Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

TIN BUỒN


Được tin anh Dụng Chiến ( người bạn đời chị Trần Ngọc Bích K8) vừa qua đời lúc 14h00 ngày 29/6/2017 ( nhằm ngày 25 tháng 5 năm Bính Thân), linh cữu đặt tại nhà riêng K729/83 đường Ngô Quyền. Hưởng thọ 60 tuổi.
Lễ nhập quan lúc 3g00 sáng ngày 30/6/2016
Lễ viếng 7g00 cùng ngày
Lễ di quan lúc 3g00 ngày 2 tháng 7 năm 2016 ( nhằm ngày 28 tháng 5 năm Bính Thân )
An táng tại Nghĩa trang xã Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế
Thầy Cô, anh chị chs ĐG-HHT và chs K8 xin chia buồn cùng chị Ngọc Bích và toàn gia quyến, nguyện cầu hương linh anh sớm siêu thoát.
 

NGHÌN NĂM BIA MIỆNG…


Ngồi buồn suy ngẫm nghĩ ngợi lan man cũng có cái hay hay riêng của nó.
Nhiều người cho rằng bất cứ điều gì cha ông ta đã đúc kết, nói ra và được ghi lại đều là chân lý. “Các cụ đã nói rằng: …”, “ Ca dao, tục ngữ có câu rằng:…”, “ Cha ông ta đã dạy:…” v.v…Chính giới sĩ phu Bắc hà cũng kết luận bằng một câu mang đậm đặc cung cách Bắc: “ Các cụ nói cấm có sai!”
Có nên nghi ngờ cái vụ việc này không nhỉ?
(Tự ý đục bỏ bốn giòng với bảy mươi hai từ )
Trăm năm bia đá thì mòn,
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ …
Quá đúng. Tuyệt đối đúng. Đúng đến nghìn năm. Trừ trẻ con ra, cứ bốn người Việt Nam thì có đến năm người thuộc nằm lòng câu này. Thoạt nghe tưởng rằng chỉ là câu nhận xét. Nghĩ tiếp cứ tưởng các cụ chơi chữ ( quá độc đáo cái từ “ bia miệng “ - quả là một sáng tạo hết sức trí tuệ và u mặc trào lộng). Nghĩ kỹ lại thấy hiển hiện cái ý giáo dục, răn đe, cảnh cáo. Lại thấy loáng thoáng một nửa nụ cười mia mỉa. Rồi một cái nhếch môi khinh khinh. Rồi cái quắc mắt trừng trừng. Rồi…
Cha ông ta nói hay ghê! Cấm có sai.
Nhưng, cái “bia miệng” là cái gì mà có tuổi thọ vượt trội hơn bia đá?
( Tự ý xoá chín giòng vì chỗ này phân tích quá dở - lại có dẫn chứng về các quan Ngự sử nữa)
Tóm lại: “Bia miệng” tồn tại dưới các hình thức: Truyền miệng qua các câu chuyện kể, ca dao, tục ngữ, hò vè …Các pho sử. Báo chí ( được lưu trữ chất đống không đóng lề). Sách vở. Các trang mạng. Web. Blog, v.v…và các hình thức khác. Cũng không thể không kể các bia miệng chiều chiều được dựng lên ở các vỉa hè.
Trích đoạn để tham khảo:
((Có nhiều vụ việc được “Bia miệng” ghi lại như sau:
( Cảm thấy không đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý nên xoá đi tổng thảy một trăm lẻ tám dòng, chỉ xài được đoạn giữa )

Đại Việt Sử ký toàn thư có những đoạn:
- Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến năm 1285, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua.
- Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ngày 15 tháng 3, Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, phong làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước.
- Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thể, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần....
Bia miệng gọi vụ này là bán nước để vinh thân phì gia. Và gọi đấy là hình phạt chuyển đổi giới tính.
Hoàng Lê nhất thống chí viết rằng:
“Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có ( Tôn Sĩ ) Nghị ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng:
"Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?"
Bia miệng gọi đây là hành động bán nước cầu vinh, rước voi về giày mã Tổ.))
( Hết trích)
Đúng là bài viết này lan man, tào lao và thiếu lôgich. Đại ý muốn nói gì?
Tôi chỉ có ý rằng nhiều điều ông bà nói đôi lúc cần phải xét lại, thế thôi.

Không phải các câu chuyện trên, mà ví dụ như câu: “ Bán anh em xa mua láng giềng gần.” Bất chợt liên tưởng đến câu: “ Cõng rắn cắn gà nhà ”: 
Cứ tưởng tượng cảnh một chú gà què rụng lông cõng con rắn quấn quanh cổ quanh bụng lê thê lếch thếch mang xác về hướng chuồng của mình mà thở dài! 
- Cười không xong, 
- mà khóc cũng –như trên -
Chỉ biết thở dài cho vận nước...





Vugia K7

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

ĐÔNG GIANG NHỚ MÃI


   ĐÔNG GIANG NHỚ MÃI là tập san ảnh của trường Trung học Đông Giang Đà Nẵng gồm 36 trang kể cả bìa, in màu khổ 22X 28cm  do quý Thầy Cô và anh chị cựu học sinh tại Cali thực hiện.






GIẤC CHIÊM BAO ...


người về mang giấc chiêm bao 
cho tôi một chút ngọt ngào phù vân 
em mang ..yêu dấu xa gần 
có bông hoa phượng của sân trường mình
người về mang giọt hương trinh 
có hai con mắt thật xinh giữa trời 
em về hai tay buông lơi 
rứa mà ai kẻ đã rời chốn xưa
em về mang giấc mơ trưa 
chùm hoa tràn mộng cũng vừa gió bay 
giấc mơ nào có trên tay 
nó đi, để lại vết đau muộn phiền ..
 Phan Minh Ta K8 
 

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Gõ kẻ nứt thời gian


Này em hỡi lạc loài chim gõ kiến 
Mê mãi hoài gõ kẻ nứt thời gian 
Lá xanh xao cớ sao như mưng mủ
Tuổi thêm buồn là vệt dấu chân hoang
Này em hỡi mượn hồn con ốc nhỏ 
Thủy triều dâng mằn mặn mắt mi xưa
Thuyền khơi xa mịt mù đêm trằn mộng
Sóng bạc đầu trùm phủ nhớ khôn bưa
Này em hỡi hóa thân làm giun dế
Khúc từ ly kể lể ngục tù câm
Trăng ủ dột soi hình vào bóng tối
Giấc hoang vu đêm lặng chết âm trầm
Này em hỡi mây rừng nghiêng núi nhớ
Tháp âm u vang vọng tiếng thở dài
Viên đá cuội ngóng hờ bàn tay nhỏ
Môi mộng thầm ước hẹn dáng bờ vai
Này em hỡi cõi trần ta lạc gót
Kiếp thy nhân nặng nợ chỉ tình thơ
Bến Nại Hà bởi nhầm sa chân bước 
Áo khinh cừu thấm lạnh buổi vờn mơ
Thạch Thảo viên, Sunday, June 26, 2016
Vũ Đan Huyền K7
 

DĨ VÃNG ĐÔNG GIANG



Trong muôn vàn ánh mắt 
Trong trăm vạn con ngươi 
Chi có một nụ cười 
Dành riêng người thương mến
Cơn gió vừa thổi đến 
Làn tóc em tung bay 
Lòng anh mãi đắm say 
Trong những ngày đi học
Những lối đi ngang dọc 
Trên nẻo đường tuổi thơ 
Những tưởng chuyện hững hờ 
Nên chúng ta không đợi
Tương lai ta đi tới 
Dần dà thiếu vắng nhau 
Như những chuyến đi tàu 
Không còn chung một hướng
Không biết ai tơ tưởng? 
Riêng lòng vẫn ước mơ 
Để rồi mong tình cờ 
Niềm vui được gặp lại!

Hồ Tiến Triển K7

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

NHỚ MÙA HOA PHƯỢNG



Gót phiêu lãng bước về thăm lối cũ
Tôi theo mùa hoa phượng nhớ chơi vơi
Màu áo trắng một thời còn hiển hiện
Dù mù sương tóc rối xuống ven đời
Ném kỷ niệm trên dòng sông dỹ vãng 
Nghe lao xao sóng dội những âm tàn
Gom chút nắng sưởi cho lòng ấm lại
Sao ngọn buồn hiu hắt cứ miên man
Thềm rêu cũ bàn chân người ngà ngọc
Nhớ một thời xa ngái áo em bay
Là trang sử đọng hoài trong tiếc nuối
Nhắc làm chi ngày ấy tóc xanh màu
Trang sách ngủ trên dòng sông hoang lạnh
Bụi phủ mờ lên mấy nhánh rêu phong
Thắp ngọn nến soi miền xưa quá khứ
Tìm đâu ra để cứ xót xa lòng
Anh về lại nhánh sông thời tuổi nhỏ
Mượn ánh trăng soi sáng bước em về
Gom hoa bướm trả em ngày tuổi mộng
Đường me dài mình chung bước ... đê mê .
Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Nhân dịp cuối tuần, anh Thường Đoàn K9 thư giãn với câu chuyện:



ĐẺ NĂM MỘT

       Tình hình dân số thế giới gia tăng như hiện nay, có khả năng trái đất không gánh nổi, Ngọc Hoàng chỉ đạo cho Diêm Vương tăng cường xét xử và xử thật nặng các vụ án vi phạm kế hoạch sinh đẻ để bình ổn dân số trên dương gian. Và đây là bối cảnh một buổi xét xử điển hình:
      Phán quan dẫn vào một chị với tội danh…sinh con thứ 3.
-         Họ, tên ?
-         Thưa Diêm Vương, con tên Trần Thị Lở Trớn.
-         Lở Trớn nên tới luôn, mới sinh con thứ 3 chứ gì ? Ngưới có biết như thế là vi phạm luật Dân số ?
-         Bẩm Ngài, con biết nhưng con không thể…xin Ngài thương tình !
-         Không thương chẳng xót, chiếu luật thi hành…Ngưu đầu, Mã diện, giam mẹ này vào ngục tối.
Phán quan dẫn tiếp vào một cô với tội danh có…6 đứa con.
-         Họ, tên ?
-         Bẩm Diêm Vương con tên Nguyễn Thị Ngoài Ý.
-         Luật Dân số chỉ cho phép đẻ 1 đến 2 con, tại sao ngươi đẻ đến 6 đứa ? Như thế là vi phạm luật nặng lắm đấy, xử rất nặng hiểu chưa ?
-         Bẩm Ngài, con vẫn làm đúng luật.
-         Đúng thế nào ? Đúng chỗ nào ?
-         Thì con sinh lần thứ nhất, một bé gái, con được quyền sinh 1 lần nữa, nhưng lần này…
-         Lần này mày sinh đến…5 đứa hà?
-         Dạ đúng rồi, con sinh 5!
-         Chà, chà…trường hợp đặc biệt khó xử hè ! Xét ra thì chẳng vi phạm gì ráo, Phán Quan, trả con này lên lại dương gian!
Tiếp tục, phán quan đưa vào một bà với tội danh có…22 đứa con.
-         Họ, tên?
-         Bẩm Diêm Vương, con tên Đặng Thị  Giáo.
-         Nghe tên hình như làm nghề dạy học ?
-         Dạ đúng ! Con là nhà giáo, mà con có tội gì cơ chứ ?
-         Giáo viên thì phải chấp hành tốt đường lối chính sách, ai lại đẻ dữ dằn thế ? Đẻ năm một, tới 22 đứa con ?
-         Bẩm Ngài đâu có, con chỉ có 2 đứa con thôi mà…
-         Cáo trạng ghi rỏ ngươi có 22 đứa con rành rành đây này, cãi hả ?
-         À, con hiểu rồi, 20 đứa con kia là những “đứa con tinh thần”, nghĩa là mỗi năm con phải cố rặn, đẻ ra một “sáng kiến kinh nghiệm”, 20 năm dạy học là 20 đứa con tinh thần…
-         Ta không cần biết, con gì cũng là con, đẻ nhiều phạm luật, chiếu luật ta xử.
-         Nhưng con có muốn đẻ đâu, người ta bắt con phải đẻ mà…
-         Ai ?
-         Thì cấp trên của con…
-         Ngưu đầu, bắt tên cấp trên vào cho ta hỏi tội…Này tên kia, sao ngươi bắt buộc bà này đẻ nhiều dẫn đến phạm luật vậy ?
-         Bẩm ngài, không phải lỗi ở con, bắt buộc đẻ năm một này là do ông Qui chế ạ !
-         Mã Diện đâu ? bắt thằng Qui chế vào ta hỏi tội…Thằng kia, tại sao ngươi bắt buộc người ta đẻ năm một, trong khi người ta chẳng muốn đẻ tí nào ?
-         Ô hay, cái ông này, qui chế là…qui chế, biết làm sao được ?
-         A, thằng này láo ! Ngưu đầu, Mã diện, bắt thằng Qui chế bỏ vạc dầu…
-         Tuân lệnh!
-         Còn con, bẫm Ngọc Hoàng?
-         Xét cho cùng con chỉ là nạn nhân, Phán quan, trả người này trở lại trần gian tiếp tục dạy học.
-         Tạ ơn Diêm Vương, Ông qui chế đã bị bỏ vạc dầu, hy vọng từ nay tụi con không còn cảnh “đẻ sồn sồn năm một” nữa ./. 


                                                                                     THƯỜNG ĐOÀN K.9

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tiếng núi thở thầm


* Hướng vọng Cha, Người gieo mầm minh triết trong con.
Đêm nghe tiếng núi thở thầm
Tiếng rừng u uất âm trầm cô miên
Tình cha hiển hiện cõi thiêng
Vỡ trong con đọng nỗi riêng u hoài
Ngày nao những sắn cùng khoai
Những mưa cùng nắng con loài chim di
Lối mòn gậy trúc gót đi
Bến trần ám chướng tiếc gì hở con
Ly tao phiên khúc đầu non
Thú Dương vườn trống đá mòn suối khe
Bất năng di dẫu chái hè
Hiện sinh một kiếp đêm nghe hiện tồn
Thạch Thảo viên, Sunday, June 19, 2016
Vũ Đan Huyền K7
___o0o___
* Lời bạt_
+/ Ly tao _ tác phẩm của Khuất Nguyên. Người trầm mình trên dòng Mịch La với câu nói thú vị_
“Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bậm của đời ?”
+/ Thú Dương _ nơi Bá Di, Thúc Tề ở ẩn, thường ăn rau thái vi thay cơm. 
Được người sau tôn xưng là “Bá Di, Thúc Tề Thánh chi Thanh”. 
Khổng Tử cho rằng: “Cầu nhân nhi Đắc nhân hựu hà oán” (Cầu nhân thì được nhân, còn oán gì nữa.).
Nguyễn Công Trứ có làm thơ khen tặng:
“Danh chẳng màng, lợi cũng chẳng mê.
Ấy gang hay sắt hỡi Di, Tề?
Gặp xe vua Võ tay dừng lại,
Thấy thóc nhà Chu mặt ngoảnh đi.
Cô Trúc hồn về sương mịt mịt,
Thú dương danh tạc đá tri tri.
Cầu nhân chẳng đặng nhân mà chớ,
Chẳng trách ai chi, chẳng oán chi.”
+/ Bất năng di _ 富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈, 此之謂大丈夫 
"Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu" (Mạnh Tử _ Đằng văn công hạ ) 
Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được, như thế gọi là bậc đại trượng phu.

CHA


Cha không nuôi con bằng sữa
Không bằng lời ru, không mớm từng bữa cho con
Cha nuôi con bằng cả tấm lòng son
Như mặt trời rạng rỡ giữa mùa xuân
Như bếp than hồng giữa mùa đông lạnh lẽo 
Cha nuôi con bằng bước chân khắp nẻo
Gom trường đời cốt để chỉ cho con
Dõi theo con bằng đôi mắt mỏi mòn
Âm thầm với mảnh đời khắc khổ
Là đại thụ chống chèo bao bão tố
Không ngại gian nan, không ngại thân tàn
Cha nuôi con bằng ý chí kiên cường
Nghị lực từng ngày trong con người rắn rỏi
Khi con ngoan nụ cười thay lời hỏi
Khi con buồn nhè nhẹ đến sẻ chia
Tiếng gà xa chuyển đổi canh khuya
Đó cũng là biết bao điều trăn trở
Với con chính là hơi thở
Là niềm tin là hy vọng mai sau
Không cầm tay như chính lại cầm tay
Dẫn dắt vào đời dẫu đến khi đầu con đã bạc .
Ngày của cha 6-2016
Ngọc Tân K6

NÔNG SƠN YÊU DẤU



Từ Tí Sé xuôi sông về Trung Phước
Từ Đèo Le du bước đến Nông Sơn
Ta gặp nhau nơi vùng đất đẹp hơn
Hòn Cà Tang vút cao lên sừng sững
Quê hương ta ngàn năm luôn bền vững
Núi Chúa uy nghi Nông Sơn khoáng sản
Sông Thu đầu nguồn Thạch Bích, Đá Ngang
Cao, thấp lô nhô san sát núi đồi
Ngày mới về ánh dương chạm muôn lối
Dòng người đi tiếp nối về phương đông
Vượt Đèo Le ra Hải Ngoại mênh mông 
Mở tâm nhìn tìm giao lưu kinh tế
Chợ Trung Phước rộng, to bề thế
Trên bến dưới sông gió đồng thoáng mát
Hàng hóa đủ đầy náo thị vọng vang
Nơi giao lưu chính của miền sơn cước
Từ Trung Phước thuyền ta lên vùng ngược
Những làng quê rợp bóng hai bên sông
Lướt qua mỹ cảnh mơ màng thơ mộng
Để tâm hồn trải rộng chốn sơn lâm
Người nông phu vẫn mãi miết âm thầm
Bới lên bụi lách trồng lại hàng cây
Thiết kế ruộng, vườn, nhà cửa dựng xây
Đẫm mồ hôi cho quê hương trù phú
Tường Linh ơi! Thơ của anh bât hủ
"Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô
Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ múi"
Vẫn thơm ngon trĩu quả như miền tây
Nhiều cảnh đẹp vẫn hiện hữu đó đây
Vũng nước nóng Sơn Viên chiều thứ bảy
Nước sôi sùng sục, diệm sơn bốc cháy
Đã qua đây sẽ nhớ mãi trong đời
Ruông lúa bao quanh, màu xanh vời vợi
Đàn trâu...nhịp nhàng gặm cỏ ven sông
Bác nông phu đang rảo bước trên đồng
Ôi đẹp quá Nông Sơn ta yêu dấu!

Hồ Tiến Triển K7

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

TÔI GỌI


Tôi gọi quê hương mình là đất nước bi thương,
Là đất nước của những đêm trường ác mộng,
Là đất nước của những linh hồn trống rỗng,
Vật vờ trôi giữa định mệnh vô thường…
Tôi gọi quê hương mình là đất nước bi thương,
Đất nước không lường của bao trò toan tính,
Đất nước bất minh của những màn lừa phỉnh,
Loay hoay tráo đổi vòng từ những kẻ bất lương…
Tôi gọi quê hương mình là đất nước bi thương,
Là nhầu nhĩ suy tư và râm ran lời ta thán,
Là nỗi oan khiên cùng những bài cáo trạng,
Từ héo hắt biển nồng đến cằn cỗi rừng thiêng…
Nhưng, tôi vẫn gọi tôi,
Là dân Việt như từ trong nôi cha mẹ dạy,
mơ một ngày mai…
Vugia K7

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


 Nhân dịp cuối tuần, anh Đoàn Thường K9 thư giãn với câu chuyện:



                                           TẠI CÁI ĐỘNG CƠ

              Tay lý trưởng liếc qua tờ đơn hỏi chồng chị Dậu:
    - Động cơ nào khiến anh xin phép dựng chòi nuôi vịt ?
    - Bẩm quan, động cơ là động cơ gì, con xin dựng cái chòi nuôi mấy con vịt bởi vì nhà con nghèo khổ quá.
    - Nghèo khổ, người còn  thiếu ăn thì lấy gì cho vịt nó ăn ? Vả lại anh có biết là dựng chòi nuôi vịt gây nguy hiểm cho xã hội không ? không nói nhiều, cầm đơn về, nói con đĩ Dậu nó đến gặp tao, có khi nó biết cái…động cơ đấy!
  Chồng chị Dậu “lơ ngơ như cái động cơ” vừa đi vừa lẩn thẩn…quái nhỉ ? Động cơ là cái gì, hình dạng nó ra làm sao, mà xin dựng cái chòi nuôi mấy con vịt trên đất của cụ cố, cụ tổ mình bao đời để lại mà Lý trưởng không cho, trong khi tay Chánh hội xây cái biệt phủ to đùng trên Hải Mây đếch cần xin phép, hay như tay lính lệ Lác cải tạo cái ghe ( thuyền ) nhỏ xíu thành du thuyền, không đúng kĩ thuật, chẳng cần cấp phép, chở quá qui định, chẳng cần áo phao…vẫn ì xèo rước khách vui chơi hằng đêm, đùa giỡn cùng Hà Bá mà cơ quan chức năng chẳng hề hay biết ? Thế thì động cơ nào khiến cơ quan chức năng có mắt như…không ?
     Gặp Chí Phổi, em ruột của Chí Phèo vừa đi vừa chửi trên đường, chồng chị Dậu sấn tới, thấy hắn miệng nói tay quơ, anh Dậu tưởng hắn là người thông thái, bèn làm quen rồi hỏi :
-  Này anh, anh có biết động cơ là cái gì không ?
-  À, thằng này láo, mày dám chạm vào nổi đau của ông mày đấy à ? Mày có muốn ăn “chưởng” của Lệnh Hồ Xung không ?
-  Dạ đâu dám, em ngu dốt thiệt mà, em là chồng của Đĩ Dậu đây !
-  Đĩ Dậu? À thì ra mày là thằng Xuân tóc đỏ ? Hèn gì…
-  Đâu có em tên Dậu, tóc em đen chứ không đỏ !
-  À tao nhớ ra rồi, mày là chồng con Đào, vợ chồng mày làm “tắt đèn” nhà văn Vũ Trọng Phụng, bị thằng Xuân tóc đỏ quánh phải bán rẻ cho hắn cả ổ chó cả mẹ lẫn con. Thêm một đứa con gái ở đợ cho nó nữa, đúng không ?
-   Dạ…vợ chồng em tự làm “tắt đèn” nhà văn Ngô Tất Tố ạ..
-   Dốt cấm cãi lại, nghe chưa ? Mày hỏi cái động cơ là chạm vào nổi đau của ông đấy, chuyện là thế này…hồi đó tao cũng bảnh trai lắm, thông minh lắm, làng Vũ Đợi có con Thị Mịch đẹp gái ra phết, tao cưỡi chiếc Vespa đến tán, cha nàng là Lão Hạc cật vấn ta thế này:
-   Động cơ gì mà anh đến đây tán con gái lão, nói nghe thử xem ?
-   Dạ thưa…động cơ gì ạ ? Thiệt tình con đến đây với động cơ 2 thì, chạy xăng pha nhớt ạ !
-   Thằng này thông minh đần, tao hỏi là cái động cơ kia kìa…
-   Động cơ kia à, thế thì con nói thiệt, con đến đây là muốn có cái động cơ thứ thiệt ấy ấy, động cơ mà chỉ cần bỏ một khúc xúc-xích đầu vào, thì đầu ra là con…người !
     Thế là lão Hạc nện tao mấy cái bạc tai nảy lửa, cũng vì cái động cơ mà tao cạch tán gái từ đó nên ở giá tới chừ, tao thích rượu chứ không thích đàn bà nữa…
      Nhận ra Chí Phổi, anh Dậu lủi thủi lủi về, dây dưa với thằng này không khéo bị ăn vạ khổ thân, vừa về đến nhà, anh Dậu bắt gặp một ông tiến sĩ đang cãi nhau ỏm tỏi với đàn vịt chưa có chòi che mưa nắng của mình:
- Tui nói cho ông biết, trước kia loài vịt chúng tôi cũng biết ấp trứng như gà, như do con người ham hố bắt chúng tôi đẻ nhiều cho có năng suất, nên dần dà chúng tôi mất đi bản năng ấp trứng, thế là con người mới tạo ra cái lò ấp trứng để chúng tôi duy trì nòi giống, cho nên lò ấp là “độc quyền” của loài vịt chúng tôi !
-  Không cãi với lũ vịt chúng mày, lò ấp là của các ông !
-  Này này tui nói cho ông tiến sĩ biết, động cơ nào khiến ông phải dành cái lò ấp của chúng tôi ? Động cơ nào ?
-  Mày đi mà hỏi mấy ông Bá Kiến, Chánh tổng…đi xe Lexus 5 tỉ, mà động cơ nào phải dùng biển số xanh ? Hỏi đi ? Hỏi động cơ gì mà Gia Cát Lợi bỏ ra 5 tỉ mua xe Lexus cho Lã Bất Thường mượn chạy chơi, rồi còn xin làm tài xế cho Lã Bất Thường với lương tháng 2 triệu 8 ? Động cơ nào ? Động cơ nào ?
        - Vịt chúng tôi không nói nhiều, lò ấp là của chúng tôi chứ không phải lò ấp là của các tiến sĩ, nêu lò ấp là của các ông là sự xúc phạm to lớn cho lũ vịt chúng tôi, phản đối, phản đối !
-  Phản đối này, phản đối này…
-  Quác, quác, quác…..
Lũ vịt chạy tan tác, bị ông tiến sĩ rượt chạy ồn ào, chi Dậu chạy ra ngăn lại hành vi tưng tưng của ổng, bỗng đâu đám lính lệ tay cầm dùi cui, roi điện... xuất hiện lập biên bản:
-   Đàn vịt nhà chị dậu gây mất an ninh trật tự xã hội, hoạt động chưa có giấy phép, không có dụng cụ PCCC, vi phạm vào điều…khoản…
      Trước khi buộc anh Dậu ký vào biên bản, trương tuần văn veọ:
-  Vì động cơ gì mà nuôi vịt ? Lính lệ đâu, nọc thằng Dậu ra đánh nó 20 hèo,
nọc con đĩ Dậu ra đánh 15 hèo…
Vợ chồng anh Dậu đau quắn đít, kêu khóc um sùm, sau lần đó vợ chồng chị Dậu rút kinh nghiệm…từ nay về sau, bọn lý trưởng, trương tuần hay cả đám lính lệ có vặn vẹo…VÌ ĐỘNG CƠ GÌ ? Thì tìm cách lẫn tránh, chứ lon ton trả lời là…ốm đòn, giả như mình không nghe, hoặc không thèm nghe 2 từ “động  cơ” đó đi, cho nó …lành ! Và từ đó chị Dậu cũng biết mần thơ, thơ rằng:
                      Động cơ là động cơ nào ?
                      Rỗi hơi tiến sĩ tào lao đăng đàn…

                                                                                         THƯỜNG ĐOÀN. K.9