Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

PHAN TRANG HY VÀ CÕI NGƯỜI - KIẾP SỐNG PHÙ DU HAY GIẤC MƠ CỦA SÓNG?

NGUYỄN AN BÌNH






Ở cuối mỗi chương, đôi khi Phan Trang Hy kết thúc bằng một câu: “Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy”, hẳn anh muốn gởi gấm điều gì chăng?...

“Trên dòng nước ẩn hiện một xác người. Xác chết là một cô gái.

Gương mặt của xác chết là gương mặt của Rớt thuở mười lăm, mười sáu. Rớt đẹp thanh khiết, thanh thản đang nằm yên trên sóng” (chương 12, trang 180).
          
Kết thúc quyển tiểu thuyết là như thế. Trích lại như vậy ta đủ biết tiểu thuyết nầy không có hậu rồi, làm cho người đọc trăn trở, làm cho người ta tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với nhân vật nữ nầy, bão tố của cuộc đời đã cuốn lấy cô gái nầy như thế nào mà kết thúc bi thảm đến vậy?
         
Trước khi đọc “Người hay những cơn mơ mạo danh” (NHLNCMMD), tôi có đọc một bài cảm nhận ngắn của Hòa Văn về tác phẩm, trong đó có đoạn: “Nếu muốn đọc đến đâu hiểu ngay đến đó thì xin không đọc tiểu thuyết “Người hay là những cơn mơ mạo danh” của nhà văn Phan Trang Hy bởi 12 chương, 180 trang đều giống nhau, tất cả các nhân vật sống hay chết, có thật hay giả tưởng trong nhiều tình huống hư hư thực thực, thiệt giả lẫn lộn, do vậy người đọc, đọc theo kiểu nhát gừng sẽ dễ nản...” thì tôi biết quyển tiểu thuyết nầy có những ẩn dụ hay những gởi gấm gì đó mà người đọc phải có đủ thời gian chiêm nghiệm để nhận ra.

Khi nhận được quyển truyện của anh gởi tặng, tôi đã mail hỏi anh viết tiểu thuyết nầy trong tâm thức thế nào. Nhà văn Phan Trang Hy đã thật lòng chia sẻ: “Tôi viết tiểu thuyết ni năm 1991, khi đọc xong một tin trên một tờ báo. Tôi không nhớ tên người trong bản tin đó. Chỉ nhớ có một cô gái đôi mươi ở một vùng trung du Quảng Ngãi mang gương mặt như bà già quê năm, sáu mươi, ở với cô ruột. Vì nghe lời trai, ăn cắp mấy chỉ vàng trốn theo trai, nhưng bị bắt. Chuyện chỉ có như rứa. Nhưng tôi thấy thân phận cô gái ấy là thân phận của những kiếp người trong xã hội hiện đại. Và tôi nghĩ mình phải viết về thân phận của kiếp người đang mơ những giấc mơ mạo danh”. Chuyện một cô gái tuổi đang xuân mơn mởn nước da trắng hồng đẹp đẽ chỉ trong một thời gian ngắn lại mang bộ mặt già nua gớm ghiếc bây giờ cũng không là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống của chúng ta, có thể bắt gặp hiện tượng đó ở Bến Tre, Bạc Liêu … mà báo chí đã đăng tải. Bỏ qua những nguyên nhân gây bệnh, ở đây ta muốn nói đến diễn biến tâm sinh lý của nhân vật và những hệ lụy của nó gây ra trong cuộc sống đầy phiền muộn của một kiếp người mà thôi.
      
Tiểu thuyết NHLNCMMD ra đời cũng không phải dễ dàng gì, tác giả hoàn tất tác phẩm năm 1991 và nhờ nhà văn Hoàng Minh Nhân đem ra Hà Nội tìm nhà xuất bản in và phát hành với cái tên đầu tiên “Giấc mơ trên sóng”, anh Hoàng Minh Nhân đã đề nghị đổi tên quyển tiểu thuyết thành “Nữ hoàng Rớt” (có lẽ để gây sự tò mò và tạo ấn tượng với NXB chăng?), nhưng không NXB nào chịu in.
     
Cho đến khi anh tham gia viết bài cho tập san Quán Văn và được nhà văn Nguyên Minh (chủ biên tập san) nhận in thì việc cho ra đời tác phẩm cũng không dễ dàng. Lúc bấy giờ quyển tiểu thuyết đã đổi tên là NHLNCMMD, NXB Thanh Niên không chịu cấp giấy phép, chuyển sang NXB Hội Nhà Văn lại bị yêu cầu đổi tên, nhưng cuối cùng cũng được in dưới cái tên của người sinh ra nó, vào giữa năm 2015, dù sao số phận của nó cũng may mắn hơn cô thiếu nữ Rớt trong tác phẩm luôn khao khát có một cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác trong cõi nhân sinh nầy nhưng nào có được đâu phải không nhà văn Phan Trang Hy?
      
Những nhân vật trong tác phẩm là những mẫu người chúng ta có thể thấy nhan nhản trong xã hội thời @ nầy với đầy đủ những hỉ nộ ái ố, lục dục thất tình. Những khát khao, tham vọng, đau hèn đắng cay, dối trá lừa bịp…, nói chung không từ bỏ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình.
      
Rớt, thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi có nét đẹp thiên thần, thánh thiện bỗng bị sét đánh biến thành một bà lão nét mặt nhăn nheo gớm ghiếc như quỷ. Làm sao chấp nhận sự thật phũ phàng nầy? Cô đã gào thét, chửi bới, tranh luận, van xin thậm chí đập nát tấm gương có hình ảnh của mụ già xấu xí hãy trả lại gương mặt như tiên nga của mình. Cô khao khát được người khác yêu thương, được đàn ông vuốt ve, được làm tình trong hoan lạc (có gì không đúng đâu), nhưng chỉ thấy toàn một lũ người mang đầy những dục vọng thấp kém đê hèn và cô đã nghĩ ra cách trả thù bọn đàn ông nầy bằng một sự trừng trị khủng khiếp của lãnh chúa thời trung cổ với nô lệ của mình:
      
“… Dương vật của bọn họ bị cắt sát xương mu, bỏ vào lò đốt.
      
Những khúc gân nở bung trong lửa, sau đó nghe xèo xèo như khúc dồi bị nướng. Bị lửa thiêu dữ dội, từng khúc hóa thành tro…” (trang 124).
      
Rớt luôn sống trong những cơn mơ: là một nàng Rớt xinh đẹp thánh thiện hay một mụ già bẩn thỉu ích kỷ, một công chúa hay cô gái quỷ, một nàng tiên luôn hát ca trong hoan lạc hay một nữ hoàng đầy quyền uy bạo lực, trong cõi hư thực đó, ai mạo danh ai thật khó mà đoán được.
      
Mụ Ba (mụ chủ nhà, bà Ba bán bánh bèo) đã cưu mang Rớt từ ngày cô nàng còn đỏ hỏn, không biết ai đó đã bỏ lén vào nhà mụ khi mụ đi bán bánh. Mụ luôn bị bọn trẻ con chạy theo chọc phá, hát có vần có điệu chỉ toàn âm b: “Bà Ba bả bán bánh bèo bằng bột bắp bị bộ binh bắt bả bỏ bị. Bả bỏ bán bánh bèo, bả bán bánh bò…, bả bò, bả bò…”(trang 30-31), mụ lại thích bài đồng dao của bọn trẻ hát chế giễu vì mụ cảm thấy nhờ đó mà bán đắt hàng (lạ đời chưa). Mụ mơ gả “Công Chúa Rớt” cho bọn đàn ông giàu có, rồi được làm bà ngoại, sống nhàn nhã. Nhưng rồi, mụ thất vọng đâm ra giận đời, giận mình, giận người, giận bọn đàn ông làm tình với mụ, giận hai đứa con bỏ mụ ra đi. Mụ mơ một giấc mơ không phải của mình, đó không phải là giấc mơ mạo danh sao?
      
Còn lũ kiến, nơi nào cũng có chúng. Chúng bám lấy Rớt hành hạ mơn trớn. Dưới mắt của lũ kiến Rớt là một thiếu nữ xinh đẹp, một con quỷ xấu xí, một nàng tiên tuyệt mỹ, một nữ hoàng đầy sức mạnh. Lũ kiến cắn xé, hành hạ Mụ Ba, lôi kéo Thi (anh chàng thi sĩ ca ngợi đủ thứ trên đời nầy). Quỉ quái thật! Ôi! Lũ kiến, chúng là ai trong xã hội nầy, chúng mạo danh ai mà đầy quyền lực đến thế, chúng cấu kết nhau thành cả một tập đoàn hùng mạnh, chúng bị nước cuốn nơi nầy thì chúng lại xuất hiện nơi khác, như là một chiếc vòi bạch tuộc, chiếc đầu của Sầm Hưng trong truyện Phạm Công Cúc Hoa. Chặt cái đầu nầy lại mọc ra cái đầu khác, thiên biến vạn hóa, rốt cuộc chúng là ai?
   
Đúng như Phan Trạng Hy đã tâm sự là anh viết truyện nầy vào lúc khuya, trong một trạng thái nửa ngủ nửa mơ mà tưởng tượng ra. Lối viết dễ làm cho người đọc rơi vào mê hồn trận của chữ nghĩa. Nhà văn Bùi Công Dụng đã có lý khi nhận xét về cách viết của Phan Trang Hy: “Lối viết đó rất khó. Nó buộc tác giả nằm lỳ cố thủ trong trạng thái mộng du để thể hiện cho hết cái thần của những cơn mê mạo danh đó. Và rất dễ để nhận thấy rằng cái thần đó càng "chất" bao nhiêu thì mảng sáng - tối của xã hội lại càng đậm nét bấy nhiêu.”
    
Ở cuối mỗi chương, đôi khi Phan Trang Hy kết thúc bằng một câu: “Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy”, hẳn anh muốn gởi gấm điều gì chăng? Riêng tôi, xếp tập tiểu thuyết lại, tôi nghĩ mình thích cái tựa mà Phan Trang Hy chọn đầu tiên hơn: “Giấc mơ trên sóng” nghe có vẻ mềm mại hơn là “Người hay là những cơn mơ mạo danh”, nhưng nếu như thế thì nội dung quyển tiểu thuyết phải viết khác đi một chút phải không nhà văn Đà Nẵng?
      
Bên dòng sông Hậu, tháng 8.2015
                                                                                                                       Nguyễn An Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét