Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

NGHÌN NĂM BIA MIỆNG…


Ngồi buồn suy ngẫm nghĩ ngợi lan man cũng có cái hay hay riêng của nó.
Nhiều người cho rằng bất cứ điều gì cha ông ta đã đúc kết, nói ra và được ghi lại đều là chân lý. “Các cụ đã nói rằng: …”, “ Ca dao, tục ngữ có câu rằng:…”, “ Cha ông ta đã dạy:…” v.v…Chính giới sĩ phu Bắc hà cũng kết luận bằng một câu mang đậm đặc cung cách Bắc: “ Các cụ nói cấm có sai!”
Có nên nghi ngờ cái vụ việc này không nhỉ?
(Tự ý đục bỏ bốn giòng với bảy mươi hai từ )
Trăm năm bia đá thì mòn,
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ …
Quá đúng. Tuyệt đối đúng. Đúng đến nghìn năm. Trừ trẻ con ra, cứ bốn người Việt Nam thì có đến năm người thuộc nằm lòng câu này. Thoạt nghe tưởng rằng chỉ là câu nhận xét. Nghĩ tiếp cứ tưởng các cụ chơi chữ ( quá độc đáo cái từ “ bia miệng “ - quả là một sáng tạo hết sức trí tuệ và u mặc trào lộng). Nghĩ kỹ lại thấy hiển hiện cái ý giáo dục, răn đe, cảnh cáo. Lại thấy loáng thoáng một nửa nụ cười mia mỉa. Rồi một cái nhếch môi khinh khinh. Rồi cái quắc mắt trừng trừng. Rồi…
Cha ông ta nói hay ghê! Cấm có sai.
Nhưng, cái “bia miệng” là cái gì mà có tuổi thọ vượt trội hơn bia đá?
( Tự ý xoá chín giòng vì chỗ này phân tích quá dở - lại có dẫn chứng về các quan Ngự sử nữa)
Tóm lại: “Bia miệng” tồn tại dưới các hình thức: Truyền miệng qua các câu chuyện kể, ca dao, tục ngữ, hò vè …Các pho sử. Báo chí ( được lưu trữ chất đống không đóng lề). Sách vở. Các trang mạng. Web. Blog, v.v…và các hình thức khác. Cũng không thể không kể các bia miệng chiều chiều được dựng lên ở các vỉa hè.
Trích đoạn để tham khảo:
((Có nhiều vụ việc được “Bia miệng” ghi lại như sau:
( Cảm thấy không đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý nên xoá đi tổng thảy một trăm lẻ tám dòng, chỉ xài được đoạn giữa )

Đại Việt Sử ký toàn thư có những đoạn:
- Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến năm 1285, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua.
- Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ngày 15 tháng 3, Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, phong làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước.
- Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thể, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần....
Bia miệng gọi vụ này là bán nước để vinh thân phì gia. Và gọi đấy là hình phạt chuyển đổi giới tính.
Hoàng Lê nhất thống chí viết rằng:
“Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có ( Tôn Sĩ ) Nghị ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng:
"Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?"
Bia miệng gọi đây là hành động bán nước cầu vinh, rước voi về giày mã Tổ.))
( Hết trích)
Đúng là bài viết này lan man, tào lao và thiếu lôgich. Đại ý muốn nói gì?
Tôi chỉ có ý rằng nhiều điều ông bà nói đôi lúc cần phải xét lại, thế thôi.

Không phải các câu chuyện trên, mà ví dụ như câu: “ Bán anh em xa mua láng giềng gần.” Bất chợt liên tưởng đến câu: “ Cõng rắn cắn gà nhà ”: 
Cứ tưởng tượng cảnh một chú gà què rụng lông cõng con rắn quấn quanh cổ quanh bụng lê thê lếch thếch mang xác về hướng chuồng của mình mà thở dài! 
- Cười không xong, 
- mà khóc cũng –như trên -
Chỉ biết thở dài cho vận nước...





Vugia K7

1 nhận xét: