Tản văn của Phan Trang Hy
Những ngày
cuối tháng Ba, giòng sông Hàn khẩn trương những giai điệu rộn ràng của
trời xuân Đà Nẵng. Những bụi mù, những khói dầu, những tiếng động, những
giọt mồ hôi, những bữa cơm ăn vội… cũng không làm mệt những người thợ
đang làm nốt những việc để hoàn thiện những chiếc cầu nối hai bờ giòng
sông giữa lòng thành phố.
Xưa phố bên sông. Giờ sông giữa phố. Và, giờ sông đẹp thêm nhờ những chiếc cầu.
Đã qua những ngày vui khi Cầu Sông Hàn nối lòng người Đà Nẵng lại
với nhau. Nối lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng lại với nhau. Mừng Cầu
Sông Hàn những người con Đất Quảng từ Tiên Phước, Hiên, Giằng đến Duy
Xuyên, Đại Lộc, từ Chu Lai, Thăng Bình đến Cửa Đại, Điện Bàn, từ Hà Nội,
Hải Phòng đến Sài Gòn, Đất Mũi… cũng về chung vui. Những người con
Quảng Nam, Đà Nẵng nối tình anh em ruột thịt của Vu Gia, Thu Bồn, của Bà
Nà, Non Nước… bên giòng sông quê Mẹ.
Rồi những chiếc cầu mới
nối tiếp, những chiếc cầu nối đôi bờ giòng sông Hàn chảy ra Biển Đông.
Chợt trong tôi vang lên lời ca của một ai đó: Cầu này cầu ái, cầu ân…Có
phải những chiếc cầu trên sông Hàn là cầu ái, cầu ân? Tôi không nghĩ chữ
ái ân của chuyện vợ chồng, của những người bạn tình khác giới. Tôi đang
nghĩ đến chữ ái, chữ ân trong lời ca ái tử, trong nỗi lòng ái quốc,
trong ân tình, ân nghĩa thủy chung.
Và trong tôi vang lên lời
ca Nhịp cầu nối những bờ vui. Lời bài hát ngày nào vẫn như vang trong
từng con phố, như thấm trên từng cây lá hai bờ sông Hàn, như lung linh,
nhảy múa trên những đèn trang trí, như rộn ràng khúc nhạc biến tấu của
giai điệu đường phố trên đường Bạch Đằng, như cánh diều trên bãi biển Mỹ
Khê, như những nụ cười rạng rỡ dưới những màn pháo hoa kỳ thú…
Nhịp cầu nối những bờ vui và những chiếc cầu nối những những bờ vui.
Nối cả niềm tin yêu, nối cả gương mặt của tiền nhân với con cháu, nối cả
đất liền với biển đảo, nối truyền thống Diên Hồng, Chi Lăng, Đống Đa
với Phú Lâm, Gạc Ma. Trong tôi hiện lên điều ước. Ước gì có ngày nào đó,
chiếc Cầu Rồng hướng ra Biển Đông có phép thần vươn mình ra tới tận
Hoàng Sa, nối bán đảo Sơn Trà với quần đảo Cát Vàng, để Hoàng Sa mãi là
của Việt Nam như trong sử sách.
Cách Cầu Rồng về phía Nam
không xa là chiếc cầu mang hình dáng chiếc thuyền với cánh buồm duyên
dáng. Tôi ước cánh buồm đó nối những chuyến tàu từ Đà Nẵng tới mọi miền
của Tổ quốc. Nối Đà Nẵng với Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ,
Hạ Long, Cồn Cỏ… Nối Đà Nẵng với biết bao cảng trên khắp hành tinh này.
Tôi tin Rồng và cánh buồm nối khí thiêng dân tộc đến với con cháu
Quảng Nam - Đà Nẵng hôm nay, nối anh linh tiền nhân đến với thế hệ mai
sau bằng niềm tin và nghị lực, bằng sự yêu thương, hóa giải của mọi con
dân nước Việt.
Trong tôi, những chiếc cầu trên sông Hàn như
nối đêm với ngày, như nối tình yêu, ân nghĩa, nối khát vọng lớn lao, nối
lòng bao dung, đạo làm người, nối bao điều tốt đẹp đến với cuộc sống
hôm nay. Tôi tin chắc một điều là lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng nối kết
thành một khối vì thành phố của mình. Lòng người Đất Quảng cũng mong
kết nối với đồng bào mình đang làm ăn, sinh sống khắp năm châu, cùng với
bạn bè chân tình trên thế giới.
Trong tôi rộn lên lời bài hát: Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta…
Tôi đứng ở hữu ngạn sông Hàn nhìn những chiếc cầu như nối nụ tin yêu ngày mới.
Đà Nẵng, tháng Ba - 2013
Phan Trang Hy
( Phan thanh Bình K5 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét