Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Nghĩ về ngữ địa danh ở xứ Quảng




(Bài viết này được sử dụng lại tư liệu những bài viết của chính tôi đã được công bố tại trang truongdonggianghoanghoatham, báo Lao Động, Quảng Nam (cuối tuần), tạp chí Xưa & Nay, Đất Quảng, Văn Hóa Quảng Nam…)
HOÀI QUẢNG
( Phan Thanh Minh K9)

Vấn đề địa danh lâu đã được rất nhiều nhà ngôn ngữ, dân tộc, địa lý… quan tâm, đã có nhiều công trình nghiên cứu dưới nhiều gốc độ khác nhau, đóng góp nhất định trong việc hệ thống tri thức về tên gọi địa lý, địa chỉ cụ thể và cả gốc gác của nó.
Vùng đất Quảng Nam vốn là đất của Chămpa. Ít nhất là từ năm 1306 đã có người Việt định cư tại nơi này. Đó là sự kiện theo thỏa ước giữa vua Chiêm là Chế Mân và hoàng đế Đại Việt là Trần Nhân Tông thì vương quốc Chămpa dâng 2 châu Ô và Rí để cưới công chúa Trần Huyền Trân (châu Rí tức Hóa Châu là phần đất thuộc một phần tỉnh Thừa Thiên – Huế đến Bắc sông Thu Bồn hiện nay). Theo dòng lịch sử, năm 1471, vua Lê Thánh Tông chiếm phần đất từ phía Nam Thuận Hóa đến đèo Cù Mông và lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 là Thừa Tuyên Quảng Nam và danh xưng này được xuất hiện. Tên Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phương Nam”.
Theo chân Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 – 1613), phải kể đến từ năm 1558 người Đại Việt mà phần lớn là dân Thanh Hóa và Nghệ An có những đợt di dân lớn đến đây. Từ đây những tên làng, có nơi là những mỹ từ đẹp để thỏa lòng tâm lý cầu mong phước, an, phú quý … ở vùng đất mới – xứ Đàng Trong; có nơi là những tên gọi như là hoài niệm về quê quán ở Đàng Ngoài; và tất nhiên những tên gọi vốn có từ thời cổ, thường là danh từ chung chỉ đối tượng địa hình của người Chăm vẫn tồn tại; rồi quá trình sống họa mục cộng cư, nhiều tên gọi giữa Chăm – Việt xuất hiện, cả Việt (Chăm) – Xơ Đăng, Ca Dong, Co, Giẻ Triêng, Cơ Tu… đều có cả…
Chỉ cần liệt kê hết thảy các địa danh ở xứ Quảng, không cần giải thích gì thêm cũng đủ cho chúng ta viết thành cuốn sách dày. Cho nên người viết bài này chỉ điểm một vài địa danh mà mình cảm và chia sẻ.
Trước hết xin nói về tên gọi sông Vu Gia. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa cho nó có gốc gác từ tiếng Chăm. Tuy nhiên chưa có tài liệu nào giải thích rõ nghĩa của từ “Vu Gia”. Theo ý kiến riêng, “Vu Gia” cũng là tên gọi ban đầu của “sông nước”, giống như “kông”, “sông”, “giang”… ở vùng Đông Nam Á, hay “Đanuýp” ở Châu Âu. Theo từ điển tiếng Chăm, “yă” có nghĩa  là “nước”. Ở Quảng Nam ta thường bắt gặp trò chơi phổ biến của trẻ con ở có tên gọi “ma da lên bờ” (ở Thừa Thiên – Huế gọi “ma da” là “ma rà”). Vì thế ta có thể giải thích “ma da” hay “ma rà” có nghĩa là “ma nước”, trong đó các từ tố theo cách viết và cách đọc phổ biến ngày nay là “gia”, “da”, “rà” đều là tiếng Chăm có nghĩa là “nước”. Cũng từ tên sông nước, tên làng Ô Gia ở xã Đại Cường hay Ô Đà ở Đại Minh (Đại Lộc) trong đó cách thành tố “gia (da)”, “đà” đều có nghĩa là “nước (lã)” (+); “ô” giống như “ô” của Nam Ô, Châu Ô, “ổ” của Châu Ổ (ở Quảng Ngãi)… Cũng cần nói thêm, ở Quảng Nam có nhiều địa danh trùng nhau; ví như Hội An là đô thị cổ có tên trên bản đồ thế giới, lại có tên làng thuộc xã Tiên Châu (Tiên Phước), làng Nông Sơn thuộc xã Điện Phước (Điện Bàn) lại có tên làng thuộc xã Quế Trung và nay là tên huyện được tách ra từ huyện Quế Sơn; làng La Tháp vừa có tên ở xã Duy Tân, lại có tên ở xã Duy Hòa (Duy Xuyên), nên sau này được đặt thêm hướng địa lý để dễ chỉ rõ địa chỉ (La Tháp Đông/ La Tháp Tây)… Và các tên La Qua, La Thọ, Đồng Chàm, Đồng Dương, Quảng Đại hay Quảng Đại (xã Đại Cường), Đại Bình hay Đại Bường, Quá Giáng…, hay những địa danh vốn là mỹ từ… đều là những tên gọi gợi ý cho chúng ta phải suy gẫm.




Tương tự, chúng tôi muốn nói “địa danh thường đi kèm với danh pháp, tức là danh từ chung chỉ đối tượng địa hình” (theo GS-TS Hoàng Thị Châu) để cắt nghĩa rõ hơn về ngữ địa danh Đà Nẵng.“Đà Nẵng” cũng tên gọi ban đầu của “sông nước, cụ thể hơn là tên gọi ban đầu có gốc gác ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo thường gặp khắp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, như: “gia” (Vu Gia), “rằng” ( Đà Rằng), “ra” (Rarang, Rayang, tên gọi khác là Đà Rằng),  “nha” (Nha Trang), “ia”,  “ya”  hay “ea” (Ialy, Ea Súp…). Trong đó các thành tố đà, ra, da, gia, nha, ya, ea… theo cách nói và cách viết phổ biến ngày nay đều có nghĩa là “nước”; “nẵng”, “rang”, “yang” “trang”… đều có nghĩa là “sông”. Sở dĩ có hiện tượng “ra, da, ya” biến thành “đà” chính là quy luật biến hóa của sự vận động ngôn ngữ theo thời gian (1). Như vậy, “Đà Nẵng” nếu phân tích tích kỹ và vận dụng mối quan hệ với một số địa danh gần gũi vốn là vùng đất các tiểu vương quốc Chămpa thì sẽ thấy nó có gốc gác giống như Đà Rằng (địa danh và cũng là tên sông lớn ở Phú Yên) hay Rarang (cũng còn gọi là Sông Ba, sông Đà Rằng), Nha Trang (tên thành phố và cũng là tên con sông thuộc tỉnh Khánh Hòa). Nghĩa là ban đầu “Đà Nẵng” hay “Đà Rằng”, “Nha Trang” “Vu Gia”, “Krông Nô” (sông lớn ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng)… vốn là danh từ chung, chỉ đối tượng địa hình là “sông nước”, sau mới thành danh từ riêng theo cách viết và cách đọc khác nhau (bằng  Hán tự, Latin, tiếng Pháp, Quốc ngữ…). Riêng danh pháp “Đà Nẵng” vốn gốc gác từ tiếng Chăm, được ghi bằng chữ Hán xuất hiện có thể sớm trên sách Ô Châu Cận Lục do tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc vào thế kỷ XVI .
Theo các nhà ngôn ngữ học chứng minh nguồn gốc Nam Á của tiếng Việt hoặc xếp tiếng Việt vào họ ngôn ngữ Nam Đảo (Bình Nguyên Lộc, Hồ Lê…) thì từ “cù lao” là do người Việt mình phiên âm chữ “pu-lô” của tiếng Mã Lai (tương tự như từ đảo). Âm Hán - Việt gọi là “côn lôn” (chữ côn lôn vốn là danh từ chung, sau mới thành tên riêng chỉ quần đảo Côn Lôn (Côn Đảo) thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); và “ Cù Lao Chàm” rõ là hòn đảo mà gốc gác của nó xuất xứ từ tiếng Chăm đã hòa mục với tiếng Việt. Hiện tượng này ta gặp khá nhiều ở đất Quảng, kể cả Quảng Ngãi: Trà My, Trà Kiệu,  Trà Quế, Sơn Trà, Trà Đõa, Trà Bồng, Trà Khúc…
Tại công trình Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, các tác giả đều giải thích tên “Bà Rén”  bắt nguồn từ Bà Rắn vì nơi đây, người ta đã đào được một nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu và nói chệch theo tiếng địa phương. Thế nhưng theo sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn có viết về "hình thể núi sông, thành luỹ, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hoá - Quảng Nam" có mô tả kỹ lưỡng: "Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày. Như đại quân đóng đồn ở Dinh Chiêm, mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thế (cầu có ván nhỏ), sông Bà Rèn, đầm Khoai (3 cầu ván nhỏ)...". (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.117-118). Như vậy, tên Bà Rén đã có từ lâu đời, ít nhất là trước thế kỷ XVIII. Tên gọi này không liên quan gì đến tượng nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu mà người dân ở đây nói chệch thành "rén" theo như lời giải thích  đã dẫn. Tên định danh địa chỉ cụ thể nào đó có thể là tên gọi một nhân vật do dân gian gọi lâu ngày mà thành, hoặc nhiều người quy ước với nhau như quán Cát (quán ở trên bãi cát), quán Liễu (quán ở trên bãi dương liễu). Cho nên, theo ghi nhận của Lê Quý Đôn về địa danh này có tên là "Bà Rèn", vì thế theo tôi, có thể từ "lò rèn" mà nhiều người quy ước trở thành địa danh quen thuộc, sau "rèn" biến thành "rén". Về việc chuyển đổi thanh điệu là hiện tượng khá phổ biến ở vùng Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, ví dụ: Vi Dã > Vĩ Dạ, Phủ Cam > Phú Cam, Phù Bài > Phú Bài… hay như : Phủ Chiêm > Phú Chiêm, Đá Dựng > Đá Dừng, Nam Ô có khi đọc là Nam Ổ…
Liên quan đến thành tố “bà” ở địa danh Bà Nà, PGS-TS Lê Trung Hoa cho rằng Bà Nà từ tên của dân tộc Ba Na. Nhưng thật sự dân tộc Ba Na không có địa bàn cư trú và di trú đến Quảng nam và Đà Nẵng, họ sống chủ yếu ở Tây Nguyên. Tại Wikipdia đưa ra các ý kiến: "Khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, lâu dần người Việt đọc chệch thành Bà Nà. Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Bà Nà là tiếng người Cơtu (Katu) nghĩa là "núi của tui". Cách giải thích "Banane" không hợp lý, vì rằng ở vùng núi này cây chuối không phải là sản vật đặc trưng, và nói rằng chữ ấy là “núi của tui (tôi)” theo tiếng của người Cơtu càng không đúng. Vì rằng, người Cơtu có từ chỉ núi là "cacoong dading", từ chỉ rừng là "cơrơng", và núi của tui là "cacoong dading ớng cu".  Trước đây, tôi đồng ý với cách giải thích của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bà Nà là cách nói tắt của từ có xuất xứ từ tiếng Chăm: "Ponagar" (tức Thiên Y A Na thánh mẫu). Song sau này, tôi biết lập luận của tôi cũng sai nốt. Việc này tôi chịu sự thuyết phục của anh bạn Nguyễn Tri Hùng (chuyên viên nghiên cứu dân tộc ở Quảng Nam) cũng như việc tiếp xúc với tiếng Cơ Tu mà tôi đã học. “Bà Nà” chỉ đơn giản là “nà”, có nghĩa là “đồi, núi”; còn “bà” chỉ là phụ tố đầu của việc phát âm phổ biến của đồng bào Cơ Tu, nó không có ý nghĩa về mặt từ vựng, có thể ghi âm là: Pơ Na, P’Na, (pơ)Na (vì tiếng Việt không có âm đầu /p/ nên nó biến thành /b/).
Cũng cần nói thêm về địa danh thiêng liêng là “phần máu thịt” của Tổ quốc đã bị Trung Quốc lợi dụng khi đất nước ta chưa thống nhất đã cưỡng chiếm hồi năm 1974. Đó là quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính cấp huyện thuộc thành phố Đà Nẵng hiện nay. Phải nói lại cho rõ chuyện liên quan đến lịch sử, từ lâu, ít nhất là trước thế kỷ XVII, những ngư dân người Việt đã đến các quần đảo cách bờ biển nước ta chừng 200 hải lý và họ đặt tên gọi các hòn đảo ấy thuần túy là tiếng Việt: “Bãi Cát Vàng” hay “Cồn Vàng”. Chính cái tên “Bãi Cát Vàng” theo cách gọi dân gian mà từ đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng quân ở các đảo này. Các bản đồ địa lý thời ấy đã xác định “Bãi Cát Vàng” thuộc xứ Đàng Trong. Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã mô tả Hoàng Sa và Trường Sa được xác định thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Theo Đại Nam Thực Lục chính biên, năm 1803 (sau một năm lên ngôi), vua Gia Long đã cho lập đội Hoàng Sa, đến năm 1816, vua bắt đầu cho thủy binh lấy từ đội dân binh ở Quảng Ngãi ra đảo do đạt thủy trình. Sau này, kế tục sự nghiệp vua cha, Minh Mạng chọn thủy quân ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định ra trấn giữ, xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây xác định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tên Hán tự “Hoàng Sa” (thời ấy chỉ chung cả Trường Sa) bắt nguồn từ chữ thuần túy là tiếng Việt: “Bãi Cát Vàng” hay “Cồn Vàng” do những người dân đất Việt khai phá. Do vậy, để xác định chủ quyền các quần đảo nói trên, các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn đã đặt tên theo tinh thần ngôn ngữ của con dân đất Việt. Cho nên các tên Tây Sa và Nam Sa do Trung Quốc mới đặt sau này không phải là cách gọi thân thuộc, kể cả với người Trung Hoa. Bởi lẽ, “Tây Sa” không phải là “Bãi Cát Phía Tây” theo bản đồ địa lý tự nhiên của đất nước Trung Hoa, các bản đồ chính thức của Nhà nước Trung Quốc dưới nhiều thể chế được phát hành trước thập niên 50 của thế kỷ XX đều giới hạn đến cực Nam của đất nước họ là đảo Hải Nam.
Khi thực hiện bài viết này, tôi và anh Nguyễn Tri Hùng đã có sự trao đổi trước đó và hẹn với bạn đọc sẽ nói tiếp ngữ địa danh mà các yếu tố cộng hưởng giũa tiếng Việt, tiếng Chăm với các thứ tiếng của đồng bào đân tộc niền núi ở Quảng Nam.


Hoài Quảng
(Phan Thanh Minh K9)



Ghi chú: (+): Về âm đầu /d/ và /đ/ xem thêm tại bài viết Phan Khôi và Phan Ngọc – hai nhà ngữ học theo quan điểm thức nhận.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét