Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - ĐÔNG GIANG TRONG KÝ ỨC

 

-Tưởng niệm cô Nguyễn thị Minh Nga dạy trường Cổ mân Đà nẵng.
-Thân tặng chị Phạm thị Thu Nhi học sinh khóa 8 Đông giang.


Hai tiếng Đông Giang nghe sao mà ngọt ngào và thân thương quá. Tôi được nhận vào lớp sáu năm 1974. Lần đầu tiên bước vào ngôi trường đối với tôi thật là bỡ ngỡ và xa lạ.
Trước sân trường toàn là cát trắng, mấy cây bạc hà cao khẳng khiu ru mình trong gió nghe lao xao.
Người bạn trong lớp đầu tiên tôi để ý là Ngô thị Túy Phượng, lúc đó tôi thấy cô bạn này hay hay và có những nét ngộ nghỉnh giống mình nên tôi mon men tới gạ chuyện làm quen. Đang nói chuyện say sưa bỗng ba tiếng trống vang lên làm tôi giật mình chạy vội vào lớp. Không ngờ hai vạt sau áo dài của hai chị em đã bị ai đó buộc vào nhau nên khi tung chạy thì cả hai vạt áo đều bị đứt. Thế là chiếc áo mới ngày đầu đi học đã không còn nữa, tôi khóc như mưa. Khóc không phải vì tiếc chiếc áo dài mà vì thương quý một kỷ niệm về chiếc áo dài mà tôi có được. Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên dù cuộc sống có như thế nào chăng nữa, tôi vẫn nhớ như in.
Bây giờ tôi đã gần 50 tuổi, đã là mẹ của hai thằng nhóc Anh Sơn ( 1982 ) và Anh Lâm ( 1984 ) và cũng đã là bà nội của hai cháu Thão Uyên ( 2009 ) và Anh Huy ( 2011 ), thế nhưng mỗi khi nhớ lại kỷ niệm ấy, tôi không làm sao cầm được nước mắt.
Tôi gặp được cô Nguyễn thị Minh Nga lúc cô vừa tốt nghiệp Sư phạm Quy nhơn bổ về trường Cổ Mân. Cô dạy lớp 5A trong đó có tôi. Gặp được cô tôi có cảm tưởng như gặp được một Bà Tiên đang dang rộng đôi cánh tay nhân ái đón lấy tôi.
Cuối năm học, tôi được xếp hạng nhất. Phần thưởng tôi ôm không hết vì tôi là con bé ròm nhất lớp.
Mùa hè năm đó cô đã xin ba mẹ tôi đem tôi về kèm luyện thi, cô bảo nhỏ với tôi “ Sương phải cố gắng học để được trúng tuyển vào trường Trung học Đông giang vì cô biết nhà em đông con mà em là chị cả trong gia đình…”
Em nhớ cô thật nhiều cô ơi , bây giờ cô đang ở đâu, cô có biết em đang khóc thật nhiều nhớ về cô. Cuộc đời của em vốn cô đơn và buồn tẻ từ thuở ấu thơ nhưng lại vô cùng hạnh phúc khi được gặp cô. Tôi vẫn biết số phận mình có phần hẩm hiu vì không được cha mẹ thương yêu nhiều. Vả lại, tôi không những được sự khuyến khích giúp đỡ tận tình của cô Nga mà tôi còn biết mình phải làm gì nên tôi đã ra sức học tập.
Mới ra trường, tuy cô còn rất trẻ nhưng đối với tôi cô thực sự như một bà mẹ tận tụy chăm sóc cho con. Không chỉ ân cần dạy dỗ ôn luyện bài thi mà cô còn lo sắm sửa áo quần cho tôi nữa.
Cô dắt tôi ra chợ An Cư 1 mua vải chấm bi màu xanh, về nhà cô tự tay cắt may cho tôi một bộ để mặc ở nhà. Hơn thế nữa, cô còn động viên tôi “ vào học Đông giang là bắt đầu tập làm người lớn, phải mặc đồng phục, phải có áo dài , muốn được mặc áo dài phải lo ráng học…”
Rồi ngày thi tuyển vào lớp Sáu Đông Giang đã đến, đích thân cô dùng xe đạp đưa tôi đến trường Sao Mai để dự thi. Ngồi sau xe, tôi khẳng định với cô rằng em sẽ đậu, cô cười hiền hòa bảo rằng “Thanh Sương là học trò ngoan của cô mà!”
Thi xong, cô cứ hỏi tôi về tình hình những bài làm mặc dầu tôi đã cho cô biết em đã làm được hết. Hình như cô rất bồn chồn và lo lắng hơn tôi thì phải!
Thấm thoát đã đến ngày công bố kết quả thi tuyển, cô đến tận nhà tôi chở tôi qua trường Đông Giang để xem danh sách.
Cả cô và tôi đều thấy rất rõ cái tên Nguyễn thị thanh Sương trúng tuyển và được xếp vào lớp 6F. Rưng rưng nước mắt tôi ôm cô thật chặt, hôn cô thật nhiều và không ngớt lặp đi lặp lại mấy tiếng cám ơn cô, cám ơn cô…
Lớp 5A của tôi có 56 bạn mà chỉ có 6 đứa đậu vào Đông Giang và tôi đã nằm trong số đó. Vậy là giấc mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi thấy cô Minh Nga vui vẻ hơn, tôi có cảm tưởng cô sung sướng hơn cả ba mẹ tôi. Rồi, cô đưa tôi đi mua vải may áo dài; tôi được cô sắm cho hai bộ áo dài bằng lụa một bộ cành trúc và bộ kia hoa mai, hai đôi giày xỏ ngón màu hồng và màu trắng.
Đêm ấy, cô chở tôi đi lấy áo dài về; tôi cứ mân mê áo lụa mới, giày mới, rồi ngủ quên trong tay vẫn còn ôm áo và giày.
Như thế đó , chiếc áo dài có được là một kết tinh bao nhiêu kỷ niệm thân thương quý giá mà mới ngày đầu tiên đến trường áo bị rách đứt bảo làm sao tôi không khóc…
Sau 1975, tôi không còn là học sinh Đông Giang nữa, tôi về học tiếp lớp 7, 8, và 9 tại trường Lý Tự Trọng và sau cùng ôm hành trang thi vào cấp III Hoàng hoa Thám (Đông Giang cũ), học chung với Ngô thị Túy Phượng lớp 10D2. Tại đây tôi cũng luôn luôn tiếp tục cố gắng không ngừng vừa để trả ơn xứng đáng các thầy cô đã tận tụy một đời cho thế hệ mầm non, vừa tạo cho mình những bước đi vững chắc cho tương lai trước mặt.
Hè 1980 tôi ra Huế thi vào Đại Học Sư Phạm. Từ những ngày học cấp I, được cô giáo thương yêu như con ruột, tôi từng chiêm ngưởng cô giáo như bà Tiên của đời mình, giờ đây tôi nguyện một lòng để được làm cô giáo như cô của mình ngày xưa, cô Nguyễn thị Minh Nga. Và rồi, tôi cũng ngày đêm tâm nguyện mình sẽ là một bà Tiên của một cô bé Lọ Lem nào đó. Nhưng vận mệnh thật oái ăm, dù đã cố gắng hết mình cho một tương lai đang trong tầm tay, tôi đã cảm nhận một thất vọng ê chề cũng chỉ vì “lý lịch không trong sạch”, và giấc mơ của tôi thực sự bế tắt từ đó.
Lấy chồng ở tuổi mười tám, mười chín sinh con đầu lòng đến năm hăm mốt đã là hai con. Trải qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong cuộc sống, đôi vai gầy vẫn kham và thời gian luôn là liều thuốc bổ.
Tôi còn nhớ có một hôm đang ôm một đống vải trên người từ cửa hàng vải trên lầu chợ bước xuống bổng nghe có người gọi tên tôi, quay lại nhìn thì ra là thầy Phát dạy tôi hồi ở cấp III. Bỏ đống vải xuống rồi vòng tay cúi đầu dạ thưa thầy, nói chuyện với thầy vài câu rồi tôi phải vội vả đi cho kịp chuyến xe đò đi bỏ hàng ở Quảng ngải.
Lớp 12D2 của tôi, cô chủ nhiệm Lê thị Việt có thông lệ hằng năm, vào dịp Tết âm lịch chọn ngày Chủ Nhật đầu tiên trong năm làm ngày họp lớp. Năm đó đi dự họp lớp, tôi đã kể cho tụi bạn nghe là 30 năm không gặp thầy Phát dạy Sử mà thầy vẫn còn nhớ Sương. Tụi học trò của lớp 12D2 quỷ quái nhao nhao như ong vỡ tổ “thầy Phát không nhớ mầy thì còn nhớ ai” Có lần thầy trả bài kiểm tra môn Sử, Nguyễn thị Thanh Danh đã giựt bài của tôi mang lên kiện với thầy, “thầy ơi bài làm của Sương như thế này mà thầy cho 9 điểm còn em làm đúng hết thầy lại cho 5 điểm…”. Thầy đã không quên con bé Lọ Lem này quả thật là hạnh phúc cho em.
Năm 2004 tôi được các bạn mời đi ăn ở nhà hàng Bốn mùa đường Bạch đằng Đà nẵng, gặp được nhiều các anh chị Đông Giang, người nào cũng dễ thương dễ mến như các anh bác sĩ Kiểm, anh Dung, anh Đức Anh, anh Dũng, anh Mỹ, anh Hùng, các chị như Ly Lan (nay đã mất), chị Kim Thành , và chị Đức v.v.
Giờ đây, sau khi đã được các thầy cô tận tụy chăm lo dạy dỗ, từng đàn chim đủ lông đủ cánh lần lượt nối tiếp nhau tung đi khắp mọi miền đất nước, đến khắp các nơi xa xôi trên thế giới. Bé Lọ Lem cũng chuẩn bị hành trang để sẽ phải xa hai con, xa bạn bè thân thương để đi thật xa một nơi chưa hề biết.
Hai năm lăn lộn trên xứ người vừa đi làm vừa đi học, tuy vẫn được sống cạnh cha mẹ với một em trai mà lòng hãy còn cảm thấy thiếu vắng những hình ảnh thân thương của Đông Giang ngày ấy.
Tôi thường hay gọi điện thoại về Việt nam tìm bạn để hàn huyên tâm sự, tôi đã được anh Vịnh hướng dẫn vào Blog Đông giang. Ngày nào đi học về tôi cũng dành thì giờ vào blog, nơi mà tôi xem như là ngôi nhà quy tụ đông đủ các bạn bè thầy cô mới cũ Say sưa đọc thành ghiền. Tôi gọi về cám ơn anh Vịnh đã biếu cho tôi thần dược. Tôi gọi cho thầy Bạn nhưng không được, thật buồn. Một hôm, cơm tối vừa xong, nghe chuông điện thoại reo, nhìn thấy số điện thoại của thầy hiện trên máy, tôi rất mừng. Đầu giây bên kia hỏi Thu Nhi đó hả, tôi trả lời Nguyễn thị Thanh Sương, học sinh lớp 6 khóa cuối, ngày bắt đầu cuộc đổi thay. Tôi nói với thầy “thầy ơi em đọc blog ĐG không sót một trang sao chẳng thấy lớp em đâu cả hả thầy”. Thầy trả lời “chắc có lẻ lớp em “ nhí ” quá nên không có trên blog ĐG, tôi buồn hiu… Tự hứa với lòng mình ĐG nhí này sẽ có bài trên blog ĐG cho thầy biết đến tụi em. Thầy hỏi em đang ở đâu. Nghe giọng của thầy trầm và ấm tôi cứ ngỡ như được người cha đang hỏi han đứa con gái thất lạc từ ba mươi tám năm về trước nay đã tìm về được ngôi nhà xưa. Tôi cho thầy biết tôi đang ở San Jose, thầy cười và bảo rằng ở San Jose có nhiều anh chị Đông Giang lắm em ạ, rồi thầy sẽ cho các anh chị gặp em nhé. Vậy là Lọ Lem như mở cờ trong bụng, sắp được gặp các anh chị mình rồi, ôi mừng quá đi thôi.
Một buổi tối, đang trong lớp học ở Mission College, điện thoại reo, nhìn thấy số vùng 650, không biết của ai, không dám nghe vả lại thầy giáo lớp nghiêm khắc lắm. Về tới nhà định gọi lại nhưng chưa kịp gọi thì số phone ấy lại xuất hiện. Cầm điện thoại lên “xin lỗi ai ở đầu dây vậy“? Thu Nhi Đông giang đây nè! Mừng quá như nghẹt thở luôn. Thế là Lọ Lem được gặp thêm một bà Tiên nữa Phạm thị Thu Nhi. Chị Thu Nhi hỏi tới tấp: em qua lâu chưa, đã có việc gì làm chưa.
Tôi cho biết em qua được 2 năm và còn đang đi học ở Mission College, đã có bằng Nail nhưng chưa đi làm. Chị Thu Nhi mau mắn nói tiếp “Chị có mở tiệm Hair và Nail, em về với chị, chị sẽ chỉ vẻ thêm cho em. Vậy là bé Lọ Lem đã có đường sống mở ra và chị em đã gặp nhau tại nhà riêng của chị. Bây giờ chị Thu Nhi đã là mẹ của 6 đứa con mà vẫn còn phong độ của một nữ lực sĩ bơi lội Đông Giang ngày xưa. Tuy công việc bận rộn tất bật suốt ngày nhưng chị Thu Nhi luôn vẫn giữ được trên môi nụ cười của tuổi đôi mươi. Lọ lem muốn được mãi mãi làm em của chị.

Nguyễn thị Thanh Sương (Đức Thông)
Lớp 6 (1974-1975)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét