Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Nghĩ ngợi về ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ văn chương





Hoài Quảng
( Phan Thanh Minh K9)

       Không phải đợi đến thời chữ Quốc ngữ thịnh hành, mà ngay thời cổ và trung đại, các trí thức nước ta dùng văn bản chữ Nôm, thường là bản Quốc âm  đã ý thức sử dụng ngôn ngữ chung cho toàn dân tộc hiểu. Các nhà văn, nhà thơ cho dù xuất thân, cư trú ở những địa phương khác nhau, nhưng khi có tác phẩm cần phổ biến ở cả chốn cung đình hay giữa chốn dân gian, họ luôn luôn hướng đến ngôn ngữ toàn dân. Đỉnh cao của sự trau chuốt ngôn ngữ toàn dân là ngôn ngữ văn chương.

        Nguyễn Du vốn thuộc dòng dõi xứ Hà Tĩnh, khi viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bát cũng viết theo vốn ngôn ngữ toàn dân, cơ bản là vốn từ vựng ở Bắc bộ, mà có thể là vốn từ ở Thăng Long. Các tác phẩm Hoa Tiên, Chinh Phụ Ngâm (bản chữ Nôm), Mai Đình mộng ký… cho đến thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… dù là miền Bắc hay miền Nam, các văn bản văn chương của họ cơ bản là ngôn ngữ của toàn dân. Vì thế, người đọc, người nghe mọi vùng miền đất nước đều hiểu các tác phẩm ấy.

       Trương Vĩnh Ký là người uyên bác, giỏi và thông thạo nhiều thứ tiếng phương Tây và phương Đông, là người Việt Nam đầu tiên viết về ngữ pháp tiếng Việt và làm chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta; đồng thời ông cũng là người có công rất lớn quảng bá chữ quốc ngữ, sưu tầm văn hóa và khai thông dân trí cho người Việt. Tuy nhiên nhà bác họ Trương khi viết sách báo dùng nhiều từ địa phương phương Nam, nên trong các tác phẩm của ông, ta thấy thiếu sự hoàn mỹ của tiếng Việt. Điều mà ta nhận thấy sách, báo phát hành ở miền Nam trước năm 1945, lỗi chính tả mắc phải rất nhiều. Hầu hết các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh viết theo cách phát âm miền Nam, gây nên hiện tượng khó hiểu cho người miền Bắc, nên sức loan tỏa bị giới hạn.

       Trong khoảng 10 năm (1932 – 1942), Tự Lực Văn Đoàn được xem như là tổ chức có ảnh hưởng lớn đến văn chương nước nhà cả về báo chí lẫn xuất bản. Ở đó, phái TLVĐ quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng, hướng theo cách tân, đề ra tôn chỉ  “tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương” và chủ trương “dùng   một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. Trong các tác phẩm văn chương của TLVĐ  đã thành công việc sử dụng vốn ngôn ngữ đai chúng thật trong sáng, góp phần chuẩn hóa tiếng Việt. Tuy nhiên, họ chỉ viết bằng  một thứ ngôn ngữ duy nhất vùng Hà Nội được tỉa tót, lấy dân thành thị làm chuẩn, nên  trong các tác phẩm  hầu như không có ngôn ngữ riêng của nhân vât, không có màu sắc địa phương, vốn từ dùng không đa dạng, kể cả thơ trào phúng của Tú Mỡ. Vì thế tác phẩm của họ thiếu tính hiện thực. Trong khi đó, văn phong của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… cũng sử dụng vốn từ vùng đồng bằng Bắc bộ mà tác phẩm của họ chân thực hơn, vì ở đó ta bắt gặp được “giọng nói” của từng nhân vật qua các lời thoại, đa dạng về ngôn ngữ từ giới trí thức đến giới bình dân, từ nông thôn đến thành thị, từ cửa miệng người hiền lành đến hạng bất lương…

       Nguyên Ngọc viết Đất Nước Đứng Lên kể về cuộc đấu tranh giữ đất giữ làng của dân làng Kông Hoa ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Pháp bằng tiếng phổ thông – tiếng Việt, nhưng qua những lời thoại, người đọc bắt gặp được giọng nói và cách nghĩ của người  Ba Na. Ở miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh viết Con Thúy, Thằng Côn… bằng ngôn ngữ đồng bằng Bắc bộ, Dũng Đa Kao, Chương Còm, Mơ Thành Người Quang Trung… bằng giọng điệu của trẻ con ở Sài Gòn. Nguyễn Thị Ngọc Tư viết tiểu thuyết hay truyện ngắn hay cũng ở chỗ biết dùng từ địa phương đúng nơi đúng lúc.

       Hầu như các tác phẩm thơ nổi tiếng, sống theo thời gian và vượt cả không gian hầu như ít thấy người ta dùng phương ngữ đễ diễn đạt ý. Đâu đó cũng có gặp, nhưng những từ địa phương ấy đã được phổ biến. Trường hợp “Răng không cô gái trên sông…” thơ của Tố Hữu, Đi rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh – ca từ trong bản nhạc của Nguyễn Văn Tý chẳng hạn.

       Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ nghệ thuật chung. Ngôn ngữ địa phương là sắc thái của từng miền, từng vùng, như là “gia vị” thêm thắt cho vốn ngôn ngữ chung của toàn dân.
                                                                            Hoài Quảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét