Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

MÙA THU VỀ TRƯỜNG



Một mùa thu tôi về thăm trường
Lòng rộn ràng bao niềm nhớ thương
Chân bước trên lối xưa ngỡ ngàng
Như chim hoang bay về non ngàn


Cây phượng yêu còn mãi đứng chờ
Ghế đá buồn nằm đó chơ vơ
Sương giăng giăng dáng ai mờ mờ
Áo học trò thoang thoáng trong mơ


Kỷ niệm nào không rưng rức sầu
Bạn bè giờ phiêu dạt về đâu
Hoa thắm xưa thời gian úa màu
Chợt ngậm ngùi nghe hồn xót đau


Sân trường đây người em đâu rồi !
Ngày vui còn trong giấc mơ thôi
Kỷ niệm xưa ngủ yên trên đồi
Mùa thu ơi ! Tim ta bồi hồi...


Nguyễn Tấn Lực K6




Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

HƯƠNG XƯA






có phải lòng thu đã sắp tàn
cánh sầu như cũng bớt đa đoan...?

***


thổi lại hương thu ngọn gió tàn
nghe lòng như chút nắng vương mang
sót trên hơi thở mùa thu cũ
lại thấy mênh mông những cánh vàng

em níu thu về theo gió, mây
lòng anh thương nhớ gửi trăng gầy
thơ đan trong lượng từ chật hẹp
làm sao gói hết ân tình nầy?

có phải chờ mong lần gặp lại
để làm nhàu úa trái tim đau
để làm tan nát hồn si dại
vẫn mãi xanh rêu một nỗi sầu

man mác hương tình cơn gió thoảng
đượm thắm hồn thu một thuở nào
trăng xưa lại trút dòng dĩ vãng
lên cánh thu vàng nghe xuyến xao.


Mộc Miên Thảo
( Nguyễn Đăng Khoa) 

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Giáo dục Mỹ: Triết lý tự do


Thầy Nguyễn Bang giới thiệu bài Giáo dục Mỹ: Triết lý tự do của Đại Thắng - Hữu Duyệt:

 
Triết lý giáo dục “tự chủ - tự do” tạo ra sự đa dạng về nhân tài, từ đó sinh ra sự phồn thịnh về thành quả cho nền kinh tế-xã hội Mỹ.

Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams từng nói: “Trẻ em nên được giáo dục dựa theo nguyên tắc tự do”. Suốt hơn 200 năm phát triển, nền giáo dục Mỹ vẫn trung thành với triết lý đó. Những công dân Mỹ tương lai được định hình bởi giá trị cốt lõi là tự do đi kèm với tự chủ. Cũng chính vì thế mà giá trị của “giấc mơ Mỹ” đã và đang len lỏi đến tất cả “ngóc ngách” của thế giới.

“Tự do” gắn liền “tôn trọng” và “trách nhiệm”
Nền giáo dục Mỹ hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do, có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống đang biến động từng ngày. Người Mỹ hiểu rằng việc “bó buộc” trẻ em trong những quyển sách “quốc định” chỉ khiến sức tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ bị giới hạn. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng sống của trẻ trong một thế giới hội nhập, đa dạng. Đó là lý do tại sao chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự phát hiện, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”.

Tuy nhiên, triết lý “tự do” không có nghĩa là thiếu sự tôn trọng hay thiếu bình đẳng. Cái tự do mà người Mỹ muốn có là tự do về tư tưởng - quyền được giữ quan điểm của bản thân. Nhưng phải tôn trọng ý kiến (hay sự tự do tư tưởng) của người khác. Chẳng hạn, nếu một sinh viên ngành sinh học không tin theo thuyết tiến hóa, anh ta được quyền giữ nguyên lập trường. Nhưng sinh viên này vẫn phải tìm hiểu học thuyết đó khi bước vào lớp như các bạn khác.

Các thầy cô thường nhắc nhở trẻ con rằng: “Bất kỳ ai trong các em cũng có quyền loại bỏ, thậm chí là tẩy chay một nhãn hiệu mà họ không thấy thích. Nhưng không được quyền ép người khác đứng về phe mình, vì như thế là thiếu tôn trọng quyền của tự do của người khác - điều mà người Mỹ tối kỵ”. Điều này còn được minh chứng khi nhìn vào sự bình đẳng giữa thầy-trò ở Mỹ. Giáo viên chấm điểm học trò, còn học trò lại có quyền nhận xét về chất lượng giáo viên. Cả hai bên đều không thể cư xử võ đoán với nhau. Do đó học trò được tự do thắc mắc, ý kiến hoặc thậm chí nghi ngờ giáo viên. Trong cuộc tranh luận, việc thẳng thắn nhận “tôi sai” hoặc “tôi không biết” là hết sức bình thường. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể phát hiện ra những quan điểm mới mẻ hay những thiên tài mới. Thế nên người Mỹ quan niệm “không có câu hỏi ngu ngốc, chỉ có câu trả lời ngu ngốc mà thôi”.
 

Người Mỹ đào tạo ra học sinh có tư duy tự do, tôn trọng trong ứng xử và kỷ cương trong làm việc. Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Barack Obama cầm kính lúp chơi trò chơi với các bé tại Trung tâm dạy học sớm College Heights ở Decatur 14-2-2013. Ảnh: Reuters
 
“Tự do” càng không có nghĩa là cứ việc gì mình không thích thì né tránh mà trái lại phải sống một cách có trách nhiệm. Trước hết là sống trách nhiệm với bản thân. Ví dụ, người Mỹ có thể theo học hầu như bất kỳ trường nào trong vô số đại học, tuy nhiên lựa chọn đó không được tùy tiện hay nhất thời mà phải được cân nhắc kỹ càng về lợi ích của bản thân: sở thích, nguyện vọng, ước mơ.

Bên cạnh đó là sự trách nhiệm với cộng đồng. Thầy cô giáo dạy các học sinh của mình rằng công dân Mỹ dù có đồng tình với những chủ trương, chính sách của chính phủ hay không thì cũng phải đi bỏ phiếu để thể hiện, đóng góp tiếng nói của mình. Những công dân của “chú Sam” luôn tin tưởng, kỳ vọng và nỗ lực thực hiện trách nhiệm đào tạo tất cả trẻ em Mỹ bằng cách dạy cho chúng hiểu rằng mỗi công dân đều có khả năng, trách nhiệm đóng góp ý tưởng đột phá cho đất nước.

Với quan niệm đó, nền giáo dục Mỹ được thiết kế sao cho cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ cá nhân. Một mặt học sinh có nhiều lựa chọn để đi theo con đường học tập riêng. Ở trong lớp, các em được khuyến khích nói lên lập trường của mình. Mặt khác, mỗi người học đều phải nghiêm túc chịu trách nhiệm với những gì mình đã chọn.

Nhà trường tự chủ - học trò nhiều lựa chọn

NGÀY VỀ QUÊ CŨ


Tôi trở lại thăm xóm làng xưa cũ
Trong một chiều gió lạnh buổi cuối thu
Cầu HƯƠNG - AN đôi hàng dương liễu rũ
Chạnh lòng sầu chồn gót bước phiêu du
VŨNG CHÈ đó đưa ta về quá vãng
Nhớ quán hàng mỳ Quảng chẳng mấy sang
Thương Ông Trâm - Bà Cưỡng đã suối vàng
Mới thoáng đó nay lùi vào năm tháng
Sân GÒ - GŨ buồn không cầu thủ đá
Nhớ Chị Hường - Ông Hữu tưới nước hoa
Quán rượu chiều đâu Bà Môn - Ông Gía
Ổi thơm lừng nhớ Ông Tám- Ông Qua
GÒ RAN đã tiêu đìu cây trụi lá
Núi ĐÁ kìa ! Lòng cảm thấy xót xa
Mắt vô thần tôi nhìn con đường đá
Tuổi thơ nào . . . cắp sách gói cơm mo                   
Trong trí tưởng mái trường tranh nho nhỏ
Không thuộc bài Thầy Lang gắt thật to
Quên sao được công ơn Thầy dạy dỗ
Xa Thầy rồi em nhung nhớ băn khoăn
Thời gian qua mấy chục mùa lá đổ
Gia đình Thầy giờ lưu lạc phương mô ?
Lệ huynh ơi! Cọng tình nghĩa Thầy - Trò
Em vẫn ở trong anh tình em nhỏ
Nhớ nhiều lắm tháng ngày xa xưa đó
Tâm tình mình dấu ái biết là bao
Anh em ta còn có một người nào . . .
Giờ chẳng biết hai người vui không nhỉ ?
Nguyễn huynh nhé ! Giữ đời tình tri kỷ
Mong ngày về thủ thỉ chuyện buồn vui
Vườn nhà xưa ôi ! Lòng luống bùi ngùi
Đâu bờ trãy - cây xoài bên giếng nước
Ta gục xuống lòng buồn nên sướt mướt
Nào Mẹ hiền Cha kính mến nơi đâu
Mắt của con là hai suối nước sầu
Tuôn lai láng nhập nhòa hình anh, chị
Chao ! Nhớ thương bao năm rồi tích lũy
Đứa em giờ cũng phiêu bạc phương xa
Nào cháu, con . Nào thân tộc họ Hà ?
Ta gào thét cho tan tành vũ trụ
Đây là đâu phải quê xưa chốn cũ ?
Ta về đây chốn cũ đổi thay nhiều
Đời con người hỏi có được bao nhiêu ?
Mà cảnh sống trăm vạn điều đau khổ
Vòng xóm dưới nhớ thương ông Nội Xảo
Mùa mía mía về đường chét để dành con
Nội Truyền ơi ! Hình ảnh Nội vẫn còn . . .
Trong gia quyến Mẹ - Em - Con thương Nội
Nội Chánh hỡi ! Cuộc đời bà quá tội
Khi giã từ con , cháu chẳng gần bên
Chú Bảy ơi ! Văng vẳng tiếng chú rên
Cha - Chú - Nội có đoàn viên phương ấy ?
Đồi Hương trước ta vẫn còn như thấy
Sim - Chà Là thuở bé thả bò ăn
Với Hai Đây - Ba Diện nhãy tung tăng
Chú Một Thể - Em Đoàn - anh Hai Hạ
Nhìn núi Dác có đàn bò nào lạ
Xua bò mình tới bán lộn bò ta
Ôi thương quá ! Nhớ Thiếp - Thiêm nhiều quá
Anh - Em mình bến Uẫn tập nhau bơi
Xa rồi , xa nhưng anh vẫn nhớ đời
" Mồ Em Phượng " giả Phượng - Liên - Thanh - Tú
Mùa hè nóng chúng ta không chịu ngủ
Về ông Y ta nhặt trái mù u
Phía ngoài kia là nền cơ quan cũ
Xéo đất thừa quán nước của bà Ban
Đây ngày xưa tre mọc sắp hai hàng
Trường Tiểu Học giờ điêu tàn vỡ vụn
Hình ảnh Hiếu đã làm ta luống cuống
Chắc giờ này nàng đến sáu, bảy con
Ta bước đi trên những phiến đá mòn
Tìm dư ảnh thuở ngọc ngà dấu ái
Kỷ niệm cũ khiến lòng ta tê tái
Đổi thay rồi sao được lại như xưa
Thương tiếc ơi! Biết nói mấy cho vừa
Lòng ta lại nghẹn ngào, đau đớn quá
Ôi ! Cảnh cũ vườn xưa thành xa lạ
Ta bỗng nghe lạc lõng giữa quê nhà
Hiểu lòng ta không Cỏ - Cây - Hoa - Lá ?
Ta về rồi chết sống với quê cha
Cầu mong cho non nước mãi an hòa
Là tâm nguyện của người con xứ Thạch

HÀ HOÀNG VĨNH LẠC.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

MẸ VỀ QUÊ MẸ, CÙ LAO!



Xa xa, thắp thoáng bến bờ
Nhấp nhô con sóng thẩn thờ quê xa
Bao ngày thương nhớ mẹ cha
Con theo cánh sóng quê nhà là đây
Mồ xưa, chùa cổ, bến làng
Thân thương quê mẹ, nhẹ nhàng lời thưa
Cuộc đời dù nắng hay mưa
Nhớ về quê mẹ dạ thưa: Đời người

Lê Quang Minh K9

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Giáo Dục tại Hoa Kỳ: Lớp Học Sẽ Không Còn Dùng Giấy Viết



Thầy Nguyễn Bang giới thiệu Bài tường trình của Michael Scherer trên báo TIME ngày 20/10/2014 Nguyễn Minh Tâm dịch



Hiện nay đang có cuộc vận động đặt vào tay mỗi em học sinh một chiếc computer nhỏ khi ngồi trong lớp học. Sự kiện này sẽ làm đảo lộn hoàn toàn việc dậy dỗ trẻ em Mỹ.
- NĂM NAY KHI TỔ CHỨC BUỔI CHIỀU TỐI TỰU TRƯỜNG khoe với phụ huynh những gì mới mẻ ở trong trường, các em học sinh lớp Sáu của thầy G cảm thấy bối rối vì  các em sẽ được dùng làm lớp học kiểu mẫu trình diễn cho phụ huynh xem. Thầy giáo Matthew Gudenius, có khuôn mặt trẻ măng, năm nay được 36 tuổi, rất giỏi về computer, phụ trách lớp học này. Trông ông như là một cậu học sinh đang điều hành một công ty tân tạo. Ông chuẩn bị 26 slides - đồ hình-  để trình bầy đề tài của mình bằng PowerPoint. Trên đó ông ghi chú đầy đủ những tin tức cần thiết để giải thích cho phụ huynh, khán giả đến dự lớp. Ông cố gắng trấn an phụ huynh. Nhưng thời gian quá ngắn không đủ cho ông thuyết phục, và người ta bắt đầu nghe những câu than thở, phàn nàn, hay bực bội từ phía phụ huynh.
Trong lúc 30 người lớn tìm cách len lỏi bước vào lớp học quan sát 22 em học sinh, một ông bố nói: “Tôi vẫn thích học trò đi học phải dùng tập vở, giấy viết hơn. Tôi không thích dùng sách điện tử - e book.”. Một ông bố khác than rằng ông không còn có thể ngồi xuống giúp con trai của ông làm bài homework ở nhà, bởi vì làm kiểm tra nào bây giờ cũng đều ở trên “on line”. Ông than phiền: “Bây giờ tôi bị tước đoạt công việc vẫn làm hàng ngày.”. Thầy Gudenius tìm cách trình bầy cho hết những slides trên tường, đang đến khúc tranh luận về vấn đề dạy học sinh viết chữ đẹp, viết hoa, viết in và viết thường. Ông nói: “Chúng tôi không để ý đến nét chữ viết.”. Một bà mẹ nói thật to: “Ông không cần, nhưng chúng tôi cần con cái viết chữ đẹp.”.
Việc dạy học sinh bằng computer  còn nẩy sinh ra những vấn đề lớn hơn việc dạy các em viết chữ đẹp. Tương lai của hệ thống giáo dục từ lớp Mẫu Giáo đến lớp 12 đến thật nhanh. Rồi đây nó sẽ giống như lớp của thầy G, trong trường học hở dưới chân đồi phía bắc California, nơi trồng rượu nho. Năm ngoái, Tổng thống Obama tuyên bố rằng chính phủ liên bang đang nỗ lực cung cấp laptop, tablet hay smartphone đến tận tay của học sinh trong từng lớp học ở Hoa Kỳ. Chính ph8ủ sẽ cố cung cấp đầy đủ cho 49.8 triệu học sinh trên toàn quốc Hoa Kỳ những máy móc tân tiến này vào năm 2017. Những cuốn sách giáo khoa dầy cộm sẽ được thay thế bằng màn hình mỏng dính. Bài làm trên giấy sẽ được nộp cho thầy vào trong “cloud”, không cần phải cất trong những bià hồ sơ cồng kềnh. Việc lưu trữ giấy tờ không cần phải theo phương pháp Dewey cổ điển, cứ giao cho Google nó cất giữ dùm. Bộ trưởng Giáo dục, ông Arne Duncan nhận xét: “Đây là những sáng kiến hết sức quan trọng.”.
Bản thân thầy Gudenuis cũng rất thích việc dạy học sinh bằng computer. Ông từng tranh đấu cho việc giảng dậy theo phương pháp này từ nhiều năm nay. Không những ông dùng computer dạy học sinh, ông cón tìm đủ mọi cách để không xài giấy. Theo ông làm như thế mỗi năm ông có thể tiết kiệm khoảng 46,800 tờ giấy, tức là đỡ phải chặt đốn bốn cây lớn. Việc dạy học không dùng giấy chẳng biết có sẽ đạt những mục tiêu mong muốn hay không, nhưng chắc chắn đó là những điều mà khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ cải biến hệ thống giáo dục trong tương lai.
Thầy Gudenius bắt đầu nghề dạy học bằng nghề phụ giáo trông coi phòng computer-lab. Mỗi tháng dắt học sinh vào phòng lab làm việc với computer  chừng vài giờ. Lượng thời gian học computer trong phòng lab vừa kể hiện vẫn là thời gian chuẩn mực cho đa số học sinh Mỹ.Theo tổ chức Education Market Research, trường học của Mỹ chỉ có khoảng 3.6 học sinh là có computer, và cứ 5 học sinh thì có một học sinh dùng internet thường xuyên. Nhưng thầy Gudenius lúc nào cũng tin rằng computer chỉ là một dụng cụ dùng để học, chứ không phải là một môn học. Ông nói: “chúng tôi không có giấy và viết chì trong phòng lab. Khi bạn đi học sửa xe hơi, bạn không cần phải đến phòng lab học cách dùng kìm buá.”.
Hỏi thăm các em học sinh xem các em thích học bằng computer, hay học bằng giấy viết. Hầu hết các em trả lời là muốn học bằng computer. Chuyện các em mê mải học bằng computer, than thở khi chuông reo hết giờ dùng computer là chuyện thường thấy. Vì các em còn muốn ngồi lâu hơn để làm cho xong việc mình đang làm. Thay vì hỏi các em cách gỉải một phương trình đại số, thầy Gudenius buộc các em làm một đoạn video mô tả lại diễn tiến giải phương trình. Đoạn video đó được chiếu cho cả lớp xem. Những bài học lịch sử được dạy bằng những khúc phim sống động mô tả lại giai đoạn lịch sử các em phải học. Còn về những bài học liên quan đến đánh vần, văn phạm, và ngữ vựng được làm thành những games - trò chơi-  rất vui. Mỗi em tự học theo tốc độ tiếp thu của mình. Thầy Gudenius kiểm soát tiến bộ của từng em bằng smartphone của thầy. Cho đến khi thầy ra lệnh “hết giờ”. Thầy sẽ đến từng máy của mỗi em, kiểm tra xem học đến đâu, và dặn dò về bài học kỳ tới.
Vượt qua được những trở ngại lớn

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ





  Chúng tôi xin trích đăng bài Những điều giản dị trong mục Nhàn đàm trên Báo TN:

Sài Gòn, những ai từng sống tại đây đã quá quen với hai mùa mưa nắng chợt đến chợt đi. Sài Gòn nhiều khi nắng như đổ lửa, những con đường kẹt xe đầy khói bụi, những hàng gồng gánh, xe đẩy bán buôn của người lao động lam lũ tỏa khắp phố phường, hang cùng ngõ hẻm…

Những cơn mưa ở đây, lúc thì mềm mại nhẹ nhàng, khi thì dữ dội - Ảnh minh họa: Favim
Những cơn mưa ở đây, lúc thì mềm mại nhẹ nhàng, khi thì dữ dội như cơn tức giận sau ngày nắng hạn. Mưa đến nhanh, đi cũng nhanh, dòng người ngược xuôi trên đất Sài Gòn cũng lần lượt đến rồi đi. Nhưng không ai có thể quên Sài Gòn, nơi có một sức hút kỳ lạ với tất cả mọi người.
Với một số người, Sài Gòn là mảnh đất của cơ hội, là nơi đổi đời… nhưng cũng đầy cạm bẫy và những cám dỗ ngọt ngào. Thành phố hoa lệ này không chỉ có ánh đèn và sắc màu của sự tráng lệ, nhiều tòa nhà cao tầng mà ẩn đâu đó cũng không kém sự giản dị trong cái mộc mạc rất đời thường.
Sài Gòn còn là những quán cà phê quen thuộc bên đường. Đâu đó vẫn còn những bản nhạc xưa cũ vượt thời gian của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An vang lên làm bao người say mê. Đâu đó vẫn còn những căn nhà đậm chất hoài cổ cả trăm năm tuổi gợi nhớ nhiều về Sài Gòn thuở xưa. Tất cả tạo nên một Sài Gòn rất riêng ít nơi có được.

Không ai có thể quên Sài Gòn, nơi có một sức hút kỳ lạ - Ảnh minh họa: Favim
 Sài Gòn với sự pha trộn một cách khéo léo những nét văn hóa, ẩm thực giữa các vùng miền. Và thật dễ thương, một Sài Gòn nồng nhiệt, chân tình ấm áp trong những bình trà đá miễn phí ven đường, những quán cơm chỉ 2.000 đồng cho một bữa trưa no bụng để có thể tiếp tục một ngày lao động vất vả. Cái giản dị và gần gũi ở Sài Gòn còn thấy từ giọng nói đến lối sống chan hòa đầy tình người nơi đây. Nó bao la và sẵn sàng dung nạp bất kỳ ai đặt chân đến.
Sài Gòn là thế, ồn ào, nhộn nhịp và tấp nập. Sau những cơn mưa mọi người lại tiếp tục cuộc hành trình của mình, như những dòng chảy cứ liên tục ngược xuôi trên mảnh đất này. Đôi khi cuộc sống hối hả, bao nhiêu là lo toan làm con người ta cảm thấy mệt mỏi và nghẹt thở. Những lúc như thế, ta thường dừng lại tìm một góc bình yên trong tâm hồn và để cảm nhận rõ chính bản thân mình. Nhưng dù đi đâu, làm gì, với tôi Sài Gòn vẫn đầy yêu thương, là tuổi thơ với bao kỷ niệm vui buồn. Từng con đường, từng ánh mắt, từng hàng quán và cả những nỗi vất vả đã qua làm nên một Sài Gòn không thể nào quên.
Xuân Thảo

 

TRÁCH NHAU.





Ngày mai, tôi sẽ sang sông,
Tiễn em lấy chồng, đến đảo thật xa.
Tình tôi tuy rất đậm đà,
Nhưng tiền không đủ, xây nhà ra riêng.
Em thì hờn trách liên miên ,
Thôi đành, tôi phải tiễn em đi rồi.
Trách em, sao qúa vội vàng,
Tham tiền bỏ nghĩa, nhẹ tình nặng đô.
Ngày mai thời tiết hanh khô,
Em đi biền biệt khi mô trở về?
Tiễn em, thiên hạ cười chê,
Rằng em tham của mà chê tình nghèo.
Tình tiền hai chữ vần T,
Sao em vẫn cứ mãi mê theo tiền.
Tiễn em có một lời khuyên,
Tiền có giới hạn, tình thì vô biên.
Tiễn em với cả lòng thành,
Tình anh vẫn vậy, em đành đi sao?
....
Em đi để lại lời chào,
Trách anh không hiểu, máu đào em mang.
Vì rằng hai đứa cùng làng,
Làm thân con gái, tiếng mang suốt đời.
Em đi lòng dạ rối bời,
Em đi để lại tiếng đời cho em.
Mùa này sóng biển chắc êm,
Thôi anh ở lại, đừng thèm trách nhau.


Võ Văn Hóa K6

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

MẸ DÒNG SÔNG YÊU THƯƠNG.



.
Con sông quê hiền hoà dòng chảy
Tuổi thơ con chờ Mẹ mỗi chiều buông
Quẳng trên vai đôi gánh cuộc đời
Dòng sông chở Mẹ về ngày hai buổi
Trái ổi xanh miếng bánh đúc quê nhà
Ôi chan chứa bao tình yêu của Mẹ!
Tuổi thơ con lớn dần theo tình Mẹ
Trắng tóc vai gầy mẹ một mong manh...
Chớp bể mưa nguồn- lũ lụt triền miên
Mẹ vẫn hiển nhiên giữa dòng sông tuổi nhỏ
Chở đầy phù sa vun đắp ước mơ con
Con bên Mẹ thấm nhuần bao tinh tế!
Từ tốn nhẹ nhàng tìm bước tiến tương lai...
Dòng chảy mênh mông bao la tình Mẹ
Gởi sông quê nhà bao ước vọng đời con
Gởi Mẹ kính yêu ngàn lời thương nhớ
Vạn dậm... thâm tình vẫn mãi bên con...


Huỳnh Thị Thiệp K10

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


Một tiết mục xiếc ảo thuật đường phố


Anh Thường Đoàn thư giãn với tiểu phẩm: 

THƯ GỬI CÁC BÁC "ĐẠI PHONG TRÀO"

    Kính thưa các Bác tình thương mến thương !
          Cháu xin mạo muội đại diện cho các cháu trai từ "chưa có tuổi" đến  15 tuổi, viết thư này gửi đến các Bác trình bày "nổi lo sợ thầm kín" trong tương lai...
        Kính thưa ...quí Bác, không biết vì "lý do gì" mà lúc này trên cả nước, các Bác quá "nhiệt tình" trong việc "có ý tưởng" xóa các chợ truyền thống của đồng bào ta, mà thay vào đó là xây dựng các trung tâm thương mại hoặc siêu thị hoành tráng cao tầng cho nó "oách xì dầu", chúng cháu mừng rằng, dân ta sẽ được đi mua sắm tỉ sang bằng thang máy, thang cuốn, lựa chọn, mặc cả trong môi trường máy lạnh sướng tê rần, mặc dù chỉ mua bó rau muống về luộc lấy nước thế canh và một ít chất xơ, hoặc mua con cá về kho kiếm chút chất đạm . Mừng thì có mừng, nhưng cũng lo lắm các Bác ạ...số là thời gian qua, các nhà "dân số học" đang cảnh báo nguy cơ mất cân bằng giới tính, thừa nam thiếu nữ, họ tính ra rằng trong 10 năm nữa sẽ có 30% con trai tụi con không lấy được...vợ, đang lo sốt vó thì các Bác lại bồi thêm một cú đau hơn hoạn nữa, ông bà ta có câu : "trai khôn tìm vợ chợ đông", thế mà nở lòng nào các Bác xóa hết các chợ, tụi cháu biết tìm vợ ở đâu ? đã có nguy cơ khó tìm vợ rồi, nay thêm nơi  tìm vợ cũng không còn, lúc đó chắc các cháu "đói như con chó sói" mất .
      Vậy nên chúng cháu thiết tha kêu gọi quí Bác thương tình, để lại cho chúng cháu một ít chợ, để chúng cháu có cơ may tìm được "một nữa của mình" mặc dù có tranh giành nhau, đánh lộn mẻ đầu sức tráng cũng không sao, miễn là có đứa có cơ may tìm được vợ .
      Kính mong các Bác quan tâm, thương các Bác nhiều nhiều, xin được ôm hôn thắm thiết các Bác .

                                                                           Đại diện .
                                                                         Âu Văn Lo
                                                  THƯỜNG ĐOÀN  K.9  chép trộm .

Ngoài ra có 1 chuyện không thư giãn nhưng các anh chị CẦN ĐỌC

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

CHS K14 MỜI CÁC ANH CHỊ CHS CÁC LỚP THAM GIA HỌP MẶT NHÂN DỊP 20.11



      Nhân dịp Ngày Nhà giáo 20.11, CHS K14 ( 1980 - 1983 ) tổ chức buổi họp mặt, chương trình bao gồm  liên hoan, văn nghệ. 
     CHS K14 trân trọng kính mời các anh chị CHS các khóa lớp đăng ký tham gia rộng rãi

- Thời gian: 15:00 ngày Chủ nhật 16 tháng 11 năm 2014
- Địa điểm : Nhà thi đấu Đa năng của trường Hoàng Hoa Thám

     Để có sự chuẩn bị chu đáo, đề nghị các anh chị các khóa lớp đăng ký từ nay đến hết ngày 10 tháng 11 năm 2014  qua email : donggiangblog@gmail.com hoặc qua các số điện thoại sau:
- Kiều Xuân Bình : 0903.500.447
- Vũ Bá Tú: 0905.231.718
- Nguyễn Thị Thịnh : 0905.181.687 
               
                         Trân trọng kính mời.



  
    TM cựu học sinh K14
         Kiều Xuân Bình

CHÙM THƠ NGUYỄN VĂN GIA 16



M Ộ T  M Ì N H  M Ộ T  C H Ợ

Ai ai cũng đi xuôi
Đi ngược chỉ mình tôi
Đích đến hổng cần biết
Chỉ cần khác người thôi .

É O  L E

Buông rơi cái phải giữ
Giữ chặt cái nên buông
Đời éo le thế đó
Như Lai cũng đầu hàng .

S Ố N G  &  C H Ế T

Thà đánh mà bại trận
Còn hơn phải quy hàng
Chẳng sợ chi cái chết
Chỉ buồn nợ non sông .

L Ạ

Cái gã vốn không lạ
Ngay sát vách nhà ta
Tên nó không dám gọi
Cũng tại hèn mà ra .

C Ỏ  D Ạ I

Cỏ dại trong vườn nhà
Ta dễ dàng nhổ hết
Cỏ dại trong lòng ta
Chẳng làm sao tận diệt .

B Ó N G  Q U Ê  N H À

Thương chút nắng quê nhà
Nhuộm vàng buổi chợ tan
Bóng ai như dáng mẹ
Mờ mờ theo cố hương .

T H A M  &  S Ợ

Cái tham và cái sợ
Cha đẻ của cái hèn
Có cái giá treo cổ
Giữa hai bờ tử sinh .

Nguyễn Văn Gia

Những câu chuyện về đàn bà


Chúng tôi xin giới thiệu entry "Những câu chuyện về đàn bà" của Nhạc sĩ Tuấn Khanh đăng trên blog của anh:


     Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.

     Hình ảnh đó đẹp đến mức tôi dừng lại, muốn chụp tấm ảnh làm kỷ niệm thì chị choàng tỉnh. Chị sợ hãi hỏi tôi chụp ảnh để làm gì. Có lẽ những cuộc rượt đuổi hàng rong trên hè phố là cơn ác mộng triền miên khiến chị không bao giờ có được chút thanh thản. Trò chuyện ít lâu, mới biết chị đi từ Quảng Ngãi vào bán hàng rong để gửi tiền về giúp cho gia đình. Tháng nhiều thì được 700-800 ngàn. Tháng ít thì 300-400 ngàn.

     Người phụ nữ ấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn con người đang lưu lạc mưu sinh trên đất nước này. Ẩn trong nụ cười hay lời rao hàng đơn giản đó, là những câu chuyện đời trôi dạt theo miếng ăn, trắc trở hơn những câu chuyện dài truyền hình giả tạo, nhưng buồn thay, chẳng có mấy người xem.

     Khi chị ngồi giở mẩu giấy ghi lại tiền nong đã buôn bán trong ngày. Những ngón tay lần mò trên con số ngắn và nhỏ hơn biết bao lần những biên lai tính tiền thường nhật trong thành phố. Những ngón tay của chị nhiều ngày tháng không có được hơi ấm của chồng. Bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước này đã bước lên chuyến xe đời khốn khó và không biết ngày nào có lại được hơi ấm từ người đàn ông của mình? Một trong những người phụ nữ như vậy mà tôi gặp nói rằng bà đã rời khỏi nhà gần 15 năm, sống một mình, làm lụng gửi tiền về quê nhưng chưa bao giờ có ý định chọn một tấm chồng khác.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

HÁT GIỮA TRẦN GIAN



     Tôi thẫn thờ cầm chiếc điện thoại lên nghe. Vẫn điệu nhạc chờ mà tôi ưa thích. Điệu nhạc của một thời làm lay động bao trái tim. Điệu nhạc đã lôi cuốn tôi tập tành yêu ca hát. Biết bao điệu nhạc đã mang lại lợi nhuận cho kẻ đầu tư. Biết bao tiếng hát được cài làm nhạc chờ trên điện thoại. Có thể chỉ cần nghe điệu nhạc chờ ấy là bạn có thể đoán được tính của chủ nhân chiếc điện thoại, không biết điều đó có chính xác không thì tôi chưa rõ. Tôi bấm nút, và cất tiếng a lô. Vấn giọng điệu buồn bực, tiếng thằng bạn tôi vang bên tai: “Tau chịu hết nỗi rồi. Nó đã lừa gạt tau, tau không ngờ nó như thế?”. Tôi ừ ừ… Bạn tôi nói liên tu bất tận. Tôi chịu trận. Tính tôi vẫn thường cả nễ, ít nói, nhưng chịu lắng nghe. Nên khi bạn tôi có điều gì muốn trút nỗi lòng thì thường tìm tôi tâm sự. Tôi biết rõ điểm yếu của mình, nhưng đã là tính nên cũng khó sửa. Thôi thì ráng chịu cho nó qua. Hắn nói như ra lệnh tôi: “Mi đi với tau gấp. Tau cần mi!...”. Tôi vẫn ừ ừ.
      Và rồi tôi đến với hắn. Tôi phải chiều hắn, uống cà phê cùng hắn để cho hắn hạ hỏa. Qua chuyện trò, tôi biết hắn bị một lãnh đạo cùng công ty đưa hắn vào chỗ mất tiền, mất của. Tôi chỉ biết thở dài. Chỉ an ủi hắn. Chớ biết nói gì cho phải.

***
      Tôi đang ngồi đánh lại truyện ngắn. Tôi chăm chú nhìn từng chữ cái trên bàn phím nhằm tránh sơ sót, tránh lỗi, nếu được. Bỗng bên tai tôi vang lên tiếng hát bâng quơ. Và tiếp theo là tiếng hò hét của bọn trẻ trong xóm.
- Ê, tụi bay coi ông điên đi!
- Ồ, ông điên đến rồi tụi bay!
      Bọn trẻ túa ra vây lấy y, chọc ghẹo y.
      Trước mắt tôi là tên lãnh đạo của bạn tôi. Tôi không ngờ cuộc đời lên voi xuống chó nhanh đến vậy. Nhanh như trở bàn tay.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BIỂU TÌNH & ỦNG HỘ BIỂU TÌNH ÔN HÒA ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN HỒNG KÔNG








Mời Quý thầy cô, anh chị xem thêm HÌNH ẢNH TẠI ĐÂY.

HỘI AN ĐANG "TRƯỢT DẦN" XUỐNG BIỂN



Anh Đỗ Xuân Quang sưu tầm và giới thiệu bài HỘI AN ĐANG 'TRƯỢT DẦN XUỐNG BIỂN




Hội An đang 'trượt dần' xuống biểnLê Đình Dũng


Biển xâm thực mạnh ở Hội An.
Ảnh: L.Đ.Dũng.

Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét.

Rất xót xa, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) nói với tôi:

“Năm 2007, anh là Trưởng ban chỉ huy PCLB thành phố, xuống chỉ đạo diễn tập phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn ở bờ biển Cửa Đại dọc đoạn đường 603 (là đường du lịch). Từ đoạn đường du lịch đi ra vị trí đứng chỉ huy là 150m. Nhưng giờ mình xuống đứng trên tuyến đường đó để kiểm tra thì nước biển đã chảy tràn dưới chân rồi. 7 năm, biển đã lấn sâu vào bờ 150m!

Kinh hoàng biển dữ

Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét.
Từ bờ biển dọc bãi tắm công cộng Cửa Đại xuống tới khu du lịch Victoria, hằng ngày, dù trời nắng, sóng biển vẫn đánh vào bờ dữ dội.





Theo ông Dũng, 7 năm biển đã lấn vào bờ biển Hội An 150m.
Ảnh: L.Đ.Dũng.

Anh Nguyễn Văn Đông, một người bán hàng ăn uống chỉ ra xa phía biển tầm hơn chục mét nói, trước giờ tôi bán đồ nhậu vào buổi chiều ở đây, khách còn ngồi tràn vào ngoài xa kia; vậy mà vài ngày nay biển nó ăn sát vào rặng dừa này rồi.Anh Đông cho biết, với tình trạng này, chỉ cần mùa mưa bão tới đây, hàng dừa bên đường Âu Cơ này cũng sẽ bị cuốn phăng ra biển.




Một cây dừa vừa bị sóng cuốn ngã.
Ảnh: L.Đ.Dũng.

Tốc độ biển xâm thực ở đây đang tính từng ngày. Sóng từng lớp cuồn cuộn đánh vào dữ dội. Cứ lâu lâu lại có một cây dừa bị sóng quật xuống. Rõ nhất là khuôn viên biển phía trước Hội An beach resort. Tại đây, người ta đang hối hả dồn bao cát, đóng trụ sắt để chắn sóng đánh vào nhưng không đủ trước sức mạnh sóng biển. Những hàng dừa liên tiếp bị nước kéo xuống. Để giữ cây, người ta đã phải cho giằng dây thừng níu các cây lại, giữ được cây nào hay cây đó.
Phía khách sạn Victoria Hoi An Resort & Spa, doanh nghiệp cũng đang thuê nhân công hối hả chở đá để lấp giữ kè. Bảo vệ ngồi trong buồng canh, sóng từng cơn đánh trùm lên chực kéo xuống.Xa về phía cảng Cửa Đại, hai khu resort là Fusion Alya và Vinpearl Hội An đang sụp đổ dần từng hạng mục.




Resort Fusion Alya bị nhấn chìm xuống biển.
Ảnh: L.Đ.Dũng.

BIẾT TÌM ĐÂU



Vò sợi nắng ép vào lòng sưởi ấm
Đông chưa về sao lạnh lắm tàn thu
Chiều chưa tắt sao đêm về vội vã
Thời gian ơi ngày tháng cũng sa mù
*
Nhớ dòng sông thương một thời dỹ vãng
Áo vàng thu nhuộm tím những vần thơ
Trong sỏi đá ngát nồng hương vị mặn
Mùa đông ơi sao yêu dấu không ngờ
*
Tiếng chim hót tháng ngày bình yên lạ
Sao mây hồng cứ vội vã bay đi
Thương xót lắm những mạch nguồn vừa vỡ
Linh hồn ta sỏi đá có hơn gì
*
Về lại rừng thương lá vàng tàn tạ
Ngày vui xưa nào đâu dễ lãng quên
Màu áo trắng em một thời xa ngái
Biết tìm đâu ngày ấy để anh đền ...

Nguyễn Tấn Lực K6