Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

ĐÔNG GIANG - ĐẤT LÀNH


Rất công bằng khi dân gian đã phán xét “ở đâu cũng có anh hùng; ở đâu cũng có…”. Nơi sinh ra, nơi sống, nơi học hành, nơi làm việc, nơi bon chen, nơi lung chơi…, bất kỳ nơi mô cũng hiện diện “thói đời” ấy. Nhưng một điều chắc chắn rằng, dẫu ta bắt gặp những điều không may hay sự cố nào đó đến với đời sống của riêng ta, thì đấy chính là hạt bụi vô tình chạm đến, và cũng có khi là “số phận” của ta là vậy. Chúng ta sống không phải là ở thiên đàng, địa đàng… mà đang ở trần gian, nên mọi sự “may” và “rủi” đều có cả.

Trong những ngày hội ngộ ở sân trường, ở nhà hàng, ở quán nhậu bình dân, ở cà phê cóc vĩa hè hay một tên nhắn vội … đều là “điều may” đến với ta. Chia sẻ với cô giáo dạy văn ba mươi lăm năm trước về buổi gặp gỡ, vì quá động, tôi nói rằng, trường ta Đông Giang – Hoàng Hoa Thám: ĐẤT LÀNH; không dấu được giọt nước lăn ra từ mắt của cô và trò, cô bảo, mấy ngày trước mưa dữ quá… Thì hôm nay, trời tạnh, chỉ có tiếng cười và giọt nước mắt tự nhiên, cả mấy đứa học trò rất tinh nghịch, có đứa là “ngựa chứng sân trường” ngày xưa, có đứa làm dáng hiên ngang… đều rơi nước mắt. Dù là hạnh phúc đến bất ngờ, chốc lát… nhưng là điều chúng em cần phải có, và mong sao con cái chúng em cần phải có, phải không cô giáo ngày xưa?

Dư âm ngày hội 50 năm thành lập trường Đông Giang – Hoàng Hoa Thám, tôi lại được nghe và nghe nhiều những lời khen ngợi về cách thức tổ chức của nhà trường cũng như của cựu học sinh 12 khóa đầu, nào là quy mô, hoành tráng, trường X, Y… của thành phố cũng không sánh bằng(?). So sánh như vậy là quá đáng. Vật chất thì có cái này to hơn cái kia, nặng hơn cái nọ…, còn tình cảm làm sao mà so sánh được. Điều mà nhiều lúc ta phải buồn vì trong tín ngưỡng tâm linh mà người ta cũng cố tình xác lập kỷ lục. Nào là bầu rượu, chiếc bánh chưng, tô phở, bát mì Quảng…; nào bức thư pháp, quyển sách… và cả tượng Phật to nhất, nặng nhất thế giới.

Trở lại ngôi trường xưa, 12 khóa đầu tiên, có lẽ học trò ở đấy ít có người được “cắt rốn, chôn nhau” ở nơi này. Ngày mới thành lập trường, chỉ có một lớp, lúc ấy chiến sự ở miền Nam còn yên ổn. Nhưng rồi năm sau, năm 1964, sau trận lụt năm Thìn, hàng ngàn gia đình ven bờ sông Thu Bồn, Vu Gia đã “trôi dạt” về đất Quận Ba và những năm kế tiếp theo là dòng người di tản từ Quảng Nam, nơi chiến sự diễn ra, nơi bom rơi đạn nổ… của phe bên kia và cả phía bên này, đạn bên nào nổ mẹ cũng lo. Chiến tranh mà, đạn pháo đâu có phải lúc nào cũng trúng đích. Nhiều, nhiều lắm viên đạn, mảnh pháo, mảnh bom… tìm đến người dân. Tâm trạng các bậc phụ huynh lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Thế là gia đình tôi ở giữa 2 dòng sông Thu Bồn – Vu Gia cũng “trôi dạt” về trại tạm cư Đông Giang, gần trại dưỡng lão (nay là khối phố An Thành, An Hải Đông), sau đấy định cư ở An Cư 1, rồi An Cư 4, anh em chúng tôi may mắn thi đậu và được học ở ngôi trường trung học này. Lúc ban đầu, theo trí nhớ, ở An Cư 1, những dân nói “trò trẹ” đều được người Quảng cho là “dân Huế”, sau mới biết họ là người Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư vào hồi năm 1954. Rồi sau biến cố Mậu Thân 1968, dòng người từ Thừa Thiên – Huế cũng vào Đà Nẵng, và đương nhiên các anh chị học ở ngoài ấy cũng về ngồi trên ghế Đông Giang. Lúc ấy tôi còn học tiểu học ở Sao Biển (trường Bà Xơ) và sau đó là An Hải, nên thầy cô và bạn bè có nhiều giọng nói mà nhiều lúc “khó nghe”.

Năm 1971, tôi bắt đầu học lớp 6. Đang học kỳ 2, lại hè đến sớm – “mùa hè đỏ lửa” – đồng bào Quảng Trị lại vào tị nạn chiến tranh. Thầy và trò Đông Giang mở cổng trường tiếp đón để họ có chỗ nương náu qua ngày. Thầy nghỉ dạy, trò nghỉ học. Nhưng ngày nào thầy và trò cũng đến trường. Đến để tổ chức từng nhóm lạc quyên về để “chia sẻ” chút ít chất cầm hơi. Thời buổi chiến tranh mà. Sau thời gian chính quyền thị xã lúc bấy giờ sắp xếp chỗ ở cho những người tị nạn, đến năm học 1972 – 1973, chưa học xong chương trình lớp 6, tất cả học sinh đều được lên lớp, không một học sinh nào phải thi lại, tôi lại được học tiếp lớp 7. Lúc bấy giờ trường Đông Giang tiếp đón nhiều thầy và trò từ Quảng Trị chuyển vào. Trong mấy năm học ở cấp 2, tôi được nghe thầy Đoàn Trọng Cang giảng môn toán, cô Lê Thị Em giảng môn vạn vật, lên cấp 3 được học môn văn do cô Lê Thị Ba giảng bằng giọng Quảng Trị. Tình cờ chúng tôi lại chơi và học cùng các bạn từ trường trung học Nguyễn Hoàng, trong số ấy có Phan Hòa bây giờ là nhà kinh doanh giỏi ở Đà Nẵng, Đoàn Thế Hiếu là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa Toán ở Đại học sư phạn Huế. Còn nhớ hồi các bạn Quảng Trị chưa vào, tôi là một trong số học sinh giỏi toán – lý – hóa của lớp E, nhưng khi thằng Hiếu ít nói học cùng, chúng tôi phải bái phục hắn về môn toán. Sau này, tình cờ gặp lại Hiếu “lều chỏng” ở Huế đi thi đại học ở Huế, lúc mà tôi đang thi tốt nghiệp, thế rồi chỉ có lời động viên cho nhau trong chốc lát. Cách nay bảy, tám năm, lúc tôi còn làm việc ở Tam Kỳ, đang điều trị ở Bệnh viện Quảng Nam, Hiếu vào dạy ở Đại học Quảng Nam và tìm đến tôi và Quýt (cũng là bạn học ở Đông Giang), lúc ấy chúng tôi chưa có điện thoại di động để liên lạc, rồi cũng phải “nhậu” thôi. Và như thế, bằng cuộc điện thoại mới đây, ông Giáo sư Hiếu có mặt ngay trong ngày hội ngộ. Bởi một lẽ rất thật từ lời của Hiếu, không có Nguyễn Hoàng khởi đầu, không có Đông Giang nương náu thì chắc chi có ông Trưởng khoa toán ở Đại học sư phạm Huế hôm nay.

Tôi muốn nói Đông Giang – Hoàng Hoa Thám: ĐẤT LÀNH lúc “tửu hậu” ở quán cóc rượu gạo với mấy thằng bạn Đoàn Ban, Hà Đồng Thông, Nguyễn Xưng, Đồng Quang… hồi học cấp 3 sau năm 1975, chúng nó đều đi lính đánh với bạn Khơme đỏ bốn năm liền. Và chúng nó đều ngộ ra rằng, hơn hai mươi thằng cùng khối lớp (các lớp AB, C1, C2, D trường Hoàng Hoa Thám từ 1975 – 1978) đi lính và đánh với bọn diệt chủng ở bên Campuchia, chưa có thằng nào phải bỏ máu ở bên ấy, chứ nói chi là bỏ xác. Có chiến tranh là có chết chóc, thế mà anh em chúng ta may mắn về lại được quê hương, đất Quận 3, trường Đông Giang – Hoàng Hoa Thám. Các bạn đều ồ lên rằng, phúc cho chúng ta ở miền Đất Lành, dẫu rằng trước đây là vùng đất cát nghèo, dân tứ xứ… tỵ nạn, rồi định cư.

Dẫu rằng không ít thầy giáo phải chết tưởi và ít bạn bè bỏ mạng nơi biển khơi, rừng rú. Nhưng trong những ngày tháng chín này, chúng tôi những người may mắn hơn mãi cảm ơn vùng đất và ngôi trường đã dung nạp.

Và thầy ơi! Thời còn loạn lạc, thời thầy mặc áo lính đi dạy hay là thầy đang bị một ai đó “theo dõi” lời giảng lịch sử chân thành, chính kiến của riêng mình trước thời cuộc… thì không có và không bao giờ có đồng nghiệp và học trò của thầy đứng phía bên này hay phía bên kia làm điều phi nghĩa, ít nhất là ở trường Đông Giang – Hoàng Hoa Thám, nơi mà em đã được học bài học “nhân bản” trước và sau năm 1975 của các thầy. Mỗi người có đời sống riêng, suy nghĩ riêng… nhưng em tin rằng, ngoài tình cảm linh thiêng và niềm tự hào gia đình- gia tộc, còn thứ tình cảm khác là tình thầy – trò cũng rất linh thiêng, phải không thầy?

PHAN THANH MINH K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét