nước chảy tràn. Ai nấy lo sống, tranh sống, từng phút từng giây.
Sự “xuống cấp” trong tình người, suy cho cùng là điều tất yếu khi xã hội càng ngày càng coi trọng vật chất, lợi lộc bất chính, không có cách nào khác là phải chấp nhận, miễn mình đừng làm hại ai là tốt rồi! – Thái độ thỏa hiệp bất đắc dĩ để sống ấy phải chăng dẫn đến sự lãnh cảm, vô cảm, và một ngày nào đó đến lượt ta nhận chịu?
*  *  *
4.     Nhớ năm nào… thầy trò chúng tôi đã có những buổi mạn đàm về các bài giảng văn. Ông Nguyễn Bá Học viết về Chí mạo hiểm: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Ông khuyên thanh niên phải lập chí mạo hiểm. Ông Nguyễn Văn Vĩnh chê cái cười “cầu tài” trong bài Gì cũng cười: An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Theo ông, nếu không muốn bày tỏ ý kiến chân thực thì nên lịch sự từ chối, mới là phải. Tôi bây giờ đã già, gần 80 thì nói ngay là già, chớ tránh trớ rằng “người cao tuổi”. Chí mạo hiểm đã tiêu tan hết, lại nghe không biết bao nhiêu lời khuyên nên xa lánh mọi sự, im lặng trước mọi điều, hoặc giả “phải cũng hì mà quấy cũng hì” cho xong, can thiệp vào e uổng mạng… già. Đọc báo, nhiều chuyện kinh hãi quá, nhưng ít đi, ít chứng kiến. Đầu tháng năm vừa rồi, ra Đà Nẵng, giữa tháng năm vô Sài Gòn thấy thiên hạ chen chúc xe cộ trên đường phố vẫn còn… hiền lành, tuần sau lại đi Hà Nội, hi vọng không đến nỗi bị sốc. Có thể chúng ta đang bi thảm hóa cuộc sống chăng? Chắc là không. Cuộc sống hiện tại, nhìn bằng con mắt thường, nghe bằng lỗ tai thường, suy nghĩ bằng khối óc thường… đáng buồn lắm! Có quyền, có thế, có tiền, liên kết với nhau thành có lợi. Thường dân bị ức hiếp, hàm oan kêu đến công lý thì công lý làm ngơ! Dần dà thành quen, việc xấu coi là “chuyện nhỏ”. Sao lại nhỏ? - Phải nhìn thẳng vào thực tế, đừng lạc quan tếu, cũng đừng làm con đà điểu cúi đầu trốn lánh!
*  *  *
5.     Đôi điều suy gẫm như thế, đưa đến câu hỏi: Nguyên nhân do đâu? Từ đâu? Kết quả thế nào? Đưa trách nhiệm cho các nhà giáo dục chăng? Đưa trách nhiệm cho các nhà văn hóa, xã hội chăng? Hỏi các nhà làm chính sách, những kế hoạch 5 năm, 10 năm có phần nào cho lĩnh vực tinh thần của cả dân tộc, đừng kể các lễ hội buôn thần bán thánh, lúc nào nơi nào cũng sẵn sàng mọc ra, dưới mỹ hiệu “truyền thống”. 
          Tuổi già đi vào ngõ cụt. Không thoát nổi cái vòng lẩn quẩn. Đâu dám khuyên bảo lớp hậu sinh.

TRẦN HUIỀN ÂN


Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Những khúc vọng xưa - Lưu bút ngày xanh


THẾ GIỚI ẢO


thế giới ảo mà em phải sống thực
cơ hồ như chẳng ai rõ thật hư
mà chân lý thì ở ngoài ngôn ngữ
em phải dấu những tấc lòng rạn vỡ

*
và anh nhỉ, lý trí như trò chơi
như con vượn cứ chuyền mãi không thôi
như họa sĩ vẽ vời nên tác phẩm
em vẫn nói trong thinh lặng anh ơi!

*
buổi chiều vắng nắng nghiêng bên khung cửa
mùi tóc thơm bay đi không về nữa
đôi mắt buồn ngấn nước đóng bờ mi
thu đang thả lá vàng tìm chốn cũ

*
mùa đã chuyển mây bay qua vầng trán
ngoảnh lại quay đầu tìm nhau một thoáng
thương tiếc ơi sao không nối nhịp cầu
cho thế giới không ảo, như mộng đầu

Uyên Nguyên
 ( Cô Nguyễn Thị Yến )

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

THÌ SÔNG CỨ CHẢY


Thì sông cứ chảy *, cứ hoài trôi,
Cứ vẫn mang theo những phận đời,
Tuổi thơ trôi giữa dòng vô định,
Nụ cười thơ dại vẫn trên môi!
.
Thì sông cứ chảy, cứ hoài trôi,
Dòng nước sinh sôi những phận người
“Được ở trên bờ”, là mơ ước,
“Được đi siêu thị”, chỉ thế thôi!
.
Thì sông cứ chảy, cứ hoài trôi,
Nhìn xuống mà xem, ông trời ơi!
Bập bênh sông nước, mơ Hà Nội,
Sông thì cứ chảy, hết một đời…
.


Vũ Đông Thám K7



(*) Dựa theo film ngắn Thì Sông Cứ Chảy ( Xin mời click vào tấm hình để xem film)


https://www.youtube.com/watch?v=AVeA8Audsuc

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

PHỐ QUẢNG CHIỀU MƯA


loanh quanh phố quảng chiều mưa
nhớ thời áo trắng ngày xưa thắt lòng
đang hè đâu đã lập đông
mà sao cái rét ngọt trong tim mình


em giờ có lẽ còn xinh
cái ngày né tránh mắt tình tôi trao
đang buồn vui biển trời nào
đò duyên neo đậu nông sâu bến đời


tôi khều tôi níu ngày vơi
lối xưa tìm trái lứa đôi đầu mùa
buồn thiu phố quảng chiều mưa
nhớ người áo trắng ngày xưa tím lòng!...
.


nguyễn đăng trình

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN




                           DÊ VÀ CHÓ !

                   Dê cười chê Chó đồ... "lô" ,
                   Thứ vô giá trị là đồ bỏ không !
                   Nhờ tôi mới bán được ông , ( treo dê bán chó )
                   Không tôi dẫu có chợ đông...ngáp ruồi !
                   Chó cười bạn chớ chê tui,
                   Chúng ta một lũ ném mùi...gian thương .   
                   Cái thời lừa đảo bất lương,
                   Ông dê tui chó một phường như nhau .
                   Thịt tui họ nhậu ào ào ,
                   Mắc chi phải mượn cái...đầu của ông ?   
                   Thịt ông cũng bổ đúng không ?
                   Mấy ông "bị yếu" nhậu xong sung liền .
                   Tui, ông đến lúc ...qui tiên ,
                   Cũng chung "bảy món", cũng...riềng. lá mơ !  
                   Dê nghe biết lỗi...ậm ờ,
                   Cho tôi xin lỗi , bây giờ ...ngộ ra ./.


                                                                         THƯỜNG ĐOÀN K.9         
  

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Tiếng Chuông Linh Ứng*


Lên chùa vọng một hồi chuông
Nửa vui đâu mất nửa buồn còn đây
Hồn nhòe nhạt phía chân mây
Trần gian mù tối thân đày muôn niên
Khói hương tan biến ưu phiền
Câu kinh tiếng kệ qua miền phù du
Lợi danh gì chốn thiên thu
Tiếng chuông vọng giữa đêm mù mịt sương .

* Chùa Linh Ứng trên núi Sơn Trà Đà Nẵng
Nguyễn Tấn Lực K6



Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

VẮNG EM


Không em thành phố thêm buồn
Con tim cứ hỏi ngọn nguồn từ đâu
Ai dò biển cạn sông sâu
Tìm ra câu đáp cau trầu giao duyên
Không em gác chuyện hàn huyên
Làm thinh xua đuổi muộn phiền chưa xong
Hai đầu nỗi nhớ và mong
Không em thành phố như không bóng người.


Mai Mộng Tưởng K6

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Trích bài viết: VÙNG TRỜI KỶ NIỆM



 Trích đoạn trong bài viết VÙNG TRỜI KỈ NIỆM đã đăng trên trang ĐG-HHT

"Ở môn Quốc văn, ngoài cô Khanh ra, tôi còn nhớ thầy Nguyễn Đức Bạn và thầy Hoàng Đình Hiếu đã dạy chúng tôi vào những năm cuối cấp. Riêng thầy Hiếu tôi còn gặp lại thầy ở trường Nữ Trung Học Hồng Đức. Tôi rất yêu thích môn văn ...
Các thầy cô đã dạy chúng tôi làm thơ, nào là thơ lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú…phải gieo đúng vần đúng luật, giúp chúng tôi tập làm thơ. Còn nhớ khi tôi mới tập làm thơ lục bát, vì mải mê gò cho đúng luật đúng vần như lời thầy dạy đến khi đọc lại thì nội dung của câu trên và câu dưới chẳng “bà con” gì với nhau cả. Bài thơ lắp ráp sao thật buồn cười. Giũa mãi rồi cũng xong, tôi “trở thành” tác giả của những bài thơ “con cóc”. Đặc biệt là ở thơ thất ngôn bát cú Đường luật, nhớ lời thầy dạy: các chữ trong câu thơ phải theo luật “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh” , kèm theo mỗi cặp câu ba và bốn, năm và sáu phải đối nhau. Lần đó, tôi đã thử sáng tác bài thơ đầu tay của mình. Đầu tiên để dễ có nội dung tôi đã tự tìm cho mình những chữ đầu của các câu thơ rồi từ đó hình thành bài thơ. Vì xa quê hương, theo gia đình xuống ở thành phố, nhớ con sông ở quê mình, tôi đã sáng tác bài thơ với tên gọi “Sông quê”. Xin ghi lại bài thơ:
Sông sâu lờ lững mặt trường giang
Thu nhớ sầu thương vướng hạ tàn
Bồn khô cỏ cháy đà xa hẳn
Yêu mùa hạ đỏ vội li tan.
Mến nhớ ngày nào ghé đò ngang
Của bến sông Thu lạnh mơ màng
Quê nhà ủ nhuộm màu tang tóc
Tôi đã xa rồi bến đò ngang !
Làm xong bài thơ, đọc lại tôi cảm thấy rất vừa ý, nhưng hỡi ơi khi kiểm tra lại cho đúng cách như đã học thì có nhiều chỗ phạm luật rồi, nhất là hai câu ba và bốn, năm và sáu chẳng đối nhau tí nào cả chỉ vì mải mê theo đuổi ý thơ. Tôi đành ngậm ngùi và thầm nghĩ dù nó không phải là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật thì nó vẫn là bài thơ bảy chữ. Thương đứa con đầu lòng của mình, ngày nay tôi vẫn nhớ mãi bài thơ ấy. Còn và còn rất nhiều ngu ngơ trong tiết học làm thơ và đó là những kỉ niệm khó quên.
Bên cạnh việc làm thơ, các thầy còn giúp chúng tôi cảm thụ thơ, yêu thơ. Tôi không quên hình ảnh khi thầy Hiếu giảng bài. Khác với cô Khanh, ngoài việc chụm các ngón tay lại rồi đưa lên như nụ hoa chớm nở thì sau đó thầy lại chốc ngược nụ hoa kia và hạ xuống như hoa đã tàn rơi. Cùng với điệu bộ kia là giọng đọc thơ trầm buồn của thầy đã làm cho tôi không thể nào quên được bài thơ tình tiền chiến “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.KH mà thầy đã cung cấp cho chúng tôi đúng vào dịp thu về năm ấy. Bài thơ thật hay, một tình yêu thật thơ mộng, nồng nàn nhưng lại là một cuộc tình buồn dang dở. Bài thơ hay mà tác giả là ai mà mỗi lần đọc tôi vẫn còn thắc mắc? Chỉ biết rằng lúc đó thầy đã thổi vào tâm hồn chúng tôi một luồng thơ mới và tôi cũng thích ngâm thơ từ dạo đó. Thơ của T.T.Kh có gió heo may làm tê tái cả tâm hồn người đọc:
…..
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
…..
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Bài thơ có mười một khổ, bốn mươi bốn câu tôi vẫn thuộc làu đến hôm nay. Và những lúc buồn tôi vẫn thường ngâm nga như thương cho cảnh tình của nữ sĩ. Khi tìm hiểu tác giả là ai thầy cũng đã khai thác cho chúng tôi thêm hai bài thơ nữa, đó là “Bài thơ thứ nhất” và “Bài thơ đan áo” để thấy rõ duyên phận bẽ bàng của người nữ sĩ này với “chồng nghiêm” luống tuổi, nhưng hơn bốn mươi năm qua thắc mắc của tôi về tác giả vẫn chưa được giải đáp. Một bài thơ thật hay, làm rung động bao trái tim yêu thơ thời ấy nhưng tác giả vẫn còn là một ẩn số, không ai chịu nhận mình là người đã sinh ra nó. Rõ ràng phải có một uẩn khúc chi đây…Tự dưng tôi lại muốn để thắc mắc kia thôi không còn nữa, vì nếu có thi sĩ nào công nhận đó là đứa con của mình thì liệu “Hai sắc hoa ti gôn” có còn là một bài thơ tình bất tử ? ..."

Phan Thị Hoa Xuân K6