Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - NHỮNG HÌNH ẢNH CŨ VỀ HỌC SINH VÀ MÁI TRƯỜNG ĐÔNG GIANG ĐÀ NẴNG THÂN YÊU.




Cách đây mấy năm, tôi không nhớ rõ nữa, chiều hôm ấy tôi đang trong chợ cá Đông Ba, sau lưng tôi hình như có một cậu bé. Tôi đi trước và cậu ta cứ theo sau. Tôi hơi sợ, không hiểu cậu ta có ý định gì. Tuy nhiên, tôi vẫn im lặng. Đến khi tôi hỏi bà bán cá về giá cả, bỗng nhiên cậu ta đến bên cạnh và hỏi: “Thưa cô, cô có phải là cô N dạy trường Đông Giang ngày trước không ạ ?”. Tôi sững sờ: “Phải, em tên gì và học trường Đông Giang lớp nào, năm nào?”. Cậu bé trả lời “Thưa cô, em tên Đ học lớp 7 năm …, cô còn nhớ em không? ’’. Tôi vội nói: “À có, cô nhớ ra rồi, hồi đó em nhỏ nhất lớp và ngồi ở đầu bàn thứ nhất phải không?”. Cậu bé gật đầu. Tôi bảo: “Sao em không hỏi ngay khi gặp cô mà cứ theo riết cô, làm cô sợ hết hồn!” Gặp gỡ trong chợ và cả 2 cô trò cùng đi chợ nên không nói chuyện được nhiều. Tôi cho em học sinh đó địa chỉ và hẹn gặp lại tại nhà. Sau đó em đó ghé lại thăm tôi nhưng gặp lúc tôi đi vắng. Lúc về tôi nghe ông xã bảo với tôi là có một cậu học sinh trường Đông Giang ngày trước đến thăm tôi. Những ngày hôm sau đó tôi có ý chờ và chờ mãi mà vẫn không thấy em đó quay lại. Tôi cảm thấy buồn và bỗng dưng nhớ lại thật nhiều những ngày còn dạy ở Đông Giang. Hồi ấy, mới đến trường để nhận nhiệm sở , tôi gặp ngay một em học sinh đang chơi ở cổng trường. Tôi hỏi em: “Hôm nay có thầy hiệu trưởng không em?”. Nó nhìn tôi rồi hỏi: “Chị xin vào học lớp đệ ngũ(lớp 8 bây giờ) phải không?’’.Và nó chỉ văn phòng hiệu trưởng cho tôi. Tôi cười, cảm ơn nó và đi tìm thầy hiệu trưởng. Đến văn phòng, tôi gặp ngay một người đàn ông trắng trẻo, mập mạp, có vẻ mặt phúc hậu. Tôi đoán ngay là thầy hiệu trưởng. Tôi trình sự vụ lệnh của bộ lên thầy. Sau một hồi hỏi chuyện, thầy dặn tôi ngày mai đến nhận thời khóa biểu. Tôi có nói với thầy là nếu mỗi tuần chỉ dạy 12 giờ thôi ,xin thầy sắp xếp cho tôi dạy trong 3 ngày liền, thời gian còn lại tôi về Huế tiếp tục học thêm ở trường Đại học Văn khoa.
Thế là tôi dạy học ở trường Đông Giang Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 12 năm 1965. Cho đến tháng 10 năm 1974 tôi phải làm đơn xin thuyên chuyển về Huế theo yêu cầu của thân phụ tôi mặc dù tôi không muốn. Rời khỏi Đông Giang với lòng buồn vô hạn, tôi chợt nhớ tới câu nói của ai đó, tôi quên mất tên: “Tất cả những sự đổi thay, cho dù là những đổi thay mà mình hằng mong ước nhất, cũng đều có nỗi buồn âm thầm của nó”.
Bao nhiêu hình ảnh cũ thân thương, những kỷ niệm vui buồn , hờn giận dần dần hiện lên trong tôi. Tôi nhớ đến ngôi trường Đông Giang xinh xắn đáng yêu với bãi cát vàng trong nắng sớm, với bao nét mặt ngây thơ, tinh nghịch, dễ yêu, dễ ghét của học sinh Đông Giang và với bao thầy cô đồng nghiệp cũ, lòng tôi lại nao nao xúc động. Có lẽ có một kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được. Câu chuyện đó xảy ra vào niên khóa 1967 – 1968 , với một học sinh mà tôi rất thương mến.
Lúc đó tôi đang dạy Pháp văn ở lớp đệ lục (Lớp 7 bây giờ). Vào tiết 4, khi đã dạy xong bài, tôi cho học sinh làm bài tập. Các em đang cắm cúi làm bài tập, bỗng ở dưới lớp có một em học sinh độ 12, 13 tuổi giong tay lên: “Thưa cô, cho em qua Đà Nẵng làm giấy tờ!”. (Tôi không còn nhớ em đó nói làm giấy tờ gì nữa). Lúc đó cũng hơn 10 giờ 15 rồi. Tôi nói :“Bây giờ em đón xe qua bên đó (ĐN) đâu còn kịp nữa”. Học sinh đó trả lời :“Thưa cô, em đi bằng xe máy!” Tôi lo sợ nói :“Không được đâu, em chỉ mới 12 , 13 tuổi, ai cho phép em đi xe máy. Nếu em muốn đi xe máy phải có ý kiến của phụ huynh cho phép. Còn không thì cô không cho em đi đâu. Trong giờ cô dạy học nếu đi ra ngoài rủi em bị xe tông hay em tông xe người ta mà bị thương thì sao. Lúc đó phụ huynh của em sẽ quy trách nhiệm cho cô vì em còn học trong giờ của cô kia mà, có phải thế không?”. Em học sinh đó cầm hết sách vở trong tay đập xuống bàn hét lớn “Cô trù cho tôi bị thương, bị xe tông phải không? Trưa nay cô lên xe về Đà Nẵng, tôi cũng trông cho cô bị xe tông, lòi ruột ra…”
Lúc đó không kiềm được lòng tức giận, tôi cho ngay em một con zero vào sổ. Em giận dữ bỏ ra khỏi lớp. Tôi không nói gì, lại tiếp tục dạy tiết còn lại. Hết tiết 5 tôi ra khỏi trường. Đang đứng trước cửa trường An Hải để đón xe về Đà Nẵng, bỗng sau lưng tôi có tiếng làu bàu, dấm dẳng: “Tôi trông cô lên xe về Đà Nẵng bị xe tông lòi ruột”. Vẫn là học sinh đó, vẫn là tiếng nguyền rủa đó. Tôi ngoảnh lại thấy em đứng cách tôi không xa. Tôi không nói gì chỉ nhìn em mỉm cười. Một chiếc xe đò trờ tới, tôi vội vàng đưa tay đón xe về Đà Nẵng. Hôm sau đến trường tôi kể lại cho một vài nữ giáo viên nghe câu chuyện đó. Cô H.K nói: “Cô N hiền quá chứ gặp tôi thì phải biết”. Cô lại còn nói: “Phải nói cho thầy hiệu trưởng biết dể thầy họp hội đồng kỷ luật đuổi học sinh đó…” Sau đó chuyện đến tai thầy và tôi cũng phải kể lại cho thầy hiệu trưởng nghe. Thầy hiệu trưởng quyết định mở Hội đồng kỷ luật. Phụ huynh của em học sinh đó được mời đến để nghe trình bày rõ sự việc. Cuối cùng Hội đồng kỷ luật quyết định không cho học sinh đó thi đệ nhất hay đệ nhị lục cá nguyệt gì đó, tôi không còn nhớ rõ nữa.
Cuối năm đó tất nhiên em không được lên lớp. Tôi cho rằng em sẽ oán hận tôi vô cùng. Tôi thầm nghĩ: “ Nhưng mà có phải lỗi tại mình đâu!”. Tuy nói thế nhưng tôi cũng thấy tội cho em quá. Nhà nghèo mà phải ở lại một năm học nữa, tốn kém không ít. Tôi lại băn khoăn: “Sao em lại có thể đối xử với mình như vậy được chứ”. Tôi đã từng rất thương em, thương hoàn cảnh nhà nghèo của em mà xin thầy hiệu trưởng nói giùm với hội phụ huynh giúp đỡ. Hội phụ huynh đã cho em một quần tây xanh, một áo sơ mi trắng mới toanh để đi học. Thế mà bây giờ…Tôi thật buồn, buồn vô cùng…vì em đó đã không hiểu được tấm lòng của tôi. Thế rồi, ngày qua tháng lại, câu chuyện nguôi ngoai dần, tôi không còn hờn giận gì và cũng không còn nhớ gì nữa.
Hai năm sau, có một học sinh đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đến gõ cửa nhà tôi, trao cho tôi tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni (tượng bằng giấy có bọc gương cẩn thận ) và nói: “Trò H muốn tặng cô tượng đức Phật Thích Ca để mong cô có lòng từ bi hỉ xả như đức Phật vậy.” Tôi vô cùng cảm động . Tôi bảo với em học sinh đệ tứ rằng: “Em về nói lại với trò H là cô rất cảm ơn, cô không giận gì em H hết. Đúng là ngay lúc đó thì cô giận thật nhưng rồi thôi. Thầy hiệu trưởng phạt em chẳng qua là để răn đe những em khác và cũng để giữ kỷ cương của trường, chứ thầy cũng như cô không ghét bỏ em đâu. Hãy vui lên. Đừng buồn nữa, cố gắng chăm chỉ học giỏi để ba má em và thầy cô vui lòng!”
Thật tội nghiệp! Em H. đã không dám đến gặp tôi, chỉ nhờ bạn đem tượng Phật đến tặng tôi để cầu xin tha thứ cho lỗi lầm của mình.
Tượng đức Phật Thích Ca đó sau này tôi đã cho vào khung , hiện nay vẫn đang để thờ tại nhà.

TÌNH BUỒN


Bên kia bờ đại dương
Biết chẳng ai sầu thảm
Cho cuộc tình ảm đạm
Mong manh như giọt sương

Ai còn mãi vấn vương
Cho cuộc tình ấp ủ
Cho lòng thêm buồn rũ
Trọn đời vẫn yêu thương

LẠC LÕNG

Tôi là kẻ ngu ngơ
Thấy ai nhìn bẽn lẽn
Má hồng lên vì thẹn
Như tuổi còn ấu thơ

Vào đời thấy chơ vơ
Lạc ở cõi trần thế
Giữa biển người năng động
Chỉ mình tôi bơ vơ.

Cô Phan Thị Ý Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét