Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN.
ĐẾN BÀ NỘI CỦA THƯỢNG ĐẾ CŨNG PHẢI CƯỜI.
*Phim mới? xin thưa…hổng phải, phim cũ rích nhưng tính thời sự thì rất nóng, trước hết ta chưa vội xem phim mà xem xem bà nội của thượng đế, bả như thế nào đã, đó là một bà già nhăn nheo teo tóp có tuổi đời hằng tỉ năm, với khuôn mặt xương nhiều hơn thịt, lúc nào cũng méo mó, cau có và nhăn nhó, gần một tỉ năm nay bả chưa bao giờ cười, bởi lẽ có cố cười bả cũng không tài nào làm mở miệng được…nói vậy để cho thấy bà nội của Thượng Đế nó khác xa với bà nội của mấy em học sinh cấp 1 mà cô giáo bảo học sinh phải tả là…mái tóc bạc trắng như vôi, miệng móm rọm nhai trầu bỏm bẻm, lâu lâu lấy tay quệt cái mép một cái đỏ lòm…nhưng các em học sinh cứng đầu cứng cổ không nghe lời cô mà tả bà nội em còn “mướt” lắm, tóc bà đen thui mà nó quên tả là tóc tự nhiên hay do nhuộm, môi bà bôi son màu hồng chứ làm gì có đỏ lòm dữ rứa, sáng sáng bà tập Aerobic, chiều tập Gym, tối cởi xe tay ga đi khiêu vũ thể thao mà tục gọi là nhảy đầm tại các tụ điểm cà phê Bar nhạc xập xình điệu tango…chát chát chát chùm hum! Mấy bà nội này thì cười dễ lắm, cười suốt ngày, gì cũng cười…chứ bà nội của thường đế đừng hòng…
*Bây giờ, ta quay lại chuyện phim…Số là ông Lã Bất Thường kinh qua nhiều chức vụ trong cuộc đời cống hiến của ông, nào là phó chủ hộ, chủ hộ kiêm ủy viên kinh tài cho vợ, phó thường dân, rồi thường dân , làm thư ký tổ dân phố, leo lên tổ trưởng tổ dân phố, vân vân và vân vân. Đến bây giờ hạ cánh an toàn rồi, về vui thú điền viên tuổi già cùng vợ con và một vài bồ nhí từ thời còn đương chức, với khối tài sản khiêm tốn chừng dăm ba biệt thự, căn hộ cao cấp, một biệt phủ, dăm ha đất trang trại nuôi heo gà…cảnh. Vài xế hộp xoàng chừng vài tỉ, cổ phần chung vốn đâu khoảng chục công ty, vàng thì không có nhưng Dollar thì gửi ngân hàng thụy sĩ chừng vài triệu. Tưởng đâu hạ cánh an toàn, ai dè thanh tra phát hiện ra thời còn đương chức của ông có quá nhiều sai phạm, sai phạm chép ra dài như sớ táo quân, nào là buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra kiểm soát gây thua lỗ triền miên, thất thoát tài sản công tỉ tỉ, chỉ định thầu không theo qui đinh của pháp luật, bao che cấp dưới làm sai, đưa người không có bịnh đi nước ngoài chữa bịnh, ký cho nước ngoài đầu tư vượt quá thẩm quyền dẫn đến hậu quả môi trường khủng khiếp, làm kiệt quệ nền kinh tế đất nước… Tóm lại, tội của ông Lã Bất Thường đã rõ, tội rất lớn, ông càng làm thiệt hại cho đất nước bao nhiêu thì tài sản của ông tỉ lệ nghịch bấy nhiêu. Thế là ông bị kỷ luật thẳng cẳng, ông mà bị kỷ luật là chính xác, là quá đúng, chẳng oan Thị Màu thị mè gì hết, cứ rứa mà thi hành, pháp luật phải nghiêm minh, hoan hô pháp luật, tội của ông phải trừng trị thích đáng…
Thế là ông Lã Bất Thường khỏe re như bò kéo xe, rung đùi ngồi nghe bản án kỷ luật…phê bình nghiêm khắc từ năm một ngàn chín trăm lâu lắc đến năm 1985 khi còn làm phó thường dân, cảnh cáo từ năm 1985 đến năm 1992 thời gian làm chủ hộ kiêm ủy viên kinh tài cho vợ, cách chức Tổ trưởng dân phố từ năm 1990 đến 2010. Hoan hô pháp luật nghiêm minh, Công Lý đã được thực hiện cùng với Quốc Khánh, Quang Thắng và Vân Dung…Bà nội của Thượng Đế ngồi xem ở hàng ghế đầu bật cười ha hả, cười đã, bà ta cúi khom người xuống đất vội vã tìm kiếm cái gì đó…thì ra bà nội của Thượng Đế tức cười quá, không nhịn được, bật cười, làm rơi ra mười cái răng đã rụng mà mấy triệu năm ni nó vẫn bám trụ trong miệng, do bả không tài nào mở miệng ra được, hôm ni xem phim bả cười thỏa thích nên chúng mới có điều kiện rời vị trí, nhưng ác thay bả cười thì hàng tiền đạo chẳng có ai bảo vệ khung hành. Có lẽ vì thế mà bây giờ mới có câu…cười hở mười cái răng là vậy./.
THƯỜNG ĐOÀN- K.9.
TÌNH BẠN CHÚNG TÔI
Tình bạn của chúng tôi ngày xưa là thế đó. Nó hồn nhiên vô tư và trong sáng lắm! Tôi thật tự hào về quá khứ tốt đẹp trong tình bạn của chúng tôi. Hôm nay bất chợt nhìn lại hình năm cũ, một tấm hình khơi gợi trong tôi bao kỉ niệm.... Tôi vẫn nhớ như in về thời khắc chụp hình hôm đó và nhớ từng dáng đi, từng khuôn mặt, từng đức tính của mỗi bạn ngày xưa:
Nhìn vào hình chắc mọi người sẽ dễ dàng nhận dạng ra tôi. Một con người có vóc dáng khiêm tốn từ xưa đến nay và có hơi điệu đà một chút với 2 bím tóc. ( nói nhỏ nha! Lý do đơn giản là thích chụp hình và ưu ái là được ăn cả hình).
Ở hàng đứng, cách tôi một bạn (cái bạn không rõ nét) là Lê Thị Hường, Hường thường để tóc xỏa ngang lưng. Tiếp đến là bạn Nguyễn Thị Lệ Vân mà ngày xưa tôi hay gọi là "cô bé tóc mây". Tôi chưa thấy Lệ Vân để tóc dài bao giờ. Bên cạnh Vân là bạn Trương Thị Hồng. Cũng như Hường, Hồng ngày xưa hay thả tóc nửa lưng và có làn da như chính tên của bạn.
Sang hàng ngồi nhé các bạn!
Ngồi bên trái là nhỏ Thanh Trà người Quảng Trị rất dịu dàng thùy mị và tính tình phải nói thật hiền lành dễ mến. Giờ đây thật cách biệt nhau. Dù nhờ thông tin đại chúng, nhờ công nghệ hiện đại tiên tiến mà chúng tôi vẫn mãi bặt tin nhau. Tôi còn giữ thật nhiều tấm ảnh của cô bạn ngày xưa có dáng người thanh mảnh với mái tóc cong nhẹ ôm gọn bờ vai ấy nhưng bạn bây giờ ở đâu sao không lên tiếng hở bạn hiền?
Người ngồi giữa không ai khác hơn là cô bạn Trần Thị Hoài luôn năng động mọi nơi mọi lúc. Hoài ngày xưa dù nhà không gần chúng tôi nhưng mỗi lúc sang phà đến trường NTH Hồng Đức là chúng tôi phải đi ngang qua đó và vẫn thích ghé nhà cô bạn lém lỉnh hay làm trò cười cho các bạn. Tức cười nhất là Hoài hay ấn ngón tay trỏ vào má, đồng thời làm mắt lé là bảo đảm có đang rầu thuí ruột hay đang lo lắng cì chữa thuộc bài thì các bạn cũng phải bật cười vì cái trò tinh nghịch ấy. Bây giờ chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc nhau. Mỗi khi từ quê ra hay đi đâu xa về tôi thường ghé bạn và chúng tôi trao cho nhau những món quà bình dị mà thấm đượm một tình bạn thuở chung trường.
Người ngồi bên Hoài là bạn Lê Thị Lương. Lương cũng có tính tình chơn chất dễ mến. Ngày xưa chúng tôi thân nhau lắm! Có gì cũng chia sẻ cho nhau. Tôi, Lương và cô bạn trong hình không rõ nét kia là một nhóm 3 thật thân nhau vì nhà ở gần nhau và cùng chung học với nhau. Sau ngày lịch sử sang trang chúng tôi cũng bị nhiều ảnh hưởng và ít còn dịp gặp nhau nhưng trong tôi vẫn giữ mãi là một tình bạn chân thành trong sáng ấy.
Và cái người trong hình " không rõ nét" ấy, tôi cũng chẳng quên đâu mà lại còn nhớ nhiều hơn nữa các bạn ơi! Đó chính là Trần Thị Thanh Tùng. Tùng ít nói, tính tình chơn chất thật thà và rất đáng yêu! Khi bạn phát biểu thường rất nhỏ, có khi chỉ lí nhí thật khó nghe và bạn lúc nào cũng như thiếu tự tin (ngay cả lúc chụp hình) nhưng ngược lại Tùng rất thông minh, học giỏi. Chính điều này tôi càng quý Tùng hơn. Đây là cô bạn có cùng hoàn cảnh với tôi là chúng tôi từ nơi khác và cùng chuyển đến học trường Tiểu học An Hải Đà Nẵng vào niên khóa 1967- 1968 khi chúng tôi học lớp 5. (trước đó tôi học ở trường tiểu học Cẩm Kim Hội An). Tôi vào lớp ấy chỉ trước Tùng có 3 hôm nên tôi đã rất thiện cảm với cô bạn cùng cảnh ngộ như mình. Trong hơn một ngàn người thi vào lớp 6 thì bạn được xếp vào hàng thứ 10 đấy. Thật đáng tự hào vì mình có cô bạn toàn diện. Đây là cô bạn mà khi lên cấp 2 chúng tôi cùng chung lớp chung trường và chung cả con đường đi học. Ngày đó tôi vẫn thường đến rủ Tùng đi học vì nhà chúng tôi ở gần nhau. Lên đến cấp 3 dù chung trường, khác lớp nhưng chúng tôi vẫn tạo thuận lợi để chung đường đi học. Tôi làm sao quên được. Mãi đến bây giờ dù ở xa nhau, mỗi khi có dịp từ quê vào đến SG thì tôi vẫn dành ưu ái đến thăm bạn trước. Nhỏ tùng có gia cảnh cũng khó khăn nên bạn cũng ít có mặt đầy đủ trong những lần họp lớp, họp trường vì còn phải mưu sinh nhưng mỗi lúc gặp nhau thì chúng tôi thật giàu kỉ niệm khi chia sẻ cùng nhau. Và tình bạn ấy vẫn chẳng tàn phai theo năm tháng ....
Nếu dành thời gian để gợi nhắc về kỉ niệm xưa thì có lẽ tôi sẽ không đủ ngôn từ, văn tự để trang trải đâu các bạn ơi! Chỉ với một tấm hình nhỏ cũng đã gợi mở kí ức về một thời thơ mộng của tôi rồi. Đó cũng là lí do vì sao có nhiều bạn bảo tôi là người sống nhiều cho kỉ niệm nhất là kỉ niệm thuở học trò. Với tôi kỉ niệm nào cũng đẹp, kỉ niệm nào cũng đáng trân trọng và đúng như lời một người thầy đã nói:"Kỉ niệm thì không bao giờ cũ" . Dù thời gian có đẩy lùi cho kỉ niệm đi xa, dù xã hội có thế nào đi nữa hay cuộc sống của mỗi bạn có những thay đổi đến không ngờ thì tôi vẫn mong các bạn mình đừng đổi thay lòng với tình bạn vô điều kiện, một tình bạn trong sáng hồn nhiên mà chúng tôi đã dày công vun đắp!
PHAN THỊ HOA XUÂN - K6
Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017
TÌNH BẠN!
(Tặng bạn Ngô Sơn lớp trưởng 9C/K7 ĐG)
Thuở đi học tôi, bạn cùng chung lớp
Ngồi một bàn ấm áp, sát cạnh nhau
Chưa bao giờ phật ý chọc tình đau
Hay hờn dỗi để tình thành đêm tối
Bạn học giỏi hơn mình nhiều rõ trội
Mình yếu thua nhưng gắng sức học hành
Để mai sau được công toại danh thành
Và khi ấy niềm vui về nhân bội
Tuổi hơi lớn việc học mình muốn vội
Bởi tụi mình nói dối tuổi bốn năm
Để đêm về còn ngắm ánh trăng rằm
Nhẽ đáng ra mình phải đi tiền tuyến
Tình đôi bạn ngọt ngào như giai chuyện
Mà cội nguồn đến từ lúc tuổi thơ
Không thể quên thời gian có xóa mờ
Nhặt kỷ niệm viết bài thơ tình nhớ
Hòa bình đến tình chia đôi cách trở
Đất miền trung hai đứa ở hai đầu
Thật lâu lắm mới bắt được nhịp cầu
Vượt quan san tìm về ngày hội ngộ
Tình sống lại mạnh như dòng thác đổ
Ấm vào lòng đến tận mỗi con tim
Để không gian rộn rã bỗng im lìm
Nghe tâm sự tình xưa nay vẫn đẹp
Hai đứa mình bước sang khung cửa hẹp
Đời qua nhanh như khoảnh khắc mùa xuân
Và giờ đây đứng trước tuổi lục tuần
Còn gì nữa tình bạn luôn bất diệt.
Hồ Tiến Triển K7
Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017
BẢN TÌNH CA CŨ
(Tặng ca sĩ Lệ Thu – ndg)
Non sông còn lại bài ca cũ
Em hát làm chi nữa thêm buồn
Ngã ngựa. Cuối đời. Thân thất thổ.
Cuối đời nhớ nước. Lệ còn tuôn
Khi em hát bản tình ca cũ
Anh nghe sầu dâng tận phương này
Anh theo tiếng hát về quê Mẹ
Chiến tranh tàn lụn. Buồn vậy thay!
Nỗi đau nào trong bản tình ca
Mà em hát làm anh xốn dạ
Lưu vong hề! yên thân, đẹp mã
Non nước chờ ai. Kẻ lãng du!
Khi em hát bản tình ca ấy
Anh ấm lòng mơ ước buổi về
Em ạ. Có ngày anh trở bước
Quay về. Hôn lại mảnh đất quê
Khi nghe em hát. Anh nhớ quá
Nhớ xưa em. Lặn lội nuôi chồng
Nhớ thuở điên khùng. Quăng súng đạn
Nghĩ càng thêm hổ. Thẹn non sông!
Non sông còn lại bài ca ấy
Em hát còn anh. Chỉ đau lòng
Em hát làm anh. Không ngủ được
Đau lòng. Đau nước. Phận lưu vong!
Thèm nghe em hát. Nhưng khổ nỗi
Anh vốn tủi thân. Dễ nhớ nhà
Trời ơi! con quốc xa rừng khóc
Em đừng hát nữa. Bản tình ca .
Nguyễn Đông Giang
Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017
TIN BUỒN
Được tin cụ ông Đặng Diêu sinh năm 1924
Quê quán: Làng Mỹ Xá, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Thân phụ chị An K/4 & chị Viên khóa K/6 chs Đông Giang-HHT
*Từ trần lúc 15 g ngày 23/04/ 2017 hưởng thọ 94 tuổi
*Lễ viếng lúc 08 g ngày 25/04/2017 nhằm ngày 29/03/ năm đinh dậu
*Lễ di quan lúc 06 g 30 ngày 27/04/2017 nhằm ngày 02/04/ năm đinh dậu
*Lễ an táng lúc 14 g 00 ngày 27/04/2017 nhằm ngày 02/04/ năm đinh dậu
*An táng tại nghĩa trang gia tộc: Làng Mỹ Xá, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Thầy trò chs Đông Giang – HHT xin gởi đến gia đình lời chia buồn sâu sắc
Kính cầu nguyện hương linh cụ ông sớm được siêu thoát.
Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017
Thơ LÝ HOÀNG
Hoa tím rụng trời đêm mở lối,
đứng dừng chân tóc rối u buồn
Lắng nghe hồn vỡ chiều buông,
tan theo cơn gió tiếng chuông giáo đường
Đâu đây lòng những vấn vương,
một đi nửa ở nhớ thương cuối trời
Tình theo lá rụng chơi vơi,
tình ơi có biết một trời yêu đương
Áp thấp về ĐÀ NẴNG mù sương,
lòng thêm giá lạnh trên đường đêm nay
Phù vân ngàn dặm tình say,
hôn lên mái tóc tháng ngày hanh hao
Đêm nay tình chẳng trăng sao,
có chăng nỗi nhớ gởi vào trời đêm...!
LÝ HOÀNG – K8
Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN.
ĐẾN VỢ THƯỢNG ĐẾ CŨNG PHẢI CƯỜI.
*Phim mới ? Xin thưa, đúng vậy! đây là bộ phim mới vừa ra lò trên xứ sở thiên đường, nó ăn đứt bộ phim bất hủ “đến thượng đế cũng phải cười” của đạo diễn Jamie Uys. Ngay cái tên phim ta cũng thấy cái sự hài hước của phim đã hơn hẳn nội dung phim diễn ra ở bộ lạc người Sho ở sa mạc Kalahari mà diễn viên lừng danh Xi đã đóng, bởi lẽ…thượng đế lúc nào mặt cũng lạnh tanh cho ra vẻ quan trọng, ngày ngày ra uy nạt nộ cấp dưới, nên mặt mày cau có, nhăn nhó suốt, đố mà có được nụ cười…Thượng đế đã vậy, đến vợ của thượng đế còn lạnh lùng, cau có, quạu quọ gấp trăm lần thượng đế nữa, nên mua được nụ cười của bã, chắc khó còn hơn…tự mình đi làm sổ đỏ mà không thông qua …cò.
Nói chi xa, các bà vợ của chúng ta, có bao giờ thấy mấy bã cười chưa? lúc nào cũng mè nheo, nghiến ngầm ta đủ điều, lúc nào mặt cũng quẹo đau, nói vậy cũng có trường hợp ngoại lệ, đôi khi cũng có bà vợ nào đó “gì cũng cười”…mà ta hay nói đùa…sợi dây bị chạm. Nói thế để so sánh rằng phim của đạo diễn Jamie Uys đã làm thượng đế cười đã quá hay, quá sức hài rồi, còn bây giờ, phim của của xứ sở thiên đường lại làm cho vợ của thượng đế cũng phải cười, đủ thấy nó hài đến mức siêu đẳng, nó hay…ho đến mức cực…siêu đẳng !
*Phim mới này có nội dung như sau:
- Nhân vật thứ nhất: ông Trần Văn Truồng, nguyên là tổng thanh tra, ngài là một vị quan chức rất ư thanh liêm, cả một đời làm cán bộ cao cấp, ngài rất chí công vô tư, không hề tơ hào, xơ múi gì của công, cũng như của đút lót gì từ cấp dưới, cho đến lúc về hưu ngài cũng hoàn toàn vô sản, nhưng…từ lúc về hưu ngài lao động nông nghiệp cật lực ngày đêm, làm cực khổ đến nỗi… “đào đất thối móng tay”, ôi thương quá, cán bộ của ta cực khổ quá, nhưng bù lại, nhờ đào đất thối cả móng tay từ sau ngày về hưu mà đến nay cơ ngơi ngài tạo dựng được là…5 cái biệt thự khủng và căn hộ cao cấp, hàng ngàn m2 đất đai! xem phim đến đây, vợ của thượng đế không nhịn được, bật cười ha hả đến “són lệ” mà rằng…đã 60 tuổi mới bắt đầu làm nông, mà đã giàu thế , chắc nông dân xứ này suốt đời làm nông thì mỗi người ít ra cũng vài trăm cái biệt thự, dăm ba chiếc máy bay riêng…
- Nhân vật thứ hai: ông Nguyễn Dị Kỳ, ngày ông làm thanh tra tỉnh, tối về chạy xe ôm, vợ thì chăn nuôi heo, gà, sống tằng tiện. tích cóp từng đồng…ôi, tội nghiệp, tội nghiệp quá, thương quá, thương quá, làm tới thanh tra tỉnh mà tối về chạy xe ôm trong khi tôi làm trưởng thôn mà không dám chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập vì sĩ diện, thế mà ngài làm được, ôi cán bộ đáng kính của dân, cho tôi xin ngàn lần ngưỡng mộ ngài, xin được ôm hôn thắm thiết ngài, hít hà ngài. Còn vợ của ngài, đáng tôn quí gấp ngàn lần ngài nữa, vợ của trưởng thôn tui còn ra vẻ ta đây vợ cán bộ, suốt ngày làm đẹp, đừng hòng trồng cây gì, nuôi con chi để phụ với chồng, trong khi bà đường đường là phu nhân quan chức cấp tỉnh, lại đầu tắt mặt tối nuôi gà, nuôi heo…ôi, đáng kính quá, ngưỡng mộ quá xá, xin phép ông cho tôi được hôn hít bà để tỏ lòng quí trọng. Như vậy, cơ ngơi mà ông bà tạo dựng được nhờ “chính sức lao động của mình” cũng xứng đáng thôi…xây dựng khu dinh thự khoảng 1ha trên đất nông nghiệp như phủ chúa thời xưa, gồm nhà 2 tầng chỉ…200m2, nhà bếp, nhà khách 91m2, nhà chòi 19m2, hồ bơi 153m2, hồ cá 80m2, kết hợp với nhà chòi 625m2. Xem tới đoạn phim này, Bà Trời (vợ Thượng Đế) cười bò lăn, bò càng, nước mắt hứng được một xô, hết cười bà bảo…ông này chạy xe ôm bán thời gian mà giàu mụ nội thế, huống chi mấy tay xe ôm thực thụ chắc mua biệt thự cùng với trang trại ở bên Mỹ rồi qua đó định cư hết rồi, hèn chi ở xứ sở thiên đường giờ chẳng thấy tên xe ôm nào cả.
Phim… đến vợ Thượng đế cũng phải cười, đến đây hết tập 1, mời độc giả xem tiếp tập 2 vào một ngày đẹp trời, có tựa…”đến bà nội của Thượng đế cũng phải cười”. Chào tạm biệt, hẹn gặp lại./.
THƯỜNG ĐOÀN- K.9.
Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017
BẠN THƠ
Có một anh bạn thơ
Không bởi YÊU thẫn thờ
Không tương tư lãng mạn
Chỉ bởi thích làm thơ
Một hôm sáng tinh mơ
Trên đường đang chạy bộ
Chợt gặp cô vươn thở
Thế là anh làm thơ
Một bữa nọ đứng chờ
Đèn qua đường ngã tư
Ven đường cô bán phở
Cảm hứng anh làm thơ
Có những chiều bâng quơ
Ghé công viên ghế đá
Nhìn cành hoa đang nở
Anh mơ màng làm thơ
Những đêm mưa trăng mờ
Tí tách…rơi từng giọt
Lỡ hẹn ai đang chờ
Anh quay về làm thơ
……………….………
Rồi một hôm tình cờ
Gặp người thân năm cũ
Bao niềm vui không ngờ
Anh viết thành tập thơ
Hồn thi sĩ nào ngờ
Một chiều buồn ngẫn ngơ
Anh kiếm tìm ngăn tủ
Thơ đi xa bao giờ…
Rồi cũng chuyện tình cờ
Cô hàng mua đồng nát (ve chai)
Tiếng rao nghe thánh thót
Ai bán giấy, bán thơ ?
TRẦN NGỌC ANH – K10
Không bởi YÊU thẫn thờ
Không tương tư lãng mạn
Chỉ bởi thích làm thơ
Một hôm sáng tinh mơ
Trên đường đang chạy bộ
Chợt gặp cô vươn thở
Thế là anh làm thơ
Một bữa nọ đứng chờ
Đèn qua đường ngã tư
Ven đường cô bán phở
Cảm hứng anh làm thơ
Có những chiều bâng quơ
Ghé công viên ghế đá
Nhìn cành hoa đang nở
Anh mơ màng làm thơ
Những đêm mưa trăng mờ
Tí tách…rơi từng giọt
Lỡ hẹn ai đang chờ
Anh quay về làm thơ
……………….………
Rồi một hôm tình cờ
Gặp người thân năm cũ
Bao niềm vui không ngờ
Anh viết thành tập thơ
Hồn thi sĩ nào ngờ
Một chiều buồn ngẫn ngơ
Anh kiếm tìm ngăn tủ
Thơ đi xa bao giờ…
Rồi cũng chuyện tình cờ
Cô hàng mua đồng nát (ve chai)
Tiếng rao nghe thánh thót
Ai bán giấy, bán thơ ?
TRẦN NGỌC ANH – K10
Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017
HẠNH PHÚC KHI TA BÊN MẸ!
Nhớ mẹ bạc lòng con đêm trắng
Bóng liêu xiêu bước dưới trời giông
Bụi đường phai nhạt màu mắt mẹ
Lá đổ muôn chiều nhặt mong manh...
Mẹ níu mưa về tưới lo toan
Mang tia nắng ấm sưởi cơ hàn
Biển đời mẹ gội bao mưa nắng
Đường dài muôn vạn dấu chân qua
Mưu sinh quang gánh còng lưng mẹ
Tấm áo mong manh rét tứ bề
Trời đông qua quít lưng cơm độn
Dành hết cho con những ấm nồng...
Tối trời hiu hắt ngọn đèn đêm
Trăng khuya mờ ảo trước hiên nhà
Vá chằm tấm áo cho con trẻ
Mai bước đến trường những hân hoan...
Mẹ cho con cả trời mơ ước
Cho lối con về phủ ngàn hoa
Khơi hồn con trẻ bừng sức sống
Tình mẹ sáng ngời giữa tim con!
Trên những con đường lá me bay
Mẹ dõi theo con bước thăng trầm
Nắm bàn tay mẹ - thênh thang lối
Bên đời có mẹ nắng xuân reo!
Hạnh phúc như mây trời lang thang
Hạnh phúc như ráng chiều mong manh
Con ôm chặt vào lòng muôn hạnh phúc
Cám ơn đời trong tình mẹ bao la...
................
Cám ơn đời ta có mẹ yêu thương!
Sài gòn 15/12/2013
HUỲNH THỊ THIỆP - K10
Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017
GIỌT BÌNH YÊN - EM VỀ
Giọt bình yên
vừa nhỏ xuống dịu dàng
trong tôi
Giọt bình yên
nhỏ xuống bữa cơm chiều
mặn chay
êm ả
Giọt bình yên
đang nhỏ xuống quanh đây
trên di ảnh Mẹ rất hiền
trên trang sách
trên phím mười ngón tay đan
từng con chữ vỗ về
Thong dong mỗi giọt bình yên
Bến không bờ lặng cỏ mềm chân đi
Nguyễn Thị Yến (Elk Grove,14.3.2012)
EM VỀ
Em về đó hả?
Em về phải không?
Buổi sáng em đi chiều xuống em về
Nắng vui trong mắt gió mềm trên vai
Dẫu xa chẳng ngại đường dài
Hành trang gói kín một mai Em Về
Nguyễn Thị Yến (Elk Grove,15.3.2012)
Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017
XA VÀ NHỚ
Ta xa nhau từ độ
Xuân còn thắm mai vàng
Là mất nhau từ đó
Tình...cõi sầu riêng mang
Nó nhớ người - người ơi!
Khóc đầy tim máu ứa
Nó chết rồi - người ơi!
Tháng giêng thành góa bụa
Sáng nay nó hiện về
Hỏi - biết người còn nhớ?
Ta - như người u mê
Bảo rằng không - chắc thế...
Trên mồ xanh đầy thơ
Nó nhờ ta gom trả
Sợ hồn nó bơ vơ
Ta gật đầu ...nhận cả
Và sợ tháng giêng buồn
Ta cất hoài ...trí nhớ
Biết đâu...người quên luôn
Tội một đời mộng ảo...
Giờ thì quên - hay nhớ?
Và tháng giêng có buồn
Ta xin là ngọn cỏ
Ủ tình xưa - phai hương.
PHẠM NGUYỄN - K9
Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017
DÕI TÌM
Phương Nam trời trở nhẹ
Mưa phùn lất phất bay
Gió đong đưa vòm lá
Buổi giao mùa nhớ quê...!
Tháng tư nơi quê cũ
Bạn bè đứa mỗi phương
Ôi nhớ thương da diết
Bao thăng trầm đổi thay...!
Người cuối trời mờ mịt
Kẻ tám hướng bặt tin
Bọn mình đầu ngọn sóng
Ôm chặt bao nỗi niềm...!
Xa quê lòng nhung nhớ
Những kỷ niệm êm đềm
Những thâm tình tri ngộ
Không phai nhoà trong tim...!
Dẫu nơi phương trời lạ
Vẫn dõi theo tháng ngày
Tìm bóng hình năm cũ
Tròn vòng tay yêu thương...!
Huỳnh Thị Thiệp K10
(4/4/2017)
Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN
TỰ ĐIỂN … MỚI
(Dành cho nghành Y)
• Nhà thương: Là nhà, mà khi vô là người bị bệnh, nhưng khi ra thành người bị…thương !
• Cấp cứu: Người bệnh chưa ứng trước đủ tiền, thì chưa cấp thiết phải cứu chữa.
• Lâm sàng: Khi lâm bệnh, để được bệnh viện cứu chữa tận tình thì chẳng khác chi hạt gạo trên sàng .
• Thẻ bảo hiểm Y-tế : Bảo đảm sẽ gặp nguy hiểm khi dùng thẻ này để đến cơ sở Y-tế khám chữa bệnh.
• Viện phí: Là số tiền mà bệnh nhân cầu viện từ gia đình, người thân, để trả chi phí khám chữa bệnh.
******************************
TỪ ĐIỂN … MỚI
(Dành riêng cho giáo dục)
• Học sinh: Để được học phải chấp nhận hy sinh: tiền bạc của cha mẹ, sức khỏe của bản thân (do học thêm bù đầu bù cổ).
• Khai giảng: Giảng dạy trước đã rồi làm lễ khai trường sau.
• Lớp chọn: Đầu tiên phụ huynh phải chọn đúng thầy để “trao đổi”, sau đó con em họ mới được xếp vào một lớp riêng.
• Lớp chuyên: Là lớp học dành cho những con gà được đào tạo chuyên môn chỉ để thi đấu.
• Hội phụ huynh: Là hội những người tự nguyện làm huynh đệ với ban giám hiệu nhà trường, phụ giúp việc thông báo và thu hộ các loại quỹ, các khoản thu, ký sổ vàng…
• Ban giám hiệu: Là một ban bệ có giám sát việc dạy thêm và học thêm nhưng không chút hiệu quả.
• Sáng kiến kinh nghiệm: Khi viết ra được gọi là sáng kiến nhưng khi nghiệm lại thấy nó thật…kinh khủng !
• Cải cách: Cách khoảng một năm ngành giáo dục phổ biến một chủ trương mới gây…tranh cãi chí chóe !
THƯỜNG ĐOÀN – K.9
Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017
Thơ PHAN MINH TA
Bớ em ơi! cuộc đời là mộng
đã ra đi thì có thuở quay về
em sẽ thấy ...đường xưa em khóc
và con đường hai đứa "thuở yêu mê"...
em cứ đi ...cóc cần hò hẹn
tình mười năm là có bao ngày...
ta rách nát trái tim hiu quạnh
tâm hồn chừ rỗng tuếch... lá vàng bay...
tạm biệt em, chiều vàng nắng hạ
trời mưa dông ở chợ Bến Thành
chiếc khăn thơm.. của cái tình vụng dại
mấy mùa xuân còn mãi với màu xanh ...
tạm biệt em, một chiều bên Xóm Chiếu
một lần thôi ..cũng nhớ ngàn năm ..
một giấc mộng trời hồng hoang thơ dại
một nụ cười ..nhớ đôi mắt lá răm!!
PHAN MINH TA - K8
Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017
NGÀY XƯA...
Tôi rất muốn một lần về thăm lại
Ngôi trường xưa ta học buổi sơ đầu
Nhớ hồi đó bọn mình còn bé lắm
Làm học trò tuổi lên sáu lên năm…
Ngày ấy giờ đã quá đỗi xa xăm
Lúc đất nước hãy còn trong ly loạn
Ngoài quận lỵ đêm đêm người sơ tán
Pháo hỏa châu xé nát cả bầu trời.
Cách mươi hôm, đại bác dập vài nơi
Nhà cửa cháy, ruộng vườn thì xơ xác
Theo dòng người nhà bạn cùng lánh nạn
Cứ đêm về lại đến ngủ nhà tôi.
Chưa hiểu gì… nên mình vui như hội
Với bao trò tinh nghịch của tuổi thơ
Kỷ niệm đó đến giờ tôi vẫn nhớ
Biết tìm đâu lần nữa – có bao giờ!?.
Những ngày nghỉ ta cùng tìm quả dại
Chùm dâu chua, sim chín với chà là
Trái diều đỏ, hương ổi rừng thơm quá
Dấu chân mình in khắp ngọn đồi thưa.
Xưa nhà tôi nằm bên đường xe lửa
Có hoa mua nở tím suốt bao mùa
Nơi bạn ở có con đò xuôi ngược
Với những mùa hoa gạo đỏ ven sông.
Tôi lên tám, nhà tôi về sinh sống
Vùng Mỹ Sơn gần thánh địa bây giờ
Kể từ đó mỗi khi chiều ngả bóng
Bạn không còn theo bố đến nhà tôi…
***
Lửa chiến tranh ngày càng thêm dữ dội
Chiều lại chiều phía Lộc Qúy bom rơi
Miệt Lộc Sơn cũng lửa cháy ngất trời
Nhìn cảnh ấy trong lòng tôi rất sợ.
Đến nhà tôi rồi cũng không tránh khỏi
Ngoại bị thương, nhà cháy chẳng còn gì
Gia đình tôi quyết định phải dời đi
Tìm đất hứa, xa hẳn vùng chiến địa…
Ngày chia tay nước mắt bạn đầm đìa
Tôi cũng nghĩ rồi sẽ xa mãi mãi
Qua ô cửa máy bay, tôi ngoảnh lại
Bóng bạn gầy còn đọng mãi về sau…
***
Cách vài năm mình đã gặp lại nhau
Ngày bạn theo anh trai về thành phố
Nơi trọ học cũng nằm trong cư xá
Chỉ mươi căn là qua đến nhà tôi.
Cứ tưởng chừng như chưa có chia phôi
Mọi chuyện lại quay về năm tháng cũ
Nhưng bố bạn luôn làm tôi bối rối
Khi bảo rằng: Hai đứa rất đẹp đôi…
Tuổi mười hai, tôi bắt đầu thấy ngại
Nhà trọ giờ chẳng còn muốn ghé qua
Mỗi lần nhìn thoáng bóng bạn từ xa
Tôi trốn mất – ngày càng thêm xa cách.
Mùa hạ sang tiếng ve ngân buồn lạ
Bạn về quê suốt cả mấy tháng hè
Còn nhà tôi dọn đi trong lặng lẽ
Có ai ngờ mới hợp lại tan mau…
***
Tôi dời về miền biển chẳng bao lâu
Niên học mới bạn cũng rời chỗ trọ
Suốt ba năm, kể từ mùa hạ đó
Như chim trời, bóng bạn đã mù tăm.
Tôi lớn dần qua hết tuổi mười lăm
Năm mười sáu, một lần ta gặp lại
Tôi cũng muốn ôn chuyện thời bé dại
Nhưng ngại ngần giờ bạn lớn… khác xưa.
Lâu lắm rồi đã biết mấy nắng mưa
Bạn còn nhớ bến sông mùa gạo đỏ
Hoa mua tím khoảng trời thung lũng nhỏ
Tuổi thơ ta, mùa quả chín ven đồi?…
Có đôi khi chợt nhớ tuổi ấu thời
Tôi thầm ước có một ngày, một buổi
Về đồi xưa lang thang tìm quả dại
Dưới chân mình hoa tím nhẹ nhàng rơi.
***
Tôi xa quê biền biệt một góc trời
Vẫn khắc khoải Mỹ Sơn ngày trở lại
Về Phú Đa nhìn dòng sông nắng trải
Thả nỗi buồn theo con nước trôi xuôi.
Bao năm rồi lòng vẫn nhớ khôn nguôi
Thường tự hỏi còn có ngày gặp lại
Trời quê hương mây khuất mờ quan tái
Tôi phương này – nhớ bạn biết tìm đâu!?
Phan Mạnh Thu K9 (1980)
(Ảnh trên internet)
Biển Vẫn Mong Chờ
Tôi trở về biển chiều màu xanh biếc
Mỹ Khê ơi ! em vắng bóng rồi sao ?
Tôi lại lang thang trên cát trắng hôm nào
Nghe sóng rì rào ngỡ em về trong nắng
Tôi vẫn chờ em, biển chiều quạnh vắng
Chỉ thấy trời buồn mây tím giăng giăng
Tôi lại thẫn thờ đi giữa cát và trăng
Biển vẫn là thơ vẫn sóng gào tha thiết
Mỹ Khê ơi ! từ ngày cách biệt
Gió vẫn thì thầm réo gọi mãi tên em
Con sóng buồn ngùi nhớ đêm đêm
Bờ cát cô đơn vẫn hoài ngóng đợi
Xa hút trùng dương bóng hình vời vợi
Mơ em về đêm sướt mướt dưới trăng
Em ở nơi đâu xin nhớ mãi rằng
Tôi vẫn chờ em giữa biển chiều xanh biếc…
Nguyễn Tấn Lực K6
Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017
HÌNH NHƯ…
Hình như
Đã hết tình rồi
Còn chăng
Sót lại mình tôi và…buồn
Trời buồn
Trời có mưa tuôn
Mây buồn
Mây có gió vờn đung đưa
Tôi buồn
Nhớ lại ngày xưa
Hanh hao sợi nắng ban trưa
Chạnh lòng
Ngày xưa ai nhớ
Ai mong
Bây giờ lắng đọng đôi dòng tâm thư
Hình như
Đã hết…hình như ?
Còn đây
Bóng dáng suy tư tình đời
Thì buồn chút nữa
Rồi thôi
Cho yêu sống động
Buông trôi giọt buồn
Dìu nhau
Về với cội nguồn
Đường xưa lối cũ
Rưng rưng men tình.
Mai mộng Tưởng K6
Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017
QUỲNH
Quỳnh hoa lặng lẽ về đêm
Dìu hương rất nhẹ trắng mềm cánh tơ
Gió như không, đêm như tờ
Nụ trinh hàm tiếu chờ giờ mãn khai
Lặng thầm hoa nở cho ai
Mong manh hương sắc chỉ vài canh thâu
Nắng lên quỳnh rũ hiên sầu
Để cho sân vắng nhạt màu trắng trong
Ngắm hoa ai thấu nỗi lòng
Biết đâu sinh diệt cũng vòng nghiệp duyên
Hương thơm tan với màu thiền
Làm tâm lắng lại với hiên quỳnh tàn.
Nguyễn Đại Bường K10
Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017
CƯỜI CUỐI TUẦN
Trong thời đại rực rỡ "trăm hoa háo danh đua nở" này, mắc mớ chi ta không háo danh theo cho thêm phần xôm tụ, thử hỏi một đất nước có số lượng giáo sư tiến sĩ đứng đầu khu vực mà không làm nổi cái bu-lon cho ra hồn, chẳng có nổi công trình nào công bố ra diễn đàn quốc tế xem được được coi thử, thì câu khẩu hiệu này..."quyết tâm phấn đấu đưa đất nước tiến lên ngang bằng với Lào và Campuchia" xem ra còn hô dài dài...!
Thằng bạn tui bảo vệ thành công cái luận án Tiến sĩ với đề tài "Cách luộc rau muống xanh, không bị vàng" mà lấy cái bằng tiến sĩ ngon ơ, thì ta cần gì phải xôn xao việc thằng cha hâm hấp nào đó lấy cái bằng tiến sĩ với đề tài..."Tìm hiểu ngôn ngữ trong tường thuật bóng đá"!? bản thân tui thử bảo vệ cái luận án "các cách làm cho vợ hết giận không còn quay mặt vô tường mà nằm...ngữa trở ra để ngủ" cũng được hội đồng khoa học bảo vệ luận án công nhận nữa là...nghe bạn bè đồn...mấy cái đề tài lãng nhách như dây thun đó của tui mà được công nhận chẳng qua là bỏ tiền ra mua chuộc hội đồng, dẫn các thầy đi nhậu đến tăng hai, tăng ba mà có, nhưng ai nói chi kệ họ, mình có...thì thôi, í lộn...có bằng cấp, học hàm học vị, có cái lòe thiên hạ, có cái để hợp thức hóa tăng lương thì thôi, suy cho cùng vẫn danh giá hơn khối thằng mua bằng cấp để tiến thân. Nói tóm lại, lấy bằng giáo sư, tiến sĩ của ta dễ ẹt, dễ hơn dô...100% khi uống bia. Còn chuyện không làm nổi cái bu-lon là quyền (cấm hiểu là dấu huyền) của ta.
Để hoành tráng thêm bệnh háo danh tui hiến kế thêm các bạn như sau: bạn tui trên túi có bản tên TS Trần Văn Truồng đi đâu ai không biết tưởng...Tiến Sĩ cũng nể trọng lắm, nhưng thỉnh thoảng có người phát hiện chửi, hắn cười xòa...tui là Thợ sơn Trần Văn Truồng, chuyên sơn cửa sắt chống gỉ chứ Tiến sĩ gì đâu, ai biểu ông hiểu lầm...vợ tui trên áo có cái bản tên GS Lê Thị Cong, đi đâu ai cũng tưởng cô ấy là Giáo Sư nên tui cũng nở mặt lắm, bã đi đâu tui cũng xung phong chở bã đi để được hưởng xái cái...vinh dự chồng của Giáo Sư, ai phát hiện háo danh chửi tui cũng cười tươi...vợ tui là Gia Sư Lê Thị Cong chuyên gõ đầu cả trẻ lẫn già, ai biểu ông hiểu nhầm chi.
Bản thân tui trên túi cũng có bản tên mang dòng chữ BS Lã Bất Thường, đi đâu ai cũng...chào Bác sĩ, chào Bác...đã lắm, còn ai biết chửi tui thằng háo danh, tui cười trừ, tao là Biếm Sĩ chuyên viết truyện cười, thì BS là phải rồi, ai biểu ông ?
Hôm trước gặp thằng bạn, thấy trước tên hắn có 4 chữ GSTS, tui hỏi nhỏ hắn: chứ mi học hồi mô mà "ác liệt" thế?:hắn trả lời: bộ ông tưởng tui là Giáo Sư Tiến Sĩ chắc? Xưa rồi Diễm tui là...Giáo Sĩ Tiến Sư đó cha !
Ai biết học vị này xin... giơ tay ????
THƯỜNG ĐOÀN. K9
Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017
Chim Khách Đầu Làng
Trần truồng muôn thuở thai nhi
Buổi ra chợt ở chợt đi tình cờ
Bóng đèn mây nổi ơ hờ
Phủi tay gió bụi bây giờ là đâu
Sá gì một giấc bể dâu
Mưa nguồn cố xứ hải âu sa mù
Ngoái nhìn mộng tưởng thiên thu
Vành nôi sót đọng lời ru xưa nào
Mặn nồng hé nụ chiêm bao
Chập chờn bể ái lối đào nguyên xa
Đồi hoang bướm cải xa nhà
Hồn vương vất chốn ta bà trầm luân
Ngậm ngùi gió hú đầu truông
Bóng nhòa đáy cốc trăng buông mơ màng
Còn chi chim khách đầu làng
Bến sông lạ lẫm ngỡ ngàng bóng xưa
Thạch Thảo viên, Monday, February 27, 2017
Vũ Đan Huyền K7
Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017
GIAO MÙA
Trúc xinh đầu đình xanh ngát
Mái chùa ửng nụ hoa sen
Bỏ quên bên cầu gấm vóc
Nhành hoa áo lụa rong chơi
Ai cầm chiếc nón trăng soi
Bỏ quên ruộng đồng cỏ mọc
Mắt xanh ủ mầm như thóc
Ngân hà rượu rót trùng khơi
Lúa khoai mừng nhau tròn hạt
Hương đằm chiếu diệu hôm mai
Lung linh đầu cành tiếng hát
Sao ngà mọc cánh hoa mai
Trong vườn trăng khơi huyền thoại
Bay đôi một loài chim én
Hồng đào mở lòng chạm mặt
Mặt trời đậu xuống đôi vai.
Phạm Thư Cưu K4
Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017
AN HẢI, RƯỢU GẠO BÊN SÔNG
Chắc buổi tôi về, qua bến cũ
Lâu đời tên gọi, bến Hà Thân
Cầu đen nay gọi, tên cầu mới
Tuổi thơ tôi An Thị, An Đồn
Chiều qua cầu mới, về quê cũ
Cũng nơi nầy, xưa cảnh ly tan
Chẳng biết nói gì, khi trở lại
Nhìn cuộc phế hưng, lòng bàng hoàng
Ta về, ta về như người lạ
15 năm, một giấc Nam Kha
Quê hương, dù đổi thay cho mấy
Cũng chẳng làm ta, lạc quê nhà
Lòng dặn lòng, đừng xa quê quán
Rốt cuộc rồi, bỏ chỗ yên vui
Bao năm mây trắng, bay về núi
Bấy nhiêu năm, sông nước ngậm ngùi
An hải bây giờ, thay đổi quá
Quán sá, lầu cao bên nầy sông
Đò xưa đưa khách, người năm cũ?
Trôi dạt về đâu, những tấm lòng
Đứng bên nầy sông, nhìn trời đất cũ
Phố vàng phơi, bên kia Đà thành
Bên nớ ngày xưa, em đâu biết
Ta, chiều nhớ rượu, ngóng quanh quanh
Rồi buổi ra tù, thân tàn liệt
Trở về làng cũ, sống bơ vơ
Ta về kéo xe bò, cọc cạch
Chẳng hiểu sao, ta sống được đến giờ
Một thời thèm rượu, đong nửa xị
Hai thằng cưa, chẳng thấm vào đâu
Thuốc chung một điếu, hai đứa rít
Ta quên sao được, buổi cơ hàn
Thôi nhắc chi chuyện, muôn năm trước
Cảnh cũ còn đâu, nước qua cầu
Xin cô quán cho ta chai rượu
Chút men nồng, say với biển dâu
Cám ơn An hải, ta về lại
Rượu mới phần chai, đã say nhừ
Ta quá vui mừng, hay buồn bã
Chắc ta già… rượu vật hình như
Rượu gạo quê ta, là rượu trắng
Uống vào, thấy trắng cả non sông
Ta về, chẳng buồn mình tay trắng
Uống rượu quê, khuây khỏa tấc lòng.
Thầy Đông Giang (Nguyễn Văn Ngọc)
20/10/2010
Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017
TÌNH SỬ
Vầng trăng ai bẻ làm đôi
Nửa treo héo hắt, nửa rơi... phận người
Nửa soi _mờ lối cuộc đời
Nửa đi quẳng mất chân trời chung đôi
Nắng mưa... bao nỗi... tơi bời
Đẩy vào quá khứ, đợi chờ ... bình an
Bình an...nay lá úa vàng
Đâu vầng trăng nửa... đôi hàng lệ rơi?
Nỗi niềm rồi trả cho đời
Nếu mai đây có theo người... về Thiên
Luyến lưu... một mối tình riêng
Ngày xưa đem trái tim yêu _trao NGƯỜI
Và nay... gửi đóa Hương đời
Làm hành trang với mối tình... không duyên!!!
PHẠM NGUYỄN - K9
Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017
..........
Ở xóm mình ra ngõ gặp nghệ sĩ nhân dân, ra đường gặp nghệ sĩ ưu tú, còn lại toàn những đầu xanh tuổi trẻ tự vỗ ngực xưng mình là nghệ sĩ...
Không biết họ có biết trên đời này có một Trịnh Công Sơn?
Nếu biết, họ có công nhận ông ta là nghệ sĩ không. Chắc là không rồi. Nếu ông ta là nghệ sĩ thì đã được nhà nước phong ' danh hiệu cao quý ' như họ từ lâu rồi.
"Thịt da này dành cho thù hận. Cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên. Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi. Quả tim này ..."
Riêng tôi, những gì thuộc về cá nhân ông ta thì không cần phải đào sâu hơn để phán xét. Ai cũng có cái đớn hèn riêng. (Đời ai cũng có những ...tâm sự buồn! Chách chách)
Dòng nhạc của ông như dòng sông bất tử. Hình như có ai đó nói rằng, là người Việt Nam - ít ra một lần trong đời đã từng nhấp môi thốt lên ca từ của ông.
Riêng tôi, "dạy cho con tiếng nói thật thà" có nhiều điều đáng suy gẫm. Phải chăng ông khuyên bọn người lớn phải sống tử tế?!
Một lũ điên với bạo cường muốn thành người tử tế thì cần phải có ánh sáng, niềm tin hay mùa xuân gì gì đó chỉ đường. Nhưng, làm sao mở miệng để dạy cho con tiếng nói thật thà được? Chắc là họ lẩm nhẩm ai dạy giùm tôi.
Vugia K7
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN.
PHỎNG VẤN THẰNG CUỘI NHÂN NGÀY 1/4.
- Chào Cuội, khỏe luôn chứ ?
- Cám ơn, những người nói dối luôn sống…khỏe!
- Mấy ngàn năm rồi ở trên đó Cuội có buồn không?
- Trước đây thì có, bây giờ thì không, là do những người nói dối luôn sống trên…mây, tui cũng ở trên này với họ, đông vui lắm.
- À, thế bây giờ nói dối không còn là “độc quyền” của Cuội nữa?
- Đúng vậy, nói dối bây giờ đã “đại trà” rồi, và trên này chúng tôi đã thành lập “nghiệp đoàn” những người nói dối.
- Họ là những ai?
- Ồ, đủ thứ thành phần… phần lớn họ là những con ma nhà họ Hứa, như các ông Hứa Không Làm, Hứa Cho Qua, Hứa Định Kỳ, Hứa Cho Có…
- Còn ai nữa không?
- Nhiều lắm, các ông Báo Văn Cáo, Thành Văn Tích, Thể Văn Thao, Thi Văn Công… và nhiều nữa không nhớ hết!
- Cuội nghĩ sao về họ?
- Đúng là “hậu sinh khả ố”, í lộn…khả úy, họ hơn tôi về nhiều mặt.
- Nhưng mà “kính lão đắc thọ”, họ vẫn tôn Cuội làm “chủ xị” chứ?
- Hổng dám đâu, trình độ nói dối của họ bây giờ thuộc hàng thượng thừa, trình độ của tui chỉ đáng xách dép cho họ thôi, hơn nữa tui nổi tiếngnói dối từ ngàn xưa đến nay chỉ qua đồn đại “truyền thuyết”, mà chủ yếu là truyền miệng, làm sao bằng nói dối có…văn bản!
- Thế bây giờ ai là chủ xị?
- Nghiệp đoàn đã bầu chủ xị mới, người nói dối vô địch, nói dối có văn bản…
- Cụ thể là vị nào?
- Là người nói dối bằng phiếu…khảo sát!
- À ra thế, cám ơn Cuội đã có cuộc phỏng vấn thú vị vào ngày 1 tháng 4, chúc nghiệp đoàn nói dối trên cung trăng có chủ xị mới.
THƯỜNG ĐOÀN. K.9
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)