Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

ĐI TÌM SỰ TÍCH BÁNH TỔ XỨ QUẢNG

Phan Thanh Minh K9

Đã hẹn trước, sáng mồng 5 tết năm Giáp Thân 1980, bọn tôi học cùng lớp ở Đại học Tổng hợp, quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng có mặt tại ga Đà Nẵng để ra lại Huế theo lịch của nhà trường. Bất ngờ trên chuyến tàu hôm ấy, bạn bè cùng lớp ở Phú Khánh và Nghĩa Bình (tên hành chính cấp tỉnh thời ấy) cũng có mặt khá đầy đủ. Và bất ngờ hơn là chúng tôi gặp lại thầy Võ Quang Nhơn là giảng viên môn Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam ở tận Đại học Tổng hợp Hà Nội, quê ở Quảng Ngãi vào Huế dạy chúng tôi hồi năm thứ nhất cũng đi trên chuyến tàu. Thế là thầy trò chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện, và thầy bảo chúng tôi nếu đứa nào ham thích môn học của thầy thì thầy sẵn sàng giúp đỡ về tài liệu liên quan và có thể đào tạo thành cán bộ nghiên cứu hoặc làm giảng viên về bộ môn này ở miền Trung. Tiếc rằng, khóa trước và cả sau tôi vài khóa, không có sinh viên nào chăm chút môn học này.
Thời ấy, tàu lửa từ Đà Nẵng đến Huế chậm chạp lắm, chừng 100km mà phải mất 5, 6 giờ là chuyện qua bình thường. Thầy trò chúng tôi lại bày biện bánh mứt tết đem theo và mời mọc. Sau này, chúng tôi xem đấy như là “festival” bánh mứt miền duyên hải Nam miền Trung được tổ chức trên một toa tàu lửa. Vừa thưởng thức, vừa được nghe thầy giảng giải vì sao ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đều có bánh nổ nhưng cách thức làm lại khác nhau. Rồi bất ngờ thầy hỏi có em nào đem theo bánh tổ, vì suốt thời gian ở Hà Nội trước ngày đất nước thống nhất, năm nào thầy cũng được những người bạn quê Quảng Nam giới thiệu về thứ bánh mà các địa phương khác không bao giờ có. Không hiểu vì sao trong đám gần mười đứa ở Quảng Nam không có một ai mang theo thứ bánh đặc trưng của quê mình.

Biết chúng tôi sắp có đợt sưu tầm văn học dân gian hơn một tháng ở miền Trung, thầy ân cần giao “nhiệm vụ” phải sưu tầm cho được về sự tích hoặc gốc gác của chiếc bánh tổ và cho thầy xin về tư liệu này.
Lớp tôi gần 60 sinh viên được chia đều thành ba nhóm, một nhóm ở Quảng Trị, hai nhóm ở Quảng Nam. Ở Quảng Nam một nhóm theo thầy Trần Như Uyên và thầy Vương Hữu Lễ về Điện Phương (Điện Bàn), một nhóm theo thầy Tôn Thất Bình về Cẩm An và sau đó ra Cù Lao Chàm. Tôi theo nhóm của thầy Bình. Được lợi thế mình là dân Quảng, nên thầy Bình thường giao cho tôi và Trần Văn An không nhất thiết phải ghi chép theo số lượng đơn vị ca dao, hò vè… để làm cơ sở cho điểm. Hai đứa được thầy chỉ dẫn tìm kiểu kỹ càng về sự tích, lịch sử một số địa danh, đặc sản ở vùng đất mình đang ở, dĩ nhiên trong ấy phải tìm cho được gốc gác hoặc sự tích của chiếc bánh tổ đặc trưng ở xứ Quảng. Thế nhưng, chúng tôi không không tìm được. Khi về lại trường hỏi han, nhóm ở Điện Phương cũng không có lời gải đáp.

Qua năm 1981, cả lớp lại theo thầy Đào Quốc Toàn vào lại Quảng Nam làm chuyến thực tế viết người thật việc thật ở vùng đất này. Kết hợp chuyến đi hơn một tháng ấy, Ty Văn hóa – Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng hợp đồng với Khoa Ngữ Văn về việc sưu tầm vốn văn học dân gian. Thế là chúng tôi được chia ra ở hầu hết các xã thuộc huyện Điện Bàn. Kinh nghiệm hơn lần trước… nhưng đáp số về chiếc bánh tổ vẫn còn bỏ ngõ. Sau này, nhiều lần tôi hỏi nhà nghiên cứu văn học dân gian xứ Quảng là Nguyễn Văn Bổn, người hướng dẫn cho đợt sưu tầm ở Điện Bàn và cũng là nhân vật chính biên soạn sách Văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng cũng không có đáp số.
Hầu như mỗi độ xuân về, báo chí và các đặc san thường hay giới thiệu các đặc sản của từng địa phương. Nói đến Quảng Nam đã có quá nhiều bài viết về bánh tổ. Nhưng để tìm cho được những chi tiết về lai lịch của nó…, đến nay vẫn chưa có bài viết nào thật sự thuyết phục. Bạn tôi là Phạm Hữu Đăng Đạt, nhà nghiên cứu văn hóa đất Quảng, có nhiều công trình in thành sách, nhiều bài viết đăng báo, được bạn đọc khắp nơi mến mộ về những trang viết của mình, trong đó có cuốn sách Hương vị Quảng Nam rất lý thú về các món đặc sản ở quê nhà. Về bài viết bánh tổ khá chi tiết về cách thức làm, vài giai thoại liên quan, ý nghĩa của nó có trong dịp tết… Riêng về câu chuyện những chiếc bánh tổ được xem như là thứ lương khô của những người dân xứ Quảng theo chân đội quân hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc, đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh hồi tết Kỷ Dậu 1789, theo tôi là chưa đúng lắm. Chuyện này tôi đã cùng anh trao đổi, vì rằng, sau khi lên ngôi, hoàng đế Quang Trung đã quyết định hành quân thần tốc, chỉ dừng lại ở Nghệ An chiêu mộ thêm binh, rồi về Tam Điệp chỉnh lại đội hình, hẹn ngày mồng bảy sẽ ăn tết ở Thăng Long … thì làm gì có chuyện về Quảng Nam lấy thêm lương thảo. Nói điều này để biết rằng, chuyện quân lương, hậu cần dưới trướng vị tổng chỉ huy Nguyễn Huệ được chuẩn bị rất kỹ càng.

Bánh tổ là đặc sản ở Quảng Nam là rõ rồi, vì các địa phương khác không có. Đặc biệt hơn, nó là sản vật không thiếu trên bàn thờ mấy ngày tết, sau khi đưa tiễn ông bà mới được lấy xuống làm thức ăn sau tết (ngày nay thì khác, ở Hội An, bánh tổ xuất hiện quanh năm, là thứ quà ngọt ngào cho du khách). Có lẽ nó mang tên là “bánh tổ’ vì hình dáng giống với tổ chim, người Quảng còn gọi là “ổ”. Sâu xa hơn, liên quan đến câu thành ngữ “chim có tổ, người có tông”, nó hiển nhiên là lễ vật dâng lên ông bà, Tổ tiên.
Mong rằng ai đó biết được sự tích hoặc lai lịch của chiếc bánh đặc trưng của xứ Quảng này thì thông tin cho bạn đọc biết đến.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét