Trên đường đi khảo cứu và biên soạn Thơ ca Tú Quỳ, Thầy Trương Duy Hy gặp nhiều trắc trở, bị tù 4 năm vì tham gia Hội nhà thơ cùng với các ông Hà Kỳ Ngộ, Võ Bá Huân..( 1981) tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt với bài Thơ NGỰA TRẮNG của Tường Linh người bạn của Thầy Trương Duy Hy lúc bấy giờ được cho là phản động..., toàn bộ tài liệu khảo cứu về Thơ Ca Tú Quỳ bị tịch thu mà cán bộ điều tra nói "có chi mà anh tha thiết thế ! Tôi đọc rồi, thấy cũng tầm thường...Tôi cũng là cháu chắt bên ngoại ông Tú Quỳ đây..." Sau khi ra tù thầy Trương Duy Hy tiếp tục khảo cứu và xuất bản cuốn sách Tú Quỳ Danh sĩ Quảng Nam năm 1993 mà sau nầy thành phố đặt tên đường Tú Quỳ, bài thơ Ngựa Trắng sau nầy được in trong Thơ Tường Linh - Tuyển tập do NXB Văn Học, Quý 3 năm 2011 phát hành..
Hôm nay chúng tôi xin được trích một đoạn trong Hồi Ký Trên đường đi tìm Tú Quỳ của thầy Trương Duy Hy NXB Văn Học 2012, có thể đoạn Hồi ký và bài thơ Ngựa Trắng là sự tình cờ đúng vào dịp tháng Tư cũng là năm Ngựa, chúng tôi rất mong anh chị đọc bài Ngựa Trắng với tinh thần là một bài thơ hay chứ không suy nghĩ như những người cán bộ văn hóa của 30 năm về trước.
...Đêm 4 tết Quý Hợi, Hội lại xin tổ chức một đêm thơ- cũng tại Ty Văn hóa thành phố Đà Nẵng.
Mọi việc Hội đã chuẩn bị xong, nhưng đến giờ khai mạc thì tại Ty có buổi chiếu video lấy tiền! Đồng bào chen lấn mua vé vào xem. Hỏi ra, các nhân viên bán vé và tổ chức chiếu video không hay biết gì về “đêm thơ”! Các cán bộ của Ty cũng không có người nào lảng vãng ở đó! Khiến Ban chủ nhiệm - nhất là anh Hà Kỳ Ngộ - vô cùng thắc mắc. Những người yêu thơ và thành viên của Nhóm, xớ rớ bên ngoài cổng Ty, chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Cuối cùng buổi nói chuyện thơ đêm ấy bất thành một cách khó hiểu!
Vài tuần lễ sau đấy, tôi vẫn còn đánh máy mấy tập thơ của chị Liên Huê khi rảnh việc, nhất là về đêm!
Vào một buổi chiều, khoảng 15 giờ ngày 9.3.1984, khi tôi đang nhận bàn giao lên ca tại cơ sở văn phòng phẩm Trường Sơn, bỗng có anh Hữu - công an khu vực- và một anh nữa thuộc công an phường Thạch Thang đến, yêu cầu tôi theo các anh về nhà để các anh hỏi một việc cần. Tôi xin phép Ban Quản trị tạm nghỉ.
Rời khỏi cổng, anh Hữu lái xe Honda, bảo tôi để xe đạp lại, ngồi sau anh và anh công an bạn anh thì ngồi sau tôi, ôm tôi. Lúc đến nhà, tôi mời hai anh ngồi salon ở phòng khách và đi thẳng ra sau với ý định mang nước lên mời khách. Tôi vô tình không để ý anh Hữu theo tôi bén gót.
Anh bảo tôi:
- Thôi, nước nôi chi anh, mời anh lên làm việc một tí.
- Xem sao được anh! Các anh đến nhà mà không mời nước khó coi lắm. Tôi vẫn bình thản rót nước vào đầy 2 tách và cẩn thận đặt lên 2 đĩa nhỏ mang ra.
Khi quay lưng lại, tôi nhìn thấy bạn anh vừa nháy mắt vừa nói với anh “rồi!”. Tức khắc linh tính tôi báo cho tôi “có chuyện không lành chi đây!”- Chuyện ấy, với thời gian tôi bước chưa hết hai bước đã lộ rõ!
Tại phòng khách, tôi thoáng thấy 2 rồi 4 người bước vào. Tất cả đều mặc áo quần dân sự. Một trong các anh, về sau tôi được biết tên là Phan Bá Thắng. Anh người Quảng Nam, dong dỏng cao.
Tôi vừa đặt ly nước xuống bàn thì anh mời tôi đứng lên nghe lệnh. Trước hết anh bảo tôi gọi vợ tôi xuống cùng nghe (vợ tôi đang ở trên lầu).
Trước cả gia đình tôi, anh Thắng đọc rõ:
- Chúng tôi, cán bộ công an Quảng Nam Đà Nẵng, xin thông báo cho anh Trương Duy Hy biết, anh bị bắt và bị khám nhà khẩn cấp theo lệnh…. Tôi yêu cầu anh ngồi tại đây, chị theo tôi, để chúng tôi thi hành nhiệm vụ.
Thế là tôi và các con tôi đều ngồi tại phòng khách dưới sự giám sát của một anh công an. Anh vừa giám sát vừa mở các tủ ở phòng khách lục soát tất cả sách đưa ra giữa nền nhà.
Tôi lặng người, bàng hoàng như sống trong cơn mê! Tôi bị bắt! Nhà bị khám xét!... Tôi không nói mà cổ tôi như rát bỏng.
Từ 15 giờ 15 đến 21 giờ với khoảng non 15 anh cán bộ lui tới nhà và lục soát tất cả phòng ở tầng trệt, nhà bếp, nhà vệ sinh, gác lửng, lầu 1, lầu 2… Tất cả tủ đều được mở tung ra…. Áo quần, đồ đạc được khám rất kỹ. Vợ tôi đi theo chứng kiến và có cả anh Hòa tổ trưởng dân phố cũng được mời đến tham gia vụ khám xét này. Ngoại trừ áo quần, tư trang, sách giáo khoa, radio còn thì đều bị tập trung thành đống, kể cả 2 xẻng U.S mà có anh bảo tôi, đó là vũ khí của Mỹ để lại cho tôi!!! Riêng các tủ sách của tôi thì quá nhiều, tôi đã phân loại và sắp xếp rất thứ tự để dễ dàng lấy ra khi dùng đến. Vì thế các anh không đủ thời gian chọn lựa riêng sách quốc cấm nên các anh vét tất, kể cả 4 băng học Anh ngữ, tất cả tư liệu rời do tôi sưu tầm có nội dung văn học địa phương không dính dáng gì đến chính trị.
Lúc ký vào biên bản, tôi bật khóc, van xin:
- Thôi thì các anh tịch thu thứ gì cũng được, riêng 3 tập “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” tôi xin các anh cho tôi giữ lại. Vì đó là công trình tim óc xương máu của tôi, góp nhặt suốt mấy mươi năm trời mới có…
Anh Thắng bảo:
- Không thể được! Ngay cả sách tàu này - Anh trỏ vào các bộ Tam quốc chí, Đông Châu liệt quốc, Thủy hử… - đều là sách in tại miền Nam chứ không phải in ở Bắc, chúng tôi cần phải thẩm tra lại. Sau khi thẩm tra nếu không liên can gì đến vụ án, chúng tôi sẽ hoàn trả tất… anh có chịu ký vào biên bản không?
Tôi gắng gượng trong nuối tiếc, qua nước mắt:
- Nếu vậy, xin các anh cho tôi giữ bớt một tập “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam”… Tôi tin tưởng sau này thế nào anh cũng cho lại, vì nội dung hoàn toàn nói về văn học…
- Tôi đã nói thế mà anh không hiểu sao?
- Vâng, tôi ký… nhưng xin anh giữ đừng để thất lạc!...
Chẳng ai buồn để ý đến lời khẩn cầu sau cùng này của tôi.
… Một chiếc xe du lịch con đỗ bên kia đường chờ đợi.
Một xe chở hàng đậu ngay trước cổng nhà tôi. Tim tôi như ai cắt làm trăm mảnh khi nhìn thấy các anh nỗ lực tống đống sách vào bao tời, không e ngại sờn gáy, rách bìa, sổ chỉ…
Thế là thầy Tú Giảng Hòa và cụ Phan Bội Châu với “Khổng học đăng” cùng cụ Lão Tử với “Đạo đức kinh”… cũng đều chui vào bao tời sọc xanh với các loại sách quý khác của Platon, Tagor, Valerie, Marceau Sagan, Vương Dương Minh…
Anh Thắng quay lại hỏi: “Còng?”. Một trong số các anh công an vừa đến, nói nhỏ: “Hết rồi” nhưng tôi nghe được. Anh quay lại bảo tôi ra xe sau khi các bao tời sách được chuyển ra trước. Một trong các anh nói:
- Tôi không ngờ nhà anh chứa một số sách lớn hơn cả thư viện Huyện.
Tôi gục đầu nghẹn ngào xin anh Thắng cho tôi ít phút từ giã má tôi. Tôi đâu ngờ! Buổi chia tay đêm ấy cũng là buổi giã từ vĩnh viễn người mẹ đã khổ cực, vất vả nuôi tôi nên người, mà chữ hiếu tôi chưa đáp đền được muôn một!
Lưng còng… má tôi lết đến ôm tôi khóc:
- Con đi bỏ má cho ai nuôi? !!!
Viết đến dòng này nước mắt tôi lại tuôn trào và hình ảnh mẹ già lại hiện ra trong óc tôi rõ mồn một.
Nhạc mẫu cũng tiến đến ôm tôi khóc, than vãn…!
Sau khi thắp mấy nén nhang trên bàn thờ, tôi được áp giải ra xe mà không phải còng tay… Sau lưng tôi, tiếng khóc nghẹn ngào của má tôi, của nhạc mẫu, vợ và các con tôi vẫn chưa dứt!...
Lúc bấy giờ cán bộ áp tải tôi có vẻ vội vã, không bảo ban gì về việc cho tôi mang theo một số đồ ngự hàn, bót đánh răng, khăn lau… trong lúc bên ngoài trời rất lạnh.
Tại trại giam Chợ Cồn, sau 3 ngày, tôi được gọi “đi cung”- từ dùng để chỉ việc phạm nhân đến phòng công an hỏi cung, đặt tại trại giam. Tôi phải ký khá nhiều vào các tư liệu rời để xác nhận “chủ quyền”, kể cả những tư liệu tôi đang đánh máy cho chị Liên Huê. Tôi không còn lòng dạ nào để thắc mắc, khiếu nại… đưa gì tôi ký nấy miễn nó là di vật của tôi đang dùng.
Khoảng tuần lễ sau, lai rai vài ba ngày tôi lại được gọi đi cung một lần. Lần nào tôi cũng nhắc đến “Tú Quỳ”.
Một hôm anh Trần Thanh Thảo đến thay anh Phan Bá Thắng hỏi cung tôi. Tôi tha thiết yêu cầu anh trả cho tôi tác phẩm “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam”. Anh bảo:
- Chúng tôi điều tra và biết rõ… tư cách anh không khác tư cách của một cán bộ hưu trí… chỉ tiếc cho cái “đầu” của anh! Phải chi anh dùng khả năng sẵn có, viết như viết về Nguyễn Khuyến phải hay hơn không? Lại đi tham gia nhóm thơ… làm thơ xiên xỏ…
Xác nhận nhân cách của tôi như thế, hẳn anh hiểu tôi sâu hơn qua công trình biên khảo Tú Quỳ mới phải… đằng này anh có vẻ trách tôi hành động phản cách mạng, phản nhân dân!
Dĩ nhiên tôi hết lòng bày tỏ về suy nghĩ và việc làm của tôi sau năm 1975, nhưng nào anh có nghe, còn cho tôi ngoan cố như những kẻ phản động mà anh đã hỏi cung trước đây.
Anh tiếp:
- Ba quyển Tú Quỳ của anh, tôi được biết là Sở giữ một quyển, Viện kiểm sát mượn một quyển và Tòa án mượn một. Nhưng thơ văn Tú Quỳ có chi mà anh tha thiết đến thế! Tôi đọc rồi, thấy cũng tầm thường… tôi cũng là cháu chắt bên ngoại ông Tú Quỳ đây… Anh yên tâm, cứ lo thành khẩn khai báo trước đã. Còn việc đó, chúng tôi sẽ xem sau, nếu không liên quan đến vụ án thì Sở sẽ trả chứ ai thèm giữ làm gì đồ ấy.
Phải thành thật mà nói rằng, tôi không sợ ở tù vì tôi có tội phản cách mạng đâu - nếu lấy mốc 1975 kể về sau, tôi chỉ sợ mất tác phẩm Tú Quỳ mà thôi!
Một tháng rưỡi sau, tôi được chuyển vào trại giam Hội An. Tại đây tôi “đi cung” một lần, không có gì gay cấn lắm. Có điều vì phòng giam bẩn, chật, thiếu nước nên tôi bị ghẻ lở. Càng ngày càng nặng và tiếp theo 2 tháng sau đó, tôi được chuyển về trại giam Hòa Sơn. Bấy giờ, toàn thân tôi chỗ nào cũng có ghẻ- trừ khuôn mặt - đầu thì đầy chí, mặc dầu tôi cúp trọc đầu, áo quần đầy rận! Thật khủng khiếp!
Do hỏi cung tôi nhiều lần và do tôi dùng cây bút của đại úy Thanh Thảo làm kiểm điểm, tường thuật, khai cung, ký cung… khiến anh Thảo cũng bị lây mấy mụt ở các kẽ tay! Điều này hẳn anh Thảo không quên, vì chính anh cho tôi biết ghẻ đó do tôi lây sang.
Khốn nạn nhất cho tôi chỉ vì có 2 việc xảy ra mà tôi không phải là kẻ chủ động:
- Sách tôi được in ở Canada và Mỹ. Nội dung sách là hồi ký về trận Hạ Lào 1971. Xuất bản năm 1972. Giá trị thời sự nó hoàn toàn mất hẳn sau mùa xuân 1975. Ai in, tôi không được biết, tôi cũng chẳng được một xu tác quyền, chỉ qua thơ thầy Võ Sum, giáo sư Anh văn dạy tôi hồi tôi học lớp đệ nhất trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng 1952 cho tôi biết. Thư ấy tôi để tại nhà và bị tịch thu hôm 9.3.1984. Tôi cũng không trả lời vì ngại bị khép tội tư thông với người ở nước ngoài. Sở dĩ thầy Sum biết địa chỉ tôi là do Vĩnh Mạnh, em thầy biết tôi và gởi thư cho thầy.
- Bài thơ Ngựa Trắng của anh Tường Linh chép cho tôi. Anh Thảo nhất quyết bảo tôi phải bình bài thơ ấy theo ý anh!
Bài thơ Ngựa Trắng nay được in toàn văn trong “Thơ Tường Linh- Tuyển tập” Nxb Văn học, quý 3.2011 từ trang 334 đến 336:
Ngựa Trắng
Nỗi nhớ nào ray rứt mãi trong ta
Không thể gọi thành tên không thể nói
Đi không mỏi mà đứng chờ lại mỏi
Giữa rừng người sao vẫn thấy cô đơn
Hỏi gió trăng xưa và em:
Ta đi hay ở
Ngoài ánh mắt ta buồn, em đâu biết gì hơn.
Ta dừng lại buổi đầu Xuân
Mắt cay màu lửa đỏ
Mặt trời đen mà nhiệt độ nóng vô cùng
Ngựa trắng nhìn ta hí buồn run bốn vó
Giữa lúc lòng ta đau đớn vết thương chung
Ta bảo ngựa hãy quay về rừng cũ
Như thuở chưa thuần hóa ở cùng ta
Thương tuấn mã phải sống cùng dã thú
Gió sang mùa gợi nhớ nước non xa
Ta vứt kiếm
Ngựa bơ phờ cất bước
Bờm bạch ngân rung lạnh, gió chiều lay
Ta cố nói tiếng hẹn hò nhưng không nói được
Bóng ngựa nhòa thành những dải mây bay
Từ buổi ấy ta thành người xa lạ
Vì chính em cũng khó nhận ra ta
Bút đã gãy còn đâu thơ phong nhã
Thẹn niềm riêng lây tủi ánh trăng ngà
Rất nhiều đêm, trong mơ… cùng ngựa trắng
Vượt thảo nguyên, áo bạc tắm trăng đèo
Chàng tuổi trẻ chưa biết mùi cay đắng
Hát vang lừng át tiếng thác ngàn reo
Ngựa hí lộng cuối đường vun vút gió
Nền trời khuya sao nháy mắt trông theo
Hồn mong ước đừng bao giờ tỉnh giấc
Vì phương xưa tráng lệ đến vô cùng!
Nhưng giấc ngủ cũng đã là sự thật:
Sự thật biên niên, kinh dị, não nùng!
Mồ hôi đẫm chiếc áo đơn tơi tả
Giường tre thô chật chội đóng khung trời
Gió đô thị gào khuya ghê rợn quá!
Người đã già chưa?
Ngựa trắng của ta ơi!
Tường Linh
Lúc đó anh Thảo bảo tôi đọc bài “Ngựa Trắng” này. Tôi đọc chậm rãi từng câu vì tôi đã thuộc lòng, do bài thơ hay… Tôi vừa đọc hết bài thì anhThảo bảo ngay: “… Đến chừ anh đọc bài thơ ấy mà giọng đọc của anh có vẻ hưng phấn lắm…cũng lạ!”. Tôi giật mình không giải thích gì thêm. Phải nhớ rằng lúc đó là lúc giải phóng mới có 10 năm, suy nghĩ của cán bộ hẳn khác với bây giờ. Điều này không khó giải thích và ai cũng có thể hiểu được.Khi cung cán tạm xong, tôi được cán bộ chấp cung cho phép gặp gia đình trong 10 phút thăm nuôi. Đây là lần đầu tiên - kể từ ngày bị bắt, tính ra được một năm tròn - Thật sự tôi vô cùng xúc động trước những giọt nước mắt trĩu nặng yêu thương của vợ, con và đứa dâu trưởng Bích Vân dành cho tôi. Cũng trong buổi gặp gỡ này, lòng tôi rộn lên niềm đau đớn sâu xa vì má tôi không còn ở Đà Nẵng, mà phải trở lại Sài Gòn sống với em tôi. Mặc dầu tôi tiên cảm điều này khi tôi rời nhà đêm 9.3.1984 nhưng không ngờ sự việc xảy ra sớm đến thế!... Hình ảnh tôi được sống cạnh má 6 tháng trước ngày tôi đi tù, dồn dập trỗi dậy trong ký ức tôi! Làm sao tôi còn có dịp dành dụm tiền thưởng mài dao xén giấy để chiều chiều mua tô mì Quảng mời má ăn! Còn đâu những buổi sáng con lo vệ sinh cho má! Còn đâu? còn đâu?!!! Con đành cam tội bất hiếu với má! Nỗi lòng này má hiểu cho con chăng? ( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét