Một chút độ lượng hoan hỷ trao tay, một phút sè sẹ sè tay vân vê cọng cỏ dại lối mòn, tìm về với ta trong ta, giao hòa cùng nhiên giới bao la, triều nhịp cùng sóng nước trong vắt hồ thu bên bến vắng Thạch Bàn, lặng nghe gió hú đầu truông, dõi mắt phương mờ ngóng nhìn khói đá giăng giăng tháp cổ …
Thong dong tung tăng hớp ngụm suối nguồn uyên nguyên_ Ôi ước vọng nhỏ nhoi lại thoảng về giữa cuộc trần bụi bặm, giữa biển lận tháng ngày.
Nhớ, tuổi ngày tuổi thơ, mân mê cọng thanh tâm thảo xanh um mùi cỏ dại, rồi hít hà củ hương phụ quê cha thơm lừng cả cơn mơ.
Tít tắp từng cụm đồi nho nhỏ mé bìa rừng chi chít sim, mua tím ngợp hồn người.
Tiếng sơn ca ríu rít vọng giữa từng không vang động cả góc rừng bỗng như muốn chui vào từng chùm dủ dẻ vàng óng giấu mình cạnh bụi móc um tùm được đám gai chà là tua tủa gai nhọn sẵn lòng hào hiệp che chở.
Ta chân đất rừng rú lặng nhìn, nghiêng tai im nghe từng âm thanh nhỏ giọt trên phiến lá mơn mởn xanh non.
Rồi ngày thơ qua mau. Ôi!
“Quê hương dấu cỏ mòn sương khói
Thương nhớ vô vàn những nhớ thương”
Vùng trời yên tỉnh phủ khói lam chiều từ mái rạ đẹp bức tranh thủy mặc chợt thay bằng tiếng đì đùng khét lẹt mùi tử khí.
Màu đỏ mộc miên thảo đầu làng, hoa vông góc vườn, cánh phượng sân trường nho nhỏ cũng vội nhường chỗ cho màu đỏ của chiến tranh, màu đỏ những cơn ác mộng miên trường.
“Nào ngờ quê mẹ nổi binh đao
Xao xác đồi nương pháo đạn cày
Thay trâu cày đất máu thay mưa
Thấm xuống hàng cau lấm gốc dừa”
Nhớ, tuổi ngày chớm lớn, cũng mơ cũng mộng, cũng mong cũng ngóng tình trong trang giấy mỏng, cũng đợi cũng chờ từng chuyến đò ngang lại qua bến Hàn giang, cũng giận cũng hờn trách cứ vu vơ_
“Ai về nhắn họ Hy Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh”
(Ca dao)
Âm thầm lặng soi đời mình trước lăng kính chiếu yêu trần gian.
Trượt dài trong tăm tối mù lòa, trượt dài trong nhớ nhung trống vắng, trượt dài trong mê sảng mộng mỵ, trượt dài trong u uất kiện vong của chợt nhớ chợt quên bởi_
“Tuổi chớm biết buồn là tuổi dại
Còn gì đâu nữa để mà mơ”
Mất hút rồi, đâu còn đâu, tuổi buồn lất phất tựa giọt sương gieo mạng nhện đầu ngọn cỏ ven đường đê dài thậm thượt trông hút mắt. Phải chăng chỉ vì điều đơn giản thật đơn giản hiển hóa thành hiện thực phủ phàng nhếch nhác.
Vệt thời gian hằn in tứng gốc tóc, vành mi những đêm không ngủ, những tháng ngày len lỏi chợ đời bên bến xe, nhà ga, cội cây vệ đường, công viên vắng người qua.
“Lạc gót hồng trần lem lút phấn
Gió sương trăn trở trả nợ đời”
Trần trụi hoàn trần trui. Giọt café đen thơm ngào ngạt hoài thai từ chiếc bông trắng màu trinh nguyên.
Lăn lóc lem lút đời cứ ngỡ đâu là bụi phấn bảng bay là đà hay cố tình gắng gượng lường gạt chính thâm tâm mình. Ý thức bi tráng hình thành qua chặng dài dối trá trong ta, đâu phỉnh phờ chi ai, nhưng tự vấn _ có niềm đau nào hơn thế.
Bút nghiên chữ nghĩa vốn món nợ đời, nợ nhân gian, nợ ân tình nghĩa lụy, nợ cơm cha áo mẹ chữ thầy, nợ triền miên nợ, nợ chất chồng nợ, làm sao trả trọn một đời.
Đêm, bao đêm trắng, đâu nhớ hết bao đêm xuân hạ thu đông.
“Đêm vọng nghe
Lời sóng biển chơi vơi
Chữ nghĩa thầy ơi
Lấp luống cày
Bút nghiên nặng nợ lỡ vay
Mộng về vương vải cơn say
Gọi thầm”
Chiều, bao chiều cô lữ lạc lỏng bơ vơ giữa bụi mờ. Giũ nhẹ phong sương thế mà sờn bâu áo.
Chiều xuân, bao chiều xuân tê cóng nỗi nhớ, nhớ mẹ nhớ cha, nhớ quê nhớ kiểng, nhớ bao la ngút ngàn là nhớ.
“Chiều nay con lại viết bài thơ
Gởi nhớ về nơi cũ xa mờ
Mờ xa nỗi nhớ chừng lạ lẫm
Lạ lẫm chiều vương áo bụi đường …”
Hàn ôn biết ai chia cùng.
Chiều xuân, bên mộ cha rồi bên mộ mẹ, tiết lành lạnh gió se se, đất trời vô biên, núi rừng cô tịch, ta chừng cô độc.
Bóng núi cúi nghiêng đáy hồ hờ hững lay theo lăn tăn sòng gợn thoáng u hoài.
Ra về trong lặng lẽ, ngồi lặng lẽ trầm ngâm nơi bàn viết.
Không gian lặng câm.
Thạch Thảo viên, Đêm mồng hai tết. (Tue, Feb 09th , 2016)
Vũ Đan Huyền K7
_Lời bạt_ Câu Ca dao
“Ai về nhắn họ Hy Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh”
Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh”
1/ “Hy Hòa” là nhân vật thần thoại, có thuyết chép là mẹ của thần mặt trời, cũng có thuyết cho rằng đó là người đánh xe cho thần mặt trời.
2/ Từ “Và” là từ cổ, ngày nay được hiểu là “vài”.
Tương tự câu Kiều.
2/ Từ “Và” là từ cổ, ngày nay được hiểu là “vài”.
Tương tự câu Kiều.
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một và bông lau”
Cành lê trắng điểm một và bông lau”
Ngày nay được chép:
“Cỏ non xanh tận / rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông lau”
Cành lê trắng điểm một vài bông lau”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét