Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

TỪ HAMLET (SHAKESPEARE) ĐẾN TÀ DƯƠNG (DAZAI OSAMU) : SỐNG HAY KHÔNG SỐNG











    Thời đại Internet , chỉ cần vào Google gõ mấy chữ là có thể có mọi hiểu biết trên đời, có một truyện cười kể rằng :

   Một người vào trong quán rượu  chán nản kêu lên : “I can not find the meaning of my life !” (Tôi không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống !) .Một người khác nói: “ Try on Google! ”(Thử tìm trên Google coi!)


  Chỉ là một truyện cười, nhưng thực tế trong cuộc đời, đã bao lần ta cảm thấy thật chán ngán, giữa cuộc đời mênh mông này,  ta  không biết mình  sống để làm gì, ý nghĩa cuộc sống  ở đâu,  sống thì sống như thế nào cho xứng đáng?

 Và trả lời cho câu hỏi này, chắc không thể chỉ cần vào Google, gõ vài chữ…
  “ To be or not to be ?”_ “Sống hay không sống? ‘’, chỉ một câu mà  đau đáu  trong tâm thức nhân loại  bao đời .

     * * *

     Hãy bắt đầu từ vở kịch Hamlet của đại văn hào thế giới người Anh , William Shakespeare, (1564-1616)  . Hoàng tử nước Đan Mạch, Hamlet, đang theo học một trường đại học ở Đức thì bị triệu hồi về nước vì vua cha đột ngột qua đời . Đám tang vua cha chưa được bao lâu thì diễn ra đám cưới của hoàng hậu với người em ruột của vua, Claudius. Tâm trạng Hamlet rối bời, đau đớn, đầy hoài nghi. Hồn ma của vua cha hiện ra báo rằng ông đã bị đầu độc bởi Claude vì âm mưu tiếm đoạt ngai vàng và hoàng hậu. Chung quanh Hamlet bấy giờ đều là tay chân của Claudius, suốt ngày đêm rình mò từng động tĩnh của chàng. Cả “Đan Mạch là một nhà tù bẩn thỉu, khủng khiếp”. Chỉ còn nàng Ophelia xinh đẹp, dịu dàng,  có trái tim trong sáng. Nhưng tiểu thư Ophelia lại là con gái của nịnh thần Polinius.Không thỏa hiệp với  thực tại, Hamlet quyết định giả điên để tìm ra sự thật  .

       Một ngày, Hamlet mời một đoàn kịch vào cung điện, vở diễn  kể về một vụ mưu sát vua. Đến đoạn gian thần đầu độc vua, Claudius hoảng hốt, bấn loạn , vội vàng bỏ về phòng riêng cầu nguyện . Hamlet theo chân Claudius , biết chắc về tội lỗi của chú ruột mình , chàng cầm kiếm định giết Claudius để trả thù cho cha nhưng rồi lại chần chừ , do dự , rốt cuộc tra gươm vào vỏ. Claudius quyết định ra tay tiêu diệt Hamlet để trừ hậu họa. Hắn cử Hamlet sang Anh với hai người bạn cũ của Hamlet đã bị mua chuộc , họ mang theo một bức thư mật ,trong đó Claudius  yêu cầu vua nước Anh giết chết Hamlet. Nửa đường, biết được sự thật , Hamlet quay trở về Đan Mạch. Trước đó , trong một cuộc nói chuyện với hoàng hậu, mẹ của mình, Hamlet nhìn thấy một  bóng người sau bức màn lay động. Nghĩ  người nghe lén sau màn là Claudius, kẻ giết vua , Hamlet đã dùng gươm đâm hắn, không ngờ  người nghe lén lại là Polinius, cha của Opelia. Đau đớn vì cái chết của cha , lại là do người mình yêu gây ra , nàng  Opelia xinh đẹp lang thang như một người mất trí rồi trầm mình ở một dòng suối.
    Laerteslà anh trai củaOpelia , vốn trước kia cũng là bạn của Hamlet , đòi trả thù kẻ đã giết cha và bức tử em gái mình . Claudius cho Laertes biết đó là Hamlet. Một cuộc quyết đấu bằng gươm đã được sắp xếp giữa Hamlet vàLaertes . Claudius nham hiểm đứng ra tổ chức cuộc thi đấu , quyết tìm mọi cách giết chết Hamlet .Một mặt hắn sai người   tẩm thuốc độc vào mũi kiếm của Laertes, mặt khác , hắn  ngầm bỏ thuốc độc vào chén rượu chuẩn bị  để mời Hamlet _ phòng trường hợp Hamlet là người  chiến thắng .

    Nhưng mọi việc lại diễn biến không như Claudius tính toán. Ở hiệp một , Hamlet   thắng, hoàng hậu uống rượu mừng con, không ngờ  nhầm ly rượu độc. Đến hiệp hai , Laertes đâm trúng Hamlet bằng kiếm tẩm độc . Đổi kiếm, Laertes  cũng bị một mũi kiếm tẩm độc của chính mình.Hoàng hậu ngấm độc , ngã gục xuống rồi chết. Lactor nói với Hamlet âm mưu của Claudius. Cả triều đình rối loạn , nháo nhác. Hamlet giết Claudius  . Kết thúc vở kịch , dàn quân nhạc tiễn đưa linh hồn Hamlet về nơi vĩnh cửu trong khi đại bác vang lên đón mừng vị vua mới.

      Hamlet là tác phẩm mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Shakespeare ,  thời kỳ  ông đã từng trải  hai mươi năm bôn ba chìm nổi . Đó cũng là thời kì xã hội  đang đẻ ra những mâu thuẫn gay gắt chưa từng thấy. Con người lý tưởng của thời đại Phục hưng mà trước đây Shakespeare từng biểu hiện trong các vở kịch của mình dần nứt rạn , tan vỡ.  Một kiểu con người mới  ra đời : đó là con người đau khổ và bất bình trước thực tế phũ phàng của một xã hội đen tối đầy rẫy tội ác, con người băn khoăn muốn đánh giá lại toàn bộ cuộc sống trước mắt nó. Hamlet chính là hiện thân của kiểu người mới ấy:bản  chất thông minh, tư tưởng tự do khoáng đạt, tâm hồn cao quý, tấm lòng nhạy cảm. Xuất thân trong hàng quý tộc mà đã sớm gặp cảnh ngộ đắng cay chua xót, chàng sớm nhìn thấy mặt thật của xã hội, “sự áp bức của kẻ bạo ngược, sự trì chậm của công lý, sự hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài...”, cho nên trước mắt chàng cả thế giới chỉ là “một ngục thất rộng lớn”, và “Đan Mạch này à một ngục thất đáng ghê tởm nhất”. Thực tế phũ phàng của cuộc sống đã làm cho chàng phải đánh giá lại tất cả mọi quan hệ trong cuộc sống - từ tình họ hàng,tình vợ chồng, cho đến tình mẹ con, và cả đến tình yêu. Với Hamlet , vấn đề không chỉ  là nghĩa vụ trả thù và  đòi lại ngai vàng từ tay người chú ruột mà quan tâm hơn là   phẩm giá, lẽ phải  và lối sống con người.Thậm chí, trong cơn giày vò của đau khổ, chàng đã có lúc băn khoăn đặt lại cả vấn đề to lớn nhất: “Sống hay không  sống?” 

  “Sống hay không  sống? là câu nói nổi   tiếng của  Hamlet khi chàng đứng trước những sự thật khủng khiếp  : vua cha bị giết chết , oan hồn của vua cha hiện lên bảo chàng phải trả thù, những tội ác nhơ bẩn của triều đình đầy quyền lực biến tổ quốc thành một nhà tù bị phơi bày . Lúc này hoàng tử xứ Đan Mạch băn khoăn : Sống hay không sống,  và sống thì sẽ phải sống như thế nào khi mà cuộc đời là : the sea of troubles – the slings and arrows – the thousand natural shocks(một biển trời rắc rối - những ná bắn và cung tên – và hàng ngàn những cú sốc).
      Sống hay không sống ? Trong cuộc đời mình , tôi từng chứng kiến cái chết buồn thảm của những người bạn , cả những người thầy …trong nhiều nghịch cảnh .Họ không phải là những kẻ hèn nhát .Nhiều trong số họ là những người giỏi giang , nghị lực , khí phách nhất tôi từng được biết . Sau này, khi thời gian đã khiến mọi sự trở nên cân bằng và mọi sự phán xét cũng công tâm hơn , tôi vẫn nghĩ : giá mà ngày ấy , bạn của mình ,thầy  của mình đừng tìm đến cái chết . Cái chết không , và chưa bao giờ có thể giải quyết được vấn đề.

      Nhưng sống không đơn thuần chỉ là sự tồn tại của thể xác. Sống lặng lẽ , lầm lụi , vật vờ , triệt tiêu mọi cảm xúc …cũng không thể xem là sống. Trong nhiều năm , nhiều  trong chúng ta chọn lựa cho mình cách sống như những con trứng trong những vỏ quả trứng gà , trứng vịt , im lìm ,bất động , dù bên ngoài vỏ trứng có ra sao . Và kết quả là , “sự áp bức của kẻ bạo ngược,sự trì chậm của công lý, sự hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài...” làm cho cuộc sống của chúng ta , của con cháu chúng ta ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

     * * *

      Sống hay không sống ?
      Hàng  mấy trăm năm sau , câu hỏi của Shakespeare vẫn làm hậu thế khắc khoải ! Nỗi khắc khoải mênh mang mà khẩn thiết hiện lên trong nhiều trang viết  của Dazai Osamu.

      Tà dương , đó là  khoảnh khắc khi ánh sáng cuối cùng của một ngày rực sáng , để rồi ngay sau đó , bóng tối đêm đen âm thầm ập tới .  Đó cũng là nhan đề một tác phẩm  được cho là kinh điển  của Dazai Osamu (1909 _1948) , nhà văn Nhật Bản hiện đại .Cuốn tiểu  thuyết được xây dựng trên nền cảnh một  nước Nhật điêu tàn và vỡ mộng sau chiến tranh thế giới lần II, vọng lời bi thương của  Chiêu Hòa Thiên hoàng trong một ngày cuối thu vàng úa ,  : “Hỡi các thần dân yêu quý của Trẫm…”chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh. Cùng với thất trận của nước Nhật là sự xuống dốc của cả một tầng lớp bậc trên  trong xã hội. Gia đình Kazuko gồm ba người: bà mẹ, Kazuko, và cậu em trai Naoji. Ba nhân vật tiểu thuyết, ba số phận cuộc đời nhuốm màu của tà dương theo những cách khác nhau, nhưng đều để lại dư vị đắng chát trong người đọc khi cuốn sách đã gấp lại. Và cả sự khắc khoải ,suy tư trước một câu hỏi đã từng khiến hoàng tử Hamlet phải trăn trở: “Sống hay không sống?”.


     Nhân vật đóng vai tôi ,người kể chuyện ,  nhân vật  đại diện cho khả năng “sống” trong “Tà dương” của Dazai Osamu là  Kazuko. Xuất thân gia đình quý tộc, được đà luyện trong môi trường giáo dục nghiêm cẩn và quý phái, tiểu thư  Kazuko xinh đẹp , kiêu kỳ  ,tinh tế và nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, ham đọc sách và ưa thích thưởng ngoạn nghệ thuật… Có vẻ như Kazuko là một thực thể mong manh, dễ vỡ. Thực ra ,  bên trong cái vẻ mong manh,dễ vỡ ấy của Kazuko là cả một “khối sống” mạnh mẽ. Khi chiến tranh xảy ra ,theo lệnh tổng động viên, Kazuko đào đất, vác đá, xẻ gỗ, làm mọi công việc nặng nhọc như mọi người khác. Sau  chiến tranh, gia cảnh sa sút, ngôi nhà  ở thành phố phải bán đi  để về nông thôn sinh sống,Kazuko cũng sẵn sàng làm tất cả những công việc đồng áng như mọi nông dân  để duy trì cuộc sinh tồn . Nhân vật Kazuko dễ làm người đọc liên tưởng đến Scarlett O’Hara  , cô gái  cương nghị ,đầy sức sống trong “ Cuốn theo chiều gió ’’ của Margaret  Mitchell  .Nhưng nếu bất hạnh của  Scarlett là ở chỗ suốt thời tuổi trẻ Scarlett đã không nhận ra tấm chân tình của Rhett  thì  bi kịch của Kazuko lại vì cô quá lý tưởng  đến mức ảo tưởng vì tình yêu của mình .Vì ảo tưởng  tình yêu, cô gái quý tộc ấy đã vượt qua mọi rào cản , mọi ngăn cách  ngàn đời của lề thói xã hội .Cô yêu và tự nguyện có con với Uehara ,  một người đã có gia đình . Uehara  là một nhà văn ,một học giả , thế nhưng cái vỏ ngoài trí thức ấy không thể  che đậy sự xấu xa của một kẻ bại hoại tư cách từ trong xương tủy mà điểm khởi đầu là  sự thất thời khiến hắn trở nên bê tha .Chứng kiến cảnh Uehara nhếch nhác , bợm bãi trong tửu điếm , Kazuko không thôi ghê tởm nhưng cũng không từ bỏ tình yêu của mình . Trở thành nạn nhân , vật hiến tế cho khát vọng tình yêu của chính mình , đó là lý tưởng hay ảo tưởng , là đáng trách hay đáng thương ? Trong thâm tâm , Kazuko vẫn có niềm hy vọng  đứa con với Uehara  sẽ là điểm tựa , ý nghĩa của cuộc đời  mình .Dù lầm lạc và ảo tưởng , tình yêu của Kazuko với  Uehara cũng chính là động lực cho “khối sống”của Kazuko trong bối cảnh tà dương chập choạng , khi  thực tế cuộc sống đã trở nên quá đỗi khó sống!

     Đại diện cho khả năng “không sống” là nhân vật Naoji, em trai của Kazuko. Cùng trải qua chiến tranh và cùng hứng chịu  những nghịch cảnh của thời hậu chiến nhưng nếu Kazuko đủ dũng cảm  để đối mặt  với hiện tại  thì  Naoji lại không đủ mạnh mẽ để từ bỏ quá khứ quý tộc của gia đình mình. Naoji  yêu mến và tôn thờ mẹ của mình ,trong sâu xa bởi với anh  bà là biểu tượng tuyệt hảo của “quý tộc tính’’: cao sang và tao nhã . Tính cách được thừa hưởng từ gia đình , đặc biệt từ mẹ   khiến anh không thể hòa nhập vào thực tại bề bộn đầy những lỗ mãng và ti tiện .Trong một bức thư gửi  cho chị gái, anh viết : “Em muốn trở nên đê tiện. Em muốn trở nên mạnh mẽ, không,trở nên cường bạo. Em nghĩ đó là con đường duy nhất để có thể trở thành bạn bè của những người thường dân kia… Em phải quên đi nhà mình. Phải phản kháng lại dòng máu của cha. Phải cự tuyệt sự dịu dàng của mẹ. Phải lạnh lùng với chị. Em nghĩ nếu mình không làm thế sẽ không kiếm được chiếc vé để bước vào phòng của những người thường dân kia ".Để hòa vào đám đông , Naoji  lăn lóc trong những tửu điếm, nhà thổ và nha phiến. Trở về từ chiến trường Đông Nam Á , Naoji trở thành một kẻ say sưa , chơi bời , nghiện ngập . Nhưng kết quả không như mong đợi, sự “dấn thân” của Naoji chỉ là một công phu giả dối vụng về, nó khiến anh ngày một thêm căm ghét chính mình và ngày càng trở nên xa cách với nhân gian. Một mặt: “Đối với những thường dân mà nói, em chỉ là một gã kệch cỡm ngạo mạn làm bộ làm tịch mà thôi. Chưa bao giờ họ thấy thoải mái khi chơi với em cả”. Mặt khác: “Rồi còn những người được gọi là xuất chúng và cao quý cũng chán ghét hành vi của em và tẩy chay em” . Tuyệt vọng trong những cố gắng của chính bản thân  mình , mẹ chết , níu kéo cuối cùng với cuộc đời đứt đoạn , Naoji  tự tử .

    Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ có 39 năm của mình , Dazai Osamu đã 5 lần tự tử . Nhiều  nhân vật trong các tác phẩm của ông , phần lớn là tác phẩm có tính chất tự truyện như Tà dương , Thất lạc cõi người , Giã biệt...,đều  hàm chứa một nỗi bi
quan sâu đậm, quan niệm chuyện tự tử như  một phương cách  giải thoát con người khi cuộc sống đã trở nên không chịu đựng được .  Điều này cho thấy sự khắc khoải trở đi trở lại đến bức bối trong kiếm tìm ý nghĩa cuộc nhân sinh của  Dazai Osamu .    Sống hay không sống trong “Tà dương”  là sự nhận thức về một nỗi đau tinh thần  của con người trong xã hội  hiện đại  ở một bình diện mới , một cấp độ mới  : Cái tầm thường ( chứ không chỉ là cái giả dối , cái xấu , cái ác) đang lấn áp , đang bức tử cái cao nhã (chứ không chỉ là cái chân thực , cái đẹp , cái thiện ) . Chấp nhận hay không chấp nhận hiện thực đó ?  Đấu tranh trong sự  vô vọng để chống lại sự tầm thường  hay chung sống , thỏa hiệp với sự tầm thường ?Sống hay không sống với  Dazai Osamu trong cõi người thực ra cũng đều là bi kịch.

      Đó phải chăng là lời giải cho câu hỏi vì sao sau chiến tranh , mặc dù đã vươn lên trở thành một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới , Nhật  lại  có tỉ lệ người tự tử  cao nhất thế giới . Chỉ riêng trong năm 2009 , đã có 32.845 hậu duệ của Thái Dương thần nữ tìm đến cái chết, và mỗi năm chính phủ Nhật phải chi đến 32 tỷ USD cho vấn nạn này .Phải chăng đó cũng là lý do người Nhật  mặc dù sống trong một xã hội vật chất đầy đủ  đến dư thừa ngày càng coi trọng , đề cao hơn những giá trị tinh thần, nhân bản của con người.
      * * *

      Ở Việt Nam , thế hệ chúng tôi , sinh ra và lớn lên trong chiến tranh , từng trải nghiệm những đau khổ và mất mát của chiến tranh , sau chiến tranh hàng mấy mươi năm vẫn chưa kết thúc được những hệ lụy của nó , dẫu đọc hay chưa đọc  Shakespeare hay Dazai Osamu hẳn cũng không ít lần băn khoăn : Sống hay không sống ?

        Với bản năng sinh tồn mạnh mẽ , tuyệt đại đa số chúng ta đã chọn sự sống như một điều mặc nhiên dẫu một đôi khi , không như cây cỏ vô tình , với chúng ta sống còn khó khăn hơn cả cái chết . Và chúng ta , trong những năm tuổi trẻ của cuộc đời mình , cũng từng   nhiều lần mặc nhiên chứng kiến cái giả dối , cái xấu , cái ác tràn lan , nhiều hơn thế , còn chứng kiến những giá trị tinh thần tụt dốc thảm hại khi sự tầm thường  lên ngôi. Nhưng thời gian dẫu chậm rãi nhưng bền bỉ sẽ luôn là chứng nhân cho những gì là giá trị đích thực . Tôi có những người bạn gái chân yếu tay mềm từng đổ mồ hôi , sôi nước mắt đào đất , gánh đá trên công trường thủy lợi Phú Ninh , từng lăn lộn xin xỏ chỉ để được  suốt ngày tối mắt tối mũi làm thợ dệt ở khu Bảy  Hiền , từng hoang mang không biết  nơi nao là nhà , là nơi chốn bình yên cho một phận người  ,thậm chí  từng bị xua đuổi , khinh miệt ...Yếu ớt , mong manh ,  … nhưng vẫn dấn lên từng bước , đấu tranh trong vô vọng với cái chết , với một biển trời cái giả dối , cái xấu , cái ác   , với cả sự tầm thường …Và giờ đây , những người bạn của tôi , sau bao sóng gió lại bình yên bên những trang sách , bên những tấm tranh hay miệt mài bôn ba nơi đầu non cuối bể vì một bức ảnh … Kì lạ thay , tôi thấy ở họ cái vẻ đẹp tươi trẻ tuyệt vời  mà ngay cả khi họ còn ở lứa tuổi thanh xuân , tôi cũng chưa hề được thấy.

     * * *
  “Sống hay không sống. Đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá,những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại những sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?(Hamlet_Shakespeare).

   Khi  nhìn những loài côn trùng với đôi cánh mỏng,những thân cây với những chiếc lá bé nhỏ , yếu ớt , mong manh… , dù khó nhọc ,ngăn trở  thế nào rồi cũng vươn ra được với Ánh Sáng và Sự Sống , tôi luôn như được nhìn thấy nụ cười và câu trả lời mà Thượng Đế trao gửi chốn nhân  gian.


   Sài Gòn 9/3/2014

HÀ THỊ LỆ HÀ K8






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét