Người người tổ chức họp mặt bạn bè cũ, trường trường tổ chức họp mặt thường niên, nở rộ, mọi nơi, từ trong nước ra đến hải ngoại. Đông Giang cũng nở rộ theo. Bắt đầu từ đầu năm ngoái, bà xã tôi đã bắt lại được liên lạc với một số thầy cô Đông Giang cũ, các bạn học Đông Giang cũ. Rồi thì ý tưởng Đặc San Đông Giang hình thành. Tôi nghe bà xã tôi gọi tới gọi lui với thầy cô cũ, mail đi mail lại với bạn bè cũ. Những tên như thầy hiệu trưởng Lâm Sĩ Hồng, thầy Nguyễn Đức Bạn, thầy Nguyễn Bang, cô Hồng Khanh, thầy Hoàng Đình Hiếu, thầy Trương Văn Phó (đã qua đời), anh Du Ho (trao đổi bằng email không có dấu, sau này tôi mới biết anh tên Hồ Văn Dư), anh Tăng Nhường, ... nghe đâm ra quen quen. Thầy cô bạn bè xì xèo kêu gọi đóng góp bài vở và tài chánh. Tôi cũng nôn nao theo bà xã của mình nôn nóng chờ đợi. Rồi cuối năm vừa qua cuốn Đặc San Đông Giang kỷ niệm 45 năm thành lập trường ra đời. Cầm trong tay cuốn đặc san tôi trân trọng lật tìm như thể đi tìm lại hình ảnh thuở ngồi ghế trường Đông Giang ... của vợ mình (vì mình làm gì có trong đó mà tìm!?). Có như vậy mới biết khi yêu và cưới một người, mình vô tình yêu và cưới luôn cả những liên hệ của người ấy, tôn trọng, trân trọng nó cũng như thể là của mình, của bản thân mình vậy.
Tôi đi vào trang Blog của Đông Giang thấy các anh chị em cựu học sinh vui chơi với nhau, họp mặt Tết, họp mặt ở Tây Nguyên, thật là thân tình và gần gũi, cứ như là trong một đại gia đình, cứ ngỡ như mình đang xem những hình ảnh sinh hoạt của trường cũ của mình, của bạn bè cũ của mình. Ủa! Tôi đâu có ở trong đó đâu. Tôi đâu có bắt gặp người nào quen trong những hình ảnh đó đâu. À, thì ra tôi đã nhập hồn bay về quê vợ. Tôi viết những giòng này cũng như là một lá thư của một chàng rể ở xa gởi về thăm gia đình vợ, GIA ĐÌNH ĐÔNG GIANG. Mong có một ngày trở lại quê hương, hoà vào trong những dịp họp mặt thân tình này, nhận mặt những nhân vật đã diện kiến trên Blog, đã quen qua email, đã thân tình qua điện thoại đường xa, để vui chơi, bù khú, để nghe người ta kể cho tôi nghe về một ngôi trường mà tôi chưa có dịp đặt chân đến, cũng thể như gia đình vợ mà tôi chưa có dịp ở rể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét