Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG




Thầy giáo- Nhà Sử học Hoàng Đình Hiếu 
Trước đây chúng tôi vinh dự được thầy Hoàng Đình Hiếu gửi tặng cuốn sách Sông Gianh - Đàng Trong- Giáo Hạt Quảng Bình, thầy viết chung với Ông Nguyễn Thế Hùng ( Ông Nguyễn Thế Hùng hiện đã qúa cố ) dịp nầy chúng tôi đã có 1 entry viết về Thầy“ Hãy cho tôi sống lại những ngày xưa thân ái” ( hoặc TẠI ĐÂY)
Hôm nay nhân dịp chị Phạm Thu Nhi về thăm mẹ, Thầy có nhờ chị mang cuốn sách Chúa Tiên Nguyễn Hoàng do Thầy là tác giả gửi tặng chúng tôi.  



 Cuốn sách được xuất bản nhân dịp 400 năm ngày giỗ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nhà sử học Hoàng Đình Hiếu xuất bản cuốn biên khảo "Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Sáng Tổ Vương Quốc Nhà Nguyễn". Một cuốn biên khảo giá trị, được LM Nguyễn Phương, Nguyên Giáo sư Sử Học Viện Đại Học Huế đánh gía cao từ khi còn là bản thảo, và xin trích lời bạt của nhà sử học Võ Văn Dật ( bút hiệu Võ Hương An)
"Với tác phẩm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tác giả Hoàng Đình Hiếu đã giúp bổ sung những thiếu sót của người cầm bút trong quá khứ, giúp sửa lại những cái nhìn thiên lệch đã có, xoá đi sự đánh giá thiếu công bình đã thể hiện, để làm hiển hiện lên một huân nghiệp, một tài năng, một công trạng to lớn của Nguyễn Hoàng đối với tổ quốc. Tác giả Hoàng Đình Hiếu đã chọn một đề tài tương đối khô khan, ít tài liệu, nhưng với mục đích: Cái gì của César trả lại cho César. Bằng một phương pháp làm việc đầy bài bản của một người được đào tạo chính qui về sử học, bằng một văn phong trong sáng, đôi lúc pha chút dí dỏm nhẹ nhàng, tác giả Hoàng Đình Hiếu đã đặt vào tay độc giả tác phẩm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng một cách trang trọng và thật đáng tin cậy."
Sách dày 424 trang, gồm 10 chương, khổ 13.7 cm x 19 cm do Tủ sách Sông Gianh- Quê Hương Bọ Mạ xuất bản.
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ lịch sử mở mang bờ cõi khi Nguyễn Hoàng đến trấn nhậm vùng đất Thuận - Quảng với chức vụ khiêm tốn là một quan viên Trấn Thủ, nhưng Nguyễn Hoàng đã biết nhìn xa trông rộng để xây dựng một giang sơn mới cho dòng họ của mình, đồng thời mở rộng biên cương cho tổ quốc mà ông đang phục vụ và yêu mến. Nguyễn Hoàng đã mở đầu một giai đoạn Nam tiến mới trong lịch sử dựng nước của Việt nam mà con cháu ông đã liên tục nối chí mở rộng về phía Nam. Như Thầy đã viết " Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho chúng ta thấy cần thiết phải biết rõ hơn về sự nghiệp trong vai trò của một người lãnh đạo, đã tiên phong đặt những bước khai phá về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, tôn giáo cũng như an ninh lãnh thổ, xứng đáng được nhân dân yêu mến và kính trọng khi tôn xưng Nguyễn Hoàng là vị Chúa tiên".
Thế nhưng cho đến ngày nay đáng buồn cho một số người chưa hiểu biết về lịch sử, chưa hiểu biết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng có công lao với đất nước...Nên sau 1975 người ta xóa đi những gì ghi công ơn đối với Ông như trường Trung Học Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị ( một ngôi trường có tiếng tăm ở Quảng Trị thành lập từ năm 1953-1954 mang tên Ông), người ta xóa đi tên Ông để đặt lại tên trường TH Thị Xã Quảng Trị!?
oOo

Có thể CHS chúng ta, những người từng là học trò của thầy Hoàng Đình Hiếu nhưng chưa biết hết về Thầy, nhân dịp nầy chúng tôi xin được giới thiệu về Thầy :
Thầy tên thật: Hoàng Đình Hiếu
Sinh quán Hòa Ninh, Quảng Trạch, Quảng Bình
Bút hiệu Nghiêm Đức Thảo
Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa Giáo Khoa Sử Học, Đại Học Văn Khoa Huế năm 1966.Trình Luận án Cao Học Sử tháng 3.1975 tại Viện Đại Học Huế do cố Giáo sư Dương Đình Khôi bảo trợ.
Dạy học tại Đà Nẵng từ năm 1965-1975.
Tại các trường Trung học Sao Mai, Trung học Đông Giang, Nữ Trung học Hồng Đức, trường Kỹ thuật Đà Nẵng, Nữ Trung học Thánh Tâm
Đã cộng tác với các Tạp chí Định Hướng( Paris).Tiếng Sông Hương(Dallas).Thế Kỷ( CA). Xưa và Nay (Saigon)…Đã xuất bản ( Sông Giang. Đàng Trong. Giáo Hạt Quảng Bình năm 2004 ( viết chung với thân hữu đã quá cô Nguyễn Thế Hùng)
Chủ biên các Tuyển Tập: Quê Hương Bọ Mạ I (1994). Tuyển Tập II (1999). Gia Đình Thánh Tự Hải Ngoại ( 2007). Cộng tác với Hội Vinh Băc California trong: Tuyển Tập 25 năm ( 1980-2005). Tuyển Tập 30 năm (1980-2010). Cộng tác và sinh hoạt với cố Linh mục Trần Cao Tường trong Website Văn Hóa Dũng Lạc (dunglac.net).

Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu Phần Lời Nói Đầu cuốn sách để Thầy Cô, anh chị biết thêm về quá trình hình thành cuốn sách từ tập bản thảo luận án Cao học sử từ trước năm 1975 mà các con Thầy đã lưu giữ cho đến tháng 4 năm 1991 mới có dịp mang qua cho Thầy ở Mỹ trong chuyến đoàn tụ. Mời Thầy Cô và anh chị đón xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét