Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn

 Vừa qua anphabe gửi đến trang ĐG một bài Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn của Thanh Nguyên, chúng tôi xin chia sẻ để các bạn trẻ có kinh nghiệm chọn nghề và kinh nghiệm trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng:

Chọn việc ngành khó – Cái khó ló cái khôn

Với tâm lý thích ổn định, nhiều người quan niệm chọn việc thì phải chọn “ngành ngon”, “việc dễ” mà làm. Nếu ai cũng vậy thì “gian khổ sẽ dành phần ai”? Khi quá kén cá chọn canh, kiểu như ngành Dược thì hơi buồn tẻ, ngành thuốc lá không thân thiện hay rượu, bia lại khó làm, bạn đang thực sự hạn chế các cơ hội tới với mình. Điều ngạc nhiên là tôi biết nhiều người rất thành công và gắn bó với nghề khó, ngành khó. Điều gì hấp dẫn họ?

Vượt lên chính mình
Khi một thành viên Anphabe “chất vấn” chị Đào Lê Duyên -  Giám đốc nhân sự công ty British American Tobacco “Nhân viên công ty chị có bị cắn rứt lương tâm khi xã hội quan niệm ngành đang làm không tốt cho sức khỏe cộng đồng?”, chị chia sẻ một góc nhìn rất khác  “Cám ơn bạn đã đề cập đến lương tâm, một vấn đề mà bất cứ một người có trách nhiệm nào cũng sẽ đặt ra trong mỗi quyết định nghề nghiệp của mình. Nếu bạn là người có trách nhiệm với gia đình (nuôi dưỡng cha me, dạy dỗ con cái, chăm sóc tốt người bạn đời hay anh chị em...), có trách nhiệm với xã hội (đóng thuế đầy đủ, hỗ trợ cộng đồng, không vi phạm pháp luật .....), có trách nhiệm với bản thân và công việc (làm tốt việc mình, giúp đồng nghiệp cùng tiến ....) thì không ai quy kết bạn là kẻ vô lương tâm chỉ vì bạn làm việc trong ngành "khó". Ngược lại, một người bất hiếu với cha mẹ, ngược đãi con cái, đố kỵ với anh em hay vi phạm pháp luật .... thì cũng chẳng thể gắn nhãn "người có lương tâm" chỉ vì họ làm trong ngành được cho là cao quí”

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Khi có cơ hội nghề nghiệp mới chào đón, điều quan trọng là nó có phù hợp với khả năng, sở thích và kế hoạch nghề nghiệp của bạn hay không. Nếu chọn thì hãy làm hết mình, theo tôi thế mới là “thực sự có tâm”. Khi đó, bạn sẽ có sức mạnh để vượt lên “dư luận” và vững tin theo đuổi nghề nghiệp mình đã chọn.

Càng “bó buộc” thì càng bứt phá
Một điểm tò mò về tham gia ngành khó đó là “có nhất thiết phải yêu sản phẩm của ngành hay không?”. Bàn về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thu Giao – Giám đốc nhân sự Diageo bày tỏ: “Tôi cho rằng nếu đã có sẵn định kiến, ác cảm với chủng loại sản phẩm nào rồi thì đừng chọn để làm. Không ai có thể thuyết phục hay cưỡng ép bạn “yêu” được. Khi làm việc trong ngành khó, bạn không bắt buộc phải “yêu” sản phẩm như người tiêu dùng, nhưng ít nhất cũng cần có thiện cảm, sự trân trọng và hiểu điều khác biệt mà sản phẩm tạo ra cho người tiêu dùng, để từ đó bạn có niềm tin vào việc mình làm”

Điểm hấp dẫn mà nhiều người thành công trong ngành khó chia sẻ đó là chính những thách thức của ngành lại là động lực để họ thêm sáng tạo và có nhiều sáng kiến mới. 
Việc khó hay không là tại mình. Chúc bạn có những suy nghĩ thấu đáo trước khi bén duyên với cơ hội ngành khó đầy thú vị!


THANH NGUYỄN
Chief Opportunity Connector – Anphabe.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét