Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

“Les Misérables” ở Việt Nam (tt)


 Phần hai : Những người khốn khổ .

 Đức giám mục nhân từ Bienvenu Myriel, như đã nói trên, là Người được mong đợi, là nhân vật quan trọng mấu chốt để mở ra câu chuyện cuộc đời của hàng loạt những nhân vật khác trong tác phẩm ‘’Những người khốn khổ” của Victor Hugo.Thế nhưng, không phải là Bienvenu Myriel , mà chính là những người khốn khổ, những kẻ bị dập vùi, đọa đày tận dưới đáy xã hội như Jean Valjean, như Fantien, như Eponine … mới thực  là nhân vật trung tâm của “Les Misérables’’.
    Bằng một trái tim dễ rung cảm trước nỗi bất hạnh của con người, bằng ý thức trách nhiệm của một trí thức dám dấn thân tới những vấn đề, những khía cạnh gai góc, tối tăm của xã hội , trong tác phẩm của mình Victor Hugo đã tỉ mỉ miêu tả cuộc sống xã hội Pháp những năm đầu thế kỷ XIX như một bức tranh đa màu sắc, trong đó nổi lên  những cuộc cách mạng huy hoàng  và cả những cảnh đời khốn khó. Trên nền cảnh bức tranh đó, người ta nhận ra một vấn đề nhức nhối của hiện trạng xã hội đang được đề cập đến, đó là: “ sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm”.Jean Valjean , Fantien ,  Eponine…đều là những nạn nhân của cảnh đói nghèo cùng quẫn, của pháp luật khắc nghiệt. Cả thiên mệnh vô tình  lẫn lẽ đời đen bạc đã xô đẩy những  phận người mỏng mảnh đến bước đường cùng. Cái có thể cứu được họ khỏi sự tha hóa, sự vùi dập, sự chà đạp chỉ có thể là sự thấu hiểu, tình yêu thương của mỗi con người và cả cộng đồng chứ không phải là một thứ pháp luật  lạnh lùng .
    1/  Jean Valjean:
    Trước hết, hãy nói về Jean Valjean.
 
    Jean Valjean sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ, anh chẳng được học hành gì .Lớn lên, anh làm nghề xén cây. Nhìn bề ngoài con người anh không có gì đặc biệt.Cha mẹ  mất từ hồi còn nhỏ dại, Jean Valjean bấy giờ sống với người chị góa chồng, trên tay bảy đứa con dại. Một cách mặc nhiên, Jean Valjean tự coi mình có bổn phận thay anh rể nuôi các cháu, không một lời ta thán.
    Năm ấy trời làm rét quá, không có việc làm, cảnh nhà nghèo ngặt, không kiếm đâu ra miếng ăn cho một gia đình gồm bảy đứa cháu nhỏ đói khát. Đang đêm, Jean Valjean liều lĩnh đập cửa kính một cửa hàng bánh mì.Việc ăn cắp bị phát hiện và Jean Valjean bị tòa kết án năm năm tù khổ sai.
    Chuyện đời vẫn như thế .Cái cây non đã bị chặt mất gốc. Bảy đứa trẻ vô tội như một nắm lá  không biết tan tác về đâu.  Khi  chiếc búa tán đinh quai mạnh trên cái gông cổ phía sau gáy,  người ta thấy anh  nức nở nghẹn ngào, vừa giơ tay lên, hạ xuống bảy lần, mỗi lần mỗi hạ xuống thấp hơn, như anh đang lần lượt sờ đầu bảy đứa trẻ lớn nhỏ khác nhau. Hoàn cảnh thương tâm  khiến lòng anh đâm ra đầy oán hận và đầy một nỗi khát khao vượt thoát chốn lao tù .Bốn lần vượt ngục khiến án tù của anh lên tới mười chín năm.
    Ăn cắp, dù chỉ một cái bánh mì, cũng là có tội. Chính Jean Valjean cũng nhận ra sai lầm của mình. Nhưng để một người lao động phải thất nghiệp, để một người siêng năng phải đói khát , đó không phải chỉ là lỗi của anh ta, đó chính là lỗi của xã hội. Việc làm cho người lao động , miếng ăn cho người lao động, đó là tiếng kêu gào khẩn thiết của con người .Một xã hội văn minh phải lắng nghe và đáp ứng được tiếng kêu gào khẩn thiết đó. Đã có bao người phạm lỗi vì họ hoặc người thân của họ phải đói khát. Một thống kê cho thấy, trong năm vụ trộm cướp thì đã có bốn vụ do đói khát mà ra.
    Mục đích của nhà tù không chỉ là trừng phạt mà còn để giáo hóa con người. Nhưng sự thật là mười chín năm lao động khổ sai trong nhà tù cũng không thể làm con người tốt đẹp hơn một mảy may nào. Không những thế, cái đen tối của chốn tù đày mỗi ngày mỗi trộn lẫn vào chất người, thấm vào bên trong con người và trở thành cái ác. Vào tù Jean Valjean là một người nông dân lương thiện, nhưng ra tù lại trở thành một tên lưu manh chuyên trộm cướp chính hiệu. Luật pháp khắc nghiệt rõ ràng là không làm được trách nhiệm giáo hóa con người. Và xem chừng cái giá mười chín năm cho một ổ bánh mì là chưa đủ, người ta còn  muốn đối xử với Jean Valjean như một tội đồ chung thân bởi cái lý lịch tù đày của anh. Ngày ra tù, đi đến đâu anh cũng bị người ta xa lánh, xua đuổi, thậm chí có cố trả tiền cũng không thể mua được một bữa ăn, một chỗ ngủ.
    Một con chó bị đuổi đến đường cùng sẽ quay trở lại cắn người. Một con người bị đẩy đến đường cùng sẽ làm gì??? Không thể chống trả lại sự lạnh lùng, khắc nghiệt của  xã hội, mê  muội,  đắm chìm trong một nỗi thống khổ cùng cực, trong lòng kẻ mới ra tù Jean Valjean là một niềm uất hận vô biên.
    Xây dựng hình tượng nhân vật “ người khốn khổ” Jean Valjean, nhà văn  nhân đạo chủ nghĩa Victor Hugo đã  kết hợp sử dụng cả hai bút pháp hiện thực và lãng mạn. Những bi thương của đời thường được miêu tả chân thực, tỉ mỉ, nhiều trang viết đi sâu vào nội tâm đầy những uẩn khúc để soi tỏ những đau đớn của một phận người. Ở ngoài đời, bất hạnh kiểu  của  Jean Valjean không phải là cá biệt. Thế nhưng trong “Những người khốn khổ”, sự biến cải của người Jean Valjean từ một tên tù khổ sai bị mọi người miệt thị trở thành ngài thị trưởng Madeleine được cả xã hội trọng vọng, điều ấy  xảy ra hiếm hoi thần kì  tựa như ánh chớp của tạo hóa giữa bầu trời quang đãng. Ánh chớp ấy được tạo ra bởi cuộc gặp gỡ định mệnh của một bên là Jean Valjean _kẻ đang bị đày đọa trong nỗi thống khổ tột cùng_, và một bên là Đức giám mục Bienvenu Myriel _người có tấm lòng từ ái mênh mông. Chỉ một lời nói nhân từ,  một hành động cao quý , trong phút chốc, lòng thương đã làm được điều mà pháp luật chẳng thể làm trong suốt mười chín năm.Tên tù khổ sai  Jean Valjean không chỉ được  biến cải để được trở lại làm  một con  người bình thường mà hơn thế, còn trở nên thánh thiện, cao cả, uy nghi như một vị Thánh .Trong suốt cuộc đời còn lại của mình, cũng như Đức giám mục Bienvenu Myriel, Jean Valjean chỉ tâm nguyện một điều là sống để làm điều thiện, sống để cứu giúp những người khốn khổ như mình, thậm chí, với cả những kẻ đã có ác tâm hãm hại mình. Jean Valjean không chỉ luôn luôn nâng đỡ những kẻ khó nghèo, ông còn cố hết sức cứu giúp những cuộc đời bất hạnh như Cosette, Fantien. Với  một người nông dân xa lạ bị hàm oan vì bề ngoài giống người tù khổ sai Jean Valjean mười mấy năm trước, Jean Valjean đã từ bỏ cả cái vỏ bọc bình an của một vị thị trưởng giàu có, đạo đức để cứu ông già tội nghiệp này khỏi cảnh tù đày.  Trong cuộc đời còn lại của Jean Valjean, người ta tuyệt nhiên không còn  nhìn thấy bóng dáng của sự căm giận, hận thù. Như Bienvenu Myriel, ông tha thứ cho hết thảy những kẻ ác với mình, kể cả với vợ chồng tên chủ quán côn đồ  Thénardier, kể cả với thanh tra Javert, kẻ suốt đời rình rập để đưa ông trở lại chốn lao tù.
 
    Với một chút sắc màu mộng tưởng, phi hiện thực, qua cuộc đời người tù khổ sai Jean Valjean người đọc có thể tìm thấy cốt lõi giá trị nhân đạo mà nhà văn muốn thể hiện:  Dẫu chỉ như một cây dền dại, không một ai đến với cuộc đời này hoàn toàn vô ích. Hãy cho mỗi người có được cơ hội làm người có ích cho cuộc đời. Sự nghiêm khắc quá mức có khi làm con người hư hỏng, trong khi đó, sự quảng đại nhân từ sẽ cứu vớt họ. Vậy nên nếu là người  tử tế, là người cầm quyền tử tế, hãy đối xử, hãy phán xét với những sai lầm của con người trước hết bằng  bằng lòng thương.
 
     2/ Fantien:
    “Những người khốn khổ  ’’của Victor Hugo có một số lượng nhân vật đông đảo bao gồm mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng nếu cần nói đến một nhân vật nữ ấn tượng, gây niềm cảm thương sâu sắc nhất, người ta thường nhắc đến Fantien. Xinh đẹp, trẻ trung, trong trắng …, nhưng số phận đã vùi dập cô gái đáng thương này xuống tận dưới đáy xã hội, nơi bùn nhơ bẩn thỉu khiến con người chẳng thể nhận ra mình cũng là một con người .
    Trong ký ức Fantien hẳn chẳng thể nào quên một buổi chiều mùa hè ấm áp, khi ấy bên bờ sông Seine, vườn cây thơm ngát, gió nhẹ rung lá biếc, từng đàn bướm nô đùa trong cỏ dại. Khi ấy, Fantien là người  thiếu nữ  đang yêu. Mái tóc đẹp của cô vàng rực trong nắng. Khuôn miệng xinh xắn của cô luôn hé những nụ cười với hàm răng trắng tinh. Niềm hạnh phúc ngập tràn khiến cô chẳng thể nào nhận ra đó là buổi chiều cuối cùng  của một tình yêu. Là tình yêu chỉ về một phía Fantien thôi. Và vì thuộc tính của tình yêu muôn đời vẫn  là sự nhầm lẫn, chàng sinh viên hào phóng _gã sở khanh ấy đã lặng lẽ rời bỏ Paris, rời bỏ  Fantien, không cần biết rằng cô đã có con.
    Mười tháng trôi qua sau buổi chiều hè ấm áp tươi đẹp ấy, một người mẹ trẻ  nghèo khổ, buồn rầu lang thang đi tìm chỗ gửi con để có thể rảnh tay mà tìm việc làm. Cô rơi vào cái ổ của vợ chồng tên chủ quánThénardier độc ác, tham lam. Bao  nhiêu tiền làm ra cũng gửi hết cho con. Nhiều lần, trong giờ làm  người ta bắt gặp  Fantien _chắc là nhớ con _ đứng khóc lén một mình. Rồi tai họa ập đến khi người quản lý phát hiện bí mật động trời rằng Fantien  không chồng mà có con, vì cớ đó, cô  bị đuổi việc .
    Không tiền bạc, không việc làm. Trong khi đó, vợ chồng Thénardier liên tục viết thư thôi thúc đòi tiền, khi thì “ trời rét mà Cosette trần truồng rách rưới, phải sắm một cái váy len”, khi thì “ Cosette bị mắc một chứng bệnh sốt ban cần nhiều thuốc đắt tiền để chữa” …Những bức thư khiếnFantien bị giày vò đau đớn quá. Suốt ngày, cô vò nát bức thư và băn khoăn tìm cách kiếm tiền. Cô cố sức làm thuê mười bảy giờ trong một ngày, cô lần lượt bán các vật dụng trong nhà mà vẫn nợ nần cùng túng .Một lần, cô bán mái tóc vàng óng ả của mình cho cửa hiệu làm tóc. Lần nữa, cô bán hai cái răng cửa rất đẹp cho một người thợ nhổ răng. Bán tóc, bán răng , nhưng những bức thư của vợ chồng Thénardier vẫn liên tục réo gào, người mẹ ấy cuối cùng bán luôn lòng tự trọng để có tiền gửi cho con. Một cô thợ khâu chăm chỉ lương thiện, một người mẹ trẻ bất hạnh đáng thương  bỗng chốc trở thành một ả điếm, một  thứ cặn bã của xã hội.
    Điều gì đang xảy ra với Fantien vậy ???
    Câu chuyện của Fantien là câu chuyện của một người phụ nữ yếu ớt bị lạm dụng, bị ruồng bỏ , rồi sau đó cả đói khát, cả rét mướt, cùng túng hợp sức nhau dồn đuổi cô vào chỗ sa đọa nhục nhằn. Mại dâm ở đây đích thị  là hệ lụy bi thảm của đói nghèo. Sắc đẹp, sự duyên dáng của tuổi thanh xuân, tình mẹ cao cả thiêng liêng,  phẩm giá con người thảy đều bị chà đạp không thương tiếc. Fantien hứng chịu tất cả nỗi thống khổ ấy như hứng chịu những cơn mưa ập xuống từ trời cao. Thực ra, tất cả nỗi thống khổ ấy đều có nguyên nhân từ con người. Ở trường hợp này, không chỉ là sự ích kỷ độc ác,  người ta còn nhân danh đạo đức và cả pháp luật để ức hiếp, để vùi dập  một người phụ nữ đáng thương.
    Mấy ngày đầu sau khi bị mất việc, khi thấy ai đó chỉ trỏ, Fantien còn biết xấu hổ. Nhưng sau vài tháng, quen dần đi với  sự khinh bỉ và túng đói, cô rũ bỏ sự hổ thẹn và dần cảm thấy mình trở nên trâng tráo. Đến khi trở thành gái điếm thì không còn kiêng nể, giữ gìn gì nữa. Hình ảnh ”người đàn  bà vừa đấm, vừa đá, vừa rú thét, đầu trần, không răng, không tóc, mặt tái nhợt vì giận, nom thật ghê gớm ”khi đánh trả một tên công tử độc ác thật quá xa lạ với hình ảnh  cô thiếu nữ Fantien tươi tắn, duyên dáng, đoan trang và  thánh thiện nữa, chỉ mới vài năm trước đây. Thay vì thương xót  những bất hạnh của con người , nhà cầm quyền  lại đứng về phía những kẻ có tiền, có địa vị xã hội. Một ả  gái điếm lại dám xúc phạm một nghiệp chủ. Với viên thanh tra mẫn cán Javert, đó là một tội ác nghiễm nhiên khiến ông ta phải phẫn nộ. Vậy là rất nhanh chóng, một án tù sáu tháng được định sẵn  cho Fantien!
    Những nỗi thống khổ  cứ nối tiếp nhau dường như không bao giờ dứt. Những nỗi thống khổ như những cơn mưa bất ngờ đổ xuống từ trời cao. Và Fantien như một tấm giẻ đẫm nước vứt bên đường. Ai sẽ còn coi nàng là một con người, ai sẽ  quan tâm đến nàng, ai sẽ cứu vớt nàng???
    Người cứu vớt Fantien là Jean Valjean. Ông thị trưởng Madeleine đáng kính đã cứu vớt Fantien  cũng như tám năm trước, Đức giám mục nhân từ Bienvenu Myriel cứu vớt tên tù khổ sai Jean Valjean. Như một ngọn lửa, lòng thương luôn có sức lan tỏa. Ông thị trưởng Madeleine đã đem đến cho cô niềm tin  về sự có thực của một thiên đường, nơi đó, cô được trở lại là một cô thợ khâu lương thiện, nơi đó, cô được sống những ngày bình yên  hạnh phúc trong một mái nhà và vĩnh viễn không bao giờ còn chia cắt  với Cossett, đứa con gái yêu quý của cô.
    Nhưng có vẻ như đã hơi muộn. Lòng thương của ông thị trưởngMadelein cứu vớt được linh hồn mà không cứu được phần thể xác Fantien đã quá hư hao, tàn tạ bởi những tháng ngày lao khổ nhục nhằn. Nắm tuyết mà gã công tử chơi  ác bỏ vào ngực áo Thénardier một đêm tuyết rơi như một miếng đòn hiểm ác cuối cùng khiến nàng hoàn toàn gục ngã . Rồi sự cố về một người bị nhận nhầm là tên tù khổ sai Jean Valjean bất ngờ xảy ra với ông thị trưởng Madeleine, sự chần chừ nhằm kiếm thêm chút lợi của vợ chồng Thénardier, sự hung tợn  và quyền uy  của thanh tra Javert …, tất cả  như một thứ định mệnh tàn ác ngăn trở cuộc gặp gỡ của  Fantien và đứa con gái mà cô chờ đợi mong nhớ bấy lâu.Vượt lên trên tất cả những thống khổ, nhục nhằn, Fantien vẫn là một người mẹ. Càng sa đọa,  khốn cùng, càng bị người đời rẻ khinh, hất hủi, tâm hồn người mẹ ấy càng sáng trong, thanh khiết. Cô tuyệt nhiên chỉ nghĩ đến đứa con gái tội  nghiệp của mình chứ không còn nghĩ gì khác. Cho đến những hơi thở cuối cùng, Fantien vẫn không gặp được con. Nhưng một điều chúng ta có thể đoan chắc là: mặc dù  đã phải sống những chuỗi ngày tăm tối, ô nhục nhưng  Fantien lại được chết trong một niềm hạnh phúc huy hoàng, rực rỡ lạ thường. Người ta đã lại thấy nụ cười tươi sáng trên khuôn mặt  Fantien. Người mẹ ấy trước khi về với cõi vĩnh hằng hẳn đã kịp được nghe lời hứa của ông thị trưởng Madeleine về cuộc đời hạnh phúc của đứa con mình .
  
    Với nhiều bạn đọc, Fantien là một kiểu người phụ nữ mà số phận bị dồn đuổi tới chỗ  khốn cùng, nhưng đồng thời  cũng là một hình mẫu về một người mẹ đẹp nhất trong văn chương  mà thế giới  từng được biết đến .
 
 
3/ Cossett và Eponine:
    Luận về cảnh khốn cùng, trong “Những người khốn khổ “ Victor Hugo viết :“Thấy một người đàn ông trong cảnh khốn cùng là chưa thấy gì hết, phải thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà;  mà chỉ thấy cảnh khốn cùng của người đàn bà cũng là chưa thấy gì hết, phải thấy một đứa trẻ trong cảnh khốn cùng mới là cảnh khốn cùng thực sự “.
    Nhân vật trung tâm của “Les Misérables’’, như đã nói trên, là những người khốn khổ, là người tù khổ sai Jean Valjean, là cô gái điếm Fantien, không chỉ có  thế,  đó còn là những đứa trẻ đáng thương như Cossett ( con gái của Fantien), như Eponine, Azelma, Gavroche( con của vợ chồngThénardier).
    Cossett cố nhiên là một nhân vật dành được nhiều tình cảm của bạn đọc hơn cả. Cô bé này có một hoàn cảnh đáng thương khá điển hình mà ta có thể gặp nhiều trong đời sống hiện tại .Không mồ côi nhưng phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu như trẻ mồ côi, bị đối xử tệ bạc, bị lạm dụng sức lao động ngay từ lúc còn nhỏ. Như con chim sơn ca bé nhỏ  giữa một ổ rắn độc dữ dằn, Cossett lúc mới sinh ra xinh như một tiên đồng  nhưng những năm tháng nhọc nhằn và luôn phải sợ hãi  ở nhà vợ chồng tên chủ quán Thénardier khiến em gầy guộc xấu xí, mới tám tuổi mà trông đã rất già .Con sơn ca ấy  sống âm thầm, sầu thảm và “ không bao giờ hót cả”.
    Victor Hugo hẳn cũng đã dành nhiều niềm cảm thương cho con chim sơn ca bé nhỏ này .Trong “Những người khốn khổ “ có  cả một trường đoạn hơn 50 trang chỉ để miêu tả  lại cuộc gặp gỡ giữa Jean Valjean vàCossett. Đường tối, đêm lạnh, một mình nó phải vào rừng lấy nước, cả một xô nước đầy,  cái cảnh ngộ bi thảm đến “  người chết ở dưới mồ cũng phải mở mắt ra mà nhìn. ”Rồi cái cảnh đứa bé trong đêm Giáng Sinh tưng bừng không có búp bê, một mình chơi với một thanh gươm quấn giẻ trong một xó tối. Nó  vừa nựng con búp bê tự chế của mình, vừa hát ru khe khẽ :” Mẹ em chết rồi ! Mẹ em chết rồi! …”
    Những trang viết ấy, sau này được dựng thành phim, thành nhạc kịch, có lẽ  là những trang viết lấy nhiều nước mắt nhất của bạn đọc. Một con người bất hạnh đáng thương, một đứa trẻ bất hạnh còn đáng thương hơn nhiều lần bởi những sinh linh yếu ớt  chẳng thể nào chống đỡ với những bất hạnh của cuộc đời. Chúng cần nhiều lắm những  nâng đỡ chở che, những lòng thương của tạo hóa và con người .
    Nhưng nhân vật Cossett trong tác phẩm “Những người khốn khổ ” không hẳn là một người khốn khổ. Nói cho đúng, em chỉ khốn khổ một đoạn đời  khi phải sống trong nhà vợ chồng Thénardier, khi mẹ em túng khó không còn gửi được tiền đầy đủ như trước. Cuộc đời cô bé ấy đã  sang một trang mới hoàn toàn khác hẳn từ khi  Jean Valjean, thể theo sự ủy thác của Fantien đến tìm em và đưa em ra khỏi nhà Thénard. Kể từ đó mặc dù Jean Valjean vẫn phải luôn trốn tránh khỏi những cuộc truy lùng của pháp luật, em luôn được sống trong một tình yêu thương, sự che chở ấm áp của một người cha khỏi những sóng  gió cuộc đời. Sau này, khi trở thành một thiếu nữ, em được gặp và yêu một chàng trai tử tế, Marius Pontmercy. Cô bé mồ côi đáng thương Cossett đã may mắn, diễm phúc được  bước đi trên một con đường rải đầy những bông  hoa dịu ngọt của tình  yêu,  không lặp lại những khúc khuỷu đắng cay đoạn trường mà mẹ từng cô nếm trải .
    Trong những đứa bé của “Những người khốn khổ”, Cossett là nhân vật được người đọc cũng dành nhiều cảm thươn, nhưng Eponine _ đứa con gái của vợ chồng tên chủ quán Thénardier_ mới là nhân vật có sức ám ảnh nhất. Đây là một nhân vật  đặc biệt với tính cách đa dạng, rất giàu tính hiện thực. Không được sinh ra trong một gia đình lương thiện tử tế, bố mẹ là những kẻ lừa đảo, độc ác, Eponine và cô em gái Azelma dù sao cũng cứ thế mà lớn lên .Mụ Thénardier dẫu là kẻ lừa đảo, độc ác nhưng vẫn là một người mẹ. Hai đứa bé này cũng từng có một tuổi thơ hồn nhiên  được  no đủ, cưng chìu.
    Sinh ra trong một tổ rắn, đó không phải là lỗi của Eponine hay Azelma. Nhưng khi cái tổ rắn ấy bị đánh đuổi, Eponine và Azelma cũng phải cùng chung một cảnh đời tan tác. Những ngày no đủ đã không còn. Hai đứa con gái tuổi còn thơ ngây mà phải cằn cỗi vì từng trải nắng mưa, đói rách trên đường phố, vì mưu sinh mà phải học cả những chiêu trò lừa đảo, trộm cắp.. .Tuổi mười lăm mà pha lẫn với năm mươi.Yếu đuối  mà làm cho người ta phải rùng mình  kinh hãi . Đây chính là cái cảnh tượng khốn cùng ghê gớm nhất mà Victor Hugo từng nói đến. Không còn gì đáng thương hơn thế !!!
    Phần nói về  hai đứa trẻ Eponine và  Azelma, Victor Hugo có đoạn viết :“Thế nên trong xã hội loài người hiện nay mới có những kẻ khốn khổ như thế kia, những người không phải là trẻ con, không phải là thiếu nữ, không phải là bà già. Họ là những quái tượng ô uế và thơ ngây, sản phẩm của đói nghèo. Những con người ấy sống không tên không tuổi, chẳng ra đàn ông chẳng ra đàn bà, chẳng biết gì là thiện là ác, vừa lớn lên đã mất hết tất cả mọi thứ trên cuộc đời, tự do không, đạo đức không, trách nhiệm cũng không. Những tâm hồn ấy mới hé mở ngày hôm qua, hôm nay đã tàn héo. Giống như những bông hoa rơi ngoài đường, bùn nhơ dây lên be bét, cho đến khi một bánh xe lăn qua nghiến nát.”
    Eponine, mặc dù sống cuộc đời ô uế, trụy lạc, dù bị tước đoạt mọi thứ, vẫn còn một trái tim yêu, nếu trái tim của cô có thể còn được gọi như thế. Eponine yêu Marius, một tình yêu chưa bao giờ được nói thành lời. Vì tình yêu đó, cô làm tất cả mọi điều chỉ để thấy Marius có một cử chỉ hài lòng.Cuối cùng, trên chiến lũy của cuộc cách mạng, Eponine đã lấy thân mình đón nhận viên đạn nhằm vào chàng trai mình yêu _MariusPontmercy. Bản chất của tình yêu ấy dù  là của một con ăn cắp, một ả điếm,  nói cho cùng vẫn là một khát vọng được hiến dâng, một sự hy sinh  cao cả, đẹp đẽ đến không cùng.
    Người đọc hẳn đã tiếc cho Eponine, và cả những đứa trẻ thực sự khốn cùng, bất hạnh như em. Nếu được sinh ra trong một gia đình tử tế, được hưởng một nền giáo dục tử tế, hẳn Eponine và bao đứa trẻ cùng cảnh ngộ đã không dễ dàng rơi vào móng vuốt của sự bần cùng, sự trụy lạc, và sau đó là cái ác. Nơi khu phố tôi ở, thỉnh thoảng người ta vẫn tổ chức những phiên tòa lưu động. Phần lớn là xử  tội mại dâm, buôn bán ma túy,  trộm cắp.Có những bị can còn rất trẻ. Và tội trạng họ thường nặng hơn vì tái phạm nhiều lần. Những gương mặt buồn rầu đó, những ánh mắt mõi mòn  đó gợi cho tôi nhớ nhiều đến hình ảnh và hoàn cảnh  của cô bé Eponine. Phần lớn tội lỗi của những đứa trẻ này  được sinh ra   bởi  sự đói nghèo, bởi  thiếu giáo dục. Và như vậy, thay vì liên tục  lập nên nhưng phiên tòa lưu động xử án ở  mọi lúc, mọi nơi, lẽ ra những người có trách nhiệm nên  nhìn rõ nguyên nhân, cái gốc của vấn đề và tìm ra những phương cách hữu hiệu hơn để hạn chế tình trạng tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên đang trở nên đáng báo động như bây giờ .
 
    Gần  hai trăm năm kể từ “Những người khốn khổ “ của đại văn hào người Pháp Victor Hugo ra đời. Sự vĩ đại, tính phổ quát của  tư tưởng và tình cảm trong tác phẩm khiến những vấn đề “Những người khốn khổ “ đặt ra luôn  mới mẻ và sâu sắc, có khi cả sự cấp thiết nữa. Hai trăm năm đã  qua đi, khoa học kỹ thuật thế giới đã tiến những bước dài chưa từng thấy ,  nhưng ở nhiều nơi đói nghèo, cùng túng, và cùng với nó là cái xấu, cái  ác vẫn  không giảm thiểu đi, trái lại ngày càng sinh nở dày dặc thêm, biến tướng đa dạng hơn. Trong những đám đông nông dân tụ tập vì khiếu kiện đất đai, trong những hàng dài phụ nữ chờ xuất cảnh sang Đài Loan, Malaysia Singapore … , trong những đám trẻ ăn xin nhan nhãn ở  những khu du lịch …, đâu đâu cũng phảng phất những gương mặt, những ánh nhìn của Jean Valjean, của Fantien, của Eponine… mấy trăm năm trước.
 
    Phải làm gì để  trong một tương lai không  quá xa vời bớt đi “Les Misérables’’ ở Việt Nam???
      
Saigon 29/9/2015                                                   
  Hà Thị Lệ Hà K8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét