Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

CÁC BẠN, NGUYỄN HÒA vcv, TÔI VÀ VANCHUONGVIET.ORG







       Nợ chữ nghĩa là nợ của người sáng tác, nghiên cứu, phê bình trên các lãnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật… Mắc nợ phải trả nợ là quy luật của cuộc đời. Nhưng, đối với những người nợ chữ nghĩa, không phải đời bắt trả, mà tự thân phải hành tâm hồn mình để trả cái nghiệp đa mang, cái nghiệp của người sáng tạo, cái nghiệp của kẻ vác thập tự cho cõi phù sinh chữ nghĩa.
       Cũng may cho các tay bút có chỗ để mà trả nợ. Đó là vanchuongviet.org, là nơi hội tụ của biết bao người góp chữ trả nợ, không phân biệt tuổi tác, chính kiến, trong nước, ngoài nước. Vanchuongviet.org suy cho cùng là nơi trả nợ chữ nghĩa của những người quặn thắt cơn đau chữ nghĩa, của những kẻ vung bút tìm cái đẹp trên cõi nhân gian, của những con mắt nhìn đầy yêu thương, trân quý từ cánh hoa dại ven đường đến nụ hôn ngọt đầu lưỡi, từ ánh mắt học trò trong sáng đến những nghĩ suy trầm tư đầy chất thiền, chất triết, từ cảnh quê bình yên Nam Bộ đến cảnh hùng vĩ Tây Nguyên, từ cột cờ Lũng Cú ngạo nghễ Quốc kỳ đến sóng vỗ Hoàng Sa, Trường Sa…
       Cái nợ chữ nghĩa không biết vay tự bao giờ mà những người cầm bút nhủ lòng phải trả? Mỗi người có cách trả riêng. Miễn sao đời này chấp nhận. Mà trả mấy cho vừa khi lòng thôi thúc viết, khi tay bồn chồn, khi tâm tơ tưởng, khi óc cứ nghĩ mãi một điều là phải viết. Viết, viết, phải viết thôi! Như là nợ phải trả đó mà.
       Tôi thường nghe người ta nói: “Một năm làm nhà, ba năm trả nợ”. Có thể có kẻ làm nhà mà không cần trả nợ. Nhưng với vanchuongviet.org làm nhà, xây nhà những 10 năm mà nợ vẫn chưa trả xong. Người gánh cái nợ của vanchuongviet.org không ai khác ngoài Nguyễn Hòa vcv. Tôi nhiều lần tự hỏi: Không biết anh Nguyễn Hòa vcv ăn cái giải gì mà dính nợ chữ nghĩa thế? Nào là tốn thời gian, mất sức khỏe, tiền của và nhiều chuyện khác chớ chẳng chơi đâu, rõ là chuyện chữ nghĩa của bao người mà Nguyễn Hòa vcv lại mang, lại nợ. Rồi tôi nghĩ lại, như đinh đóng cột, nếu không có Nguyễn Hòa vcv thì các bạn và tôi làm gì có chỗ góp chữ trả nợ đời?
       Có lần anh Nguyên Minh (chủ biên Quán Văn), cùng anh Trương Văn Dân, chị Elena Pucillo Trương ra Đà Nẵng chơi. Chúng tôi gặp nhau khoảng một buổi. Vui vẻ bàn chuyện văn chương bên nhau. Tôi có hỏi thăm anh Nguyễn Hòa vcv. Biết anh qua cơn nguy kịch tôi lấy làm mừng. Và lòng tôi tự nhủ dù sức khỏe anh không được như xưa, nhưng anh vẫn còn nợ với bạn đọc, không biết nghĩ thế có quá ép lòng anh không?
       Và hè 2014 vừa rồi, Nguyễn Văn Hòa ở Phú Yên ra Đà Nẵng. Hai chúng tôi gặp nhau trò chuyện tại một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Tôi hỏi thăm tình hình các bạn văn ở Sài Gòn. Nào là anh Nguyễn Nguyên Bảy, chị Lý Phương Liên, anh Triệu Xuân, nào là anh Nguyễn Hữu Duyên (chủ biên Hương Quê Nhà), nào Phan Hoàng nhavantphcm… Và chúng tôi cũng không quên nhắc đến anh Nguyễn Hòa vcv. Nhắc để mà cùng nhau mừng có kẻ gánh nợ cho nhiều bạn văn, trong đó có tôi.
       Cũng dịp hè này, kẻ lang thang mang nợ chữ nghĩa coi đời nhẹ như không là Tâm Nhiên (Nguyễn Đức) có về thăm quê. Tôi và Tâm Nhiên trò chuyện. Đủ thứ trên đời. Ơ hay, người tự là “vô trú” lại tìm vanchuongviet.org để trải lòng.
       Thi thoảng, ở ngoài này, một số bạn văn cùng tôi gặp nhau, mượn ly cà phê để trò chuyện. Rồi cũng không thể không nhắc đến vanchuongviet.org. Nguyễn Nho Khiêm, Mai Hữu Phước và tôi cùng một ý nghĩ là vanchuongviet.org có dấu ấn riêng, gắn với lịch sử văn học mạng đương đại.
       Có thời gian vanchuongviet.org đăng thông báo tìm người gánh vác cái nợ chữ nghĩa khi người sáng lập trọng bệnh. Nhưng rồi chẳng có ai ngoài chính anh Nguyễn Hòa vcv.
       Trời không phụ lòng người hiền. Vanchuongviet.org không phụ lòng bạn đọc, không phụ người ham viết. Nguyễn Hòa vcv vẫn trụ được, vẫn vác cục nợ chữ nghĩa đi suốt bốn mùa, suốt cõi nhân gian.
       Mừng 10 năm vanchuongviet.org tồn tại trên cõi đời này. Thời gian đến, vanchuongviet.org mãi sẽ đồng hành với bạn đọc. Nguyễn Hòa vcv, các bạn và tôi vẫn phải trả nợ chữ nghĩa. Mong thay!

Tháng 10 – 2014
Phan Trang Hy    
( Phan Thanh Bình K5)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét