Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - BA ĐIỀU ƯỚC

1. Mơ ước được xem cinema tại nhà.
Tôi được chuyển về trường Đông Giang năm học 1972-1973. Trường Đông Giang gần biển, rộng rãi, thoáng mát nên nhiều lúc đến giờ ra chơi tôi không xuống phòng giáo viên mà đứng trên lầu ngắm cảnh. Bên kia sông Hàn lâu đài, nhà cửa san sát, người đi lại tấp nập, nhưng bên quận 3 đẹp cũng chẳng kém gì.
Ừ, nhanh thật, năm 1946 tôi từ Huế vào Đà Nẵng. Hồi ấy, Chiến tranh Thế giới lần II vừa chấm dứt, thành phố Đà Nẵng rất tiêu điều,buồn bã. Vừa qua khỏi sân vận động là gặp ngay một bãi tha ma lớn, ngày nay là chợ Cồn.
Ở quận 3, sát bờ sông cây cối um tùm, lác đác có vài ngôi nhà. Bên kia đường Ngô Quyền, toàn là cát trắng. Người dân Đà Nẵng bấy giờ còn sống vất vả, không biết cinema là gì. Cả thành phố Đà Nẵng chỉ có một rạp cinema Morin ở đường Trần Phú, đa số người xem là người Pháp.

Đến năm 1950, tôi lên 10 tuổi, xóm tôi có ông “làm lớn” mượn được máy chiếu cine về xem, những trẻ em trạc tuổi tôi đều đến xem, ngồi ngay giữa đất. Hồi đó tôi ngồi xem mà lòng mơ ước: chính mình hay anh em, bà con mình được làm lớn để mượn máy chiếu cine về nhà xem.
Sau này tôi đi dạy, năm 1968 gia đình tôi mua cái tivi đen trắng Denon. Tôi được xem cine tại nhà, xem ca nhạc, nhiều thứ nữa. Hiện giờ xem tivi màu với đề tài phong phú, ngồi ở nhà có thể xem các trận đá bóng thế giới, xem thi hoa hậu. Tôi rất sung sướng.
Thế là ước mơ thứ nhất của tôi đã được toại nguyện .

2. Mơ ước không đi làm mà được lãnh lương hàng tháng.
Sau 1975 cuộc sống có phần thay đổi, mỗi tháng mua được 20kg gạo, ½ kg thịt…Muốn mua thứ gì cũng phải xếp hàng, nộp tem phiếu. Con còn nhỏ nên cuộc sống rất vất vả.
Có lần một bà phụ huynh học sinh là nhân viên cửa hàng lương thực báo: có gạo ngon về. Tôi phải nghĩ ngay đến việc đi mua gạo sớm. Tôi dặn chồng tôi: “Mai kêu em dậy sớm 4 giờ để mua gạo ”. Bốn giờ sáng chồng tôi gọi: “Dậy mà đi, dậy mà đi ơi đồng bào ơi !”. Trời còn tối, con còn nhỏ, không thể để ở nhà mà đi được nên vợ chồng tôi phải bồng con theo . Thế là cả nhà đều đi mua gạo .Khi đi tôi thấy trời còn sớm, đường không có ai. Tôi nghĩ không được xếp thứ nhất thì cũng thứ nhì …Vậy mà lại xếp tới thứ mười mấy!
Đến cửa hàng lương thực, người ta đã xếp cao 2 chồng giấy ghi tên (chưa góp sổ vì sợ mất).
Ôi, có ai thấu hiểu lòng tôi lúc này? Hồi ấy, những người đi làm các cơ quan đa số còn trẻ, rất ít người già.
Tôi là giáo viên lưu dung nên vấn đề nghỉ hưu tôi không bao giờ nghĩ đến, cuộc sống quá vất vả.
Tôi mơ: ước gì không đi làm mà có tiền ăn hàng tháng.
Sau này có sự đổi mới, cuộc sống dễ dàng hơn. Năm 1996 tôi về hưu, có lương hưu, tuy rất ít nhưng cũng vui.
Thế là mơ ước thứ hai của tôi cũng đạt được.
3. Mơ ước giải thích được câu ca dao của xứ Huế quê mình: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong”.

Năm 1995, tôi không còn sắp hàng mua các thứ gạo thịt mắm muối, không còn đun nấu bằng củi, trấu, mạt cưa….Con tôi học Đại học ra trường, kinh tế đổi mới, gia đình tôi “chơi sang” dùng nồi điện, bếp gas…nên tôi rảnh rỗi. Tôi mua một quyển Kiến thức Ngày Nay về đọc, trong đó có bài “Đất sét trắng Hậu Giang” của Giáo sư _Tiến sĩ Trần Kim Thạch.
Ồ, tuy không gặp thầy, mới thấy tên thầy mà lòng tôi đã vui mừng vô hạn. Tôi áp quyển Kiến thức Ngày Nay vào ngực, nhắm mắt nhớ lại những kỷ niệm, ký ức về thầy_ người thầy vô cùng yêu quý, đáng kính trọng của tôi .Thầy dạy môn “Nham thạch học” tại Đại học Sài Gòn, thỉnh thoảng một hai tháng tháng thầy lại về dạy Đại học Huế hai tuần. Sau mỗi lần dạy lúc nào thầy cũng trò chuyện với sinh viên về học hành, khoa học thế giới. Thầy nói: “ Ở các nước tiến bộ, mỏ kim loại, khoáng chất khoảng 25%, người ta đã khai thác. Ở Việt Nam ta ,mỏ 40% trở lên vẫn đạp dưới chân.”
Bấy giờ tôi đang lấy chứng chỉ cuối cùng của Cử nhân Vạn vật. Thấy tôi đi học chuyên cần, chăm chỉ, thầy nói xong Cử nhân Vạn vật thầy sẽ hướng dẫn tôi làm luận án thạc sĩ. Ưu tiên lắm mới được thầy hướng dẫn. Thế mà tôi nói: ’’Dạ thưa thầy, con theo thầy không nổi, con nghe nói thầy nghiên cứu khoa học ngày nào cũng mười hai giờ khuya mới đi ngủ, bốn giờ sáng lại dậy nghiên cứu tiếp”. Thầy hỏi:’’ Thế cô ngủ mấy giờ? Dậy mấy giờ? ’’.Tôi nói : “Dạ ăn cơm tối xong con nghỉ một lát rồi con đi ngủ. Sáng mai chị bán xôi bắp đến con dậy ’’. Các sinh viên và thầy đều cười: ’’Ai cũng như chị thì thành phố Huế không có tiệm bán đồng hồ.”
Đấy là buổi học cuối cùng – Buổi học ấy thầy trò nói chuyện rất lâu.
Thầy nói:” Sau này ra trường các anh chị cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để giải thích câu ca dao rất phổ biến của xứ Huế:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo.
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong.
Thầy gợi ý, trước hết các anh chị phân tích trong nước mưa có những chất gì ? Rồi nghiên cứu các nham thạch ở lòng giòng sông An Cựu…
Nhưng khi ra trường sinh viên nào cũng lo bận bịu kiếm sống ,chẳng ai còn quan tâm đến vấn đề thầy nêu ra hồi đó. Hiện giờ cũng chưa ai giải thích được.
Thế là ước mơ thứ ba của tôi vẫn chưa đạt được kết quả! Tôi mong sau này ai đó sẽ giải thích được câu ca dao này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét