Phan Thành Khương
TỰA
Đã có nhiều tác giả viết về Tú Xương qua nhiều khía cạnh. Người viết bài này chỉ xin góp một cái nhìn về nhà thơ “Tài cao phận thấp khí khí uất ” (*) của chúng ta mà thôi.
Từ lâu, người viết hằng thắc mắc, không hiểu tại sao một con người chan chứa những ý tình cao đẹp như Tú Xương lại có thể “ăn chơi trụy lạc” như người ta nói và như chính ông đã viết được. Qua bài này, người viết sẽ thử cố gắng trả lời câu hỏi đó.
Người viết sẽ giới thiệu những tính chất căn bản nhằm phát họa thái độ của Tú Xương trước Bản thân và Cuộc đời. Bởi lẽ, sống là chọn lựa một thái độ, không có thái độ nào cả cũng đã là có một thái độ rồi.
Do đó, bài viết này sẽ được giới hạn trong việc tìm hiểu xem Tú Xương đã “xử kỷ tiếp vật”, đã ở đời ra làm sao và người viết trộm nghĩ rằng sự tìm hiểu này sẽ có một lợi ích nào chăng.
Viết tại E4, Đại Học Xá Nam Giao,
Huế, đêm 18 tháng 4 năm 1974
PHAN THÀNH KHƯƠNG
Huế, đêm 18 tháng 4 năm 1974
PHAN THÀNH KHƯƠNG
DẪN NHẬP
Nếu hiểu con người là một tinh thần nhập thể và nhập thể thì sống đối với con người, có nghĩa là sống với, sống cùng, sống trong, sống giữa và do đó, dù muốn dù không, con người phải đối diện với hai thực tại: thực tại cá nhân và thực tại xã hội.
Đối với thực tại cá nhân: trước hết, con người phải sống trong một xác thân riêng, với những ảnh hưởng tiên thiên khác nhau, nghĩa là có một quá trình hiện hữu dị biệt.
Đối với thực tại xã hội: cái xã hội không ngừng tác động trên từng cá nhân, con người hầu như là phải “chấp nhận” nó từ khi có mặt trên đời: xã hội thanh bình hay loạn lạc, đạo đức hay hư hỏng, tiến bộ hay lạc hậu, .v.v…
Con người chỉ còn một chọn lựa là cách thể hiện hữu của mình hay nói khác đi là cách thế đối diện với những thực tại nói trên. Sống không có nghĩa là thuận thụ, a tòng, hoàn toàn thụ động. Trái lại sống còn có nghĩa là đối phó, hoạt động và lắm khi là phản động (chữ “phản động” ở đây không có nghĩa xấu, không phải là phản tiến hóa).
Nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, sinh trưởng trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang thống trị. Những tập tục lễ nghi những giá trị luân lý đạo đức từ ngàn xưa đã bị lung lay và khuynh đảo. Bao nhiêu hình ảnh, sự việc diễn ra trước mắt không thể ông không nhìn thấy. Mặt khác, nhà thơ còn có một hoàn cảnh cá nhân riêng: một người của lớp tàn nho, gia đình lại lâm vào sự quẫn bách và hầu như mọi lối thoát đối với ông đều đã bế tắc.
Chúng ta cũng nên hiểu rằng dù chạy trốn thực tại thì con người cũng đã đối diện với thực tại và chạy trốn chỉ là một cách thế, một thái độ trước thực tại đó. Dù sống trong lao tù con người vẫn phải đối diện bốn bức tường hay sống trong một tháp ngà ảo tưởng, con người vẫn phải đối diện với những gì mà ảo tưởng đó tạo ra.
Vậy thì sống bao hàm ý nghĩa là một thái độ đối diện, một cách thế “đứng trước” thực tại. Và trước một thực tại, con người sẽ hoặc chấp nhận nó, đề hề với nó hoặc tác động để đổi thay nó hoặc đứng xa mà nhìn ngắm, mô tả. Nhà thơ của chúng ta ở vào trường hợp này. Nhưng từ một quan điểm, từ một vị trí quan sát nào đó, sự mô tả cũng nhằm một sự tố cáo và cũng có nghĩa là một ước vọng cải tạo, đổi thay.
Vậy, khi khảo sát về thái độ của nhà thơ Vị Xuyên trước bản thân và cuộc đời, chúng ta phải có một quan điểm thích nghi. Quan điểm mà người viết chọn lựa ở đây là tình tự dân tộc và nhân loại. Người viết sẽ tìm cách hiểu nhà thơ, cảm thông với nhà thơ, nghĩa là trả lại cho nhà thơ cái gì là của nhà thơ.
I. TÚ XƯƠNG TRƯỚC BẢN THÂN
Nói đến nhà thơ Vị Xuyên, chúng ta nghĩ ngay đến một số phận hẩm hiu, một cuộc đời với toàn những thất bại và trắc trở. Bao nhiêu tài sản của cha ông để lại, Tú Xương đã “hiến dâng” cả cho khoa cử, nhưng rồi khoa cử lại phụ bạc ông một cách tàn nhẫn và trắng trợn.
Từ thuở 15 tuổi (1885), nhà thơ đã “tỏ tình” với khoa cử và cũng chính trong lần này, nhà thơ đã đón nhận sự hắt hủi đầu tiên. Hai lần thất bại nữa, đến năm 24 tuổi (1894), ông mới nhận được của khoa cử cái tú tài, cái tú tài vô dụng nhưng đã làm khổ ông không ít và cũng chỉ có chừng ấy, dù sau đó Tú Xương đã đến với khoa cử bốn lần nữa; lần cuối cùng là năm 1906, để rồi năm sau (1907) nhà thơ vĩnh viễn từ giã cõi đời. Cũng chỉ bởi khoa cử mà con người đó đã phải “van nợ lắm khi trào nước mắt” hay “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” (Than nghèo). Nhà thơ đã phải sống bám vào người vợ tảo tần “năm nắng mười mưa” suốt trọn cuộc đời. Tất cả sự thật này nhà thơ Vị Xuyên đã không một mảy may che dấu. Thi sĩ non Côi sông Vị đã quay cái nhìn vào chính mình, ông không ngừng tìm cách xác định con người ông trong cuộc đời.
Mặc dù, từ thế kỷ mười chín, các văn nhân nho sĩ nước ta đã có nói đến cái tôi thay vì cái ta chung chung như trước, nhưng không ai nói nhiều và nói kĩ như Tú Xương.
Bằng thi phú, nhà thơ đã tự họa một bức chân dung với đầy đủ các chi tiết. Tuy nhiên không phải nhà thơ chỉ mô tả phần ngoại diện, trái lại ông còn chiếu rọi “đôi mắt” vào tận các hang cùng ngõ hẻm của tâm hồn mình. Có thể nói nhà thơ đã cố tìm một bút pháp hay ngôn từ để diễn tả cho trọn vẹn, chính xác những gì ông nhận thấy khi trực diện với chính bản thân.
Thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu một vài tính chất căn bản trong cái nhìn tự phản của nhà thơ. Vì qua sự tìm hiểu này, may ra chúng ta có thể tìm thấy được một cách đúng đắn, phần nào tâm trạng và chí hướng của nhà thơ Vị Xuyên.
1. Tú Xương, một người thành khẩn
Đây là đặc điểm trước hết trong cái nhìn tự phản của nhà thơ. Thành khẩn với người đã là khó và không mấy ai có thể thực hiện một cách trọn vẹn, thành khẩn với chính mình lại càng khó hơn. Thành khẩn với chính mình có nghĩa là tự khách quan hóa để nhìn ngắm, phê phán chính mình. Thật chưa có tác giả nào viết về bản thân và cuộc đời mình một cách trắng trợn, chân thành đến … sỗ sàng như nhà thơ Vị Xuyên.
Ta cũng nên nói ngay ở đây là không phải tác giả không biết đến liêm sỉ và không trọng liêm sỉ, không coi liêm sỉ là một vấn đề thiết yếu. Nhà thơ cũng không hề tìm cách nói quanh co để giấu che bớt sự thật hay để văn chương hóa. Trái lại, nhà thơ đã phô bày không úp mở, gạn lọc, ông còn muốn tô đậm nét nữa là khác. Ta nên hiểu sự nói thật của ông là một trực tính tự nhiên và cũng là sự liêm khiết của kẻ hiểu biết.
Hơn nữa, ông lại chính là nạn nhân, là người trong cuộc đã gánh chịu bao nhiêu bất hạnh, trắc trở: nạn nhân của một bản chất nghệ sĩ ngông nghênh, nạn nhân của một buổi giao thời và trực tiếp, gần gũi nhất là nạn nhân của nghèo túng và hỏng thi. Vậy thì nói ra dĩ nhiên là nói trong niềm tin sẽ được nghe, được thông cảm cũng là cách làm cho vơi bớt đi những “ngổn ngang trăm mối trong lòng” đó.
Tuy nhiên, ta cũng không thể trọn tin tất cả những gì ông đã nói ra vì lắm khi ông đã phóng đại một hình ảnh hoặc cường điệu hóa một ý tưởng, nghĩa là chúng ta nên hiểu văn chương như một cái cớ, một dụng cụ, văn chương không phải là một biên bản điều tra của cơ quan an ninh. Văn chương cũng như chiếc thuyền, ta chỉ sử dụng nó để sang sông và ta sẽ không mang nó lên người khi đã đạt được mục đích.
Để ý như thế, chúng ta sẽ có thể đến gần sự thật hơn. Mặt khác,” nhân vật ngôi thứ nhất tôi, ta, min, tớ, ông mà nhà thơ tự xưng, ta phải hiểu rằng đó chỉ là một nhân vật mà thôi. Vì ai cấm nhà thơ đứng vào vị trí của một người khác để tự nói ra ý nghĩ, tình cảm, tâm tư của “mình”. Nhà văn có thể “là” bất cứ ai miễn là họ có văn tài để diễn tả: văn chương không phải là sự thật mà là cái có vẻ thật. Nhà văn phải làm thế nào để thể hiện được những đặc tính khả xúc, và đó chính là sự thành công của một nhà văn.
Trong trường hợp nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, ta phải thận trọng khi phê phán về nhân cách, đạo đức của ông và không có lý do gì để chúng ta dựa vào những lời bông đùa, bỡn cợt của ông để có một quan niệm, một kết luận vì quan niệm cũng như kết luận đó sẽ không tránh khỏi hàm hồ, vụ hình thức.
Xem lời tự giới thiệu trong bài “Tự cười mình” hay trong bài phú “Thầy đồ dạy học” ra thấy cái dáng vẻ bên ngoài đã được nhà thơ phát họa rõ ràng:
Ở phố hàng Nâu có phông Sành,
Mặt thì lơ láo, mắt thì nhanh
(Tự cười mình I)
Mặt thì lơ láo, mắt thì nhanh
(Tự cười mình I)
Râu rậm bằng chổi
Đầu to tày giành
(Thầy đồ dạy học, phú, bài I)
Đầu to tày giành
(Thầy đồ dạy học, phú, bài I)
Quần áo rách rưới
Ăn nói xô bồ
(Thầy đồ dạy học, phú, bài II)
Ăn nói xô bồ
(Thầy đồ dạy học, phú, bài II)
Thật thì mặt ông có “lơ láo” vì ông đã kinh qua bao nhiêu thất bại ê chề, nhận chịu bao nhiêu đớn đau, bất trắc, ông muốn tìm một người tri kỷ chăng? Vậy thì chúng ta còn đợi gì mà không mở rộng lòng mình để cảm thông với người thơ vì đôi mắt sáng của ông đang nhìn về phía chúng ta, mời gọi chúng ta lắng nghe.
Nhưng nhà thơ đâu có “Râu râm bằng chổi đầu to tày giành”, nhà thơ thực ra râu thưa và đầu thì nhỏ thôi. Vậy thì, đây chỉ là một cách “đùa” cho vui, mong xoa dịu những nỗi ê ẩm, chán ngán trong lòng và ông đùa thật dai vì ông đã đau đớn quá nhiều. Ta nên hiểu đây là phản ứng của một bản chất cá nhân riêng. Trước một thất bại, cá nhân con người có thể phản ứng bằng nhiều cách: hoặc chìm đắm trong đau đớn, gặm nhắm những nỗi thất vọng để rồi đi đến suy nhược, lụn bại tinh thần hoặc cười xòa, xem như không đáng quan thiết đến để cho nguôi ngoi, phai lạt bớt tính chất quan trọng của sự kiện mà ngày nào ta đã xem là quan trọng và ta đã đặt vào nó tất cả hy vọng để tự hóa giải với chính mình, tìm cho mình một lối thoát, một an ủi.
Yves Berger đã nhận thấy rằng: “Văn chương bao giờ cũng chỉ là một nỗ lực tự giải thoát cá nhân” (3). Tuy nhiên, cái bi đát sẽ lộ liễu, ta sẽ thấy rõ ràng là nhà thơ đã cười ra nước mắt.
Phải chăng thất bại có to lớn đấy, nỗi đớn đau có dằn vặt mình đấy, song nhà thơ vẫn còn yêu đời và còn ham sống nên ông can đảm bộc bạch tất cả cái gì riêng tư của mình mà không sợ ai cười chê hay mai mỉa. Ông đã tự khách quan hóa chính mình để mà “tự trào”, tự cười mình.
Thế thì, Tú Xương, tôi, ta, ông, min, tớ … chỉ là một nhân vật, không hoàn toàn trùng hợp với ông Tú Xương ngụ tại nhà số 280, phố Đình Hữu, làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định trong những năm từ 1870 đến 1907, tức là phố hàng Nâu nối liền với phố hàng Song, khu Đình Hữu, thị xã Nam Định bây giờ (1974). Nhận định như thế, chúng ta sẽ tránh được lầm lẫn khi phê phán về giá trị đạo đức, phẩm hạnh của nhà thơ.
Ta có thể đặt câu hỏi là tại sao quần chúng lại truyền tụng câu ca dao nói về xuất xứ và bản chất của nhà thơ rằng:
Vị Xuyên có bác Tú Xương
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi (4).
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi (4).
Ta thấy rằng, một người ăn nói hoạt bát, vui vẻ và lại hay bỡn cợt, bông đùa như Tú Xương thì người ta làm thân với ông chẳng khó khăn gì và rồi “giỡn với chó, chó liếm mặt” (5), họ sẽ cùng ông pha trò và sự kiện được mô tả chắc chắn sẽ không trung thực với sự thật bao giờ. Có lẽ, đôi khi vì kẹt lắm, nhà thơ đã mua chịu hay mượn mõ ít nhiều và rồi quên đi nên không trả như có lần ông đã hỏi mua sực tắc:
Sực tắc mày rao đã điếc tai,
Tiền thì không có biết vay ai?
Mày ơi bán chịu tao vài bát,
Sáng mai tao trả một thành hai.
(Bảo người bán sực tắc)
Tiền thì không có biết vay ai?
Mày ơi bán chịu tao vài bát,
Sáng mai tao trả một thành hai.
(Bảo người bán sực tắc)
Chỉ chừng ấy người ta có thể phóng đại ra, vì dư luận có thể biến một con muỗi thành một con voi và hơn thế nữa! Do đó, sự kiện mà người ta nói là “Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi” đó chỉ để đùa, để triêu chọc Tú Xương hơn là mô tả một sự thật.
Mặt khác, một người đã lên án, chỉ trích gay gắt những thói hư tật xấu của người đời, đã không tiếc lời phỉ báng mọi tệ trạng của xã hội mình, không thể là kẻ như những kẻ mà mình đã chỉ trích, lên án đó.
Hơn nữa, Tú Xương còn có một tâm trạng u uất đối với quê hương đất nước, có một nhiệt tình yêu mến cách mạng, kính trọng các nhà chí sĩ (đối với Phan Bội Châu, Tú Xương đã bày tỏ một sự hâm mộ và tôn kính sâu xa) thì không thể nào nhà thơ lại làm những việc thiếu ý thức và không mấy tốt đẹp như vậy.
Tuy nhiên, ta cũng phải công nhận rằng với bản chất của một nghệ sĩ ngông nghênh và cái “phẩm giá” của kẻ sĩ, nó đã tạo ra ở Tú Xương cái tính hào phóng, bất cần và ông thành thật cho biết:
Cho hay công nợ như thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
(Tự cười mình, bài II)
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
(Tự cười mình, bài II)
hoặc:
Kiết cú như ai cũng rượu chè
(Năm mới)
(Năm mới)
Đấy phải chăng là một phản diện tâm lý tất nhiên của con người muốn chối bỏ thực tại này, hoàn cảnh cũ để vươn tới, tiếp xúc một thực tại khác, hoàn cảnh mới. Chắn chắn là ước muốn thay đổi đó sẽ không bao giờ có thể thành sự thật nếu vẫn cứ “phong lưu suốt cả đời” và “như ai cũng rượu chè”.
“Xấu che tốt khoe”, đó là cái gì thường tình nhân thế, vậy mà nhà thơ của chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thật kĩ và mô tả nó thật tỉ mỉ nữa là khác. Kiểm điểm lại sự nghiệp, gia thế, ông thấy:
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi,
Gạo cứ bữa ăn, đong bữa một.
(Than nghèo II)
Gạo cứ bữa ăn, đong bữa một.
(Than nghèo II)
Người bảo ông cùng mãi
Ông cùng thế này thôi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tênh đi bồi
…
Khách hỏi nhà ông đến,
Nhà ông đã bán rồi.
(Than cùng)
Ông cùng thế này thôi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tênh đi bồi
…
Khách hỏi nhà ông đến,
Nhà ông đã bán rồi.
(Than cùng)
Một tuồng rách rưới con như bố,
(Mùa nực mặc áo bông)
(Mùa nực mặc áo bông)
Còn gì thật hơn, còn thấm thía và cảm động hơn và nếu ai đã một lần khốn khó sẽ thấy hai câu thơ sau đúng một cách … tuyệt đối:
Van nợ lắm khi trào nước mắt,
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi.
(Than nghèo)
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi.
(Than nghèo)
Gia thế càng xuống dốc, càng quẫn bách thì khoa cử lại như toa rập để đẩy ông vào bước đường cùng. Công danh, sự nghiệp, nhân phẩm, tất cả thảy đều phải đi qua cổng trường thi. Nhưng khoa cử phụ bạc thì mọi công trình xây dựng cho chính bản thân cũng như xã hội đều tiêu tan.
Chính vì nền giáo dục theo lề thói phong kiến lạc hậu, quá khe khắt đã bóp nghẹt và bóp chết đi biết bao nhân tài, biết bao kẻ giàu thiện chí. Hơn nữa, nền giáo dục khuôn mẫu, từ chương đó cũng chẳng tạo ra được những người có sáng kiến kinh doanh, thực nghiệm và thực dụng. Thế mà phải chìu lụy nó, không thể qua mặt nó bởi lẽ nếu không thì:
Trăm năm thân thể có ra gì
(Buồn thi hỏng)
(Buồn thi hỏng)
Và nhà thơ, người đã đón nhận từ thất bại này đến thất bại khác, hầu như cứ mỗi lần đi thi là mỗi lần ông hỏng thi, hơn ai hết, ông đã thấm thía trọn nghĩa của sự đớn đau cay đắng, chua chát, tủi hổ:
Đau quá đòn ghen,
Rát hơn lửa bỏng.
Hổ bút, hổ nghiên,
Tủi lều, tủi chõng.
(Hỏng thi khoa Canh tí)
Rát hơn lửa bỏng.
Hổ bút, hổ nghiên,
Tủi lều, tủi chõng.
(Hỏng thi khoa Canh tí)
Bụng buồn còn muốn nói năng chi,
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
…
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui (6)
(Buồn thi hỏng)
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
…
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui (6)
(Buồn thi hỏng)
Để có một ý niệm chung, ta thấy rằng Tú Xương đã làm thơ không phải để chạy trốn thực tại, không phải để mơ mộng thoát ly. Trái lại, nhà thơ của chúng ta bám chặt lấy cái thực tế phũ phàng, bi đát của mình và nói ra như một tâm sự, lời nói vì thế có sự tiềm ẩn của một mong ước cảm thông, chia sẻ, lời nói và đi thẳng vào tâm hồn người nghe. Ông đã quá thành khẩn, thì chúng ta còn trách ông vào đâu nữa.
Mặt khác, có người cho rằng Tú Xương ăn chơi trụy lạc và mạt sát ông thậm tệ vì họ không nhìn thấy cái tế nhị trong lời thơ cũng như thực chất của những lời thơ đó hoặc giả họ muốn tìm một “đồng minh” chăng, muốn dối mình chăng, điều đó hãy để cho họ tự hỏi. Nhận định về các quan niệm lệch lạc này, ông Trần Thanh Mại đã có cái nhìn khá sắc bén khả dĩ lột mặt nạ của những kẻ ngụy tín nói trên:
“Mấy quan niệm sai lầm này kể ra cũng có nguồn gốc sâu xa của nó, có nguyên nhân của nó. Trước hết, nó xuất phát từ quan điểm thực dân và phong kiến, bù nhìn, thường ghét và sợ những con người như Tú Xương. Nó xuất phát từ âm mưu của chúng muốn xuyên tạc sự thật về nhà thơ, muốn bôi nhọ đời sống thanh cao và tâm hồn trong sạch của nhà thơ, đấy là thủ đoạn của thực dân pháp và tay sai (7) vào khoảng những năm 30 của thế kỉ này, hòng phủ nhận hoặc xóa mờ giá trị hiện thực sâu sắc của thơ văn Tú Xương và đánh tan, hay ít ra cũng giảm bớt lòng hâm mộ của công chúng đối với nhà thơ” (8).
Sau hết, hẳn chúng ta phải công nhận rằng Tú Xương có một cốt cách hơn người, có một ý thức cao độ về sự liêm khiết. Nhà thơ đã chẳng quanh co chối từ hay biện hộ cho những nhược điểm của mình. Trái lại, ông đã thành thật phơi bày tất cả trước mắt chúng ta. Hơn thế, ông còn dùng ngôi thứ nhất (chỉ chính mình) để cười đùa và tự tố cáo. Điều này có nghĩa là Tú Xương đòi hỏi sự tự giác của những kẻ không mấy tốt đẹp quanh ông. Và đây cũng là một cách xỏ xiên nhằm nhắc khéo người khác để họ có dịp tự vấn, tự nhìn ngắm lại chính mình, hầu có thể không tiến sâu vào lối đi không lấy gì làm tốt đẹp của họ.
Mặt khác, ta thấy rằng những bài thơ bông đùa của Tú Xương là nhằm một hài tính, cốt để mua vui. Do đó thực tính của những bài thơ đó không có là bao, khác hẳn với giọng thơ u hoài, trang trọng khi ông tỏ lộ tâm tình của mình đối với quê hương đất nước hay đối với những con người mà nhà thơ ngưỡng mộ, tôn kính.
Tuy nhiên, gạt ra ngoài tính cách cười đùa cũng như việc sử dụng nhân vật ngôi thứ nhất để nhắc nhở, chê trách người đời một cách khéo léo đó, nhà thơ đã thành khẩn tỏ bày tất cả những gì riêng tư của mình khiến cho thơ văn của ông có một cảm xúc tính mãnh liệt, đi thẳng vào tâm hồn người đọc. Ta có thể nói rằng giá trị thơ văn cũng như giá trị làm người của Tú Xương khởi đi từ chính lòng thành khẩn đó.
2. Tú Xương, một người phá chấp
Phá chấp nghĩa là đã chấp nhận tất cả, đã xem tất cả là có đó dù rằng nó không hợp với chủ trương, tư tưởng cùng mong ước của mình chăng nữa. Phải là một con người đã thâm hiểu ý nghĩa cuộc đời và thân phận làm người, vượt lên trên mọi thành kiến, xu hướng và nhất là phải có một đảm lực phi thường mới có thể độc lập với chính mình và với người khác. Cũng như đã có một con đường rõ rệt, chính đáng mới có thể không sợ sẽ bị hiểu lầm, không sợ những lời mai mỉa khen chê.
Đặt vấn đề này, ở đây, chúng ta không có ý đề cao nhà thơ Tú Xương vì có nghĩa lí gì đối với người đã vội vã và sớm sửa giã từ cuộc đời? Khen chê đối với ông, một kẻ đã vĩnh viễn về với yên lặng không còn là cái gì quan trọng. Chúng ta chỉ cố gắng để hiểu nhà thơ một cách đúng đắn hơn mà thôi.
Trước hết, chúng ta phải nhận rằng nhà thơ Vị Xuyên đã có một ý thức cao độ về sự liêm khiết nên ông đã không tự dối lừa mình cũng như đã không phĩnh phờ người khác, vì thế mà khi nghe người đời bông đùa:
Vị Xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi. (9)
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi. (9)
thì không những ông không oán hận, không đính chính mà hơn thế ông còn đẩy đến cực độ, cụ thể hóa bằng sự kiện:
Cao lâu thường ăn quịt,
Thổ dĩ lại chơi lường (10).
Thổ dĩ lại chơi lường (10).
Chúng ta đừng vội kết luận là ông đã “bất cố liêm sỉ”! Nghĩ như thế thì thật đơn giản và cũng thật dễ dàng nhưng chưa chắc đã đúng với sự thật, không phải nhà thơ Vị Xuyên đã gồng mình để nói như thế. Trái lại, ông đã thật tỉnh táo, sáng xuốt nữa là khác. Ta thấy rằng một người đã suốt đời nâng niu gìn giữ cái giá trị mà mình tôn thờ:
Danh giá nhường này không nhẽ bán,
Nhân duyên đến thế hãy còn theo.
(Nghèo)
Nhân duyên đến thế hãy còn theo.
(Nghèo)
và đã thấu hiểu thói đời thường khen chê vì một lợi riêng nào đó hay ít ra cũng cảm thấy yên hàn và có ảo tưởng rằng mình không tội lỗi hoặc tội lỗi của mình cũng không đến nỗi trầm trọng lắm:
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ,
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền.
(Thói đời)
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền.
(Thói đời)
thì những gì đồn đãi đó có gì đáng kể đâu. Vậy thì nói cho tệ hại hơn như thế có ý nghĩa gì: phải chăng là để bày tỏ một sự bất chấp và muốn nói rằng giá trị của một con ngườingười không phải là cái gì ngoại tại mà chính con người đó phải thể hiện trong suốt cuộc sống của mình. Và nhà thơ của chúng ta đã thể hiện bằng việc từ chối sự giúp đỡ của thưc dân để có cơ kiếm tiền, ông đã bất chấp cả cái nghèo mà ít ai có thể cưỡng lại được:
Người bảo ông cùng mãi,
Ông cùng thế này thôi:
Vợ lăm le ở vú,
Con tấp tểnh đi bồi.
(Than cùng)
Ông cùng thế này thôi:
Vợ lăm le ở vú,
Con tấp tểnh đi bồi.
(Than cùng)
Xem thế, những bày tỏ của ông không phải để cầu xin một sự thương hại, chắc chắn một người tự trọng như ông sẽ chẳng khoái gì nếu không nói là e dè, ghê sợ điều đó nữa là khác. Chẳng qua như nhận xét của Hàn Xương Lê đời Đường “Đại phàm vật bất tắc kỳ bình tắc minh” (vật hễ không được thỏa mãn ắt phải kêu lên) mà thôi. Và tiếng kêu, ở đây, là tiếng kêu của một con người đại diện cho loài người. Đây là lời báo động của một con người đang bị những thực tế phi nhân chèn ép. Tiếng kêu đó nhắc nhở chúng ta một trình tự nhân loại cũng như cái thân phận làm người và qua thơ văn Tú Xương chúng ta còn nghe thấy tiếng kêu của một kẻ đau lòng vì đất tổ quê cha đang bị ngoại bang dày xéo, đồng bào đang phải lầm than khốn khổ. Nhà văn Đặng Thai Mai nhận xét:
«Trong văn chương các nhà nho nước ta, nước Tàu xưa nay, chả có cò gì nhạt nhẽo hơn là các thứ văn thơ thù tạc những bài phú lục, tán tụng ông nọ bà kia. Tưởng nếu đem mà đốt cho hết những thứ văn nước ốc ấy đi, thì văn học của một nước, tư tưởng của nhân loại cũng không vì thế mà gầy gò, ốm yếu đi tí nào. Nếu khối óc của nhà văn không có những luồng sóng bất bình, nếu tâm hồn của những kẻ cầm bút không cảm thấy những nỗi đau đớn, thiếu thốn của kiếp người, những điều mong mỏi thiết tha của thời đại, nếu không lĩnh hội được tính cách luôn luôn biến thiên của thế giới, của nhân sinh, nếu như đối với hiện tại với tương lai không có một yêu cầu, một hi vọng, tin tưởng gì, thì cái thứ văn mơn trớn béo tốt như đẫy thịt, trơn như tản trán hói của nhà trưởng giả, cũng chỉ là một “văn chơi” mà thôi, chả có ý nghĩa gì là văn học” (11).
Sở dĩ người viết phải trích dẫn dài dòng vì muốn nói rằng giá trị thơ văn Tú Xương là ở chỗ nó thể hiện được tình tự nhân loại và dân tộc, gắn liền với thực tế bản thân và thực tế của quê hương đất nước.
Lại nữa, cũng vì muốn đi đến cái thực chất của sự kiện nhà thơ đã đập vỡ cái hình thức bưng bít ngụy trang để nhìn thấy chân diện mục của nó. Chúng ta thấy Tú Xương đã không giản đơn chấp nhận cái hình thức bên ngoài. Trái lại, ông còn đòi một nội dung thật nữa:
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
(Đêm hè)
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
(Đêm hè)
Vậy, cái lí tưởng đối với nhà thơ phải là: một nội dung tốt được gói ghém bởi một hình thức đẹp. Tuy nhiên, nhà thơ cũng thấy được rằng loài người có kẻ thánh thiện, nhưng cũng có kẻ tội lỗi và đối với hạng trung bình, mỗi người đều có hai phản diện tương khắc: thánh và tội.
Người biết điều, liêm khiết, bao giờ cũng có cái nhìn công bình sáng suốt, không ngụy tín, không tự ái hay bảo thủ. Dám nói sự thật không phải để được khen là can đảm, là hơn người, nhưng là để xứng đáng mình là kẻ biết sống và biết nhận định hay không. Phải là người có sức mạnh nghị lực mới gạt bỏ được những tiếng thị phí, bất chấp mọi đố kỵ, xem thường mọi khen chê.
Nhận định như thế, chúng ta thấy rằng nhà thơ chẳng e dè gì nữa mà không dùng ngôi thứ nhất (chỉ chính mình) như một nhân vật, để cười đùa. Ta nói rằng đây cũng là một phương thức hiện thực, hiện thực trong chiều hướng phản tỉnh, nó dễ dàng tố cáo cũng như vạch trần những cái xấu, cái rỡm của cuộc đời.
Và ta cũng nên nhớ rằng hiện thực không phải là thú thực, khai thực và nghệ thuật cũng không phải là nói thẳng, có sao nói vậy và nếu hiểu hiện thực là nói thẳng, có sao nói vậy, thì không bao giờ văn chương có thể là văn chương thiện thực. Bởi lẽ ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ ám chỉ, ngôn ngữ gián tiếp.
Do đó, ta thấy rằng Tú Xương phải có một niềm tin vững chắc ở những giá trị mà mình tôn thờ. Từ đó, ông có thể múa bút tứ tung, miễn sao những gì ông viết ra, nó phục vụ đắc lực cho chủ đích tố cáo những tệ trạng xã hội ông đang sống mà thôi. Tú Xương đã sống một cuộc đời, tuy không quang vinh, không dọc ngang vùng vẫy, nhưng thật đẹp. Sở dĩ ông chỉ tri mà không hành, đúng ra Tú Xương đã hành theo cách thế của một nhà thơ văn, vì sức ông chỉ có chừng ấy hay nói khác đi bản tính cũng như sự chọn lựa của ông đã khiến ông không phải là một mẫu người hành động hiểu như là một kẻ trực tiếp tác động nhằm cải tạo cuộc đời.
Tuy nhiên, nhà thơ đã sống thật với những gì mình nghĩ, một điều đáng nói là Tú Xương đã có một ý thức về tha nhân, vượt lên trên cái nhận thức ấu trĩ, chỉ biết có mình, vị kỉ và tự mãn. Nhà thơ của chúng ta không thể sung sướng, không thể vui được khi con người còn khổ đau, dân tộc còn bị chà đạp rẻ khinh.
Thật vậy, có gì đáng vui, có gì đáng hãnh diện khi ngoại bang, kẻ đô hộ, xem dân mình như trâu ngựa và bất công áp bức còn dẫy đầy:
Người đói ta đây cũng chẳng no,
Cha thằng nào có tiếc không cho
Họ đầy đọa mãi dân cày cuốc,
(Gặp người ăn xin)
Cha thằng nào có tiếc không cho
Họ đầy đọa mãi dân cày cuốc,
(Gặp người ăn xin)
Nhà thơ đã có một ý thức cao độ về sự liên đới, nếu không như lời nguyện của Phật Di Lặc rằng ngài chỉ thành Phật khi cả thảy chúng sinh thành Phật, nhà thơ Vị Xuyên cũng chỉ vui buồn với dân nước, cùng với bao con người quanh ông mà thôi.
Do đó, Tú Xương đã bất chấp cả tù tội, cái chết có thể đến mình một cách dễ dàng, ông đã can đảm giấu giếm các nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ trong nhà mình. Ta thấy rằng hai người, Phan Bội Châu và Tú Xương, đã chia sẻ công việc với nhau: một đàng dùng mưu trí, vũ lục để thu hồi chủ quyền, độc lập; một đàng dùng văn thơ để chỉnh đốn lòng người. Nhà thơ Vị Xuyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, hăng hái trong việc tố cáo, phê phán xã hội, lột trần mọi hình thức ngụy trang của nó.
Dù sao đi nữa, dù kịch liệt chỉ trích, cực lực phê phán, nhà thơ cũng thâm cảm và nhận thấy rằng tất cả đều đáng thương. Kẻ thù thực dân dù có tàn ác, đè nén bóc lột đến đâu thì cũng chỉ vì họ chưa có một ý thức bình đẳng, chưa có một ý thức về tha nhân, họ còn ở trong một trình độ nhận thức con nít, thấp kém chỉ biết ta mà chưa biết người. Đấy hẳn không hoàn toàn là lỗi ở họ, mà lỗi ở chế độ thực dân và phong kiến đã bưng bít, che đậy không cho người ta thấy đâu là sự bình đẳng giữa người với người. Bởi thế, nhà thơ đã tỏ ra quảng đại, không chấp nhất:
Những là thương cả (12) cho đời bạc,
Nào có căm đâu đến kẻ thù.
(Hỏi mình)
Nào có căm đâu đến kẻ thù.
(Hỏi mình)
Vì thành khẩn khi nhìn vào chính bản thân mình và nhờ có một tâm hồn phóng khoáng, không chấp nê, Tú Xương đã tự tạo cho mình một luật sống, một cách thế xử kỷ tiếp vật và cũng nhờ vào đó nhà thơ có một ý thức rõ rệt về bản thân cũng như thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình xã hội, quê hương đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét