Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

XUÂN BÉN CỎ HOA

Chúng tôi vừa được thầy Hoàng Dục -Thạc sĩ văn chương- từng dạy học tại trường Hoàng Hoa Thám ( Đông Giang cũ) gửi tặng cuốn PHẢI LÒNG CÂU CHỮ gồm những bài viết cảm nhận về văn chương do nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành, cuốn sách gồm 18 bài 152 trang. Chúng tôi đã có lần giới thiệu đến Quý Thầy Cô, anh chị bài Theo Đoàn Quân - Cố Quận Ta Về trên trang Đông Giang .
Hôm nay nhân dịp chuẩn bị đón mừng năm mới, chúng tôi xin giới thiệu bài XUÂN BÉN CỎ HOA của Thầy:


  

XUÂN BÉN CỎ HOA

Những ngày đợi tết Tây 2013, tìm đọc lại những trang thơ cũ, bỗng mắt tôi chạm vào tập thơ của Hồ Dzếnh do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1997. Lần giở tập thơ, lòng tôi như mơ hồ thương nhớ những ngày tháng cũ vào những năm cuối của thập niên 60 của thế kỉ trước; nhất là khi đọc bài thơ “Chiều xuân Trung kì” của Hồ Dzếnh.
Mắt lướt trên những dòng thơ mà lòng tôi rưng rưng nhớ lại những ngày giáp Tết, nằm ở nhà Phan Văn Dinh đọc những tác phẩm của các tác giả tiền chiến. Ngoài kia, biển Thanh Bình đang rì rào vỗ sóng. Trong căn nhà vách ván vắng lặng nhưng thân thiện, mỗi đứa nằm một góc, mê mải tưới tẩm tâm hồn mình bằng những dòng văn, những câu thơ lãng mạn trong lành. Lúc ấy, cả hai đứa tôi còn là học sinh trung học, cái tuổi mà tâm hồn luôn căng lên và rất dễ dàng nghiêng chao theo nhịp điệu gió mây. Cho dù trí nghĩ lúc nào cũng muốn neo bám vào hiện thực cuộc sống nhưng tâm hồn tôi lại cứ chực chờ chuyển mình bay lên, nhập vào cõi “êm êm chiều ngẩn ngơ chiều” hay “Thiên Thai thoảng gió mơ mòng”. Tôi không nhớ ngày ấy Phan Văn Dinh đọc tác phẩm gì, hình như “Chiếc cáng xanh” của Lưu Trọng Lư thì phải, còn tôi thì mê man thả hồn theo “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Nguyễn Tấn Long – Nguyễn Hữu Trọng. Và tôi đã gặp thi sĩ Hồ Dzếnh trong một buổi chiều lữ thứ, rồi cảm giác nhà thơ đã nói hộ tôi nỗi lòng của kẻ xa nhà :
Tôi là người lữ khách
Màu chiều có làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây

Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói buồn bay lên cây…
(Chiều) 
Tất nhiên thuở ấy, tôi chưa biết “châm điếu thuốc” để thả nỗi “nhớ nhà” lên đầu ngọn cây cho “khói buồn” theo gió loãng tan đi… Hay tôi cũng đã bắt đầu biết “Ngập ngừng” cùng nhà thơ :
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, điếu thuốc cháy lụi dần…
Tôi khẽ nói : gớm, làm sao nhớ thế.

Cho dù, ngày tháng nọ, tôi chưa có một dòng thư tình nào kẹp vào tập vở học trò cả. Tình yêu với tôi lúc bấy giờ chỉ là “tình ngỡ”, “tình tưởng”, nhìn cô học trò áo trắng mà mơ tưởng kiểu Nguyễn Bính “tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng - Có con bướm trắng vừa sang bên này” hay cũng chỉ là “một gã khờ, ngọng nghịu đứng làm”… thinh giữa sân trường trung học! Nhưng những vần thơ ấy có sức ám ảnh đến lạ kì… Ngay trong khoảnh khắc này, khi tôi vừa thoáng thấy tên Hồ Dzếnh, và khi đọc “Chiều xuân Trung kì” thì nhạc hình những câu thơ “Ngập ngừng” ấy đã vang lên trong lòng tôi.
Ngày ấy, tôi chưa hiểu tại sao thơ của thi sĩ minh hương này lại ám vào tôi như thế. Tôi chỉ cảm giác trong thơ Hồ Dzếnh như có nỗi nhớ xa xôi và hình như tâm trạng ấy đã chập vào hồn tôi trong những tháng ngày giáp Tết. Những ngày tháng ấy, tôi cũng đang sống xa nhà, tâm hồn đang ngược về “Chân trời cũ”. Nơi ấy, mẹ tôi còn đơn chiếc ở làng quê không còn yên bình của tôi. Mảnh đất Trung kì vốn không mấy vui lại phải gánh chịu mất mát đau thương do chiến tranh gây ra nên càng buồn hơn. Miền Trung, mảnh đất ấy dẫu “tình người đọng mật”, nhưng luôn gánh chịu những khó khăn, đúng như Hoàng Trần Cương đã thổn thức :
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người
(Miền Trung)

Bây giờ thì tôi đã hiểu. Cái chất lãng mạn trong sáng của thơ Hồ Dzếnh đã chập vào tuổi trẻ mộng mơ của tôi. Cái bình dị, hiền hòa của giọng thơ đã thấm vào trí nghĩ chưa trải nghiệm đời của tôi. Cái hơi hướm dân ca nhẹ nhàng mà uyển chuyển của thể điệu lục bát nhập vào tâm hồn cậu thiếu niên vừa rời nhà quê, rồi hài hòa với điệu hò mái nhì, mái đẩy, hò giã gạo,… những điệu hò xứ sở, khiến tôi ngỡ thơ ông như đã thân quen tự thuở nào. Cho nên, hôm nay đọc lại thơ ông tôi cảm giác gần gũi quá. Riêng với “Chiều xuân Trung Kì”, chỉ nhan đề thôi cũng đã khiến tôi không thể hững hờ với nó. Tất nhiên, tôi biết cái không gian Trung kì đó là quê ngoại của nhà thơ – vùng đất Thanh Hóa. Nhưng có hề gì, dẫu Trung Kì, mỗi vùng đất có một màu sắc địa phương riêng, nhưng vẫn chung cái nghèo, vẫn oằn lưng gánh chịu những cơn thịnh nộ của đất trời. Mà bài thơ có chữ nào ghi “Thanh Hóa” đâu, sao Trung kì đó không thể là quê tôi, quê bạn. Và rồi “chiều xuân” nữa. Thời gian nghệ thuật khá quen thuộc, ta đã gặp trong thơ Anh Thơ. Nhưng chiều xuân trong thơ Anh Thơ là xuân xứ Bắc, xuân đang về trên bến xuân, cánh đồng xuân. Xuân lẩn vào trong “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, trong hình ảnh con đò “biếng lười” nằm nhìn nước sông trôi. Chiều xuân trong thơ Hồ Dzếnh là thời gian thực tại đang trải mình ở một bến đò xuân, có trai gái sang đò đi trẩy hội đông vui :
Chiều xuân sang chuyến đò đông,
Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi.

Câu thơ miêu tả mang màu sắc tự sự, chưa biểu lộ một cảm xúc gì. Nhà thơ hình như tình cờ thấy và ghi lại khoảnh khắc trai gái sang đò thế thôi. Nhưng đọc tiếp những câu sau mới thấy nỗi lòng thi sĩ đang có sự mâu thuẫn. Trước sự đông vui của trai gái làng trẩy hội xuân, nhà thơ như bị đẩy về phía cô đơn đành giả tảng nhìn quanh quất bầu trời xuân :
Da sông mát rãi da trời,
Đây mùa xuân bén trên loài cỏ hoa.
Hiu hiu… chiều ngả tà tà…
Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh.
Cũng có thể, không nén nổi cảm xúc trước chiều xuân, thi nhân rải ánh nhìn ra, từ con đò, ngước nhìn bầu trời để cảm nhận sông nước và bầu trời cùng điệp vào nhau một màu xanh sáng lán, tươi mới, mang vẻ đẹp trong lành của mùa xuân. Sự phối màu trời và màu nước không phải là mới, cái mới là ở thủ pháp nhân hóa “da sông”, “da trời” và từ “rãi”, khiến hình ảnh thơ mở rộng đến không cùng. Và từ đó, thi nhân quay về với mặt đất, thảng thốt cảm nhận xuân đã thắm đượm trong màu cỏ sắc hoa. Cũng là hoa cỏ mùa xuân, nhưng cỏ hoa trong thơ Hồ Dzếnh không là “cỏ xanh như khói bến xuân tươi” trong thơ “Bến đò xuân đầu trại” của Nguyễn Trãi. Cỏ hoa trong thơ Hồ Dzếnh chỉ “bén” màu xuân, bởi màu chiều đã ngả. Màu xuân vưa “bén” đã bị màu chiều lấn lướt. Những từ láy “hiu hiu”, “tà tà’có thanh ngang ngắn và ngang dài nên điệu thơ co lại và duỗi ra. Cái bóng chiều vì thế mà hắt hiu lan tỏa trên mặt đất rồi bay lên. Để rồi thi nhân nhác trông lên mà nghe buồn tỏa ra từ xóm vắng, từ bóng cây nhòa sau khói xanh. Nỗi buồn cũng ngập ngừng thấm tràn theo cái ngập ngừng của hồn thi nhân qua ba chấm lửng ở giữa và cuối dòng thơ.
Thực ra, cái buồn do ngoại cảnh tác động vào tâm thức người thơ cũng rất mơ hồ. Có bản thơ ghi “cây nhòa khói xa”, ý tứ có vẻ hợp lí nhưng như thế thì lạc vần mất. Chữ “xanh” vừa bắt vần với chữ “tranh” câu dưới, vừa phối màu cùng “da sông mát rãi da trời”. Chữ “xanh” khép lại khổ thơ khiến người đọc cảm giác màu xuân đất trời qúa bát ngát. Màu sông, màu trời và màu khói hòa quyện vào nhau tỏa rộng, bay lên. Màu xanh rộng rãi khiến nỗi buồn dậy lên trong khoảnh khắc rồi nhường chỗ cho tình yêu cuộc đời lên tiếng trong tâm hồn nhà thơ. Nói đúng hơn, trong cái nhìn của nhà thơ, màu chiều xuân có điểm nét buồn nhưng vẫn tràn trề sắc xanh vui tươi. Buồn vui là cuộc đời. Sự sống muôn màu đâu chỉ một sắc. Nếu không có nỗi buồn làm sao biết trân trọng niềm vui. Nếu chỉ có niềm vui làm sao biết nét đẹp nhân văn của con người trong một tiếng thở dài rất nhẹ hay một giọt nước mắt lặn chìm trong khóe mắt. Cuộc sống là “nghìn thu hội lại một chiều”, cho nên thi sĩ trong dòng chảy sự sống ấy cũng chỉ cảm nghe lòng mình bâng khuâng “buồn hơn nhớ, nhẹ hơn điều trông mong”.
Nhưng cơ bản nhất thi sĩ vẫn nghe nhạc đời ngân nga êm dịu như tiếng đàn tranh, và giòn tan như tiếng cười trẻ nhỏ:
Đời êm như một lời tranh,
Và gần như tiếng trên đình trẻ reo.

Trong tiếng đời yêu thương ấy, thi sĩ quay về với điểm nhìn ban đầu, ngắm những đôi trai gái trẩy hội xuân đang mơ màng trên chiếc thuyền ngang sông và thốt lên :
- Có giăng tơ nối hai lòng,
Có muôn quan gió luồn trong một người…

Hai câu thơ đặt trong hình thức đối thoại, nhưng một câu hỏi hướng về người và một câu hỏi hướng về lòng mình. Hỏi người để cầu chúc hạnh phúc lứa đôi, mong cho trai gái hai lòng giăng tơ tình yêu. Hỏi mình để cảm nghe sự trống trải của hồn mình, cảm nghe nỗi buồn len lỏi tâm tư trước một không gian bến đò, không gian hợp tan của “trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi” hay của chính thi sĩ. Có lẽ thi sĩ đối thoại với lòng mình, nếu không làm sao câu thơ kết đầy tràn cảm giác cô đơn : “Có muôn quan gió luồn trong một người”. Và xét cho cùng, “một người” ấy đâu chỉ là nhà thơ mà là chúng ta, những con người Trung kì.
Thơ là như vậy. Ta nghe trộm tiếng lòng nhà thơ và nghe cả lòng ta lên tiếng. Dẫu có người cho rằng thơ Hồ Dzếnh có chỗ chưa hay, nhưng với tôi, “Chiều xuân Trung kì” đã làm tôi bâng khuâng, thế là thơ rồi. Ngay cả khi viết những dòng này, trong tôi cũng hiện lên những gì đẹp đẽ của một thời học sinh mơ mòng, tôi và Phan Văn Dinh được thả hồn bay lên theo nhưng trang văn lãng mạn - cái chất lãng mạn không thể thiếu trong đời sống của con người. Cái chất lãng mạn đã giúp chúng tôi biết vượt lên những tiếng buồn trong đời để đắm chìm trong hòa âm vui của cuộc sống :
Đời êm như một lời tranh,
Và gần như tiếng trên đình trẻ reo.

Hoàng Dục 2-2-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét