Mùa
hè đỏ lửa năm 1972, trong khi chiến sự bùng nổ quyết liệt, người dân từ
Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bồng bế nhau lũ lượt di tản vào Đà Nẵng để
tránh bom đạn. Cảnh tượng hỗn độn trong lo sợ.
Đó là chuyện người lớn, chuyện xã hội còn với tôi mùa hè năm ấy là một sự kiện quan trọng nhất trong đời :
- Tôi thi đậu đệ thất.
Ngôi
trường nằm phía đông bờ sông Hàn được mang tên Đông Giang, đã ôm ấp
tuổi thơ đẹp như hoa, trong sáng tựa trăng rằm của biết bao lớp học trò
ngày ấy. Những đứa trẻ may mắn được đi học trong giai đoạn binh lửa
chiến tranh khốc liệt. Với những gia cảnh khác nhau nhưng có chung niềm
hạnh phúc : Được cắp sách đến trường. Ngày ấy để được vào trường công
lập, phải qua cuộc thi sát hạch rất khó, và nếu không thi đậu vào trường
ấy thì chắc chắn với gia cảnh như tôi sẽ không thể nào có hy vọng cắp
sách đến trường.
Ngày
tựu trường tôi xúng xính trong chiếc áo dài trắng mới tinh, tà áo dài
cứ vướng víu bước chân. Đôi guốc gỗ khua lẹp kẹp mà mỗi khi trễ học phải
xách lên tay ù té chạy. Bây giờ nhớ lại cái hình ảnh hai vạt áo dài
cột bên hông, tay ôm cặp ,tay xách guốc chạy vội vã mỗi khi tiếng trống
trường vang lên phía trước chắc hẳn buồn cười lắm nhỉ. Ấy vậy mà “tôi”
cô học trò nghèo lớp 6 ngày xưa đã từng làm mỗi ngày vì quãng đường từ
nhà tới trường khá xa.
Với
tôi lúc ấy được đến trường là hạnh phúc lắm rồi, tôi tự hào vì được đi
học, hãnh diện với bảng tên trường, với tất cả những gì thuộc về mình
có.
Người ta bảo : “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Mặc
dầu là con gái nhưng cũng là học trò, với một con người vốn hiếu động
như tôi vì vậy tất cả những trò chơi học trò tôi đều tham gia rất nhiệt
tình, kể cả trò chơi của con gái lẫn con trai hình như tôi chưa bao giờ
biết từ chối. Tôi đã bắt chước bạn nhảy cửa sổ, trốn tiết sinh vật của
cô Ngọc Yến để cùng một số bạn lớp bên ra biển Mỹ Khê nhảy sóng, xây
lâu đài trên cát rồi la ó, hò hét khi những đợt sóng biển vô tình
cuốn đi công trình của mình, kết quả của buổi trốn tiết được cô Ngọc Yến
cho con zero đôi đỏ chói vào sổ.
Mồ
côi mẹ từ bé, tôi sống với người cha già, vào thời buổi loạn lạc, kinh
tế khó khăn. Để được đi học tôi phải tự kiếm tiền trang trải nợ sách
đèn, vì vậy buổi sáng tinh mơ, khi các cậu ấm cô chiêu còn cuộn mình
trong chăn ấm, lười biếng khi mẹ gọi dậy chuẩn bị đi học thì tôi phải
chạy quanh xóm bán hết bao bánh mỳ, muốn đi học sớm, tôi phải chạy nhanh
đến từng nhà và tiếng rao “bánh mỳ đây” vang to. Tôi như chú chim sáo
nhỏ, nhoẻn miệng cười mỗi khi bán hết sớm. Bởi vì như vậy tôi sẽ đủ
thời gian đi bộ tung tăng đến trường, vừa có tiền ăn quà vặt ở quán ông
cai trường vừa không mất tiền đi xe.
Thời
tiết miền Trung quê tôi rất khắc nghiệt , mùa đông rét cóng cả từng
ngón tay, nhưng vừa đến mùa xuân trời lại nóng như thiêu đốt ,vậy mà có
hôm đến lớp mồ hôi ướt đẫm áo vẫn không thấy mệt, vẫn cột vạt áo dài
sà xuống chơi u mọi với Thuý Ngọc, Kim Dung, Thảo…
Vui
nhất là khi thầy cô bị bệnh, hay bận việc riêng mà tiết học đó không ai
dạy thế. Cả lớp ào ra như bầy ong vỡ tổ, rồi từng nhóm tụm năm tụm ba
kéo nhau đi chơi. Có một hôm được nghỉ liên tiếp 3 giờ sau, bọn tôi đi
ra suối thằn lằn bắt cá lia thia, cả nhóm ồn ào nên cá sợ, bơi vùng
vẫy nháo nhào. Với những cái bao nylon trên tay, có đứa cũng vớt được
vài con cá, còn chính là tạt nước vào nhau, áo quần đứa nào cũng ướt
sũng, đầu cổ bê bết đất cát, tóc tai dính lại vì mồ hôi ,vì nước. Trời
nắng nóng nhưng chẳng đứa nào biết nóng, những trận cười vang vang để
rồi khi trở về chẳng biết điều gì đợi chờ ở phía trước : một trận đòn
hay một hình phạt của ba mẹ, của anh chị !
Tuy
là con gái nhưng tôi thích nhất trò chơi đá dế, bỗng một hôm, trong
một trận đá dế, chú dế đen ốc tiêu thiện chiến của tôi đã tử trận
tại đấu trường là chiếc hộp nhỏ đã làm tôi bật khóc, tôi đã ôm chú dế
nhỏ trong lòng bàn tay mà nghe lòng đau xé như mất mát một vật quý giá,
cũng hôm đó tôi đã bỏ ăn tối rủ một vài đứa bạn nhỏ trong xóm cử hành
đám tang cho chú dế nhỏ thật trọng đại. Đứa cầm bông hoa dại, đứa cầm
vài cây nhang, còn tôi đi theo sau ôm hộp dế khư khư vào lòng mà nghe
buồn vô hạn. Chúng tôi kéo nhau ra khoảng đất trước sân nhà đào
một cái hố nhỏ vừa vặn chiếc hộp rồi trịnh trọng đặt xuống
đất với lời nguyện cầu : “hãy yên ngủ nhé!”. Chính tôi hôm đó,
quyển nhật ký đầu đời của tôi hình thành và dòng đầu tiên
được ghi:
“Dế từ trần ngày…tháng…năm 1972”.
Những
buổi chiều tiếp theo, tôi thường ra thăm ngôi mộ nhỏ của chú
dế. Tuổi nhỏ mau quên, và rồi chú dế cũng đi vào dĩ vãng,
những chuỗi ngày rong chơi tuổi thơ của tôi vẫn tiếp tục…
Tôi
thích chơi tạt lon với những mảnh bao thuốc được xếp lại
thành nữa hình thoi, mỗi lúc tạt trúng chiếc lon văng ra khỏi
vòng tròn, những chiếc bao thuốc ấy lại cao dần lên trong
bao nylon kèm theo nụ cười vui vẻ thoả mãn vì chiến thắng. Trò
chơi bắn bi, bắn súng cũng rất hấp dẫn. Vui nhất là trò chơi
đá gà, hãy tưởng tượng cái cảnh hai vạt áo dài cột lòng
thòng bên hông, một chân gập lại, còn chân kia cò cò và đá vào
nhau, té lăn kềnh xuống đất. Có lẽ vì thích tham gia các trò
chơi của bọn con trai nên một hôm vào giờ học hoá của thầy Hồ
Kháng, một mảnh giấy nhỏ từ bàn dưới chuyền lên cho tôi, chưa
đến tay thì bị thầy bắt được. Thầy đọc to cho cả lớp nghe với
nội dung như sau : “Ê! Mày có võ hả? Chiều nay đi đánh lộn
nghe”, cả lớp cười ầm sau khi nghe thầy đọc và thủ phạm của
tờ giấy ấy là nhỏ Hà Thị Thuý Ngọc ở tổ hai. Thuý Ngọc và
tôi trở thành tiêu đề cho cả lớp chọc ghẹo.
Tôi
thích bắt chước bọn con trai bắt sâu, bắt bướm nhát các bạn
gái khác, trò chơi này đã làm Quang Hoa khóc thét và nghỉ chơi
với tôi suốt một tuần vì sợ bướm,hai đứa chẳng nói lời nào
mặc dầu đi và về chung đường.
Vì
nghịch ngợm như bọn con trai, nên một hôm tôi bị bọn con trai bỏ
con rắn nước dưới hộc bàn vào giờ sinh vật. Tôi đã sợ và
hét toáng lên trong sự thích thú của chúng.
Nghịch
vậy nhưng đôi lúc tôi cũng nhu mì như những bạn gái khác, cũng
biết bâng khuâng khi phượng nở trước sân trường, cũng biết buồn
khi chuyền tay nhau những quyển lưu bút hứa hẹn ngày gặp lại
sau ba tháng hè, cũng biết khóc tội nghiệp chú ve sầu đang lột
xác. Những mùa hè của xưa ấy không phải học thêm, học kèm như
bây giờ nên sau những công việc phụ gia đình sinh sống. Thời
gian còn lại tôi bay bổng theo cánh diều trên khoảng sân cỏ
trước nhà mỗi buổi chiều về. Hái những cành xuyến chi kết
thành vòng hoa đội lên đầu như cô dâu trong ngày cưới, hay lại
lang thang ra biển lượm những chiếc vỏ sò, vỏ ốc đẹp mang về
rồi cũng bắt chước lấy chiếc kính lúp soi từng con ốc để
tìm một cái gì là lạ bởi vì những câu chuyện huyền thoại
được đọc và được nghe kể lại như : Nàng tiên cá, Hoàng tử ốc,
Hoàng tử Sọ Dừa…
Rồi
có những hôm được theo anh chị đi hái củi, leo lên núi chạy
quanh những gốc sim để hái trái. Những trái sim chín ngọt
lịm được liên tục hái bỏ vào miệng và bỏ vào bao thoăn thoắt,
thỉnh thoảng cũng ngắt chiếc hoa sim tím cài lên tóc để tự
hào với gió với cây rừng…
Những
ngày hè êm ả trôi qua để bỗng dưng khi trở lại sân trường tôi
cảm thấy mình lớn thêm một chút nữa. Có lẽ vì vậy tôi đã
biết bước đi nhẹ nhàng hơn thay vì kéo lê đôi guốc gỗ lộp cộp
dưới nền. Đã biết đội chiếc nón lá ngay ngắn để không làm
mái tóc đỏ hoe vì nắng. Chiếc áo dài lụa hoa trắng được ủi
thẳng cẩn thận và những trò chơi cột vạt áo dài để nhảy cò
cò, nhảy dây hay u mọi cũng thưa dần. Lúc này chúng tôi thường
tụm năm tụm ba ăn những món đồ chua như xoài, cóc, ổi… chấm
muối ớt và tán gẫu. Món ăn khoái khẩu này thầm chí còn mang
vào lớp học, bỏ dưới hộc bàn để ăn vụng. Mắt chăm chú nhìn
lên bảng đen viết bài tay còn lại thò vào hộc bàn”…” đợi thầy
quay mặt lên bảng “nhón“ vào miệng ăn vụng ngon lắm! Vậy là
liếc mắt nhìn nhau cười. Nếu lúc đó thầy cô chỉ cần gọi đọc
một đoạn nào đó thì : “Than ôi!” và bây giờ đã có một kỷ
niệm nhớ đời rồi nhỉ. Hai học kỳ trôi qua nhanh, êm ả bên sách
vở, bên bạn bè. Cũng năm đó tôi không còn chạy rao bán bánh mỳ
mỗi sáng vì đợt pháo kích vào khu gia binh, cách nhà tôi 2km.
Một cô bạn cùng xóm cũng đi bán bánh mỳ như tôi bị trúng một
quả "moc che" lạc… Máu, thịt và bánh mỳ rơi vãi trên đường làm
tôi sợ. Tôi biết thù ghét chiến tranh từ ngày ấy. Tuổi thơ
của tôi hằn sâu một nỗi đau, một sự mất mát, bên cạnh những
nỗi đau, những mất mát của quê hương tôi.
Có
lẽ vì vậy mà bỗng nhiên suy nghĩ của tôi trở thành người
lớn, biết ưu tư e ấp tuổi học trò để rồi tôi cũng thực sự
biết rung động trước cái nhìn của một người khác phái, bồi
hồi khi nhận được quyển sách tự dưng người ta "cho mượn" trong
đó cẩn thận ép lá thư được nắn nót viết trên trang giấy vở
bên trong.
Rồi những hẹn hò quấn quýt theo ngày tháng học trò thật đẹp…
Đột nhiên :
Chiến
sự xảy ra quyết liệt, chúng tôi phải ngừng học vì nhường
phòng cho những người di tản. Họ ở trên lầu, ở dưới đất, họ
căn lều cả dưới sân trường, trải chiếu trên hành lang, la liệt
người ngồi, nằm, ồn ào bởi tiếng nói và xen lẫn tiếng la
khóc của trẻ con. Chúng tôi sống trong lo sợ vì sự hỗn độn
chung.
Ngày 28-03-1975!
Được
tin người ấy cùng gia đình theo tàu vào sài gòn. Tôi thẫn thờ
đạp xe ra bãi biển Sơn Trà đưa mắt nhìn ra khơi xa. Trên bầu
trời những con hải âu chao liệng, trên bãi biển lại đầy ắp áo
quần, bao bị, rơi vãi lung tung. Tôi không khóc mà tim như đau
nhói. Xóm nhỏ còn kia mà người nỡ vội ra đi không một lời từ
biệt mang mối tình đầu của tôi đi theo. Hoàng hôn nhá nhem cuối
chân trời, cảnh vật im ắng quá! Tôi bỗng sợ khi thấy mình đơn
lẻ giữa trời nước bao la nên vội vã đạp xe trở về nhà. Vòng
quay đều của bánh xe xoáy theo cả cuộc đời tôi.
Từ
ngày ấy tuổi thần tiên của tôi cũng khép lại. Trang giấy
trắng đầu đời ấn đậm dấu sự đổ vỡ của một mối tình học
trò mà không phải tại tôi cũng chẳng phải tại người ấy. Khung
trời tuổi thơ ngà ngọc của tôi cũng chấm dứt từ ngày binh lửa
tràn vào cuốn theo mối tình đầu thơ mộng của tôi.
“… Mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ…”
Huỳnh Thị Thuỳ K.10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét