Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

TINH YÊU CUỘC SỐNG _JACK LONDON.







    Cuộc đời có những lúc, sự đau đớn về thể chất  hoặc tổn thương về tinh thần khiến ta  thực sự rất đau đớn, đến mức không chịu đựng được nữa , đến mức chỉ muốn buông tay, ngủ một giấc thật dài thật sâu, không tỉnh dậy …


    Đó là lúc bạn cần đọc lại  “Tình yêu cuộc sống ” của Jack London.


    Jack London, sinh 12/1/1876_ mất 22/1/1916, là nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Ở thời đại của mình, ông là nhà văn Mỹ  được yêu thích nhất, được trả thù lao cao nhất, có sách bán chạy nhất. Chỉ trong 18 năm trong nghề viết ông đã có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ  gồm nhiều truyện ngắn , truyện dài, hồi ký, tiểu luận … và hàng trăm bài báo. Nhiều tác phẩm của ông được xem là tác phẩm kinh điển của mọi thời đại như Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call off the Wild  ), Gót sắt (Iron Theel ), Tình yêu cuộc sống(Love of Live ), Nanh trắng (White Fang)…


    Jack London từng sống  một cuộc đời chìm nổi, bi thương và mãnh liệt .Bắt đầu là một đứa trẻ nghèo không cha. Năm 1897, khi đã trưởng thành, ông đã viết thư cho một người mà ông tin là cha mình  _ Chaney, một chiêm tinh gia _và đã nhận được thư từ Chaney trong đó Chaney đã tuyên bố thẳng thừng"Ta chưa bao giờ kết hôn với Flora Wellman", và rằng ông ta bị"liệt dương" trong thời gian họ sống chung cho nên "không thể là cha của cháu được". Jack London từng là một thủy thủ lênh đênh trên khắp các đại dương, từng làm người đoạt sò, từng làm nhân viên chống buôn lậu biển. Ông cũng từng là người đào vàng ở những vùng băng tuyết hoang sơ, nơi mà một ngọn cỏ cũng không sống nổi còn  con người thì sẵn sàng đoạt mạng sống của nhau vì lòng tham vàng. Nhưng trên hết, Jack London là một nhà văn. Những trang viết của Jack London đã miêu tả một cách rực rỡ vẻ  đẹp và cả những  nỗi đớn đau quằn quại về  cuộc sống con người và thời đại của ông, đặc biệt chói sáng  là khi viết về  những nỗ lực không bao giờ kết thúc  của con người chống lại thiên nhiên và số phận khắc nghiệt. Hàng triệu độc giả háo hức đón chờ những chuyến phiêu lưu  của ông. Ngay khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng trên toàn thế giới, Jack London vẫn không từ bỏ thói quen viết 1000 từ một ngày. Chính  sự siêng năng ấy cùng với tài năng bẩm sinh đã giúp ông vượt xa những cậy bút cùng thời về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện.


    Truyện ngắn Tình yêu cuộc sống (Love of Life) là  câu chuyện làm xúc động không biết bao nhiêu thế hệ độc giả của Jack London. Truyện kể về những người đi tìm vàng ở Châu Mỹ, họ đã thành công nhưng trên đường trở về  tàu bị vướng bão tố và bị đánh đắm. Ban đầu họ có hai người, sau một người bỏ đi rồi làm mồi cho sói, chỉ còn lại một người từng bước,  từng bước  vượt qua  vùng đất Alaska rộng lớn ở gần Bắc Cực với tình trạng kiệt sức và đói lả để đến được nơi tồn tại sự sống. Thời tiết lạnh giá  khắc nghiệt cùng với cái đói ghê gớm như những bóng ma  luôn rình rập để đánh gục con người nhỏ bé, nhưng lúc cận kề cái chết cũng là lúc tình yêu cuộc sống trong con người anh ta trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Để sống, anh ta đã đã vứt bỏ tất cả những thứ nặng nề không cần thiết, trong đó có cả những túi vàng đã đào bới được, anh ta phải ăn rong rêu, rễ cây, phải nhai sống bốn con gà con mới nở một ngày trong một cái tổ gà gô may mắn tìm được, phải nghiền nát  nhúm xương thú rừng còn sót lại sau một bữa ăn của sói và nuốt chửng, phải đối mặt với gấu dữ, phải chống lại cơn buồn ngủ, phải bò lết từng mét, từng xăng ti mét, quằn quại như một loài sâu trên tuyết trắng mênh mông…Và rồi, sự sống cũng đã đáp lại sự cố gắng phi thường ấy, một chiếc thuyền thám hiểm đã nhìn thấy anh ta trong tình trạng gần như không còn giống một con người.


      Ngay từ đầu truyện là một không gian của vùng Alaska  xa xôi, bao la, hoang sơ, lạnh giá, gió rét căm căm thổi  và những bông tuyết đầu tiên làm  trắng xóa những đỉnh đồi  ” Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là đường chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ,cũng chẳng có cỏ, chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm.”

. Hai nhân vật, một nhân vật Bil và một nhân vật chính không tên,  giữa những cánh rừng , trên những mỏm đá, bên những dòng suối, đối mặt với  lũ  thú hoang trong cuộc hành trình mệt mỏi, gian khổ và vô vọng tìm về vùng đất sống. Hành trình càng trở nên căng thẳng, nặng nhọc khi chỉ còn lại một nhân vật, ban đầu là những lời nói mệt mỏi, sau đó hoàn toàn mất đi ngôn ngữ, hoàn toàn câm lặng Nhà văn đã tỏ ra rất am hiểu tâm lý và cả sinh lý con người  con người khi miêu tả từng động tác, từng biến đổi của cơ thể,  những cảm giác đói hay đau đớn, hay đau đớn vì đói. Thông qua ngôn ngữ cơ thể đó người đọc hiểu được nhu cầu của những thúc giục bên trong là cuộc đấu tranh dữ dội giữa sự sống và cái chết. Có những lúc, sự sống đã trở nên mong manh, yếu ớt, đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi, chính khi ấy,  ý nghĩ về cái chết sung  sướng, nhẹ nhàng dần lướt qua trong tâm trí mụ mẫm “ Sự sống là thế ư? Một sự hão huyền và thoảng qua. Chỉ có sống là đau đớn mà thôi. Chết thì chẳng đau gì hết. Chết là ngủ. Có nghĩa là thôi, là nghỉ ngơi. Thế thì tại sao gã lại không bằng lòng chết.”


    Chết ! Đôi khi  còn dễ hơn sống.


      Đã có lúc gã người muốn buông xuôi, phó mặc cho số phân, không còn muốn đấu tranh, không còn muốn có một cố gắng, nỗ lực nào cho sự sinh tồn  nữa.Thế nhưng có một điều lạ kỳ trong chính con người gã mà ngay chính gã  cũng không hiểu biết  hết được: Một niềm tin rồi sẽ được sống và lòng khao khát được sống luôn tồn tại, dai dẳng và bền vững. Ngay cả khi hắn bị Bil bỏ rơi, khi đói lả người trong tuyết lạnh, khi những vết thương không ngừng rỉ máu. Gã luôn có niềm tin là mình không lạc và nhất định sẽ tìm ra được đường đi, còn Bil đang đợi gã ở một nơi nào đó. Và việc lựa chọn con sói làm con đường tìm đến sự sống của gã cũng bắt nguồn từ những lý do rất con người: “ Giá như nó là con sói khoẻ mạnh, thì hẳn con người cũng chả xem vấn đề hệ trọng đến thế đâu, nhưng nghĩ đến việc phải làm mồi cho dạ dày của cái vật ghê tởm và gần như chết rồi này khiến gã chẳng ưng chút nào”.


    Ý nghĩa của toàn bộ  câu chuyện  thể hiện tập trung thông qua cuộc đấu tranh của con người  và con sói ốm đói. Cả hai đang đứng trước cái chết ,cả hai đều không đủ sức để ăn thịt nhau nữa. Con sói cố tình đi theo con mồi yếu ớt để đợi gã ngã gục và ăn thịt còn gã thì cũng  chỉ chờ có thế để có thể tìm thấy cơ hội sống cho mình.


“Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm, và thỉnh thoảng, tiếng quác quác của bầy tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người sẽ chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hay chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì  tiếng  thì thầm khàn khàn…”

  Cả hai, người và sói, đều chỉ có một cơ hội cuối cùng, không có sự lựa chọn nào khác, một là sống, hai là chết, lúc đó, chỉ tồn tại một sự chọn lựa mặc  nhiên có tính chất sinh tồn của thế giới động vật, bao gồm cả con người: Mặc dù đã buông thả  cho số phận , nhưng khi thấy thân xác mình sắp vào miệng sói, một động lực vô hình đã trỗi dậy, thúc giục gã đem hết sức tàn trườn tới về phía trước, gã không còn nghĩ đến cái gì là không gian_ thời gian, cái gì là số phận và không số phận, cái gì là thượng đế và không thượng đế ,trong đầu gã chỉ có một thứ, đó là, bằng bất cứ cách nào , bất cứ giá nào ,gã phải sống.

…Và gã đã sống bằng cách dùng chút sức lực cuối cùng của mình để chiến thắng con sói đói.

“Gã không nghe thấy tiếng thở, và truồi dần từ một cơn mơ nào đó đến cảm giác thấy chiếc lưỡi kia lia dọc bàn tay. Gã chờ. Những chiếc nanh ấn khe khẽ, rồi mạnh hơn; con sói đang huy động hết sức tàn trong một cố gắng để cắm ngập răng vào miếng mồi nó đã chờ đợi bao lâu. Nhưng con người đã chờ sẵn từ lâu và bàn tay nát bươm nắm lấy hàm nó. Trong khi con sói vật lộn một cách yếu ớt và bàn tay bóp lại một cách yếu ớt, thì bàn tay kia từ từ trườn qua thành một gọng kìm. Năm phút sau, cả trọng lượng của con người đè lên trên con sói. Hai bàn tay không đủ sức để bóp nghẹt con sói nhưng mặt con người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông. Hết nửa giờ, con người nhận thấy một dòng âm ấm chảy vào họng mình .

Cái đó chẳng lấy gì làm thú vị. Nó như chì nóng chảy đọng vào dạ dày gã, và gã được tọng vào hoàn toàn chỉ do ý chí của gã mà thôi. Sau đó con người lăn kềnh ra, nằm ngửa lên và ngủ .”

Văn phong của Jack London cực kỳ giản dị. Mọi câu chữ đều rõ ràng, dễ hiểu. Người đọc truyện của Jack London luôn có thể đọc luôn  từ đầu đến cuối truyện mà không phải dừng lại để suy tư, ngẫm ngợi. Mạch chuyện  trong mỗi câu chuyện của  Jack London luôn luôn lôi cuốn, hấp dẫn  kéo người ta đi. Thế nhưng khi buông sách xuống rồi, người đọc lại không thể không dừng lại một đôi phút để ngẫm ngợi, suy tư về những  tầng bậc ý nghĩa mà Jack London đã tạo ra trong tác phẩm của mình. Con sói trong"Tình yêu cuộc sống " là con sói thực của vùng đất băng tuyết  Alaka ở  miệt Bắc Hoa Kỳ. Con sói dữ dằn, cô độc, hoang dã  đã từng xuất hiện trong "Tiếng gọi nơi hoang dã ", trong "Nanh trắng" … trên những trang viết của Jack London.Thế nhưng con sói ấy cũng là hiện thân của những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên  và xã hội mà con người, trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ  của mình luôn luôn phải đối chọi để sinh tồn. Hơn thế, con sói cũng có thể  chính là hình tượng  số phận của mỗi con người .Chúng ta thường phải vật vã khóc than vì những số phận nghiệt ngã, đau đớn. Chúng ta thường có cảm giác số phận đang  theo đuổi ta, tìm cách hãm hại ta như con sói đói luôn rình mò  và  tìm cách hãm hại con người .Sự thực, số phận đó cũng chính là một phần của bản thân ta, do ta tạo nên từ tính cách, hoàn cảnh, môi trường.. nên nó sẽ  luôn đeo bám, theo đuổi cuộc đời  ta như bóng vói hình …  Số phận , không chỉ là những hoàn cảnh nghiệt ngã từ bên ngoài , mà còn là, cũng có thể là, những định kiến xã hội từ rất lâu đời trói buộc con người trong cuộc sống mỏi mòn, ngưng đọng, đơn điệu ...  ngăn trở con người đến với cuộc sống xứng đáng đích thực, cuộc sống tôn vinh vẻ đẹp bất diệt của con người. Trước số phận, ta cam chịu, cúi đầu khuất phục, chịu thua cuộc hay sẽ đấu tranh đến  hơi thở cuối cùng như con người đã dũng cảm đấu tranh với con sói trong ‘Tình yêu cuộc sống” của Jack London???


    Nhà bác học Mỹ Thomas Edison (1847_1931) có nói : Hầu hết con người chúng ta chỉ sử dụng được 1% năng lực của chính bản thân mình trong cuộc đời. Hiểu rộng ra, năng lực của con người là rất lớn lao nhưng  vì ở dạng tiềm ẩn nên thường thì chính bản thân con người cũng không biết  được. Chỉ đến khi lâm vào cảnh đường cùng, vào sự tuyệt vọng, con người với khát vọng sống âm ỷ, dai dẳng, mãnh liệt sẽ  vượt thoát  những giới hạn  để làm nên những chuyện thần kỳ.

    Jack London với “Tình yêu cuộc sống” đã chỉ ra con đường sống mà mỗi chúng ta phải trải qua. Con đường ấy có thể đầy những gian nan thử thách. Nhưng con người với tình yêu cuộc sống , với sự cố gắng và niềm tin vào chính bản thân mình sẽ phải luôn đấu tranh để vươn lên, để giành lấy quyền sống.  Cuộc sống là vô cùng quý giá.  Đừng quên điều này : Thế giới đang hiện hữu chung quanh ta , không gian mà ta đang hít thở đây, vạn vật mà ta đang nhìn thấy đây  là nơi tốt nhất , nơi duy nhất để chúng ta sống trọn vẹn cuộc đời mình .

    Tiếc thay, Jack London, người chỉ đường vĩ đại, cũng đã không đi trọn con đường mà mình đã vạch ra.Ngày 22 tháng 1 năm 1916, khi mới vừa 40 tuổi, khi tài năng sự nghiệp đang ở đỉnh cao, do không chịu đựng nổi những bi kịch của cá nhân và  gia đình, Jack London đã tự vẫn, kết thúc một cuộc đời từng  rất sống động, mạnh mẽ, đáng tự hào. Rốt cuộc, Jack London cũng không thắng nổi con sói đói  số phận luôn kiên nhẫn , miệt mài rình mò cuộc đời của ông! ! !                                             

                                                                  Sài Gòn 24/9/2013

                                                                    Hà Thị Lệ Hà K8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét