Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - KỶ NIỆM MỘT LẦN COI THI

Thầy Từ Lương Mỹ
 
Biết nói gì đây? Biết viết gì đây? Những kỉ niệm vui buồn dưới mái trường trung học Đông Giang vẫn còn đó, nhưng thời ấy trôi qua lâu rồi, trí nhớ tôi không còn tốt để có thể ghi lại trọn vẹn một kỷ niệm nào.

Sáng hôm đó tôi được nhà trường phân công coi thi Đệ nhất lục cá nguyệt (Học kỳ 1) môn lịch sử lớp Đệ tứ (Lớp 9) tại một phòng trệt. Tôi mang đề thi bước vào phòng, các em đứng lên chào, những khuôn mặt sao mà dễ thương đến thế! Em nào em nấy, nam cũng như nữ, vẻ mặt đầy căng thẳng nhưng cũng vừa như muốn mỉm cười để lấy lòng thầy, một thầy giáo trẻ, nhiệt tình, còn độc thân. Tôi tự nhủ: “Mình không dạy lớp 9 mà mình cười để chào, các em sẽ lờn mặt và sẽ quay cóp đây!” Tôi nghiêm túc chào và nói các em ngồi xuống. Tôi bảo các em đem hết sách vở, tài liệu…để trên bục giảng và nhắc các em chấp hành đúng nội quy thi cử, đừng để bị đánh chéo (X) vào bài thi vì quay cóp, sử dụng tài liệu hoặc làm mất trật tự. Hai mươi phút trôi qua im lặng, tôi nhận thấy một em ngồi không yên, thỉnh thoảng xê qua, xích lại. Tôi bước đến bên em. Trên ghế ngồi của em có cuốn vở được vạt áo dài che lại. Tôi nhặt vở lên, kiểm tra đối chiếu, rồi đánh dấu chéo (X) vào dòng cuối của bài thi em đang làm và bảo em tiếp tục làm bài. Tiếng loạt xoạt vang lên đâu đây, chắc có em đang phi tang tài liệu. Chuông báo hết giờ. Tôi thu bài rồi đi vội về phòng Hội đồng. Nhiều em chạy theo năn nỉ và xin tôi bỏ qua cho Xuân Lan vì ở nhà, bạn ấy phải làm lụng vất vả , không có thời gian học thuộc bài. Tôi ngoảnh mặt lại nhìn và thấy Lan đứng lấp ló đằng xa, bàn tay đưa lên mặt .Hình như em đang lau nước mắt.

Trước giờ coi thi buổi chiều hôm ấy, tôi đến trường sớm. Cất xe xong, tôi lội bộ tìm đến nhà Xuân Lan theo sự chỉ dẫn của học sinh. Lối đi đến nhà em là đường đất lởm chởm những sỏi đá. Tôi đến nơi cũng là vừa lúc từ nhà em đi ra. Trên đầu em không phải là cái nón lá hay cái mũ che nắng mà là một vĩ tre dài bánh mới tráng. Em dựa nghiêng vĩ bánh vào hàng rào kẽm gai để phơi. Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, em ngạc nhiên nhìn tôi, rồi líu ríu mời tôi vào nhà. Biết em đang bận tranh thủ trời nắng tráng bánh đem phơi và cũng sắp đến giờ coi thi nên tôi không vào. Tôi hỏi em có ý kiến gì về việc tôi đã đánh dấu vào bài thi của em. Em nói, đó là lỗi của mình và hứa sẽ cố gắng học tập. Tôi tạm biệt em và hẹn lúc khác sẽ đến thăm gia đình. Về lại trường tôi tự hứa sẽ dành thời gian giúp em ôn tập trước khi thi Đệ nhị lục cá nguyệt (Học kỳ 2).

Bẵng đi một thời gian, kỳ thi học kỳ 2 sắp đến, tôi tìm đến nhà Lan nhưng em không còn ở đây nữa. Hàng xóm cho biết gia đình em đã dời về quê. Không hiểu trong những lý do phải dời về quê của Lan có lý do em không đạt điểm trung bình trong kỳ thi vừa qua chăng? Tôi tự hỏi: “Lan ơi! Quê em ở đâu? Em khỏe không ? Bây giờ đang sinh sống thế nào? Sau khi rời mái trường Đông Giang, ba mẹ có tiếp tục cho em đi học không…?”

Biết làm sao? Thi cử phải đảm bảo nghiêm túc và công bằng, thế nhưng còn bao nhiêu em khác vi phạm nội quy mà tôi không phát hiện được, còn bao nhiêu em vi phạm được bạn bè bao che không báo cho thầy biết. Tôi đã coi thi nghiêm túc, nhưng đâu phải dễ dàng bảo đảm công bằng trọn vẹn. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn ray rứt. Thầm mong em được hạnh phúc!
Đà Nẵng, ngày 26 tháng 10 năm 2012

Cựu giáo viên trường Đông Giang
TỪ LƯƠNG MỸ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét