Chúng tôi xin được đăng lại bài BẠN CŨ của Thầy:
Chúng tôi ngồi nơi bãi biển Đà Nẵng. Đã mấy năm rồi mới trở lại thành phố này? Không nhớ. Những phát triển, những đổi mới? Không nghĩ đến, mặc dù đương nhiên là mình có thụ hưởng kết quả của nó. Chúng tôi, là những người một thời viết cùng nhau.
Minh họa: VIIP |
Hồi ấy, dù đang ở thành phố nào, thị trấn nào, cái “bệnh” chung là vào mấy ngày đầu tháng và giữa tháng thường xuyên ghé lại các sạp báo xem hôm nay trên Bách Khoa, trên Văn, trên Thời Tập, Thời Nay, Phổ Thông... có bài của ai.
Thấy bạn có bài cũng vui như mình có bài. Bạn đang ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Hội An, Pleiku, Kon Tum, Cần Thơ, Long Xuyên... Không dễ dàng liên lạc như bây giờ, nhưng thật thân tình, gần gũi...
Bên cạnh tôi là Uyên Hà. Người bạn đời của anh đã mất. Người đã tạo ra trong tâm hồn anh nhiều bài thơ, được đông đảo anh em biết đến là bài Thư về Phú Sơn. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần bài thơ này, bây giờ đọc cho chính tác giả nghe: Em nhớ thay chiếc dù xưa đi nhé! Kẻo màu mè rực rỡ quá không nên. Bởi làng xóm nghèo, trẻ con xơ xác. Mình thướt tha lòe loẹt quá sao đành.
Cô giáo dạy tiểu học, nói nôm na là “cô giáo làng”, nhiệm sở là một vùng quê, trong thời chiến tranh, làm gì có điều kiện để thướt tha lòe loẹt? Có lẽ tác giả sợ chiếc dù màu cô giáo đã dùng (rất bình thường) ở thành phố, về đây tự nổi bật lên thành rực rỡ.
Nhưng mà... đáng yêu nhất là lời tác giả dặn dò: Đừng bắt chước anh ngày xưa chơi núi. Để học trò thơ thẩn đến rào gai. Nơi bây giờ có mìn gài chông đặt. Tay em hiền, chăn chúng, giữ tương lai... Cánh tay cô giáo tiểu học đúng là cánh tay mẹ hiền chăn dắt bầy con nhỏ, giữ gìn tương lai cho đất nước.
Trong trí tôi lại hiện lên hình ảnh những phút giây học sinh vào lớp, nghiêm chỉnh hát bài Đoàn ca: Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao...
Chúng tôi, như tự giới thiệu trong câu đầu, còn là những cựu học sinh Trường trung học Đông Giang, có hai người ghép tên với nhau thành một đức tính “Khiêm Nhường”. Do họ ít tuổi hơn nên xưng “em”, chứ thật sự họ đã đi qua cái thời “tri thiên mệnh”. Họ vẫn còn nhớ những bài học thuộc lòng trong các sách Việt Ngữ Tân Thư, Tân Việt Văn...
Vậy, chuyện tình nghĩa giáo khoa thư đâu riêng gì ông Sơn Nam biết, đâu chỉ có thầy phóng viên nọ đi tìm vị độc giả nơi miệt rừng heo hút để đòi tiền báo rồi thành tri kỷ. Ông Sơn Nam hơn người ở chỗ phát hiện chuyện ấy trước, nói ra, để cả nước ồ lên, cảm thông.
Tất nhiên là những câu chuyện của chúng tôi không đầu không đuôi. Trong phạm vi văn chương, cảm phục những người đến hôm nay vẫn viết đều đặn, thường xuyên, bút lực sung mãn mà ý tưởng trung hậu.
Phân vân với những người bỗng dưng im bặt, không biết quy ẩn ở đâu, có nuôi được con gà con vịt nào, có trồng được đám rau đám cải nào, chiều chiều bên mâm cơm trên chiếc chiếu cũ trải nơi bậc thềm vừa tắt nắng có phút giây nào nhớ nghĩ bạn bè? Và những người đã mất, những trường hợp đặc biệt như Doãn Dân, Mạc Ly Châu, Thục Vũ... Còn ai, ai nữa...?
Chúng tôi đã uống, nhiều hơn mọi lần, đã vượt qua cái mức độ tuổi tác cho phép. Tăng Nhường có nói đến hai tiếng “men say”. Vâng, có phần men say, nhưng không say, hoàn toàn tỉnh táo, nhưng là cái tỉnh táo pha trộn chất men.
Thiên hạ vẫn bảo, ở đời có ba thứ càng để lâu càng quý: một là tình bạn, hai là sách hay và ba là rượu ngon. Uống với bạn hiền, rượu nào cũng là rượu ngon. Thời gian gần đây, tôi đã dành một khoảng lớn để đọc lại những bài nghiên cứu có giá trị về văn hóa dân tộc và văn nghệ dân gian trên tạp chíNam Phong, đáng được gọi là sách quý. Và có những giây phút như thế này, ngồi bên bạn cũ. Xét ra, cuộc đời vẫn còn dành cho ta những ưu ái.
* Uyên Hà ( Bút danh của anh Lê Đình Ba - chồng của Cô Nguyễn Thị Sáu, cô qua đời vừa tròn 1 năm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét