Chúng tôi xin giới thiệu bài báo ĐÔI ĐIỀU SUY GẪM của thầy Trần Sĩ Huệ ( Trần Huiền Ân ) đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 21/6/2015:
Thầy Trần Sĩ Huệ
1. Các đồng nghiệp cũ của tôi, những ông thầy
“mất dạy”, mỗi lần gặp nhau, vẫn thường nhắc chuyện một thời. Ở các lớp Tiểu học,
ba mặt tường treo cao ba khẩu hiệu: TỔ QUỐC
TRÊN HẾT – TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN – NGÀY NAY HỌC TẬP, NGÀY MAI GIÚP ĐỜI.
Trên bảng xanh, dưới hàng “Thứ… ngày…
tháng…năm…” là một câu “Cách ngôn”
và một phép “Tính nhẩm”. Lúc nào cũng
vậy, sau khi học sinh vào lớp, ngồi xuống, thầy cô giáo dành ra năm phút, giảng
nghĩa vắn tắt câu cách ngôn và hướng dẫn phép tính nhẩm. Mỗi niên khóa có 9 tháng,
trừ nghỉ lễ nghỉ tết còn 32 tuần thực học, mỗi tuần có 3 tiết Đức dục và 2 tiết
Công dân giáo dục, mỗi tiết từ 20 đến 25 phút.
Đức dục dạy về bổn phận đối với ông bà cha mẹ anh chị em, họ hàng, thầy
cô, người già cả… Công dân giáo dục dạy về cách ứng xử ngoài xã hội, lịch sự
khi đi đường, trên tàu trên xe, khi đến chỗ đông người, đến công sở v.v… Câu cách
ngôn gần như đúc kết và minh họa các bài học. Tính nhẩm, ngoài việc tập cách làm
toán không cần giấy bút (dân gian gọi là tính rợ), còn tạo cho học sinh thói
quen suy nghĩ nhanh, phản ứng nhanh trước một sự việc. Như vậy, mỗi niên khóa học
sinh được học 96 bài Đức dục, 64 bài Công dân giáo dục, được nghe giảng giải
160 lần về các câu cách ngôn, đồng thời được làm tính nhẩm 160 lần. Cộng hết 5
năm bậc Tiểu học, có 480 bài Đức dục, 320 bài Công dân giáo dục, 800 lần tìm hiểu
các câu cách ngôn, 800 lần tập tính nhẩm. Như những giọt nước nhỏ xuống từng ngày,
thấm dần, thấm dần, sau 5 năm các cậu bé, cô bé từ 11 đến 13 tuổi đã có một ý
niệm khá đầy đủ về các điều căn bản của đạo đức và tư cách để làm một người tốt.
Đó là cái tuổi nhạy bén, dễ xúc động, dễ ghi nhớ và ghi nhớ bền lâu. Không phải
không có những học sinh “không thuộc bài”, nhưng số này rất ít, ít lắm, cái
tinh thần “tôn sư trọng đạo” nơi học sinh Tiểu học rất cao, những bài học dưới
mái trường luôn luôn là “khuôn vàng thước ngọc” để họ tự giám định. – Nghĩ như vậy, coi trọng thời kỳ ấu học, có chủ quan không?
* * *
2. Cũng có lúc chúng tôi nói chuyện… văn chương.
Bàn về các nhân vật chính trong thơ cổ được đọc nhiều: Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Mai Đình mộng ký, Bích Câu kỳ ngộ… Trong các tác phẩm viết ở Miền Bắc,
nhân vật nào cũng hào hoa phong nhã, người này cỡi ngựa đi hội đạp thanh, người
kia thả thuyền ngắm trăng trên sông Phù Thạch, người gặp tình lạ duyên may, người
tương tư đau ốm…vân vân… nghĩa là toàn quý bậc “công tử” giàu sang “ăn chơi” cả.
Trái lại, xuất thân ở Miền Nam, trong
truyện Lục Vân Tiên đủ hạng dân, cũng nhiều người xấu, nhưng ta được gặp
các anh hùng vị nghĩa, không thể không nhắc đến Hớn Minh. Lục Vân Tiên đánh bọn
cướp, Hớn Minh dám bẻ gãy chân thằng nhãi con quan, mặc kệ hậu quả phải từ bỏ
con đường danh vọng. Có bạn đặt một dấu hỏi vui: Nếu như cái ngày đẹp trời ấy,
chị em Kiều-Vân cũng gặp nạn thì phản ứng của Kim Trọng thế nào? Có thể dám liều
mình cứu mỹ nhân, cũng có thể ra roi giục cương cho ngựa chạy thoát khỏi vòng
lao lý! Không nên trách những người quen sống trong nhung lụa, đài các, mất đi
cái “dũng”, chỉ nên khen những con người quê mùa chất phác lúc nào cũng thẳng
thắn hành hiệp. Các sử quan viết Đồng
Khánh địa dư chí, bàn về từng địa phương, thường cho rằng khí thế núi sông
có ảnh hưởng rất lớn tâm tính con người, tạo nên phong tục xứ ấy. Nói về các nhân
vật, cũng là nói về những con người thật ngoài đời họ phản ảnh. – Nghĩ rằng do môi trường sinh trưởng, môi
trường hoạt động, con người giữ được, hay đánh mất cái “bản thiện”, có chủ quan
không?
* * *
3. Xem TV, chương trình quảng cáo, cô nọ tắm xà
phòng thơm, xức nước hoa, ra đi, cả đám thanh niên quay đầu nhìn theo, ánh mắt đầy
vẻ thèm thuồng. Nửa thế kỉ trước, đám thanh niên ấy sẽ bị dư luận chê là thiếu
lịch sự. Trong việc ăn uống thì người lớn ngốn ngấu bát mì, nhai ngồm ngoàm đến
những sợi mì lòng thòng rơi vãi, trẻ em uống sữa ừng ực, thản nhiên lè lưỡi ra
liếm phần sữa đọng quanh mép một cách ngon lành. Trước đây, phong cách ấy đương
nhiên bị chê là “ham ăn hốt uống”, không cha mẹ anh chị nào muốn thấy hình ảnh
con em mình như vậy. Nhìn ngắm sỗ sàng và ham ăn hốt uống được chiếu lên cho hàng
triệu người xem, là nét đẹp trong văn hóa sao?
Trong
một tạp bút, ông Võ Phiến (đại ý) cho rằng ở ngày xửa ngày xưa, sống giữa thiên
nhiên con người cảm thấy cô đơn, bất trắc, họ chỉ được bình an khi về cùng đồng
loại. Nhưng theo thời gian trôi, nhiều sự đe dọa xảy ra ngay chính trong đồng loại,
con người lại thấy một mình giữa thiên nhiên tuy cô đơn nhưng bình an. Bây giờ…
một mình đi trên đường vắng ta thấy buồn lo, nhưng bất ngờ gặp một người ta càng
sợ sệt, không biết kẻ hiền hay kẻ dữ, có thể gây nguy hiểm cho ta không, tính mạng
và tài sản của ta có bị đe dọa không? Chẳng mấy ai dám dừng xe, dù vào buổi trưa
nắng hay chiều đang dần xuống, cho một người lỡ bước “quá giang”, trong lòng vẫn
biết như thế là không nên, song thương bản thân vẫn là việc phải làm hơn.
Thế nhưng, con người dang tàn phá thiên nhiên,
ít ra là ích kỉ lãng quên. Ông Võ Phiến có nói đến những hôm trời Sài Gòn bất
chợt đổ cơn mưa lớn, rồi tạnh ráo, ngồi trong xe lam (hồi đó xe lam chạy nhiều
tuyến đường trong thành phố) chợt nghe tiếng một trái dầu khô rơi xuống gõ nhẹ
long cong trên mui, có cảm tưởng như lời nhắc nhở của thiên nhiên gởi cho đô thị.
Ngày nay, chắc không còn người Sài Gòn nào nhìn thấy những trái dầu khô theo làn
nước chảy tràn. Ai nấy lo sống, tranh sống, từng phút từng giây.
Sự “xuống cấp” trong tình người, suy cho cùng
là điều tất yếu khi xã hội càng ngày càng coi trọng vật chất, lợi lộc bất chính,
không có cách nào khác là phải chấp nhận, miễn mình đừng làm hại ai là tốt rồi!
– Thái độ thỏa hiệp bất đắc dĩ để sống ấy phải chăng dẫn đến sự lãnh
cảm, vô cảm, và một ngày nào đó đến lượt ta nhận chịu?
* * *
4. Nhớ năm nào… thầy trò chúng tôi đã có những
buổi mạn đàm về các bài giảng văn. Ông Nguyễn Bá Học viết về Chí mạo hiểm: Đường đi khó, không khó vì
ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Ông khuyên thanh
niên phải lập chí mạo hiểm. Ông Nguyễn Văn Vĩnh chê cái cười “cầu tài” trong bài
Gì cũng cười: An Nam
ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng
cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một
tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Theo ông, nếu không muốn bày tỏ ý kiến chân
thực thì nên lịch sự từ chối, mới là phải. Tôi bây giờ đã già, gần 80 thì nói
ngay là già, chớ tránh trớ rằng “người cao tuổi”. Chí mạo hiểm đã tiêu tan hết,
lại nghe không biết bao nhiêu lời khuyên nên xa lánh mọi sự, im lặng trước mọi điều,
hoặc giả “phải cũng hì mà quấy cũng hì” cho xong, can thiệp vào e uổng mạng… già.
Đọc báo, nhiều chuyện kinh hãi quá, nhưng ít đi, ít chứng kiến. Đầu tháng năm vừa
rồi, ra Đà Nẵng, giữa tháng năm vô Sài Gòn thấy thiên hạ chen chúc xe cộ trên đường
phố vẫn còn… hiền lành, tuần sau lại đi Hà Nội, hi vọng không đến nỗi bị sốc. Có
thể chúng ta đang bi thảm hóa cuộc sống chăng? Chắc là không. Cuộc sống hiện tại,
nhìn bằng con mắt thường, nghe bằng lỗ tai thường, suy nghĩ bằng khối óc thường…
đáng buồn lắm! Có quyền, có thế, có tiền, liên kết với nhau thành có lợi. Thường
dân bị ức hiếp, hàm oan kêu đến công lý thì công lý làm ngơ! Dần dà thành quen,
việc xấu coi là “chuyện nhỏ”. Sao lại nhỏ? - Phải nhìn thẳng vào thực tế, đừng lạc quan tếu, cũng đừng làm con đà
điểu cúi đầu trốn lánh!
* * *
5. Đôi điều suy gẫm như thế, đưa đến câu hỏi:
Nguyên nhân do đâu? Từ đâu? Kết quả thế nào? Đưa trách nhiệm cho các nhà giáo dục
chăng? Đưa trách nhiệm
cho các nhà văn
hóa, xã hội chăng? Hỏi các nhà làm chính
sách, những kế hoạch 5 năm, 10 năm có phần nào cho lĩnh vực tinh thần của cả dân
tộc, đừng kể các lễ hội buôn thần bán thánh, lúc nào nơi nào cũng sẵn sàng mọc
ra, dưới mỹ hiệu “truyền thống”.
Tuổi già đi vào ngõ cụt. Không thoát nổi cái vòng lẩn quẩn.
Đâu dám khuyên bảo lớp hậu sinh.
TRẦN HUIỀN ÂN