Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Tháng ba rồi đó em



“Hãi hùng bi kịch đồi tranh
Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù”
(Mưa nguồn _ Bùi Giáng)

___o0o___

Tháng ba rồi đó em nhớ chi
Cạn khô khóe mắt bước từ ly
Hãi hùng giấc mộng tan ráo hoảnh
Ai ngoảnh nhìn về ai gót di
Tháng ba rồi đó đồng hoang trơ
Quốc vẵng đầu bờ ngó ngu ngơ
Khói rạ hăng hăng mùi rạ mới
Khúc ca phơi phới khúc bơ thờ
Tháng ba rồi đó cuối vụ thu
Chuồn chuồn hẫng cánh bay tít mù
Ếch nhái ễnh ương chừng tê tái
Xa ngái chái hè võng mẹ ru
Tháng ba rồi đó rộn pháo hoa
Bến đò xưa cũ gót ai qua
Đỏ ối rợp trời hoa gạo trổ
Lê thầm bóng đổ tủi sân ga
Tháng ba rồi đó tội tháng ba
Suối khe nước cạn ngóng mưa sa
Cánh chim di trú dời bến đậu
Ta lạc mê sâu giấc say ngà
Thạch Thảo viên, Wednesday, March 30, 2016.
Vũ Đan Huyền K7

LỜI MỞ ĐẦU của thầy Hiệu trưởng trong tập san GIAI PHẨM XUÂN kỷ niệm 10 năm thành lập trường( 1963-1973)




       Kính thưa quý vị

Cách đây 3 năm, một số anh em quen biết với chúng tôi đã tỏ ra rất ngạc nhiên, lạ lùng khi nghe chúng tôi nói đến trường Đông Giang. Vì vậy, ý định giới thiệu trường của chúng ta cho mọi người được biết đã manh nha từ đó. Hôm nay, chúng tôi được dịp thực hiện ý định này để kỷ niệm 10 năm thành lập, 10 năm cố gắng hoạt động mong góp mặt với các trường lớn trong thị xã Đà Nẵng.

      Kính thưa quý vị

Trường Trung Học Đông Giang nằm trên một khu đất khá rộng, dài 145 mét, rộng 90 met chung quanh tiếp giáp với các khu Cư Xá Công chức, Lao động và Thương Phế Binh. Khu đất này đã được cố Thị Trưởng Đà Nẵng, Chuẩn tướng Nguyễn Văn Thiện cấp để thay thế khu đất cũ sâu như lòng chảo ở xã Nại Hiên Đông. Chính nhờ vị trí cao ráo này trường chúng tôi mới có bộ mặt khang trang như ngày hôm nay.

 Năm 1963 trường chúng tôi chỉ có một lớp Sáu với 55 học sinh Nam Nữ, nhưng đến năm 1973 đã tăng lên 30 lớp với 1600 em học sinh Nam Nữ, 22 phòng học, tuần tự hàng năm được xây cất để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng về lớp học cũng như sĩ số. Hơn một nửa kinh phí xây cất và tu bổ trường ốc đều do Hội Phụ huynh Học sinh đài thọ, số còn lại do Quỹ Bình Định Phát Triển và Bộ Giáo Dục cấp cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

 Song song với chương trình phát triển nói trên, con em học sinh được giáo dục trong tinh thần kỷ luật, học tập, tập thể dục, thể thao, trồng cây, tưới nước, làm vệ sinh, giữ trật tự, sinh hoạt Hiệu Đoàn là những công tác thường xuyên của học sinh. Không Giám Thị, nhà trường vẫn không có một bóng dáng của một học sinh tóc dài, quần ống rộng. Không có Thư Viện, không có Phòng Thí Nghiệm, một số học sinh vẫn chiếm được vị trí khá cao khi chuyển qua học các trường lớn trong Thị Xã. Thiếu Huấn Luyện viên Thể dục, thể thao, học sinh vẫn đem lại vinh dự cho nhà trường với 4 huy chương trong kỳ Đại Hội Thể Thao trong niên khóa 1970-1971, 24 huy chương trong niên khóa 1971-1972, chiếm giải Nhất về bộ môn Diễn Hành trong hai năm liên tiếp. Chính các giáo sư đã cố gắng vượt mọi trở ngại để góp phần công lao không nhỏ trong thành tích kể trên, không ngoài mục đích rèn luyện cho học sinh về ba mặt Đức, Trí, Dục.

      Kính thưa quý vị.

 Mười năm qua, bao nhiêu vinh nhục, vui buồn cùng với học sinh, cùng với đồng nghiệp, hơn nữa trước cuộc xâm lăng của CS, trước tình hình của đất nước, chúng tôi vẫn cố gắng chu toàn sứ mệnh, hướng dẫn con em học sinh có một tinh thần Quốc gia vững chắc, chúng tôi mạnh tiến trên con đường phục vụ cho lý tưởng Quốc gia, cho mục đích giáo dục, vì chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi không độc hành, có chính quyền giúp đỡ, có cấp trên dìu dắt, có phụ huynh học sinh cộng tác chặt chẽ. Hôm nay chúng tôi ôn lại những thành quả trong 10 năm qua, không ngoài ý định giới thiệu trường Trung Học Đông Giang cùng quí vị, một trường công lập duy nhất của Quận 3 Đà Nẵng

       Trân trọng kính chào quí vị



                                                                         LÂM SĨ HỒNG





Đón xem PHỎNG VÁN GIÁO SƯ do Ban Chủ Biên thực hiên trên GIAI PHẨM XUÂN 1973

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

TIẾNG LÒNG TRONG “CO VÀO KÍ ỨC”




                               Phan Trang Hy

        Cái tình của văn chương muôn đời là cái tình của tri âm, tri kỉ. Cái tình ấy có thể chợt đến, rồi đi, nhưng rồi cũng để lại ấn tượng nào đó trong “cõi người ta” này. Cầm trên tay tuyển tập thơ “Co vào kí ức” (Nxb Thanh niên, 2016) của ba nhà thơ là Hàn Quốc Sinh, Chiêu Dương và Hàn Quốc Vũ, rồi đọc, và theo tôi, cái đọng lại trong tôi là tình yêu và sự chiêm nghiệm của lòng thơ.
        Trước tiên, tình yêu trong “Co vào kí ức” là những hoài niệm, nhớ thương, là một thời khắc khoải tim yêu, là những mong chờ dáng mộng. Mãi tình yêu cứ đẹp, cứ sầu:
               “Tình yêu như chiếc lá vàng mỏng mảnh
                 Lòng giếng sâu e héo úa trăng ngà
                 Anh thảng thốt nghe tiếng cười nửa miệng
                 Mộng tắt đời nghiêng, buồn đến xót xa!”
                                                  (Thương nhớ, tr23)
       Nói đến tình yêu là nói đến tiếng lòng mãi dễ gì quên mối tình thơ ngây con gái, đâu dễ gì quên mối tình tuổi ngọc, tuổi ngà? Sợ ai kia, sợ tình kia có còn? Sợ ai kia lãng quên một khối tình trong kí ức: “Ai sẽ mang hoa về/ Mùi hương em gái hoa?/ Ai sẽ đem nụ cười/ Cài trong trái tim em/ Ai sẽ đem bình minh/ Gieo tình ánh mắt ấy/ Xóa mờ đường đã qua/ Xóa phép màu nhung nhớ/ Tình ơi! Ta đi thật rồi.” (Lãng quên hoa quỳnh, tr 115)         
       Vẫn là quỳnh hoa một thuở. Vẫn là một thuở yêu nhau còn đọng lại hương thơm của quỳnh, hương thơm của đời như mộng: “Em về ngủ men say/ Hương đời ru hương quỳnh/ Làm tan ra rượu em/ Múa quay cuồng thâu đêm/ Biết em sau mùa quỳnh/ Nhạc hóa lòng em/ Trắng trinh/ Trắng trinh/ Sao tượng đá em buồn?” (Lặng lẽ hoa quỳnh, tr 127)
       Còn trong “Vách đá lòng anh”, “cái tình” quả là “cái chi chi” của anh, của em, của những kẻ yêu nhau, nhưng… Cũng bởi chữ “nhưng” ngăn cách. Không biết ai trách sự cách ngăn ấy. Như là em đang trách em? Như là anh đang tự trách anh? “Ta hơn em cuộc đời/ Ta thua em cuộc tình/ Quay quắt buồn quay quắt che ngang/ Nụ cười kia nụ buồn cháy rụi/ Thiêu hồn chúng mình tan chảy đến vô duyên” (tr 104)
       Đâu phải tự trách chính mình, đâu phải tự trách nhau. Trách gì nhau khi tình chưa trọn. Mà ở đời này có cái gì trọn vẹn đâu mà trách, mà hờn. Thôi thì lặng câm, nếu được: “Chợt sững sờ về lại bến sông xưa/ Trả lại nửa đời bỏng rát/ Tình thầm chưa dám ngỏ/ Lặng câm” (Lặng câm, tr 30)
        Khi yêu, mấy ai muốn xa nhau. Khi yêu, anh cứ ngỡ cùng em là một, và em cũng tin rằng em và anh “tuy hai mà một”. Cả em, cả anh đều muốn tan vào nhau như ánh sáng huyền diệu của thiên hà trên kia, như dòng hơi thở bồng bềnh cột chặt em vào anh. Biết là thế, biết là “Tình dù không phân giới”, thế mà “Sao cười khóc vỡ thiên hà?”. Để rồi, biết rằng yêu là cam chịu:
                “Ôm vũ trụ em chới với,
                  Lòng anh vũ trụ lạc loài!
                  Bao la dõi hoài không tới,
                  Khung trời sâu thẳm chia hai!”
                                      (Hai vũ trụ, tr 78)        
           Cái thuở yêu, ai đã, đang và sẽ yêu thì đâu quên được cái bổi hổi bồi hồi, cái xao xuyến của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Rồi, cái hồn thơ, cái hồn được yêu, thèm yêu như bay bổng, như chơi vơi, như “chếnh choáng” trong cõi yêu: “Hồn tôi chếnh choáng đi lạc lối/ Đến tận khu vườn tuyệt mật kia/ Trời ơi! Thảng thốt lời chưa nói/ Môi cứ run khúc nhạc đầm đìa.” (Hình như, tr 37).
           Không những trải lòng bởi chữ yêu muôn thuở, mà “Co vào kí ức” còn thể hiện chiêm nghiệm của những tâm hồn đớn đau cho phận người.
           Đời người theo vòng sinh tử của tạo hóa, có khác chi hoa nở rồi tàn, có khác chi đêm rồi ngày theo những biến thiên của đất trời, theo biến thiên của hô hấp, của từng sát na huyền nhiệm:
                   “Cuộc đời biến thiên hàm số phôi pha huyền nhiệm,
                     Ta giăng màn ngang mắt,
                     Mặc thế nhân!
                     Nhìn hoa búp – nở,
                     Nở - búp,
                     Trẻ tu oa,
                     Người khóc chết,
                     Mơ hồ!
                     Cuộc vô thường,
                     Ai hay?”
                                 (Cuộc vô thường, tr 47)
         Qua bao biến thiên cuộc đời, mới ngộ ra kiếp người là hữu hạn. Là “con ong cuộc đời” hiểu được chất ngọt của hoa. Nhưng, mấy khi hiểu được chất ngọt của “hoa quỳnh”, “hoa của mê say”. Biết bao loài hoa trên đời này, nhưng dễ gì làm “con ong” để thưởng thức hương “hoa quỳnh” trọn vẹn? Thôi thì, phải chấp nhận như là duyên kiếp chốn trần ai: “Đời tôi bước qua/ Bao thành phố lớn/ Núi non gập ghềnh/ Ai khổ, ai hơn/ Thì thôi nhé em/ Nhé em/ Nhé em đừng buồn” (Con ong, tr 124)
            Đời buồn vui là vậy. Có qua kiếp buồn mới hiểu trọn niềm vui. Có qua hoan lạc mới sống trọn vẹn đắng cay, niềm đau của kiếp người mộng mị: “Kia mây trời mênh mông/ Xin lòng em mở rộng/ Thả nỗi niềm bay đi/ Thả ngục tù khắc khổ/ Gió thênh thang cười đùa” (Vui ve sầu, tr 133)
             Và có qua buồn thương, tiếc nhớ mới thấy được tâm hồn đọng lại những gì, mới cảm nhận được tình người, tình yêu trong cuộc sống. Thời gian thành vết cứa trong lòng, thành nỗi nhớ thương khôn nguôi: “Thời gian rụng xuống cuộc đời/ Làm chao nỗi nhớ đầy vơi tiếng buồn/ Xin em đừng để mưa tuôn/ Cho anh chết dưới đêm sương lạnh lùng.” (Thời gian rụng, tr 19)
           Trong bài “Hào quang tâm linh” (tr 56), Chiêu Dương đã thú nhận như con chiên quỳ trước Chúa sám hối, để hưởng ân phước tắm gội tâm hồn “cằn cỗi” như “sa mạc”:
                           “Ân tình chi tâm hồn tỉ năm chai đá?
                             Văn minh về những cuộc đời hoang hóa?
                             Vầng dương nghệ thuật nhân sinh,
                             Chờ hào quang tâm linh soi rạng rỡ
                             Tình đời!”
           Cũng thế, trong “Một mai hiu quạnh” (tr 128), Hàn Quốc Vũ như đã qua cuộc đời này từ trong tiền kiếp:
                        “Một mai tôi bước qua cuộc đời
                          Hiu quạnh nào, chỉ dấu chân tôi
                          Một mai tôi trả hơi thở này
                          Thân bụi liền vùi xuống lãng quên”.
           Để rồi qua những thác ghềnh của cuộc đời, của tình yêu, của những nhớ thương, của kiếp người muôn thuở, tiếng lòng lại tỏa lên đóa hoa mơ mộng, tỏa lên ánh vàng bình yên như Hàn Quốc Sinh trong “Co vào kí ức” (tr 27):
                          “Bao yên ắng sắc vàng bình lặng
                            Có ai hay dòng đời nghiệt ngã
                            Co vào kí ức mơ trăng”.
            Co vào kí ức” là tuyển tập thơ của ba người đồng điệu, đồng cảm, đồng tâm cất lên tiếng lòng thi ca là Hàn Quốc Sinh, Chiêu Dương, Hàn Quốc Vũ. Tuy rằng, có chỗ hình ảnh, cấu trúc, âm điệu thơ người này cảm, người kia không, nhưng đáng quý là tập thơ đã thể hiện khát vọng cháy bỏng muốn cống hiến tâm tình thơ đến với bạn đọc.

Tháng 2/2016
Phan Trang Hy
(Phan Thanh Bình K5)

 

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

CẦU CỬA ĐẠI


Hội An nay có cái cầu
Người dân sung sướng rủ nhau tìm về
Bao năm chân chất dân quê
Nay cầu nối nhịp bộn bề lo toan
Mong dựng xây thật đàng hoàng
Quê hương Đất Quảng cháu con tự hào
Mai này đường sá biết bao
Đi dọc bờ biển xôn xao gió Nồm
Xưa Đà nẵng tới Điện Nam 
Nay thì thỏa sức về thăm Tam Kỳ 
Nghe biển hát sóng thầm thì
Con đường trải nhựa chưa đi đã mừng
Quê hương nay sẽ tưng bừng
Miền quê cát trắng bỗng dưng đổi đời
Vila, Resort nơi nơi
Dọc bờ biển lặng rợp trời cảnh quan


Trần Ngọc Anh K10 
 

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

NĂM THÁNG VỀ ĐÂU?


Nửa vầng trăng để lại
Bên dặm đường vó câu
Mây chiều bay đi mãi
Năm tháng dạt về đâu!
Mùa xuân lặng lẽ qua
Phai dần cành lộc biếc.
Đời người như sân ga
Đón đưa…rồi…tiễn biệt.
Cũng có lúc hè sang
Mơ trời xanh vời vợi
Nửa vầng trăng vẫn đợi
Nửa kia về… hiệp đôi…
Đã biết bao mùa thu 
Bên thềm hoa tim vỡ 
Chiếc lá vàng nỗi nhớ 
Có phải vì mưa ngâu?
Mùa đông chiều rơi mau
Dường như ngày cũng vội
Chỉ là… làn gió thổi
Mà dậy trời bão giông…
PHAN MẠNH THU K9

(Ảnh trên internet)

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Bóng đổ chiêm bao đi về


Bé ơi ngày ấy đâu còn
Giận sao khờ khạo tiếc mòn ngày xanh
Tiếng chim tuổi mộng lìa cành
Tay sè sẹ vốc nắng hanh hao tàn
Đóa vô ưu trổ muộn màng
Ngược dòng cá nhỏ ngỡ ngàng ngẫn ngơ
Lặng thầm nhịp thở vần thơ
Câu kinh sám hối hồi mơ xưa nào
Cớ chi sóng động nước chao
Tháp nghiêng bóng đổ chiêm bao đi về
Cung sầu bước hẫng thê lê
Sao Hôm hui hút bốn bề lạnh câm
Bé ơi cuối nẻo đường hầm
Nửa vòng tay vói có cầm bằng không
Thạch Thảo viên, Saturday, March 26, 2016.
Vũ Đan Huyền K7
 

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN


 Nhân dịp cuối tuần, anh Đoàn Thường K9 thư giãn với câu chuyện lợi ích của việc tăng viện phí:



TĂNG VIỆN PHÍ…HẠI BẤT CẬP LỢI.
                 
  Nghe nói đến tăng viện phí thì bà con ta giống như phản xạ tự nhiên: giật mình cái đụi, rồi hoang mang, lo lắng, nhưng…bà con hãy “hết sức bình tĩnh” nhất là bà con lao động nghèo, chúng ta hãy nhìn vào mặt “tích cực” của “hiện tượng”, mới thấy được những lợi ích của “sự việc”, như sau:
1. Đối với bệnh nhân bị cảm cúm các loại, cảm mạo thương hàn…khi nhập viện chỉ cần nhìn vào phiếu “thanh toán viện phi” là đã “toát mồ hôi hột”, xông hơi cũng không bằng, thành thử rất mau lành bệnh, rút ngắn được thời gian điều trị.
2. Đối với bệnh nhân ở giai đoạn gần hôn mê, chỉ cần đọc cho họ nghe phiếu thanh toán viện phí, bảo đảm sẽ giật nảy mình, giúp bệnh nhân vượt qua hôn mê, tạo điều kiện cho Bác sỹ cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.
3. Đối với bệnh nhân có vấn đề về mắt, có thể dùng phiếu thanh toán viện phí hươ hươ qua lại trước mắt, bệnh nhân sáng mắt ngay, kết hợp với điều trị tích cực, mắt bệnh nhân sẽ 10/10 ngay tắp lự !
4.Viện phí tăng, người bệnh sợ đến bệnh viện, bệnh viện tự nhiên hết quá tải, không còn cảnh 3 người nằm 1 giường, đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, vừa đỡ tốn tiền, vừa tăng khả năng “tự đề kháng” của cơ thể !
5. Tăng viện phí sẽ tạo ra tâm lý an tâm cho đội ngủ Y- Bác sỹ sẽ có lương cao, nên hết lòng phục vụ cho bệnh nhân, góp phần giảm tiêu cực trong ngành Y !


                                                                             THƯỜNG ĐOÀN- K.9.

VÔ ĐỀ




Xua mây về cuối thượng ngàn
Xin đừng quay lại trần gian muộn phiền
Ru đời niệm khúc bình yên
Ru ta bằng một giọt thiền nhẹ tơ
Sông sâu nước chảy ơ hờ
Có viên đá cuội nằm chờ vãng sanh

Bằng lăng hé nụ mong manh
Nghiêng mình tím vạt cỏ xanh bên đường
Nắng mai rụng xuống tà dương
Phù dung trỗi khúc vô thường để quên
Gối đầu vào chỗ không tên
Sớm mai thức dậy đã quên mình rồi
                  
Hạt sương đậu nhánh bồi hồi
Trong veo chờ ngọn nắng trời bay đi
Triền đê ngọn cỏ xanh rì
Nửa đêm úp mặt thầm thì trong mê
Tìm chi trong chốn bộn bề
Bao nhiêu người đến lại về tay không

Trần ai gió bụi phiêu bồng
Bứng cây vô niệm đem trồng mười phương
Áo khăn xếp lại lên đường
Theo bàn tay chỉ về phương trăng ngời

Huỳnh Văn Mười K7

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Từ Biệt Mùa Hè


Từ biệt mùa hè trong mắt em
Hoàng hôn tím phủ xuống tay mềm
Lối xưa bỗng thiếu loài hoa trắng
Sân trường vắng lặng chỉ buồn thêm

.
Từ giã trong mùa ran tiếng ve
Phượng hồng từng cánh úa , sang hè
Em đi bước nhỏ màu xa cách
Môi nở nụ cười mắt đỏ hoe

.
Giã biệt trong chiều bao luyến thương
Rồi đây chia cách đứa đôi đường
Trường xưa vắng bóng em từ đó
Chân bước sao lòng cứ vấn vương

.
Rồi đây trên những lối đi về
Đâu còn hoa bướm với cơn mê
Một thời mơ mộng giờ xa lắm
Còn lại mái trường nhớ lê thê ...

.
Nguyễn Tấn Lực K6

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Thu tiễn đưa





Bốn mươi năm trước khi trận chiến biên giới tây nam bắt đầu, trong sân trường giữa đồi cây một chủng viện một người chia tay một người...
Bốn mươi năm sau người phụ nữ tìm lại kỷ vật xưa là một cành hồng khô héo và một bài thơ...


 
 Xa xa cây vẫn xanh màu lá
 Lạc tiếng ve chiều sao thiết tha
 Giáo xứ ngân nga chuông hồi đổ
 Đầu mùa mưa vỡ hạt chia xa...
 
 Tràm vàng hoa ngập lối đá xanh
 Hoa như sướt mướt khúc xa cành
 Đôi bước chân qua còn đọng nhớ
 Từng hạt vàng hoa gieo ý thơ
 
 Nhớ một mùa chôm vừa chín rộ
 Vị ngọt đầu môi vội thấm hồn
 Mây trời hôm ấy mờ áo tím
 Sắc cánh hoa trao đậm trong tim
 
 Nhớ ánh mắt nhìn buổi học đêm
 Dưới đèn dòng chữ cũng chao tình
 Hương thầm mái tóc nâu buông lửng
 Dấu vào kỷ niệm tuổi thư sinh...
 
 Bốn mươi năm cũ lần đưa tiễn 

Giờ còn xao xuyến lúc thu mưa... 

Đoàn Quân.
( Đoàn Xuân Hiển K2)


Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

HÌNH ẢNH BUỔI HỌP MẶT CỦA ĐÔNG GIANG- HHT TẠI SAIGON & CÁC TỈNH PHÍA NAM LẦN THỨ 12




  Chủ Nhật 20 tháng 3 năm 2016, Cựu HS Đông Giang - Hoàng Hoa Thám tại Sài Gòn đã tổ chức gặp mặt Thầy Cô, thân hữu và các bạn học CHS hiện đang sinh sống tại Saigon và các tỉnh thành phía Nam lần thứ 12. Dù số lượng không nhiều nhưng cuộc hội ngộ diễn ra trong không khí đầm ấm đầy tình thân.


Ban đại diện Sao Mai Saigon và vùng phụ cận cũng đã nhận lời mời đến tham dự

Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh của buổi họp mặt:
 

 Các anh chị chs Sao Mai 











Mời xem thêm hình ảnh họp mặt TẠI ĐÂY