Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

LUÂN HỒI



Trèo lên triền dốc hỏi cây:
- Bao nhiêu lá rụng đã dày gót chân ?
Thưa rằng:- Muôn nỗi trần thân
Lá rơi lại mọc dưới sân luân hồi

Nhẹ nhàng hỏi vạt mây trôi:
- Thác ghềnh đêm có vọng lời đại dương ?
Thưa:- Mây dong ruỗi dặm trường
Tự nguồn nước đổ về phương sóng ngàn

Nôn nao hỏi giọt trăng vàng:
- Xiêm y mấy lớp, dung nhan mấy mùa ?
Thưa rằng:- Nguyệt tự ngàn xưa
Hết đầy lại khuyết cho vừa truân chuyên

Lặng thầm hỏi gió tịch nhiên:
- Thân ta liệu bước ra miền vần xoay ?
Rằng:- Khua sạch bụi chốn nầy
Thân tâm thạnh tịnh, hiển bày chân như

                                                                                             Huỳnh Văn Mười K7

2 nhận xét:

  1. Nguyễn Đăng Khoalúc 15:48 27 tháng 3, 2014

    Một bài lục bát hay quá anh H. V. Mười ạ!

    Cũng vẫn là một cách tự vấn-đáp, phảng phất hình ảnh của "Chào nguyên xuân" (Bùi Giáng), nhưng đây là cách tự vấn của cả kiếp người. Tựa bài thơ gần như nói lên tất cả. Phải chăng đó cũng là câu hỏi và tự nó cũng đã là câu trả lời?!!!

    Đoạn đầu như một sự gợi mở:
    "Trèo lên triền dốc hỏi cây:
    - Bao nhiêu lá rụng đã dày gót chân?
    Thưa rằng: - Muôn nỗi trần thân
    Lá rơi lại mọc dưới sân luân hồi"

    Và rồi người lại tự vấn với mây ngàn, với thác ghềnh, với đại dương bao la, thăm thẳm:
    "Nhẹ nhàng hỏi vạt mây trôi:
    - Thác ghềnh đêm có vọng lời đại dương?
    Thưa: - Mây dong ruỗi dặm trường
    Tự nguồn nước đổ về phương sóng ngàn"

    Riêng tôi lại thích đoạn tự vấn với nàng trăng, khi tỏ mờ, khi đầy khuyết:
    "Nôn nao hỏi giọt trăng vàng:
    - Xiêm y mấy lớp, dung nhan mấy mùa?
    Thưa rằng: - Nguyệt tự ngàn xưa
    Hết đầy lại khuyết cho vừa truân chuyên"

    Và cuối là những lời tự vấn-đáp, nhưng cái đáp của người đã ngộ:
    "Lặng thầm hỏi gió tịch nhiên:
    - Thân ta liệu bước ra miền vần xoay?
    Rằng: - Khua sạch bụi chốn nầy
    Thân tâm thạnh tịnh, hiển bày chân như."

    Tác giả khéo léo dùng những lời bài lục bát gần gũi nhưng ý tứ thâm thúy, cao xa, bay bổng & rất thơ! Nói không ngoa, bài thơ mang đậm hơi hướng và hình ảnh "thiền tịnh". Liệu rằng có phải chỉ có "thiền" sẽ giúp "thân tâm thanh tịnh", sẽ giúp TA thoát khỏi kiếp "luân hồi" và về với "chân hư" (tiếng phạn: "tathata" hay còn gọi là "Bản vô"), về với cảnh “bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”... để nhận ra rằng: "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô" khi Ngài (Vạn Hạnh Thiền Sư) dùng giọt sương trên cành lá như một lăng kính nhiệm màu để soi sáng "chân như" và... ông đã kết rằng: "Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".(*)

    Vài lời lạm bàn. Có gì sai xin bỏ quá cho ạ!

    PS: (*) Xin được chép lại bài thơ (kệ) đầy đủ của ông như sau:
    Bản gốc:
    示弟子

    身如電影有還無,
    萬木春榮秋又枯。
    任運盛衰無怖畏,
    盛衰如露草頭鋪。

    Dịch âm Nôm:

    THI ĐỆ TỬ
    Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
    Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
    Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
    Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

    Dịch thơ 1:
    DẶN HỌC TRÒ
    Thân như bóng chớp, có rồi không,
    Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
    Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
    Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
    (Ngô Tất Tố)

    Dịch thơ 2:
    Thân như bóng chớp có rồi tan,
    Cây cỏ Xuân tươi, Thu héo tàn.
    Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,
    Thạnh suy như cỏ hạt sương sang.
    (Bản tự dịch của người viết bài này - như cùng sẻ chia với tác giả).

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn anh Nguyễn Đăng Khoa đã có lời bình về bài của tôi. Thật hay và còn cho chúng tôi mở rộng thêm tầm mắt trong lãnh vực thi ca và hán học.
    Đọc đề bài người xem đã biết ngay nội dung.
    3 khổ thơ 1,2,3: Nói về luân hồi của lá ( mọc-khô-rụng-mọc) luân hồi của nước ( mây từ biển- bay về rừng- mưa-nước quay về biển)và luân hồi của trăng( đầy-khuyết-đầy) và khổ cuối : thoát ra khỏi luân hồi của kiếp người. Bài nầy mang âm hưởng Tôn giáo
    Trân trọng

    Trả lờiXóa