Chắc gì đâu giữa vô thường
Ai không một thuở lạc đường, nổi trôi?
Xưa ai cánh nhạn lạc trời
Vì đâu nên nỗi thuyền trôi lạc dòng?
Chuông chùa vẫn giọt hư không
Cỏ cây xưa vẫn thủy chung một màu
Ruộng vườn chẳng lạc gì nhau
Tang thương cũng bởi bể dâu lòng mình
Thơ ai lạc chữ, lạc tình
Ngàn năm Phật vẫn lặng thinh trong chùa
Về ngồi dưới mái hiên xưa
Lặng nghe thánh thót giọt mưa cam lồ.
Nguyễn Văn Gia
Một vài bài khác rất hay khác của ông (Nguyễn Văn Gia):
Trả lờiXóaRỖNG
Cứ nhủ lòng mình
Buông xả thôi
Nhẹ hều như nước chảy mây trôi
Làm sao giữ được
Điều không thể
Chỉ mỗi tay không đã nặng rồi.
NIỀM VUI NHO NHỎ
Hạnh phúc lớn
Ở đâu xa
Niềm vui nho nhỏ quanh ta
Thật gần
Bôn ba chỉ khổ
Tâm
Thân
Càn khôn nằm gọn trước sân nhà mình.
Nếu thấy vui và ông hiện diện nơi đây, xem bài viết này, xin ông luận thêm cho chữ "càn khôn" ông dùng trong câu cuối bài thơ trên: "Càn khôn nằm gọn trước sân nhà mình". Tại sao lại "càn khôn" mà "nằm gọn" ạ?
N. Đ. Khoa
Cám ơn Blog Đông Giang - Hoàng Hoa Thám đã giới thiệu thơ của Nguyễn Văn Gia . Cám ơn bạn Nguyễn Đăng Khoa đã có những hảo ý với những bài thơ mình viết. Thơ đã được phổ biến thì nó thuộc về người đọc . Mỗi bài thơ có một số phận , tự nó sẽ chết yểu hoặc may mắn có một đời sống khác ...Tác giả xin được không can dự vào ...Cách đây gần 20 năm ,mình có đăng một bài thơ trên báo Thanh Niên Chủ Nhật , sau đó chừng vài năm bỗng phát hiện bài thơ đã được phổ nhạc ...và bài thơ lại có thêm một đời sống khác rất tình cờ .Xin tặng Blog ĐG-HHT và bạn Nguyễn Đăng Khoa bản nhạc đó thay cho lời cám ơn. Nguyễn Văn Giahttp://nhacso.net/nghe-nhac/mo.W19XUkVX.html
Trả lờiXóaXin cám ơn tác giả rất nhiều đã phúc đáp cho ạ! Em rất tâm đắc với các câu Anh viết cho: "Thơ đã được phổ biến thì nó thuộc về người đọc. Mỗi bài thơ có một số phận, tự nó sẽ chết yểu hoặc may mắn có một đời sống khác... Tác giả xin được không can dự vào"... Và chúng ta cũng thấy rằng, cái hay trong thơ là một cách bỏ lửng để người đọc tự suy diễn, cảm nhận. Tuy nhiên 2 câu cuối trong bài "Niềm vui nho nhỏ" ấy hay quá, đã khiến cho một đọc giả như Khoa cứ muốn ôm đồm, mổ xẻ:
Trả lờiXóa"Bôn ba chỉ khổ
Tâm
Thân
Càn khôn nằm gọn trước sân nhà mình".
Dẫu biết rằng điều đó là không đúng?!!!
Quay về bài thơ chính "Trở về" mà trang blog này chia sẻ, đọc & nghe lại mối thấy tuyệt làm sao. Các đoạn như:
"Chắc gì đâu giữa vô thường
Ai không một thuở lạc đường, nổi trôi?"
Hay:
"Chuông chùa vẫn giọt hư không
Cỏ cây xưa vẫn thủy chung một màu"
Và cả cái kết độc đáo:
"Về ngồi dưới mái hiên xưa
Lặng nghe thánh thót giọt mưa cam lồ."
Là những đoạn tuyệt bút, như những điểm xuyến cho bức tranh lục bát sáng ngời, cao siêu mà đọc giả chỉ cảm đến, khó bình bằng lời được.
Xin cảm ơn anh đã sẻ chia.
Nguyễn Đăng Khoa
PS: Cũng xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ một bài "Mơ" rất hay đã được chuyển thành nhạc. Dù sao, bài thơ gốc nhiều nguời cứ vẫn muốn đọc & tham khảo luôn. Xin Anh tiện thể chép giúp ở đây cho ạ. Xin cảm ơn trước!
http://vannghequangtri.blogspot.com/2013/07/mo-tho-nguyen-van-gia-nhac-tran-hoang.html
Trả lờiXóaTiện thể, Khoa xin gửi đến đọc giả "http://truongdonggiang-hoanghoatham.blogspot.com" bài thơ hay của anh:
Trả lờiXóaMƠ ...
Chẳng còn đâu
Bóng tre xanh
Quê nhà giờ đã trở thành cố hương
Ngậm ngùi ta
Giữa phố phường
Mơ ...
Mùa trăng cũ
Ruộng
Vườn
Tiếng chim.
(Nguyễn Văn Gia)
Và bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàng Thụy phổ thành ca khúc sau: http://nhacso.net/nghe-nhac/mo.W19XUkVX.html
Xin cảm ơn tác giả và chúc đọc giả blog "Đông Giang" nói riêng và cả những ai vô tình ghé qua trang thơ này những lời chúc vui & bình an.
Thân kính,
N. Đ. Khoa