Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

TÀO LAO VỀ NÓ


Chiều buồn buồn đi lang thang qua khu đất mới vừa qui hoạch. Vài ba cái biệt thự im lìm lười nhác nằm hệt như chàng viên chức trịnh trọng ngồi chờ sung rụng. Hình như có một nhóm nào đó càng ngày càng giàu ra, dư thừa đến nỗi xây lâu đài chỉ để đến ăn chơi cuối tuần. Bất giác nghĩ đến …

Có tiếng chim ríu rít khiến cái-bất-giác-nghĩ-đến kia không kịp định hình. Lạ thật cái lũ chim sẻ. Hình như loài chim này không mấy quan tâm đến cây cối, hễ có bãi đất trống nào thì cứ ríu ra ríu rít vô tư lự nô đùa. Kể ra làm chim cũng sướng.

Tháng này không về quê nên nghe được tiếng chim giữa phố cũng bớt đi một phần nhớ nhớ. Tiếng chim dần rõ hơn theo bước chân tà tà của mình. Kìa, trước mắt là một cành khô có đến chục chú chim đang nhảy nhót. Thật là vui mắt. Cuộc sống thanh bình quá.

Từ phía bên kia đường có người đàn ông hớn hở chạy về phía cành cây khô. Lạ thật, lũ chim chỉ đậu tại chỗ mà không chịu bay lên. Tiếng ríu ra ríu rít vô tư lự xen lẫn với tiếng chiêm chíp thất thanh hốt hoảng. Thì ra những đôi chân tội nghiệp kia bị dính chặt vào cành khô nọ. Sau khi túm các chú chim cho vào lồng sắt, người đàn ông ấy cúi nhặt chiếc điện thoại cầm tay, tắt tiếng ríu ra ríu rít vô tư lự, nhổ cành cây rồi vội vã bước đi. Chắc là đi tìm khu đất mới, chưa chạng vạng mà. Tiếng vỗ cánh hoảng loạn đầy lồng. Không biết lũ chim kia bị nhốt vì tiếng phỉnh phờ reo vui của đồng loại hay đến nhập bầy để cùng kiếm ăn nhỉ.

- Anh bẫy chim về bán cho người ta phóng sinh à?
- Dính keo này lết cũng không xong đừng nói tới chuyện bay, làm răng phóng sinh được.
- Cho hỏi chút, keo gì mà dính ghê vậy? Mủ mít à?
- Mủ mít nội địa ăn nhằm chi, keo trung quốc đó.

Lại trung quốc. Cái gì cũng trung quốc. Chuyện lớn đất đai biển đảo - cũng nó. Chuyện nhỏ như sách giáo khoa cho trẻ con-cũng nó. Đánh đập dân mình làm thuê cho nó-cũng nó. Phá làng phá xóm nơi có các công trình nó trúng thầu thi công-cũng nó. Bắn cháy tàu của ngư dân-cũng nó. Phỉnh phờ nông dân trồng các loại nông sản rồi để cho phá sản-cũng nó. Trái cây và thực phẩm tươm đầy chất độc-cũng nó. Áo ngực chứa chất lạ, dép nhựa gây ngứa-cũng nó.Vân vân mọi thứ-cũng nó.

À, mà cái-bất-giác-nghĩ-đến của mình là cái vụ chi hè, quên cha nó rồi!

Vugia K7

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

TỰ TÌNH KHÚC


TỰ TÌNH KHÚC*
Nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

( Tặng các thần dân Đông Giang- Hoàng Hoa Thám yêu thích nhạc Trịnh )

Nhìn những mùa thu đi, vàng phai trước ngỏ !
Những con mắt trần gian, rơi lệ ru người…
Trong nỗi đau tình cờ, tôi ơi đừng tuyệt vọng.
Còn có bao ngày, cũng sẽ chìm trôi !!!

Em đến từ nghìn xưa, biết đâu nguồn cội ?
Dấu chân địa đàng, như một vết thương…
Em đi trong chiều, gần như niềm tuyệt vọng ,
Phúc âm buồn, nghe những tàn phai !

Một ngày như mọi ngày, người về bỗng nhớ ,
Thương một người, rồi như đá ngây ngô !
Hạ trắng, mưa hồng, bốn mùa thay lá .
Từng ngày qua,biển nhớ, sóng về đâu ?

Tưởng rằng đã quên, có một ngày như thế .
Chìm dưới cơn mưa, một cõi đi về ,
Lặng lẽ nơi này, ru đời đã mất .
Rừng xưa đã khép, “bống bồng ơi”**

Hãy yêu nhau đi, đời cho ta thế !
Cuối xuống thật gần, yêu dấu tan theo…
Cỏ xót xa đưa, hoa vàng mấy độ ?
Vườn xưa, cát bụi, vết lăn trầm……


THƯỜNG ĐOÀN K.9

* Viết từ tên 43 ca tình khúc TRỊNH CÔNG SƠN, kể cả đề tựa bài thơ,
**Ca khúc viết riêng tặng ca sĩ Hồng Nhung !

Mời quý anh chị xem lại bài THƠ CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG của anh Trần Phú Dũng K8

EARTH FLIGHT


Click on photo.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

TƯỞNG NHỚ VỀ NHẠC SĨ TÀI HOA : TRỊNH CÔNG SƠN


( để tưởng nhớ về ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa 1/4 )


Đến với ông, đúng hơn là đến với nhạc của ông, từ lúc nào tôi không nhớ, chỉ biết là từ rất nhỏ, những năm 71-72 của thế kỷ trước, khi bước chân vào trung học, hồi đó chưa biết gì về những tình khúc của ông, chỉ nghe quanh ta các ca khúc phản chiến đến độ nằm lòng với …người già em bé, đại bác ru đêm, gia tài của mẹ…rồi sinh hoạt tập thể ở trường với …nối vòng tay lớn, huế- sài gòn- hà nội…như cảm nhận đươc ca từ và giai điệu “hay đến lạ lùng” của ông, lần đầu tiên trong đời, với tâm hồn thơ trẻ, non dại của mình trong cảm nhận âm nhạc,tôi đã tự tìm mua hai tập “Ca khúc da vàng” và “Kinh Việt Nam”, và cũng từ đó, ông trở thành “thần tượng” trong tôi đến suốt đời, nhạc của ông đã biến tôi trở thành một “tín đồ” đến độ “cuồng tín”, có xem những tập nhạc Trịnh chép tay với đầy đủ cả khuôn nhạc của tôi mới thấy công phu đến độ nào, bởi thời ấy còn quá khó khăn, nên mượn đươc nhạc Trịnh từ bạn bè tôi tỉ mẩn sao chép lại, vừa để sử dụng , rồi cũng như để sưu tầm, và thế là tôi có một “kho tàng nhạc Trịnh”!

Cám ơn ông! Người nhạc sĩ tài hoa, vì quá thần tượng nhạc của người mà tôi đã biết chơi Guitare bằng con đường tự học, mặc dù chơi không hay, tôi vẫn thường ôm đàn hát nhạc Trịnh để đi qua những buồn vui của cuộc đời này!

Và khi tuổi đời lớn lên, tôi càng bị “mê hoặc” bởi nhiều tình khúc của ông, tình yêu, thân phận, triết lý…toàn thứ cao siêu nhưng bình dị đến lạ thường, nhẹ nhàng đi vào từng số phận đời người như…định mệnh ! không yêu đời làm sao được khi mà “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”?, không sống”tử tế”nhân ái và vị tha, ta làm sao có thể cất cao giọng hát “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”, rồi tình yêu đôi lứa, vợ chồng…đề tài bất hủ của nhân loại này… ai đó, người đang “nhắc nhớ” người …“ áo xưa dù nhàu , cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”, ai đó, có hiểu nổi đau ngọt ngào này… “làm sao em biết bia đá không đau?”, và cuộc đời này ta cần nhau biết nhường nào…“ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” ! đến thế là cùng !

Với nhạc của ông, vẫn biết “ cõi tạm” này ta đang ở trọ “ tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”, nhưng đáng yêu, đáng sống đến vô cùng…”tôi là ai mà yêu quá đời này”, ngay cả lúc ta cảm thấy chán chường nhất cũng phải bật lên …“đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”, bạn bè tôi, vài đứa đã trở về “cát bụi”, những ngày buồn ấy , chúng tôi lại cùng nhau ôm guitare “hát cho người nằm xuống”,”không than van”, chỉ thầm trách “đất hoang vu khép lại hẹp hòi”, chỉ hát cho nhau, thế thôi!

Sắp đến 1/4 rồi, viết mấy dòng để tưởng nhớ đến ông, “xin tạ ơn người”, và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này , bạn bè yêu nhạc Trịnh chúng tôi, đến hẹn lại lên, chúng tôi quay quần với nhau bên ly cà phê một nơi nào đó, vài cây Guitare, chúng tôi nói chuyện về ông, chúng tôi hát mộc những ca khúc của ông, hát say sưa, hát quên cả mình, hát quên cả thời gian, hát như một người bạn tôi đã nói “ hát nhạc Trịnh ta phải hát đến cạn dòng máu trái tim mình, để nhớ mãi về ông, và cũng để kĩ niệm ngày người nhạc sĩ tài hoa đã “về làm cát bụi”!.Chúng tôi đang tin nhắn cho nhau chọn địa điểm cho 1/4 này, nhớ quá Trịnh ơi!

Đà Nẵng, ngày 27/3/2013
ĐOÀN VĂN THƯỜNG K.9

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

GIẤC MƠ HOA THỦY TIÊN

1.GIẤC MỘNG LẦU HỒNG:

Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng
Độc tận thi thư diệc uổng nhiên

(Văn chương không nói Hồng Lâu Mộng
Đọc hết thi thư liệu ích gì?)


Hồng lâu mộng được xếp vào hàng Tứ đại kì thư của văn chương Trung Quốc (gồm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung , Tây du kí của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử của Thị Nại Am), được đánh giá là “tuyệt thế kì thư”(pho sách lạ nhất đời) .Tôi đọc Hồng lâu mộng đã lâu , đọc đi đọc lại nhiều lần , lần nào cũng có cái cảm giác bàng hoàng, hoang hoải như đi vừa qua một giấc mộng,thấy mọi thứ thảy đều phù du ,vô nghĩa.
Tác giả Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần , vốn dòng dõi đại quý tộc , có truyền thống văn chương thi phú , tổ tiên có nhiều người là danh sĩ nổi tiếng, gia đình đời đời làm quan thu thuế lớn ở GiangNam.Năm lần vua Khang Hi tuần du Giang Nam thì bốn lần ngự tại Tào phủ .Điều đó cho thấy cuộc sống trong phủ nhà họ Tào xa hoa ,vương giả biết nhường nào.Thế nhưng đến đời Tào Tuyết Cần , thời kì giàu sang huy hoàng của gia đình đã chấm dứt.Cha Tào Tuyết Cần vì mắc tội , bị tống giam , bị tịch biên tài sản.Tào Tuyết Cần cùng những người thân khác trong gia đình phải sống những ngày cay đắng trong cảnh nghèo khó.
Cốt truyện Hồng lâu mộng viết dựa trên câu chuyện có thực của gia đình họ Tào trước đây.Đó là tác phẩm tự sự lớn của Tào Tuyết Cần.Trong mười năm cuối đời , ông đã dồn hết tâm huyết và bi phẫn vào Hồng lâu mộng , vừa thể hiện sự nuối tiếc một thời vàng son của gia đình, vừa phản ánh bản chất thối rữa của xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời.Tác phẩm đã được ông sửa chữa 5 lần trong cảnh khốn cùng , ốm đau không tiền mua thuốc , con chết .

Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.

TÌM LẠI NGÀY XANH


Tôi trở về chốn xưa
Tìm lại tuổi thơ thuở nào xanh biếc
Có ai không một lần nuối tiếc
Khi cuộc đời hằn vết sẹo thời gian

Đôi khi bất chợt ngỡ ngàng
Thời gian trôi đi nhanh quá
Khi tâm hồn nhuộm màu sỏi đá
Lời ru nào cho đá lên xanh

Lời ru nào mắt em long lanh
Thời đam mê tươi màu hoa lá
Khi tóc còn thơm hương mùa hạ
Nắng ta về cho gió xôn xao

Ta vẫn còn thương nhớ biết bao
Ngày bên em ngồi nghe chim hót
Tháng năm nào đời như mật ngọt
Giờ xa rồi trong nắng ban mai…

Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

THÚ VUI SĂN BẮN


NỐI NỤ TIN YÊU

Tản văn của Phan Trang Hy



Những ngày cuối tháng Ba, giòng sông Hàn khẩn trương những giai điệu rộn ràng của trời xuân Đà Nẵng. Những bụi mù, những khói dầu, những tiếng động, những giọt mồ hôi, những bữa cơm ăn vội… cũng không làm mệt những người thợ đang làm nốt những việc để hoàn thiện những chiếc cầu nối hai bờ giòng sông giữa lòng thành phố.
Xưa phố bên sông. Giờ sông giữa phố. Và, giờ sông đẹp thêm nhờ những chiếc cầu.
Đã qua những ngày vui khi Cầu Sông Hàn nối lòng người Đà Nẵng lại với nhau. Nối lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng lại với nhau. Mừng Cầu Sông Hàn những người con Đất Quảng từ Tiên Phước, Hiên, Giằng đến Duy Xuyên, Đại Lộc, từ Chu Lai, Thăng Bình đến Cửa Đại, Điện Bàn, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Sài Gòn, Đất Mũi… cũng về chung vui. Những người con Quảng Nam, Đà Nẵng nối tình anh em ruột thịt của Vu Gia, Thu Bồn, của Bà Nà, Non Nước… bên giòng sông quê Mẹ.
Rồi những chiếc cầu mới nối tiếp, những chiếc cầu nối đôi bờ giòng sông Hàn chảy ra Biển Đông. Chợt trong tôi vang lên lời ca của một ai đó: Cầu này cầu ái, cầu ân…Có phải những chiếc cầu trên sông Hàn là cầu ái, cầu ân? Tôi không nghĩ chữ ái ân của chuyện vợ chồng, của những người bạn tình khác giới. Tôi đang nghĩ đến chữ ái, chữ ân trong lời ca ái tử, trong nỗi lòng ái quốc, trong ân tình, ân nghĩa thủy chung.
Và trong tôi vang lên lời ca Nhịp cầu nối những bờ vui. Lời bài hát ngày nào vẫn như vang trong từng con phố, như thấm trên từng cây lá hai bờ sông Hàn, như lung linh, nhảy múa trên những đèn trang trí, như rộn ràng khúc nhạc biến tấu của giai điệu đường phố trên đường Bạch Đằng, như cánh diều trên bãi biển Mỹ Khê, như những nụ cười rạng rỡ dưới những màn pháo hoa kỳ thú…
Nhịp cầu nối những bờ vui và những chiếc cầu nối những những bờ vui. Nối cả niềm tin yêu, nối cả gương mặt của tiền nhân với con cháu, nối cả đất liền với biển đảo, nối truyền thống Diên Hồng, Chi Lăng, Đống Đa với Phú Lâm, Gạc Ma. Trong tôi hiện lên điều ước. Ước gì có ngày nào đó, chiếc Cầu Rồng hướng ra Biển Đông có phép thần vươn mình ra tới tận Hoàng Sa, nối bán đảo Sơn Trà với quần đảo Cát Vàng, để Hoàng Sa mãi là của Việt Nam như trong sử sách.
Cách Cầu Rồng về phía Nam không xa là chiếc cầu mang hình dáng chiếc thuyền với cánh buồm duyên dáng. Tôi ước cánh buồm đó nối những chuyến tàu từ Đà Nẵng tới mọi miền của Tổ quốc. Nối Đà Nẵng với Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Hạ Long, Cồn Cỏ… Nối Đà Nẵng với biết bao cảng trên khắp hành tinh này.
Tôi tin Rồng và cánh buồm nối khí thiêng dân tộc đến với con cháu Quảng Nam - Đà Nẵng hôm nay, nối anh linh tiền nhân đến với thế hệ mai sau bằng niềm tin và nghị lực, bằng sự yêu thương, hóa giải của mọi con dân nước Việt.
Trong tôi, những chiếc cầu trên sông Hàn như nối đêm với ngày, như nối tình yêu, ân nghĩa, nối khát vọng lớn lao, nối lòng bao dung, đạo làm người, nối bao điều tốt đẹp đến với cuộc sống hôm nay. Tôi tin chắc một điều là lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng nối kết thành một khối vì thành phố của mình. Lòng người Đất Quảng cũng mong kết nối với đồng bào mình đang làm ăn, sinh sống khắp năm châu, cùng với bạn bè chân tình trên thế giới.
Trong tôi rộn lên lời bài hát: Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta…
Tôi đứng ở hữu ngạn sông Hàn nhìn những chiếc cầu như nối nụ tin yêu ngày mới.

Đà Nẵng, tháng Ba - 2013
Phan Trang Hy
( Phan thanh Bình K5 )

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

SAO PHẢI LÀ CON TRAI?

Nếu thời gian quay lại
Tôi xin làm con gái
(Không thích làm con trai)
Vì biết chắc ngày mai
Nam sẽ thừa - nữ thiếu

Bây giờ ai không hiểu
Thân đào tơ liễu yếu
Dù ở bất cứ đâu
Có kém cạnh gì nhau
Đấng mày râu phải nễ

Và nếu trên trần thế
(Bài toán nầy không dễ)
Khi cung thiếu - cầu thừa
Khi nắng thiếu - nhiều mưa
Thiếu mới là VÔ GIÁ

Chẳng lấy gì làm lạ
(Ai cũng đều thấy cả)
Rồi sẽ đến một ngày
Con trai thì có đầy
Con gái thiếu trầm trọng

Hồi chuông đời đang gióng
Tỉnh lai..."Bố Mẹ" ơi!

Đỗ xuân Khẩn K6

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Nhân dịp cuối tuần mời Quý thầy cô, anh chi thư giãn với một tiết mục xiếc ảo thuật độc đáo


LỜI RU CỦA MẸ

(Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh)

Dân ca Quảng Nam
Lần theo câu hát ầu ơi 
Tôi tìm về với khoảng đời mẹ ru

Mẹ ngồi dựa gió mùa thu
Tao nôi sương phụ chín muồi năm canh
Đưa người ruổi dặm chiến chinh
Lời thương chia nửa trầu têm cánh ngài

Ngày thì ngắn, đêm thì dài
Hàng tre quê ngoại ngõ sau tím mờ
Tóc loang sương muối ơ hờ
Cành mềm lắc lẻo bên bờ ao sâu

Dòng sữa mẹ chảy ngọt ngào
Băng qua đất cỗi ngấm vào đời con

Cha nằm lại với Trường Sơn
Từng đêm cong nhánh tàn hương chứng về
Từng đêm heo hắt chái quê
Lời ru càng mỏn càng thê thiết lòng

Bốn mươi năm, một gánh gồng
Hai dòng nước mắt chạy vòng về tim

Áo cơm con trải trăm miền
Mang theo câu hát làm tin với đời
Cho con chín bỏ làm mười
Cho con vấp ngã, gượng cười đứng lên

Lời ru ngàn tuổi muôn tên
Đan vào sợi tóc bồng bềnh trắng mây

Bây giờ ru cháu ngủ say
Mẹ ơi câu hát ươm đầy nắng thơm

Nguyễn Đại Bường
( Nguyễn Quốc Huấn K10 )

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

TIN BUỒN



TIN BUỒN

http://s51.radikal.ru/i133/0808/27/22fbab543b02.gif
 
Được tin Ông Lâm Tiến Dũng - Phu quân cô Phan Ái Phương cựu giáo sư TH Đông Giang Đà Nẵng, và cũng là Bào đệ thầy Hiệu trưởng Lâm Sĩ Hồng - 
Pháp danh  LIỄU NGỘ 
Tạ thế ngày 19/3/2013 (nhằm ngày 8 tháng Hai năm Quý Tỵ) tại nhà riêng ở Cali, hưởng thọ 69 tuổi.
Linh cửu hiện quàn tại Peek Family Home, phòng số 57801 Bolsa Ane, Westminster, Ca 92683.

Cựu giáo sư TH Đông Giang & cựu học sinh  ĐG-HHT xin chia buồn cùng cô Phan Ái Phương, thầy Lâm Sĩ Hồng và gia quyến, cầu mong hương linh Ông sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc

http://img217.imageshack.us/img217/7163/13208bserenitywreath.jpg

 

TRẦU MỜI


Nhớ hôm ngồi nghỉ ven đê
Chung bát vối nóng tình quê đượm đà
Trông cây hoa gạo đầy hoa
Đầu câu chuyện cũng chút quà thắm môi

Ngõ nhà đâu phải xa xôi
Nhớ trầu nhớ vối đứng ngồi không yên
Hôm nay đến hẹn lại lên
Vẫn chờ vẫn đợi đôi bên giữ lời

Gặp nhau này miếng trầu mời
Lung liêng cánh phượng lý lơi trầu tình
Một năm qua vẫn một mình
Nhớ màu hoa đỏ môi mình môi ta…

Đoàn Quân
( Đoàn Xuân Hiển K2 )

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

VỀ LẠI BẾN HÀN


(Họa theo bài Tha Thiết - Tặng NBS)

Ta về giữa nắng hanh vàng
Cỏ rêu khuất lấp lỡ làng dấu chân
Khói sương sớm đã phù vân
Chạm cung đàn cũ tơ ngân nhớ người.

Xa quê từ thuở đôi mươi
Vời trông chốn cũ ngậm ngùi lòng đau
Tóc xanh bụi trắng thay màu
Ngày về chút nắng giang đầu lưa thưa.

Bên sông ngồi ngắm trời mưa
Buồn rơi lất phất nhặt thưa bến Hàn
Nhớ sao những chuyến phà sang
Qua cầu lòng bỗng vô vàn mây giăng.

Lầu cao đã khuất ánh trăng
Đèn treo rực rỡ đâu bằng ngàn sao
Ngày về bến cũ hanh hao
Còn đâu hoa bướm xôn xao buổi đầu.

PHAN MẠNH THU – K9

THỜI SỰ


Nhân dân mình
 Mấy ai không chịu ơn gốc rạ
 Những anh hùng
 Thi sĩ
 Trong máu mình đều thấm giọt phù sa
 Dựng nước
 Giữ nước
 Độc lập
 Tự do
 Hãy nói giùm tôi
 Có thứ nào không cần hạt gạo
 Nhưng tại sao giữa tiết thanh minh
 Mà đất trời cháy bỏng
 Ruộng vườn mồ mả cha ông
 Lại tan hoang như một bãi chiến trường
 Di sản bao đời
 Bây giờ là đôi bàn tay trắng
 Bài thơ nhỏ nầy chỉ là thời sự thôi
 Như cái vạch vôi
 Cha vẽ lên cột ngày xưa nhắc nhở
 Rằng năm 2012
 Trên đất nước tôi
 Với súng hoa cải và bom "gas" tự chế tịt ngòi
 Dẫu không giữ được
 Ruộng vườn đầm bãi
 Lịch sử mai nầy vẫn nhớ mãi
 Anh Vươn
 Và hàng trăm mẹ già chít khăn
 Lần đầu tiên NGƯỜI để tang cho ĐẤT
 Những mẹ chị ở tận Cái Răng
 Cũng đành lột truồng giữ đất...
 Có lẽ nào tôi không có quyền được biết
 Cái gì đã dồn mẹ chị cha anh ta vào bước đường cùng
 Tổ quốc sẽ ra sao
 Nếu cứ mất dần ruộng vườn núi sông biển đảo
 Đất nước sẽ mồ côi
 Nếu không có nhân dân.


CHÍNH CHỦ(*)

Cái chung cái vô chủ
Mất còn chẳng ai lo
Cái riêng vốn tự chủ
Thiệt hơn thường so đo

 (*) Xe không chính chủ

Nguyễn Văn Gia

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT : Săn heo rừng


QUA ĐÈO LE


Tặng các bạn quê Quế Sơn và Nông Sơn, Quảng nam


Dẫu rằng gối mõi lưng còng
Xa quê về lại vẫn lòng xôn xao
Ta về đứng giữa đèo cao
Ngàn cây xanh thẳm, dạt dào suối reo.

Ngày xưa chân đất từng leo
Leo qua leo lại - qua đèo lưỡi le
Gian nan cũng ngậm mà nghe
Bây giờ bỏ bộ cưỡi xe qua đèo.

Bây giờ quê đã hết nghèo
Xe qua, xe lại - qua đèo hết le
Giữa đèo nghiêng ngã dừng xe
Uống ly nước mát - "Gà tre kính mời".

Lâng lâng say giữa mây, trời
Lim dim tay gối nghe đời thêm yêu
Nắng trưa pha lẫn sương chiều
Tiếng chim "Tu Hú" gợi nhiều nhớ thương...

Ta về thăm lại quê hương
Ta giăng mắt ngắm con đường năm xưa
Một thời sáng nắng chiều mưa
Một thời chân bước nhây nhưa đất bùn
Một thời gió bấc mưa phùn
Mo cơm, sách, vở - thân run đến trường...

Bao năm cám cảnh tha phương
Bây giờ biết nhớ quê hương thế nào!

Đỗ xuân Khẩn K6

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CHÙM THƠ NGUYỄN VĂN GIA


RỖNG

Cứ nhủ lòng mình
Buông xả thôi
Nhẹ hều như nước chảy mây trôi
Làm sao giữ được 
Điều không thể
Chỉ mỗi tay không đã nặng rồi .


NIỀM VUI NHO NHỎ

Hạnh phúc lớn
Ở đâu xa
Niềm vui nho nhỏ quanh ta
Thật gần
Bôn ba chỉ khổ
Tâm
Thân
Càn khôn nằm gọn trước sân nhà mình .


BÓNG QUÊ NHÀ

Thương chút nắng quê nhà
Nhuộm vàng buổi chợ tan
Bóng ai như dáng mẹ
Mờ mờ theo cố hương .


THẠCH NGÔN

Trầm tích dẫu nghìn năm
Chẳng có gì để nói
Một đời đá lặng câm
Thạch ngôn là vô ngôn .

Nguyễn Văn Gia 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

NGƯỜI Ở LẠI GAC - MA


Nhân dịp 25 năm hải chiến Trường Sa (14/3/1988-14/3/2013), chúng tôi xin đăng lại bài thơ Người Ở Lại Gạc Ma của Vũ Đông Thám.


NGƯỜI Ở LẠI GẠC - MA

Anh ở lại,
Nhé em!
Đêm nay biển lạnh thấu xương người,
Anh nhớ em,
Anh nhớ con,
Quay quắt...
Em hãy dặn con mình:
Đừng khóc!
Bố sẽ về,
Dù lâu thật là lâu!

Hãy dạy con mạnh mẽ,
Đừng khiếp nhược yếu hèn!
Nếu con khóc,
Chúng nó sẽ cười.
Nếu con khóc,
Kẻ thù sẽ mát lòng hả dạ!

Bố muốn thấy,
Ngày mai,
Giữa đoàn tuần hành ngạo nghễ,
Con hô vang :
«Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta!»
Bố muốn thấy,
Ngày mai,
Trên đầu sóng hội quân,
Con ở đó vươn vai thành Phù Đổng.

Hãy làm bố yên lòng con nhé !
Bố không muốn,
Nhìn thấy con yếu đuối,
Bởi sáng nay,
Giữa vòng đạn quân thù,
Bố vẫn giữ chặt trong tay, lá cờ Tổ quốc!
Bố vẫn giữ chặt trong tay, vùng biển của chúng ta!
✯ ✯ ✯
Mẹ ơi, con ở lại!
Nơi con nằm lạnh lắm mẹ biết không?!
Mẹ đừng khóc, đừng kêu lên như thế!
Ba sẽ đau lòng,
Các em con sẽ khóc theo!

Con thèm ly cà-phê đen,
Góc đường Trần Phú.
Con thèm bao Đà lạt,
Cùng lũ bạn bè
Ngồi tán dóc,
Chia nhau...

Con nhớ đỉnh Sơn Trà,
Những buổi chiều,
Mây mù giăng lớp lớp
Con nhớ biển Mỹ Khê,
Những buổi sáng đầu đông,
Trời bỗng lạnh se se.

Và nhớ nhất,
Vẫn là hình bóng mẹ,
Tóc hoa râm, bên thềm cửa đón con về
Bữa cơm chiều, đầy ắp yêu thương
Con cứ tưởng...
Không bao giờ mất mẹ!!!
✯ ✯ ✯

Con biết,
Mẹ sẽ chờ con
Vẫn bên thềm cửa ấy
Tóc hoa râm sẽ bạc phếch thời gian!
Dù đến trăm năm,
Dù đến nghìn năm,
Mẹ vẫn chờ con...
Mẹ vẫn chờ con...
Dù đến bao giờ....!

Vũ Đông Thám _ K7


Xin mời xem thêm Suốt 25 năm mẹ mặc tấm áo của con trai đã hy sinh

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

TUYỂN TẬP THƠ KỶ NIỆM 50 NĂM


Như chúng ta đã biết, Một Nửa Trăm Trứng là tập thơ được tuyển chọn từ trang Những Ngày Xưa Thân Ái của thầy cô và của cựu học sinh ĐG-HHT, tập thơ do các anh chị cựu học sinh Đông Giang Saigon thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.

Tuyển tập nầy ra đời là một sự cố gắng không mệt mỏi của Nhóm thực hiên từ khâu tuyển chọn, chọn bài nầy thôi bài kia cũng là nỗi trăn trở của những người biên tập, giá mà không chỉ giới hạn 50 bài …Đến khâu xuất bản, nhà xuất bản nầy không đồng ý – đàm phán – rồi đến NXB khác để cuối cùng giữ cho được cái nhan đề tập thơ Một Nửa Trăm Trứng như lời NGỎ:

Một trăm cái trứng như trăm đứa con- có thể đã được sinh ra dưới mái trường, một trăm trứng khiến ta liên tưởng tới một huyền sử. Một nửa lên non, nửa kia xuống biển, một nửa ở quê nhà, nửa đi cùng trời cuối đất, như cuộc hành hương bất tận…

Một nửa trăm cũng là năm mươi bài thơ, năm mười bài thơ như năm mươi năm với biết bao dâu bể của ngôi trường bên bờ sông Hàn.

Dường như Tôi hay ai đó đang gọi Đông Giang! Đông Giang!

Chúng ta đang cùng nhau hồi tưởng, chúng ta cùng nhau ngồi viết lại những ký ức khó phai, hay viết lại từng buồn vui của lộ trình đời mình. Chỉ có những bài thơ kịp ghi lại ở đây…

( Saigon 2013, Những người thực hiện) 


Có lẽ vì thế mà tranh bìa minh họa gồm những bước chân ngược chiều nhau, kẻ lên non, người xuống biển, nửa ở lại, nửa ra đi, tuy nhiên trong hình minh họa của phụ bản 1, hình vẽ những bàn chân quay lại đối điện làm chúng ta hình dung họ sẽ quay về tay bắt mặt mừng, họ ôm nhau trong vòng tay thương yêu thầy trò, bạn hữu nhân ngày hội kỷ niệm 50 năm ...

Phần trình bày hết sức trang trọng, từ trang đầu đến trang 19, Nhóm thực hiện đã dành riêng trang thơ của các Thầy Cô, tiếp theo là thơ của các anh chị cựu học sinh.

Cuối tập thơ Nhóm thực hiện đã khéo chọn bài Có Thể Ta Đã Từng của Vugia K7 như để khép lại tập thơ Một Nửa Trăm Trứng, bài thơ đã nói thay khát vọng của bao thế hệ cựu học sinh Đông Giang về tình yêu Tổ quốc.

CÓ THỂ TA ĐÃ TỪNG

Có thể ta đã từng
là một trong năm mươi người con
theo Mẹ lên non,
ngoái đầu tìm
để bắt gặp đôi mắt tròn trong veo của em quay nhìn lại,
rồi chậm rãi bước theo Cha
về biển...

Có thể ta đã từng một thời chinh chiến,
bỏ núi giắt rìu ngang lưng xuống biển
làm lính Ngô Quyền
vót nhọn cọc thiêng
đâm toạc xích xiềng một nghìn năm vong quốc...

Có thể ta đã từng sôi sục
cùng cha ông gõ trống đồng
ca bài “Nam quốc sơn hà…”
làm rúng động cả vòm trời phương bắc...

Có thể ta đã từng chôn xác giặc
cùng Hưng đạo vương ngậm ngùi trầm mặc
nhìn sóng Bạch Đằng
mà thương cảm cho lòng tham quân xâm lược...

Có thể ta đã từng chong đèn ngồi mài mực
để Ức Trai viết bài Đại Cáo Bình Ngô,
theo Quang Trung vốc đất xây mồ
để Đống Đa thành một trong nhiều bài để dạy...

Có thể ta và em rồi gặp lại,
nắm tay nhau
để cùng nhìn thật sâu, thật xa ra biển
ở đó có hồn thiêng
cha ông đang nổi chìm giữa lòng tham
của bọn truyền thù thất phu phàm tục…

Rồi ta sẽ hô vang” Muôn đời Tổ Quốc?”
Trước khi tuôn cạn máu hồng
Để giữ lấy non sông…

Vugia K7 


Qua tuyển tập Một Nửa Trăm Trứng, chúng tôi ước gì Nhóm thực hiện chọn thêm một vài tác giả trong trang “ Những Ngày Xưa Thân Ái “ nữa thì chúng tôi nghĩ sẽ vui hơn, đầy đủ hơn, ngoài ra hình như tuyển tập chỉ gồm 100 trang nên không có phần Mục lục.

Xin thay mặt anh chị cựu học sinh ĐG-HHT xin cảm ơn Nhóm thực hiện và quí anh chị cựu học sinh Đông Giang Saigon đã bỏ công sức, tiền bạc để thực hiện được tuyển tập thơ Một Nửa Trăm Trứng, chúng tôi cũng được biết quí anh chị đang cố gắng huy động tài chính để in thêm với số lượng lớn làm quà tặng cho ngày về họp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập trường tại Đà Nẵng như là một tình cảm đối với ngôi trường xưa, với thầy cô giáo cũ với bạn bè thân thương của mình.

Một lần nữa xin cảm ơn Nhóm thực hiện cảm ơn tất cả anh chị cựu học sinh Đông Giang tại Saigon.

TN K6

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHS ĐÔNG GIANG SAIGON VIẾNG ĐÁM TANG BA CỦA CÔ HỒNG KHANH









Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

CHUYỆN NGÀY XƯA


Thân tặng các bạn K6

Bọn chúng mình mấy mươi năm mới gặp
Mái tóc mây trời điểm mớ tóc xanh
Một thuở học trò nghịch phá qua nhanh
Còn lại trong hồn rưng rưng nhớ tiếc

Vụ đốt xe thầy Vân có…trời mới biết
Thằng P. lục văn phòng xé sổ điểm vì bị zero
Vụ soi giấy carbon còn nhớ năm nào
Thằng Y. thằng T. biết đề thi thầy Thành thầy Phó

Mấy mươi năm qua tưởng chừng mới đó
Thời gian ngậm ngùi biển xanh hóa nương dâu
Kẻ mất người còn giờ biết tìm đâu
Thầy cũ trường xưa một trời kỷ niệm

Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

NHỮNG GIẤC MƠ HOA


Đông Giang nắng trắng cát vàng,
Một hôm cắc cớ, ngỡ ngàng theo ta …
Hôm kia trong giấc mơ hoa,
Mấy triệu giọt nắng theo ta đi về.
Hôm rồi trong một cơn mê,
Mấy vạn hạt cát lại về theo ta….
Đêm qua một giấc mơ hoa,
Áo dài đi trước, có ta theo về.
Đêm nay ta tỉnh hay mê ?
Cô nàng lớp dưới đi về…cùng ta!
Ước gì những giấc mơ hoa,
Áo dài, nắng, cát…theo ta suốt đời…
Đông Giang ơi, Đông Giang ơi,
Cô nàng lớp dưới, một trời… nhớ nhung!


Đà Nẵng, tháng 3/2013.
ĐOÀN VĂN THƯỜNG K.9

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

TIN BUỒN



TIN BUỒN

http://s51.radikal.ru/i133/0808/27/22fbab543b02.gif


Cụ Ông Lê Tự Phu - thân phụ cô Lê Thị Hồng Khanh- tạ thế lúc 7h30' ngày 13/3/2013 (nhằm ngày Mồng 2 tháng 2 năm Quý Tỵ) tại nhà riêng số 24 đường 7B, phường An Lạc 4, quận Bình Tân, hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng: 6h00' ngày 15/3/2013

Di quan: 06h ngày 19/3/2013, An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Hóc Môn

Thầy Cô, anh chi cựu học sinh và Blog ĐG - HHT xin được chia sẻ nỗi niềm ngậm ngùi tiếc thương, ly biệt, cùng gia đình cô Lê Thị Hồng Khanh.

Cầu mong hương linh Cụ Ông sẽ sớm siêu sinh nơi miền cực lạc.


http://img217.imageshack.us/img217/7163/13208bserenitywreath.jpg


CẢM ƠN

Viết cho Thu - em họ của anh


Em ngồi thầm lặng ghi hình
Tâm tư theo sát chương trình diễn ra
Nhìn gần rồi lại nhìn xa
Nhìn lui nhìn tới nhìn qua nhìn về
Chỉ dùng trí nhớ thống kê
Viết lên blog như nghề phóng viên
Chữ, hình đều rất có duyên
Chân tình như bản chất hiền của em.

Xem đi xem lại - lại xem
Anh "trân trọng" cám ơn em thật nhiều!

Đỗ Xuân Khẩn K6

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

ĐỂ MÃI MÃI BÌNH YÊN


Nhân ngày 14/3/2013, để tưởng nhớ đến những chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, chúng tôi xin giới thiệu bài " Để Mãi Mãi Bình Yên " của LSG:

Lịch sử cha ông bốn ngàn năm dựng nước
Có phút giây nào ta được bình yên
Máu xương bao đời đổ xuống mảnh đất thiêng liêng
Cho cây trái xanh tươi cho an lành đất nước

Xin thắp nén nhang tri ân tiền nhân thuở trước
Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa khiếp vía quân thù
Làm rạng danh mãi mãi ngàn thu
Dòng giống anh hùng không dễ gì khuất phục

Thà hy sinh không bao giờ chịu nhục
Đập phá gông xiềng lớp lớp xông lên
Lịch sử muôn đời còn đó đừng quên
Giữ non sông phải đổi bằng xương máu

Để bình yên cho muôn đời con cháu
Để bầy em thơ vui bước đến trường
Bọn bá quyền nước lớn nhiễu nhương
Phải cần thêm bài học Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa thuở trước…

LSG

BLOGGER SỢ CHỮ


Truyện ngắn của Phan Trang Hy

Những ngày Tết, ngoài chuyện đi thăm bà con, bè bạn, tôi lại lên mạng. Các trang mạng đều có lời chúc mừng năm mới, đại ý là chúc sức khỏe, chúc tấn tài, tấn lộc, hạnh phúc, an khang… Dẫu là người khó tính đến mấy đi nữa, nhưng khi đọc những dòng chữ ấy, bạn cũng cảm thấy có chút vui như được nghe lời nói, như thấy được nụ cười lịch thiệp, chân tình của người chúc Tết mình.

Tình cờ, tôi vào một trang blog. Xin phép cho tôi được nêu tên dù có trùng tên của ai đó. Xin chớ hiểu lầm tôi. Tên trang mạng là Blogger sợ chữ. Quả là tên gây ấn tượng!

Nếu bạn đọc những gì đã lưu trữ, liên kết trên trang mạng này, bạn sẽ thấy tay chủ blog này là tay sính chữ nghĩa, ham lý luận. Hầu hết các bài viết của tác giả đều đụng chạm đến cơm áo gạo tiền, đến con heo, con cá, đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc trong cuộc chiến với Pôn Pôt, với giặc Tàu để giữ từng tấc đất tấc lòng, đến phòng chống tham nhũng, đến luật đất đai… Còn liên kết thì khỏi phải nói, liên kết các tờ báo lớn trong nước, ngoài nước, liên kết với các trang văn học nghệ thuật, liên kết với các trang chính trị, trang blog khác… Nhìn chung, chỉ cần vào trang này, bạn có thể đi tất cả các trang khác. Không sợ tường lửa, không sợ bị mất mật mã, không sợ ai theo dõi, không sợ thiếu chữ nghĩa trên đời này. Kể cũng tiện lợi thiệt, nếu vào trang mạng của hắn ta. Chuyện xưa, chuyện nay đều có; chuyện Đông, chuyện Tây cũng có; chuyện đẻ, đái, chuyện đánh nhau, chuyện chiến tranh, hòa bình, chuyện thiên tai, chuyện thử vũ khí hạt nhân, chuyện hiếp dâm, chuyện bầu Giáo hoàng cũng có… Tất cả có! Nếu mệt, bạn cứ mở trang liên kết thư giãn, có thể đó là trang có những giai điệu tuyệt vời của nhạc thính phòng, có thể là giai điệu nhạc trẻ. Có thể đó là trang mạng gợi cảm, gợi dục. Kể cả chuyện bày cách làm tình, cách sử dụng sextoy, nếu bạn cần.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

THƯ CẢM ƠN




DANH SÁCH TÁC GIẢ_TÁC PHẨM TRONG TUYỂN THƠ" MỘT NỬA TRĂM TRỨNG"



1.THẦY TRƯƠNG VĂN PHÓ
NIỀM MƠ.
2 . THẦY NGUYỄN PHÚ LONG
ẢO TỰỢNG.
3.THẦY NGUYỄN PHÚ LONG
TRƯỜNG XƯA
4. THẦY NGUYỄN VĂN NGỌC
NGÀY VỀ, QUA ĐÒ CUỐI NĂM
5. THẦY NGUYỄN VĂN NGỌC
MỘT KHOẢNG TRỜI ĐÀ NẴNG CỦA TÔI
6.THẦY NGUYỄN ĐỨC BẠN
ÔNG GIÁO GIÀ VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ
7 .CÔ ĐOÀN THỊ NHỎ
CÕI ĐÔNG GIANG
8.ĐỖ KỲ HƯNG [K6]
NHỚ
9.ĐOÀN QUÂN [K3]
VẦNG TRĂNG CỔ TÍCH
10.ĐOÀN QUÂN [K3]
MỘC UYỂN
11.HÀ THỊ LỆ HÀ [K8]
HUYỀN HOẶC ĐÊM BAN MÊ
12.HỒ VĂN DƯ [K3]
ĐÀ NẴNG NGÀY XƯA ĐÓ
13.HUỲNH QUANG TRÍ [K6]
NHẮN NHỦ
14.HUỲNH THỊ THIỆP [K10]
MẸ, CÁNH DIỀU MƠ ƯỚC
15.HUỲNH THỊ THÙY [K10]
NHỚ TRƯỜNG
16. HUỲNH VĂN MƯỜI [K7]
MỘT MAI LÁ BỎ
17.HUỲNH VĂN MƯỜI [K7]
TÔI ĐÃ GẶP NHƯ LÀ NGỌN LỬA
18.HUỲNH VĂN MƯỜI [K7]
GỬI CHI THANH NIÊN XUNG PHONG NGÀY ẤY
19.LSG [K6]
TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG
20.MAI MỘNG TƯỞNG [K6]
VỚI THẦY
21.MAI MỘNG TƯỞNG [K6]
RỒI EM LẠI VỀ
22.MAI TỰ TẠO [K3]
TA CHỞ EM VỀ SAU 30 NĂM
23.NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG [K10]
NHỚ VỀ HỘI AN
24. NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG [K10]
QUÊ NGOẠI
25.NGUYỄN ĐẠI BỪỜNG [K10]
18 THÁNG 3
26.NGUYEN HẠ PHƯƠNG [K5]


FANTAISIE 1

27.NGUYỄN HỮU THỤY [K3]
KHI XA QUÊ NHỚ NHỮNG TÊN LÀNG
28.NGUYỄN HỮU THỤY [K3]
NGỒI QUÁN
29.NGUYỄN HỮU THỤY [K3]
BÊN TRỜI THƯƠNG NHÓ
30.NGUYỄN LINH PHỰỢNG [K9]
THÁNG BA, MỘT THOÁNG ĐÀ NẴNG
31. NGUYỄN LINH PHƯỢNG [K9]
CHIỀU TÀ
32.NGUYỄN TẤN LỰC [K6]
MỘT MAI EM VỀ
33. NGUYỄN TẤN LỰC [K6]
CHO NGƯỜI TÓC TRẮNG
34.NGUYỄN THIÊN CHƯƠNG [K9]
QUÊ XỨ THANH BÌNH
35. NGUYỄN THIÊN CHƯƠNG [K9]
CÂU HÁT MƯỜI NĂM
36.PHẠM THƯ CƯU [K4]
ĐƯỜNG TRỞ VỀ
37.PHAN MẠNH THU [K10]
NHỚ KHÚC SÔNG QUÊ
38.PHAN MẠNH THU [K10]
KHI EM MƯỜI SÁU
39.PHAN THANH BÌNH [K5]
QUANH TÔI NHƯ THỂ HOÀ BÌNH
40.PHAN THANH BÌNH [K5]
HÁT LỜI VUI HÓA GIẢI
41.PHAN THANH CƯƠNG [K8]
GIỌT NƯỚC
42.PHAN THANH CƯƠNG [K8]
BÊN NÀY, BÊN KIA
43. PHAN THANH MINH [K9]
ĐÔNG GIANG, ĐỊA CHỈ TRƯỜNG TÔI
44.TAPHANMINH [K7]
LỆ MỸ TRẦN THỊ
45.TIỂU KHÊ [K7]
TUYÊN HỨA MỘT LỜI.
46.TRẦN PHÚ DŨNG [K8]
CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG
47.VŨ ĐAN HUYỀN [K7]
PHIÊN KHÚC VALENTIN 012
48.VŨ ĐAN HUYỀN [K7]
MẸ ƠI
49. VU GIA [K7]
HƯƠNG ĐẤT
50. VU GIA [K7]
CÓ THỂ TA ĐÃ TỪNG…
                                                                                  

 
 

CỰU HỌC SINH ĐÔNG GIANG – HOÀNG HOA THÁM SÀI GÒN HỌP MẶT THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 9


Khác hẳn với tám lần họp mặt cựu học sinh Đông Giang – Hoàng Hoa Thám Sài Gòn trước đây, địa điểm tổ chức thường được chọn là một nhà hàng nhỏ, quanh quẩn trong khu vực Tân Bình. Riêng năm nay, các anh chị trong ban tổ chức đã lựa chọn một địa điểm khác hoành tráng hơn, để tổ chức họp mặt thường niên lần thứ chín, vì đây cũng là năm trường trung học Đông Giang – Hoàng Hoa Thám tròn năm mươi tuổi (15/9/1963 – 15/9/2013). Nhân dịp này các anh chị cũng cho ra mắt tập thơ Một Nửa Trăm Trứng, tác giả chính là các cây bút nghiệp dư của Đông Giang – Hoàng Hoa Thám.

Sáng ngày 10 tháng 3 năm 2013, tại nhà hàng Thủy Tạ nằm trong khu du lịch Đầm Sen, trong ánh nắng ấm áp của mùa xuân, lúc mười giờ sáng các anh chị cựu học sinh tại Sài Gòn và các vùng phụ cận như: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột, Đồng Nai đã tụ về khá đông đủ. Có anh chị ở Đà Nẵng cũng bay vào và đặc biệt còn có người ở xa cả nửa vòng trái đất như: Huỳnh Thị Thùy, Nguyễn Thị Thanh Nhạn cũng về góp mặt.
Chương trình mở màn với bài hợp ca Ngày Xưa Hoàng Thị, đây là bài hát đã trở thành thương hiệu của Đông Giang Sài Gòn, bài hát để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng những người có mặt, bởi ai cũng từng có một thời như thế…
Sau phần giới thiệu chương trình họp mặt, là phần giới thiệu các thầy cô tham dự gồm: Thầy Phú Long, cô Hoàng Mai và cô Kim Huê, khách mời trường bạn Sao Mai năm nay có cả thầy cố vấn Lê Quang Văn… các dâu rể và con cháu Đông Giang về cũng khá đông, thầy Phú Long và thầy Quang Văn thay mặt cho các thầy cô chia sẻ những cảm xúc trong lòng với học trò.
Cũng trong lần họp mặt này, ban đại diện cũ của Đông Giang – Hoàng Hoa Thám Sài Gòn gồm: Chị Hồ Thị Bích Hà, chị Lưu Bích Ngọc, anh Nguyễn Xuân Thông và anh Trương Văn Dũng đã xin từ nhiệm. Anh Trương Văn Dũng thay mặt tổng kết lại hoạt động của Đông Giang – Hoàng Hoa Thám Sài Gòn trong suốt tám năm qua như: Thăm viếng thầy cô trong những ngày đau ốm hoặc những dịp lễ tết, góp chung niềm vui khi gia đình bạn bè có chuyện vui, hoặc chia sẻ an ủi nhau khi bạn bè có những chuyện buồn và hằng năm cứ đến chủ nhật tuần thứ 3 của tháng giêng là lại họp nhau, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng… mà điểm son là ở nhà hàng My My, là Buôn mê Thuộc, là Cù lao Chàm v.v… Những lời cuối cùng với tư cách thành viên ban đại diện của anh thật sâu lắng và cảm động… Mong rằng dù từ nhiệm, các anh chị vẫn ở phía sau sát cánh hỗ trợ cho ban đại diện mới, để những lần họp mặt sau càng thành công hơn nữa. Ban đại diện mới sẽ gồm anh Đỗ Xuân Khẩn, chị Thúy Liễu và một số anh chị khác chúng ta sẽ biết sau… ngoài ra còn có vài em Hoàng Hoa Thám cũng tham gia trong ban mới này.
à
Nhân đây cũng xin được cám ơn anh Hữu Thụy, anh Việt Bình, chị Lệ Hà, anh Thiên Chương và một số các anh chị khác… đã thầm lặng đóng góp rất lớn cho những lần họp mặt và nhất là dù cuộc sống vẫn còn những khó khăn, các anh chị cũng đã cố gắng để cho ra đời tập thơ MỘT NỬA TRĂM TRỨNG.
Bữa trưa ấm cúng thân mật xen kẽ với phần văn nghệ, màn song ca bài Trường Làng Tôi của Lệ Hà và Bích Ngọc, gợi nhớ về những ngày Đông Giang mới thành lập, với vài phòng ốc nằm trơ trọi trên bãi cát dài rát bỏng.

Các giọng ca khác của Đông Giang như chị Ngọc Qúy k6, anh Đỗ Thanh k6, Chị Bích Hà k7, Phan Hồ Duyên k8… đều hát thật hay. Các em cựu học sinh Hoàng Hoa Thám lần đầu tiên tham dự buổi họp mặt, cũng góp vui bằng những giọng ca rất ấn tượng, giọng ca của trường Sao Mai cũng thật tuyệt vời. Màn đấu giá ba bức tranh được làm từ gốc thông năm mươi năm tuổi và một bình gốm có chữ ký của các cựu học sinh Đông Giang nhằm gây quỹ, cũng được các anh chị tham gia thật hào hứng sôi nổi.




Đông Giang năm nay có thêm một MC mới là anh Đỗ Xuân Khẩn k6, với tính hài hước dí dỏm vốn có, anh đã cùng Lưu Bích Ngọc và Trương Văn Dũng làm cho buổi họp mặt thêm phần sinh động.
Đến hơn hai giờ chiều, thay mặt ban tổ chức anh Nguyễn Việt Bình trao quà lưu niệm cho các thành viên tham dự, mọi người bắt tay chào tạm biệt nhau và ra về trong lưu luyến. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, nhưng những cung bậc cảm xúc thì còn lại mãi, qua đó sẽ thấy cuộc sống đáng yêu hơn, dù chúng ta đang đi dần về phía chặng cuối của cuộc đời, có người không ngần ngại hứa hẹn: “Còn hơi thở… sẽ còn gặp lại nhau”


Cám ơn các anh chị trong ban tổ chức, những người rất mực yêu mến một thời áo trắng, yêu mến ngôi trường mang tên Đông Giang, đã tạo cơ hội để cho những người bạn học cùng lớp, cùng trường ngày xưa, ở khắp mọi nơi có dịp tìm về bên nhau, gặp gỡ chuyện trò, cùng góp nhặt khơi gợi lại những buồn vui từ lâu đã ngủ sâu trong miền ký ức. Chúng ta tất cả bây giờ đều đang ở buổi hoàng hôn, còn có cơ hội gặp lại nhau như thế này là điều rất quý giá. Mùa xuân vẫn còn đang hiện diện quanh đây và sẽ còn những mùa xuân nữa, chúng ta lại được ngồi cùng nhau hàn huyên chuyện một thời và chắc chắn rằng ngôi trường mang tên Đông Giang mãi mãi là ngôi trường trong ký ức của mỗi chúng ta.


PHAN MẠNH THU – K9

Xin mời Quý thầy cô, anh chị xem thêm hình ảnh trong slide show
Xin mời xem Video họp mặt