Vừa qua chúng tôi có nhận được một bài viết của chị Thanh Nguyễn (Chief Opportuni Connector - Anphabe.com) : " Học bổng" trong sự nghiệp, chúng tôi xin giới thiệu đến các anh chị cựu học sinh, đặc biệt các bạn còn đang làm việc:
Mỗi chúng ta thường chỉ ở một trong hai trạng thái đối lập: Hứng khởi hoặc Trì trệ. Khi hứng khởi, mọi năng lượng được phát huy, khó khăn chỉ làm công việc thêm thú vị. Ngược lại, khi không hứng khởi, dù mọi thứ thuận lợi ta vẫn có những dấu hiệu chán nản, làm việc gì cũng không hết mình. Bí quyết nuôi dưỡng “sự hứng khởi” của tôi khá đơn giản: Hãy luôn giữ tâm thế của thời sinh viên, háo hức tới lớp mỗi ngày, học hỏi kiến thức, gặp gỡ bạn bè, làm nhiều điều mình yêu thích và tuyệt vời hơn là “nhận học bổng” mỗi tháng.
Duy trì “bộ óc sinh viên” trong bạn
Bởi vì khi ấy, mọi thứ đều mới mẻ và ẩn chứa cơ hội học hỏi. Dù giỏi đến đâu, dù kinh nghiệm thế nào, chừng nào chúng ta thấy “hết cái để học” thì đó là dấu hiệu của trì trệ, chán nản và tụt hậu.
Hãy luôn cởi mở để thấy những cơ hội cải tiến công việc, những khía cạnh khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Trừ phi, bạn đã làm hết sức và đã quá quen thuộc với môi trường cũ thì có lẽ cũng nên đi tìm những “môi trường học tập” mới.
Nhận “học bổng”
Tôi từng nghe một người bạn tâm sự là anh thích xem tiền lương là “học bổng”, vì cách nghĩ đó khiến anh trân trọng những đồng tiền nhận được cũng như nhà tuyển dụng của mình hơn nhiều. Chưa kể, công ty còn “tài trợ” cho anh học tập với một môi trường nhiều trải nghiệm và cọ xát để phát triển bản thân. Một cách nghĩ rất hay. Cũng số tiền đó, cũng công việc đó, nhưng khi bạn “quý” nó hơn, bạn sẽ có đông lực cống hiến hết mình hơn, và cứ thế, những “món học bổng mới” lại lần lượt đến với bạn.
Ngược lại, nếu chỉ coi lương là cách “nhà tuyển dụng phải trả công cho mình” thì cách nghĩ đó rất dễ khiến chúng ta so đo với câu hỏi “cống hiến bao nhiêu cho đủ?”. Và chính thái độ đó sẽ hạn chế con đường phát triển và thành công của chính chúng ta
Giá trị của bạn không phụ thuộc vào nghề nghiệp bạn chọn hay công việc bạn làm mà nó được định hình bằng thái độ của bạn với công việc như thế nào. Mỗi người sẽ có một đáp án cho bài toán nhưng hãy nhớ: muốn thành công hãy cống hiến và dấn thân cho công việc, cho nơi bạn làm việc.
Chúc bạn luôn giữ tâm thế của một “sinh viên sáng giá” và săn học bổng thành công!
THANH NGUYỄN
Chief Opportunity Connector – Anphabe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét