Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

NHƯ MỘT LẦN TẠ ƠN



      Tôi đến An Hải khi tuổi còn thơ theo gia đình chạy giặc từ quê đến đây, người dân ở đây hầu hết  làm nghề đánh bắt hải sản và làm nghề nông;  làm nông ở đây cũng khác quê tôi, họ không trồng lúa mà chỉ trồng rau ( Légumes) và các loại hoa  như vạn thọ, hoa cúc để bán vào các ngày rằm, Mồng một hay ngày Tết

      Người dân ở đây hiền hòa, chất phát, họ dang rộng vòng tay yêu thương sẵn sàng giúp đỡ mọi người, có lẽ vì thế mà đồng bào chạy giặc các nơi đổ về đây rất nhiều như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn… kể cả các tình Thừa Thiên Huế, Quảng Trị….


Hình ảnh nhìn từ Ngã Năm đến cậy sợp An Hải Bắc trước 75


     Để giúp đồng bào đã bỏ lại tài sản, bỏ lại quê hương chạy đến đây, chính quyền An Hải lập các trại tỵ nạn để giúp họ có chỗ ăn chỗ ở, sau đó hình thành các khu An Cư 1, An Cư 2, An Cư 3, An Cư 4 giúp họ định cư, ổn định cuộc sống mới.

     Cư dân ngày càng đông, nhu cầu học hành càng lớn từ đó các trường An Hải, Khiết Tâm, Bồ Đề, Đông Giang mỗi năm không ngừng tăng lên số lớp học.


Đường từ bến Phà lên cây đa trường Khiết Tâm

     Trường Đông Giang nằm trên nổng cát vàng, mùa gió bấc cát thổi  bay vào lớp học, bay vào túi áo, vào tập vở, bàn học.. gây khó chịu, nhưng từ khi xa trường, xa quê chúng tôi mơ có ngày về được gặp cơn gió bấc ngày xưa thổi những hạt cát kỷ niệm đập vào mặt của mình, chắc lúc đó sẽ làm cho chúng tôi hạnh phúc lắm.


Một dịp cắm trại của học sinh trường Đông Giang

      Trên các triền cát dọc bãi biển Mỹ Khê, Mân Thái lúc đó có nhiều bông cỏ to, khô và nhẹ,  giống như những quả cầu gai, gió xô đẩy lăn tròn, lúc nhanh lúc chậm thật sinh động mà nhiều người gọi là hoa lông chông. Dọc bờ biển những con sao biển 5 cánh còn sống theo con sóng trôi vào bờ, con thì lật sấp như chiếc lá khô, con thì lật ngửa đưa các đôi chân  bé nhỏ như chân con tít ngọ nguậy… Thời gian sau nầy không còn nhìn thấy những bông cỏ lông chông và những con sao biển trên bãi biển Mân Thái, Mỹ Khê như ngày xưa nữa nên chúng tôi hay nói đùa chắc nó cũng buồn và bỏ đi theo những người An Hải  vượt biên xa quê.


Hoa lông chông 

     Hôm nay 8.1.2017 nhằm ngày 11 tháng Chạp năm Bính Thân , chúng tôi có dịp theo anh chị cựu học sinh Đông Giang như Anh Đào, Thu Nhi, Kim Khuê, Kim Lâu, Thu Sương, Lê Văn Đức...tham gia buổi họp mặt Tất niên của Hội Đồng Hương làng An Hải  ( đây là lần họp mặt lần thứ 16 của Hội Đồng Hương Làng An Hải) tham gia chương trình văn nghệ với ca khúc Ly Rượu Mừng do chs Đông Giang trình bày, hoạt cảnh  trong vai người nông dân, ngư dân chúng tôi muốn gợi lại hình ảnh bà con của người làng An Hải, đây cũng là dịp chúng tôi muốn bày tỏ lời TẠ ƠN đối với các cô, các bác, các bậc tiền nhân của Làng An Hải đã từng cưu mang giúp đỡ chúng tôi những người xa quê đến đây lập nghiệp.

     An Hải là quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi không sinh ra nhưng là nơi nuôi tôi khôn lớn với tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, nhiều đêm tôi thầm ước mơ thời gian được quay về và được sống nơi đây như thời trước 75,- nơi đó là thiên đường của tôi chứ không ở đâu xa - ở đó tôi lại được sống trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ, của anh chị em, của các cậu mợ, của thầy cô, bạn bè và bà con hàng xóm … một làng quê hết mực yêu thương của ngày xưa mang tên AN HẢI.

Tăng Nhường

3 nhận xét:

  1. hay quá rứa ,tui đọc và thấy gia đình mình trong đó ( tui = fanminhta )
    những ngày gian khổ bỏi cái tị nạn ....

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ quá An Hải và khoảng trời tuổi thơ xưa... làm sao có thể quay trở về thời gian ấy!!!
    Anh Nhường viết văn cũng rất chuyên nghiệp. Hay! gợi nhớ nhiều kỷ niệm đã xa.

    Trả lờiXóa