Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Về bản dịch bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà…”




(Lời thưa trước: Thú thật gần 3 tháng qua, tôi không hề đọc báo mạng, không hề chia sẻ trên fb. Thế nhưng tôi được nghe nhiều người bàn cãi về bản dịch bài thơ nói trên được trích dẫn ở sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7. Không ít người cho rằng những người chủ trương biên soạn sách giáo khoa có ý định truyền bá “chủ nghĩa hòa bình” với giặc phương Bắc? )

Tìm hiểu được biết, bản dịch được trích dẫn ở sách không hề trái với tinh thần của bản gốc, và nó cũng là bản dịch bởi hai nhà Hán học nổi tiếng thời Tân học là Lê Thước (Hà Tĩnh) và Nam Trân (Quảng Nam). Thực ra, bản dịch của hai cụ đọc lên không xui tai bằng bản dịch của Trần Trọng Kim mà rất nhiều người Việt quen thuộc nên mới gây nên chuyện cãi vả lùm xùm.
Theo ý kiến riêng, chính bản dịch quen thuộc của học giả Trần Trọng Kim cũng chưa nói được lòng tự tôn dân tộc của các hoàng đế triều Lý khẳng định chủ quyền, cương vực Nước Nam trước họa bành trướng của hoàng đế Nhà Tống bên phương Bắc.
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư” được dịch là “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” nghe sao yếu ớt quá (?).
Tinh thần của câu đầu bài thơ được xưng tụng như là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta chính là “đế” (hoàng đế), chứ không phải là “vua” (vương). Ở phương Bắc có hoàng đế thì nước Nam ta cũng có hoàng đế cơ mà! Ấy là lời khẳng định về độc lập dân tộc. Sau này, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” cho hoàng đế khởi đầu triều Hậu Lê (Lê Lợi) cũng khẳng khái “việc nhân nghĩa” trước hoàng đế Nhà Minh cũng trên thần ấy.
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lên nfôi vua, chính thức kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập vĩnh viễn cho nước nhà. Nhưng triều Ngô không trị vì lâu dài, chính là do đánh giặc xong, có lập kinh đô ở  Cổ Loa mà chỉ xưng “vương”, còn các vị thổ hào, quan lại các cứ  nhiều vùng, sau đó gây nên cảnh nội chiến mà sử sách ghi là loạn 12 sứ quân. Năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn, thống nhất đất nước, dời đô về Hoa Lư, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, tạo dựng nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Từ đây, nước Nam ta mới có hoàng đế đúng nghĩa để đối đầu với ý đồ xâm lăng và đã từng xâm lăng của các hoàng đế bên Trung Hoa.
Chính vì vậy, câu “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” chưa thật sự là bản dịch đúng nghĩa của câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
Đôi lời mong được trao đổi.

Phan Thanh Minh K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét