Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - VẬN NƯỚC VẬN NGƯỜI



Tôi được nhận nhiệm sở mới ở một trường tiểu học tại một quận lỵ thuộc tỉnh Quảng Trị để thay thế một đồng nghiệp, Trần văn H, đang giữ chức vụ hiệu trưởng của trường nầy sắp lên đường nhập ngũ theo luật tổng động viên lúc bấy giờ, khoảng 1963.

Tôi được biết đây là một đồng nghiệp thứ hai của trường này sẽ lên đường nhập ngũ. Rất bất hạnh cho người tương nhiệm thứ nhất cũng đã lên đường cách đây vài năm nhưng đã không có ngày trở về, bà mẹ phải đi nhận xác con bằng những nắm xương với nỗi tang thương tột cùng. Lên đường khoác áo chinh y mấy ai không lo đến tính mạng của minh, hơn thế nữa, khi nhớ đến người tiền nhiệm, chắc H càng lo nghĩ nhiều hơn, đặc bìệt là người vợ mới cưới của H, chị P. Chị vừa mới mang thai, trong tình trạng nầy chị càng lo lắng cho chồng và cũng lo cho chính mình sẽ bị hẩm hiu trong ngày sinh nở sắp tới, rồi đứa con chào đời chẳng có mặt cha.

Giữa chúng tôi rất thân nhau như anh em ruột, vi thế chị P nhờ tôi xem chữ ký cho chị, tôi tìm cách từ chối vì như ông bà ta thường nói “quét nhà thì ra rác”, nhưng vì sự lo lắng, chị cứ yêu cầu tôi coi chữ ký hoài, cuối cùng tôi cũng phải coi chữ ký cho chị. Chính tôi cũng không biết vì sao mà vào lúc ấy tôi lại có thêm “cái nghề tự phát” coi chi tay và chữ ký khá uy tín! Đúng là quét nhà thì ra rác, những nét trong chữ ký của người vợ đang lo cho chồng ấy đã chỉ cho chị ta biết lả khoảng tám hay chín tháng nữa chị sẽ có tin buồn, tuy nhiên, tôi chỉ nói là có tin không được vui thôi để chị bớt lo lắng.
Thời gian trôi qua, vào một ngày tôi đi dự họp tại ty tiểu học tỉnh Quảng tri, có dịp gặp lại chị P, chị ta đang làm việc tại tòa hòa giải tỉnh. Trông nét mặt của chị rất buồn bã, chị cho tôi hay là anh H đã bị mất tích, tôi cảm thấy bị đau nhói cho người bạn! Trông chị ta gầy hẳn đi với cái bụng đã khá to. Chị nói tiếp, em mới hay tin nầy ba ngày qua, đúng như anh nói trước đây, tin nầy đến với em đúng vào ngày mà anh H lên đường cách đây tám tháng năm ngày, em quá lo, em chi cầu cho anh H chỉ bị bắt thôi thì cũng hy vọng sẽ có ngày về. Rồi chị lại nhờ tôi xem chữ ký một lần nữa. Qua chữ ký, tôi quả quyết với chi rằng anh Hưng còn sống, có lẽ đã bị bắt thôi và rồi anh chi hy vọng sẽ gặp lại nhau trong tương lai tuy chưa biết là lúc nào.

Bặt đi một thời gian rất dài sau khi vận nước đã hoàn toàn thay đổi và cuộc sống cuả bao nhiêu người cũng đã đổi thay, tôi lại gặp chị P tại Sài Gòn khi chị đang bôn ba với chợ búa tại đây. Chúng tôi lại gặp nhau trong đổi ngạc nhiên và rất mừng rở. Qua vài lời hỏi thăm nhau về những thăng trầm của cuộc sống, chị P chỉ về phía một cậu thanh niên đang ngồi trên yên của một chiếc xich lô, chi nói: đây là cháu Trung con em, em đã mang thai nó từ ngày anh H anh đi nhập ngũ, cháu nó đã 20 tuổi rồi đó anh. Tôi nhớ ra rồi, hồi đó tôi đã đoán chữ ký cho chị nhưng không đoan chắc rằng chuyện buồn sẽ đến với chị là sẽ có vấn đề về thai nhi mà chị đang có hay về vấn đề gì cho anh H, chồng của chị. Tôi nói:
-Ồ, cháu lớn thế rồi há chị?
-Dạ, đã 20 năm qua rồi anh! chị nói.
Thời gian qua mau quá, mới đó mà đã 20 năm, nghe như trong tiểu thuyết. Nhắc đến 20 năm trứớc, tôi sực nhớ đến H, liền hỏi chị P:
-Ồ, chị có nghe tin tức gì về anh H không?
Nét mặt chị trở nên buồn, tôi nghĩ chắc anh H đã ra người thiên cổ. chị chậm rãi nói:
-Đúng như lời anh nói trước đây, chúng em đã gặp lại nhau.
-Thế thì hạnh phúc lắm rồi, tôi chúc phúc cho anh chị.
Ngờ đâu chị lại nói: Chúng em chỉ gặp lại nhau thôi nhưng không còn ăn ở với nhau, không còn là vợ chồng nữa. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi ngay: Sao vậy chị, anh H đã có vợ khác trước khi gặp lại chị? Không phải đâu anh, chi ngập ngừng năm ba giây rồi nói: Em đã tâm nguyện là sẽ đợi anh H dù bao lâu em cũng vẫn chung thủy dù cho đến già cũng đợi, chị thở ra rối nói tiếp, nhưng em đâu có ngờ anh Hưng lại….Anh Hưng nay là một cán bộ học vụ tại huyện Hương trà, tỉnh Thừa Thiên.
-Thế thì có sao đâu chị, tôi nói
-Nhưng đối với em, đó là một chuyện rất lớn!
Tôi chỉ biết an ủi chị: Thôi, chị đừng buồn nữa, bên cạnh chị còn có cháu Trung, và rồi chị cũng còn có cơ duyên đề xây dựng lại tổ ấm với một ai đó, mỗi người đều có phận mạng riêng cả, có ai dám tự hào là mọi việc đều do tài năng của mình tạo nên đâu. Sau này, tôi được biết rằng H đã được thăng quan tiến chức!

Trở lại công việc của tôi tại trường nầy. Tình cảm cùa phụ huynh và học trò ở đây rất đáng quí mến. Tôi được một phụ huynh cho ở một ngôi nhà ngói ba căn ngay tại khu phố của quận lỵ. Với ngôi nhà nầy rất tiện cho các đồng nghiệp xa nhà cưôi tuần về đây nghỉ ngơi. Có một hôm, một bô lảo, là phụ huynh của một học sinh lớp tôi, đến thăm.
-Ông hỏi: Có phải đây là nhà cuả thầy hiệu trưởng không cậu?
Tính tôi thường hay đa nghi, không biết ông là ai đây lại gọi mình bằng cậu nên thoạt nhiên tôi trả lời:
-Dạ thưa đúng, nhưng thầy đi vắng đâu đó rồi, xin ông ngồi đợi. Tôi cảm thấy hối tiếc vì đã lở lời như thế nên giử im lặng và không dám nói gì thêm. Thấy tôi đang loay hoay với mấy quyển sách, ông hỏi:
-Năm nay cậu đã chuẩn bi để thi trung học chưa?
-Dạ, cháu đang chuẩn bị, tôi phải trả lời như thế cho qua chuyện.
-Ông noí tiếp: cậu trông vẻ thông minh, cậu sẽ có địa vị sớm. Nghe vậy tôi chỉ dạ, và cám ơn ông. Sau đó, thấy ông có vẻ nôn nóng va hỏi tôi là cậu có biết bao lâu nữa thầy sẽ về không? Tôi cảm thấy hối hận vì đã nói dối nên đã trả lời một cách rất lễ độ:
-Dạ, thưa bác, chính cháu là thầy Q đây ạ!
Ông lảo trở nên lúng túng và nói một cách ấp úng, tôi…tôi xin lổi thầy vì tôi không biết, xin thầy bỏ qua cho…
-Dạ, chính cháu mới là người phải xin lổi vì cháu đã không dám nói thật với bác.
Rồi ông tiếp: Thầy cho phép tôi ra ngoài nầy một lát và tôi sẽ trở trở lại, rồi ông đi ra ngoài chợ. Tôi ngơ ngác không hiểu tại sao ông ta bỏ đi khi mình đã nhận mình là người mà ông ta đang muốn gặp. Khỏang gần 30 phút sau, ông lảo trở lại nhà tôi, trên đôi tay khệ nệ một cái khay đựng cau trầu (đã têm rồi), một xị rượu trắng và hai caí ly, ông đặt tất cả lên chiếc bàn ở phòng khách, ông rót rượu vào hai cái ly và nói với vẻ trịnh trọng:
-Thưa thầy, tôi là ông nội của học sinh tên Nguyễn Đức Thái, cháu nó là học trò của thầy. Nghe tiếng thầy đã lâu, nay tôi mới đến thăm thầy được, xin mời thầy uống với tôi một ly rượu và ăn với tôi một miếng trầu.Tôi rất đổi ngạc nhiên và nói:
-Cháu xin cám ơn bác đã đến thăm cháu, sao bác phải làm như thế nầy cho phiền hà bác.
Vào thời buổi ấy, thế hệ trai trẻ như chúng tôi làm sao biết thưởng thức những thứ như cau trầu và rượu đế!

Qua lối cư xử trên của một phụ huynh học sinh đã nói lên cái phong hóa tôn sư trọng đao của dân mình dưới một xã hội nho phong rất đáng kính trọng. “Có trọng thầy mới đáng làm thầy”, nhưng người thầy cũng phải giữ đúng tư cách của một ông thầy mới được hưởng sự kính trọng ấy. Chúng ta đâu có trông mong một hình thức nghi lễ như thế mà chỉ cần một sự tương kính giữa học đường va phụ huynh ở một mức tương đối nào đó cũng đã là một niềm vui cho thiên chức của một nhà giáo, liệu ở xã hội Việt Nam ngày nay có còn được điều mong ước ấy hay không!

Thấm thoắt đã ba năm phục vụ tại ngôi trường này, nay tôi cũng giống như hai đồng nghiệp trước, cũng phải khăn gói lên đường. Sự lên đường nhập ngũ của tôi làm cho ba mẹ tôi lo lắng. Mặc dầu đã biết cái gương rủi ro của hai đồng nghiệp trước đây, tuy nhiên với cái tuổi trẻ của một thanh niên, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến những gian nguy trên chiến trường, chỉ biết minh phải làm tròn bổn phận của một người trai như những đồng nghiệp cuả tôi trước đây và cũng như biết bao nhìêu chàng trai cùng thế hệ với chúng tôi hồi ấy, vì đó là bổn phận của tuổi trẻ đối với đất nước đang trong cơn binh lửa.

Sau chín tháng trần ai ở quân trường, tôi chọn về bộ tư lệnh Quân Đoàn I (đó là quyền lợi mà tôi có được trong quân trường), ba me tôi rất mừng, nhưng theo lệnh trên tôi phải ra chiến trường it nhất là sáu tháng mới đươc trở về lại BTLQĐ. Ở chiến trường tôi đã từng đối diện với biết bao nhiêu cảnh huống nguy nan tưởng như mạng sống đã đi đon từ lâu rồi. Có ba lần thoát nạn trên máy bay: Trên một chiếc Caribu bay từ Ban Mê Thuộc về Đà nẳng, có lẽ vì máy bay bay ở độ khá thấp nên bi bắn trúng năm viên đạn súng trường hay thượng liên, có một viên xuyên thẳng đứng từ đáy máy bay băng qua trước mặt tôi, tuy một hộp điện nào đó bị bắn trúng làm cho phi công không còn liên lạc được với các nơi liên hệ nhưng máy bay vẫn về đến Đà Nẵng an toàn; lần thứ hai, cả một đại đội trên một chiếc trực thăng H46 mà tôi là con chim đầu đàn từ hành quân vùng A-Sao, A-lưới về Đông Hà, máy bay bay theo các sườn núi nên bị một loạt đạn thượng liên nhắm vào con tàu, nhưng rất may là loạt đạn ấy đã “chê” chiếc tàu; Lần thứ ba, vì đến trể giờ hẹn chừng mươi phút để lên vùng hành quân cùng với ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng cùng với một số sĩ quan khác mà tôi đã thoát chết vì chuyến đi ấy chiếc trực thăng đã đâm vào núi vì thời tiết xấu! Còn trên chiến trường thì rất nhiều pha thập tử nhất sinh, có một lần toàn bộ chỉ huy của tôi bị bao vây, ngồi dưới một miệng hầm, đem hình ảnh người thân ra coi lần cuối trong lúc hai băng đạn trong khẩu carbin M2 sẵn sàng nhã đạn trong tuyệt vọng. Và còn bao nhiêu cảnh nguy nan khác kể làm sao cho hết. Hơi dong dài về đời lính một chút để chiêm nghiệm về cái “số” của mỗi con người, trong hoàn cảnh nầy tôi đã có số “rất” may. Khi về làm việc tại BTL/QĐI tôi nằm chắc 90 phần trăm là thoát được cái vận xui của hai đồng nghiệp trước đây!

Đã trả xong nợ chinh y khoảng bốn năm, tôi được trở laị chốn học đường. Tôi được dạy ngay tại tỉnh lỵ Quảng Trị. Qua một thời gian chừng hai năm tôi đã có đủ những điều kiện để lên dạy trung hoc. Thành phần giáo chức biệt phái của chúng tôi được ưu tiên chọn mhiệm sở mình thích. Trường Đông Giang là nơi rất thích hợp cho tôi và tôi đã chọn về đây. Hai chữ Đông Giang nghe thật thơ mộng, tuy không sánh bằng trường Phan Châu Trinh, tuy vậy, trong mắt tôi đây là một ngôi trường khá lớn và xinh đẹp trên một vùng đất đầy hứa hẹn trong tương lai. Về dạy ở đây, tôi cảm thấy rất thoải mái vì tất cả đồng nghiệp rất vui vẻ và quí mến nhau. Những đồng nghiệp ngày đó nay tôi chỉ nhớ tên rất ít, quý đàn anh như anh Nguyễn Bang, anh Trần Ngọc Thành và một số ngang ngang tuổi nhau như anh Nguyễn Đức Bạn, anh Trần Minh Trung, anh Trần Văn Anh và cô Dương Thị Ngọc, còn rất nhiều vị khác nữa nhưng không sao nhớ nổi vì quá lâu và cũng vì cái tuổi ngoài thất thập… Riêng thầy Hồng, hiệu trưởng, là con chim đầu đàn làm sao tôi quên được, cho đến hôm nay tôi vẫn nhớ thầy qua những nụ cười thân thiện. Học sinh ở đây rất ngoan, chăm chỉ và trình độ khá đồng đều, tuy nhiên cũng có một số em rất xuất sắc.

Trong mùa thi cử năm 1972, tôi được phân công làm giám thị kỳ thi tú tài phần một tại trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Trong lúc đang coi thi, có một đồng nghiệp nói với tôi: “Tôi biết trong những phòng do anh phụ trách có một nữ thí sinh là vợ của một đông nghiệp của chúng ta, anh T, dạy ở một trường trung học tại tỉnh Quang Trị, anh ấy đã qua đời trong mùa hè đỏ lửa vừa qua, nếu có thể được, anh nên giúp đở cho chị ta…”. Theo lời người bạn, tình trạng gia đình của chị hiện nay rất khó khăn, chồng qua đời để lại một đàn con nheo nhóc, chị rất cần có một mảnh bằng để may ra kiếm được một việc làm tương đối để nuôi đàn con ấy. Nghe như vậy ai lại không cảm thấy xót xa cho đồng nghiệp! Biết rằng sự giúp đở trong thi cử là một việc rất khó khăn vì điều luật của BQGGD rất nghiêm khắc, tuy vậy, vì thấy hoàn cảnh rất đáng thương của đồng nghiệp, tôi quyết định dò tìm chị ta đang dự thi tại phòng nào rồi sẽ tính sau. Khi đi vào phòng bên cạnh, đưa mắt nhìn lướt qua, thấy một thiếu phụ trên đầu có chít vành khăn tang, may thay, chị ta ngồi ở dảy ghế sát với lối đi nên rất tiện cho tôi đến gặp. Khi đứng trước mặt chi, tôi hỏi: “xin lổi chị là chị T?” chị chỉ dạ một tiếng rất nhỏ rồi hai hàng nước mắt của chị rưng rưng ra từng giọt trên đôi gò má làm cho tôi rất xúc động, trong lúc đó những cặp mắt của các thí sinh chung quanh nhìn về chúng tôi, tôi cảm thấy hơi lúng túng, và phải bỏ đi với nổi ân hận là đã không giúp đở gì cho chị vì phải tôn trọng luật lệ thi cử. Trong lúc ấy, đầu óc tôi cứ suy tư miên man về đất nước của mình đang đắm chìm trong khói lử thì không chỉ một đồng nghiệp của tôi phải ra đi mà biết bao nhiêu gia đình khác đã phải sống trong nước mắt đong đầy. Ôi cũng là vận nước, vận người!

Và ngày nay có cả hằng triệu người Việt có một quê hương thứ hai ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi một đợt di dân vĩ đại chưa từng xẩy ra trong lịch sử của chúng ta, âu cũng vì vận nước đã đổi thay một cách lớn lao như thế!

Nguyễn Chánh Đức
(Arizona, 02/02/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét