Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

CÂY SẢN XUẤT RA ĐIỆN

Thầy Nguyễn Bang sưu tầm và giới thiệu đến Thầy Cô, anh chị : Cây sản xuất ra điện

Cây sản xuất ra điện
Đức Tâm
media

Một cánh đồng lúa ngày đêm sản xuất ra điện đủ cho nhu cầu tiêu dùng của một khu làng hẻo lánh ở vùng Đông Nam Á ? Giấc mơ này đang từng bước trở thành hiện thực tại Hà Lan, nơi mà các nhà khoa học phát triển một hệ thống sản xuất điện nhờ vào các loại cây sinh sống trong vùng bão hòa nước.
Bà Marjolein Helder, phụ trách công ty Plant-e, đặt tại Wageningen, phía đông Hà Lan giải thích với AFP : « Cây tạo ra năng lượng nhiều hơn mức nó cần. Lợi thế của hệ thống này so với điện gió hoặc điện mặt trời là nó hoạt động kể cả trong đêm và khi không có gió ».
Được thành lập năm 2009, công ty Plant-e kinh doanh và hoàn thiện hệ thống điện cây trên cơ sở ý tưởng của các nhà khoa học thuộc đại học Wageningen và được đăng ký bản quyền năm 2007.
Hệ thống cho phép sản xuất ra điện nếu như có cây được trồng trên một diện tích tương đối lớn, và trong môi trường bão hòa nước, ví dụ như các khu rừng sú vẹt, cánh đồng lúa, thực vật trên một bãi đầm lầy, hoặc thậm chí các cây trồng trong chậu, trong vườn.
Bà Jacqueline Cramer, giáo sư về phát minh phát triển bền vững ở đại học Utrecht, nguyên Bộ trưởng Môi trường Hà Lan nói rằng: « hệ thống này chỉ mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều việc phải hoàn thiện, nhưng tiềm năng của hệ thống này rất lớn. Nếu hệ thống tương đối hoàn thiện, chúng ta có thể nghĩ tới việc cung cấp điện cho các vùng xa xôi hẻo lánh hoặc thậm chí, lắp đặt trong các thành phố và nông thôn để sản xuất năng lượng xanh ».
Các chuyên gia giải thích, công nghệ này liên quan đến quy trình quang hợp, thông qua đó cây sản xuất ra chất hữu cơ. Cây sẽ hấp thụ chất hữu cơ này và phần còn thừa thì thải xuống lòng đất thông qua rễ cây. Do vậy, xung quanh rễ cây có rất nhiều vi sinh vật sống nhờ vào các chất hữu cơ thừa được thải ra và chúng phát ra các electron.
Khi cắm các điện cực bằng carbon xuống gần các rễ cây, người ta thu được các electron và từ đó, có thể sản xuất ra điện.
Bà Helder nhấn mạnh, việc sản xuất điện từ cây không phải là một ý tưởng mới, nhưng theo phương pháp của công ty Plant-e thì không làm hỏng cây. Có một điểm hạn chế, nếu nước bị đóng băng hoặc không đủ, thì hệ thống sản xuất điện ngừng hoạt động. Nhưng chỉ cần đổ thêm nước vào hoặc băng tan chẩy, thì hệ thống hoạt động trở lại.
Công ty Plant-e bán hệ thống sản xuất điện từ cây dưới dạng các tấm nhựa hình vuông mỗi chiều khoảng 50 cm, có thể kết nối với nhau. Hệ thống này đặt ở những nơi công cộng hoặc trên nóc các khu nhà cao tầng.
Để phủ một diện tích 100 mét, giá là 60 000 euro. Các chuyên gia đang chế thử hệ thống điện cây có hình ống túyp để có thể ngâm xuống môi trường bão hòa nước.
Đông Nam Á, nơi có nhiều diện tích cánh đồng lúa, sú vẹt, những khu vực ẩm ướt cao, được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn đối với sản phẩm này, vì tỷ lệ dân cư có điện vẫn rất thấp, 31% ở Cam Bốt, 49% ở Miến Điện, 55% ở Bangladesh và 66% tại Lào.
Tuy nhiên, sản phẩm này cần phải được hoàn thiện, cho phép sản xuất hàng loạt, qua đó, hạ giá thành. Hiện nay, một hệ thống cây điện rộng 100 m2 cho phép nạp được điện thoại smartphone, thắp sáng một bóng đèn tiết kiệm điện LED… Trong vài năm nữa, công ty Plant-e hy vọng là cùng diện tích 100 m2, thì có thể sản xuất được 2 800 Kwh mỗi năm, tương đương 80% nhu cầu điện của hộ gia đình Hà Lan, tính trung bình có 2,2 người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét