Câu chuyện một gia đình 6 người chết trong một cuộc thảm sát vì tình ở Bình Phước đầu tháng 7/2015 vừa qua làm đã làm rúng động nhân tâm cả nước. Bấy giờ người ta mới sững sờ, thảng thốt hỏi nhau: điều gì khiến một chàng trai trẻ mới hai mươi bốn tuổi trở nên tàn độc, vô nhân tính với những người từng là người hắn hết lòng thương yêu như vậy, tình yêu chăng, mà tình yêu thì có tội gì???
+ + + + +
Câu chuyện bi thảm trên làm tôi nhớ đến một tiểu thuyết khá nổi tiếng của nhà văn người Colombia , đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Ông là Gabriel José García Marquez, tác giả tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả.”
Gabriel José García Marquez sinh ngày 6/3/1927, mất ngày 17/4/2014, từng được trao giải Nobel văn học năm 1982. Nói đến García Marquez người ta hay nhắc đến tiểu thuyết đậm chất hiện thực huyền ảo “Trăm năm cô đơn ’’, thế nhưng “ Tình yêu thời thổ tả ”cũng có thể được xem là thành công rực rỡ của García Marquez ở một phương diện khác. Câu chuyện tình yêu trong “Tình yêu thời thổ tả ” được Tạp chí New York Times đánh giá là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là “Tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim ”.Scott Stein-dorff, người mua bán quyền làm phim tác phẩm này nói : “Cùng với Romeo và Juliet của đại văn hào người Anh Shakespeare, đây là câu chuyện tình lớn nhất cho tới nay được kể ra. Nó đã khiến cho hầu hết các bậc mày râu chúng ta thấy mình thực sự bất hạnh bởi không được tận hưởng vẻ đẹp lãng mạn của tình yêu đó”. Cần nói thêm, câu chuyện tình yêu trong đời thực của cha và mẹ García Marquez chính là nguồn cảm hứng cho nhà văn viết nên tác phẩm này.
Trước hết, xin nói về nhan đề truyện lạ lùng, độc đáo: “Tình yêu thời thổ tả .” Có thể có mối quan hệ gì giữa tình yêu, vốn là một khái niệm long lanh, vời vợi như những vì sao xanh trên trời với một chứng bệnh rất đời thường khá phiền phức và thô thiển của con người? Có đấy ! Câu chuyện tình trong tiểu thuyết này mở đầu với bối cảnh của vùng cảng biển Caribê vào những năm 1880, khi mà đất nước Colombia còn là một xứ sở thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha. Vào thời ấy , đại dịch thổ tả đang hoành hành trên khắp nơi sau 7 lần bùng phát, bắt đầu từ Ấn Độ, lan rộng đến nước Nga qua các đường vận tải, tiếp theo là Châu Âu và Bắc Mỹ theo những chuyến di dân. Kết thúc câu chuyện ,để được bình yên bên nhau, đôi tình nhân sau hơn 50 năm xa cách phải sống trên một chiếc tàu thủy. Chiếc tàu thủy ấy có treo một lá cờ vàng, dấu hiệu trên tàu có người đang mắc bệnh thổ tả, vì vậy phải cách ly hoàn toàn với thế giới của con người. Hình ảnh chiếc tàu thủy với lá cờ vàng trên vùng cửa sông Macgơđalêna ngầu bùn mênh mông như ở tận bên kia thế giới vô hình trung đã trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu, hơn thế nữa, cũng có thể xem là hình ảnh đẹp đẽ lãng mạn duy nhất còn lưu dấu lại trong văn chương, trong kí ức nhân loại sau những thảm họa kinh hoàng của 7 lần đại dịch tả cướp đi sinh mạng hàng chục triệu con người .
Hai nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả ‘’ của García Marquez là Phlorentino Arixa và Phecmina Đaxa. Mối tình trái ngang của họ là một trường hợp khá điển hình trong đời sống thực . Phlorentino Arixa là đứa con ngoài giá thú, sống với mẹ là người bán hàng vặt ngụ trong ngôi nhà thuê của một xóm nghèo.Trong khi đó, Phecmina Đaxa mẹ chết lúc còn nhỏ, cha là một nhà buôn giàu có mới phất lên. Nói hai gia đình không môn đăng hộ đối thì không chính xác, nhưng rõ ràng giữa hai người trẻ tuổi đã có sẵn một hố sâu ngăn cách, một sự chênh lệch khó lòng xóa bỏ giữa giàu và nghèo. Phlorentino Arixa bấy giờ mới mười tám tuổi, một điện báo viên bình thường, người gầy gò xanh xao, cặp kính cận dày, nom lúc nào cũng có vẻ cô đơn. Một ngày, Phlorentino Arixa đến nhà Phecmina Đaxa để trao cho cha cô một bức điện báo, khi đi ngang ngoài cửa sổ, tình cờ thấy Phecmina Đaxa mười ba tuổi , đang ngồi học bài, cô đã ngước nhìn lên, và cái nhìn ngẫu nhiên ấy là khởi thủy của một tấn bi kịch tình yêu mà hơn một nửa thế kỷ sau vẫn chưa kết thúc!
Hai tuần sau đó Phlorentino Arixa sống mà tâm tưởng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Phecmina Đaxa . Anh viết một bức thư dày hơn sáu mươi tờ giấy viết kín hai mặt và tìm mọi cách trao bức thư cho cô bé thiên thần của mình. Cũng từ khi gửi thư, nỗi khắc khoải mong đợi đã khiến anh ốm nặng: bụng quặn đau, nôn mửa, mạch chìm đi, hơi thở khò khè, mồ hôi vàng như mồ hôi người bệnh sắp chết. Bà mẹ Phlorentino Arixa phát hoảng vội mời thầy thuốc, hóa ra, mặc dù triệu chứng rất giống, Phlorentino Arixa không bị mắc bệnh thổ tả, anh chỉ khốn khổ vì mắc bệnh tương tư!
Về phần Phecmina Đaxa, cô thiếu nữ xinh đẹp có dáng đi kiêu hãnh của một loài “hoẵng cái”, ban đầu là sự ngạc nhiên, tò mò, và rồi không biết tự bao giờ sự tò mò ấy biến thành nỗi khát khao mong đợi những lần gặp mặt, những lá thư mà ngày nào họ cũng viết cho nhau.Tình yêu trong lòng người thiếu nữ, ban đầu chỉ là một đốm lửa, dần dần đã trở thành một đám cháy.
Nhưng hiển nhiên là Lorenxo Đaxa, ông bố của Phecmina Đaxa, không bao giờ có thể chấp nhận một cuộc hôn nhân không cân xứng như vậy. Vốn chỉ là một kẻ buôn lừa, không biết đọc cũng không biết viết, chỉ có quyết tâm làm giàu và ông đã làm việc cật lực đến mức không một con lừa nào của ông sánh kịp.Từ khi vợ chết, Lorenxo Đaxa chỉ có một mục đích phấn đấu duy nhất là để cô con gái thành một bà lớn. Và sự xuất hiện của chàng trai trẻ Phlorentino Arixa đã thành một trở lực cho tất cả những dự định đó.Với một khẩu súng lục trong tay, Lorenxo Đaxa nói chuyện với Phlorentino Arixa. Cuộc nói chuyện bất thành, biết không thể lay chuyển được ý chí của chàng trai, ngay trong tuần lễ đó, ông bố đem người con gái đi xa thật xa.
Phecmina Đaxa đã mười tám tuổi, ngày càng trở nên xinh đẹp và kiêu hãnh hơn xưa. Thời gian làm cho mọi chuyện trở nên mờ nhạt và cô gái nhận ra chuyện tình yêu với Phlorentino Arixa ngày xưa chỉ là một chuyện hoang đường. Khoảng thời gian ấy, bệnh tả đang lan tràn, chỉ trong mười một tuần lễ mà gây ra nạn chết người chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Người chết ngã sóng sượt trên những vũng bùn ở chợ, nghĩa địa đầy ứ người và các nhà thờ cũng không còn chỗ để chôn cất tử thi. Phecmina Đaxa có vẻ như đang có những triệu chứng của bệnh tả. Điều đó khiến bố cô rất lo lắng và lập tức ông cho mời bác sĩ đến khám bệnh cho Phecmina Đaxa .
Bác sĩ Huvênan Ucbinô, hai mươi tám tuổi, trở về tổ quốc sau một thời gian dài học tập ở Pari, là niềm ngưỡng mộ của tất cả các cô gái trong thành phố. Kết quả chẩn đoán của ông là Phecmina Đaxa chỉ bị rối loạn tiêu hóa, điều trị tại gia trong ba ngày là khỏi. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô sau đó còn trở lại ngôi nhà của Phecmina Đaxa nhiều lần .Bác sĩ sĩ Huvênan Ucbinô từng là người hùng chiến đấu rất kiên cường với đại dịch tả nhưng lại hoàn toàn gục ngã trước sắc đẹp và sự kiêu hãnh của Phecmina Đaxa; và ông bố Phecmina Đaxa thực sự không có mong muốn gì hơn là một chàng rể học thức, giỏi giang, con nhà dòng dõi và giàu có như vậy .
Khi Phlorentino Arixa biết chuyện Phecmina Đaxa sẽ kết hôn cùng bác sĩ Huvênan Ucbinô, anh phát ốm không tài nào dậy nổi. Anh không ăn, không nói và trắng đêm khóc sướt mướt.Bà mẹ rất sợ hãi đã hết lời yên ủi con mình, và rồi bà tìm mọi cách khẩn cầu một người bà con cho anh làm việc trong một hãng tàu thủy, mục đích là rời xa thật xa khỏi thành phố cần được lãng quên này.
Năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày sau đó, mà mỗi ngày đều như được vạch một vạch để đánh dấu, Phlorentino Arixa đã trở thành ông chủ Hãng tàu thủy Caribê giàu có. Thời gian ấy, ông cũng đã trải qua 622 mối tình, mà mỗi mối tình đều được ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ. Mặc dù vậy, không một ngày nào, không một mối tình nào có thể làm cho Phlorentino Arixa nguôi quên được Phecmina Đaxa. Cả cuộc đời đã qua và còn lại của ông dường như chỉ hướng tới một mục đích cuối cùng, một mục đích duy nhất là chờ đợi ngày Phecmina Đaxa trở lại với ông .Ông đã chờ đợi cái ngày ấy với một khát vọng tình yêu mà không một trở lực nào của cõi đời hoặc cõi thần có thể bẻ gãy được.
Những thách thức, trở lực mà Phlorentino Arixa phải đương đầu để đạt đến khát vọng tình yêu của mình quả thực rất ghê gớm, bởi cuộc hôn nhân của bác sĩ Huvênan Ucbinô và Phecmina Đaxa trong mắt người đời chừng như rất lâu bền và viên mãn. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không chỉ là một công dân sáng giá của thành phố mà còn là một ông chồng mẫu mực trong gia đình. Phecmina Đaxa quý phái , trang nhã đúng kiểu một phụ nữ tầng lớp thượng lưu, bà thường xuyên xuất hiện các hoạt động từ thiện và giao lưu văn hóa xã hội. Không ai ở bên ngoài có thể chê trách điều gì về cuộc sống của đôi vợ chồng này. Hai người vừa mới tổ chức lễ kỉ niệm Đám cưới vàng vào năm ngoái và Phecmina Đaxa khi ấy đã ngoài bảy mươi. Tuổi già làm họ càng gắn bó với nhau đến mức người này sống không thể thiếu người kia.Từ lâu, đã không còn ai đặt tay lên ngực chỗ trái tim mình mà tự hỏi: cuộc hôn nhân của họ có được bắt đầu từ tình yêu không ? Và từ lâu , cả hai đã đều muốn quên đi câu trả lời .