Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

TẠI SAO QUẢNG NAM HAY CÃI?


Anh Đỗ Xuân Quang giới thiệu bài TẠI SAO QUẢNG NAM HAY CÃI  do thầy Trần Gia Phụng ( cựu giáo sư trường Phan Châu Trinh ĐN trước 75) nói chuyện tại Đại hội Quảng Nam Toronto ngày 6-11-2014.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh-EtNuA8FpcrzT2akvOh6_8QQvepUPeMXFqwB2GJhMVH7Wl5rmtFyKcGMGhdKyMuOuqxhx_sDER1iLrCpnamNL6b4fmvm-uasCz9acgdKLYsL4Ek4EhaH2U4eUNhzP0wQDRYA6TxQEFw/s1600/IMG_6466.jpg

Tác giả Trần Gia Phụng (Hình: Uyên Nguyên)
(Trình bày tại Đại hội Quảng Nam Toronto ngày 6-11-2014.)
 
Kính thưa quý Bà Con Cô Bác,
 
Câu ca dao “Quảng Nam hay cãi…” là sự thật hiển nhiên không bàn cãi.  Bài nói chuyện hôm nay là tìm hiểu tại sao người QN chúng ta hay cãi?  Những lý do đưa ra sau đây có thể chủ quan và thiếu sót, hy vọng được bổ túc thêm thì sẽ đầy đủ hơn.
 
Quảng Nam hay cãi có thể có năm lý do: 1) Nguồn gốc di dân. 2) Tranh đấu nghịch cảnh. 3) Tính ham học của người QN.  4) Giọng nói người QN.  5) Môi trường hay cãi tại QN.
 
1)   Về nguồn gốc di dân:  Người QN chúng ta là con cháu của những di dân từ Bắc vào QN lập nghiệp.  Có bốn hạng di dân khác nhau đến QN:   Những di dân đầu tiên là những chiến binh theo các đoàn quân viễn chinh đi mở nước về phương nam.  Không có những đoàn quân viễn chinh thì không có QN.  Những chiến binh viễn chinh thường can đảm, liều lĩnh, sẵn sàng chiến đấu, tranh cãi.
 
Hạng di dân thứ hai đến QN là những người tù tội.  Dưới thời Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433), nhà Lê chia tội phạm thành năm loại: xuy, trượng, đồ, lưu, tử.  Xuy là đánh roi.  Trượng là đánh trượng (gậy).  Đồ là làm dịch đinh.  Lưu là lưu đày.  Tử là tử hình.  Mỗi tội chia thành nhiều hạng.  Riêng tội lưu có ba hạng: Lưu cận châu (châu gần).  Lưu viễn châu (châu xa).  Lưu ngoại châu (châu biên giới.)  Từ thời Lê Thái Tổ cho đến khi Nguyễn Hoàng vào nam, trong khoảng trên 200 năm, QN thuộc loại viễn châu, miền biên giới xa xôi, giữa Đại Việt và Chiêm Thành.  Những người phạm tội lưu nặng nhất bị đày đến QN.
 
Hạng di dân thứ ba đến QN là những người đào tẩu, trốn tránh vì nhiều lý do, mà trong đó quan trọng nhất là lý do chính trị, vì sự thay đổi và trả thù của các triều đại.  Ví dụ khi nhà Trần sụp đổ, nhà Lê lên cầm quyền, con cháu nhà Trần trốn chạy, có gia đình chạy vào tận QN.  Khi nhà Mạc sụp đổ, con cháu nhà Mạc đổi thành nhiều họ, ly tán khắp bốn phương.  Có nhiều nhánh họ Mạc chạy vào tận QN.
 
Hạng di dân thứ tư, đông đảo nhất là những di dân vì lý do kinh tế.  Vì quá nghèo khổ ở vùng đất cũ, nên đông đảo dân chúng theo những đợt di dân do chính quyền tổ chức.  Sau mỗi lần mở nước, các triều đại đều tổ chức đưa người tới định cư vùng đất mới, nhất là từ thời Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp.
 
Dầu vì lý do gì, di dân có một số đặc tính chung như mạo hiểm, can đảm, liều lĩnh, quyết liệt, bất khuất, cấp tiến, khẳng khái, bộc trực, thích tự do, công bằng, dân chủ...  Không phải tất cả những đặc tính trên đây đều tác động cùng một lần đến con cháu QN, nhưng ảnh hưởng một cách khác nhau tùy mỗi gia đình, tùy mỗi cá nhân, một vài đặc tính trên, đưa đến những kết quả riêng biệt, nhưng vẫn có một vài điểm căn bản giống nhau, như là hay tranh đấu và hay cãi để bảo vệ những điều mình đạt được trên đường di dân.
 
Có câu hỏi đặt ra là di dân từ Bắc vào Nam, đến định cư rải rác từ  QN đến Bình Định, nhưng tại sao chỉ có dân QN là hay cãi?  Xin chú ý, trước khi tiến xuống Quảng Ngãi hay Bình Định ngày nay, người di dân từ Bắc vào Nam, tập trung đầu tiên tại QN, có thể cả một thời gian dài, trên 200 năm, từ thời Huyền Trân đến thời Nguyễn Hoàng, mới dần dần tỏa xuống phía nam.  Càng xuống phía nam, bình nguyên càng rộng, thời tiết càng dễ chịu, con người càng thoải mái hơn.  Ngoài ra, còn nhiều lý do khác nữa.
 
2)   Tranh đấu trước nghịch cảnh:  Lý do thứ hai về việc người QN hay cãi là di dân luôn luôn va chạm và đối phó nghịch cảnh, phải tranh đấu đề sinh tồn.  Tranh đấu với cư dân địa phương trước đây là người Chiêm Thành (Chàm).  Tranh đấu để mưu sinh ở vùng đất lạ, thiên nhiên khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc.  Tranh đấu để được tự do, bình đẳng và dân chủ trên vùng đất mới.  Tranh đấu trở thành thói quen của người QN và từ đó cũng trở thành hay cãi.  Hay cãi là cách tranh đấu bất bạo động để bảo vệ quyền lợi, bảo vệ điều mình nghĩ là lẽ phải, tránh sai lầm, tìm ra sự thật.
 
3)   Tính ham học:  Lý do thứ ba là di dân vốn thích phiêu lưu, thích khám phá điều mới lạ, thích tìm tòi học hỏi, có cái nhìn mới.  Thêm nữa, người QN nghèo khổ nên ham học để tiến thân bằng thi cử.  Tính ham học, cầu tiến, ưa học hỏi, tìm hiểu thêm, khiến cho người QN hay cãi để tiến bộ, tìm ra chân lý. 
 
4)   Giọng nói lớn:  Lý do thứ tư là không hiểu vì sao người QN có giọng nói lớn, mạnh, sắc, chói tai.  Chính chất giọng lớn mạnh tạo điều kiện và hỗ trợ cho người QN hay cãi.  Vào một phòng họp, nghe một giọng QN phát biểu là nhận ra ngay.  Nhờ chất giọng mạnh nên người QN dễ cãi, thích cãi và trở thành hay cãi.  Xin chú ý điểm nầy: ngay cả những người QN nói giọng thấp, nhỏ thì cũng ít cãi.
 
5)   Môi trường hay cãi:  Lúc đầu, người QN hay cãi với nhau.  Anh em, vợ chồng, bạn bè cãi với nhau, tạo thành môi trường hay cãi, không gian hay cãi.  Môi trường hay cãi càng ngày càng mở rộng, trở thành thói quen, hay nếp sống hoặc truyền thống hay cãi.  Điều nầy dễ thấy ở những người QN lấy vợ hay chồng tỉnh khác.  Sống với nhau một thời gian, và sống trong môi trường hay cãi, người vợ hay chồng đó tuy không phải là người QN, cũng trở thành hay cãi, có khi còn cãi hăng hơn cả vợ hay chồng người QN.  Vì vậy có câu: "QN lai bằng hai QN thiệt.”  Đây là kết quả của môi trường hay cãi.  Nếu không có môi trường để cãi, thì người QN cãi với ai?
 
Thưa quý vị,
 
Năm lý do trên đây đưa đến thói quen người “QN hay cãi”.  Câu “Quảng Nam hay cãi” có khi được xem là lời mỉa mai người QN chúng ta.  Tuy nhiên, xin chú ý rằng hay cãi không phải là tính xấu.  Hay cãi chỉ xấu khi cãi bướng, cãi ngang xương, cãi đâm hơi, cãi lấy được.  Ngay cả uống thuốc bổ mà quá liều lượng thì cũng có hại, huống gì là hay cãi ẩu?  Vì cãi quá đà nên mới bị mỉa mai là “QN hay cãi”.  Trong khi thật sự không cãi thì không tiến bộ được. Xin thử tưởng tượng một nhóm người, một tổ chức hay một xã hội mà không một tiếng cãi thì chẳng những không có sinh khí mà bị đóng băng hay là chết
 
Xin chú ý thêm là cho đến 1802, khi Gia Long lên ngôi, QN mới chính thức ổn định.  Do hay cãi để tiến bộ, hay cãi để tranh đấu chống bạo quyền, tranh đấu để bảo vệ cho mình và cho dân tộc mình nên chỉ trong thời gian ngắn, QN đã sản sinh ra một loạt anh hùng, tranh đấu chống Pháp xâm lược, từ Hoàng Diệu, đến Nguyễn Duy Hiệu, qua Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lê Đình Dương… 
 
Đặc biệt, Phan Khôi là tay cãi cự phách của QN.  Ông cãi hay đến nỗi có thời người ta ca tụng “lý luận Phan Khôi”.  Sống dưới chế độ CS, ông chẳng sợ hãi khi hay cãi, vì theo ông: “Làm sao cũng chẳng làm sao,/ Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi./ Làm chi cũng chẳng làm chi,/ Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.”  Phan Khôi là người tiêu biểu cho khí phách QN.  Ngay giữa lòng Hà Nội năm 1957, Phan Khôi ví chủ nghĩa CS là một thứ cỏ bù xít vì hôi như con bọ xít, hay CS là cây cứt lợn, cây chó đẻ. (Phan Khôi, Nắng chiều, Hà Nội 1957, Hoàng Văn Chí trích dẫn, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: 1989, tt. 89-96.)  Cách đây 47 năm mà Phan Khôi gọi CS là cây chó đẻ, thật là vừa can đảm, vừa sáng suốt.
 
Thưa quý vị,
 
Chuyện QN hay cãi là chuyện dài, nhất là người QN có tính tự trào, tức tự giễu về mình, nên có rất nhiều chuyện tiếu lâm QN hay cãi, nhưng thời lượng phải giới hạn, nên câu chuyện của chúng tôi ngang đây xin tạm dừng.  Những lý giải trên đây có thể còn thiếu sót, xin quý vị bổ túc thêm để làm rõ vì sao Quảng Nam hay cãi.  Chúng tôi xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, trân trọng kính chào quý vị và chúc quý vị một buổi tối gặp gỡ “Quảng Nam hay cãi” thật vui vẻ.
 
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 6-11-2014)
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét