Anh Đỗ Xuân Quang chs Phan Châu Trinh xin giới thiệu đến Quí Thầy Cô, anh chị bài Chuyện gia đình và tình dục ở loài khỉ của tác giả Đoàn Dự
THƯA
QUÝ BẠN, theo âm lịch, năm nay là năm Bính Thân nên tôi xin trình bầy
với quý bạn mọi sự hiểu biết của tôi về đời sống gia đình và tình dục
của loài khỉ. Hy vọng bài này sẽ hầu quý bạn những sự khám phá đầy thú
vị về loài vật tinh khôn có nhiều điểm rất gần gũi với con người đó. Xin
mời quý bạn thưởng thức…
Khỉ
thuộc ngành động vật hữu nhũ (động vật có vú), bộ Linh trưởng. “Linh”
có nghĩa là khôn ngoan, nhanh nhẹn; “trưởng” có nghĩa là đứng đầu, hạng
nhất (giống như chữ trưởng trong tiếng con trưởng, gia trưởng). Như vậy,
“Linh trưởng” có nghĩa là loài vật khôn ngoan, nhanh nhẹn đứng đầu
trong các con vật.
Theo
tiếng Hán Việt, Linh trưởng tương ứng với chữ Primate (số nhiều là
primates) trong tiếng Anh. Trước kia, Primates còn được gọi là bộ Khỉ,
bắt nguồn từ gốc La-tinh primas (số nhiều: primus) có nghĩa là hạng
nhất, cao cấp nhất. Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ “trưởng” lại viết
cùng chữ với chữ “trường” (nghĩa là dài, ví dụ trường giang, trường túc)
vì vậy đa số các sách tiếng Việt đều viết là bộ “Linh trường” thì không
đúng lắm.
Linh trưởng hay bộ Khỉ được các nhà khoa học nghiên cứu và
cho là hình thành cách đây khoảng 65 triệu năm. Đến nay cũng không ai
biết bộ Khỉ có bao nhiêu loài, bởi vì có những loài khỉ cổ xưa đã biến
mất nhưng cũng có những loài “khỉ mới”, vừa được tạo hóa tạo ra. Ví dụ ở
bên Brasil, mới đây các nhà khoa học tìm thấy có tới 5 loài “khỉ mới”
vừa phát sinh, còn ở Việt Nam thì có 2 loài vừa phát sinh, còn đang
trong vòng nghiên cứu, chưa được đặt tên.
Người
ta cũng không thể biết kích thước “trung bình” của các loài khỉ là bao
nhiêu. Bởi vì, loài khỉ Berthe “nhỏ nhất thế giới” ở Philippines chỉ
nặng có 30 gam và to bằng đầu ngón tay út, có thể nằm gọn trong một
chiếc muỗng, loài khỉ Tarsier cũng ở Philippines nặng 80 gam, to bằng 3
đốt ngón tay, nhưng cũng có loài Mountain Gorilla (Khỉ đột núi) ở Phi
châu mà con đực nặng tới 200 kg, nghĩa là gấp gần 3 lần người đàn ông
nặng 70 kg!
Còn về kích thước, trí khôn cũng như hình dáng nói chung, người ta chia các loài khỉ ra làm hai nhóm:
–
Nhóm “chưa có dạng người” (Strepsirrhini): kích thước nhỏ hơn người rất
nhiều, trí thông minh kém xa người, hình dáng chưa giống với người. Ví
dụ: loài khỉ Berthe, khỉ Tarsier ở Philippines, khỉ lông vàng Rhesus
macacus ở các nước Đông Nam Á, khỉ đuôi dài thường thấy nhiều ở Việt
Nam…
– Nhóm “có dạng gần giống với người” (Haplorhini): kich thước
gần bằng người hoặc hơn, trí thông minh cao nhất trong các loài khỉ,
hình dáng từ mặt mũi cho tới dáng đi, dáng đứng bằng hai chân khá giống
với người. Tiêu biểu là 4 loài: khỉ Bonono (chưa có tên Việt), Khỉ đột
(Gorilla), Tinh tinh (Pan), và Đười ươi (Ourang-outang, tiếng Anh:
Ourangutan, tiếng La tinh tức tên khoa học: Pongo).
Trong nhóm “chưa
có dạng người”, chúng ta để ý tới loài khỉ “dễ thương” Rhesus macacus
(có ở các nước Đông nam Á, kể cả Việt Nam). Tại sao chúng lại “dễ
thương”? Tại vì loài khỉ này hiền lành, xinh xắn, và sống rất sạch sẽ.
Đặc biệt, các “bà mẹ Rhesus” rất âu yếm các con mới sinh. Hễ thấy một bà
mẹ khác trong đàn đang bế con còn nhỏ, các bà sát lại gần, xòe tay ra
xin “cho mình bế bé một tí” rồi nựng nịu, âu yếm không khác gì con do
chính mình sinh ra. Một điều quan trọng khác nữa là máu của loài khỉ
Rhesus macacus rất giống với máu của người, do đó nhà sinh lý học Karl
Landsteiner người Áo (1868-1943, giải Nobel y học 1930), năm 1901 sau
khi đã tìm ra 4 nhóm máu chính O, A, B, AB và các nguyên tắc trong việc
truyền máu, nhưng đôi khi vẫn có người chết, ông tiếp tục nghiên cứu với
khỉ Rhesus macacus và tìm ra hai yếu tố phụ gọi là rhesus+và rhesus-,
từ đấy khi truyền máu không còn xảy ra tai nạn nữa.
Về nhóm “gần
giống với người”, chúng ta sẽ nói nhiều tới khỉ Bonono và khỉ đột, vì
hai loài này hiền và “tiến bộ” tức có nhiều điểm giống với người hơn là
đười ươi và tinh tinh. Ở sở thú Sài Gòn, khỉ Bonono được để tên Việt Nam
là “Khỉ dã nhân”, nhưng đối với người Tây phương, Dã nhân
(Gigantopithecus) còn là huyền thoại, chưa được nghiên cứu kỹ, chúng ta
sẽ nói sau.
I. Đời sống “gia đình”
Các khỉ loại nhỏ “chưa có dạng
người” như khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), khỉ mặt chó (Baboon), khỉ
lông vàng (Rhesus macacus)… thường sống thành đàn, có khi tới vài chục
con hoặc hơn; còn khỉ loại lớn “gần giống với người” như khỉ đột, khỉ
Bonono, thường sống thành “gia đình” cỡ vài ba hoặc năm sáu con. Tại sao
các “khỉ loại lớn” không sống thành đàn đông đúc? Tại vì chúng… lớn,
hằng ngày cần nhiều thức ăn trong khi chúng không sản xuất ra được mà
chỉ lấy trong tự nhiên, nếu sống thành đàn chúng sẽ khó kiếm đủ được.
Nhưng dù lớn hay nhỏ chúng cũng có các tập tính khá giống nhau, chúng ta
se lấy hai loại Bonono và khỉ đột làm tiêu biểu.
Dù sống thành đàn hay gia đình cũng không bao giờ “loạn luân”
Chẳng
phải chúng đạo đức mà tại vì, như chúng ta đã biết, trong các loài, nếu
có sự giao phối đồng huyết, tức sự thụ tinh cùng dòng máu (như khỉ cha,
khỉ mẹ với chính con của chúng, khỉ anh em, cô chú cùng huyết thống với
nhau), con cháu sinh ra sẽ suy yếu, phát sinh bệnh tật, dòng giống sẽ
thoái hóa rồi bị tiêu diệt. Bởi vậy tạo hóa đặt để ra, khi còn nhỏ thì
khỉ con sống trong đàn hay trong gia đình với bố mẹ, nhưng khi trưởng
thành, đến tuổi động dục nó sẽ tự động bỏ đàn đi kiếm đàn khác để gia
nhập và sẽ bắt đôi với chàng hay nàng trong đàn khác đó.
Chúng ta
thấy trong một đàn khỉ, con đực “chúa trùm” có thể giao phối với nhiều
khỉ cái nên tưởng rằng trong số các khỉ cái đó có “con gái” hay “cháu
gái” của nó. Không, khi trưởng thành, con hay cháu nó đã rời khỏi đàn
rồi nên không thể có sự giao phối đồng huyết. Chỉ trừ trường hợp đặc
biệt như đàn khỉ sống trong các vườn thú chẳng hạn, khi trưởng thành
không bỏ đàn đi đâu được nên mới có sự giao phối lung tung. Lúc ấy, khỉ
con sinh ra do sự giao phối đồng huyết thường chết.
Báo
Thanh Niên mới đây cho biết, chú khỉ đột có tên Snowflake (Hoa tuyết)
từng nổi tiếng thế giới là cá thể bạch tạng duy nhất trong loài khỉ.
Theo các nhà bảo tồn, Snowflake chào đời nơi hoang dã với chứng bạch
tạng bẩm sinh (một rối loạn về gene khiến chú khỉ đột này thiếu sắc tố
trên da và lông).
Dân
chúng đã bắt được Snowflake ở vùng Guinea Xích Đạo năm 1966. Chú khỉ
đột hiếm gặp sau đó đã sống suốt 40 năm tại vườn thú Barcelona (Tây Ban
Nha) cho tới khi qua đời vì bệnh ung thư da vào năm 2003.
Trước
khi Snowflake chết, người ta đã lấy máu của chú đem đông lạnh để bảo
quản. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mẫu máu đông lạnh này vào
năm 2012 và xác định rằng, chứng bạch tạng của Snowflake do gene SLC45A2
gây ra vì hậu quả của đột biến trực tiếp từ cha mẹ của chú. Khi phân
tích chi tiết, họ phát hiện, cha mẹ của Snowflake có quan hệ huyết thống
gần gũi tới 12% DNA giống hệt nhau, điều này cho biết khỉ cha và khỉ mẹ
của Snowflake có thể là chú ruột đã giao phối với cháu ruột.
Khám
phá trên cho thấy kết quả của việc giao phối loạn luân ở loài khỉ đột
sinh trưởng tại vùng đất thấp của phương Tây. Nhà nghiên cứu Marques
Bonet giải thích rằng, một số loài khỉ đột có dân số ít ỏi ở vùng đất
thấp thường phải giao phối lẫn nhau dù là cùng huyết thống để bảo tồn
nòi giống.
Biết o mèo
Trong
quá trình theo dõi khỉ vàng Rhesus macacus ở Indonesia, các nhà khoa
học nhận thấy rằng các con đực phải chải lông và bắt rận cho khỉ cái để
được “vui vẻ”.
Michael
Gumert, một chuyên gia của Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) cùng
các nhà khoa học, nghiên cứu một nhóm gồm 50 khỉ Rhesus macacus ở
Kalimantan Tengah, Indonesia trong 20 tháng. Họ nhận thấy khỉ đực thường
chải lông, bắt rận cho khỉ cái trước khi giao phối với nó.
Không
phải mọi khỉ đực đều được ân ái sau khi chải lông cho khỉ cái, nhưng
thống kê cho thấy hoạt động tình dục trong đàn khỉ tăng lên hơn 2 lần
nhờ hoạt động này. Cụ thể, số lượng đôi khỉ giao phối trong một giờ
(tính trung bình) là 1,5 lần. Nhưng sau khi khỉ cái được chải lông, số
lượng trung bình đó tăng lên gấp 3,5 lần.
Nghiên
cứu cũng cho thấy, số phút mà một con khỉ đực dành cho việc chải lông
phụ thuộc vào số lượng khỉ cái có mặt chung quanh nó. Con số khỉ cái
càng đông thì số phút chải lông của khỉ đực càng ít. Nói một cách dễ
hiểu, ở người, một anh chàng có nhiều “bồ” thì anh ta sẽ ít chăm sóc các
cô hơn là chỉ có một.
lấy
thức ăn hoặc để “chàng” chịu khó chăm sóc con hơn. Nhưng đây là lần đầu
tiên giới khoa học chứng kiến khỉ đực chăm sóc khỉ cái để lấy “tình”.
Nhưng
điều khiến Michael Gumert để ý là nhiều khi khỉ cái cũng chải lông cho
khỉ đực. Theo ông, có thể đó là một cách để khỉ cái làm giảm mức độ hưng
phấn của khỉ đực. Trên thực tế, sau khi được khỉ cái chải lông, số phút
làm tình của khỉ đực giảm hẳn.
II. Đời sống tình dục
Đối
với các vật nuôi như chó, mèo, gà, vịt, kể cả trâu bò, chúng ta thấy
con vật cái chỉ chịu đực khi chúng ở thời kỳ động dục. Trong trường hợp
chúng chưa tới thời kỳ động dục mà con đực cứ muốn “làm” thì chúng né
tránh để “chàng” không thể “tới bến”được. Riêng ở loài khỉ, chỉ trừ khi
đang có thai hoặc đang phải nuôi con nhỏ khỉ cái mới tỏ ý không bằng
lòng hoặc chống lại chồng, còn những lúc khác dù không muốn nó cũng
chiều ý chồng. Đặc biệt, lúc động dục con cái thường có những cử chỉ mời
gọi.
Ngoài
ra, ở khỉ Bonono và khỉ đột, khi khỉ vợ quá ham muốn nó cũng biết kích
thích cơ quan sinh dục của chồng để chồng hiểu ý nó, rồi nó nằm sấp
trước mặt chồng một cách mời gọi để chồng làm tình với nó. Đến mức này
thì khỉ chồng chiều ý vợ vì không thể từ chối.
Một
trường hợp kỳ lạ là mới đây, các nhà khoa học trong khi đi nghiên cứu,
vô tình bắt gặp ở trong rừng Brasil một con khỉ cái có thai rất lớn bất
ngờ bị té từ một ngọn cây cao xuống một mỏm đá, bị thương nặng sắp chết.
Con khỉ đực chồng nó cứ quanh quẩn ở đấy ôm ấp vợ một cách cực kỳ
thương xót đồng thời xua đuổi những con khỉ khác không cho tò mò đến
xem. Điều lạ lùng không ai có thể tưởng tượng được là cuối cùng, con khỉ
đực chồng nó giao cấu với vợ trước khi vợ chết. Các nhà khoa học giải
thích rằng, nó giao phối như vậy không phải do sự thích thú mà là để bày
tỏ lòng yêu thương cũng như sự đau xót cùng cực của nó đối với vợ.
Khỉ
Bonono thường được nhắc tới như “những con khỉ có quan hệ tình dục rất
nhiệt tình”. Ở loài khỉ này, các con cái sử dụng tình dục cho nhiều mục
đích: để giảm căng thẳng, để hóa giải xung đột giữa nó và con đực, thậm
chí còn khoe khoang chuyện “làm tình” trước mặt bạn bè.
Trong
các cuộc quan sát mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại
học St Andrews (Anh) thấy rằng, khỉ cái sử dụng tiếng kêu để “quảng
cáo” những cuộc giao hoan của chúng, nhất là khi chúng giao hoan đồng
tính với một con khỉ cái khác.
Ân
ái đồng tính giữa khỉ cái với khỉ cái là hành vi tương đối phổ biến
trong loài khỉ Bonono bất cứ khi nào chúng muốn. Bởi vậy chúng duy trì
mối quan hệ giữa các khỉ cái với nhau rất vững chắc và thường liên quan
tới tình dục. Bà Zanna Clay, vị tiến sĩ đứng đầu trong cuộc nghiên cứu
này giải thích: “Khỉ cái “to mồm” khi giao hoan với bạn tình để các khỉ
cái khác thấy giá trị của nó trong chuyện tình dục. Nhất là khi ân ái
với một con khỉ cái giữ vị trí cao hơn trong bầy đàn thì nó lại càng làm
ầm ĩ hơn có vẻ rất hãnh diện”.
Tuy nhiên, khi khỉ cái đến thời kỳ
động dục thì nó lại càng la hét nhiều hơn lúc ân ái với khỉ đực chồng
nó. Tiến sĩ Clay giải thích: “Điều đó cho thấy những tiếng la hét ấy có
tính cách bản năng và thích thú hơn là sự tự quảng cáo”.
Các kiểu làm tình ở loài khỉ
Là
động vật cao cấp nhất trong các con vật và có những tính chất gần giống
với con người nhất, khỉ cũng có những tư thế làm tình vừa giống đa số
các loài vật khác đồng thời vừa giống với người, gồm các kiểu chính:
–
Kiểu đứng: Con đực ôm trên lưng con cái từ phía đằng sau. Con cái có
thể đứng hoặc nằm sát xuống đất theo ý nó muốn và vừa tầm với con đực.
– Kiểu nằm: Con cái nằm ngửa, con đực nằm hoặc ngồi trên phía phần sau của con cái, mặt đối mặt.
–
Kiểu ngồi: Hai con cùng ngồi đối diện với nhau, ôm nhau. Nếu con cái
lớn hơn con đực khá nhiều thì nó thường chống hai tay xuống đất cho
vững, con đực ngồi trên hai đùi nó và ôm lưng nó. Ngược lại, nếu con đực
bằng hoặc lớn hơn con cái thì còn đực ngồi chống hai tay xuống đất, con
cái ngồi trên hai đùi nó. Như vậy chính con cái chủ động trong việc
giao phối với con đực.
Nếu người giao phối với khỉ thì có thể sinh con hay không?
Ngày
xưa, khi chưa có định nghĩa về loài, nhất là chưa có sự khám phá về
nhiễm sắc thể (chromosomes) cũng như về gene trên các nhiễm sác thể, các
nhà khoa học Nga tự đặt câu hỏi, khỉ là loài rất gần với người, nghĩa
là có nhiều tính chất giống người, vậy nếu người giao phối với khỉ thì
có thể sinh con hay không?
Để
trả lời câu hỏi đó, họ nuôi một khỉ cái Bonono là loài khỉ hiền lành
nhất, giống người nhất, có tính dục mạnh mẽ nhất, rồi chờ đến khi cô khỉ
cái tới thời kỳ động dục, họ cho một người đàn ông tráng kiện giao phối
với cô khỉ này. Kết quả là dù giao phối bao nhiêu lần chăng nữa cô khỉ
vẫn không có thai. Họ cho rằng có lẽ do nuôi trong điều kiện không giống
với điệu kiện tự nhiên nên cô khỉ không thể thụ thai. Họ làm thí nghiệm
khác rất công phu là sang bên Phi châu, thuê mấy thanh niên Phi châu
khỏe mạnh, sung sức, không mặc quần áo, gia nhập đàn khỉ Bonono kể cả
đàn khỉ đột rồi dùng thức ăn “làm quen” với các cô khỉ cái, sống với các
cô này như vợ chồng và giao phối với các cô đó trong điều kiện tự
nhiên. Kết quả là không cô nào có thai cả. Các nhà khoa học đi đến kết
luận: khi người giao phối với khỉ thì không thể thụ thai.
Thật
ra, sau khi đã có định nghĩa về loài của nhà sinh vật học người Đức
Ernst Mayr (1904-2005), nhất là sau khi đã có những hiểu biết về nhiễm
sắc thể và gene, không cần làm những thí nghiệm như trên người ta cũng
biết hai sinh vật khác loài như người và khỉ khi giao phối với nhau thì
không thể thụ tinh để sinh ra con được.
Theo định nghĩa của Ernst
Mayr: “Loài là một nhóm các ca thể sinh vật có những đặc điểm tương đối
giống nhau và có khả năng giao phối với nhau sinh sản ra thế hệ tương
lai”. Hay nói khác đi, hai loài khác nhau thì không thể giao phối với
nhau, hoặc có giao phối nhưng không thể sinh sản, hoặc có sinh sản nhưng
con của chúng không sinh sản được. Tại sao như thế? Bởi vì mỗi loài có
bộ nhiễm sắc thể khác nhau, trên đó có các gene di truyền. Ở người có 46
NST tức 23 đôi. Ở khỉ có 42 NST tức 21 đôi. Khi giao tử của người gặp
giao tử của khỉ trong sự giao phối, số lượng các NST không phù hợp nên
chúng không thể kết hợp với nhau để tạo ra bào thai được.
Trong
thế giới động vật chỉ có trường hợp con lừa và con ngựa là hai loài
khác nhau, chúng có thể giao phối với nhau sinh ra con gọi là con la,
nhưng con la không sinh sản được, như vậy định nghĩa của Ernst Mayr vẫn
đúng.
Huyền thoại về khỉ dã nhân hay “người rừng” ở Trung Quốc
Nhiều nhân chứng kể rằng các “nữ dã nhân” đã đột nhập vào một số làng trong rừng ở Trung Quốc để tìm kiếm đàn ông.
Hơn
400 người Trung Quốc khẳng định họ đã từng nhìn thấy dã nhân – một loại
sinh vật giống người hoặc giống đười ươi song có chiều cao tới 2 m –
trong rừng Thần Nông Gia thuộc tỉnh Hồ Bắc. Chẳng hạn, vài người kể rằng
các dã nhân nữ đột nhập vào một số làng trong rừng để ngủ với đàn ông.
Năm
1983, tờ Nhật báo Chiết Giang đưa tin, một nông dân đang ngủ trong
chiếc lán trong rừng thì một sinh vật to lớn có hình dạng giống phụ nữ
xông vào lán định thực hiện hành vi giao cấu với ông. Sinh vật đó có cặp
mắt màu xanh dương thẫm. “Người nông dân không kêu lên được vì quá sợ
hãi. Ông cũng không thể chống cự lại được đối thủ. Nữ dã nhân kia giao
cấu với ông vài phút rồi bỏ đi”.
Lời
đồn đại về sự tồn tại của dã nhân khiến hơn 100 nhà khoa học thành lập
Hiệp hội Tìm kiếm Dã nhân tỉnh Hồ Bắc vào tháng 11/2009. Wang Shancai,
một phó chủ tịch của hiệp hội, cho biết, các nhà khoa học đang quyên
tiền để thực hiện một cuộc tìm kiếm quy mô trong rừng Thần Nông Gia.
Theo ông Wang, nếu dã nhân thực sự tồn tại, chúng sẽ giúp giới khoa học
hiểu rõ hơn về quá trình động vật linh trưởng tiến hóa thành người.
Viện
Khoa học Trung Quốc đã từng cử ba đoàn chuyên viên vào rừng Thần Nông
Gia để tìm dã nhân trong thập niên 70 và 80. Họ tìm thấy nhiều thứ được
cho là của dã nhân như lông, phân, dấu chân và chỗ ở, song không đưa ra
kết luận chính thức về sự tồn tại của chúng.
Ông
Wang khẳng định: “Ba đoàn chuyên gia trước đây đã mất thời gian và công
sức do tìm kiếm trên phạm vi quá rộng. Ngoài ra thời đó họ cũng không
có những thiết bị tiên tiến. Cuộc tìm kiếm sắp tới của chúng tôi sẽ chỉ
tập trung trong phạm vi hẹp như các hang mà dã nhân có thể sống”.
Ông
nói tiếp: “Chúng tôi sẽ chia thành 5 đoàn để tập trung tìm kiếm tại 5
khu vực quan trọng mà dã nhân có thể xuất hiện. Các đoàn sẽ sử dụng
những biện pháp hiện đại nhất, bao gồm cả các bẫy có camera. Với sự hỗ
trợ của các thiết bị hiện đại, tôi tin khả năng tìm thấy dã nhân là 80%
trở lên”.
Nhiều
nhà khoa học tại Trung Quốc và trên thế giới cho rằng dã nhân mà hơn
400 người nói họ đã từng trông thấy có thể chỉ là một loài đười ươi lạ
mà con người chưa biết.
Nhà
báo Mỹ Nicholas Redfern, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới
về sinh vật lạ cho rằng, nỗ lực của giới khoa học Trung Quốc không phải
viển vông, bởi vì có nhiều hóa thạch cho thấy dã nhân có thể tồn tại.
Redfern
nói với Fox News: “Rất nhiều câu chuyện về quái vật khổng lồ đã được
người dân bịa ra dựa trên những câu chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết.
Nhưng thật ra người ta đã tìm thấy nhiều hóa thạch cho thấy những sinh
vật lớn giống người đã từng sống tại Trung Quốc hơn 300 ngàn năm trước”.
Các
chuyên gia về linh trưởng đã từng tìm thấy xương hàm, răng, và nhiều
mảnh xương khác của một loại động vật có hình dạng giống người trong
rừng Thần Nông Gia. Sinh vật này có chiều cao xấp xỉ 2,7 m. Các nhà khoa
học gọi nó là Gigantopithecus (Người rừng khổng lồ).
Redfern
đã tham gia nhiều cuộc tìm kiếm người rừng khổng lồ, song các nỗ lực đó
đều thất bại vì thiếu tiền. Ông nói: “Chẳng có gì tuyệt vời hơn nếu các
nhà khoa học có đủ tiền để tìm kiếm sinh vật ẩn hình trong vòng một
năm. Nếu bạn chỉ vào rừng trong vòng một tuần và tìm kiếm một cách ngẫu
nhiên thì cơ hội tìm thấy người khổng lồ sẽ rất mong manh”.
Tuy
nhiên, nếu Hiệp hội Tìm kiếm Dã nhân tỉnh Hồ Bắc quyên đủ tiền để thực
hiện cuộc tìm kiếm lâu dài thì một câu hỏi được đặt ra: “Người khổng lồ
có còn sống trong các khu rừng châu Á hay không?”. Redfern phát biểu:
“Các bằng chứng khoa học cho thấy Gigantopithecus đã tuyệt chủng từ lâu
nhưng các nhà khoa học cũng thường xuyên mắc sai lầm. Kết luận của các
nhà khoa học không phải bao giờ cũng đúng”.
Đoàn Dự