Nhân Mùa Vu lan, chúng tôi xin giới thiệu bài MÙA VU LAN, NHỚ CHUYỆN ĐỜI CỦA ME một câu chuyện về đời của Mẹ anh Đỗ Xuân Quang CHS Phan Châu Trinh, anh là thân hữu trang ĐG-HHT:
Mẹ đã biết.
Con không phải là một Phật tử thuần thành và ngoan đạo. Nhưng, mỗi mùa Vu Lan về, con lên Chùa thắp nhang dâng Mẹ. Cơ hồ, mùi nhang thơm, ngun ngút khói hương vàng quyện vào không gian, con nhớ Mẹ quay quắt. Lòng con se thắt lạ thường. Hai chữ báo hiếu giày vò ký ức con. Tự nhủ thầm : Con đã làm được gì cho Mẹ ? Bổn phận làm con, chưa tròn chữ hiếu thì Mẹ đã ra đi.
Ngày xưa.
Từ khi còn nhỏ con thích bài thơ, và bản nhạc "Bông hồng cài áo".Nhưng, mỗi khi đọc hay nghe bài thơ nầy lòng con âu lo sợ sệt, bị ám ảnh vẩn vơ rồi thậm chí đâm ra suy nghĩ bâng quơ , trong khi Mẹ còn sống. (Trích)“Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ.
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn”.
Thế rồi, chuyện gì đến, đã đến. Mẹ của chúng con đã ra đi, đi biền biệt và vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại. Chuyến đi nầy của Mẹ, không như những lần Mẹ đã đi trong đời làm người lắm nỗi truân chuyên.Mẹ đi thật rồi, cho dù chúng con đã trở về ! (Trích)“Rủi mai này Mẹ hiền mất đi.
Như đóa hoa không có mặt trời
Như trẻ thơ không có nụ cười”...
Làm sao có được nụ cười, khi :
“Mẹ hiền đi chuyến chợ xa,
Mùi Mẹ, cánh Hạc bay ra cõi Trời.
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền…”
(Thơ ĐHS)Đằng đẵng thời gian lâu lắm rồi, lâu hơn tuổi đời của con. Con không nhớ bắt đầu từ cơ duyên nào Mẹ gặp Cha. Nhưng, có lẽ khi Nội qua đời lúc Cha vừa lên năm. Ba năm, mãn tang chồng, Bà Nội tái giá, Hai Cô về nhà chồng cùng ngược dòng sông Vu Gia, đôi bờ quê hương, bên lở bên bồi tận miệt đầu nguồn, làng An Điềm và Đại Hồng, Đại Lãnh. Để tránh sự khổ cực ở quê nhà, mười hai tuổi đầu, côi cút một mình, không nơi nương tựa Cha thoát ly đi Trong rồi gặp Mẹ, một cô y công làm việc tại bệnh viện An Khê, Bình Định. Theo lời kể : Mẹ vừa trẻ, vưà đẹp, hai má trắng ngần, trông như hai quả trứng gà luộc, lột vỏ, đã trải lòng thương Cha, một chàng thanh niên chân đất từ gốc rạ Quảng Nam, đơn thương độc mã, thân lập lấy thân. Cha đã ngược xuôi đó đây : Từ Phan Rang ra Diêu Trì rồi lên tận cao nguyên, miệt đồn điền Trà Biển Hồ, Pleiku suốt thời gian đất nước còn nằm trong tay đô hộ của người Pháp. Cuối cùng, Ngoại chấp thuận lời Cha cầu hôn , rồi cho phép đưa Mẹ rời làng Dương An về quê chồng trong lúc Mẹ đang mang thai đứa con đầu lòng. Quyết định về lại quê cha đất tổ là ý muốn của Cha. Như định mệnh an bài, Mẹ ngoan ngoãn khăn áo theo chồng không do dự cho trọn chữ “tào khang”. “Đời người con gái, xuất giá tùng phu", nơi xứ lạ quê người. Về lại nhà, Cha thi thố tài năng. Khởi đầu từ túp lều tranh trên nền đất, không vách chật hẹp mà Cha đã vội vàng dựng lên sau góc vườn nhà ông Nội Chú cho kịp ngày Mẹ khai hoa nỡ nhụy đứa con trai đầu đời, năm 1937. Rồi, đến những công trình nhà máy dẩn thuỷ nhập điền,mà Cha đã ra công hiệp lực với những người thân quen qua chương trình giúp đỡ cho vay vốn từ ngân hàng Quốc Gia Nông Tín Cuộc của chính phủ đương thời mục đích cải tiến ngành nông nghiệp ,đem lại no cơm ấm áo cho làng, cho xã. Kết qủa, nhà nhà với trâu đôi, lúa bồ, lúa ví sau hai vụ mùa năng suất bội thu thay vì những cánh đồng lúa gieo, mỗi năm một mùa từ bao đời ông bà, Tổ Tiên di truyền lại, chỉ phó thác ơn mưa móc Thiên Địa. Họa hoằn năm nào, may mắn mưa thuận gió hòa dân làng kiếm thúc chắc rồi để dành, để để ăn tiện tặng sao cho giáp hột đến vụ mùa sang năm, hạt ngọc của Trời. Từ đây, nhà Mẹ xây cao, cửa rộng. Mọi người trong thôn trong xóm, ai ai cũng trằm trồ như lời Bác Cữu Xoa để lại : “Căn nhà ngói quà và bầy bò đỏ đồng Ô Gia của chú Hương Quyền” lúc bấy giờ…
Cha bận rộn công việc nông tang, điền địa từ làng Quảng Đợi, làng Khánh Vân đến làng Ô Gia qua những cánh đồng ruộng lúa bạt ngàn. Mẹ âm thầm ở nhà thủ thường chăm sóc con cái, lo cái ăn, cái mặc. Và, từ đó nhân số nhà Mẹ lên đôi lên ba, mặc Cha tung hoành ngang dọc, bương chải sớm trưa xây dựng tổ ấm gia đình. Nhà mình bắt đầu ăn nên làm ra hiếm thấy. Bạn bè, họ hàng bên chồng ngày lại càng đông. Những lần giỗ chạp hay hội hè đình đám, một tay của Mẹ lo toan, Cha được nở mày nở mặt, vì Mẹ đã làm quan cho chồng trước thiên hạ. Mẹ đón nhận những khen tặng ngọt ngào như đốt mía mưng lùi tro không bằng :” Đàn bà Bình Định sao mà giỏi giang lắm vậy” !.Rồi chiến tranh năm 1945 nóng bỏng, Mẹ gánh nặng vác nhẹ, anh trước, chị sau chạy tản cư vào tận đập Mỹ Sơn, rồi qua làng Duy Hưng hay Duy Nhứt tìm nơi trú ẩn bao bọc cho hai đứa con đầu của Mẹ. Sau khi hết bom đạn giặc Tây đi lùng và khủng bố, trở về làng thì ngôi nhà của Mẹ đã cháy ruị tan hoang trên đống tro tàn, ngun ngút khói bay lạnh lùng. Giặc đã đốt phá, thiêu hũy tất cả, không chừa một tấm tranh, cộng rạ che mưa, đụt nắng...
Cha lại ra công gầy dựng, Mẹ tiếp tục chăm lo anh chị. Rồi trên đà thăng tiến, nhà mình đã có đến sáu anh chị em. Sáu người con, mười hai tính. Nhưng, chúng con không hề thấy Mẹ giận hờn hay than phiền, tiếng to tiếng nhỏ. Đứa ngoan, đứa hư Mẹ chỉ âm thầm, chiều chuộng, không một lần nặng lời trách móc, muộn phiền.
Tưởng rằng đứa con trai út của Mẹ ra đời như để chào đón những năm hoà bình sau 1954. Nhưng oan nghiệt thay, đứa em của chúng con đã chết đột ngột trong vòng tay ấm êm của Mẹ, nơi quê nghèo, không một lời lý giải. Duy chỉ thấy toàn thân người em nổi lên những đốm bầm màu tim tím. Người anh cả chúng con chưa kịp tiễn em ra đi lần cuối, thì lệnh lên đường thi hành nghĩa vụ quân dịch cùng đến. Mẹ khóc than, âu sầu não nuột… Ở vào tuổi lên năm lên sáu, con đã chứng kiến Mẹ khóc vật vã bên giường. Mẹ nức nở ôm đứa con bé bỏng trong tay, ấn sát vào lòng như cố chuyền hơi thở ấm áp của Mẹ cho em,cho tim em sống dậy,cho con của Mẹ lần cuối...Chúng con không biết còn đau đớn nào hơn. Cùng trong một ngày,trên đường đưa đứa con út của Mẹ ra nghĩa trang, trước mặt là quan tài của em, sau lưng là đứa con đầu lòng của Mẹ đang từng bước bên bờ tre,nương ruộng rời làng ra đi cuối Hè 1958, đợt quân dịch đầu tiên cho những thanh niên, trai làng sinh năm 1937... Còn cảnh đời nào đau khổ hơn đến với Mẹ!. Nghịch cảnh đã bố thí những oan khiêng chồng chất dập dồn, lòng Mẹ như mũi dao nhọn, cắt đoạn từng cơn ! Con hình dung và nghĩ như thế, có phải không Mẹ ?...
Trở về nhà sau khi chôn cất em. Mất con, vắng người con trai cả, Mẹ ngả người giữa nhà khóc tức tưởi, không nghĩ đến sức khỏe của Mẹ, dường như Mẹ muốn chết thay em, muốn ra đi thay anh...rồi Mẹ héo hon và trầm lặng hơn xưa…Cha đã mất nhiều ngày dỗ dành an ủi, vỗ về Mẹ. Mẹ chỉ có Cha, người bạn đời đồng hành, cùng nhau âm thầm chịu đựng và chấp nhận những trái ngang và ói ăm đang ập đến.
Gia đình mình bắt đầu đi xuống từ đó. Người con lớn thay Cha lo công ăn việc làm mỗi ngày đã ra đi. Cha ngả bịnh.Cơ ngơi sự nghiệp dần dà được đổi, bán hoặc thế chấp cho người chú, ông bác để lo chạy chữa cho Cha. Bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai mảnh khảnh của Mẹ hiền. Xưa nay Mẹ ẩn náu sau lưng Cha lo việc hậu trường. Nay, Mẹ ra quân tham trận. Ở miền quê , không tay cấy tay cày. Mẹ chuyển qua hướng dẩn các anh chị trồng cà, gieo bí ở mái hiên trước, bờ ao sau vườn một cách thật tháo vát, chuyên nghiệp. Nhưng, sức lực của Mẹ có hạn nên cà và bí bán ra cũng không kịp đủ để chạy thuốc cho Cha. Thầy lang từ xóm trong làng ngoài bó tay. Và, của cải dành dụm lâu nay cũng lặng lẽ đội nón ra đi và âm thầm bay theo thời gian, không còn một thứ gì giá trị để đổi hoặc bán nữa. Nhưng Mẹ cũng không bỏ cuộc : Vay kẻ ở làng trên, mượn người xóm dưới để mong chữa lành bịnh cho Cha. Rồi, Mẹ đưa cha qua quận, hay xuống Phố, ra Hàn mà bịnh tình của Cha cũng không thuyên giảm.
Sau cùng, Mẹ nguyện với lòng : Dù mệnh hệ nào xảy ra giữa đường, Mẹ cũng phải đưa Cha đến tận Sài Gòn để chạy chữa và cứu Cha cho bằng được và Mẹ đã làm như vậy. Bà con chú bác còn dặn dò trước khi võng cha lên đường đúng vào ngày giữa Đông 1958 rằng :” Trên đường đi, nơi nào cũng có nhà thương, nhỡ có điều chi, Chị, Thiếm vào ngay đó, nhờ giúp đỡ” !