Từ ngày
Hân nhận chức trưởng phòng kinh doanh, cuộc sống của anh có phần lạ, không như
trước đây. Giờ, nhiều đêm anh phải thức khuya, đọc sách tìm hiểu những quy luật
về kinh tế. Anh đọc ngấu nghiến như sợ rằng không còn thời gian để đọc.
Và
rồi, anh tự mâu thuẫn với chính mình. Anh mâu thuẫn trong cách nghĩ suy, trong
vai trò nhiệm vụ của mình. Khi còn là nhân viên, anh đâu có nghe những lời nói có
hơi hướm lấy lòng anh từ những người khác. Nhưng, giờ lại khác. Những kẻ dưới
quyền luôn lấy lòng anh, không dám làm anh bực dọc. Hân tự hỏi: Cũng là thằng
Hân, sao trước khác, giờ khác. Có gì thay đổi đến vậy? Không lẽ chỉ có cái nhãn
mác trưởng phòng mà anh trở thành người khác?
Anh
cảm thấy đầu óc nặng. Anh mơ màng trong những nghĩ suy. Không đâu vào đâu. Anh
không thể ngờ, mới đây thôi, trong một cuộc họp với những người dưới quyền, anh
đã phát biểu những gì anh cũng không nhớ nổi, để rồi đây anh phải chịu tiếng thị
phi. Mà sự đời là vậy. Có phải tất cả kẻ dưới quyền đều ưa anh? Có phải anh là
người hoàn thiện đến mức mọi người phải noi gương theo anh?
Anh
không hiểu tại sao có tờ báo đăng đời tư của anh, nêu cung cách làm việc của
anh. Không lẽ đó là tự do báo chí, tự do ngôn luận? Anh mệt mỏi vì có kẻ cho rằng
anh bất tài vô tướng, chỉ nhờ thời mà anh được lên trưởng phòng. Anh ngẫm lại, những
kẻ dưới quyền, kẻ nào tọc mạch, dùi thọc anh? Anh thấy ai cũng vậy. Cũng cung
cách nhỏ nhẹ. Khi anh đưa ra ý kiến gì, ai cũng cho là sáng suốt. Và họ chỉ có
làm theo. Anh ngẫm lại, khi còn là nhân viên, anh cũng thế. Tội gì góp ý cho mệt
sức. Vả lại, mấy lãnh đạo lắng nghe kẻ dưới quyền một cách chân tình. Đôi khi
lãnh đạo cho kẻ góp ý ấy là thế này thế nọ, là nhiều chuyện. Có khi quy chụp là
đầu mối gây bất an trong nội bộ. Anh không biết ai là kẻ nói xấu mình. Anh tự hỏi
sao có người thích nói xấu người khác?
Anh chỉ biết có kẻ dấu mặt
nào đó đã bêu xấu anh. Thậm chí đồn thổi công việc của anh. Anh lấy làm buồn.
Mà đời này vui được mấy chốc, dù anh là kẻ có chức quyền, giàu có. Anh không buồn
sao được khi ai đó chỉ biết nói xấu anh mà anh không biết hắn là ai. Thà rằng
góp ý phê bình chân thật mà anh biết mặt, biết tên thì đỡ biết mấy. Biết để yên
tâm rằng mình có lỗi thì người ta mới góp ý. Biết để tin tưởng rằng trên đời
này còn có người chân thực với mình vì họ dám chịu trách nhiệm về lời nói của họ.
Anh đâu có cần khen kiểu bầy đàn, kiểu những fan cuồng mê thần tượng. Anh đọc ở
đâu đó, hay cả trong kinh nghiệm sống, đã cho anh nghĩ suy về cuộc đời, rằng
khen chê dễ lây lan bầy đàn như dịch cúm. Miệng lưỡi thế gian mà! Hơi đâu anh
nghĩ về nó cho mất công, cho mệt sức.
Chiều
nay, sau khi làm việc xong, anh ghé quán ngồi một mình. Ít khi anh ngồi một
mình trong quán cà phê này. Ánh nắng còn sót lại trên đường không níu được chút
vàng tươi của những bông hoa cúc cuối mùa. Những bông hoa như tâm trạng anh lúc
này. Ngồi một mình, nhìn người qua lại lúc nhanh, lúc chậm, anh cảm thấy cuộc đời
từng con người có khác chi con kiến ngược xuôi. Đi đi. Về về. Mang những cục buồn,
mảnh vui. Tha những hạt no, mầm đói… Để rồi, trong giấc ngủ chập chờn, thao thức
với những thức buồn vui no đói ấy. Rồi sáng ra, chưa kịp mở mắt, lại vội vã, cuống
cuồng giành giật lấy từng giây phút buổi bình minh, rồi lại lên đường, lại trở
về cái nghiệp của kiếp người, kiếp kiến, kiếp chúng sinh.
Nhiều
đêm anh mơ. Và giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại. Trở thành nỗi ám ảnh trong anh.
Anh cùng đồng loại giành giật nhau bát cháo lú. Cũng từng ấy lời nói, cũng chừng
ấy sự việc, chỉ có đồng loại là ngày càng đông…
-
Cháo này là của tao! Bọn bay không được đụng vào.
- Của
tao. Mày xê ra!
- Của
bà đấy! Bọn bay cút xéo đi!
- Của
ông! Của ông!
- Bọn
chó cút đi!
-
Chúng mày là rắn rết. Là bọn HIV. Là bọn…
-
Tao là rồng, là phượng đây! Bọn bay để cháo cho tao.
Đủ
âm thanh hỗn độn. Thế nhưng, chẳng một ai, kể cả anh, húp được miếng cháo nào cả.
Cơn đói hành cái bụng anh. Mọi người, sau khi giành giật, ai ai cũng thè lưỡi
thở. Chỉ là hơi thở của người đói lâu ngày. Đôi mắt mọi người ánh lên cái đói,
nỗi thèm ăn. Anh và đồng loại đói trong mơ là cớ làm sao? Anh thèm giấc ngủ an
lành. Nhưng giấc ngủ ấy dễ gì có được. Trong anh, khi đêm về, lại hiện lên những
giấc mơ cháo lú.
Sự
tỉnh thức, sự khôn ngoan chẳng là gì cả trước cuộc đời này. Càng tỉnh thức,
càng khôn ngoan thì con người vẫn cảm thấy cô đơn, thấy cuộc đời càng vô vị.
Anh cũng thế. Anh thèm ăn dù là thức ăn chứa sự lú lẫn để quên đi cái khổ, cái
nhọc nhằn, buồn lo. Đang trong vòng tử sinh của cuộc đời, ước gì anh quên hết mọi
thứ. Chỉ cần có nụ cười, dù là nụ cười hoang sơ, nụ cười của người tiền sử cũng
hơn là cái cười gượng gạo mang nghiệp của kẻ nhân danh văn minh, đạo đức, độc lập,
tự do.
Nhiều
đêm không ngủ, nếu không mơ giành cháo lú thì anh lại mơ dữ khác. Anh thấy mình
rơi xuống hố thẳm. Đen. Rồi đỏ. Rồi đủ màu sắc. Anh chơi vơi cùng đồng loại. Rồi
cơn mơ cháo lú cũng lại hiện về. Đồng loại cùng anh đói trong cơn mơ. Anh thấy
trong mơ hồ, có ai đó đang nấu cháo lú, đang phân phát cháo lú cho anh và đồng
loại anh. Nhưng cơn đói vẫn hành hạ mọi người vì chẳng ai chịu nhường cho ai.
Anh thấy những kẻ trước đây vai mang chủ thuyết này, chủ trương nọ mà vẫn bị
đói. Lại có kẻ mang vàng bạc tiền của từ những vụ làm ăn kiểu mafia mà chẳng
húp được hớp cháo nào.
Cũng may cho Hân. Anh được tách ra khỏi đám đông đói cháo ấy. Anh đi qua
chiếc cầu. Có phải là cầu Nại Hà trong tâm tưởng? Những cô gái cười chọc ghẹo
anh khi anh trần truồng, tồng ngồng bước qua cầu. Họ cũng chọc cười những tên
đàn ông khác. Còn đằng xa kia, các chàng trai đẹp như thiên thần đang hát những
câu hát vu vơ về vóc dáng của những phụ nữ đang bước qua một chiếc cầu khác. Họ
hát về các bộ phận tạo thành vóc dáng ngọc ngà của phụ nữ. Nếu để riêng các bộ
phận ấy ra khỏi cơ thể, chắc các bạn sẽ có tâm trạng như một học sinh đang xem
mô hình cơ thể người trong giờ sinh vật.
Bỗng
Hân hét lên. Thì ra anh mơ. Một giấc mơ khó hiểu. Cũng biết bao chuyện khó hiểu
trên đời này đang xảy ra. Khó phân tích, lý giải không phải vì con người không
có tri thức, kiến thức hay không có sự khôn ngoan. Có lẽ khó hiểu vì con người
tự ma mị với những lý luận tưởng chừng là khoa học biện chứng của mình. Dẫu Einsetein
có sống lại, chắc ông cũng không hiểu hết sự phức tạp của cá nhân con người dù
ông vĩ đại bởi thuyết tương đối. Mọi sự việc, hiện tượng đối với ông là tương đối
nên ông vĩ đại. Ông không có cái vĩ đại của sự bách chiến, bách thắng, của kiểu
muôn năm. Bộ óc kỳ dị của ông so với các bộ óc của bọn chính trị, bọn phát xít,
độc tài, bọn bồi bút, xử án thì ai dị kỳ hơn ai? Và anh thầm nghĩ không biết
trong bọn họ có ai thèm cháo lú? Có ai muốn thoát khỏi sự khôn ngoan không? Anh
lại thèm quên. Mong được chút cháo lú để quên cái kiếp người vớ vẩn bởi ước mơ
viễn vông, chủ thuyết không tưởng.
Sự
dằn vặt làm anh tức thở. Như có ai bóp nghẹt đường dẫn khí quản. Cổ họng anh vừa
rát vừa tưng tức. Anh lấy sức hít mạnh như muốn đem dưỡng khí vào lồng ngực của
mình. Rồi anh thở ra thật mạnh, tống khứ thán khí ra khỏi cổ họng. Dẫu anh hít
vào, thở ra thật mạnh, y như người luyện thể dục, nhưng cổ họng anh vẫn khó chịu.
Như có kiến bò trong cổ họng, như có gai cào cấu vùng thanh quản của anh. Anh
ao ước quên tất cả, mọi thứ, kể cả cái đau mà anh chịu đựng.
Mỗi
khi ốm, anh hay nghĩ về thân phận con người. Anh đã tự răn mình như con chiên tự
răn mình trước Chúa Trời, đã nghĩ suy về kiếp người trong cuộc sống như Phật tử
tu tập trước kiếp nạn luân hồi. Anh thương anh, rồi thương những người thân,
thương luôn bà con hàng xóm và cả đồng bào anh, rồi cả nhân loại nữa. Anh ước
ao ai cũng hiểu nhau, thương nhau thì cuộc đời đẹp biết mấy, đáng yêu biết mấy.
Anh nhớ lại có lúc anh làm phật lòng cha mẹ. Anh nhớ có lúc mình hơn thua với vợ
con. Có lúc, anh không vừa ý, bằng lòng với hàng xóm như việc họ lấn đất của
nhà anh, như họ để chó ỉa trước cổng nhà anh, như đốt vàng mã, quăng gạo muối,
hột nổ trước nhà anh… Đủ thứ họ gây phiền cho anh trước đây. Nhưng giờ trong
giây phút chống chọi với căn bệnh, anh như muốn nói với mọi người là anh chẳng
phiền ai cả. Hơn thua làm gì ở đời này? Được mất, có chăng chỉ là thứ tức thời.
Dẫu đang chống lại từng con virut dữ dằn của căn bệnh, anh thấy mình vẫn còn
may mắn hơn một số người khác. Anh như được ai đó nhắc nhở trong cơn đau rằng,
sự sống là quý nhất. Rằng sự sống là sự vận động trong suy nghĩ, trong chuỗi thời
gian, không gian của ánh sáng. Anh như thấy sự sống trong trục Ox, Oy, Oz…, On…
ám ảnh anh. Cái khổ nhất khi bệnh hoạn, ốm đau là sự tỉnh thức hay là sự mê
man? Anh không xác định được. Anh chỉ thấy rằng còn cảm giác, còn suy nghĩ thì
anh còn tồn tại. Mà sự tồn tại đó, nhiều khi anh lại chán chường, lại thấy vô nghĩa.
Dẫu anh đọc ở đâu đó rằng con người được sinh ra là ân phước của chính bản thân
họ, là niềm vui của người thân, rằng trời sinh ra có ý, nhưng anh vẫn thấy phân
vân không đâu vào đâu cái khái niệm làm người. Có phải bát cháo lú trong tiền
kiếp bắt anh giải mã nỗi trở trăn của kiếp người? Có phải bát cháo lú ở tận đâu
đâu bắt anh sợ những thứ chẳng thuộc về anh? Kể cả cái sống, cái chết của anh,
đôi lúc anh cũng sợ vì cũng chỉ là sự tồn tại của dạng này, dạng khác.
Anh
hít thở mạnh. Anh thèm thông cái cổ họng đau rát, tắc nghẽn. Cả ngày nay anh uống
không biết bao nhiêu nước là nước mà vẫn cảm thấy khô cả người. Cả cơ thể anh
khó chịu. Nhiều khi anh nghĩ về cái chết trong tương lai. Anh nghĩ chỉ để mà
nghĩ, để chứng tỏ rằng anh còn tồn tại. Để thấy rằng anh cũng biết lẽ đời, biết
quy luật của tạo hóa, để sống sao cho bình an, không vướng bận những vẩn vơ suy
nghĩ bất thường.
Có
tiếng la hét ngoài đường. Bọn con nít hò reo. Anh nghe rõ tiếng trống bọn trẻ
đang tập múa lân. Trung thu gần đến. Trăng rồi sẽ tròn. Bài hát tuổi thơ năm
nào lại trổi dậy trong anh. Bóng trăng
trăng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một giấc mơ… Thằng Cuội năm nảo
năm nao vẫn vậy, vẫn cứ mơ giấc mơ cung Quảng. Và anh, suốt cả hành trình kiếp
người vẫn mơ những giấc mơ cháo lú. Anh thấy bát cháo lú đang được các hồn người
húp vội trước lúc đầu thai, cho quên cái kiếp người khốn khổ trong cái bể khổ ở
cõi ta bà, để nhận cái kiếp khổ khác. Rồi anh lại thấy biết bao người trước mắt
anh đang giành nhau từng hớp cháo lú. Đó là bọn chính trị muốn quên thủ đoạn
giành giật quyền lực một thời, muốn quên bàn tay đầy máu của mình đã từng giết
cha mẹ, anh em, đồng bào để bước vinh quang lên vũ đài chính trị. Đó là bọn
buôn bán vũ khí, ma túy muốn quên những phi vụ không có tình người, miễn chỉ cần
có tiền, vàng, kim cương. Đó là bọn phát xít, độc tài muốn quên những năm tháng
dân chúng rên xiết dười ách cai trị hà khắc, vô nhân đạo của bọn chúng. Đó là bọn
bồi bút, giờ ngồi nhớ lại những con chữ đầy oán thù, đầy sự ma mị, lừa bịp người
đọc, người nghe. Chúng ôm đầu rên xiết bởi những con chữ hành hạ chúng. Đó là bọn
xử án, với cái lưỡi uốn thẳng thành cong, uốn cong thành thẳng, xử oan kẻ thiện
lương, người vô tội, giờ muốn chuộc lỗi cũng đã muộn rồi… Và còn biết bao kẻ
khác muốn quên tội lỗi của mình!
Anh, người thân của anh, cả bọn chúng, tất cả như muốn quên đi cái kiếp
khổ của mình. Ai cũng muốn quên đi nghiệp duyên mà mình đã gây ra trong tiền kiếp.
Ai cũng biết rõ, chỉ cần một hớp cháo lú là sẽ quên hết mọi điều, quên tất cả,
để rồi hóa thân thành kiếp khác, như con người hiện tại luôn tự an ủi sẽ làm lại
cuộc đời.
Tất
cả như hiểu ra một quy luật là ai cũng giành giật thì chẳng ai được thứ gì cả
dù đó là một tí cháo lú. Như có sự sắp đạt diệu kỳ của tạo hóa, ai cũng tự nhìn
lại mình. Tất cả xếp hàng chờ đợi đến phiên mình chuyển kiếp.
Trước
mắt mọi người là nồi cháo lú nhỏ như nồi cơm Thạch Sanh. Bên cạnh đó, một sinh
vật, xin được gọi như thế chứ không biết đặt tên gì, đang đợi từng người đi
qua, lấy muỗng múc thứ nước sền sệt trong nồi đút vào miệng từng người.
Tới
lượt, Hân đứng trước nồi cháo, há miệng. Một thứ chất nhão nhoẹt, tanh tưởi chạy
xuống cổ họng. Anh đang chuyển kiếp làm lại cuộc đời.
2014
Phan Trang Hy
( Phan Thanh Bình K5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét