Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Mùa Vu Lan, nhớ chuyện đời Mẹ

Nhân Mùa Vu lan, chúng tôi xin giới thiệu bài MÙA VU LAN, NHỚ CHUYỆN ĐỜI CỦA ME một câu chuyện về đời của Mẹ anh Đỗ Xuân Quang CHS Phan Châu Trinh, anh là  thân hữu trang ĐG-HHT:


Mẹ đã biết.
Con không phải là một Phật tử thuần thành và ngoan đạo. Nhưng, mỗi mùa Vu Lan về, con lên Chùa thắp nhang dâng Mẹ. Cơ hồ, mùi nhang thơm, ngun ngút khói hương vàng quyện vào không gian, con nhớ Mẹ quay quắt. Lòng con se thắt  lạ thường. Hai chữ báo hiếu giày vò ký ức con. Tự nhủ thầm : Con đã làm được gì cho Mẹ ? Bổn phận làm con, chưa tròn chữ hiếu thì Mẹ đã ra đi.

Ngày xưa.
Từ khi còn nhỏ con thích bài thơ, và bản nhạc "Bông hồng cài áo".Nhưng, mỗi khi đọc hay nghe bài thơ nầy lòng con âu lo sợ sệt, bị ám ảnh vẩn vơ rồi thậm chí đâm ra suy nghĩ bâng quơ , trong khi Mẹ còn sống. (Trích)
“Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ.
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn”.

Thế rồi, chuyện gì đến, đã đến. Mẹ của chúng con đã ra đi,  đi biền biệt và vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại. Chuyến đi nầy của Mẹ, không như những lần Mẹ đã đi trong đời làm người lắm nỗi truân chuyên.Mẹ đi thật rồi, cho dù chúng con đã trở về ! (Trích)“Rủi mai này Mẹ hiền mất đi.
Như đóa hoa không có mặt trời
Như trẻ thơ không có nụ cười”...

Làm sao có được nụ cười, khi  :

“Mẹ hiền đi chuyến chợ xa,
Mùi Mẹ, cánh Hạc bay ra cõi Trời.
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền…”
(Thơ ĐHS)Đằng đẵng  thời gian lâu lắm rồi, lâu hơn tuổi đời của con. Con không nhớ bắt đầu từ cơ duyên nào Mẹ gặp Cha. Nhưng, có lẽ khi Nội qua đời lúc Cha  vừa lên năm. Ba năm, mãn tang chồng, Bà Nội tái giá, Hai Cô về nhà chồng cùng ngược dòng sông Vu Gia, đôi bờ quê hương, bên lở bên bồi tận miệt đầu nguồn, làng  An Điềm và Đại Hồng, Đại Lãnh. Để tránh sự khổ cực ở quê nhà, mười hai tuổi đầu, côi cút một mình, không nơi nương tựa Cha thoát ly đi Trong rồi gặp Mẹ,  một cô y công làm việc tại bệnh viện An Khê, Bình Định. Theo lời kể : Mẹ vừa trẻ, vưà đẹp, hai má trắng ngần, trông như hai  quả trứng gà luộc, lột vỏ, đã trải lòng thương Cha, một chàng thanh niên chân đất từ gốc rạ Quảng Nam, đơn thương độc mã, thân lập lấy thân. Cha đã ngược xuôi đó đây : Từ Phan Rang ra Diêu Trì rồi lên tận cao nguyên, miệt đồn điền Trà Biển Hồ, Pleiku suốt thời gian đất nước còn nằm trong tay đô hộ của người Pháp. Cuối cùng, Ngoại chấp thuận lời  Cha cầu hôn , rồi cho phép đưa Mẹ rời làng Dương An về quê chồng trong lúc Mẹ đang mang thai đứa con đầu lòng. Quyết định về lại quê cha đất tổ là ý muốn của Cha. Như định mệnh an bài, Mẹ ngoan ngoãn khăn áo theo chồng không do dự cho trọn chữ “tào khang”. “Đời người con gái, xuất giá tùng phu", nơi xứ lạ quê người. Về lại  nhà, Cha thi thố tài năng. Khởi đầu từ túp lều tranh trên nền đất, không vách chật hẹp mà Cha đã vội vàng dựng lên sau góc vườn nhà ông Nội Chú cho kịp ngày Mẹ khai hoa nỡ nhụy đứa con trai đầu đời, năm 1937. Rồi, đến những công trình nhà máy dẩn thuỷ nhập điền,mà Cha đã ra công hiệp lực với những người thân quen qua chương trình giúp đỡ cho vay vốn từ ngân hàng Quốc Gia Nông Tín Cuộc của chính phủ đương thời mục đích cải tiến ngành nông nghiệp ,đem lại no cơm ấm áo cho làng, cho xã. Kết qủa, nhà nhà  với trâu đôi, lúa bồ, lúa ví sau hai vụ mùa năng suất bội thu thay vì những cánh đồng lúa gieo, mỗi năm một mùa từ bao đời ông bà, Tổ Tiên di truyền lại, chỉ phó thác ơn mưa móc Thiên Địa. Họa hoằn năm nào, may mắn mưa thuận gió hòa dân làng kiếm thúc chắc rồi để dành, để để ăn tiện tặng sao cho giáp hột đến vụ mùa sang năm, hạt ngọc của Trời. Từ đây, nhà Mẹ xây cao, cửa rộng. Mọi người trong thôn trong xóm, ai ai cũng trằm trồ như lời Bác Cữu Xoa để lại : “Căn nhà ngói quà và bầy bò đỏ đồng Ô Gia của chú Hương Quyền” lúc bấy giờ…
Cha bận rộn công việc nông tang, điền địa từ làng Quảng Đợi, làng Khánh Vân đến làng Ô Gia qua những cánh đồng ruộng lúa bạt ngàn.  Mẹ âm thầm ở nhà thủ thường chăm sóc con cái, lo cái ăn, cái mặc. Và,  từ đó nhân số nhà Mẹ lên đôi lên ba, mặc Cha tung hoành ngang dọc, bương chải sớm trưa xây dựng tổ ấm gia đình. Nhà mình bắt đầu ăn nên làm ra hiếm thấy. Bạn bè, họ hàng bên chồng ngày lại càng đông. Những lần giỗ chạp hay hội hè đình đám, một tay của Mẹ lo toan, Cha được nở mày nở mặt, vì Mẹ đã làm quan cho chồng trước thiên hạ. Mẹ đón nhận những khen tặng ngọt ngào như đốt mía mưng lùi tro không bằng  
:” Đàn bà Bình Định sao mà giỏi giang lắm vậy” !.Rồi chiến tranh năm 1945 nóng bỏng, Mẹ gánh nặng vác nhẹ, anh trước, chị sau chạy tản cư vào tận đập Mỹ Sơn, rồi qua làng Duy Hưng hay Duy Nhứt  tìm nơi trú ẩn bao bọc cho hai đứa con đầu của Mẹ. Sau khi hết  bom đạn giặc Tây đi lùng và khủng bố, trở về làng thì ngôi nhà của Mẹ đã cháy ruị tan hoang trên  đống tro tàn, ngun ngút khói bay lạnh lùng. Giặc đã đốt phá, thiêu hũy tất cả, không chừa một tấm tranh, cộng rạ  che mưa, đụt nắng...
Cha lại ra công gầy dựng, Mẹ tiếp tục chăm lo anh chị. Rồi trên đà thăng tiến, nhà mình đã có đến sáu anh chị em. Sáu người con, mười hai tính. Nhưng, chúng con không hề thấy Mẹ giận hờn hay than phiền, tiếng to tiếng nhỏ. Đứa ngoan, đứa hư Mẹ chỉ âm thầm, chiều chuộng, không một lần nặng lời trách móc, muộn phiền.
Tưởng rằng đứa con trai út của Mẹ ra đời như để chào đón những năm hoà bình sau 1954. Nhưng oan nghiệt thay, đứa em của chúng con đã chết đột ngột trong vòng tay ấm êm của Mẹ, nơi quê nghèo, không một lời lý giải. Duy chỉ thấy toàn thân  người em nổi lên những đốm bầm màu tim tím. Người anh cả chúng con chưa kịp tiễn em ra đi lần cuối, thì lệnh lên đường thi hành nghĩa vụ quân dịch cùng đến. Mẹ khóc than, âu sầu não nuột… Ở vào tuổi lên năm lên sáu, con đã chứng kiến Mẹ khóc vật vã bên giường. Mẹ nức nở ôm đứa con bé bỏng trong tay, ấn sát vào lòng như cố chuyền hơi thở ấm áp của Mẹ cho em,cho tim em sống dậy,cho con của Mẹ lần cuối...Chúng con không biết còn đau đớn nào hơn. Cùng trong một ngày,trên đường đưa đứa con út của Mẹ ra nghĩa trang, trước mặt là quan tài của em, sau lưng là đứa con đầu lòng của Mẹ đang từng bước bên bờ tre,nương ruộng rời làng ra đi cuối Hè 1958, đợt quân dịch đầu tiên cho những thanh niên, trai làng sinh năm 1937... Còn cảnh đời nào đau khổ hơn đến với Mẹ!. Nghịch cảnh đã bố thí những oan khiêng chồng chất dập dồn, lòng Mẹ như mũi dao nhọn, cắt đoạn từng cơn ! Con hình dung và nghĩ như thế, có phải không Mẹ ?...
Trở về nhà sau khi chôn cất em. Mất con, vắng người con trai cả, Mẹ ngả người giữa nhà khóc tức tưởi, không nghĩ đến sức khỏe của Mẹ, dường như Mẹ muốn chết thay em, muốn ra đi thay anh...rồi Mẹ héo hon và trầm lặng hơn xưa…Cha đã mất nhiều ngày dỗ dành an ủi, vỗ về Mẹ. Mẹ chỉ có Cha, người bạn đời đồng hành, cùng nhau âm thầm chịu đựng và chấp nhận những trái ngang và ói ăm đang ập đến. 
Gia đình mình bắt đầu đi xuống từ đó. Người con lớn thay Cha lo công ăn việc làm mỗi ngày đã ra đi. Cha ngả bịnh.Cơ ngơi sự nghiệp dần dà được đổi, bán hoặc thế chấp cho người chú, ông bác để lo chạy chữa cho Cha. Bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai mảnh khảnh của Mẹ hiền. Xưa nay Mẹ ẩn náu sau lưng Cha lo việc hậu trường. Nay, Mẹ ra quân tham trận. Ở miền quê , không tay cấy tay cày. Mẹ chuyển qua hướng dẩn các anh chị trồng cà, gieo bí ở mái hiên trước, bờ ao sau vườn một cách thật tháo vát, chuyên nghiệp. Nhưng, sức lực của Mẹ có hạn nên cà và bí bán ra cũng không kịp đủ để chạy thuốc cho Cha. Thầy lang từ xóm trong làng ngoài bó tay. Và, của cải dành dụm lâu nay cũng lặng lẽ đội nón ra đi và âm thầm bay theo thời gian, không còn một thứ gì giá trị để đổi hoặc bán nữa. Nhưng Mẹ cũng không bỏ cuộc :  Vay kẻ ở làng trên, mượn người xóm dưới để mong chữa lành bịnh cho Cha. Rồi, Mẹ đưa cha qua quận, hay xuống Phố, ra Hàn mà bịnh tình của Cha cũng không thuyên giảm.
Sau cùng, Mẹ nguyện với lòng : Dù mệnh hệ nào xảy ra giữa đường, Mẹ cũng phải đưa Cha đến tận Sài Gòn để chạy chữa và cứu Cha cho bằng được và Mẹ đã làm như vậy. Bà con chú bác còn dặn dò trước khi võng cha lên đường đúng vào ngày giữa Đông 1958 rằng :” Trên đường đi, nơi nào cũng có nhà thương, nhỡ có điều chi, Chị, Thiếm vào ngay đó, nhờ giúp đỡ” !                                                                     


  Nơi thành phố Sài Gòn, không người thân, không họ hàng quyến thuộc, không tiền, không bạc thế mà Mẹ đã vượt qua cứu được Cha, người bạn đời của Mẹ. Người Cha của chúng con bây giờ. Trong khi Cha được nằm dưỡng sức sau lần giải phẩu thập tử nhất sinh vì bệnh khô đường ruột ! Mẹ trở về quê lo gom góp chút đỉnh tiền bạc còn sót lại và vài ba con gà làm quà tạ ơn những công nhân, y tá bác sĩ đã tận tình cứu sống Cha. Chúng con còn nhớ những ổ bánh mì khô, cứng trải qua nhiều ngày,đựng trong chiếc giỏ nhựa xanh mà Mẹ nhịn ăn rồi gói cẩn thận bằng giấy báo nhựt trình mang về quê cho anh em chúng con. Con và đứa em gái út giành nhau, hâm nóng bên ngọn lửa rơm khói đen xì khét lẹt vậy mà ngon. Ăn thật ngon!. Với tình thương mẫu tử, hy sinh, đùm bọc, luôn nghĩ về con của Mẹ. Nên anh em chúng con đã nếm được vị ngon của bánh mì lần đầu tiên trong đời tuổi thơ nơi quê nghèo, xa xôi thị thành.
Khi Cha trở về, căn nhà ngói của Mẹ chỉ còn cái vỏ bề ngoài, gian nhà ngang chứa thóc, hầm khoai trống lổng, đàn bò, vài ba sào ruộng lẻ, và thậm chí, chuồng bồ câu và đàn chim quý hiếm cũng đã ngã sang tay chủ mới. Nhà mình đang rơi vào cảnh cơ hàn...Người thân, bạn bè của Cha không còn lui tới như xưa, những lời dềm pha, châm biếm của bà bác, bà thiếm hay xóm giềng trong những lễ hội, đình đám mà Mẹ là nhân vật chính bắt đầu thay cho những lời khen tặng và chúc tụng rôm rã, dòn tang của nhiều năm về trước! Mẹ không phải là con của ông tri bà huyện xóm trong, xã ngoài về làm dâu xóm dưới. Mẹ cũng không cần có ông mai bà mối thân thuộc giới thiệu về làm vợ người trong tộc, trong họ.  Mẹ tứ cố vô thân nơi quê chồng. Đời Mẹ chỉ có Cha và mấy đứa con của Mẹ.
Trong khi Cha nằm nhà dưỡng bịnh, Mẹ lại ra tay điều binh khiển tướng, Mẹ làm chuồng nuôi gà, xới đất trồng khoai, trồng bí, anh bón phân tưới nước, chị gánh hàng ra chợ, nhà mình tạm có bát cháo, quả trứng qua ngày thay cho những khoai mì, củ sắn triền miên sau những năm tháng tiện tặng dành dụm để chạy chữa cho Cha.
Nhờ những thùng cà, gánh rau và đôi bàn tay khéo léo, mát mẻ vun tỉa của Mẹ mà người con trai thứ hai  được cắp sách đến trường trung học ở ngoài quận lỵ. Hai anh em chúng con đi học thêm với ông Tú ở làng kế bên…
Nhưng hoà bình thật sự như chưa hề có, chính sự miền quê lại rục rịch hâm nóng, ban ngày sinh hoạt có vẻ bình thường, ban đêm nhà nhà cửa đóng then cài, bắt bớ, sát hại nhau giữa đêm khuya, tranh tối tranh sáng…Chiến tranh bắt đầu trở lại trên quê hương nghèo khó sau võn vẹn được mấy năm im tiếng súng. Cha đứng ngồi không yên. Cùng với thiên tai bão lụt, biến cải tang điền. Cha quyết định bỏ quê ra đi và Mẹ cũng là người thừa hành giữa mùa Đông 1964 lạnh lùng, bỏ lại tất cả ruộng vườn bên hàng tre, buội chuối và căn nhà thân yêu của tổ ấm gia đình.
Bãi cát trắng An Hải, rừng thông dương liễu Mỹ Thị, mùi gió biển Mỹ Khê đêm về đón gia đình Mẹ. Mẹ gom đá dựng bếp, nhặt gốc thông già đốt lửa làm cơm, con và em quấn quít theo Mẹ bên bếp lửa lốp đốp đỏ hồng. Nồi cơm trắng, vài ba con cá khô trên chiếc bàn gỗ xiu vẹo, gập ghềnh trên nền nhà đất cát cho bửa cơm tối đầu tiên từ phần thực phẩm cứu trợ nạn nhân chiến cuộc mà Cha nhận lảnh từ trại tỵ nạn Phước Hải phân phát chiều hôm.
Rồi Cha lại có dịp thi thố tài năng. Với tài sản duy nhất còn sót lại là bộ máy bơm nước hiệu Banhard mà Cha đã cho thuê tại làng Thanh Quýt,vốn liếng dành dụm suốt quảng thời gian cần kiệm làm ăn” có miếng dư, miếng để, dè sẻn” nơi quê nhà. Cha bèn ngã giá bán đứt cho Bác Hai Di được hai ngàn đồng bạc làm mốc khởi đầu  gầy dựng lại giang sơn sự nghiệp. Nhưng, nhứt là tạo kế sinh nhai cho gia đình cấp thời trong lúc tản cư. Chẳng bao lâu sau, với một lòng chí khú làm việc cật lực ,Mẹ có nhà xây, gác lửng, sản xuất hàng hóa bán qua thành phố. Cha xây nhà máy điện cung cấp ánh sáng quanh vùng. Trại cây cưa gỗ, nhà máy kem và máy nước đá sinh hoạt nhộn nhịp, kẻ vào người ra ngay trên khu định cư dành cho những mảnh đời đoạn lìa quê cha, đất tổ, nơi chôn nhau, cắt rốn và ruộng đồng, mồ mã ông bà, Tổ Tiên náu thân bên chốn đô hội thị thành. Cơ ngơi của Mẹ lại bắt đầu ăn nên làm ra. Cha mua xe đưa Mẹ đi phố cuối tuần thư giãn bù đắp lại những lam lũ quần quật quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả của chồng, công vợ. Rồi, chính từ đó, anh em chúng con lần lượt lớn lên và trưởng thành, trung học rồi đại học ai cũng có bạn có bè và những sinh hoạt riêng tư; không còn quanh quẩn bên Mẹ như xưa.
Thế rồi, chính sự miền Nam bắt đầu sôi sục trở lại, Cha nói đến trung lập, hoà bình, phân chia đất nước, bên tách cà phê mỗi sáng ở quán ven đường với những người hàng xóm…thay cho chuyện buôn bán. Mẹ vẫn âm thầm bán mua không hề quan tâm đến chuyện của Cha.
Nhưng sau khi các tỉnh bên kia đèo Hải Vân thất thủ, Cha vội vả thuê tàu gom góp tài sản, đưa gia đình và bà con họ hàng dọc biển xuôi Nam. Hai bàn tay sần sùi của Mẹ không lau khô hết dòng nước mắt chảy dài, khi bước chân cuối cùng của Mẹ theo Cha ra khỏi căn nhà mái tôn vách ván,nơi có lò bún bà Hương Quyền. Gia tài của Mẹ bỏ lại sau lưng . Thế là, Mẹ lại theo quyết định của Cha cắn răng âm thầm nuốt lệ, phủi hai bàn tay ra đi lúc trời choạng vạng tối 26/3/1975 như những lần Mẹ đã ra đi trong đời, trước đó mà thời gian vô hình chung trùng hợp cứ mỗi chu kỳ trên dưới mười năm, xảy ra một lần, Mẹ lại từ bỏ tất cả ra đi làm thân du mục…
Vào Sài Gòn không đất dụng võ, những ngày đầu Cha đưa Mẹ đi tìm thăm những người chạy chữa cho Cha năm trước để tỏ lòng nhớ ơn họ sau mấy mươi năm dài đằng đẵng chưa lần gặp lại. Tối về, quanh quần trong căn nhà nhỏ ở cuối hẻm của người anh rể, chồng chị thứ Năm của con. Cha bớt nói ít cười hơn xưa. Mỗi sáng ra, Cha chắp tay sau lưng, đi quanh lối xóm, tiếp tục nghe ngóng, nhìn quanh, ngang dọc để tìm lối thoát cho gia đình. Mẹ vốn đã ít nói nay lại thêm trầm tư, thở dài như nhớ về cuộc đời thăng trầm quá khứ. Chúng con muốn thưa với mẹ:
Các con của Mẹ đã lớn, Mẹ yên tâm.
Nhưng thật ra tương lai không lối thoát đang bao trùm trong căn nhà trọ cuối hẻm!
Thế rồi chiến tranh đã đến hồi kết thúc, miền Nam đã đổi chủ mới, lần nầy làm Cha thất vọng ê chề !. Cha tặc lưỡi, than vắn thở dài. Chạy , chạy đi đâu ?. Ngõ cụt !. Không còn như từ quê chạy ra Hàn hay từ Đà Nẵng chạy vào Sài Gòn được nữa. Cha khuyên anh em chúng con nên tìm đường ra đi, Mẹ nghẹn ngào nước mắt chảy dài trên đôi gò má hốc hác xương xương, rơi xuống mâm cơm giữa nền nhà, Mẹ bảo :

-
Mẹ không còn khả năng để lo cho các con, Mẹ còn lại ít vàng các con chia nhau để tìm lối thoát !.
“ Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”

(Ca dao)Thương Mẹ, anh chị em chúng con bần duồng, phần đi nửa ở, cuối cùng đám con quay quần bên Mẹ, chia sẻ với Mẹ những ngày tháng có cùng một cái khổ mới…
Bây giờ, Mẹ không có đất trồng cây, ươm trái như xưa. Vả lại, ảnh hưởng thăng trầm của thời cuộc, của  đất nước và cuộc đời quá khứ nên Mẹ gầy đi nhiều hơn so với khi còn ở ngoài quê. Đêm về Mẹ thức thâu canh, chờ sáng để đi nhận phiếu mua bánh mì, vài ba gram đường, bột ngọt trước khi xếp hàng chờ đến phiên mình quá dài. Thế mà khi trở về bánh mì chẳng có mà đường cũng không! Mấy hôm sau kế tiếp Mẹ ngã bịnh vì kiệt sức. Cha lại bàng bạc và tính chuyện đưa gia đình đến đồng bằng sông Cữu Long. Thế là Mẹ theo Cha về miền đất mới. Trời nước mênh mông, lúa cao qua đầu. Mẹ lại có bầy heo, đàn gà, con trâu... cây ổi sau vườn, cây khế ngọt trước ngõ và chiếc đèn dầu treo lơ lửng ở đầu bếp...ra bề yên ấm, thanh bình. Nhưng rồi cũng không được bao nhiêu năm thì chiến tranh biên giới với nước láng giềng lại sôi sục, Mẹ vội vã bỏ nhà xuống ghe chạy về thành phố...lần này Mẹ không khóc, cũng không cười-Mẹ lặng thinh như dòng nước sông Cữu Long vô tình và hững hờ lặng lẽ trôi xuôi!
Khi trở về thành phố, Mẹ không kịp từ giã, dặn dò đứa con của Mẹ vừa bỏ nước trốn đi trong đêm tối mịt mùng. Mười năm sau, với lòng thương và ân đức của Mẹ để lại con đã trở về cùng cô dâu và ba cháu nội thăm Mẹ. Giây phút trùng phùng, Mẹ bèn dúi vào tay cô dâu sợi dây chuyền, và chiếc vòng vàng mà Mẹ gói thật cẩn thận, cài sau túi áo sờn góc qua nhiều năm để dành cho cô dâu út làm quà cưới. Cứ thế con về thăm Mẹ được nhiều năm kế tiếp rồi Mẹ yếu dần theo tuổi thọ, Mẹ héo hon, vàng võ hơn xưa vì thương con, nhớ cháu…

“Mai con về, Mẹ già có đợi,
Cửa trước, hiên sau, năm tháng hao gầy.
Cả một đời ra công gầy dựng,
Con mãi vô tình, nay đó, mai đây”…
(Thơ ĐHS)Như định mệnh đã an bài, ngày cuối cùng của một năm cũng là ngày cuối cuộc đời Mẹ. Mẹ ra đi bình thản sau nụ hôn lần chót của cha. Giọng Mẹ yếu ớt run rẫy và từng tiếng rời rạc bảo Cha:
“Ông ơi ,lại đây cho tôi hôn một cái” ! và trong khoảnh khắc, Cha vừa rời tay khỏi Mẹ, Mẹ chậm rải qua hơi thở yếu ớt và mấp máy sau cùng trên đôi môi nhợt nhạt với đứa cháu gái :”Con đỡ bà nằm xuống” !.
Đó cũng là lần cuối cùng Mẹ nằm xuống rồi không ngồi dậy nữa sau gần ngót ngắt chín mươi năm dài nhọc nhằn đời Mẹ .Trong ngần ấy thời gian, hết bảy mươi năm Mẹ xẻ chia và hiến dâng cuộc đời riêng mình  cho chồng, cho con và đúng nghĩa hơn : “Chỉ riêng cho gia đình Mẹ “. Lòng đất lạnh quê Cha đã ôm ấp hình hài của Mẹ. Chắc Mẹ đã gặp lại đứa con út của mình ?. Và, chúng con chắc chắn một điều :  Mẹ đang đợi Cha về cùng chia phần nắm đất quê hương, ru tròn giấc ngủ nghìn thu giữa đôi bờ quê hương sông nước khôn cùng. Mẹ sẽ có Cha cho “vẹn chữ tòng” nơi Cõi ấy. 
Trên xứ người, mỗi sáng vợ chồng con thắp nhang thờ Mẹ, thơm mùi nhang thơm ; hình như mùa Vu Lan lại đến mỗi ngày, thật đều đặng, con nhớ Mẹ,nhớ quay quắt qua câu hát để đời :

“Nước biển Đông, không đong đầy tình Mẹ
Mây trên Ngàn, không phủ nổi công Cha”.
 (Ca dao)
Đỗ Xuân Quý - Đõ Xuân Quang
Mùa Vu Lan (Mãn tang Mẹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét